Cắt viện trợ của Mỹ sẽ chỉ kéo dài cuộc chiến ở Ukraine.

Tác giả Paul Poast....29 Tháng Ba, 2024.... World Politics Review.

Điều gì sẽ xảy ra nếu Mỹ bỏ rơi Ukraine? Các đảng viên Cộng hòa trong Quốc hội dường như quyết tâm không chú ý vào điều đó. Cuối tuần trước, Hạ viện đã thông qua một dự luật chi tiêu lưỡng đảng, nhằm ngăn chặn việc chính phủ bị đóng cửa trong gang tấc. Dự luật đó mang tính lưỡng đảng là điều quá sức đối với một số thành viên của đảng Cọng hòa (GOP), dân biểu Margorie Taylor Greene ngay lập tức kêu gọi loại bỏ Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson, một đảng viên Cộng hòa, vì đã táo bạo tìm kiếm phiếu bầu từ đảng Dân chủ để thông qua dự luật này.

Cánh MAGA của GOP đã gây ra việc lật đổ Chủ tịch Hạ viện trước đây, Kevin McCarthy, vào tháng 10 vì những lý do tương tự. Công việc của Johnson có lẽ vẫn an toàn vào lúc này. Nhưng mối đe dọa bị loại bỏ có thể khiến ông phải suy nghĩ kỹ trước khi cố gắng thúc đẩy viện trợ bổ sung cho Ukraine, điều mà ông cũng sẽ cần phiếu bầu từ đảng Dân chủ để vượt qua sự phản đối dữ dội từ chính các thành viên cực hữu này của Đảng Cộng hòa.

Sự thù địch của họ đối với việc dành ngân sách của Mỹ cho quốc phòng Ukraine, là tiếng vọng tình cảm đối với cựu Tổng thống Donald Trump, ứng cử viên được cho là của GOP trong cuộc bầu cử tổng thống năm nay, và là nhà lãnh đạo đảng Cộng hòa MAGA. Tại một cuộc vận động tranh cử ở Ohio cách đây hai tuần, Trump tuyên bố rằng, thay vì quyên góp viện trợ cho Ukraine, Mỹ nên cho Kyiv vay tiền, theo kiểu nói nước đôi.  Ông giải thích "Họ chống lại những ưu thế rất lớn. Nhưng nếu họ làm được, họ sẽ trả lại tiền cho chúng ta."

Cách tiếp cận đó dường như có một số sức hấp dẫn trong số những người ở Quốc hội trung thành với  Trump. Nhưng nếu điều đó xảy ra, các khoản vay này sẽ có lãi suất thấp hoặc không có gì cả, và việc cho vay chỉ dành cho phần tiền mà Kyiv không được xử dụng để mua trực tiếp vũ khí từ các nhà cung cấp vũ khí của Mỹ. Nói cách khác, việc chuyển đổi từ viện trợ sang cho vay sẽ mang tính biểu tượng hơn là thực chất.

Điều đó nói rằng, xét về mặt lịch sử, đề xuất cho vay là một cách nói tốt - hãy nghĩ đến chương trình Lend-Lease trong Thế chiến II, hoặc gói cho vay "Tự do" và "Chiến thắng" mở rộng mà Hoa Kỳ đã xử dụng trong Thế chiến I, để cung cấp hỗ trợ tài chính cho các đồng minh. Nhưng Trump có thể không quan tâm đến việc đi theo bước chân của tổng thống Franklin Delano Roosevelt hoặc Woodrow Wilson, những người đã hành động để khôi phục sự cân bằng quyền lực ở châu Âu và "làm cho thế giới an toàn với nền dân chủ". Thay vào đó, đề xuất này có thể là một cách khác để ông Trump và các đồng minh GOP của ông báo hiệu rằng, họ muốn Ukraine đàm phán với Nga và chấm dứt chiến tranh.

Theo logic này, viện trợ miễn phí của Mỹ đang giữ cho Ukraine chiến đấu chống lại Nga, vì vậy khiến Kyiv không sẵn sàng theo đuổi một giải pháp đàm phán với Moscow. Do đó, nếu nguồn viện trợ của Mỹ bị cắt đứt, khả năng chiến đấu của Ukraine cũng vậy, với kết quả cuối cùng, ít nhất về mặt lý thuyết, là một giải pháp hòa bình. Đây có thể là lý do tại sao Trump nói rằng, nếu đắc cử, ông sẽ kết thúc chiến tranh "trong vòng một ngày, 24 giờ".

Nhưng ngay cả khi mục đích là mang lại hòa bình, hiệu quả thực tế sẽ là kéo dài chiến tranh.

Trước hết, trong khi Mỹ đang cung cấp nhiều viện trợ nhất cho Ukraine, Kyiv vẫn nhận được một lượng viện trợ khá lớn từ châu Âu. Thật vậy, các nước châu Âu hiện đang tích cực khám phá các cơ chế để thúc đẩy việc trực tiếp mua thiết bị quân sự của Liên minh châu Âu, từ việc giải thích một cách sáng tạo các quy tắc tài chính của EU, đến tìm cách vay vốn cần thiết để tài trợ cho cuộc chiến. Điều này có nghĩa là nếu Mỹ cắt viện trợ cho Ukraine, châu Âu có thể sẽ tăng cường hỗ trợ, cho phép Kyiv tiếp tục chiến đấu.

Nhưng điều này cho thấy, ngay cả khi một ông Trump tái đắc cử không muốn tham gia vào cuộc chiến ở Ukraine, ông ta có thể có rất ít lựa chọn. Mặc dù châu Âu sẽ tăng cường hơn nữa, nhưng nó có thể sẽ không đủ để bù đắp hoàn toàn cho việc mất viện trợ của Mỹ. Thay vào đó, khả năng chiến đấu của Ukraine sẽ giảm dần. Cũng nên xem xét rằng Putin trước đây đã nói rõ rằng, y sẽ không tìm cách đàm phán với Ukraine, một phần vì y biết quân đội Ukraine đang cạn kiệt nguồn cung cấp. Vì vậy, thay vì kết thúc chiến sự nhanh chóng, việc cắt viện trợ của Mỹ chỉ đơn giản là khiến Nga phát động một cuộc tấn công mới to lớn hơn. Như Conner Echols của Responsible Statecraft đã viết, "Mặc dù Kyiv có thể vượt qua được sự ngắt quảng tài trợ ngắn ngủi, nhưng ngắt quảng trì hoãn lâu hơn hoặc thậm chí cắt giảm vĩnh viễn, sẽ buộc người Ukraine phải cắt giảm đáng kể các hoạt động quân sự của họ, làm tăng khả năng Nga có thể đảo ngược những thành tựu khó giành được của Ukraine ở miền đông đất nước này".

Sự phẫn nộ của người dân Mỹ được thúc đẩy bởi tin tức cho thấy dân thường Ukraine chạy trốn khỏi quân đội Nga, trong khi các thành phố của họ bị tàn phá hơn nữa, có thể là vượt quá mức để có thể làm ngơ, ngay cả đối với Trump. Như một nhà phân tích quân sự đã nói, "Những gì được nhìn thấy từ điều này sẽ rất khủng khiếp đối với Trump : màn hình TV sẽ kéo dài trong nhiều tháng chứa đầy hình ảnh các thành phố của Ukraine bị phá hủy vì thiếu hệ thống phòng không của Mỹ". Trump có thể sẽ nhạy cảm với những lời kêu gọi làm điều gì đó, thậm chí có thể coi đó là cơ hội để đóng vai anh hùng. Hãy xem xét cách thức, mặc dù tuyên bố ông sẽ không làm như vậy, nhưng ông đã cho phép đánh bom các tài sản quân sự của Syria vào năm 2017, sau khi thông tin tình báo và cảnh quay video xuất hiện cho thấy chế độ Assad đã xử dụng vũ khí hóa học chống lại dân thường của chính họ.

Rõ ràng, Mỹ bị đe dọa ở Ukraine nhiều hơn là bị nhìn dưới ánh mắt không tốt. Từ nhu cầu bảo vệ nguồn cung cấp lương thực toàn cầu đến bảo vệ đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ, có những lý do tư lợi cho chính nước Mỹ để ủng hộ Ukraine, mà ngay cả những người không quan tâm đến Hiến chương Liên Hiệp Quốc hoặc bảo vệ nền dân chủ, cũng có thể ủng hộ. Nhưng được nhìn thấy ra sao là một vấn đề quan trọng, đặc biệt là đối với một người như Trump, người coi thường vẻ ngoài yếu đuối.

Vì lý do đó, khó có khả năng ông Trump sẽ cắt đứt Ukraine nếu ông tái đắc cử vào tháng 11 tới. Nhưng ngay cả khi ông ta cố gắng, Mỹ rất có thể sẽ bị lôi kéo trở lại, ngay với cả khi Ukraine ở vào vị thế tồi tệ hơn, và cần các biện pháp rõ ràng và tuyệt vọng hơn, bao gồm cả khả năng khai triển các tài sản của Mỹ và NATO.

Tất cả những điều này nhấn mạnh cách thức mà cuộc chiến ở Ukraine trở nên bế tắc do thiếu một giải pháp dễ dàng. Ông Trump có thể nghĩ rằng, ông có thể cắt viện trợ cho Ukraine và chấm dứt chiến tranh trong vòng một ngày. Nhưng chiến tranh phức tạp hơn thế, và các yếu tố thúc đẩy sự tồn tại của chiến tranh là rất đáng lo ngại.

Về tác giả :

_ Paul Poast là phó giáo sư tại Khoa Chính trị học ở Đại học Chicago và là thành viên không thường trú tại Hội đồng Chicago về các vấn đề toàn cầu.


_ Trần H Sa lược dịch từ World Politics Review. .... 30/3/2024.

Bài đăng phổ biến từ blog này

Trung Quốc đang đụng đầu với khủng hoảng ?

Nỗi sợ ngân hàng gây thêm đau đầu cho nền kinh tế Trung Quốc.

Xung đột vũ trang ở Biển Đông.