Tìm hiểu tinh thần chống bắc thuộc của người Việt trong từng giai đoạn lịch sử. PHẦN I.

Nguồn gốc nước Việt.

Hình ảnh chỉ có tính minh họa.

Năm học lớp ba trường làng, ba tôi mua cho tôi quyển sách lịch sử, bìa sách màu hồng, mặt sau có hình chiếc trống đồng màu hổ phách ; quyển sách là niềm tự hào của đứa bé như tôi, vì chúng bạn ao ước có được nó như tôi mà không thể, bạn bè cũng như tôi bị lôi cuốn bởi từng trang sách thơm mùi giấy mới, với những hình ảnh quân ta hiền từ, quân Tàu hung dữ . Cùng với sách, lời thầy giáo luôn nhắc nhở trong giờ học lịch sử "Việt Nam là một dân tộc anh hùng, bất khuất, luôn đứng lên đánh đuổi bọn giặc phương bắc, lấy lại quyền tự chủ"; cả hai chất liệu sách và lời thầy giáo, đã làm cho tôi mê say môn lịch sử. Trong niềm say mê ấy, tôi không khỏi băn khoăn rằng, đã là dân tộc anh hùng, bất khuất thì tại sao Hai bà Trưng thất trận năm 43 mà mãi đến hơn hai trăm năm sau, vào năm 248 mới có lại cuộc khởi nghĩa thứ nhì của bà Triệu thị Trinh ? Trong hai trăm năm từ bà Trưng đến bà Triệu, dân tộc tôi ngủ mê hay sao ?

Giờ đây, hai ngàn năm sau, tôi đang sống trong một đất nước vẫn còn tên gọi Việt Nam, nhưng hình thức cai trị thái thú như thời trước và sau bà Trưng đang hiện rỏ mồn một. Tôi không ngủ mê, anh em bạn bè tôi không ngủ mê; nhưng giống như trước khi bà Triệu khởi nghĩa, cả dân tộc tôi rã rời và bất lực, đứng nhìn đất nước từng ngày rơi vào vòng cương tõa của phương bắc. Dân tộc tôi vì sao bị liệt kháng ? có cơ may nào cho tinh thần bất khuất quật cường của cha ông trổi dậy, để tất cả người Việt cùng nắm tay nhau đi xây lại cơ đồ ? 

Băn khoăn này dồn dập thắc mắc kia, đó là động lực thúc đẩy tôi tìm hiểu tinh thần chống bắc thuộc của người Việt; một tinh thần sống mãi qua hàng ngàn năm, dù có lúc tưởng như đã bị tê liệt như nước Việt ngày nay. Thiết nghĩ, nếu không tìm thấy được cội nguồn nước Việt thì sẽ khó thấy được tinh thần độc lập bất biến của người Việt phát sinh từ đâu và vì sao nó trường tồn.

Trước tiên, hãy xem lại cội nguồn nước Việt.

Sách Đại Việt sử ký toàn thư do Lê văn Hưu, Ngô sĩ Liên, Phan phu Tiên soạn năm 1697 ghi (1): "Cháu ba đời của Viêm Đế, họ Thần Nông, là Đế Minh sinh ra Đế Nghi, sau đó Đế Minh lấy con gái Vụ Tiên sinh ra Kinh Dương Vương. Đế Nghi là con trưởng nối ngôi, cai quản phương Bắc; Kinh Dương Vương ( con bà sau) , cai quản phương Nam, gọi là nước Xích Quỷ. Kinh Dương Vương sinh Sùng Lãm, Sùng Lãm nối ngôi vua hiệu là Lạc Long Quân. Vua Lạc Long Quân  lấy con gái của Đế Lai là Âu Cơ, sinh ra trăm con trai (tục truyền sinh trăm trứng), là tổ của Bách Việt. Một hôm, vua bảo Âu Cơ rằng: "Ta là giống rồng, nàng là giống tiên, thủy hỏa khắc nhau, chung hợp thật khó". Bèn từ biệt nhau, chia 50 con theo mẹ về núi, 50 con theo cha về ở miền Nam (có bản chép là về Nam Hải), phong cho con trưởng làm Hùng Vương, nối ngôi vua  đóng đô ở Phong Châu (nay là huyện Bạch Hạc). Hùng Vương lên ngôi, đặt quốc hiệu là Văn Lang ( nước Việt cổ này đông giáp biển Nam Hải, tây đến Ba Thục, bắc đến hồ Động Đình, nam giáp nước Hồ Tôn, tức nước Chiêm Thành, nay là Quảng Nam, )".

Xem lại truyền thuyết Trung Quốc, Thần Nông là một trong 5 vị đế thời thượng cổ, dạy dân biết cày bừa trồng trọt, cũng gọi là Viêm Đế. Như vậy, xét theo Sách Đại Việt sử ký toàn thư thì Hùng vương có nguồn gốc từ truyền thuyết Trung quốc (?) Một vấn đề đáng quan tâm khác là truyền thuyết trăm trứng của Lạc Long quân và bà Âu cơ, rồi sau đó 100 con chia tay nhau, nửa lên núi nửa xuôi nam. 

Vấn đề cần đặt lại nghi vấn là :
_ Thứ nhất : "liệu Lạc long quân, cha của Hùng vương có liên quan gì đến truyền thuyết của Trung quốc hay không ? cũng có nghĩa là xét xem có phải dân tộc Việt xuất phát từ Trung quốc hay không ?"
_ Thứ hai : "cuộc di cư của hậu thế Lạc long quân đi về đâu trong cách ghi đơn giản theo mẹ về núi và theo cha về ở miền Nam (có bản chép là về Nam Hải) ? 

Để xác định vấn đề thứ nhất, tôi xin đặt nghi vấn về nền văn minh của Việt cổ, có trước hay có sau nước Trung hoa ? Trong tư liệu có giá trị của Vũ Hữu San với tựa đề "Địa Lý Biển Đông Với Hoàng-Sa và Trường-Sa", tác giả trích dẫn :

[ "Charles F. Keyes viết trong sách "The Golden Peninsula" rằng Việt Nam là nơi phát khởi nền văn minh Hoà-Bình trải rộng khắp Đông-Nam-Á.(2) Keyes đã xác-định hai điểm sau:
* Quá trình văn hóa thời tiền sử của toàn vùng Đông-Nam-Á thường được chia ra làm những giai đoạn mà chỉ danh từng giai đoạn lấy từ địa danh các vị trí khảo cổ tiêu biểu nhất như Hòa-Bình, Bắc-Sơn, Đông-Sơn; tất cả đều nằm trong Bắc-phần Việt-Nam (trang 182).
* Thời-đại Đồ Đồng xuất hiện vào khoảng 3,000 đến 2,500 năm TTL ở Đông-Nam-Á, nghĩa là khởi-sự sớm hơn Trung-Hoa và Ấn-Độ. Biểu-tượng chính của nền văn-minh này là những Trống Đồng tìm thấy ở nhiều nơi xa xăm như Sulawesi thuộc Nam-Dương quần-đảo. Những trống đồng như vậy đều được đúc tại vùng đất Đông Sơn nhỏ hẹp của Việt-Nam, từ đó trống được phân-phối đi khắp Đông-Nam-Á theo đường hải-thương." ]

Theo tư liệu Vũ Hữu San trích dẫn ở trên, thì nền văn minh của Việt Nam có trước cả Trung-Hoa và Ấn-Độ; như vậy, Đại Việt sử ký toàn thư ( dựa trên truyền thuyết của Tàu ) cho rằng thủy tổ người Việt phát xuất từ Trung hoa, là một truyền thuyết sai trái, không chứng thực được bằng các phương pháp tìm hiểu như của người Tây phương. Cũng chính trên Đại Việt sử ký toàn thư, Ngô sĩ Liên có lời bình "Lạc Long Quân lấy Âu cơ là con gái Đế Lai, Đế Lai là con Đế Nghi;  Kinh DươngVương là em ruột Đế Nghi, thế mà kết hôn với nhau, có lẽ vì đời ấy còn hoang sơ, lễ nhạc chưa đặt mà như thế chăng?" Có nghĩa là Ngô Sĩ Liên tự vấn "phải chăng Lạc long quân lấy cháu mình, con gái của anh con ông bác" !!!??? Xét theo truyền thuyết vua Nghiêu vua Thuấn của Tàu để từ đó mới có Thần nông, thì đây là điều không thể chấp nhận được. Đã có thể đúc kết rằng truyền thuyết nguồn gốc của Lạc long quân theo Đại Việt sử ký toàn thư là hoàn toàn thiếu cơ sở, cũng có nghĩa là Hùng Vương và người Trung hoa không hề cùng có cội nguồn.

Xác định vấn đề thứ hai sẽ làm sáng tỏ về địa dư nước Việt cổ cũng như nguồn cội của dân tộc Việt.

Trong một bài nghiên cứu, nhà dạy sử Hà văn Thùy trích dẫn :

[ Học giả Hoa Kỳ W.G. Solheim II, Jorhman, Trương Quang Trực (Trung Quốc) và học giả Nga N. Vavilow thừa nhận: “Ðông Nam Á mà chủ đạo là Việt Nam đã có một nền văn hóa tiền sử phát triển rất sớm, tiên tiến và nhanh chóng, sáng tạo và sống động chưa từng thấy ở nơi nào trên thế giới.” ....Và đây là ý kiến của ông W. G. Solheim II viết từ năm 1967:

“Tôi cho rằng khi chúng ta nghiên cứu lại nhiều cứ liệu ở lục địa Ðông Nam Á, chúng ta hoàn toàn có thể phát hiện ra rằng việc thuần dưỡng cây trồng đầu tiên trên thế giới đã được dân cư Hòa Bình (Việt Nam) thực hiện trong khoảng 10.000 năm TCN...”

“Rằng Văn hóa Hòa Bình là văn hóa bản địa không hề chịu ảnh hưởng của bên ngoài, đưa tới Văn hóa Bắc Sơn.” ] (3)

Điều này cho thấy, dân tộc Việt có nguồn cội riêng của mình ngay từ thời Hùng vương. Câu hỏi kế tiếp là biến cố nào khiến cho người Việt có lãnh thổ vươn khỏi Hòa Bình lan rộng đến hồ Động Đình như sử Tàu xác nhận đó là lãnh thổ của Bách Việt ? Giải thích được điều này sẽ làm sáng tỏ truyền thuyết trăm con chia tay nhau, và họ đi về đâu ?

Con người với 70% nước, tất nhiên luôn tụ tập sinh sống ở những nơi có đầy đủ nước ngọt. Bắc bộ với nhiều con sông hội tụ như hiện nay vẫn còn, là nơi lý tưởng cho con người sinh sống. Khi mực nước biển dâng cao, cư dân ven các con sông phải di cư đến các vùng cao hơn. 

Trong "Địa Lý Biển Đông Với Hoàng-Sa và Trường-Sa", Vũ Hữu San trích dẫn :  

[ Carl Sauer duyệt xét những biến chuyển về địa lý Biển Đông trong thời khoảng mười mấy ngàn năm trước đây, đưa ra kết luận về tinh thần tiến bộ của cư dân người Việt (Yueh) thời cổ như sau: "Mực nước Biển Đông dâng cao làm tăng thêm nhịp bồi đắp phù-sa lên những khu thung-lũng duyên-hà trong khi các vùng đất thấp tiếp tục bị lụt. Dân cư khi xưa sống rải rác thì lúc này thu lại thành các vùng cư trú dọc theo nguồn nước... "] (4). 

Đây là giai đoạn mà cư dân Việt cổ ở ven biển phải di cư đến Hoà bình, gây dựng một nền phát triển nông nghiệp lâu đời nhất thế giới như được xác nhận : "Năm 1932, Hội nghị Khảo cổ học quốc tế về tiền sử Viễn Ðông xác nhận: “Văn hóa Hòa Bình là trung tâm phát minh nông nghiệp và sản xuất nông nghiệp cùng chăn nuôi gia súc đầu tiên trên thế giới. Trung tâm nông nghiệp Hòa Bình có trước vùng Lưỡng Hà 3000 năm.” (5)

Tiếp đó, khoảng 10.000 năm trước, một cơn đại hồng thủy dâng cao nước biển đến tận Việt trì , có tài liệu ghi dâng cao 130 mét  (5) . Song song với thời kỳ này là sự ấm lên của trái đất, một bộ phận người Việt cổ buộc phải chuyển từ định cư nông nghiệp do bị ngập nước, sang săn bắt để mưu sinh. Họ ngược lên phía bắc hoặc xuôi nam . Do khí hậu trái đất ấm lên, thành phần ngược bắc phát triển hơn thành phần xuôi nam. Người Việt cổ đến Hồ Động Đình thì dừng bước trước con sông Dương tử hung hản, vì nước ngọt cũng đã đủ cho đời sống nông nghiệp, vốn đã là gen di truyền từ bao đời trong giòng máu của họ. Mặc dù việc chứng minh người Việt cổ di cư từ Hoà bình đến hồ Động Đình chưa được xác lập với đầy đủ dữ liệu, nhưng ngay cả sử của Trung hoa cũng đã xác nhận từ hồ Động đình trở về Nam không phải là lãnh địa của Trung hoa xưa. Giả thiết người Việt cổ di cư lên phía bắc là phù hợp nhất theo các yếu tố địa lý, khí hậu và di truyền học như Giáo sư Chu và đồng nghiệp đưa ra mô hình: Các dân tộc Bắc Á được tiến hóa từ Ðông Nam Á và kết luận: Tổ tiên các nhóm dân Ðông Á ngày nay có nguồn gốc từ Ðông Nam Á. Kết luận này cũng cho rằng, tổ tiên của những người nói tiếng Altaic ở phía Bắc Trung Quốc cũng từ Ðông Nam Á lên chứ không phải từ ngả Trung Á sang. (5)

Vậy, đã có thể kết luận, nước Việt cổ đông giáp biển Nam Hải, tây đến Ba Thục, bắc đến hồ Động Đình, nam giáp nước Hồ Tôn, tức nước Chiêm Thành, nay là Quảng Nam được khởi đi từ miền duyên hải bắc bộ ngày nay, tiến lên Hòa bình, rồi ngược bắc đi đến hồ Động đình. Thành phần xuôi nam thì đến hết Thừa Thiên ngày nay.

Một nước Việt cổ độc lập, "không hề chịu ảnh hưởng của bên ngoài" là nền tảng cho giòng máu khao khát độc lập của người Việt. Đó chính là yếu tố truyền thừa từ cội nguồn dân tộc cho đến ngày nay không gì lung lạc được, đó cũng là ngọn lửa yêu nước, luôn quật cường chống lại sự xâm chiếm từ phương bắc. tôi sẽ xin lần lượt trình bày theo sử liệu ở các phần  sau .

Trần Hoàng Sa....18/02/2019.
(Hình ảnh : minh họa nước Việt cổ ) 

Nguồn trích dẫn :

(1)  https://drive.google.com/file/d/0B7feQIbLeBlEU3lRVWw5RUl6RTA/view
(2) The Golden Peninsula. New York, 1977
(3) https://www.bbc.com/vietnamese/entertainment/story/2005/02/printable/050219_havanthuy.shtml
(4) Environment and Culture During the Last Deglaciation, trong Proceedings of the American Philosophical Society 92.1: 65-77.
(5)  https://www.bbc.com/vietnamese/entertainment/story/2005/02/printable/050219_havanthuy.shtml

-------------------------------|||---------------------------------

Bài đăng phổ biến từ blog này

Trung Quốc đang đụng đầu với khủng hoảng ?

Nỗi sợ ngân hàng gây thêm đau đầu cho nền kinh tế Trung Quốc.

Xung đột vũ trang ở Biển Đông.