Giới quân sự Mỹ coi châu Á là ưu tiên hàng đầu, dù ngân sách quốc phòng bị cắt giảm

Theo RFI
TT Mỹ và thủ tướng Úc tại thượng đỉnh Cannes 2011
Reuters

Tú Anh

Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ nhân chuyến công du nước Úc vào tuần tới thông báo gởi Thủy Quân Lục Chiến sang đóng tại Darwin. Sự kiện Hoa Kỳ đưa các đơn vị tác chiến sang Úc là một bước thay đổi lớn về mặt địa lý chiến lược. Theo báo chí Úc, đây là dấu hiệu cho thấy có mối quan ngại càng ngày càng lớn trước sức mạnh quân sự của Trung Quốc.

Theo nhật báo Sydney Morning Herald, ngày 16/11/2011 Tổng thống Mỹ sẽ đến thủ đô Canberra và sau đó lên thành phố Darwin ở vùng cực bắc nơi mà ông sẽ thông báo thành lập một căn cứ quân sự cho Thủy Quân Lục Chiến Mỹ.

Từ trước đến nay Hoa Kỳ chỉ có một số hoạt động giới hạn tại Úc kể cả tại trung tâm vệ tinh tình báo gần Alice Spring.

Sự kiện Hoa Kỳ đưa các đơn vị tác chiến sang Úc là một bước thay đổi lớn về mặt địa lý chiến lược.

Giới lãnh đạo chính trị Úc tuy từ chối bình luận về thông tin này nhưng cũng không phủ nhận. Ngoại trưởng Kevin Rudd giải thích là hãy để cho lãnh đạo cao cấp nhất của hai nước chính thức loan báo kế hoạch « hợp tác quốc phòng giữa hai đồng minh ». Ông nhấn mạnh là « an ninh quốc gia » của Úc gắn liền với « liên minh quốc phòng vững chắc với Hoa Kỳ ».

Được AFP đặt câu hỏi, phát ngôn viên bộ Quốc phòng Mỹ George Little cũng tuyên bố một cách khéo léo : "Úc là bạn và đồng minh của Mỹ, do vậy hai bên sẽ tiếp tục hợp tác và tăng cường quan hệ quân sự ».

Một nhật báo khác của Úc, The Autralian cho biết thêm là ngoài Darwin, nhiều địa điểm khác đang được Hoa Kỳ và Úc nghiên cứu trong đó có Perth ở phía tây.

Nếu Darwin được chọn thì lực lượng Hoa Kỳ sẽ đồn trú trong căn cứ Robertson Barracks. Nơi đây cũng là hậu cứ của khoảng 4500 quân Úc.

Kế hoạch này sẽ thắt chặt quan hệ đồng minh quân sự từ 60 năm qua và củng cố sự hiện diện của Hoa Kỳ tại Châu Á.

Trong diễn văn đọc tại cuộc hội thảo quốc phòng vào ngày hôm nay 11/11/2011, bộ trưởng Quốc phòng Úc Stephen Smith nhận định là trong tương lai sẽ có « thêm nhiều cuộc thăm viếng của chiến hạm, của máy bay quân sự cũng như sẽ có nhiều cuộc tập trận chung tại bắc Úc và tích trữ trang bị quân sự ».

Hiện nay, trong vùng Thái Bình Dương, Hoa Kỳ đã có hai căn cứ lớn tại Okinawa và Guam. Tại sao quân đội Mỹ lại cần thêm căn cứ tại Úc ?

Báo chí Úc và các nhà phân tích cho rằng « đối tượng » của dự án này là mối đe dọa của Trung Quốc.

Bắc Kinh mỗi năm mỗi tăng ngân sách quốc phòng và gấp rút tăng cường vũ khí. Vụ thử nghiệm hàng không mẫu hạm đầu tiên hồi tháng 8/2011là một hình thức để Trung Quốc bày tỏ tham vọng trên biển đã gây phản ứng lo ngại từ các nước trong vùng cho đến tận Hoa Kỳ.

Theo chuyên gia Georffrey Garrett, giám đốc Trung tâm nghiên cứu Mỹ tại đại học Sydney thì “Trung quốc là một đối tượng quan trọng của Hoa Kỳ và Úc”.

Chiến lược đối phó của Washington dựa trên hai cột trụ : thứ nhất là củng cố quan hệ với đồng minh và với các nước bạn trong vùng để đề phòng sức mạnh quân sự của Trung Quốc biến chất.

Cột trụ thứ hai là « xây dựng một cấu trúc kinh tế khu vực dựa trên cơ sở kinh tế thị trường của Mỹ và Úc để về lâu về dài Trung Quốc có thể gia nhập. Tuy rằng Bắc Kinh vẫn còn do dự vì không muốn phải cải cách nội bộ ».





Giới quân sự Mỹ coi châu Á là ưu tiên hàng đầu, dù ngân sách quốc phòng bị cắt giảm
Theo RFI
Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Leon Panetta tại Seoul. Ảnh chụp ngày 28/10/2011 (REUTERS)

Đức Tâm

Cùng với việc rút quân khỏi Irak và giảm bớt số lính ở Afghanistan, giới quân sự Mỹ hy vọng từ nay, Hoa Kỳ có thể chuyển hướng, tập trung chú ý hơn tới châu Á, nơi được đánh giá là có vị trí chiến lược trong chính sách đối ngoại của Washington, bất chấp áp lực cắt giảm ngân sách.

Vào tháng 10, trong chuyến công du đầu tiên tới khu vực châu Á-Thái Bình Dương, kể từ khi nhậm chức, bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta đã liên tục nhắc lại rằng Hoa Kỳ đang ở thời điểm chuyển hướng sau 10 năm chiến tranh.

Khi dừng chân tại Nhật Bản, bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ nói, « Chúng tôi có cơ hội để tăng cường sự hiện diện ở Thái Bình Dương và chúng tôi sẽ làm việc này ». Thông điệp hướng tới các đồng minh và đối tác trong khu vực rất rõ ràng. Trong một tài liệu gửi các nhân viên bộ Quốc phòng, ông Panetta viết : Hoa Kỳ cam kết duy trì và gia tăng sự hiện diện quân sự trong khu vực.

Giới phân tích cho rằng Washington đưa ra những cam kết như trên để làm giảm bớt những lo ngại của các đồng minh hiện đang phải đối mặt với sức mạnh và thái độ quyết đoán của Trung Quốc, cũng như những rủi ro nguy hiểm đến từ chế độ Bắc Triều Tiên.

Ông Ralph Cossa, chủ tịch Diễn đàn Thái Bình Dương, thuộc viện Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế - CSIS tại Honolulu nói với AFP rằng ở châu Á, có một mối quan ngại là Trung Quốc ngày càng mạnh và tìm cách đẩy Mỹ ra khỏi khu vực. Do vậy, những việc mà Hoa Kỳ làm hiện nay là nhằm trấn an mọi người rằng Mỹ không có kế hoạch rời bỏ nơi đây.

Theo các quan chức Hoa Kỳ, việc quân đội Mỹ chấm dứt sự hiện diện tại Irak và từng bước rút hết quân ra khỏi Afghanistan vào trước cuối năm 2015 đã tạo ra một sự chuyển hướng quan trọng nhắm sang châu Á-Thái Bình Dương.

Trên tạp chí Foreign Policy, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton viết, tổng thống Barack Obama đã đề ra « hướng chiến lược » tập trung vào châu Á ngay từ đầu nhiệm kỳ của ông.

Diễn đàn kinh tế châu Á-Thái Bình Dương APEC, được tổ chức vào cuối tuần này tại Hawaii là dịp để Washington khẳng định lại sự gắn bó với khu vực, đặc biệt là qua việc thúc đẩy tiến trình đàm phán một hiệp định tự do mậu dịch.

Sau chuyến công du Nhật Bản, Hàn Quốc và Indonesia của bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Panetta vào tháng 10, tổng thống Barack Obama sẽ tới dự Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á ở Bali, Indonesia, vào trung tuần tháng 11. Các hoạt động ngoại giao này thể hiện sự cam kết ở mức độ cao của Mỹ đối với châu Á.

Chuyên gia Cossa nhận định, các chính quyền của đảng Cộng Hòa và Dân Chủ đều có chính sách đối ngoại rõ ràng, mạch lạc tại châu Á. Đó là « tập trung vào việc duy trì liên minh, thúc đẩy quan hệ đối tác, đẩy mạnh hợp tác và tự do mậu dịch và những điều này đã không hề thay đổi ».

Bộ trưởng Panetta cho biết là vai trò quân sự của Mỹ tại châu Á không nằm trong kế hoạch cắt giảm ngân sách quốc phòng, được dự tính lên tới 450 tỷ đô la trong 10 năm tới. Thế nhưng, theo giới chuyên gia, chưa có dấu hiệu gì cho thấy quân đội Mỹ có những kế hoạch mở rộng sự hiện diện tại Thái Bình Dương.

Hiện nay có khoảng 85 000 nhân viên quân sự Mỹ được triển khai trong khu vực, chủ yếu ở Nhật Bản và Hàn Quốc, trong những năm tới, Hoa Kỳ có kế hoạch giảm bớt quân số tại đây.

Một số chuyên gia quân sự cho biết là hải quân Mỹ cũng giảm số tàu chiến trong vùng, từ 320 tàu vào năm 2001 xuống còn 284. Có khả năng Washington loại bỏ một trong số 11 hàng không mẫu hạm để tiết kiệm.

Trước sức ép cắt giảm ngân sách, một số tướng lãnh Mỹ đề xuất giải pháp « triển khai trước » : Xây dựng cơ sở hạ tầng tại châu Á và đưa thêm tàu chiến đến khu vực này, như vậy, vừa bớt được tốn kém về nhiên liệu, vừa tăng cường được sự hiện diện quân sự tại đây. Ví dụ đầu năm nay, Washington thông báo có kế hoạch đưa một số tàu chiến đến Singapore.


Trang Chủ

Bài đăng phổ biến từ blog này

Trung Quốc đang đụng đầu với khủng hoảng ?

Nỗi sợ ngân hàng gây thêm đau đầu cho nền kinh tế Trung Quốc.

Xung đột vũ trang ở Biển Đông.