Giữ vững tinh thần khi đối mặt với các mối đe dọa hạt nhân của Nga.

Tác giả Steven Pifer.....Ngày 8 Tháng Năm, 2024. ...Viện Brookings.

Nga một lần nữa nêu lên viễn cảnh chiến tranh hạt nhân với liên quan đến Ukraine. Ngày 6 / 5, Bộ Quốc phòng Nga công bố một cuộc tập trận gần Ukraine liên quan đến khả năng xử dụng vũ khí hạt nhân phi chiến lược (chiến thuật). Điều này diễn ra trong bối cảnh quân đội Nga đang phải vật lộn để đạt được những thắng lợi quan trọng trên chiến trường,  trong khi phương Tây tiếp tục hỗ trợ Kyiv bằng vũ khí và đạn dược.

Điện Kremlin tìm cách khiến cả người Ukraine lẫn phương Tây lo lắng, nhưng trên thực tế  việc xử dụng vũ khí hạt nhân phi chiến lược - những vũ khí có đầu đạn nhỏ hơn và được dự định xử dụng trên chiến trường ở Ukraine -  sẽ mâu thuẫn với cả học thuyết của Nga lẫn bình luận của chính Tổng thống Nga Vladimir Putin. Hơn nữa, việc Nga xử dụng vũ khí hạt nhân chống lại Ukraine sẽ làm tăng viễn cảnh của cái giá phải trả đáng kể và khó lường cho Moscow.

Điều gì đã thúc đẩy mối đe dọa?

Hơn 26 tháng đã trôi qua kể từ khi Nga phát động cuộc xâm lược toàn diện, biến cuộc xung đột Nga-Ukraine âm ỉ thành cuộc chiến lớn nhất và đẫm máu nhất ở châu Âu kể từ Thế chiến II. Trong khi quân đội Nga năm nay dường như có đà tiến, quân đội của họ đã thất bại trong việc biến những thành tựu chiến thuật ở khu vực Donbas, chẳng hạn như việc chiếm được thị trấn Avdiivka vào tháng Hai, thành một bước đột phá to lớn.

Hơn nữa, hai tuần qua đã mang lại tin tức khó chịu cho Điện Kremlin. Quốc hội Mỹ cuối cùng đã thông qua khoản viện trợ 61 tỷ USD cho Ukraine và Tòa Bạch ốc đã nhanh chóng thông báo phân bổ vũ khí trị giá 7 tỷ USD. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron khẳng định không loại trừ khả năng gửi Quân đội Pháp đến Ukraine, mặc dù Paris phủ nhận rằng quân đội Pháp đã ở trong nước này.  Ngoại trưởng Anh David Cameron tiết lộ rằng London sẽ cho phép Kyiv xử dụng vũ khí do Anh cung cấp để: tấn công các mục tiêu ở Nga.

Thông báo của Bộ Quốc phòng Nga nói rằng ông Putin đã chỉ đạo cuộc tập trận để "tăng cường sự sẵn sàng của các lực lượng hạt nhân phi chiến lược nhằm thực hiện các nhiệm vụ chiến đấu". Nga sẽ tiến hành cuộc tập trận ở Quân khu phía Nam, tiếp giáp với Ukraine và quân khu này có trách nhiệm đáng kể trong việc chỉ huy và hỗ trợ các lực lượng Nga chiến đấu ở đó.

Vì vậy, chúng ta nên lo lắng như thế nào?
Có lẽ một chút, nhưng không quá nhiều.

Như Lawrence Freedman lưu ý, việc xử dụng vũ khí hạt nhân phi chiến lược trên thực tế ở Ukraine sẽ không phù hợp với học thuyết hạt nhân của Nga và với những gì chính ông Putin đã nói. Tuyên bố chính sách hạt nhân năm 2020 của Nga nêu ra rằng Điện Kremlin có thể xử dụng vũ khí hạt nhân trong trường hợp "Liên bang Nga bị xâm lược bằng vũ khí thông thường, khi mà sự sống còn của nhà nước đang gặp nguy hiểm". Không có nhà phân tích quân sự nghiêm túc nào tin rằng sự sống còn của Nga đang bị đe dọa.

Freedman chỉ ra rằng khi Putin nêu lên vũ khí hạt nhân, ông ta trực tiếp đe dọa chống lại Mỹ và các đồng minh đang hỗ trợ Ukraine, chứ không phải chống lại chính Ukraine. Ông ta tìm cách can ngăn những người ủng hộ Kyiv tránh đưa lực lượng của họ tham gia vào cuộc xung đột -  điều mà các đối tác của Ukraine, không tính nhận xét của Macron, dường như không xem xét.  Kể từ tháng 9 / 2022, khi lo ngại về khả năng Nga xử dụng vũ khí hạt nhân lên đến đỉnh điểm, Tổng thống Putin đã nhiều lần phủ nhận ý định xử dụng vũ khí hạt nhân chống lại Ukraine, gần đây nhất là trong một cuộc phỏng vấn hồi tháng 3, trong đó ông ta nhận xét "Vì vậy, tại sao chúng tôi cần xử dụng vũ khí hủy diệt hàng loạt [ở Ukraine]? Chưa bao giờ có nhu cầu như vậy".

Vào tháng 10 và tháng 11 / 2022,  Moscow dường như nhận ra rằng các mối đe dọa hạt nhân của họ không đạt được mục tiêu. Thứ nhất, chúng không ảnh hưởng đến quyết tâm tiếp tục chiến đấu của Kyiv. Người Ukraine coi cuộc chiến này là sống còn. Nếu họ thua, Ukraine như họ biết sẽ biến mất. Mối đe dọa xử dụng vũ khí hạt nhân phi chiến lược dường như không làm thay đổi quyết tâm của họ, và các hoạt động quân sự của Ukraine không đưa ra các mục tiêu rõ ràng khiến có thể biện minh cho một cuộc tấn công hạt nhân.

Thứ hai, mặc dù những lo ngại về khả năng Nga xử dụng vũ khí hạt nhân đã làm chậm các quyết định của phương Tây về việc cung cấp vũ khí cho Ukraine, nhưng chúng  đã không ngăn cản những quyết định đó. Ukraine đang nhận được vũ khí ngày càng tinh vi, với máy bay chiến đấu F-16 sắp xuất hiện. Khi các mối đe dọa hạt nhân của Nga đạt đỉnh điểm vào mùa thu năm 2022, các quan chức phương Tây công khai cảnh báo chống lại việc xử dụng vũ khí hạt nhân, trích dẫn những "hậu quả nghiêm trọng" mặc dù không xác định chính xác những hậu quả đó.  Mỹ, Anh và Pháp - ba quốc gia NATO có vũ khí hạt nhân  -  được cho là đã gửi tới Moscow các thông điệp riêng được phối hợp, nhấn mạnh những rủi ro.

Mặc dù không ảnh hưởng đến sự thay đổi thực sự trong chính sách của Ukraine hoặc phương Tây, nhưng các mối đe dọa hạt nhân đã báo động các quốc gia khác vốn quan trọng đối với Moscow, đặc biệt là Trung Quốc và Ấn Độ.  Putin dường như đã thích nghi với thực tế là ông ta bị phương Tây tẩy chay. Tuy nhiên, việc xử dụng vũ khí hạt nhân trong một cuộc chiến tranh thông thường mà ông ta khởi đầu, rất có thể sẽ khiến Putin trở thành một kẻ bị ruồng bỏ trên toàn cầu. Ông ấy rất muốn tránh điều đó.

Chiếc hộp Pandora.

Các quan chức Nga cũng phải xem xét rằng việc xử dụng vũ khí hạt nhân, chống lại bất kỳ mục tiêu nào, sẽ mở ra một chiếc hộp Pandora chứa đầy những hậu quả khó lường, nhưng có khả năng rất đáng kể. Không ai biết điều gì sẽ xảy ra. Vũ khí hạt nhân đã không được xử dụng trong sự giận dữ gần 79 năm qua -  và hồi đó nó được xử dụng bởi Hoa Kỳ, khi đó là quốc gia duy nhất có vũ khí hạt nhân, không phải trong một thế giới có nhiều quốc gia có vũ khí hạt nhân như hiện nay. Những rủi ro và cái giá phải trả tiềm tàng từ một hành động như vậy đối với Moscow sẽ là rất lớn. Tại sao Putin lại có cơ hội làm như vậy khi lãnh thổ Nga chưa và gần như chắc chắn sẽ không bị mất?

Putin không muốn chiến tranh hạt nhân. Ông ta muốn Ukraine và phương Tây tin rằng ông sẵn sàng mạo hiểm để làm suy yếu quyết tâm và sự kiên quyết của họ. Tất nhiên, đúng là có thể gây lo lắng khi một quốc gia hạt nhân giương cao thanh gươm hạt nhân của mình, đặc biệt là chống lại một nước láng giềng hòa bình mà nó đã xâm lược. Nhưng Ukraine và phương Tây có thể chọn cách giữ vững tinh thần của họ.


_ Tác giả Steven Pifer là thành viên cao cấp không thường trú ở Foreign Policy, Trung tâm Hoa Kỳ và Châu Âu, Trung tâm Strobe Talbott về An ninh, Chiến lược và Công nghệ, Kiểm soát Vũ khí và Sáng kiến Không phổ biến vũ khí giết người hàng loạt.

_Viện Brookings là một tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại Washington, D.C. Nhiệm vụ của Viện là tiến hành nghiên cứu chuyên sâu, phi đảng phái để cải thiện chính sách và quản trị ở cấp địa phương, cấp quốc gia và toàn cầu.

_ Trần H Sa lược dịch từ Viện Brookings. ... 12 / 05 / 2024.

Bài đăng phổ biến từ blog này

Trung Quốc đang đụng đầu với khủng hoảng ?

Nỗi sợ ngân hàng gây thêm đau đầu cho nền kinh tế Trung Quốc.

Xung đột vũ trang ở Biển Đông.