Obama: Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương sẽ hoàn tất năm 2012

Obama: Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương sẽ hoàn tất năm 2012.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và dấu ấn ngoại giao ở Hawaii.

(Tổng thống Obama phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh APEC ở Honolulu, ngày 12/11/2011 .Hình: AP/Charles Dharapak).

Theo RFI.

Đức Tâm

Mở đầu cho hoạt động của Hội nghị Thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương - APEC, được tổ chức tại Hawaï, tối hôm qua, 12/11/2011, Tổng thống Mỹ
Barack Obama và phu nhân đã mở tiệc chiêu đãi lãnh đạo các thành viên APEC. Nhân dịp này, nguyên thủ Mỹ thông báo, 9 quốc gia là Hoa Kỳ, Úc, New Zealand, Brunei, Malaysia, Singapore, Việt Nam, Peru, Chilê đã đạt được đồng thuận về những đường hướng chính của dự án thành lập khu vực tự do mậu dịch lớn nhất thế giới, Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP). Cuối tuần qua, Nhật Bản cũng thông báo sẽ tham gia vòng đàm phán này.

Tổng thống Mỹ cho biết mục tiêu được đề ra là đến năm 2012, các nước liên quan sẽ đạt được « một văn bản pháp lý về một hiệp định hoàn chỉnh ». Các nhà đàm phán sẽ nhóm họp vào đầu tháng 12 năm nay.

Theo Washington, Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương có một ý nghĩa mang tầm vóc thế giới. Cùng với Nhật Bản, 10 nước tham gia Hiệp định TPP chiếm tới 35% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn thế giới, lớn hơn rất nhiều so với Liên Hiệp Châu Âu, hiện là khu vực tự do mậu dịch lớn nhất, nhưng chỉ chiếm có 26% GDP thế giới.

Về thương mại, các cuộc đàm phán trong TPP hướng tới việc xóa bỏ hàng rào thuế quan và những cản trở khác trong trao đổi hàng hóa, đầu tư giữa các nước thành viên. Các nước trong TPP cũng dự kiến đàm phán tiến tới sự xích lại gần nhau giữa các quy định về thương
mại, để đơn giản hóa thủ tục pháp lý, hành chính cho các doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, các nước thành viên TPP đồng ý thúc đẩy trao đổi các sản phẩm công nghệ cao, như trong lĩnh vực tin học, các thiết bị liên quan đến năng lượng tái tạo. Bản hiệp định sẽ có những điều khoản nhằm tăng cường bảo vệ môi trường tại các nước thành viên, đặc biệt trong lĩnh vực đánh bắt hải sản, đa dạng sinh học, biến đổi khí hậu, các sản phẩm « xanh ».

Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama cùng phu nhân, bà Michelle Obama chụp hình kỷ niệm với Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang và phu nhân, bà Mai Thị Hạnh, trước khi khai mạc thượng đỉnh APEC tại Hawaï ngày 12/11/2011.REUTERS/Larry Downing


Để bảo đảm sự đối xử bình đẳng giữa các doanh nghiệp, Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình

Dương sẽ có những quy định về tính minh bạch và chống phân biệt đối xử trong quá trình tham gia đấu thầu các dự án sử dụng nguồn tài chính công. Bảo vệ quyền lợi của người lao động cũng sẽ là một trong những nội dung của bản Hiệp định này.

Kết thúc cuộc họp Thượng đỉnh ngày hôm nay, Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ tổ chức họp báo.

Theo giới phân tích, việc Diễn đàn APEC được tổ chức tại Mỹ và thông báo của Tổng thống Obama về những đường hướng chính của Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương, cho thấy Hoa Kỳ muốn khẳng định quyết tâm mở rộng ảnh hưởng của mình tại châu Á – Thái Bình Dương.


Chủ tịch nước và dấu ấn ngoại giao ở Hawaii

Theo VietNamNet.

- Hoạt động ngoại giao song phương bận rộn của Chủ tịch nước bên lề APEC 19 tuần qua tại Hawaii là nỗ lực thúc đẩy quan hệ với các đối tác đi vào chiều sâu, qua đó cũng thể hiện dấu ấn nổi bật của ông trong công tác đối ngoại.

APEC vốn là diễn đàn đa phương lý tưởng bởi cơ hội tiếp xúc song phương bên lề giữa 21 thành viên.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã có lịch trình làm việc dày đặc ở Hawaii không chỉ cho các hoạt động ngoại giao đa phương mà cả các cuộc tiếp xúc song phương.

Việt - Trung: Lời hứa từ Hawaii




Cuộc gặp song phương với Tổng bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Hồ Cẩm Đào ở Hawaii của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang là cuộc tiếp xúc cấp cao sớm nhất kể từ chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng giữa tháng 10 vừa qua.

Tiếp tục khẳng định chính sách coi trọng và thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương, việc hai

nhà lãnh đạo tái khẳng định quan điểm giải quyết vấn đề Biển Đông trong cuộc gặp là tín hiệu cho thấy nỗ lực nghiêm túc giải quyết vấn đề tồn đọng lớn nhất trong quan hệ Việt - Trung hiện nay.

Hai bên tái khẳng định nghiêm túc thực hiện Thỏa thuận các nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển, trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 và DOC.

Một thông tin tốt từ cuộc gặp, đó là việc Tổng bí thư, Chủ tịch nước Hồ Cẩm Đào mời Chủ tịch nước Trương Tấn Sang sang thăm Trung Quốc vào thời điểm thích hợp. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã nhận lời và ông đã mời ông Hồ Cẩm Đào, Phó Chủ tịch nước Tập Cận Bình và các vị lãnh đạo khác của Trung Quốc thăm Việt Nam. Trong lời đáp từ, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Hồ Cẩm Đào cảm ơn và cho biết các vị lãnh đạo Trung Quốc sẽ sang thăm
Việt Nam vào thời điểm thích hợp.

Từ Trung tâm Đông - Tây


Giới ngoại giao Hoa Kỳ đã thiết kế một chương trình song phương bên lề APEC với đoàn Việt Nam, trong đó tâm điểm là sự tham dự của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang vào nhiều hoạt động, cho thấy không thua kém chương trình thăm chính thức của một lãnh đạo cấp cao.

Trung tâm Đông Tây - một trong những trung tâm nghiên cứu chính sách lớn, uy tín hàng đầu của Hoa Kỳ tại châu Á - Thái Bình Dương lần đầu tiên chào đón lãnh đạo cấp cao Việt Nam đến thăm và phát biểu.

Sự hiện diện của Chủ tịch nước tại đây có nhiều ý nghĩa trong bối cảnh Mỹ ngày càng mở rộng các hoạt động kinh tế, quân sự và đối ngoại ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương - nơi Mỹ cho rằng sẽ trở thành tâm điểm chiến lược và kinh tế thế giới trong thế kỷ 21.

Trước hơn 200 đại biểu là các nhà nghiên cứu, học giả và sinh viên trường Đại học tổng hợp Hawaii, đại diện nghị sỹ liên bang, lãnh đạo bang Hawaii và thành phố Honolulu, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã có bài phát biểu về chính sách đối ngoại của Việt Nam và quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ.

Hoan nghênh chính sách tăng cường hợp tác với châu Á của chính quyền Tổng thống Mỹ Barack Obama, Chủ tịch nước khẳng định Việt Nam coi trọng quan hệ với Mỹ, xem Mỹ là đối tác hàng đầu có ý nghĩa chiến lược, mong muốn tăng cường quan hệ với Mỹ cả trên bình diện song phương và đa phương.

Nhấn mạnh ý nghĩa mối quan hệ song phương không ngừng mở rộng, phát triển trên mọi lĩnh vực từ kinh tế, thương mại, văn hóa, giáo dục, y tế đến quốc phòng, an ninh..., ông cho rằng hai bên duy trì đã và đang duy trì một “mối quan hệ bình thường giữa quốc gia này với quốc gia khác”.

Mối quan hệ chuyển từ cựu thù sang đối tác thêm một lần nữa được nhấn mạnh trong cuộc gặp giữa Chủ tịch nước và Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton khi bà khẳng định Mỹ coi trọng và mong muốn thúc đẩy quan hệ hợp tác nhiều mặt với Việt Nam, trong đó có việc nâng tầm quan hệ, hướng tới đối tác chiến lược.

Trong cuộc gặp Ngoại trưởng Mỹ, Chủ tịch nước đã nhờ bà chuyển lời mời Tổng thống Barack Obama thăm Việt Nam, đồng thời mời Ngoại trưởng và gia đình sớm thăm lại Việt Nam.

Với chủ trương mở rộng hợp tác tăng cường thu hút đầu tư, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cũng đã dự Đối thoại diễn đàn doanh nghiệp Việt - Mỹ với đại diện gần 200 doanh nghiệp Mỹ và Việt Nam.

Đẩy mạnh tiến độ dự án lớn của Nga

Bên lề APEC 19, Chủ tịch nước cũng đã gặp gỡ Tổng thống Nga Dmitry Medvedev, Thủ tướng Australia Julia Gillard, Tổng thống Chile Sebastian Pinera, Tổng thống Peru Ollanta Humala, lãnh đạo 11 quốc đảo Thái Bình Dương đang dự Hội nghị các nhà lãnh đạo các quốc đảo Thái Bình Dương….

Với Nga, đối tác chiến lược đầu tiên của Việt Nam, hai bên nhận định quan hệ phát triển rất tốt đẹp, song tiềm năng hai bên còn rất lớn, hai nước cần triển khai hiệu quả những thỏa thuận của lãnh đạo cấp cao, chủ động tìm ra những biện pháp thiết thực để thúc đẩy quan hệ.

Chủ tịch nước đã đề nghị phía Nga đẩy mạnh tiến độ thực hiện các dự án lớn tại Việt Nam, nhất là lĩnh vực năng lượng, kỹ thuật quân sự, và đặc biệt cần đưa dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 trở thành biểu tượng mẫu mực hữu nghị và hợp tác mới giữa hai nước.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã mời Tổng thống Medvedev, Thủ tướng Putin và các lãnh đạo Nga khác sớm thăm chính thức Việt Nam. Tổng thống Medvedev đã vui vẻ nhận lời và mời Chủ tịch nước sớm thăm Nga. Chủ tịch nước đã nhận lời thăm Nga vào thời gian thuận tiện cho cả hai bên.

Dấu ấn Chủ tịch nước

Các hoạt động ngoại giao song phương bận rộn bên lề APEC 19 tại Hawaii của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cho thấy trọng tâm đối ngoại tiếp tục thúc đẩy quan hệ với các đối tác đi vào chiều sâu, ổn định và bền vững, đồng thời thể hiện dấu ấn nổi bật của ông trong công tác đối ngoại.

Hawaii ghi dấu ấn của Chủ tịch nước bởi những nỗ lực cao độ của ông cho cả hoạt động ngoại giao đa phương và song phương. Trước Hawaii, ông đã có hàng loạt các chuyến công du đến các khu vực, nước đối tác chủ chốt như Singapore, Malaysia, Ấn Độ, Sri Lanka…

Chủ tịch Sang đến Hawaii ngay khi ông vừa kết thúc chuyến thăm cấp nhà nước Hàn Quốc.

Lịch trình bận rộn tại Hawaii là sự thử thách sức khỏe đối với ông khi hoạt động nối tiếp hoạt động. Song khả năng thích ứng của cá nhân ông cho thấy một nhiệm kỳ khởi sắc và mang dấu ấn năng động.

Linh Thư


Trang Chủ

Bài đăng phổ biến từ blog này

Trung Quốc đang đụng đầu với khủng hoảng ?

Nỗi sợ ngân hàng gây thêm đau đầu cho nền kinh tế Trung Quốc.

Xung đột vũ trang ở Biển Đông.