Việt Nam đang nóng lên với vũ khí theo mô hình NATO ? Một khẩu lựu pháo vạm vỡ của Hàn Quốc nắm giữ manh mối.

Lựu pháo K9 bền bỉ của Hàn Quốc đã thu hút sự quan tâm từ Hà Nội khi nước này tìm cách đa dạng hóa vũ khí, thoát khỏi lệ thuộc vũ khí của Nga.
Nhưng việc chuyển sang vũ khí tiêu chuẩn NATO có thể báo hiệu ý định của Việt Nam nhằm chống lại Trung Quốc, các nhà phân tích nói.

Tác giả Seong Hyeon Choi, Ngày 4 tháng 5 năm 2024....South China Morning Post.

Sự quan tâm của Việt Nam trong việc mua lựu pháo của Hàn Quốc có thể làm dấy lên lo ngại ở Bắc Kinh, các nhà phân tích cho biết, vì nó cho thấy Hà Nội "sẵn sàng được đồng minh của Mỹ trang bị khả năng chống lại Trung Quốc".

Gặp nhau tại Hà Nội vào ngày 23 tháng Tư, Thứ trưởng Quốc phòng Việt Nam Hoàng Xuân Chiến,  và người đồng cấp Hàn Quốc Kim Seon-ho đã đồng ý "tăng cường hơn nữa sự hợp tác thiết thực trong các lĩnh vực khác nhau,  như công nghiệp quốc phòng và hợp tác hậu cần", Bộ Quốc phòng cho biết.

Ông Chiến nói Việt Nam "đánh giá cao" các hệ thống vũ khí của Hàn Quốc và bày tỏ ý định mua pháo tự hành Thunder K9 của Hàn Quốc, với sự hợp tác của Seoul.

Nguyễn Hồng Phong,  một chỉ huy pháo binh Việt Nam,  cho biết Hà Nội bày tỏ hy vọng về một "mở đầu nhanh chóng" cho K9 trong một cuộc họp khác với ông Kim vào ngày 25 tháng Tư.

Theo Bộ Quốc phòng Hàn Quốc, trong chuyến thăm Hàn Quốc năm ngoái, ông Phong đã đích thân xác nhận các tiêu chuẩn cao của lựu pháo.  Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết "Ông ấy nói rằng nếu lựu pháo K9 được đưa vào Việt Nam,  chúng có thể được khai triển cho lữ đoàn pháo binh 204".

Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phan Văn Giang và các đại biểu khác đã tham dự một cuộc thao diễn K9 trong chuyến thăm Hàn Quốc vào tháng Ba năm ngoái.

K9 là pháo tự hành cỡ nòng 155 ly/52 do Hanwha Aerospace của Hàn Quốc phát triển và sản xuất. Nó có thể mang tới 48 viên đạn và có khả năng bắn sáu viên đạn mỗi phút với tầm bắn 60km (37 dặm).

Kể từ khi được khởi đầu vào năm 1999, K9 đã trở thành một trong những mặt hàng xuất khẩu lớn nhất của ngành công nghiệp quốc phòng Hàn Quốc, chiếm hơn một nửa số đơn đặt hàng lựu pháo trên toàn thế giới.

Cho đến nay, hơn 1.400 chiếc pháo tự hành K9 đã hoặc sẽ được xuất khẩu sang 8 quốc gia - Thổ Nhĩ Kỳ, Ba Lan, Phần Lan, Estonia, Ấn Độ, Na Uy, Úc và Ai Cập - sáu trong số đó là các quốc gia thành viên NATO hoặc đồng minh của Mỹ.

Nòng 155 ly là đạn pháo tiêu chuẩn NATO hiếm khi được sản xuất ở Nga hoặc Trung Quốc, với lựu pháo PLZ-45 của Trung Quốc là một trong số ít ngoại lệ.

Việt Nam được cho là đang tìm cách mua tới 108 khẩu lựu pháo K9 để thay thế pháo đã lỗi thời. Theo Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế, pháo binh Việt Nam gồm có các hệ thống vũ khí đã có tuổi đời hàng chục năm,  bao gồm 30 lựu pháo tự hành 152,4 ly từ thời Liên Xô và 360 bệ phóng rocket đa nòng Type 63 của Trung Quốc. Nước này cũng vận hành một số lượng không xác định lựu pháo do Mỹ sản xuất thu được trong chiến tranh Việt Nam,  nhưng các hệ thống vũ khí tiêu chuẩn NATO chỉ chiếm một phần tương đối nhỏ trong kho vũ khí của Việt Nam. 

Theo ông Nguyễn Khắc Giang, một thành viên thỉnh giảng của Chương trình Nghiên cứu Việt Nam tại Viện ISEAS-Yusof Ishak của Singapore,  sự quan tâm của Việt Nam đối với lựu pháo K9 là một phần của chiến lược "đa dạng hóa" nguồn vũ khí ở bên ngoài nước Nga, quốc gia vốn cung cấp khoảng 80% vũ khí của Việt Nam.

Ông Giang nói "Một yếu tố quan trọng trong sự quan tâm của Việt Nam là sự sẵn sàng chuyển giao công nghệ của Hàn Quốc,  một lợi thế đáng kể khi Hà Nội tìm cách tăng cường khả năng sản xuất hàng quân sự ở trong nước". 

"Khả năng mua K9 cũng sẽ hỗ trợ những nỗ lực không ngừng của Việt Nam nhằm hiện đại hóa phần cứng quân sự của mình".

Yang Uk, một nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Chính sách Asan ở Seoul,  cho biết khả năng tương thích của đạn dược sẽ là một thách thức chính trong việc mua vũ khí của Hàn Quốc, vì nó sẽ yêu cầu quân đội Việt Nam thay thế tất cả đạn pháo 152 ly của Nga.

Tuy nhiên, ông nói, K9 sẽ là một "hệ thống vũ khí tốt" trong việc kềm chế sức mạnh quân sự của Trung Quốc, xét về giá cả và khả năng của nó.

Ông Yang nói "tự thân đạn dược sẽ là vấn đề hoàn toàn khác, vì vậy điều này có thể có nghĩa là vũ khí cỡ nòng lớn của Việt Nam sẽ dần dần chuyển sang tiêu chuẩn NATO".

"Điều đó có nghĩa là Việt Nam sẵn sàng được trang bị các khả năng để chống lại Trung Quốc... Nếu bạn nhìn vào các trường hợp trước đây, Ấn Độ cũng đã mở đầu với K9 để đáp trả Pakistan, nhưng nó cũng có ý nghĩa chống lại Trung Quốc".

Việt Nam đã tìm cách theo đuổi một chiến lược cân bằng trong bối cảnh cạnh tranh Mỹ-Trung kéo dài.  Mặc dù tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông, Trung Quốc và Việt Nam đã duy trì mối quan hệ tương đối ổn định,  trái ngược với căng thẳng quân sự giữa Bắc Kinh và Manila, vốn cũng là một bên tranh chấp đối đầu với Trung quốc.

Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Dong Jun đã đến Việt Nam vào tháng trước cho chuyến đi đầu tiên ra bên ngoài Trung Quốc kể từ khi nhậm chức, và đồng ý với người đồng cấp Việt Nam thiết lập một đường dây nóng hải quân.

Trong khi đó, theo Reuters,  Washington được cho là đã đề nghị bán máy bay F-16 cho Việt Nam, khi Hà Nội nâng cấp quan hệ Mỹ lên vị thế ngoại giao cao nhất - cùng với Trung Quốc và Nga -  lúc Tổng thống Joe Biden đến thăm vào tháng 9 năm ngoái.

Ông Giang nói "Trung Quốc, tự thân là một nhà xuất khẩu vũ khí lớn, có thể xem dòng chảy vũ khí ngày càng tăng của Hàn Quốc vào Đông Nam Á với sự lo ngại, coi đó vừa là sự cạnh tranh trên thị trường vũ khí vừa là thách thức địa chính trị,  đặc biệt là khi những vũ khí này được xuất khẩu sang các nước liên quan đến tranh chấp hàng hải với Trung Quốc". 

Kapil Kajal, một nhà phân tích chiến tranh trên bộ ở châu Á-Thái Bình Dương tại công ty tình báo quân sự toàn cầu Janes,  đồng ý rằng những căng thẳng ở Biển Đông đặt Bắc Kinh vào thế bất lợi khi trở thành nhà cung cấp vũ khí quan trọng cho Hà Nội.

Ông nói rằng trong khi việc mua sắm thiết bị quốc phòng của Việt Nam từ Hàn Quốc tập trung vào việc đa dạng hóa chuỗi cung ứng,  đó cũng là một phần của "chiến lược phòng ngừa rủi ro" trong bối cảnh căng thẳng Mỹ-Trung.

"Việt Nam tìm cách duy trì sự cân bằng giữa mối quan hệ với các cường quốc để tránh phụ thuộc quá nhiều vào bất kỳ quốc gia nào", ông Kajal nói.

"Điều này cho phép Việt Nam tăng cường quan hệ song phương với nhiều quốc gia... Việc Việt Nam nhập khẩu vũ khí tiêu chuẩn NATO có thể báo hiệu một sự thay đổi chiến lược theo hướng tương tác với các lực lượng NATO,  có khả năng tăng cường quan hệ với Mỹ và các đồng minh".

Zachary Abuza, giáo sư tại Đại học Chiến tranh Quốc gia ở Washington, chuyên về Đông Nam Á,  cho biết cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine đã thúc đẩy Việt Nam tìm kiếm các nguồn vũ khí thay thế, khi các lệnh trừng phạt quốc tế nhắm lên Nga làm gia tăng sự không chắc chắn về chuỗi cung ứng quốc phòng của nước này.

Tuy nhiên, ông nói, Hà Nội sẽ kềm chế không mua vũ khí từ Bắc Kinh vì Trung Quốc đặt ra một "mối đe dọa quân sự" đối với Việt Nam, với nhiều vũ khí tiêu chuẩn NATO được dự kiến sẽ dần dần xuất hiện trong quân đội Việt Nam.

Ông Abuza nói "Trung Quốc đặt ra một mối đe dọa quân sự đối với Việt Nam.  Hà Nội sẽ không bao giờ mua vũ khí từ Bắc Kinh, và Bắc Kinh sẽ không có khả năng bán vũ khí cho Hà Nội".

"Tôi nghĩ Việt Nam đã và đang quan tâm... không nghi ngờ gì nữa, bạn sẽ thấy nhiều vũ khí tiêu chuẩn NATO hơn, nhưng nó sẽ ở một số lĩnh vực nhất định và từ từ".


_ Tác giả Seong Hyeon Choi.

_ Trần H Sa lược dịch từ South China Morning Post... 05 / 05 / 2024.

Bài đăng phổ biến từ blog này

Trung Quốc đang đụng đầu với khủng hoảng ?

Nỗi sợ ngân hàng gây thêm đau đầu cho nền kinh tế Trung Quốc.

Xung đột vũ trang ở Biển Đông.