Các mạng lưới Trung Quốc dọn sạch tiền bẩn có quy mô lớn bằng cách nào.

Những "ngân hàng" bóng tối này đang trở thành những nhà tài chính được các băng nhóm tội phạm xuyên quốc gia lựa chọn.
 
The Economist ...Ngày 22 Tháng Tư,  2024.

Ngày nay,  đúng là hiếm thấy Mỹ và Trung Quốc hợp tác về bất cứ thứ gì.  Trong chuyến thăm ba ngày tới Bắc Kinh và Thượng Hải, bắt đầu từ ngày 24 / 04, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken sẽ thúc ép nước chủ nhà ngừng gửi những vật liệu liên quan đến vũ khí cho các ngành công nghiệp quốc phòng của Nga.  Sẽ là may lắm ông ấy mới nhận được một nụ cười lịch sự.  Vì vậy, thật đáng chú ý khi hai nước gần đây đã quyết định tăng cường hỗ trợ lẫn nhau trong một lĩnh vực khác : cuộc chiến chống rửa tiền. Trong tháng này, họ đã khởi động một diễn đàn song phương mới để thảo luận về vấn đề này. Không giống như Nga, nó là một điều to lớn đối với cả hai nước.

Mối đe dọa đã gia tăng trong những năm gần đây, được thúc đẩy bởi các mạng lưới ngầm của Trung Quốc được trang bị các công nghệ mới, qua đó có thể cho phép rửa sạch tiền bẩn trong vài phút. Đối với các băng nhóm tội phạm xuyên quốc gia trên toàn thế giới, những "ngân hàng" bóng tối này đang trở thành những nhà tài chính được lựa chọn. Trấn áp bọn họ đòi hỏi hai siêu cường phải nói chuyện. Về điều đó, ít nhất, họ đồng ý.

Ở Mỹ,  mối đe dọa là vấn đề sinh tử. Trong 12 tháng tính đến tháng 11/2023, hơn 105.000 người Mỹ đã thiệt mạng do xử dụng ma túy quá liều,  chủ yếu là fentanyl và các loại thuốc phiện tổng hợp khác được buôn lậu vào Mỹ từ Mexico. Con số người chết bất hạnh đó cao gấp đôi so với tính đến tháng 11 năm 2015. Các ngân hàng ngầm của Trung Quốc đóng một vai trò quan trọng trong việc này, bằng cách cho phép các băng nhóm ở Mexico rửa tiền thu được của họ một cách nhanh chóng,  và với chi phí rất thấp.

Trong một bài báo được xuất bản vào năm 2021 bởi Tạp chí Tình báo Mỹ, Virginia Kent của Bộ Ngoại giao và Robert Gay của Đại học Tình báo Quốc gia ở Maryland đã viết về một "cuộc đảo chính không đổ máu" bởi các tổ chức xử lý tiền của Trung Quốc, lưu ý rằng, trong những năm gần đây, họ đã thay thế phần lớn những tổ chức cây nhà lá vườn ở Mexico trước đây được xử dụng cho mục đích này. Các tác giả (bày tỏ quan điểm cá nhân của họ) gọi các nhà khai thác Trung Quốc này là "một kẻ thù rửa tiền mới và nhiều thách thức hơn".

Chính phủ Mỹ đã gióng lên hồi chuông cảnh báo. Trong “Đánh giá rủi ro rửa tiền quốc gia” năm 2022,  Bộ Tài chính Hoa Kỳ nhấn mạnh sự liên quan với nguồn tài chính bất hợp pháp của Trung Quốc, nói rằng những kẻ buôn bán ma túy đang ngày càng xử dụng nó nhiều hơn. Báo cáo như vậy mới nhất, được công bố vào tháng 2, cho biết các tổ chức rửa tiền của Trung Quốc đã trở nên “phổ biến hơn” và hiện là “một trong những đối tượng chính rửa tiền một cách chuyên nghiệp ở Hoa Kỳ và trên toàn cầu”.

Các cơ quan chức năng khác cũng đã vào cuộc. Năm 2019, Europol, cơ quan cảnh sát của Liên minh châu Âu, cho biết hoạt động rửa tiền của các nhóm tội phạm châu Á, đặc biệt là các nhóm Trung Quốc, là “mối đe dọa ngày càng tăng đối với châu Âu”. Họ gọi các băng đảng Trung Quốc là “cực kỳ linh hoạt” và nói rằng họ đang xử lý “những số tiền thu được đáng kể” từ nhiều hoạt động tội phạm trên lục địa châu Âu. Vào tháng 1, Cơ quan thuộc Liên hiệp quốc về Ma túy và Tội phạm (UNODC) đã báo cáo về một “cuộc cách mạng” đang diễn ra trong “kiến trúc ngân hàng ngầm” ở Đông Nam Á, liên quan đến mọi thứ từ sòng bạc đến tiền điện tử. Các chi tiết mà họ cung cấp cho thấy các băng đảng Trung Quốc đang đứng hàng đầu.

Sự lo lắng của Trung Quốc cũng là điều hiển nhiên. Họ lo lắng về đường dẫn do các ngân hàng ngầm cung cấp để trốn tránh các biện pháp kiểm soát ngoại hối nghiêm ngặt của Trung Quốc (dòng vốn chảy ra ngoài, thậm chí bằng các phương tiện hợp pháp, là một vấn đề đau đầu dai dẳng: xem biểu đồ). Người Trung Quốc đại lục không được phép gửi  ra nước ngoài hơn 50.000 USD mỗi năm. Đối với nhiều người Trung Quốc giàu có, điều đó là không đủ.

Người Trung Quốc thường tìm đến các tổ chức tài chính bất hợp pháp không phải để rửa tiền, mà để chuyển một phần tài sản của họ ra nước ngoài.  Nhu cầu như vậy chỉ có khả năng tăng lên khi nền kinh tế Trung Quốc suy thoái.  Một số người trong bọn họ là tội phạm, bao gồm cả những quan chức tham nhũng muốn cất giữ những khoản lợi bất chính của chúng ở một nơi nào đó ngoài tầm với của cảnh sát Trung Quốc.  Chúng có lý do để lo lắng: nhà lãnh đạo Trung Quốc, Tập Cận Bình, đang tiến hành một cuộc chiến khốc liệt chống hối lộ. Vào năm 2022, văn phòng công tố trưởng Trung Quốc cho biết các nỗ lực chống rửa tiền là một phần trong “chiến lược quan trọng của quốc gia nhằm duy trì an ninh chính trị và an toàn tài chính của đất nước”.  Theo truyền thông nhà nước, Trung Quốc đang thực hiện những thay đổi lớn nhất đối với đạo luật chống rửa tiền kể từ khi nó có hiệu lực vào năm 2007.  Những thay đổi này có thể bao gồm các điều khoản mới liên quan đến tiền điện tử,  việc giao dịch loại tiền này đã bị cấm hoàn toàn ở Trung Quốc cách đây ba năm.

Một số lực lượng đang làm cho vấn đề khó giải quyết hơn nhiều. Đầu tiên là sự phát triển nhanh chóng của nền văn hóa ngân hàng phi chính thức có từ hàng thế kỷ trước,  dựa trên cái thường được gọi là hệ thống feiqian (“tiền bay”). Nguồn gốc của nó không liên quan gì đến tội phạm. Nó bắt đầu như một cách để các nhà giao dịch thanh toán tài khoản mà không cần phải mang theo tiền mặt khi đi đường dài. Giống như hệ thống chuyển nhượng (hawala) phổ biến ở Trung Đông và Nam Á, hệ thống feiqian phụ thuộc vào niềm tin: một khoản tiền trao đổi giữa hai bên ở một địa điểm, sẽ được khớp với một giao dịch tương đương ở một địa điểm khác.

Ở Trung Quốc, đặc biệt là trong số các doanh nghiệp ở dọc duyên hải, feiqian vẫn được xử dụng phổ biến như một cách để thực hiện các giao dịch quốc tế một cách nhanh chóng, mà không gặp trở ngại ở các ngân hàng quan liêu.  Người lao động Trung Quốc ở nước ngoài thường xử dụng những phương pháp như vậy để gửi tiền về nước. Việc xử dụng WeChat gần như phổ biến của người Trung Quốc trên toàn cầu, một ứng dụng nhắn tin thường được liên kết với tài khoản ngân hàng của mọi người, đã thúc đẩy hệ thống feiqian.

Dịch bệnh nghiện thuốc có phiện (opioid) ở Mỹ đã khiến nó bùng phát mạnh mẽ hơn.  Một phần trong số hàng tỷ đô la tiền mặt được tạo ra bởi nhu cầu ma túy sẽ được chuyển lậu trở lại các băng đảng ở Mexico với rủi ro đáng kể. Một số được trao tay cho những kẻ rửa tiền ở Mexico, những kẻ tính phí hoa hồng cao: thường từ 8% đến 12%, theo bài báo của bà Kent và ông Gay. Các công ty rửa tiền Trung Quốc cung cấp một lựa chọn rẻ hơn nhiều, thậm chí gần như miễn phí.

Điều này được thực hiện nhờ hệ thống feiqian và nhu cầu to lớn của người Trung Quốc muốn tiếp cận nhiều đô la hơn,  so với mức chính phủ của họ cho phép. Những kẻ rửa tiền Trung Quốc lấy tiền từ khách mua ma túy rồi bán đi, lấy nhân dân tệ với lợi nhuận cao: feiqian cho phép người mua ở Mỹ gửi số tiền tương đương bằng nhân dân tệ từ tài khoản ngân hàng của họ ở Trung Quốc, đến một hoặc nhiều tài khoản ở Trung Quốc do những kẻ rửa tiền kiểm soát. Không có đồng tiền nào xuyên biên giới, loại hình hoán đổi này cực kỳ khó bị các nhà điều tra Mỹ phát hiện. Các khoản tiền này thường được chia thành những số tiền nhỏ hơn để cũng không thu hút sự chú ý của các cơ quan thực thi pháp luật Trung Quốc. Đồng nhân dân tệ ở Trung Quốc sau đó có thể được xử dụng ở Trung quốc để mua hàng hóa rồi được vận chuyển đến Mexico, sau đó bán ra lấy đồng peso của Mexico rồi giao cho các băng đảng. Quá trình chuyển giao đồng peso hiệu quả đến mức diễn ra gần như ngay lập tức sau khi nhận được đô la bẩn.

Những con buôn phi pháp ở châu Âu cũng đang nắm bắt ý tưởng này. Vào tháng Mười, cảnh sát ở Ý đã bắt giữ 33 người bị cáo buộc liên quan đến việc rửa hơn 50 triệu euro (53 triệu đô la) cho những kẻ buôn bán ma túy, bao gồm 'Ndrangheta, một băng đảng mafia Ý kiểm soát phần lớn hoạt động kinh doanh cocaine trị giá hàng tỷ đô la của châu Âu. Trong số những người bị giam giữ có bảy công dân Trung Quốc. Một sĩ quan Ý phụ trách chiến dịch đã gợi ý với Reuters, một hãng thông tấn, rằng số tiền được xử lý bởi những kẻ bị cáo buộc rửa tiền có lẽ lớn hơn nhiều so với những gì cảnh sát đã phát hiện ra. Cũng trong tháng đó, cảnh sát ở Ý và Tây Ban Nha đã bắt giữ 78 người vì bị cáo buộc tham gia vào một mạng lưới buôn bán cần sa. Europol cho biết tổ chức này có sự tham gia của nhiều người thuộc nhiều quốc tịch, bao gồm cả người Albania và Morocco. Các khoản thanh toán cho các lô hàng ma túy được xử lý bởi các chủ ngân hàng Feiqian Trung Quốc.

Ở Đông Nam Á, các chính phủ phải đối mặt với "những thách thức chưa từng có" từ tội phạm xuyên quốc gia có tổ chức, theo Cơ quan thuộc Liên hiệp quốc về Ma túy và Tội phạm.  Singapore, nơi đã bị rung chuyển trong những tháng gần đây bởi vụ bê bối rửa tiền lớn nhất. Nó liên quan đến việc tịch thu hoặc đóng băng hơn 2 tỷ đô la được giữ trong tài khoản ngân hàng hoặc dưới dạng tài sản như các bất động sản xa xỉ, xe hơi và vàng. Trong tháng này, một tòa án ở Singapore đã kết án hai trong số mười công dân Trung Quốc (một số người trong số họ cũng có hộ chiếu nước khác) bị bắt liên quan đến vụ án. Cặp đôi này đã bị kết án 13 tháng 14 tháng tù. Một tài sản bị tịch thu trị giá hơn 120 triệu USD.

Cơ quan thuộc Liên hiệp quốc về Ma túy và Tội phạm  cho biết tội phạm có tổ chức trong khu vực đã phát triển mạnh nhờ "mức kỷ lục" sản xuất ma túy tổng hợp ở "Tam giác vàng" thuộc Lào, Myanmar và Thái Lan. Chúng đã được phục vụ bởi các mạng lưới ngân hàng ngầm đang phát triển nhanh chóng, vốn xử dụng sòng bạc, các nền tảng cá cược trực tuyến và tiền điện tử để rửa tiền của những con buôn phi pháp. Những nỗ lực của Trung Quốc nhằm ngăn chặn công dân họ tiếp cận tất cả những điều này (ví dụ, cảnh báo rằng việc đi đến các sòng bạc ở nước ngoài có thể bị cảnh sát Trung Quốc coi là bất hợp pháp) đã không chấm dứt được vấn đề. Cơ quan thuộc Liên hiệp quốc về Ma túy và Tội phạm cho biết "Chưa bao giờ dễ dàng hơn để thiết lập một hoạt động sòng bạc trực tuyến với chuyên môn kỹ thuật hạn chế và vốn đầu tư từ trên trời, bất kể luật cờ bạc trong một khu vực tài phán nhất định".

Nó cũng dễ dàng để kết nối với các nhà môi giới Trung Quốc. Những nơi cung cấp dịch vụ của họ có rất nhiều trên các phương tiện truyền thông xã hội như Facebook và WeChat. Các chủ ngân hàng ngầm (trên trực tuyến thường được gọi là chedui, hoặc đoàn xe hộ tống) xử dụng các nền tảng internet như vậy để tuyển dụng mọi người làm "những con la chở tiền", vì những người đó được biết cho phép tài khoản ngân hàng của họ được xử dụng để rửa tiền. Họ thường nhắm mục tiêu vào những sinh viên Trung Quốc ở nước ngoài, những người có thể bị thu hút bởi hoa hồng và không nhận thức được rủi ro bị cảnh sát bắt hoặc bị lừa đảo. Vào tháng 12, Europol tuyên bố đã xác định được gần 11.000 con la chở tiền và 500 nhà tuyển dụng ở 26 quốc gia, dẫn đến việc bắt giữ hơn 1.000 người trên khắp thế giới.

Năm 2022, cảnh sát Trung Quốc đã phát động chiến dịch chống rửa tiền kéo dài 3 năm, cho đến nay đã đưa hơn 2.300 người ra tòa. Một trường hợp, được công bố vào tháng 12, liên quan đến việc bắt giữ 74 người trong 17 chính quyền cấp tỉnh bị nghi ngờ xử lý gần 16 tỷ nhân dân tệ (2,1 tỷ USD) trong các giao dịch kiểu Feiqian. Họ bị cáo buộc đã chuyển tiền qua hơn 1.000 tài khoản ngân hàng,  mỗi tài khoản có doanh thu trung bình hàng ngày là 3 triệu nhân dân tệ.  Đây là phần nổi của tảng băng chìm, Mỹ cho biết hơn 150 tỷ đô la tiền thu được bất hợp pháp di chuyển qua Trung Quốc hàng năm.

Thỏa thuận của Trung Quốc với Mỹ nhằm tăng cường hợp tác trong cuộc chiến chống rửa tiền đã được Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen công bố trong chuyến thăm Bắc Kinh hồi đầu tháng này.  Bà nói, "đất nước của bà, không thể làm điều đó một mình". Bà cho biết những điểm yếu trong chế độ quản lý tài chính ở Trung Quốc và các nước khác đang giúp các băng đảng tội phạm liên quan đến mọi thứ, từ buôn người đến lừa đảo. Nhưng ngay cả với ý chí tốt nhất trên thế giới, sẽ rất khó để kiểm soát một vấn đề toàn cầu quá lớn, quá phức tạp và dễ dàng che giấu như rửa tiền chuyên nghiệp đã tiến hành. Đối với các quan chức ở hai quốc gia cảnh giác lẫn nhau vốn có ít kinh nghiệm thực thi pháp luật chung, điều đó sẽ còn khó khăn hơn.

_ Trần H Sa lược dịch từ The Economist... 23 / 04 / 2024.

Bài đăng phổ biến từ blog này

Trung Quốc đang đụng đầu với khủng hoảng ?

Nỗi sợ ngân hàng gây thêm đau đầu cho nền kinh tế Trung Quốc.

Xung đột vũ trang ở Biển Đông.