Đánh giá Hạm đội 6 chiếc tàu ngầm lớp Kilo của Việt Nam

Tàu ngầm Hà Nội trở về nhà máy để bước sang thử nghiệm trên bờ, thử nghiệm tiếp nhận-bàn giao. Ảnh: Tư liệu 
Carlyle A. Thayer. 25 tháng 2 năm 2017 . Theo Carlyle A. Thayer 

Trần H Sa lược dịch

Tuần tới Hải quân nhân dân Việt Nam sẽ nhận được chiếc tàu ngầm thứ sáu - và là cuối cùng - loại tàu ngầm lớp Kilo của Nga. Chúng tôi đặt câu hỏi về sự đánh giá của ông đối với sức mạnh của Đội tàu này và ảnh hưởng của nó đối với Việt Nam và khu vực.

HỎI 1. Đánh giá của ông về khả năng của Hải quân Việt Nam sau khi nó nhận chiếc tàu ngầm thứ sáu thuộc lớp Kilo được sản xuất từ Nga là gì ? 
ĐÁP: Hiện nay, Việt Nam có đội tàu ngầm lớn nhất và hiện đại nhất ở Đông Nam Á với việc giao nhận chiếc tàu ngầm thứ sáu tên Varshavyanka tức là tàu ngầm lớp Kilo nâng cấp. Indonesia và Malaysia mỗi nước có hai chiếc, trong khi Singapore có bốn chiếc (hai chiếc đang đến kỳ ngưng hoạt động).

Trung Quốc có tổng cộng 61 tàu ngầm gồm tất cả các loại. Hạm đội Nam Hải của nó có hai mươi hai chiếc tàu ngầm, bao gồm 16 chiếc có trang thiết bị chống tàu ngầm, được thiết kế để chiến đấu chống lại tàu ngầm. Trung Quốc cung cấp ưu tiên cho Hạm đội Nam Hải và cung cấp cho nó tàu và tàu ngầm hiện đại nhất khi chúng được đưa vào xử dụng. Tất cả bốn tàu ngầm trang bị tên lửa đạn đạo hạt nhân của Trung Quốc hay SSBN gắn liền với Hạm đội Nam Hải.

Tàu ngầm Varshavyanka của Việt Nam thì khó phát hiện hơn tàu ngầm của Trung Quốc và tàu ngầm của Đông Nam Á. Tàu ngầm của Việt Nam thường có bộ cảm biến và Radar hiện đại hơn cho nên chúng có thể phát hiện và tấn công mục tiêu ở khoảng cách xa hơn. Tuy nhiên, Trung Quốc đang nhanh chóng hiện đại hóa các tàu ngầm lớp Kilo, Song và Yuan của nó. Tất cả các tàu ngầm ở khu vực, tương đối gần giống nhau về vũ khí trang bị, như ngư lôi hạng nặng và tên lửa hành trình chống hạm. Việt Nam và Trung Quốc đã trang bị cho tàu ngầm của họ để chiến đấu dưới nước.

Việt Nam có một chặng đường dài để phát triển các nền tảng này thành một lực lượng chiến đấu hiệu quả dưới nước. Thứ nhất, Việt Nam sẽ phải đáp ứng các chi phí tài chính khổng lồ liên quan đến duy trì, sửa chữa và bảo trì các tàu ngầm này, cũng như chi phí đào tạo thủy thủ đoàn và nhân viên hỗ trợ có khả năng. Mỗi tàu ngầm của Việt Nam hoạt động, cần một thủy thủ đoàn gồm 52 người, trong khi Singapore chỉ cần 28, Malaysia 31 và Indonesia 36 người.

Thứ hai, Việt Nam thiếu kinh nghiệm chiến đấu dưới nước. Năm 1981, Indonesia là quốc gia Đông Nam Á đầu tiên có được tàu ngầm vì vậy họ có gần ba mươi lăm năm kinh nghiệm. Nhưng Singapore là nước có nhiều kinh nghiệm nhất về hoạt động của tàu ngầm. Singapore đã mua các tàu ngầm lớp Challenger vào giữa cho đến những năm cuối của thập niên 90 và đã xử dụng chúng để đào tạo thủy thủ đoàn của mình, và phát triển chuyên môn trong chiến tranh dưới biển. Singapore sau đó đã mua được tàu ngầm tiên tiến hơn, lớp Archerc để triển khai ở vùng biển Đông Nam Á. Malaysia đã nhận chiếc tàu ngầm đầu tiên Scorpene vào năm 2009, khi mà Việt Nam đặt hàng mua tàu ngầm của Nga.

Thứ ba, Việt Nam chưa tích hợp lực lượng tàu ngầm vào Hải quân nhân dân Việt Nam và vẫn đang phát triển học thuyết xử dụng khả năng quân sự của hạm đội tàu ngầm. Ví dụ, Trung Quốc đã kết hợp tàu ngầm vào các cuộc tập trận hải quân ở Biển Đông trong nhiều năm, trong khi Việt Nam vẫn chưa làm được như vậy.

Việt Nam vẫn chưa tiến hành các cuộc tập trận chống tàu ngầm (ASW) liên quan đến tàu khu trục nhỏ ASW lớp Gepard, hoạt động phối hợp nó cùng với tàu ngầm lớp Varshavyanka của họ. Những buổi diển tập này sẽ cung cấp kinh nghiệm quý báu trong việc định vị và nhắm mục tiêu tàu ngầm bằng tàu khu trục nhỏ, và kinh nghiệm quý báu trong hoạt động tàng hình của tàu ngầm lớp Varshavyanka.

HỎI 2. Khả năng của tàu ngầm Việt Nam hiện nay so với tàu ngầm Trung Quốc, và ba nước khác ở Đông Nam Á mà cũng có tàu ngầm (Indonesia, Singapore, Malaysia) là ra sao ? 
ĐÁP: Việt Nam đang bắt đầu phát triển lực lượng tàu ngầm. Lớp Varshavyanka tân tiến hơn các tàu ngầm lớp Kilo mà Nga đã bán cho Trung Quốc. Tàu ngầm của Việt Nam có đặc điểm tàng hình cao hơn. Nhưng như đã nói ở trên, Việt Nam thiếu kinh nghiệm thực tế trong việc điều hành hạm đội tàu ngầm. Các nhân viên Hải quân Việt Nam được gửi đến Ấn Độ huấn luyện chỉ mới thực tập khóa học về tàu ngầm cơ bản chứ không phải là những khoá học chiến đấu nâng cao. Không rỏ những thủy thủ tàu ngầm của Việt Nam đã từng được đào tạo ở Nga với mức độ như thế nào.

Việt Nam cũng thiếu trầm trọng những kinh nghiệm quốc tế cần thiết. Việt Nam không tiến hành các cuộc tập trận hải quân với các nước bằng hửu để có thêm kinh nghiệm trong các hoạt động tàu ngầm. Hầu hết đội tàu ngầm của Trung Quốc đều củ hơn tàu ngầm của Việt Nam, mặc dù điều này sẽ thay đổi theo thời gian khi Trung Quốc phát triển đội tàu ngầm tấn công hạt nhân mạnh mẻ. Indonesia và Singapore đều có kế hoạch hiện đại hoá đội tàu ngầm của họ trong những năm tới. Indonesia sẽ nhận tàu ngầm lớp Chang Bogo loại 209 của Nam Triều Tiên trong khi Singapore sẽ thủ đắc tàu ngầm loại 218.

Nói chung, tàu ngầm của Việt Nam lớn hơn và nhanh hơn một chút so với các tàu ngầm hiện đang được Trung Quốc, Indonesia, Malaysia và Singapore vận hành. Nhưng chỉ có những khác biệt không mấy quan trọng ở các đặc điểm khác. Chẳng hạn, khả năng chịu đựng hoạt động dưới nước của tàu ngầm Việt Nam là khoảng 45 ngày. Điều này so với khoảng 50 ngày đối với các tàu ngầm khác trong khu vực. Sự chênh lệch tương tự cũng đúng đối với các lĩnh vực như - di chuyển trên mặt biển, độ lặn sâu khi còn xử dụng ống thông hơi và độ lặn sâu hoàn toàn.

Varchavyanka của Việt Nam có 6 ống phóng ngư lôi hoặc tên lửa, so với 9 ống phóng của tàu ngầm Singapore, 8 ống với Indonesia và 6 ống với Malaysia. Tất cả các tàu ngầm trong khu vực đều có khả năng phóng tên lửa chống hạm trong khi lặn dưới nước . Tàu ngầm thì tốt cho việc thu thập thông tin tình báo. Đặc điểm tàng hình của chúng cũng làm cho chúng trở thành vũ khí hiệu quả trong chiến tranh của hải quân. Để có hiệu quả, tất cả các lực lượng hải quân phải phát triển khả năng "nhắm mục tiêu" vào kẻ thù. Hiện tại, có vẻ như các tàu ngầm của Việt Nam khi lặn có thể nhận biết sự khác nhau giữa một tàu khu trục của Trung Quốc và một tàu khu trục của Nhật Bản, hoặc phân biệt được giữa các tàu thương mại treo cờ các quốc gia khác nhau.

Nói cách khác, Việt Nam phải dành nhiều thời gian phát triển một loại thư viện âm học về tiếng ồn của tàu, mà qua đó có thể cho biết tàu nào đang ở trên mặt biển và nó đang như thế nào. Việc "nhắm mục tiêu" trở nên quan trọng nếu Việt Nam xử dụng tên lửa tấn công vào đất liền, tên lửa chống hạm và tên lửa chống tàu ngầm trên tàu ngầm của mình. Việt Nam sẽ cần một liên kết hiệu quả giữa các vệ tinh quân sự và tàu ngầm của họ.

HỎI 3. Trước hành động quân sự hung hăng của Trung Quốc ở Biển Đông, việc cân bằng sức mạnh quân sự trong khu vực này sẽ thay đổi như thế nào sau khi Việt Nam triển khai đội tàu ngầm? 
ĐÁP: Hải quân Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLAN) sẽ tiếp tục mở rộng và hiện đại hóa với tốc độ mà không một nhà nước nào trong khu vực có thể thể sánh kịp. Việt Nam không thể hy vọng chiến đấu trong một cuộc chiến trên biển, và giành chiến thắng trong một trận đánh bằng hải quân thông thường để chống lại Trung Quốc. Nhưng Việt Nam có thể gây cản trở sự xâm lược của Trung Quốc bằng cách xử dụng các đặc tính tàng hình và vũ khí trang bị trên tàu ngầm lớp Varshavyanka, nhằm gây nên những thiệt hại lớn cho các tàu chiến Trung Quốc, và ngay cả các căn cứ hải quân của Trung Quốc. Ví dụ, một khi Việt Nam đã nắm được kỹ năng nhắm mục tiêu cho tên lửa đạn đạo tấn công đất liền trên tàu ngầm, Việt Nam sẽ có thể tấn công các cảng trên đất liền của hải quân Trung quốc (PLAN) hoặc các mục tiêu trên đất liền khác.

PHỤ LỤC

Kể từ khi Việt Nam nhận được chiếc tàu ngầm ngầm lớp Kilo cải tiến hoặc là lớp Varshavyanka thông thường đầu tiên của Nga, các nhà phân tích đã bất đồng với nhau về mức độ nhanh chóng mà Việt Nam có thể thích nghi đối với các vũ khí này ở trong hải quân, và tạo ra được một lực lượng ngăn chặn Trung Quốc đáng tin cậy . Ví dụ, Đô đốc James Goldrick (Hải quân Hoàng gia Úc đã nghỉ hưu) lưu ý, "Việt Nam đang cố gắng làm điều gì đó rất nhanh chóng mà không có hải quân nước nào trong thời gian gần đây đã quản lý thành công trên một quy mô như vậy từ một cơ sở hạn chế như vậy ... Loại tàu mới có thể có số lượng đáng kể những người Nga có mặt trên tàu trong nhiều năm tới. "[1]

Việc đánh giá xem liệu Việt Nam có thể thích ứng với tàu ngầm và tạo ra được một sự ngăn chặn đáng tin cậy hay không, hiện nay đang trở nên rõ ràng hơn với các báo cáo của các nhà quan sát ngoại giao rằng, tàu ngầm của Việt Nam đang thực hiện tuần tra dọc theo bờ biển của Việt Nam. Nhiều thông cáo báo chí gần đây cho thấy tàu ngầm Việt Nam đã bắt đầu tuần tra mà không có cố vấn người Nga. Ngoài ra, các thủy thủ Việt Nam hiện đang được đào tạo tại trung tâm tàu ​​ngầm INS Satavahana của Ấn Độ với học thuyết và chiến thuật chiến tranh dưới biển.

Các quan điểm của các nhà phân tích quốc phòng tỏ ra hoài nghi đối với sự lạc quan thận trọng về khả năng của Việt Nam trong việc phát triển một lực lượng phản công có hiệu quả hoặc một lực lượng hải quân khắc chế khu vực để ngăn Trung Quốc đi vào trong lãnh hải của Việt Nam. Ví dụ, Lyle Goldstein, giáo sư tại Trường Cao đẳng Hải quân Hoa Kỳ, đã viết một bài phân tích "đánh giá của Trung Quốc về khả năng quân sự của Việt Nam". Goldstein lưu ý rằng các nhà hoạch định quốc phòng Trung Quốc giám sát các chương trình hiện đại hóa của Việt Nam "một cách cực kỳ chặt chẽ" và có "sự tôn trọng nghiêm chỉnh ... đối với Việt Nam nói chung", bao gồm cả Không quân Việt Nam. [2]

Liên quan đến tàu ngầm lớp Varshavyanka của Việt Nam, Goldstein lưu ý rằng chúng có thể "phóng ra những cú đánh gây chết người với hoặc là ngư lôi hoặc là tên lửa đạn đạo chống hạm". Tuy nhiên, Goldstein báo cáo rằng các nhà phân tích Trung Quốc đã xác định được hai điểm yếu quan trọng trong chiến lược quân sự của Việt Nam: thiếu kinh nghiệm rất nhiều trong việc điều hành các hệ thống vũ khí phức tạp và thiếu kinh nghiệm rất nhiều trong việc "giám sát, nhắm mục tiêu và quản lý trận chiến."

Những điểm yếu này đã khiến cho các quan chức quốc phòng Trung Quốc kết luận rằng "Trung Quốc có thể thắng thế ở bất cứ cuộc đụng độ vũ trang nào" với Việt Nam. Goldstein kết luận rằng, "chiến lược chống lại Trung quốc nhiều triển vọng nhất của Việt Nam là, hy vọng rằng nó có thể có những lực lượng đủ để ngăn chặn, trong khi đồng thời thúc đẩy ngoại giao giải quyết tranh chấp", Zhang Baohui, một chuyên gia về an ninh tại Đại học Lingnan ở Hồng Kông, tường trình rằng các nhà quy hoạch quân sự của Trung Quốc đang quan tâm đến các tàu ngầm của Việt Nam. "Về mặt lý thuyết," ông lưu ý, " Việt Nam đang ở vào thời điểm mà họ có thể buộc họ chống lại năng lực xử dụng" [3].

Brian Benedictus đưa ra đánh giá lạc quan một cách thận trọng đối với chiến lược chống can thiệp của Việt Nam. Benedictus xem xét chi tiết các khả năng của tàu ngầm lớp Varshavyanka của Việt Nam. Ông kết luận rằng những thủ đắc này, có khả năng tiềm tàng cho phép nó có nhiều tuỳ chọn hơn trong việc triển khai sức mạnh của nó đối với các yêu sách ở biển Đông. Theo ông, tàu ngầm lớp Varshavyanka của Việt Nam có khả năng phá vỡ các tàu của đối phương trong một cuộc xung đột quân sự bằng nhiều cách khác nhau, đặc biệt khi Hải quân Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung quốc còn yếu kém trong chiến đấu chống tàu ngầm.

Cuối cùng, Benedictus kết luận bằng cách nhấn mạnh tầm quan trọng của yếu tố địa lý. Ông lập luận: Việt Nam nằm gần với tỉnh Hải Nam của Trung Quốc, hòn đảo có nơi ẩn náu an toàn cho Hạm đội Nam Thái Bình Dương của Hải quân Trung quốc. Điều đáng lo ngại cho Bắc Kinh là, các tàu thuyền đổ trong cảng có thể bị dễ dàng tìm thấy bởi tàu ngầm ở bên ngoài bờ biển của hòn đảo, nếu xảy ra xung đột; viễn cảnh Việt Nam một ngày nào đó có khả năng tấn công vào đất liền được tích hợp vào hạm đội tàu ngầm sẽ là một mối quan tâm nghiêm trọng (cho Trung quốc) [4].

Collin Koh, thuộc Trường Nghiên cứu Quốc tế Rajaratnam ở Singapore cho rằng, Việt Nam sẽ xử dụng tàu ngầm của mình trong các hoạt động khắc chế khu vực ngoài khơi bờ biển và ở Quần đảo Trường Sa, một khi chúng trở nên hoạt động đầy đủ. Theo Koh: Khắc chế vùng biển có nghĩa là tạo ra một rào cản tâm lý bằng cách bảo đảm một đối thủ hải quân mạnh mẽ hơn không bao giờ thực sự biết nơi mà các tàu ngầm của bạn có mặt. Đó là loại chiến tranh bất đối xứng cổ điển được xử dụng bởi những kẻ yếu đuối chống lại kẻ mạnh và tôi nghĩ Việt Nam hiểu rất rõ điều đó. Câu hỏi đặt ra là liệu họ có thể hoàn thiện nó ở phạm vi dưới nước hay không [5].

Siemon Wezeman, đến từ Viện Nghiên cứu Hoà bình Quốc tế Stockholm, đi xa hơn để lập luận rằng, theo quan điểm của Trung Quốc, sự ngăn chặn của Việt Nam đã trở thành hiện thực. Theo Wezeman, Việt Nam đã thay đổi toàn bộ kịch bản - họ đã có hai tàu ngầm, họ có thủy thủ đoàn và dường như có vũ khí và năng lực, kinh nghiệm sẽ tăng lên từ thời điểm này. Từ quan điểm giả định của Trung Quốc, sự ngăn chặn của Việt Nam đã ở vào một thời điểm mà phải nói là nó rất xứng đáng với tên gọi... "ngăn chặn" [6].

Chú thích

[1] James Goldrick, “Vietnam’s Submarine Fleet,” United States Naval Institute Proceedings, 139(9), September 2013. 
[2] Jane Perlez, “Q. and A.: Lyle Goldstein on China and the Vietnamese Military,” The New York Times, July 5, 2014.5 
[3] Greg Torode, ‘Vietnam building deterrent against China in disputed seas with submarines,’ Reuters, September 7, 2014. 
[4] Brian Benedictus, ‘The Wildcard: Vietnam’s Naval Modernization and Its Role in the South China Sea,’ Warm Oolong Tea, February 11, 2013.
[5] Torode, ‘Vietnam building deterrent against China in disputed seas with submarines.’ [6]Quoted in Torode, ‘Vietnam building deterrent against China in disputed seas with submarines.’


--------------------------|||---------------------------


Bài đăng phổ biến từ blog này

Trung Quốc đang đụng đầu với khủng hoảng ?

Nỗi sợ ngân hàng gây thêm đau đầu cho nền kinh tế Trung Quốc.

Xung đột vũ trang ở Biển Đông.