Mỹ và Nhật Bản lên kế hoạch nâng cấp hiệp ước an ninh lên mức lớn nhất, trong hơn 60 năm qua.

Ông Biden và ông Kishida sẽ công bố động thái đối phó với Trung Quốc tại cuộc họp ở Tòa Bạch ốc vào tháng tới.

Tác giả Demetri Sevastopulo ở Washington và Kana Inagaki ở Tokyo. ..25/03/2024.... Theo Financial Times.

Mỹ và Nhật Bản đang lên kế hoạch nâng cấp liên minh an ninh của họ lên mức cao nhất, kể từ khi họ ký hiệp ước phòng thủ chung vào năm 1960, trong một động thái để chống lại Trung Quốc.

Tổng thống Joe Biden và Thủ tướng Fumio Kishida sẽ công bố kế hoạch tái cấu trúc bộ chỉ huy quân sự Mỹ tại Nhật Bản, để tăng cường việc lập kế hoạch hành quân và tập trận giữa hai quốc gia, theo năm nguồn thạo tin về tình hình. Họ sẽ công bố kế hoạch khi ông Biden tiếp đón ông Kishida tại Tòa Bạch ốc vào ngày 10/4.

Các đồng minh muốn tăng cường quan hệ an ninh của họ để đối phó với những gì mà họ coi là mối đe dọa ngày càng tăng từ Trung Quốc, qua đó đòi hỏi quân đội của họ phải hợp tác và lập kế hoạch liền mạch hơn, đặc biệt là trong một cuộc khủng hoảng như xung đột ở Đài Loan.

Trong khi ông Biden và ông Kishida sẽ thông báo sức mạnh của liên minh Mỹ-Nhật, hội nghị thượng đỉnh sẽ diễn ra chỉ sau vài tuần, từ khi Tổng thống Mỹ bày tỏ sự phản đối trước việc tập đoàn Nippon Steel của Nhật Bản mua lại US Steel. Sự can thiệp này được thiết kế để tăng cường sự ủng hộ của công đoàn trước cuộc bầu cử tháng Mười Một, nhưng mặt khác đã phần nào làm xấu đi sức mạnh của liên minh.

Trong vài năm qua, Nhật Bản đã tăng đáng kể khả năng an ninh của họ, chi tiêu nhiều hơn cho quốc phòng, bao gồm cả kế hoạch mua tên lửa hành trình Tomahawk của Mỹ. Quân đội Nhật Bản cũng đang thành lập một "Bộ Tư lệnh Tác chiến Chung" vào năm tới, để cải thiện sự phối hợp giữa các nhánh của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản.

Nhưng sự phối hợp giữa các đồng minh bị cản trở, vì Lực lượng Mỹ tại Nhật Bản (USFJ) đã thay đổi rất ít, so với những ngày mà quân đội Mỹ và Nhật Bản ít hoạt động cùng nhau, và có ít thẩm quyền chỉ huy và kiểm soát. Nhật Bản phải thảo luận nhiều hơn với bộ chỉ huy Ấn Độ  - Thái Bình Dương của Mỹ ở Hawaii, nơi có múi giờ chậm hơn Tokyo 19 tiếng và cách nó 6.200km.

Philip Davidson, người đã nghỉ hưu với tư cách là chỉ huy Ấn Độ - Thái Bình Dương vào năm 2021 cho biết, "Chính sách an ninh quốc gia mới của Nhật Bản là sự phát triển an ninh tích cực nhất ở Đông Á trong thế kỷ này. Thừa nhận rằng các chiến lược quốc phòng của hai quốc gia chúng ta đã hội tụ, khiến cho sự cải thiện trong chỉ huy và kiểm soát hàng ngày của chúng ta, là bước nối tiếp hợp lý ".

Tokyo từ lâu đã kêu gọi Mỹ trao cho vị tướng ba sao chỉ huy Lực lượng Mỹ tại Nhật Bản nhiều quyền hoạt động hơn, nói rằng cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn trên thực địa.

Một sự kiện gây xúc tác là trận động đất và sóng thần năm 2011, khi quân đội Mỹ và Nhật Bản thực hiện một chiến dịch giải cứu chung. Ryoichi Oriki, khi đó là Tham mưu trưởng Liên quân Phòng Vệ của Nhật Bản cho biết, mặc dù đó là một thành công, nhưng thật bất tiện khi phải phối hợp với Bộ Tư lệnh Ấn Độ -Thái Bình Dương ở Hawaii, chứ không phải là với chỉ huy Lực lượng Mỹ tại Nhật Bản, người đồng cấp hàng ngày của ông.

Tokyo nói rằng có một nhu cầu cấp thiết để đặt một sĩ quan cao cấp hơn của Mỹ ở Nhật Bản, khi nước này đảm nhận vai trò quốc phòng khu vực lớn hơn. Ông Oriki nói với Financial Times "Nó gửi một tín hiệu chiến lược mạnh mẽ tới Trung Quốc và Bắc Triều Tiên, và nó có ý nghĩa từ quan điểm răn đe, khi nói rằng Mỹ sẽ củng cố cấu trúc chỉ huy ở Nhật Bản". 

Một mô hình mà chính quyền Biden đang xem xét liên quan đến việc thành lập một lực lượng quân sự mới đặc nhiệm chung của Mỹ, sẽ trực thuộc Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ, một trong những thành phần thuộc bộ tư lệnh Ấn Độ - Thái Bình dương ở Hawaii. Vị tướng bốn sao chỉ huy của hạm đội sẽ dành nhiều thời gian ở Nhật Bản hơn so với hiện nay, và sẽ có một cấu trúc hỗ trợ nâng cao ở Nhật Bản. Theo thời gian, lực lượng đặc nhiệm, bao gồm các bộ phận khác nhau của quân đội Mỹ, sẽ chuyển sang Nhật Bản.

Christopher Johnstone, cựu quan chức cao cấp của Ngũ Giác đài và cơ quan CIA, cho biết việc nâng cấp bộ chỉ huy Mỹ sẽ là một "bước tiến lớn trong việc xây dựng một liên minh quân sự song phương đáng tin cậy hơn".

Johnstone, hiện đang làm việc tại tổ chức tư vấn CSIS cho biết "Việc cùng đưa ra các mệnh lệnh này, ít nhất là, sẽ đưa liên minh Mỹ-Nhật phần nào đến gần hơn với câu thần chú 'tối nay chiến đấu' của liên minh Mỹ với Hàn Quốc - phản ứng nhanh hơn và đáng tin cậy hơn, trong việc đối phó với các mối đe dọa trong khu vực. Điều này sẽ đóng góp to lớn vào việc răn đe trong khu vực".

James Schoff, một chuyên gia liên minh Mỹ-Nhật tại Quỹ Hòa bình Sasakawa của Mỹ, cho biết hai đồng minh cần tăng cường và làm rõ các mối quan hệ lãnh đạo và hành quân để lập kế hoạch trong cả thời bình lẫn thời kỳ khủng hoảng.

Ông Schoff nói thêm "Lãnh đạo Mỹ có khả năng 'đi lại thường xuyên' từ Hawaii đến Nhật Bản trong thời bình, nhưng họ sẽ cần một số loại nhân viên chung toàn thời gian, có trụ sở tại Nhật Bản để lập kế hoạch, tạo điều kiện và xây dựng lòng tin với các đối tác Nhật Bản, dành cho một loạt các nhiệm vụ thực tiễn song phương ".

Những người quen thuộc với tình hình cảnh báo rằng các mô hình khác cũng có thể được xem xét, bao gồm cả khả năng nâng cấp Lực lượng Mỹ tại Nhật Bản. Ngũ Giác đài có một số cách nào đó để đưa ra bất kỳ quyết định nào, bao gồm cả ý tưởng về lực lượng đặc nhiệm, được đề xuất bởi Đô đốc John Aquilino, Tư lệnh Ấn Độ -Thái Bình Dương. Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin cũng muốn cho Đô đốc Samuel Paparo, người sẽ kế nhiệm ông Aquilino vào tháng Năm, một cơ hội để cân nhắc sau khi ông đảm nhận vai trò này.

Các bộ trưởng ngoại giao và quốc phòng Mỹ và Nhật Bản cũng dự kiến sẽ cùng nhau thảo luận vấn đề này vào cuối năm nay.

Tòa Bạch ốc,  Ngũ Giác đài và Bộ Tư lệnh Ấn độ - Thái Bình dương từ chối bình luận. Chính phủ Nhật Bản cũng không bình luận.

Bất cứ mô hình nào được chọn cũng sẽ phức tạp vì các vấn đề về tài nguyên, cơ sở hạ tầng và các vấn đề liên quan đến hệ thống phân cấp của quân đội. Cũng có thể sẽ có những va chạm về trách nhiệm giữa các quân chủng khác nhau trong quân đội Mỹ.

Tokyo đã thúc đẩy một vị chỉ huy bốn sao của Mỹ tại Nhật Bản. Nhưng ý tưởng này vấp phải sự phản đối, bao gồm ở quốc hội Mỹ. Jack Reed, người đứng đầu ủy ban quân vụ Thượng viện của đảng Dân chủ, gần đây đã nói với nhóm ký giả Quốc phòng rằng, Aquilino đã làm một công việc "tuyệt vời" khi ông giao tiếp  với Nhật Bản và cấu trúc hiện tại là "đầy đủ".

Khi được FT hỏi liệu một sĩ quan bốn sao có cần thiết ở Nhật Bản hay không, Reed nói thêm: "Có thể trong tương lai, nhưng ngay bây giờ tôi nghĩ rằng chúng tôi có cấu trúc chỉ huy để thực hiện một phản ứng có hiệu quả."


_ Tác giả Demetri Sevastopulo ở Washington và Kana Inagaki ở Tokyo.


Trần HSa lược dịch từ Financial Times. ... 26/3/2024.



Bài đăng phổ biến từ blog này

Trung Quốc đang đụng đầu với khủng hoảng ?

Nỗi sợ ngân hàng gây thêm đau đầu cho nền kinh tế Trung Quốc.

Xung đột vũ trang ở Biển Đông.