Chủ nghĩa Lê-nin hợp doanh của Trung Quốc.

Một sự hội nhập thực sự vào trật tự tự do toàn cầu sẽ bắt buộc Trung Quốc điều chỉnh sâu rộng hệ thống kinh tế - chính trị, cũng như cách thức điều hành quốc gia của họ. Những sự điều chỉnh này sẽ làm suy yếu chí tử ĐCSTQ, làm lung lay tận gốc những thoả hiệp vốn đã mong manh giữa Đảng và các tầng lớp kinh tế và xã hội tinh hoa.

[caption id="attachment_3445" align="alignleft" width="200"] Lenin (Lee). Hình của tạp chí The American Interest.[/caption]John Lee. Tháng 5-6 năm 2012.
Bản tiếng Anh

Bản dịch của Thời Đại Mới.

Chính trị vẫn là thống soái trong chính sách toàn cầu của Trung Quốc. Ngày 10 tháng 12 năm 2003, trong một diễn văn cho sinh viên đại học Harvard, Thủ tướng Ôn Gia Bảo đã giới thiệu cho cử tọa Mỹ luận thuyết “trỗi dậy hòa bình”của Trung Quốc. Lập luận rằng Trung Quốc là một nước nghèo tính theo thu nhập đầu người và một nền kinh tế còn lạc hậu trên nhiều phương diện, Ôn Gia Bảo khẳng định rằng quốc gia của ông cần một môi trường ổn định để trỗi dậy. Ông nhấn mạnh là Trung Quốc đang trỗi dậy trong một trật tự kinh tế tự do toàn cầu, chọn tham gia vào trật tự ấy thay vì theo chính sách khắc khổ tự cấp tự túc của thời Mao Trạch Đông. Luận thuyết “trỗi dậy hòa bình”của Trung Quốc, sau này được điều chỉnh thành “phát triển hòa bình”, dường như đã tái khẳng định điều mà các học giả danh tiếng đã nói đến trong nhiều năm qua: Mặc dù trật tự kinh tế tự do được Phương Tây thiết kế và xây dựng, nhưng đó là một trật tự mở. Những quốc gia đang trỗi dậy, dù ngoài phương Tây, vẫn có thể trở nên thịnh vượng trong môi trường cạnh tranh này mà không cần thách thức các nguyên tắc và luật lệ cơ bản của trật tự ấy.(1)

Có nhận định cho rằng Trung Quốc không muốn mà cũng chẳng có khả năng ngầm phá hoại và thay đổi trật tự quốc tế hiện tại. Đó là một nhận định thuyết phục. Trong hơn hai thập kỷ qua, chính Trung Quốc là quốc gia hưởng lợi nhiều nhất từ trật tự này và, vì nhiều lý do thực tế, có vẻ như họ sẽ tiếp tục chấp nhận trật tự ấy trong tương lai trước mắt. Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Nhật Bản, Hàn Quốc, Việt Nam, Singapore và Úc, đồng thời cũng là bạn hàng Châu Á lớn nhất của Mỹ và Ấn Độ, thế nên Trung Quốc khó có thể chấp nhận hi sinh đứng ngoài thể chế thương mại toàn cầu này. Quan trọng hơn, Trung Quốc chưa triển khai được một quan niệm nào khả dĩ thay thế trật tự hiện tại tất nhiên đó phải là một quan niệm mà, về lâu dài, các quốc gia khác cũng sẽ chấp nhận hoặc rập khuôn. Cũng khó mà tưởng tượng Trung Quốc có thể áp đặt một trật tự mới trên các nước láng giềng của họ. Mỹ vẫn là một sức mạnh quân sự vượt trội ở châu Á và một đối tác an ninh được hầu hết các nước quan trọng trong vùng ưa chuộng. Rõ ràng là về mặt chiến lược thì Trung Quốc vẫn còn là một thế lực đang trỗi dậy nhưng cô lập, dù khả năng quân sự của họ càng ngày càng lớn.

So với lập luận trên, thì lập luận cho rằng Trung Quốc sẽ quyết định tăng hội nhập vào trật tự kinh tế tự do toàn cầu, hoặc rằng Trung Quốc có thể bị thuyết phục để theo con đường ấy, thì yếu hơn rất nhiều. Có người khẳng định rằng việc Trung Quốc hội nhập vào trật tự kinh tế quốc tế tự do (2) là một xu hướng tất yếu, song khẳng định này phản ánh nhiều nhầm lẫn nghiêm trọng về thế giới quan và các ưu tiên của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Những người khẳng định như thế không thấy những ý nghĩa sâu xa của thể chế cai trị hiện nay của Trung Quốc. Họ cũng không thấy những áp lực chính trị và cấu trúc chi phối ĐCSTQ, những áp lực bắt buộc ĐCSTQ phải “bảo đảm”cho các doanh nghiệp nhà nước có được những thành tích kinh tế nhất định. Họ cũng bỏ qua thực trạng các tương tác chính trị, kinh tế và xã hội giữa những chủ thể trong một chế độ mà Nhà nước đóng vai trò chủ đạo và khống chế.

Cơ bản, vấn đề là: Một hệ thống trong đó các chủ thể cạnh tranh với nhau theo quy luật, một sự cạnh tranh mà động lực là thương mại, thì sẽ tìm cách giới hạn vai trò và khả năng can thiệp vào đời sống kinh tế từ nhà nuớc (và các đảng phái chính trị). Hệ thống ấy sẽ tách biệt –trong chừng mực có thể hoạt động kinh tế ra khỏi những can thiệp chính trị của nhà nước, và nó cho phép logic của lợi ích thương mại, thay vì lợi ích chính trị, được hiện thực tối đa. Hệ thống ấy tôn trọng những thị trường có quy củ, nhưng là những thị trường đích thực. ĐCSTQ cuối cùng thì có những mục đích ngược lại.

Tất nhiên, thành quả của cạnh tranh kinh tế cũng đem lại lợi ích chính trị tiềm ẩn cho chính phủ các quốc gia dân chủ tự do. Nhưng ở một quốc gia chuyên chế như Trung Quốc thì khác: những chỉ tiêu kinh tế thì đã được định trước, và làm thế nào để đạt đuợc những chỉ tiêu ấy (3) là vấn đề cốt lõi có tính sống còn cho chế độ. Một sự hội nhập thực sự vào trật tự tự do toàn cầu sẽ bắt buộc Trung Quốc điều chỉnh sâu rộng hệ thống kinh tế - chính trị, cũng như cách thức điều hành quốc gia của họ. Những sự điều chỉnh này sẽ làm suy yếu chí tử ĐCSTQ, làm lung lay tận gốc những thoả hiệp vốn đã mong manh giữa Đảng và các tầng lớp kinh tế và xã hội tinh hoa. Bởi lẽ việc duy trì quyền lực vẫn là ưu tiên số một của ĐCSTQ, các chủ thể kinh tế Trung Quốc đặc biệt là những chủ thể do nhà nước trực tiếp sở hữu vẫn là công cụ ngầm, không chỉ cho phương thức quản trị quốc gia mà còn để bảo vệ an ninh cho chế độ trong “thế giới quan Lê-nin-nít”theo kiểu hiện nay của ĐCSTQ.

Vì các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc phải đối đầu với nhiều chướng ngại đáng kể (về cách vận hành lẫn văn hóa) để có thể thành công trên thị trường thế giới, ĐCSTQ khó lòng phó thác vận mệnh các doanh nghiệp này vào tay các vị “thần”của cạnh tranh, năng lực và may rủi, trong một hệ thống thị trường xô bồ, song có quy luật. Nói cách khác, trong nhận thức của ĐCSTQ thì cái giá phải trả về chính trị, kinh tế và chiến lược của sự hội nhập thực sự vào trật tự kinh tế tự do toàn cầu sẽ cao hơn rất nhiều, so với những chi phí [mà phần lớn là phí giao dịch (4)], của sự “ ăn theo miễn phí”(free riding) trong trật tự đó.

Những cột trụ của trật tự kinh tế tự do toàn cầu .

Dễ thấy rằng cột trụ của trật tự kinh tế quốc tế tự do hiện nay gồm hai hệ thống: một là một hệ thống mà đặc tính là cạnh tranh và tranh chấp được giải quyết theo luật định, và hai là các hệ thống kinh tế, thương mại mở. Song, các luật định ấy ảnh hưởng ra sao đến vai trò của nhà nước, đến sự phân tán quyền lực, đến các chính sách đối nội lẫn đối ngoại, thì rất ít khi được bàn đến và càng ít được hiểu rõ.

Trong trật tự kinh tế tự do, các chính phủ phải cam kết duy trì (i) một hệ thống luật lệ kinh tế toàn cầu, (ii) một khuôn khổ đã được thỏa thuận về sự hợp tác và cạnh tranh kinh tế, và (iii) các quy trình giải quyết tranh chấp mà kẻ thắng người thua không do sắp đặt trước. Lấy một ví dụ, trách nhiệm tuần canh của Hạm đội thứ Bảy của Mỹ trên vùng Ấn Độ - Thái Bình Dương không ảnh hưởng gì đến sự vận hành và kết quả của các hoạt động kinh tế trong vùng. Washington có thể sử dụng sức mạnh quân sự của mình một cách chính đáng khi bảo vệ các công dân Mỹ ở nước ngoài, nhưng không thể dùng sức mạnh ấy để ép buộc các chính phủ hoặc công ty ngoại quốc thực hiện những mục tiêu kinh tế của Mỹ. Đã qua rồi thời kỳ chiến tranh vì thương mại; và làm sao để chấm dứt những cuộc chiến như thế chính là một trong những trụ cột ý thức hệ của cuộc Cách mạng Mỹ (5).Bằng cách trông chừng hệ thống, thay vì chính họ can dự vào những cuộc cạnh tranh kinh tế và thương mại, các chính phủ tự ý không dùng quyền lực của họ để đạt được những thành quả kinh tế nào đó. Nói cách khác, trong trật tự kinh tế tự do quốc tế, có sự phân biệt rõ ràng giữa chủ thể chính trị và các chủ thể kinh tế.

Đặc tính căn bản của trật tự chính trị nội bộ ở các quốc gia dân chủ tự do hiện nay là sự tách biệt các chủ thể chính trị, kinh tế, pháp luật và hành chính, và theo sau đó là sự phân tán quyền lực nhờ sự tách biệt này. Người dân có thể kiện nhà nuớc, mà thắng bại trên pháp lý là do phán quyết của các tòa án và thẩm phán độc lập. Thể hiện đặc trưng và tối thượng của một quốc gia pháp trị trên thực tế đối với mọi chính thể là khả năng thay thế trong hoà bình chính phủ đương nhiệm nếu chính phủ này thất cử và buộc phải bàn giao tất cả tài sản quốc gia cho chính phủ kế nhiệm. Đó là những cấu trúc và tập quán xử thế tối cần cho sự vận hành trung thực của một trật tự tự do, trong nội bộ một nước cũng như giữa các nước với nhau. Trên phương diện toàn cầu, trật tự này có thể có được nhờ một sự kiện căn bản, đó là các chính phủ tự nguyện tham gia vào cách sắp xếp của trật tự ấy (kể cả những định chế của nó, chẳng hạn nhưTổ chức Thương mại Thế giới). Không phải ngẫu nhiên mà những người bảo trì trật tự tự do ở các quốc gia phương Tây cũng có những kỳ vọng tương tự đối với trật tự tự do toàn cầu. Tuy nhiên, không như sự suy diễn thường có của những người phương Tây đối với các thành viên tham gia trật tự toàn cầu, trật tự trong nước không nhất thiết phải đi đôi với trật tự quốc tế. Người phương Tây có thể không ý thức rõ về sự song trùng này bởi lẽ, đối với họ thì sự song trùng ấy hầu như là đương nhiên, thế nhưng giới lãnh đạo ĐCSTQ ý thức rất rõ sự song trùng này và họ rất hiểu hệ quả đáng lo ngại (đối với họ) của liên hệ ấy.

Hiển nhiên, một quốc gia chuyên chế vẫn có thể tham gia vào trật tự toàn cầu tự do mà không phải chịu hậu quả có tính quyết định đến chế độ trong nước. Nhật Bản vào cuối những năm 1940, Hàn Quốc, Đài Loan trong những năm 1980, có những chính quyền chuyên chế mới nổi lên trong khuôn khổ của trật tự tự do sau Thế chiến II. Tuy vậy tất cả các quốc gia đó đều nép mình trong liên minh với phương Tây và trông cậy vào cái ô an ninh của Mỹ.Điều này có nghĩa là các chính phủ độc tài ở những quốc gia ấy dễ bị ảnh huởng của Mỹ về cải cách kinh tế, chính trị, hơn là Trung Quốc ngày nay rất nhiều. Một phần của ảnh hưởng này cho thấy, vào cuối những năm 1970, tình trạng thực thi pháp quyền, bảo hộ sở hữu trí tuệ, bản quyền kinh doanh và các bộ máy hành chính độc lập đã được xây dựng vững chắc ngay trong lòng các quốc gia chuyên chế ấy, và còn hơn của Trung Quốc hiện nay nhiều. Một khi tiến trình tự do hóa thực sự diễn ra ở các nước đó thì họ đã thực sự hội nhập vào trật tự tự do ấy, và mạnh tiếng ủng hộ nó. Hoàn cảnh và diễn biến ở các quốc gia đó lúc ấy là hoàn toàn khác với Trung Quốc ngày nay.

Cuối cùng, còn một quan điểm nữa cũng rất sai lầm, đó là quan điểm cho rằng, đơn giản, Trung Quốc đang theo đuổi “mô hình phát triển kiểu Đông Á” . Với sự tiến hoá của mô hình kinh tế của các quốc gia Đông Á, những chướng ngại vào quá trình hội nhập trật tự tự do đã giảm đi nhiều. Với cơ cấu chính-trị-là-trên-hết của mô hình kinh tế - chính trị Trung Quốc, Trung Quốc càng ngày càng là thù địch đối với những yếu tố then chốt mà sự hội nhập vào trật tự tự do đòi hỏi. ĐCSTQ rất không sẵn sàng hội nhập thực sự và thích ứng với trật tự kinh tế tự do toàn cầu vì sợ điều này sẽ làm xói mòn chí tử chiến lược trong nước của họ, đó là chiến lược bám giữ quyền lực.

Hai giai đoạn cải cách khác biệt của Trung Quốc.

Chúng ta có thể hiểu rõ hơn mối quan hệ giữa chính sách trong nước và định hướng quốc tế của Trung Quốc nếu chúng ta xem kỹ bản chất những cải cách sau Mao. Những cải cách này có thể được chia làm hai giai đoạn: trước biến cố Thiên An Môn từ 1978-89, và sau biến cố Thiên An Môn từ 1991 đến nay.
_ (a) Giai đoạn đầu bắt đầu với Đặng Tiểu Bình vào tháng 12/1978. Trước năm 1989, sự bùng nổ tự phát, không theo kế hoạch, những sáng kiến tư nhân ở nông thôn Trung Quốc phần lớn là hậu quả của cuộc cải cách ruộng đất, được các quan chức khuyến khích và đuợc cả chính sách nhà nước ủng hộ. Nông dân được khuyến khích tự quyết định cách sử dụng phần đất mà họ được giao (dù vẫn là sở hữu của nhà nước) và được phép bán nông sản ở giá thị trường sau khi đạt hạn mức sản xuất. Cuộc cải cách ruộng đất này, dù hạn chế, đã có một kết quả tốt, đó là sự gia tăng tự phát các doanh nghiệp cỡ nhỏ dưới tên “công nghiệp hương trấn” (6) (CNHT), phần lớn là ở nông thôn Trung Quốc. CNHT là kết quả của sự thông đồng giữa các quan chức địa phương và lao động nông thôn. Các quan chức địa phương được khích lệ để dẹp bỏ các rào chắn quan liêu vì CNHT đóng góp vào ngân sách địa phương. Như Đặng Tiểu Bình đã nhìn nhận vào năm 1987: “kết quả đạt được là cái mà tôi và các đồng chí khác chẳng ai có thể dự đoán trước; nó như từ trên trời rơi xuống”.(7)Sử dụng gần 30 triệu người năm 1980 các CNHT đã tạo việc làm cho khoảng 140 triệu người vào đầu những năm 1990.

Điều đáng nói là các CNHT đã gây một cú hích cho tiến trình công nghiệp hóa của Trung Quốc. Trong thập kỷ 1980 mức lương trung bình và thu nhập hộ gia đình đã tăng cùng tốc độ, hoặc nhanh hơn, tốc độ tăng trưởng GDP. Một giai cấp trung lưu độc lập hình thành ở Trung Quốc. Thực vậy, 80% trong khoảng 400 triệu người đã thoát vòng nghèo đói là từ năm 1978 đến năm 1989.

Do sự xuất hiện của Trung Quốc như là một trung tâm thương mại khu vực và toàn cầu, nhiều người Mỹ đã gắn ý nghĩa đặc biệt cho chuyến đi Nam Trung Quốc (8) của họ Đặng sau biến cố Thiên An Môn năm 1992 để thăm viếng các đặc khu kinh tế thành công nhất, chẳng hạn như Quảng Đông và Thẩm Quyến. Không còn nghi ngờ gì nữa, chuyến đi này đã thúc đẩy phát triển vùng đồng bằng sông Châu trong vai trò là trung tâm của ngành công nghiệp chế tạo Trung Quốc, đặc biệt là khu vực xuất khẩu. Nói rộng hơn thì có nhiều người tin rằng chuyến đi xuống miền Nam (mà sau này đã được gói gọn trong cách ngôn của Đặng: “làm giàu là vinh quang”) là rất ý nghĩa để đảm bảo rằng Trung Quốc vẫn tiếp tục mở cửa chứ không quay lại với tư tưởng của Mao và tình trạng tự cấp tự túc. Tuy nhiên cách hiểu này còn chưa đầy đủ. Ngay cả khi thứ chủ nghĩa cộng sản kiểu Mao đã bị dứt khoát từ bỏ thì những cuộc phản kháng dai dẳng ở các vùng nông thôn năm 1989 đã để lại di sản có nhiều ý nghĩa hơn, đó là sự trỗi dậy của “chủ nghĩa tư bản nhà nước”–một diễn biến khác hẳn những gì đã từng xảy ra ở các nền kinh tế Đông Á thành công.

Các cuộc xáo trộn năm 1989 thực ra rộng lớn hơn nhiều so với nhận định của người Mỹ và những người nước ngoài khác. Đa số các nhà quan sát ngoại quốc chỉ thấy những diễn biến ở Bắc Kinh, nhưng còn hàng ngàn cuộc phản kháng trên gần 350 thành phố khác, lôi cuốn hàng triệu người tham gia. Sau một thời gian tự kiểm điểm về chính trị, ĐCSTQ đã quyết tâm thay đổi sách lược hành động; tư duy của Đảng cũng chịu ảnh hưởng sâu sắc bởi sự sụp đổ của bức tường Bá Linh và sau đó là sự sụp đổ từ bên trong của Liên Xô. Khi các lãnh đạo và học giả Trung Quốc phân tích tình hình, họ kết luận rằng ngoài việc phải tiếp tục duy trì bộ máy đàn áp rộng lớn của Đảng, họ cũng phải buộc chặt an sinh tương lai của tầng lớp trung lưu thành thị với hệ thống độc đảng của ĐCSTQ. Thành phần trung thành của Đảng nhận định rằng trong một xã hội nhanh chóng công nghiệp hóa thì vận mệnh của chính quyền chuyên chế sẽ tuỳ thuộc vào tầng lớp ưu tú ở thành thị. Bài học lớn của các cuộc cách mạng Đông Âu và Liên Xô mà Bắc Kinh rút ra là, nếu một chế độ chuyên chế trở nên xa rời với thành phần uu tú của chính chế độ ấy thì chế độ ấy sẽ có nguy cơ sụp đổ.

_ (b) Từ giữa những năm 1990 trở đi, ĐCSTQ lập một kế hoạch để giành lại những đòn bẩy quyền lực và quyền lợi kinh tế. Cơ bản, kế hoạch này bao gồm việc tiếp tục phát triển khu vực tư nhân và giảm bớt đáng kể số lượng các doanh nghiệp do trung ương quản lý, nhưng nó cũng giành hơn một chục lĩnh vực quan trọng và béo bở nhất của nền kinh tế cho doanh nghiệp nhà nước nắm vị thế thống soái. Các lĩnh vực này gồm tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, xây dựng, hạ tầng, hóa chất, truyền thông, công nghệ thông tin và viễn thông. Mặc dù đầu tư nước ngoài được khuyến khích vào khu vực sản xuất để xuất khẩu, dòng đầu tư này bị đẩy chệch ra ngoài các lĩnh vực có tính sinh lợi cốt lõi kể trên và các khu vực nhạy cảm chính trị. Ngay cả các doanh nghiệp tư nhân trong nước của Trung Quốc cũng không được nâng đỡ, một cách cố ý, về mặt tiếp cận thị trường, vốn vay và đất đai trong các lĩnh vực cốt lõi này. Ở đây nhà nước duy trì sự kiểm soát về chính trị thông qua các doanh nghiệp nhà nước với mục đích bảo đảm sự trung thành của tầng lớp quản trị cao cấp đồng thời đem lại nguồn thu cho ĐCSTQ.

Trung Quốc ngày nay có khoảng gần 150 doanh nghiệp cấp trung ương và 120.000 doanh nghiệp địa phương. Nếu tính cả các công ty con thì số doanh nghiệp nhà nước có thể gấp đôi. Khi so sánh con số này với 4 triệu công ty tư nhân thì, nhìn từ bên ngoài, Trung Quốc là một trường hợp thành công nhờ khu vực kinh tế cá thể. Thế nhưng khi nhìn gần hơn thì lại thấy sự trở lại rõ ràng của nhà nước trong nền kinh tế - chính trị Trung Quốc, căn cứ trên một số phép đo và quan sát.

Một phép đo, lần theo đường đi của dòng vốn, là đặc biệt có ích vì nó cho thấy các khoản đầu tư cố định trong nước (chủ yếu trong lĩnh vực xây cất) chính là động lực chủ yếu của sự tăng trưởng GDP. Từ năm 2001 đến 2008 dòng vốn đầu tư này góp phần tạo nên 40% tăng trưởng. Năm 2009 nhờ vào biện pháp kích thích kinh tế khổng lồ của chính phủ mà có tới 80 - 90% tăng trưởng được tạo ra nhờ đầu tư vốn. Con số này hiện giảm xuống còn khoảng 50 - 55%.

Trung Quốc khác thường ở chỗ: các khoản vay ngân hàng, lấy từ tiền gửi của dân dồn vào các ngân hàng do nhà nước quản lý, chiếm tới gần 80% mọi hoạt động đầu tư. Đối với một nền kinh tế lớn như Trung Quốc thì nước này có thị trường vốn cổ phần rất kém phát triển. Các ngân hàng do nhà nước quản lý thống lĩnh khu vực tài chính chính thống, trong khi các ngân hàng tư nhân trong nước và ngân hàng nước ngoài chỉ chiếm 2- 5% tỷ trọng. Sự thiên vị rõ rệt đối với khu vực nhà nước quản lý được thấy từ mối quan hệ giữa các ngân hàng nhà nước và các doanh nghiệp công nghiệp quốc doanh của Trung Quốc.

Dù các doanh nghiệp nhà nước (chỉ) sản xuất 30-50% tổng sản phẩm quốc gia, chúng nhận được hơn 75% vốn đầu tư của cả nước, và con số này đang gia tăng.(9) Các doanh nghiệp nhà nước nhận được hơn 95% các khoản tiền trong gói kích thích được chi ra trong các năm 2008-09 và khoảng 85% vào năm 2010. Theo thống kê của Ủy ban Giám sát và Quản trị Tài sản Nhà nước, [gọi tắt là Quốc Tư Ủy (10)] thì tài sản của các doanh nghiệp nhà nước hiện nay chiếm hơn 66% tài sản của cả nước, năm 2003 con số này chỉ có 60%. Đây là điều ngược lại với những gì đã diễn ra ở Trung Quốc trong thập niên đầu tiên của cải cách, khi mà đa số tài sản cố định được quản trị trên thực tế bởi khu vực tư nhân mới trỗi dậy. Ngay khi nếu được xem là các doanh nghiệp “cộng đồng”đi nữa thì sự thực là khu vực kinh doanh tư nhân nhận được hơn 70% lượng vốn của quốc gia.

Thực vậy, theo Cục Thống kê Trung Quốc, một phân tích kinh tế theo từng khu vực cho thấy các chủ thể do nhà nước quản lý đầu tư vào hầu hết mọi lĩnh vực ở các đô thị Trung Quốc nhiều hơn là đầu tư của các doanh nghiệp tư nhân. Chỉ có một khu vực mà doanh nghiệp tư nhân khống chế là ngành chế tạo, đó cũng là khu vực mà các doanh nghiệp chuyên về chế tạo để xuất khẩu có vốn đầu tư nước ngoài hoặc các doanh nghiệp do nước ngoài sở hữu chiếm ưu thế.

Hơn nữa, một điều đã được công nhận rộng rãi đó là ưu tiên chiến lược phải được dành cho các doanh nghiệp quốc doanh để chúng có thể thống lĩnh tất cả những lĩnh vực mới nổi nào được xem là sẽ quan trọng cho việc hiện đại hóa nền kinh tế Trung Quốc. Chẳng hạn, một tài liệu của Quốc Tư Ủy với tựa đề “Ý kiến hướng dẫn hỗ trợ và điều hành các doanh nghiệp có vốn nhà nước và tái tổ chức các doanh nghiệp quốc doanh”xuất bản tháng 12/2006 đã mở rộng các lĩnh vực chiến lược để bao gồm cả hàng không dân dụng, công nghiệp ô tô và tàu thủy, thêm vào danh sách khoảng một tá các lĩnh vực mà trước đó đã được chỉ định là then chốt. Theo cuốn “Ý kiến hướng dẫn”này, nhà nước sẽ vẫn nắm đa số sở hữu trong các doanh nghiệp quan trọng ở những ngành công nghiệp mới nổi nêu trên. Mặc dù Quốc Vụ Viện không chính thức phê chuẩn tài liệu này nhưng trên thực tế nó vẫn là khuôn khổ hướng dẫn các lĩnh vực mới nổi ấy. Quả thực, Kế hoạch 5 năm (2011-2015) công bố vào tháng 3/2011 đã công khai khẳng định rằng “các quán quân quốc gia” phải dẫn đạo trong “những công nghiệp chiến lược mới nổi”như năng lượng tái tạo, chăm sóc sức khỏe, công nghệ sinh học, sản xuất các thiết bị công nghệ cao, các phương tiện vận tải tiết kiệm năng lượng và công nghệ thông tin. Kế hoạch này nêu rõ rằng chính phủ sẽ “hướng vốn nhà nước vào các ngành công nghiệp phù hợp với phát triển kinh tế và an ninh quốc gia qua việc bơm vốn và rút vốn một cách có cân nhắc và hợp lý”. Các nguồn vốn đó bao gồm ngân sách nhà nước và quan trọng hơn là gồm cả những khoản cho vay từ các ngân hàng quốc doanh.

Các phép đo khác cũng cho nhiều thông tin, chẳng hạn như theo Niên giám Thống kê Trung Quốc 2009 thì các chủ thể do nhà nước quản lý chiếm hơn một nửa toàn bộ quỹ lương chi trả cho người lao động ở các đô thị. Không có gì đáng ngạc nhiên, điều này phù hợp với một phát hiện khác, đó là gần một nửa số thuế mà chính phủ thu được là từ các chủ thể do nhà nước quản lý.

Cuối cùng, một sự kiện làm vấn đề sáng tỏ hơn nữa, đó là hầu hết đại doanh nghiệp xuất hiện ở Trung Quốc đều là doanh nghiệp do nhà nước quản lý. Tất cả, chỉ trừ khoảng một trăm trong số 2037 công ty niêm yết trên hai thị trường chứng khoán Trung Quốc, đều do nhà nước nắm đa số sở hữu. Mười công ty lớn nhất Trung Quốc xếp theo thu nhập và/hoặc lợi nhuận đều là quốc doanh. Năm 2009, hai doanh nghiệp nhà nước (China National Petroleum và China Mobile) làm ra khoản lợi nhuận lớn hơn cả 500 công ty tư nhân hàng đầu của Trung Quốc gộp lại. Thực vậy, thu nhập của 20 doanh nghiệp trung ương quản lý chiếm hơn nửa GDP hàng năm của Trung Quốc.

Chính trị thống soái

Như vậy, so với cái gọi là “sự phát triển chuyên chế”dưới sự lãnh đạo của nhà nước ở Châu Á sau Thế chiến II thì tầm cỡ và vai trò của doanh nghiệp nhà nước ở Trung Quốc vượt hơn rất nhiều. Chìa khoá để hiểu những sự khác biệt giữa, chẳng hạn, Bộ Ngoại thương và Công nghiệp (MITI) của Nhật, và những gì đang xảy ra ở Trung Quốc là, không như Trung Quốc, các quốc gia Châu Á khác không dùng lợi nhuận của kinh doanh để củng cố một hệ thống chính trị độc đảng. Ở các quốc gia này, quá trình công nghiệp hóa nhanh chóng đã gia tốc sự nổi lên của những người tự thân và thực tài thành một tầng lớp tinh hoa kinh tế. Ở Trung Quốc thì ngược lại.

Trên đây đã cho thấy sự khống chế của nhà nước trong nền kinh tế Trung Quốc, bây giờ xin minh hoạ cách mà mạng lưới tinh vi của quyền lực chính trị và kinh tế liên kết ĐCSTQ với các doanh nghiệp nhà nước. Thực vậy, cơ cấu của hệ thống kinh tế - chính trị Trung Quốc hiện nay rõ ràng là được xây dựng để bảo đảm ĐCSTQ sẽ luôn luôn là trung tâm chi phối, điều tiết mọi cơ hội trong các lĩnh vực thương mại, kinh doanh, nghề nghiệp và ngay cả xã hội. Mục đích là buộc chặt mọi đặc quyền và cơ hội của tầng lớp tinh hoa Trung Quốc với ý muốn của Đảng. Trong khi sự vận hành của một trật tự tự do trong nước hay quốc tế là được thiết kế để làm yếu đi hay ít ra cũng là để giữ ở mức độ vừa phải mối quan hệ mong muốn giữa, một bên là quyền lợi chính trị và mục tiêu của chính phủ, và bên kia là sinh hoạt kinh tế, thì chủ nghĩa hợp doanh nhà nước ở Trung Quốc lại được suy tính để thực hiện điều ngược lại. ĐCSTQ có một quan điểm, cơ bản là chủ nghĩa Lê-nin, rằng mọi chủ thể và hoạt động kinh tế phải là nhằm củng cố ảnh hưởng kinh tế và sau đó là quyền lực chính trị của chế độ. Những chủ thể và hoạt động như thế không thể chấp nhận đối lập chính trị trong bất cứ hình thức nào.

Lấy cảm hứng từ Marx và Lê-nin, ĐCSTQ đã từng được định nghĩa bằng một sự căm thù có tính ý thức hệ chủ nghĩa tư bản. Thứ chủ nghĩa Marx huyên náo ấy thì đã tàn lụi lâu rồi, hạ huyệt cùng với Mao Trạch Đông và các cộng sự sát nhân của ông ta. Thế nhưng, khi chủ nghĩa Marx của Trung Quốc đã qua đi thì chủ nghĩa Lê-nin vẫn tồn tại dai dẳng, và mối liên kết doanh nghiệp nhà nước và ĐCSTQ được phát triển sau biến cố Thiên An Môn giờ đây không khác gì hệ thống đỡ đầu, một cấu trúc kinh tế-chính trị đặc trưng của các chế độ Mussolini ở Italia, Kemal ở Thổ Nhĩ Kỳ và Franco ở Tây Ban Nha.

Điều này là hiển nhiên trong nhiều cách. Mặc dù các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc theo lẽ thường phải là những chủ thể sinh lời, thế nhưng rốt cuộc chúng vẫn được coi như là công cụ của chế độ. Điều này được thấy rõ từ cơ cấu chính quyền trong hệ thống Trung Quốc. Cổ phần và do đó là cả tài sản của doanh nghiệp nhà nước là do Quốc Tư Ủy nắm giữ dưới sự chỉ đạo của các Bộ hữu quan. Ngược lên trên, Quốc Tư Ủy lại nằm dưới sự lãnh đạo và phải báo cáo Quốc Vụ Viện (State Council) cơ quan hành chính và lập pháp cao nhất ở Trung Quốc.(11) Cơ cấu này được rập khuôn cho các doanh nghiệp nhà nước ở các tỉnh và địa phương cấp dưới. Thực tế là ĐCSTQ mới chính là người điều hành và nêu các yêu cầu về tài chính đối với khu vực doanh nghiệp nhà nước.

Việc các doanh nghiệp nhà nước vẫn là những công cụ của quyền lực ĐCSTQ có thể được minh họa qua mối liên hệ giữa đội ngũ quản trị các doanh nghiệp này với Đảng. Một nghiên cứu tỉ mỉ của Bùi Mẫn Hân (Minxin Pei) đã cho thấy các quản trị viên cấp cao của tất cả doanh nghiệp trung ương hầu hết là đảng viên cao cấp của ĐCSTQ.(12) Ban Tổ chức Trung ương có quyền bổ nhiệm trực tiếp ba vị trí chủ chốt nhất (Bí thư Đảng, Chủ tịch Hội Đồng Quản Trị và Tổng Giám Đốc) của 50 doanh nghiệp trung ương. Hiện nay, người đứng đầu Ban này là Lý Nguyên Triều (Li Yuancho), một uỷ viên của Bộ Chính trị. Hầu hết những người được bổ nhiệm đều là đảng viên, trong nhiều trường hợp Tổng Giám Đốc và Bí thư Đảng của doanh nghiệp là cùng một người. Nhiều người trước đây từng là quan chức đứng đầu cấp tỉnh. Tất cả những bổ nhiệm cán bộ điều hành cao cấp còn lại đều được Quốc Tư Ủy điều hành sau khi bàn thảo với Ban Tổ chức Trung ương. Cũng vậy, quy trình bổ nhiệm ở cấp cao được rập khuôn ở các doanh nghiệp nhà nước cấp tỉnh và địa phương. Đó là một bằng chứng không thể rõ ràng hơn về sự kết hợp giữa các ban giám đốc doanh nghiệp.

Những phát hiện này cũng trùng hợp với một nghiên cứu gần đây hơn của công ty tư vấn Asianomics có trụ sở đặt tại HongKong trong báo cáo vào tháng 09/2011 nhan đề Bên trong các tập đoàn Trung Quốc.Điều tra kỹ lưỡng gốc gác của các quản trị viên cao cấp ở 10 doanh nghiệp lớn nhất Trung Quốc (9 trong số đó thuộc diện quốc doanh) và các chi nhánh của các doanh nghiệp này, báo cáo cho thấy các quản trị viên cao cấp của tất cả những doanh nghiệp đó đều là đảng viên ĐCSTQ, trong đó có nhiều người từng giữ chức vụ chính trị ở các nhiệm sở cấp tỉnh. Lần theo dấu vết ban lãnh đạo cao cấp của 20 doanh nghiệp kế tiếp lớn nhất Trung Quốc và hàng trăm công ty con của chúng, báo cáo phát hiện nhiều giám đốc và quản đốc đã từng công tác tại Ban Tổ chức của ĐCSTQ. Cuối cùng bản báo cáo kết luận rằng vai trò của chủ tịch doanh nghiệp và Tồng Giám Đốc là “ đồng nghĩa với Đảng Cộng sản”.

Mặc dù doanh nghiệp nhà nước cạnh tranh nhau quyết liệt để giành thị phần và lợi nhuận, các Ban Thi Đua mà thành phần là những cán bộ chính trị có quyền đánh giá mức độ mà các quản trị viên cao cấp đã hoàn thành chỉ tiêu về chiến lược và thương mại của chính phủ. Các ban của Quốc Vụ Viện thẩm tra định kỳ kỹ lưỡng các doanh nghiệp mẹ để xem chúng đã thực thi các sáng kiến và chỉ thị chính sách của nhà nước đến đâu. Bởi thế, mặc dù cạnh tranh giữa các quản trị viên của doanh nghiệp nhà nước là quyết liệt, việc tăng thu nhập, lợi nhuận là tiêu chí quan trọng đối với hoạt động của họ, song thước đo dùng để đánh giá hàng ngũ quản trị viên lại được quyết định bởi những lợi ích chính trị nhiều hơn là thương mại.

Để có một ấn tượng về cơ cấu của chủ nghĩa Lê-nin hợp doanh ở Trung Quốc, chúng ta có thể nhờ ký giả Richard McGregor trên tờ Financial Times:
"Cách tốt nhất để thấy ý nghĩa công việc (của Ban Tổ chức Trung ương) là hãy tưởng tượng một cơ quan tương đương ở Washington. Một ban giống như thế ở Mỹ sẽ giám sát việc bổ nhiệm toàn bộ nội các của chính phủ Mỹ, các thống đốc bang và cấp phó của họ, các thị trưởng ở những thành phố quan trọng, người đứng đầu các cơ quan điều tiết liên bang, các tổng giám đốc của General Electric, Exxon-Mobil, Wal-Mart và khoảng 50 công ty còn lại lớn nhất của Mỹ, các quan toà của Tối cao Pháp viện, các tổng biên tập của New York Times, Wall Street Journal và Washington Post, các ông trùm của mạng lưới truyền hình phát sóng và truyền cáp, các hiệu trưởng của trường đại học như Yale và Harvard cùng nhiều đại học lớn khác, và cả người đứng đầu những trung tâm nghiên cứu (think tank) như viện Brookings và Heritage Foundation".(13)

Cuối cùng, thành phần của ĐCSTQ với khoảng 80-85 triệu đảng viên cũng nói lên nhiều điều. Công nhân và nông dân hiện nay chỉ chiếm không đến ¼ tổng số đảng viên. Thời nay các doanh nhân thành đạt, người làm công tác chuyên môn và sinh viên có bằng cấp cao chiếm hơn ¾ tổng số đảng viên. Với các sinh viên tốt nghiệp đại học mà là đảng viên thì một trong những điều đầu tiên trong lý lịch mà họ sẽ khai là số thẻ đảng. Có tới 80 tới 100 triệu người khác đã nộp đơn xin gia nhập đảng và đa phần xuất thân từ tầng lớp trung lưu và tinh hoa đầy tham vọng. Họ công khai nói về ý nguyện của họ là gia nhập ĐCSTQ để tiến thân trong kinh doanh và sự nghiệp. Những bằng chứng mang tính giai thoại ấy củng cố mạnh mẽ luận điểm cho rằng hệ thống kinh tế - chính trị Trung Quốc thời nay được thiết kế để bảo đảm ĐCSTQ luôn luôn là người ban phát mọi cơ hội, có nghĩa là tương lai của các tầng lớp tinh hoa, ít nhất là trong lúc này, được gắn chặt với tương lai của Đảng.

Chủ nghĩa hợp doanh Lê-nin và trật tự tự do.

Năm 1997 Bill Clinton công khai ủng hộ lập luận cho rằng tự do hóa về kinh tế ở Trung Quốc sẽ chắc chắn “qua thời gian, gia tăng tinh thần tự do… cũng tất yếu như sự sụp đổ của bức tường Berlin”, và đã nói có phần táo bạo tại cuộc họp báo với sự có mặt của Chủ tịch Trung Quốc lúc ấy là Giang Trạch Dân rằng “các ông đang ở phía sai lầm của lịch sử”. Hai năm sau đó, ứng cử viên Tổng thống George W. Bush, để biện hộ cho việc buôn bán với Trung Quốc, đã tuyên bố rằng: “Tự do kinh tế sẽ tạo ra những tập quán của tự do. Và tập quán của tự do sẽ tạo kỳ vọng dân chủ”. Tổng thống Bush đã lặp lại lập luận đó vào năm 2005 khi ông ta tuyên bố rằng “làn gió tự do trên thị trường (ở Trung Quốc) sẽ làm nảy sinh nhiều đòi hỏi cho dân chủ hơn”. Gần đây nhất, Tổng thống Barack Obama tuyên bố liên quan tới Trung Quốc rằng: “sự thịnh vượng mà thiếu tự do thì chỉ là một dạng khác của bần hàn”và các chính phủ không dân chủ sẽ thất bại bởi lẽ “họ coi thường cội nguồn tối thượng của quyền lực và tính hợp pháp –đó là nguyện vọng của nhân dân.”

Các vị Tổng thống Hoa Kỳ sau Chiến tranh lạnh (và những người viết diễn văn bận rộn của họ) không phải là những người duy nhất có lòng tin ấy. Từ khi Liên Xô sụp đổ thì nhiều người Mỹ tin rằng sự tham gia của Trung Quốc vào trật tự tự do toàn cầu ắt sẽ dẫn đến việc Trung Quốc hội nhập và đồng hoá với trật tự ấy, và nhất định sẽ kèm theo việc gỡ bỏ những cấu trúc chuyên chế. Logic này giả định một sự phân ly (về lợi ích và hành động) ắt phải đến và ngày càng tăng giữa các cơ quan chính trị, kinh tế trong nội bộ Trung Quốc. Logic ấy cũng giả định rằng cuối cùng thì ĐCSTQ sẽ không thể nào ngăn chặn (hoặc là sẽ phải vô tình cho phép) sự hình thành của một giai tầng độc lập và hùng mạnh về kinh tế, và rằng điều đó sẽ làm rộng thêm cái hố giữa quyền lực chính trị và quyền lực kinh tế trong lòng Trung Quốc. Sự xuất hiện ngoài ĐCSTQ đa số những lợi ích và các nhóm lợi ích đầy quyền lực sẽ buộc trật tự chính trị chuyên chế phải dãn ra.

Các suy đoán ấy dựa trên sự hiểu biết hết sức hạn hẹp về những sắp xếp kinh tế - chính trị có thể diễn ra. Đó là đặc tính của lối nghĩ xa rời bản chất của thời đại Khai sáng khi cho rằng, khả năng logic duy nhất mà theo đó Phương Tây đã phát triển là từ trên trời rơi xuống. Cũng là một cách nghĩ tương tự, thậm chí có phần còn sơ đẳng hơn khi khăng khăng cho rằng dân chủ và thị trường tự do là xu hướng toàn cầu không thể thiếu vắng đối với mọi cộng đồng nhân loại, bất kể kinh nghiệm lịch sử. Cách nghĩ này coi nhẹ tài khéo léo của nhân loại sáng tạo ra những lộ trình mới đi tới các điểm cuối rất khác nhau. Nó không đếm xỉa gì tới một thực tế là cơ cấu của hệ thống kinh tế - chính trị Trung Quốc ngày nay được cố ý thiết kế với mục đích đối kháng những hiệu ứng gây biến đổi do sự tham gia và cuối cùng là sự hội nhập vào trật tự tự do.

Đối với ĐCSTQ, tham gia vào trật tự tự do hiện tại là cần thiết để Trung Quốc tiếp tục phát triển, nhưng họ cũng cho rằng sự tham gia đó là con ngựa thành Troa mà các nước tự do dân chủ sử dụng để làm suy yếu ĐCSTQ, đẩy nhanh sự xuất hiện một tầng lớp trung lưu độc lập và chủ nghĩa đa nguyên, và, bằng cách đó, vận động cho dân chủ ở Trung Quốc. Duy trì và tăng cường hệ thống kinh tế - chính trị do nhà nước giữ vị trí thống lĩnh vẫn là chiếc khiên hữu hiệu của ĐCSTQ để chống lại cái mà Đảng cho là sự lật đổ công khai.

Phân tích này có ba hàm ý quan trọng. Nếu những dự đoán dựa trên các hàm ý ấy là chính xác thì những hàm ý ấy có thể đuợc xem như chứng cứ cho phân tích ở đây.

Thứ nhất, Trung Quốc sẽ tiếp tục ngăn cấm các công ty nuớc ngoài xâm nhập vào những khu vực kinh tế mang tính “chiến lược quan trọng”. Bởi lẽ ĐCSTQ có cách nhìn nặng về xu hướng sát nhập quyền lực chính trị và quyền lực kinh tế, những khu vực kinh tế có ý nghĩa “chiến lược quan trọng”có thể bao gồm tất cả khu vực quan trọng cho nền kinh tế hiện nay của Trung Quốc, ngay cả khi chúng không có biểu hiện rõ rệt nào về mặt “bảo vệ lãnh thổ”.

Hơn nữa, sự hoà hợp sâu xa các quyền lợi chính trị và các quyền lợi kinh tế có nghĩa là ĐCSTQ xem kinh tế qua lăng kính cạnh tranh chính trị: vị thế kinh tế của các công ty nước ngoài (nhất là phương Tây) càng lớn trên các thị trường có vị trí “chiến lược quan trọng”của Trung Quốc thì tất yếu sẽ làm lỏng lẻo sự kiểm soát của Đảng đối với nền kinh tế trong nước, và như thế là sự lỏng lẻo quyền lực chính trị. Điều này giải thích tại sao chính sách “sáng chế bản địa”của Trung Quốc (mà mục đích là giảm sự lệ thuộc vào các công ty nước ngoài về mặt phát minh) đang được thực hiện hầu như hoàn toàn qua các doanh nghiệp nhà nước. Việc cho phép các công ty nước ngoài hoạt động trong những khu vực “quan trọng chiến lược”của nền kinh tế căn cứ vào nhu cầu gia tăng chuyển giao công nghệ và bí quyết kinh doanh thông qua các cơ cấu liên doanh vẫn được tiếp tục duy trì.

Thứ hai, chính sách đối ngoại của Trung Quốc sẽ tiếp tục phối hợp với những nhu cầu về tài nguyên nhằm phục vụ các doanh nghiệp nhà nước chủ chốt. Mặc dù ngay cả các chính phủ Mỹ cũng hỗ trợ cho một số khu vực kinh tế cá biệt qua những chính sách toàn cầu về ưu đãi thuế, trợ cấp v.v… nhưng không có chính phủ Mỹ nào lại gắn chặt chính sách ngoại giao với sự lựa chọn “những kẻ thắng cuộc”trong công nghiệp và tài chính. Trong thập kỷ vừa qua, Bắc Kinh đã lập “chiến lược đi ra thế giới”nhằm bảo đảm an toàn cho các kênh tiếp cận tài nguyên, thu nhận công nghệ tiên tiến và tạo ra hoặc mở rộng thị trường cho các doanh nghiệp nhà nước.

Nhận xét trên đây đã giúp giải thích rất nhiều về chính sách ngoại giao của Trung Quốc đối với Afghanistan, Iran, Sudan, Châu Phi cận Sahara và nhiều nơi khác. Số liệu của năm 2006 cho thấy các doanh nghiệp nhà nước đứng đàng sau ¾ các khoản đầu tư trực tiếp ra nước ngoài, riêng các doanh nghiệp trung ương quản lý thì đã chiếm 2/3 lượng đầu tư này. Các công ty quốc doanh đứng sau hơn 90% các khoản đầu tư phi tài chính ra nước ngoài.(14) Tất cả các khoản đầu tư lớn do các công ty Trung Quốc tiến hành nếu cao hơn $300 triệu vào lĩnh vực tài nguyên và hơn $100 triệu vào các lĩnh vực khác đều phải có sự chấp thuận công khai của các cơ quan chính phủ. Trên thực tế, một khi doanh nghiệp nhà nước xác định được một cơ hội tiềm năng thì người quản lý cấp cao sẽ tranh thủ sự phê duyệt của các lãnh đạo chính trị. Nếu đã có sự phê duyệt thì doanh nghiệp sẽ được mọi hỗ trợ tài chính cần thiết để hoàn tất thương vụ đồng thời những chỉ thị trợ giúp sẽ được gửi sang Bộ Ngoại giao khi cần thiết.

Cuối cùng, ĐCSTQ sẽ vẫn sẵn sàng phân bổ vốn đầu tư một cách cực kỳ không hiệu quả để phục vụ các mục tiêu chính trị. Các doanh nghiệp then chốt của Trung Quốc đều yếu đuối và bấp bênh trên phương diện cơ cấu kinh doanh. Chúng phụ thuộc vào các khoản tín dụng rẻ, thậm chí không phải trả lãi, vận hành trong những thị trường được bảo hộ và thường được điều hành tuỳ tiện bởi những “tay trong”có hậu thuẩn chính trị nhưng không có khả năng chuyên môn. Những doanh nghiệp ấy sống mạnh trong một môi trường văn hóa kinh doanh mà ở đó thành tích kinh tế thường dựa vào các quan hệ và thủ đoạn chính trị hơn là hiệu quả kinh tế và sáng tạo.

Đó là lý do tại sao mặc dù có lợi thế về tầm cỡ, ngay cả các doanh nghiệp trung ương quản lý lớn nhất và hiệu quả nhất cũng là kém hơn khi so sánh với những đối thủ cạnh tranh toàn cầu và các doanh nghiệp tư nhân trong nước. Các nghiên cứu luôn cho thấy ngay cả những doanh nghiệp nhà nước lớn nhất có kết quả hoạt động kém hơn các doanh nghiệp tư nhân từ hai đến ba lần theo các tiêu chí như tính sinh lời, tỷ lệ thu hồi tính trên tổng tài sản, tính trên vốn được cấp, trên lượng hàng bán ra và tổng năng suất lao động.(15)

Sự yếu kém của các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc còn rõ rệt hơn khi so sánh với các công ty tư nhân nước ngoài.(16). Tỷ lệ thu hồi tính trên vốn được cấp của 500 công ty đứng đầu Trung Quốc (đều do các doanh nghiệp nhà nước thống lĩnh) là vào khoảng 40% kém hơn mức trung bình của các công ty trong danh sách Fortune Global 500 (500 công ty lớn nhất thế giới theo tạp chí Fortune). Ngay cả khi kinh tế Trung Quốc tăng trưởng đáng kể thì những khuyết tật này sẽ vẫn không mất đi. Chất lượng của nền kinh tế Trung Quốc, như đuợc thẩm định bởi sự quản lý doanh nghiệp, sẽ không có huớng tăng lên trên cơ sở các số liệu thống kê kinh tế dồi dào và chuẩn mực.

Một số người phương Tây rất muốn tin rằng thực tế của Trung Quốc có thể được lý giải bằng những nguyên tắc phổ quát về kinh tế - chính trị. Đằng khác, những người có khuynh hướng tư duy triết học, lịch sử hoặc khoa học xã hội thì lại rất muốn nhìn sự khác biệt của Trung Quốc sâu sắc qua lịch sử và văn hóa. Đó có thể là một hướng phân tích có ích vì nó khắc phục được bản chất luận (essentialism) - tức là cứ khăng khăng cho rằng mọi người Trung Quốc đều nghĩ theo một cách nào đó. Nhưng còn một con đường khác, đơn giản hơn, để có những nhận định chính xác hơn là hai cách nói trên.

Những luận cứ cho rằng văn hóa Khổng giáo của Trung Quốc là không thích hợp với sự biến đổi tự do trong nước và hội nhập quốc tế, là không cần thiết, dù trên vài phương diện thì những luận cứ ấy là đúng. Nghĩ cho cùng, các xã hội với những đặc trưng truyền thống tương tự, như Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc và ngay cả Singapore, đã chứng tỏ luận đề trên là sai. Đúng hơn, Lê-nin đã ảnh hưởng đến lộ trình của Trung Quốc nhiều hơn là Khổng Tử. Dù có giải thích sự khác biệt của Trung Quốc thế nào đi nữa thì người Mỹ và những người khác cần chấp nhận cái thực tế là Trung Quốc quá quan trọng để bỏ qua, quá to lớn để hăm dọa, quá ghê gớm để bắt nạt. Trung Quốc sẽ không theo một con đường quen thuộc hướng tới một điểm đến không tránh khỏi, chỉ vì các nhà quan sát Phương Tây quá lười biếng hoặc tự mãn về văn hóa để hình dung những khả năng khác nữa.


Chú Thích:
1.Xem G. John Ikenberry, “The Future of the Liberal World Order: Internationalism After America”, Foreign Affairs (May/June 2011).
2. Hay cũng chính là những người bị thuyết phục bởi ẩn dụ “kẻ dự phần” (stakeholder) của Robert Zoellick (và nhiều tác giả khác). Theo ẩn dụ này, trật tự kinh tế toàn cầu được ví như một đại công ty có nhiều người “dự phần”vào(chẳng những là người đầu tư mà còn là ban quản lý, và cả công nhân trong công ty ấy). Mỗi người “dự phần”như vậy đều đóng góp, chia sẻ lợi lộc, và có trách nhiệm đối với công ty (chú thích của nguời dịch).
3.Qua việc cung cấp những cơ hội mở rộng cho các doanh nghiệp nhà nước và bảo đảm nguồn lực cho các khoản đầu tư được hướng dẫn trước trong nền kinh tế.
4.Transactions cost (chú thích của người dich)
5. Để ý cuốn sách nổi tiếng một cách xứng đáng của Felix Gilbert: To The Farewell Address (Princeton University Press, 1970).
6. Tiếng Anh: TVE (Township and Village Enterprises).
7. Lời Đặng Tiểu Bình, như đuợc trích dẫn trong Michael Ellman, Socialist Planning, 2nd Edition (Cambridge University Press, 1989), tr. 72
8. Đó là “Nam tuần”(chú thích của người dịch).
9. Số liệu chính xác là khó tìm vì thiếu sự minh bạch của việc tham gia cổ phần và sở hữu trong các xí nghiệp Trung Quốc. Mặc dù thuật ngữ “doanh nghiệp nhà nước”được sử dụng rộng rãi nhưng đa phần các xí nghiệp này được nhà nước nắm phần lớn cổ phần chứ không sở hữu toàn bộ (Quốc Tư Ủy quản lý các cổ phần này). Ngoài ra rất nhiều công ty do nhà nước quản lý lại thâu tóm phần lớn cổ phần trong các công ty tư nhân Trung Quốc. Nếu chúng ta gộp tất cả các loại doanh nghiệp do nhà nước sở hữu toàn bộ và sở hữu một phần thì tỷ trọng GDP do khu vực doanh nghiệp nhà nước tạo ra sẽ xấp xỉ 50%.
10. Tiếng Anh: SASAC (State-owned Assets Supervision and Administrative Commission)
11.Chú thích của người dịch: Có lẽ tác giả lầm, Quốc Vụ Viện là cơ quan hành chánh tối cao, không phải cơ quan lập pháp tối cao.
12. Pei, China’s Trapped Transition (Harvard University Press, 2006)
13. McGregor, The Party: The Secret World of China’s Communist Rulers (HarperCollins, 2010), tr. 72.
14. Xem Derek Scissors, “Testimony to the United States-China Economic and Security Commission”, 11 tháng 3, 2011.
15. Muốn biết thêm về một số bài gần đây liên quan đến vấn đề này, xin tham khảo Shaomin Li, Yingchou Lin và David D. Selover, “China State-Owned Enterprises: Why Aren’t They Efficient?”, Old Dominion University, July 16, 2010.
16. Xem A Report on the Development of China’s Enterprises 2007 (Enterprise Management House, 2007).


John Lee là phó giáo sư trợ giảng, đồng thời là nghiên cứu viên theo chương trình Michael Hintze về An ninh năng lượng tại Trung tâm nghiên cứu an ninh quốc tế, Đại học Sydney. Ông cũng là một học giả tại Viện Hudson,Washington, DC

© Bản dịch của Thời Đại Mới.

Có thể nói một cách đơn giản về Trung qốc hiện nay :
_ Trên tầm nhìn lịch sử, TQ như con đà điểu chui đầu vào cát.
_ Trên tầm nhìn văn hóa, TQ ghép hình lại từ những mảnh vở do chính họ phá hoại mà chất kết dính lại (hưởng thụ vật chất) chẵng thể nào phù hợp với các mảnh vở. Kết quả công việc là con số "không".
_ Trên tầm nhìn sức mạnh quân sự, TQ đã quá chậm chân, chạy đua vũ trang chỉ đem lại phần nào đáp ứng tính thể diện, rất khó để trở thành siêu cường quân sự.
_ Trên tầm nhìn kinh tế, TQ sống còn với thị trường của "thành phần có thu nhập thấp trên toàn cầu". Hiệu quả của nó không thể nào đáp ứng nổi với "tự ti lạc hậu về khoa học và tự tôn nước lớn". Kết quả, TQ chẵng còn gì nếu không chấp nhận "thực tế khó vượt qua" rằng TQ là 1 nước "chậm tiến".....BHM.


Trang Chủ

Bài đăng phổ biến từ blog này

Trung Quốc đang đụng đầu với khủng hoảng ?

Nỗi sợ ngân hàng gây thêm đau đầu cho nền kinh tế Trung Quốc.

Xung đột vũ trang ở Biển Đông.