Cưỡng chế ở Hải Phòng, câu hỏi và sự thật.

Câu hỏi sau vụ chống cưỡng chế ở Hải Phòng.

Khu đất nhà ông Vươn. Ảnh: Hà Anh
Nhưng vụ việc ở Hải Phòng trở thành tâm điểm dư luận bởi lần đầu tiên, những người dân bị cưỡng chế đã sử dụng vũ khí - súng và mìn - thay cho tay không hoặc một số công cụ hỗ trợ như trước đây.

Viết Lê Quân. 10/01/2012 05:00 GMT+7.
T vn

Vì sao những người dân Tiên Lãng, Hải Phòng, thường đã không làm mất lòng hàng xóm, nhưng đột nhiên lại xảy ra một sự biến đổi đến không ngờ trong hành động, sẵn lòng làm mất lòng chính quyền địa phương?
Câu chuyện gia đình chủ đầm Đoàn Văn Vươn nổ súng vào lực lượng cưỡng chế thu hồi đất đầm ở Tiên Lãng, Hải Phòng làm 6 công an và quân nhân bị trọng thương ngày 5/1 đang gây sự chú ý đặc biệt của dư luận.

Nguyên nhân để xảy ra vụ án đặc biệt nghiêm trọng này bắt nguồn từ việc nhiều hộ dân có đầm nuôi trồng thủy sản tại khu vực xã Vinh Quang, trong đó có Đoàn Văn Vươn, không đồng tình với quyết định thu hồi đất của UBND huyện Tiên Lãng vì trong các giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nuôi trồng thủy sản chỉ có thời hạn giao đất 4 - 15 năm nhưng hợp đồng của nhiều hộ, thời điểm ký là năm 1997 đã ghi lùi thời hạn áp dụng từ 1993. Các quyết định thu hồi đất cũng không đề cập đến việc đền bù vật kiến trúc, công tôn tạo của người dân trong việc biến cả trăm ha đầm bãi sú vẹt hoang hóa thành các vuông đất nuôi trồng thủy sản.

Những hành động phản ứng khi bị cưỡng chế, thu hồi đất đai lâu nay không còn là chuyện hiếm. Nhưng vụ việc ở Hải Phòng trở thành tâm điểm dư luận bởi lần đầu tiên, những người dân bị cưỡng chế đã sử dụng vũ khí - súng và mìn - thay cho tay không hoặc một số công cụ hỗ trợ như trước đây. Dư luận cũng băn khoăn, vì sao Đoàn Văn Vươn, vốn có nhân thân tốt, từng được một tờ báo phong tặng là "kỳ tài đất Tiên Lãng" bỗng chốc trở thành bị can trong một vụ án nghiêm trọng.

Giới hạn của sự nguy hiểm

Vô tình hay hữu ý, chính sách thu hồi đất đai lại vận động hoặc đi cùng với những con sóng tăng giá bất động sản từ những năm 1994-1995 cho đến nay. Nếu trước thời điểm năm 2000, có thể xem vài đợt tăng giá nhà đất chỉ là sự khởi đầu của trào lưu đầu cơ bất động sản, thì trong hơn mười năm qua, trào lưu này đã biến đất đai thành một mỏ vàng vô tận để từ đó làm giàu cho vô số người, bao gồm cả tư nhân lẫn quan chức.

Cũng từ năm 2000 đến nay, dư luận xã hội đã phải quá nhiều lần phát đi câu hỏi thống thiết về mối quan hệ hữu cơ ngày càng gắn bó giữa các nhóm lợi ích - một chuỗi mắt xích được tương hỗ lẫn nhau về thủ tục hành chính và cả về những quyết định vi luật lẫn vi hiến, mà do đó đã góp phần làm sinh ra một giai tầng mới trong xã hội: "tư sản đỏ".

Những số liệu của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho thấy từ năm 2005-2006, hình thức khiếu kiện đông người đã tăng vọt. Vào thời điểm ấy, 70% nguyên nhân khiếu kiện liên quan đến lĩnh vực đất đai.
Nhưng từ năm 2007 đến năm 2010, cùng với con sóng đầu cơ đất đai ghê gớm ở Hà Nội, TP.HCM và một số tỉnh lân cận, nhiều chuyên gia đã đánh giá tỷ lệ khiếu tố về đất đai đã tăng đến 90% trong tổng số đơn thư khiếu kiện.

Vì sao người dân lại bức xúc rồng rắn khiếu kiện như thế?

Có nhiều nguyên nhân và nhiều lời giải thích. Suốt hàng chục năm qua, rất nhiều cuộc hội thảo ở cấp trung ương và địa phương đã được tổ chức về vấn đề trên. Thậm chí còn có cả những dự án được nước ngoài tài trợ nhằm làm rõ nguồn cơn và giải pháp.

Sau 4 tiếng giằng co, 12h trưa ngày 5/1, các lực lượng mới tiếp cận được ngôi nhà của Đoàn Văn Vươn. Ảnh: Báo Hải Phòng.


Nhưng trong khi mọi chuyện vẫn còn đang trong quá trình "nghiên cứu" và vẫn chưa có một lời giải thích thỏa đáng nào, cái hiện thực mà dư luận thấy rõ nhất và đáng được thừa nhận nhất là sức chịu đựng của người dân bị mất đất đã tiến đến một giới hạn của sự nguy hiểm.

Sau toàn bộ chuỗi kiện tụng về đất đai, tính cao trào của bi kịch thường được kích nổ bởi việc cưỡng chế, trong đó có cả những hành vi cưỡng chế trái pháp luật.Tính kích nổ đầy nguy hiểm đó có thể dẫn đến những hành động phản ứng tự phát, manh động; và phần nào đó mang tính vô thức nếu phân tích theo khía cạnh tâm lý học.

Còn thực tế hơn, những người dân bị mất đất chỉ đơn giản lo sợ về việc họ sẽ sinh sống ra sao, con cái họ sẽ học hành thế nào một khi gia đình họ không còn đất canh tác, khi đất canh tác của họ đã chỉ được nhận giá bồi thường rẻ mạt để sau đó biến thành dự án sân golf, dự án du lịch, hay một thứ dự án nào đó mà về danh nghĩa là công ích nhưng thực chất lại là phân lô bán nền...

Dự cảm sắp đến và sẽ đến.

Với tình hình giá bồi thường năm 2011 đã tăng lên đáng kể so với những năm trước, vì sao người dân bị thu hồi đất lại phản ứng rộng hơn và mạnh hơn? Những người dân này đã phản ứng quá đà hay còn do nguyên nhân nào khác?

Hay mặt bằng dân trí và nhận thức của người dân đã thay đổi? Và nếu thay đổi thì theo hướng nào?

Còn nhớ trước năm 1997, khi con sóng đầu cơ bất động sản đầu tiên hình thành ở Việt Nam, tại một số địa phương cũng đã manh nha làn sóng khiếu kiện đất đai. Nhưng đến năm 1997, điểm cực đại trong phản ứng tâm lý của người dân đã được kết tủa bởi sự kiện Thái Bình.

Trung Quốc, một quốc gia có bối cảnh vận động kinh tế và xã hội không khác mấy Việt Nam, cũng đã từ lâu rơi vào bối cảnh các mâu thuẫn kinh tế giai cấp đang tràn đầy nguy cơ biến thành xung đột xã hội. Vào năm 2011, khi chính thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo lần đầu tiên phải lên tiếng thừa nhận về "sự oán giận của người dân" đối với nhiều chính sách giải tỏa bồi thường đất đai, thì cũng là lúc hàng loạt vụ việc phản ứng quyết liệt của người bị mất đất diễn ra ở Quảng Đông, Quảng Châu, Phúc Kiến, Giang Tô...

Gần đây nhất, vụ việc làng Ô Khảm là một minh họa tiêu biểu cho tình thế "đóng cổng làng", buộc ngay cả bộ trưởng công an Trung Quốc Chu Vĩnh Khang cũng phải đưa ra lời đề nghị về chính quyền địa phương cần thực hiện "hòa giải với nhân dân".

Nếu trường hợp phản ứng của 13.000 dân làng Ô Khảm ở Trung Quốc là một điểm nhấn trong tâm lý phản kháng đối với chính sách thu hồi đất đai và bất công xã hội, thì có lẽ một số vụ việc phản ứng gần đây của người dân đối với chính sách thu hồi đất đai tại địa phương ở Việt Nam lại ẩn chứa những nét tương đồng lạ lùng, xứng đáng để các nhà xã hội học xây dựng hẳn một đề tài chuyên biệt nhằm phục vụ cho giới chức quản lý và cả giới chức tuyên truyền.

Và trọng tâm, hoặc một minh họa mang tính khởi đầu cho đề tài nghiên cứu - triển khai trên có thể chính là vụ việc mang tính tiền lệ về chống người thi hành công vụ - đã xảy ra ở khu đầm nuôi thủy sản xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng, thành phố Hải Phòng vào đầu năm 2012.

Để đề tài trên cũng nhằm dự cảm và dự báo về những phản ứng xã hội về đất đai, sắp đến và sẽ đến...

SỰ THẬT LỐ BỊCH Ở TIÊN LÃNG: HÓA RA CHÚNG NÓ CẢ
NGUYỄN QUANG VINH.
Que Choa


Tết nhất, túng bấn, bờ lốc bờ leo ngày hai nhát ổn rồi, nhưng hôm nay phá lệ, mần nhát nữa.

Hôm qua Trưởng thôn Khoai Lang hỏi Chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng 4 câu, tưởng thế là oách lắm, ra vẻ ta đây, ra vẻ nhà báo nhà bót, nhà văn nhà vót, ai dè hôm nay, nhiều thông tin lộ ra, lộ be bét, và vì cái sự lộ này, dù cố gắng lịch sự và nhã nhặn, nhưng xin lỗi, cho Khoai Lang gọi mấy lão lãnh đạo này là chúng nó, vâng, chúng nó theo đúng nghĩa đen nhất của từ này.

Vì sao lại có thể dám xúc phạm lãnh đạo xã, huyện người ta như vậy?

Chúng nó đây:

Chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng Lê Văn Hiền là anh ruột của Lê Văn Liêm Chủ tịch UBND xã Vinh Quang ( nơi cứ trú của anh Đoàn Văn Vươn và có đầm hồ nuôi trồng thủy sản đang bị thu hồi). Hèn chi vừa rồi họp báo, ông Liêm gào lên là việc thu hồi đất của huyện ( của anh mình) là đúng pháp luật. Hèn chi, anh trai Hiền lại ra hết lệnh này đến lệnh khác ủng hộ thằng cu em đến vậy. Hèn chi với cái kiểu anh em ruột rà trong xử lý vụ việc, tiền hô hậu ủng, anh kỹ sư chân đất Đoàn Văn Vươn và bà con nghèo ở xã Vinh Quang bị đè dúi đầu xuống trong tủi khổ, uất hận cũng phải thôi.

Mà vì sao lần này hai anh em họ Lê nhanh chóng hợp tác trở thành chúng nó của nhân dân vậy ta? Đây rồi, hóa ra, chúng nó dùng quyền lực quản lý nhà nước để cưỡng chế đất của dân, sau đó thì giao cho những hộ khác với danh nghĩa đấu thầu.

Nhưng việc làm của chúng nó đã đánh động lương tri của nhân dân, đánh động lương tâm các nhà báo, đánh động trách nhiệm của Thành ủy Hải Phòng. Thành ủy đã họp, cam kết xem xét lại quy trình giao đất, thuê đất tại xã Vinh Quang, và nếu sự xem xét đó là trung thực, công tâm, minh bạch, mà lần này chắc chắc phải công tâm, trung thực, minh bạch thôi vì áp lực của dư luận, của báo chí, của các luật sư, của hệ thống tòa án, thì chắc chắn anh em nhà họ Lê chết, lộ ra nhiều điều nữa. Sự che chắn, vây bủa, dấu diếm đang rách toạc ra dưới ngòi bút trung thực của báo chí, của nhân dân, của những nhà chức trách có trách nhiệm. Mấy hôm nữa, lột áo chúng nó ra, xem cái bụng mỡ của anh em họ Lê nó dính dấu vân tay bóp nặn, vuốt ve của những ai đã cùng hùa vào cướp đất dân. (Chắc chắn dấu vấn tay của những người muốn đấu thầu đầm hồ này- lại nghe nói anh em bà con với chúng nó cả)

Chuyện ấy rồi sẽ biết sớm thôi…

Anh Đoàn Văn Vươn đã thế chấp cả mồ hôi, tiền bạc, máu, và cả mạng sống đứa con 8 tuổi vào đầm lầy này, với cái trò cướp đất trắng trợn của những kẻ mang danh cán bộ lãnh đạo từ huyện đến xã để câu kết thành phường cướp ngày, thì sự bức xúc, phẫn nộ, thậm chí là căm thù của anh và bà con để dẫn đến sự phạm tôi đáng tiếc, thật buồn và thương xót nhưng đó chính là đi đúng với câu ông bà đã dạy: tức nước vỡ bờ.

“Bom” về những bí ẩn sau vụ cưỡng chế đất đã nổ, sáng tỏ bộ mặt đáng khỉnh bỉ của những kẻ được coi là “ công bộc” của nhân dân.

Những cán bộ lãnh đạo Thành ủy Hải Phòng, của tòa án Tối cao, các luật sư, của cán bộ nguyên là bí thư đảng ủy xã Vinh Quang, của lãnh đạo hội nuôi trồng thủy sản huyện, và bà con, nhân dân…cùng với báo chí, đang vạch toạc rõ mười mươi một màn kịch bỉ ổi tại Tiên Lãng của quan chức huyện, xã.

Hôm nay, Trưởng thôn Khoai Lang không gọi Chủ tịch huyện Tiên Lãng và chủ tịch xã Vinh Quang là đồng chí, là ông nữa, không và không, gọi đúng tên: CHÚNG NÓ.


Anh Đoàn Văn Vươn đang khoát tay chỉ cho các nhà báo vị trí đầm hồ của mình.

Bây giờ thì chúng tôi đồng ý với anh, căn nguyên bức xúc dẫn đến phạm tội: Chúng nó đang kéo bè kéo cánh, kéo anh kéo em để cướp đất của anh và bà con nghèo. Dù anh không may trở thành người phạm tội nhưng anh là NGƯỜI LƯƠNG THIỆN, vâng MỘT NGƯỜI LƯƠNG THIỆN mà chúng tôi vô cùng kính trọng.

Theo blog NQV

Trang Chủ

Bài đăng phổ biến từ blog này

Trung Quốc đang đụng đầu với khủng hoảng ?

Nỗi sợ ngân hàng gây thêm đau đầu cho nền kinh tế Trung Quốc.

Xung đột vũ trang ở Biển Đông.