Mỹ và Philippines tiến hành tập trận quân sự chung mang tên Balikatan, ở Biển Đông.

Cuộc tập trận hàng năm này sẽ bao gồm lực lượng bảo vệ bờ biển, là lực lượng ở tuyến đầu trong các cuộc đụng độ gần đây với Bắc Kinh.

Tác giả Kathrin Hille ở Đài Bắc... 22 / 04/ 2024. Financial Times.

Hôm thứ Hai,  Philippines và Hoa Kỳ đã khởi động cuộc tập trận quân sự kéo dài ba tuần, tạo thêm căng thẳng trong mối quan hệ của hai nước với Trung Quốc.

Cuộc tập trận Balikatan năm nay, cuộc tập trận quân sự thường niên lớn nhất của các đồng minh, sẽ bao gồm đi tàu chung bên ngoài lãnh hải của Philippines, ở Biển Đông đang tranh chấp. Hải quân Pháp, lần đầu tiên tham gia Balikatan, và hải quân Úc cũng sẽ tham gia cuộc diễn tập.

Trong khi Mỹ và Philippines đã nối lại các cuộc tuần tra hải quân chung trong khu vực vào năm ngoái, và trong quá khứ Mỹ đã đi tàu đến đó với các đồng minh và các đối tác khác, đây sẽ là lần đầu tiên mà cuộc tập trận Balikatan mở rộng ra ngoài khơi bờ biển Philippines, bên ngoài hải phận 12 hải lý và đi vào vùng biển mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền.

Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền gần như toàn bộ Biển Đông, bất chấp phán quyết của tòa án trọng tài năm 2016 vốn bác bỏ các yếu tố chính trong yêu sách của họ, và nhận thấy việcTrung quốc xử dụng vùng biển này đã vi phạm quyền của Manila theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển.

Sáu tàu bảo vệ bờ biển của Philippines cũng sẽ tham gia cuộc tập trận, lần đầu tiên mà cơ quan này -  vốn ở tuyến đầu trong các cuộc đụng độ thường xuyên với Trung Quốc trong năm qua -  được đưa vào cuộc tập trận quân sự.

Các tàu bảo vệ bờ biển Trung Quốc đã xử dụng các phương tiện bạo lực ngày càng tăng như vòi rồng,  để làm gián đoạn các nhiệm vụ tiếp tế thường xuyên của Manila cho một tiền đồn của Thủy quân lục chiến Phi,  trên một tàu chiến cũ bị mắc kẹt trên Bãi cạn Second Thomas. Bãi cạn này nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines, nhưng Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với nó.

Liên quan đến Balikatan, Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuần trước đã cảnh báo Philippines rằng "giao an ninh cho các lực lượng bên ngoài khu vực sẽ chỉ dẫn đến tình trạng mất an ninh lớn hơn và biến mình thành quân cờ của người khác".

Đại tá Michael Logico,  giám đốc Trung tâm Huấn luyện Chung và Liên hợp của quân đội Philippines, cho biết mọi quốc gia đều có quyền tự vệ. "Chúng tôi không nản lòng trước những gì mà các nước khác nghĩ về những gì chúng tôi đang làm", ông nói thêm.

Một thành phần được theo dõi chặt chẽ khác của cuộc tập trận sẽ là hệ thống tên lửa chiến lược tầm trung,  được gọi là Typhon,  có tầm bắn lên tới 2.500 km. Quân đội Mỹ đã vận chuyển hệ thống này bằng máy bay tới Philippines trong tháng này, lần khai triển đầu tiên hệ thống như vậy ở Ấn Độ -Thái Bình Dương. Tên lửa tầm trung phóng từ mặt đất đã bị cấm theo Hiệp ước Lực lượng Hạt nhân Tầm trung, nhưng hiệp ước đã sụp đổ vào năm 2019 sau khi cả Mỹ và Nga rời khỏi nó.

Các quan chức Mỹ và Philippines cho biết Balikatan sẽ chỉ có các cuộc tập trận với Typhon ở tính năng hậu cần, chẳng hạn như di chuyển nhanh hệ thống phóng khi bị đe dọa, mà sẽ không có phóng tên lửa.

Quân đội Philippines cũng sẽ thực hành theo dõi và nhắm mục tiêu vào các mối đe dọa trên không và mối đe dọa tên lửa, chiếm lại các hòn đảo bị kẻ thù chiếm đóng ở phía cực bắc Philippines,  ngay phía nam Đài Loan,  và đánh chìm một con tàu ngoài khơi bờ biển đối diện với Biển Đông,  mở rộng các cuộc tập trận hồi năm ngoái.

Cuộc tập trận năm 2023 đánh dấu sự mở rộng và làm sâu sắc đáng kể liên minh quân sự Philippines-Mỹ,  tăng gấp đôi số lượng binh sĩ tham gia và lần đầu tiên bao gồm các đảo lân cận Đài Loan, nơi mà trước đây được coi là quá nhạy cảm. Nó cũng bao gồm các căn cứ của Philippines mà quân đội Mỹ chỉ mới được tiếp cận gần đây.

Cuộc tập trận năm nay, với gần 17.000 binh sĩ,  sẽ có quy mô tương tự, nhưng Trung tướng William Jurney, chỉ huy Thủy quân lục chiến Mỹ ở Thái Bình Dương, gọi đây là cuộc tập trận "mở rộng nhất" vì các cuộc tập trận sẽ phức tạp hơn.

Cuộc tập trận trùng với một hội nghị thường niên của Hải quân Trung Quốc, với sự tham dự của các sĩ quan quân đội cao cấp bao gồm cả từ phía Mỹ. Động thái này cũng diễn ra trong bối cảnh Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đang trên đường tới Trung Quốc vào hôm thứ Tư, trong nỗ lực mới nhất của hai nước nhằm quản lý các mối quan hệ căng thẳng.

_ Tác giả Kathrin Hille.

_ Trần H Sa lược dịch từ Financial Times. ... 22 / 04 / 2024.

Bài đăng phổ biến từ blog này

Trung Quốc đang đụng đầu với khủng hoảng ?

Nỗi sợ ngân hàng gây thêm đau đầu cho nền kinh tế Trung Quốc.

Xung đột vũ trang ở Biển Đông.