Vùng Biển rắc rối: Nơi Mỹ và Trung Quốc có thể đụng độ ở Biển Đông.

Nhóm tấn công tàu sân bay USS Theodore Roosevelt đi ngang Biển Đông. Nguồn: Milmotion / Getty Images

Karen Leigh , Peter Martin và Adrian Leung , 17 tháng 12, 2020. Theo Bloomberg

Trần H Sa lược dịch.

Có lẽ không nơi nào mà quân đội Mỹ và Trung Quốc hoạt động gần nhau như ở Biển Đông. Và chính sách 'bên miệng hố chiến tranh' của vùng biển có thể sớm trổi lên dưới thời Tổng thống đắc cử Joe Biden.

Khi các nền kinh tế lớn nhất thế giới đấu khẩu nhau trên mọi thứ, từ thương mại đến coronavirus, những lo ngại đã ngày một tăng rằng một tính toán sai lầm giữa các tàu chiến có thể châm ngòi cho một cuộc đối đầu quân sự rộng lớn hơn. Mặc dù các quan chức quốc phòng hàng đầu của Mỹ và Trung Quốc vẫn duy trì liên lạc ngay cả khi các mối quan hệ rộng lớn hơn đã trở nên xấu đi, tinh thần ái quốc nhiệt thành hơn ở cả hai nước sẽ làm tăng lợi thế chính trị cho bất kỳ cuộc khủng hoảng nào.

Chính quyền của Tổng thống Donald Trump đã gia tăng số lượng “hoạt động tự do hàng hải” - được gọi là FONOP - ở Biển Đông để thách thức các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc. Các vòng diễn tập này, bao gồm các tàu hải quân chạy trong giới hạn lãnh thổ của các địa hình mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền, đã đạt mức cao mới, là 10 lần vào năm ngoái sau tổng số chỉ có 5 lần trong hai năm trước đó của chính quyền Obama .

Biden có vẻ duy trì hoặc thậm chí mở rộng số lượng FONOPs. Jake Sullivan , người được ông chọn làm cố vấn an ninh quốc gia, năm ngoái đã than van về việc Mỹ không thể ngăn Trung Quốc quân sự hóa các địa hình nhân tạo ở Biển Đông, đồng thời kêu gọi Mỹ tập trung nhiều hơn vào tự do hàng hải.

Sullivan nói với ChinaTalk, trong một cuộc hội thoại (podcast) được tổ chức bởi Jordan Schneider, một thành viên phụ tá ở Trung tâm An ninh mới của Mỹ có trụ sở tại Washington. “Chúng ta cần đóng góp nhiều tài sán và nguồn lực để bảo đảm và cũng cố, sát cánh chống đở cho các đối tác của chúng ta, quyền tự do hàng hải ở biển Đông. (Điều đó đặt chiếc giày vào chân kia) Điều đó khiến Trung quốc khó chịu. Sau đó Trung Quốc phải ngăn chặn chúng ta, điều mà họ sẽ không làm được”.

Mỹ đã đóng vai trò then chốt trong việc duy trì an ninh ở các vùng biển châu Á kể từ Thế chiến thứ hai. Tuy nhiên, việc tăng cường quân sự của Bắc Kinh, kết hợp với các động thái nhằm củng cố việc nắm giữ các lãnh thổ tranh chấp ở Biển Đông, đã làm dấy lên lo ngại rằng họ có thể tìm cách chế ngự quyền tiếp cận của quân đội Mỹ đối với các vùng biển ngoài khơi Trung Quốc. Đáp trả, Mỹ ngày càng tìm cách chứng tỏ quyền đi lại vô hại qua những vùng mà họ coi là vùng biển và không phận quốc tế.

Gần bỏ lỡ.

Nguồn: Dự án Nhận thức Hàng hải, Viện Nghiên cứu Trung-Mỹ, Bloomberg News, Reuters

Điều đó dẫn đến một số cuộc chạm trán căng thẳng. Trở lại năm 2001, một vụ va chạm trên không giữa một máy bay trinh sát của Hải quân Mỹ và một phản lực cơ chiến đấu của Trung Quốc đã dẫn đến một sự cố quốc tế, với phi hành đoàn của Mỹ bị giữ 10 ngày trên đảo Hải Nam. Trong một tình huống nguy hiểm gần như suýt xảy ra đụng độ vào năm 2018 giữa tàu khu trục Luyang của Trung Quốc và tàu USS Decatur của Mỹ, tàu chiến Trung Quốc cảnh báo tàu Mỹ sẽ "gánh chịu hậu quả" nếu nó không thay đổi hướng đi, theo trang South China Morning Post.

Joe Felter, cựu Phó trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng khu vực Nam Á, Đông Nam Á và Châu Đại Dương trong chính quyền Trump cho biết: “Chúng tôi chắc chắn không muốn xảy ra chiến tranh vì một số cụm đá san hô, thế nhưng chúng tôi cũng không muốn cho phép Trung Quốc thay đổi các quy tắc, với sự hiện diện của họ. Họ sẽ đẩy nó đi xa hơn nửa nếu có thể."

Trung Quốc tuyên bố chủ quyền hơn 80% Biển Đông, một trong những tuyến đường vận chuyển nhộn nhịp nhất thế giới, dựa trên bản đồ năm 1947 thể hiện các dấu hiệu mơ hồ mà từ đó được gọi là “đường chín đoạn ”. Hoa Kỳ ước tính rằng hơn 30% thương mại dầu thô của hàng hải toàn cầu đi qua vùng biển này.

Tuyên bố của Trung Quốc

Nguồn: Sáng kiến ​​Minh bạch Hàng hải Châu Á và Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế.

Ngoài Trung Quốc, 5 chính phủ khác cũng yêu sách chủ quyền trên Biển Đông: Việt Nam, Philippines, Brunei, Malaysia và Đài Loan. Các nỗ lực giải quyết tranh chấp đạt được rất ít tiến bộ: Các cuộc đàm phán với các quốc gia Đông Nam Á về quy tắc ứng xử trên vùng biển đã kéo dài khoảng hai thập kỷ.

Bắc Kinh cũng đã bác bỏ một cơ chế giải quyết tranh chấp theo Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển , được gọi là Unclos. Trong một vụ kiện do Philippines đơn phương đưa ra, Tòa Trọng tài Thường trực ở La Hay đã ra phán quyết vào năm 2016 rằng, không có cơ sở pháp lý nào để Trung Quốc tuyên bố các quyền lịch sử đối với tài nguyên ở các vùng biển nằm bên trong đường chín đoạn và các cấu trúc nhân tạo không tạo ra được các khu vực chủ quyền.

Trong một cuộc chiến quân sự, Trung Quốc có thể dễ dàng chiếm lấy các hòn đảo từ các bên tranh chấp. Mỹ và Nhật Bản là những quốc gia duy nhất “có khả năng thành công” khi chống lại Trung Quốc, trong khi các quốc gia Đông Nam Á chỉ có thể hy vọng “đánh cho Trung quốc chảy máu cam”, Bill Hayton, cộng sự của Chương trình Châu Á - Thái Bình Dương tại Chatham House và là tác giả của “ Biển Đông: Cuộc đấu tranh giành quyền lực ở châu Á” phát biểu.

Các thủy thủ Mỹ tiến hành các hoạt động bay trên boong tàu sân bay USS Carl Vinson. Các nhóm hàng không mẫu hạm tấn công của Hải quân Mỹ thường xuyên tuần tra các vùng biển khu vực, làm gia tăng căng thẳng trên Biển Đông. Nhiếp ảnh gia: Chuyên gia Truyền thông Đại chúng Hạng 3 Matt Brown / Hải quân Hoa Kỳ qua Getty Images

Bill Hayton nói “Bây giờ chúng ta đang tiến đến một giai đoạn 'chính sách bên miệng hố chiến tranh', Mỹ có lợi thế về công nghệ, nhưng Trung Quốc càng tiến gần đến suy nghĩ cho rằng họ có thể sánh ngang với Mỹ thì chúng ta càng tiến gần đến cuộc đối đầu”.

Dưới biển, rất nhiều nguồn năng lượng và tài nguyên hải sản đang bị đe dọa. Cơ quan Thông tin Năng lượng Hoa Kỳ ước tính Biển Đông chứa khoảng 190 nghìn tỷ feet khối khí đốt tự nhiên (khoảng 30% tổng trữ lượng đã được chứng minh ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương) và 11 tỷ thùng dầu (khoảng 25% tổng trữ lượng đã được chứng minh của khu vực), với nhiều khả năng đang chờ khám phá. Mỹ cho biết những hydrocacbon chưa được khai thác này có thể trị giá 2,5 nghìn tỷ USD.

Cạnh tranh Lợi ích

Nguồn: Sáng kiến ​​Minh bạch Hàng hải Châu Á và Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế.

Trong vài thập kỷ qua, tàu Trung Quốc đã xung đột với tàu của các bên tranh chấp khác - đặc biệt nhất là Việt Nam và Philippines - ngăn họ khai thác các nguồn tài nguyên đó. Năm 2012, Tập đoàn Dầu Ngoài khơi Quốc gia Trung quốc (China National Offshore Oil Corp - CNOOC), nhà thám hiểm nước sâu chính yếu của quốc gia, đã mời các nhà khoan nước ngoài khám phá các lô ngoài khơi Việt Nam mà lãnh đạo Hà Nội đã trao cho các công ty bao gồm Exxon Mobil Corp và OAO Gazprom khám phá.

Trung Quốc đã được hưởng lợi từ sự thiếu gắn kết giữa các nước Đông Nam Á, cho phép chiến lược của họ chỉ tìm kiếm các cuộc đàm phán song phương với mỗi bên tranh chấp để được yêu xách. Trong khi Việt Nam từ chối các cuộc đàm phán với Trung Quốc, Philippines đã đạt được một thỏa thuận khung với Bắc Kinh để thăm dò chung và dỡ bỏ lệnh tạm dừng hoạt động ở các vùng biển tranh chấp vốn được ban hành khi đệ đơn ra tòa trọng tài trước đây.

Trong khi đó, Mỹ đã đưa CNOOC vào danh sách các công ty Trung Quốc do quân đội Trung Quốc sở hữu hoặc kiểm soát, có khả năng khiến CNOOC phải tuân theo các lệnh trừng phạt mà có thể làm gián đoạn hoạt động của họ. Vào tháng 7, chính quyền Trump đã chính thức thông qua phán quyết của trọng tài năm 2016 và tuyên bố sẽ chống lại "sự bắt nạt" của Trung Quốc.

“Thế giới sẽ không cho phép Bắc Kinh coi Biển Đông là đế chế hàng hải của mình,” Ngoại trưởng Michael Pompeo nói vào thời điểm đó. “Mỹ sát cánh với các đồng minh và đối tác Đông Nam Á của chúng tôi trong việc bảo vệ quyền chủ quyền của họ đối với các nguồn tài nguyên ngoài khơi, phù hợp với các quyền và nghĩa vụ của họ theo luật pháp quốc tế”.

Một hạm đội Hải quân của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) - bao gồm tàu ​​sân bay Liêu Ninh, tàu ngầm, tàu và máy bay chiến đấu - đi qua Biển Đông trong một cuộc duyệt binh được Chủ tịch Tập Cận Bình giám sát. Mỹ và các nước láng giềng châu Á của Trung Quốc đã ghi nhận những cải tiến trong PLA khi ông Tập muốn xây dựng một quân đội đẳng cấp thế giới. Nhiếp ảnh gia: VCG / VCG qua Getty Images

Trung Quốc khẳng định lập trường pháp lý của họ là đúng đắn và bác bỏ các động thái trừng phạt của chính quyền Trump đối với các hoạt động ở Biển Đông. Vào tháng 9, Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị cho biết Mỹ đang "trở thành động lực quân sự hóa lớn nhất" ở vùng biển này.

"Trung Quốc hy vọng rằng các nước bên ngoài khu vực, bao gồm cả Hoa Kỳ, sẽ hoàn toàn tôn trọng mong muốn và kỳ vọng của các nước trong khu vực, thay vì tạo ra căng thẳng và tìm kiếm lợi ích từ nó", ông nói với những đối tác đồng cấp ở xung quanh khu vực tại một cuộc họp hàng năm .

Tuy nhiên, những lập luận đó không có nhiều khả năng thâu tóm được vùng biển đối với chính quyền Biden. Nhiều thành viên trong đội an ninh quốc gia của ông mạnh mẽ nhắc lại việc Tập Cận Bình nói với Barack Obama rằng Trung Quốc không có ý định quân sự hóa các công trình xây dựng ở Biển Đông, khi hai nhà lãnh đạo gặp nhau tại Nhà Trắng năm 2015.

Kể từ đó, Trung Quốc tiếp tục quân sự hóa các lãnh thổ tranh chấp, cho rằng các động thái này là cần thiết do “áp lực quân sự gia tăng từ các nước ngoài khu vực”. Trên bảy bãi san hô ngầm hoặc bãi đá ở quần đảo Trường Sa, Trung Quốc đã xây dựng cảng, hải đăng và đường băng, đồng thời lắp đặt các thiết bị quân sự chẳng hạn như các cụm tên lửa trên khoảng 3.200 mẫu Anh (1.290 ha) đất khai lấp.

Các tính năng cạnh tranh

Nguồn: Sáng kiến ​​Minh bạch Hàng hải Châu Á và Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế.

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ vào tháng 9 đã đánh dấu kỷ niệm 5 năm lời cam kết của Tập với Obama bằng một tuyên bố có tiêu đề “Những lời hứa suông của Trung Quốc ở Biển Đông”. Họ cho biết Trung Quốc đã triển khai tên lửa hành trình chống hạm, mở rộng radar quân sự và những tín hiệu tình báo, đồng thời xây dựng đường băng và nhà chứa máy bay cho máy bay chiến đấu.

Các đặc điểm mà Bắc Kinh xây dựng có thể giúp họ phóng chiếu sức mạnh trên Biển Đông, theo James Kraska, giáo sư về luật hàng hải quốc tế tại Trung tâm Luật Quốc tế Stockton thuộc Trường Cao đẳng Chiến tranh Hải quân Hoa Kỳ, .

Ông nói: “Các hòn đảo cung cấp các vòng tròn đồng tâm để che chắn máy bay cho toàn bộ Biển Đông. Chúng được chọn để xây dựng các căn cứ thu nhỏ."

Nhiếp ảnh gia: DigitalGlobe / ScapeWare3d / DigitalGlobe

Nhiếp ảnh gia: DigitalGlobe / ScapeWare3d / DigitalGlobe

Bắc Kinh đã phải đối mặt với sự chỉ trích của Hoa Kỳ vì sự phát triển các địa hình tranh chấp trên Biển Đông. Trên cùng: Rạn san hô Fiery Cross, được nhiều quốc gia xác nhận quyền sở hữu. Ảnh giữa: Đảo Woody, được gọi là đảo Yongxing ở Trung Quốc, thuộc quyền kiểm soát của Bắc Kinh từ năm 1956. Ảnh dưới cùng: Bãi đá ngầm Hughes, nằm trong khu vực Union Banks trong chuỗi Trường Sa. Hoa Kỳ đã tiến hành nhiều FONOP gần đó.Nhiếp ảnh gia: DigitalGlobe / ScapeWare3d / DigitalGlobe

Trung Quốc gióng lên hồi chuông cảnh báo thêm nửa vào tháng 8, khi họ bắn một loạt tên lửa vào Biển Đông. Các tên lửa đạn đạo tầm trung, bao gồm cả một tên lửa có khả năng trang bị đầu đạn hạt nhân, là chìa khóa cho chiến lược của Bắc Kinh ngăn chặn hành động quân sự ngoài khơi duyên hải phía đông, bằng cách đe dọa phá hủy tàu sân bay và căn cứ - hai nguồn phóng chiếu sức mạnh chủ chốt của Mỹ.

Liệu Trung Quốc có hành động để ngăn chặn hoạt động tự do hàng hải của Mỹ hay không vẫn còn chưa rõ ràng. Đáp lại một cuộc đi qua vô hại hồi tháng 4 của tàu USS Barry gần quần đảo Hoàng Sa, một phát ngôn viên của Bộ chỉ huy Chiến trường phía Nam của PLA cho biết tàu chiến đã đi vào vùng biển này một cách bất hợp pháp. Bộ chỉ huy PLA đã triển khai lực lượng không quân và hải quân để giám sát con tàu và cảnh báo nó rời đi, theo China Daily do nhà nước hậu thuẫn.

Biden cũng có thể cố gắng kêu gọi các đồng minh tham gia. Một tàu chiến của Vương quốc Anh được cho là đã thực hiện một chuyến hải trình gần quần đảo Hoàng Sa vào năm 2018 và các tàu hải quân của Pháp đã tuần tra ở Biển Đông. Vào tháng 7, một quan chức cao cấp của Mỹ cho biết Mỹ “luôn muốn thấy nhiều quốc gia cùng chí hướng tham gia” vào chương trình FONOP để xây dựng sự đồng thuận quốc tế và gây áp lực lên Bắc Kinh, theo báo cáo của Australian Broadcasting Corporation .

Andrew Chubb, một chuyên gia thuộc Đại học Lancaster về chủ nghĩa dân tộc và các yêu sách lãnh thổ của Trung quốc, cho biết : "Mặc dù sự phụ thuộc lẫn nhau giữa Mỹ và Trung Quốc gây bất lợi cho một trong hai bên khi họ leo thang ở bất kỳ sự cố nào, nhưng tính toán đó càng thay đổi khi họ càng rời xa nhau".

Ông nói: “Khả năng xảy ra đụng độ Mỹ-Trung có lẽ đã tăng lên. Và đồng thời, mức độ nguy hiểm của bất kỳ cuộc đụng độ nào cũng tăng lên — và có khả năng sẽ tăng thêm khi quá trình giản tách của hai nền kinh tế tiếp tục diễn ra”.

_ Biên tập: Brendan Scott, Daniel Ten Kate…/ Hỗ trợ: Jody Megson


Bài đăng phổ biến từ blog này

Trung Quốc đang đụng đầu với khủng hoảng ?

Nỗi sợ ngân hàng gây thêm đau đầu cho nền kinh tế Trung Quốc.

Xung đột vũ trang ở Biển Đông.