Những thuật ngữ triết học tư tưởng Nhật Bản.

nbdbBản dịch của Hoàng Long.

Dưới đây là bản dịch Việt ngữ của chương thứ hai, “Tư tưởng triết học” 哲学思想, ở trang 48-73, trong quyển sách song ngữ “Linh hồn Nhật Bản” 英語で話す日本の心 / Keys to the Japanese Heart and Soul do nhà xuất bản Kodansha International ấn hành lần đầu năm 1996, và ngay trong năm sau, 1997, đã được tái bản đến lần thứ tám.
Mục đích của quyển sách này là giới thiệu những từ khoá then chốt trong việc tìm hiểu về văn hoá Nhật Bản. Mười bốn khái niệm triết học tư tưởng này được được giải thích ngắn gọn, rõ ràng theo kiểu từ điển, nhưng thiển nghĩ cũng có thể gây phần nào hứng thú cho những độc giả muốn tìm hiểu sâu hơn về văn hoá Nhật Bản, hay cũng gợi ý những từ khoá mà các bạn sinh viên có thể áp dụng vào quá trình nghiên cứu văn hoá và tư tưởng triết học Nhật Bản.

Dành tặng các bạn trẻ đang tìm hiểu văn học và văn hoá Nhật Bản.
“Đừng bao giờ quên cái sơ tâm” ?心?れるべからず

1. Luân lý học Đông Phương và Tây Phương 東洋と西洋の倫理学

Luân lý học Đông Phương nghiên cứu về gián chủ quan tính[1] 間主観性, tức là nghiên cứu về cộng đồng thể 共同体, nhưng luân lý học Tây Phương lại xuất phát từ nghiên cứu về tính chủ quan, tức là tính cá thể vì thế mà quan điểm về luân lý hai bên khác nhau. Ví dụ chúng ta có thể nhìn thấy sự khác biệt này trong khái niệm về trách nhiệm xã hội. Từ “responsibility” trong tiếng Anh được biểu thị ý nghĩa trách nhiệm đạo lý đối với hành động cá nhân vào cuối thế kỷ mười tám nhưng từ thời La Mã cổ đại, khái niệm cá nhân với tư cách chủ thể của hành động đã có rồi. Theo đó, tất cả mọi người đều có nhận thức về tồn tại luận là đều bình đẳng trước thần linh với tư cách cá nhân. Đối với điều này thì ở Nhật Bản khái niệm trách nhiệm đã tồn tại từ thời cổ đại nhưng cá nhân nằm trong mối quan hệ khó chia tách thân phận với cộng đồng. Cá nhân có trách nhiệm với cộng đồng và trời cao nên kết quả của trách nhiệm đó là sự thiện hành.[2] Khái niệm này sang đến thời trung đại lại được biểu hiện bằng từ “nghĩa lý” 義理.[3] Tính ưu việt của “nghĩa lý” 義理 đối với “nhân tình” 人情 là chủ đề của rất nhiều tác phẩm văn học trong thời Edo.

Thời cổ đại ở Nhật Bản trong các tuyên mệnh[4] và chúc từ[5] các khái niệm “sự sáng suốt, tinh khiết và trái tim hướng thượng” あかき、きよき、なおきこころ (“Akaki, Kiyoki, Naoki kokoro”) được nêu ra như là lý tưởng. Bộ trang phục màu trắng mặc khi đi đền Thần Đạo là lập chứng cho tính quan trọng của sự thanh tĩnh. Trong “Diên hỷ thức” 延喜式[6] có bài chúc từ “Minazuki no tsugomori no oharae” 水無月の晦のおはらえ (Lễ tẩy trần cuối tháng sáu), theo đó thì tất cả tội lỗi sẽ được những cơn gió thổi bay đi và chìm xuống đáy biển sâu. Trong cách suy nghĩ đối với tội lỗi này, cái tâm đạo lý cá nhân hoàn toàn vắng bóng. Tuy nhiên điều này không có nghĩa là người Nhật Bản cổ đại không có quan điểm luân lý. Bằng cách tống xuất tinh thần bất thuần khiết uế nhiễm từ tâm ra, họ giữ gìn lý tưởng về một thứ tinh thần thuần túy đẹp đẽ với tư cách là một trạng thái tối cao của con người. Cái tinh thần này, dù với hình thức nào đi nữa, đều là sự cấu thành hạt nhân trung tâm cảm giác về luân lý của người Nhật Bản. Sugawara no Michizane 菅原道真 đã để lại một bài tanka thể hiện tinh thần này. Như trong bài tanka biểu thị “tâm tôi đi theo con đường thành thực, cho dù không cầu nguyện thì thần linh vẫn dõi theo bảo vệ” 心だに誠の道にかなひなば祈らずとても神やまもらむ, người Nhật đã hướng đến thứ luân lý phi tôn giáo được nội tâm hoá mà hạt nhân chính là sự “thành thật” 誠.

2. Võ sĩ đạo:Bushido 武士道

Đây là khái niệm được sử dụng phổ biến đối với luật đạo đức của võ sĩ, giai cấp chi phối thời Edo. Võ sĩ đạo không chỉ gồm kỹ thuật và những điều tâm đắc về võ thuật mà còn bao gồm đến cả sự phục tùng tuyệt đối với chủ nhân, lòng danh dự mạnh mẽ, sự hiến thân cho nghĩa vụ và khi cần phải bỏ mình trong trận chiến và có đủ dũng khí để mổ bụng tự sát.

Musashi Miyamoto đã nhấn mạnh trong quyển “Ngũ Luân thư”[7] (Gorin no sho 五輪書) là để đạt được danh dự chân thật của người võ sĩ thì cả người sĩ và bậc quân chủ phải áp dụng những điều tinh mật của binh pháp. Tuy nhiên, ngay cả vào thời ấy, các võ sĩ tập trung ở các thành quách và hành xử vũ lực một cách cực đoan cũng không phải là ít. Khái niệm này được hoàn chỉnh đầy đủ về tri thức và mức ổn định là vào thời Tokugawa. Truyền thống thời trung đại về sự tuyệt đối trung thành và dâng hiến mạng sống cho bậc quân chủ được lý tưởng hoá nối kết với luân lý của Nho Giáo. Tư tưởng truyền thống này được thuật lại một cách hùng biện nhất trong tác phẩm kinh điển về võ sĩ đạo “Hagakure”[8] 葉隠 (1716) của Yamamoto Tsunetomo. Theo tác phẩm này, lý tưởng của võ sĩ và bản chất của võ sĩ đạo là hy sinh chính bản thân cho bậc quân chủ mình. Để làm chính đáng hoá sự tồn tại của giai cấp võ sĩ vốn không tham gia chiến trận và sản xuất trong xã hội thời Tokugawa, học giả Nho giáo Yamaga Soko[9] nhấn mạnh rằng võ sĩ phải có nghĩa vụ hiến thân mình cho đạo đức và mệnh lệnh chính trị

Võ sĩ đạo truyền thống kết hợp với Nho Giáo được quy định rộng hơn về yêu cầu nhận thức với hành vi đạo đức của giai cấp võ sĩ vào thời Edo. Giai cấp võ sĩ đã cống hiến lực hành động nội tại của võ sĩ đạo, sự thuần túy về động cơ, trung nghĩa và lực lãnh đạo tri thức về chính trị như là lực thôi thúc hướng về Minh Trị Duy Tân và kết quả là có sức ảnh hưởng mạnh trong việc cận đại hoá Nhật Bản.[10] Trong khúc ngoặt chuyển mình Tây Phương hoá và cận đại hoá thời sơ kỳ Minh Trị, võ sĩ đạo nhất thời mờ nhạt đi nhưng sau chiến tranh Nhật Thanh nó trở lại như là lòng ái quốc và sự trung thành với Thiên Hoàng. Trong tác phẩm “Võ sĩ đạo, linh hồn Nhật Bản”[11] 武士道 (1899) của Nitobe Inazo có viết là chính võ sĩ đạo là điều đáng được tán thưởng nhất trong xã hội và truyền thống Nhật Bản. Khái niệm này vào những năm 1930, lại được những người theo chủ nghĩa quân phiệt nhấn mạnh đến khía cạnh vũ lực nhưng sau chiến tranh thế giới thứ hai thì nó bị loại trừ. Nhiều người Nhật đã phủ nhận khái niệm võ sĩ đạo vì nó đối lập với xã hội dân chủ chủ nghĩa sau chiến tranh.

3. Mổ bụng tự sát: Harakiri 腹切り

Là hình thức tự sát mang tính nghi lễ của Nhật Bản bằng cách tự mổ bụng mình. Ở Nhật từ “thiết phúc” seppuku 切腹 được ưa chuộng hơn. Từ ngày xưa, người Nhật cho rằng bụng là nơi trú ngụ của linh hồn, là nguồn tâm khí phát sinh ra hành động nên đã lựa chọn làm nơi rạch tự sát. Thêm vào đó, người Nhật còn cho rằng ý chí của con người, dũng khí, tinh thần, sự nóng giận và sự độ lượng khoan hoà của con người đều phát sinh ra từ vùng bụng nằm giữa thân thể con người.

Vào buổi sơ kỳ thời đại phong kiến, rạch bụng tự sát harakiri dần dần được nghi thức hoá, vào đến thời Edo thì harakiri đã trở thành một trong năm cấp bậc hình phạt dành cho phạm nhân thuộc giai cấp võ sĩ. Phương pháp rạch bụng cũng được quy định rất chi tiết. Nó bao gồm trang phục, nơi chốn, thời điểm, người làm chứng, người điều tra, người phụ giúp. Nơi chốn được thiết lập sạch sẽ, người làm chứng, người bảo vệ, người điều tra có mặt rồi thì người tự sát phanh áo kimono ngoài ra, vươn cánh tay phải lấy thanh kiếm, rạch bụng từ trái qua phải. Nếu trường hợp không rạch lớn và đủ sâu để có thể chết thì phần còn lại giao cho người phụ giúp. Bằng lời giao ước từ trước giữa người tự sát và người phụ giúp, anh ta sẽ vung kiếm chém rơi đầu kẻ tự sát.

Một ví dụ nổi tiếng về sự tự sát mổ bụng tập thể là bốn mươi bảy võ sĩ, sau khi sát hại Kira Yoshinaka để báo thù cho chủ đã nhận lệnh tự sát bằng hình thức seppuku. Ngay trong những trang lịch sử cận đại cũng thấy có những sự kiện tự sát mổ bụng. Trong số đó nổi tiếng nhất là vụ đại tướng lục quân Nogi Maresuke đã chọn hình thức seppku để tuẫn tiết theo Thiên Hoàng Minh Trị vào năm 1912. Hay vào năm 1945, nhiều người đã mổ bụng tự sát trước hoàng cung sau khi Nhật Bản bại trận trước quân đội Đồng Minh. Một sự kiện nổi tiếng khác là nhà văn Mishima Yukio 三島由紀夫 đã mổ bụng tự sát đầy kịch tính thu hút sự quan tâm của người Nhật vào tháng 11 năm 1970.

4. Đạo đức: Doutoku 道徳

Ở Phương Tây, khái niệm đạo đức dựa trên thói quen và truyền thống. Nhật Bản và Trung Quốc không như vậy. Từ tiếng Nhật biểu thị ý nghĩa này gồm hai chữ Hán mà từ đầu tiên là “đạo” (michi 道). Khổng Tử đã giải thích từ “đạo” như sau. “Buổi sáng nghe được đạo, chiều chết cũng cam lòng”[12] (Luận ngữ). Con đường của thánh nhân với khái niệm logos đều cùng được biểu hiện bằng khái niệm “đạo” này. Cũng giống như câu nói của Lão Tử “đạo khả đạo phi thường đạo”,[13] đạo đức là một nguyên lý phổ biến, ẩn chứa trong nội tâm con người, quyết định tư tưởng và hành động của anh ta. Đạo đức của Đông Phương không phải là hệ thống luân lý đơn thuần mà là một thứ quy phạm để sống hay là phép tắc của xã hội con người. Khái niệm này bao hàm cả thái độ của con người đối với tồn tại tuyệt đối (tôn giáo), thái độ đối với tha nhân (đạo đức), thái độ đối với các hình thức vật chất và sinh vật khác ngoài con người (kỹ thuật) nữa.

Đạo đức Nhật Bản hiện đại đang trong quá trình chuyển đổi đổi giống với các xã hội khác, dẫn đến việc tìm cầu con đường có thể dung hợp với nhiều vấn đề được nảy sinh ra từ sự xung đột về kỹ thuật liên quan đến sinh mệnh con người như môi trường, tính dục, an lạc tử.[14]

5. Thành thực: Makoto 誠

Trong triết học Trung Quốc, “thành thực” 誠 là đức tính cơ bản, là nguyên lý mang tính hình nhi thượng làm căn bản ngũ đức của Nho Giáo. “Thành thực” được giải thích như là khái niệm trung tâm của quyển sách kinh điển “Trung dung” 中庸 của Nho Giáo đã dẫn đến ý nghĩa là “đạo” của trời đất với bản chất của đạo đức con người. Trong học phái Chu Tử ở Trung Quốc, “thành” được giải thích nhấn mạnh như là sự “chính trực” 正直.

Ở Nhật Bản, những học giả theo lối Chu Tử như Ito Jinsai 伊藤仁斎[15] đã giải thích “thành” như là sự thành thực của tinh thần và tâm thức chi phối quan hệ giữa người với người. Đồng thời, trong truyền thống Thần đạo, “thành” 誠 makoto gồm “ma” 真 là “chân”, “koto” こと là ngôn ngữ hay là hành vi[16] và người ta nghĩ rằng thành là đức tính không thể thiếu giải thích sự thành thực và tính tinh ròng của tinh thần và tâm thức. Khái niệm này được các nhà nghiên cứu quốc học và học giả thần đạo thời Edo thường khi sử dụng.

6. Đạo: Michi 道

Biểu thị nguyên lý lập thành một cơ sở hệ thống tư tưởng, tín ngưỡng, nghệ thuật hay kỹ năng. Và ở một ý nghĩa rộng lớn, khái niệm này biểu thị tổng thể kỹ thuật và lý luận để có thể thành lập được một loại hình văn nghệ, một toàn thể tín ngưỡng hay một hệ thống tư tưởng. Theo như ý nghĩa về sau này, thì “đạo” được sử dụng nhiều như một phần danh xưng của quy phạm hành động hay các loại kỹ thuật truyền thống như trà đạo và võ sĩ đạo.[17]

Ở Trung Quốc cổ đại, đạo mang ý nghĩa quy phạm hành động của con người, là khái niệm trọng yếu của Nho Giáo, nhưng khái niệm này được sử dụng nhiều trong triết học của Đạo Giáo với ý nghĩa thần bí hơn. Nhật Bản thời Edo phát âm khái niệm này là “michi”?ち và là khái niệm trung tâm của Nho Giáo theo cổ học nhưng mang ý nghĩa gần với “chân lý” 真理 của ngày nay. Học giả Ito Jinsai trường phái cổ học đã chủ trương “đạo” là con đường người ta nên theo và là tiêu chuẩn của luân lý.[18]

7. Danh dự: Meiyo 名誉

Là khái niệm cơ bản quy chế xã hội Nhật Bản trên nhiều phương diện. Người Nhật coi trọng nhất đến “tên tuổi” 名của mình ngay cả trong việc quy chế hành động của bản thân.

Khi giai cấp võ sĩ bước lên nắm thế lực trên vũ đài chính trị vào thế kỷ 12, tư tưởng “coi trọng danh tiếng” (na wo oshimu” 名を惜しむ) đã chiếm vị trí hạt nhân trong cấu tạo tâm lý người Nhật Bản. Trong tác phẩm quân ký, “tên tuổi” (na 名) và “sỉ nhục” (haji 恥) cũng thường xuất hiện nhưng hai khái niệm này không chỉ giới hạn vào “danh dự” của cá nhân, mà còn liên quan đến “danh dự” của gia đình và tổ tiên. Nỗi hổ nhục của mình chính là nỗi hổ nhục của tổ tiên hay thậm chí cả con cháu nữa.

Giai cấp thương nhân thời Edo đã mượn khái niệm “danh dự” từ giai cấp võ sĩ và sử dụng những cách nói như “không xứng với địa vị” (bun ga tatanu 分が立たぬ) hay “không có thể diện đàn ông” (otoko ga tatanu 男が立たぬ).

Đến thời Minh Trị, để biến quốc gia thành một mô hình gia đình gia trưởng, tính quan trọng của “danh dự” được nhấn mạnh và được xem là quy phạm cho mối quan hệ quân thần trong lịch sử. Khi bại trận trong chiến tranh thế giới thứ hai, người Nhật đã xem xét lại khái niệm “danh dự” liên quan đến vấn đề của cá nhân hơn.

8. Trung: Chuu 忠

Tư tưởng trung của Nho Giáo vốn được du nhập từ Trung Quốc vào Nhật Bản từ sớm nhưng đến thời phong kiến, khái niệm này trở thành tư tưởng cơ bản, thành lập nên mối quan hệ giữa võ sĩ và bậc quân chủ. Ân có nghĩa là việc tìm cầu sự cống hiến cho chủ nhân dù có phải cá cược với mạng sống của mình để đáp lại những ân sủng mà mình đã nhận được. Xem cấp trên trực tiếp là đối tượng đầu tiên của “trung”, cái tổ chức lớn gồm hàng trăm hàng ngàn người như Mạc phủ Tokugawa hay Kamakura đã nối kết những các nhóm nhỏ với nhau bằng “trung” để làm thành một cấu trúc kim tự tháp. Đến thời Minh Trị, khái niệm “trung” đã được mở rộng đến Thiên Hoàng và quốc gia vốn một tổ chức phi cá nhân, đưa vào trong quan hệ mang tính phong kiến đối với thế giới hiện đại là quốc dân quốc gia.

9. Ân: On 恩

Là trách nhiệm tâm lý và xã hội phải gánh vác lại khi nhận tặng vật hay một hảo ý lớn. Khái niệm “ân” 恩 chiếm vị trí trung tâm của giá trị quan, góp phần giữ gìn trật tự xã hội Nhật Bản, trong đó mối quan hệ giữa người và người bị vướng mắc vào mạng lưới của nghĩa vụ.[19]

Nhật Bản vào thời đại phong kiến, “ân” mang ý nghĩa là ân nghĩa sinh ra từ việc nhận đất đai và sự che chở của bậc quân chủ vì thế mà phải tận lực trong chiến đấu. Đồng thời việc nhận “ân” của tổ tiên và cha mẹ đã cho mình sinh mệnh là hiếu. Giáo viên, ông chủ, hay là những người cúp giúp sinh mệnh mình đều là “ân nhân” (onjin 恩人). Khái niệm ân nối kết sâu sắc với nghĩa vụ và tư tưởng phải đáp trả lại hảo ý của người ta. Người không biết trả ơn gọi là kẻ vô ơn (on shirazu 恩知らず), đây là một trong những từ chỉ trích ghê gớm nhất của người Nhật. Hơn nữa ơn là thứ thâm sâu không thể nào trả hết được nên người chịu ơn cả đời phải cúi mình khép nép[20] trước ân nhân.

10. Hiếu: Kou 孝

Còn được gọi là hiếu hạnh 孝行 hay hiếu thảo với cha mẹ 親孝行. Lời răn dạy của Nho Giáo là con cái phải theo cha mẹ, khi cha mẹ già thì phải chăm lo, khi cha mẹ qua đời thì phải sùng bái đã du nhập từ Trung Quốc vào Nhật Bản khoảng từ thế kỷ 5 đến thế kỷ 6. Những học giả Nho Giáo Trung Quốc cho rằng chính hiếu hạnh là điều thiết yếu của gia đình và gia đình là điều thiết yếu của xã hội. Tầng lớp chi phối Nhật Bản đã xem hiếu hạnh cùng với lòng trung là lý tưởng căn bản của xã hội.

Đến thời Edo, “hiếu hạnh” thẩm thấu vào giai cấp võ sĩ và được cho rằng có quan hệ mật thiết với trung nghĩa dành cho bậc quân chủ. Sau thời Minh Trị duy tân, “hiếu hạnh” từ từ mở rộng đến mọi tầng lớp và trở thành một thứ đạo đức quốc dân. Thực tế là chính phủ đã sử dụng khái niệm “hiếu hạnh” để nuôi dưỡng lòng ái quốc và chủ nghĩa quốc gia. Lòng trung thành dành cho Thiên Hoàng được xem là sự mở rộng của chữ “hiếu”. Sau chiến tranh thế giới thứ hai, giáo dục về chữ “hiếu” chính thức bị bãi bỏ. Thói quen theo cha mẹ dần dần mất đi không phải chỉ bởi vì không khích lệ chữ hiếu một cách chính thức mà phần lớn là do sự thay đổi về xã hội, kinh tế và kỹ thuật đã làm giảm thấp địa vị xã hội của các bậc niên trưởng và thôi thúc sự phát triển của các gia đình hạt nhân.

11. Tội lỗi: Tsumi 罪

Từ “tội lỗi” (tsumi 罪) trong tiếng Nhật hiện đại đồng nghĩa với các từ “sin” (tội tôn giáo), offense (vi phạm quy tắc) và crime (phạm tội) trong tiếng Anh. Vào thời cổ đại, khái niệm này được sử dụng với ý nghĩa rộng biểu thị trạng thái hay hành vi làm phương hại đến hay làm giảm trừ sinh mệnh lực. Khái niệm “tội” nằm trong mối quan hệ sâu sắc với “nhơ uế” biểu hiện sự bất tịnh mang tính nghi lễ. Ví dụ cổ xưa nhất còn tồn tại là trong bài “Oharae no Kotoba 大祓詞” (Lời tẩy trần) trong “Diên hỷ thức” 延喜式 vào thế kỷ 10. Ví dụ được nêu ra trong đó gồm có việc phá bỏ luống đất trên ruộng, làm nhiễm uế nơi chốn thanh tịnh bằng chất bài tiết của mình, các chứng bệnh về da như sưng phù nề hay mụn cóc, các hành vi gian dâm với thú vật hay loạn luân và những tai hoạ thiên nhiên do côn trùng, chim chóc hay tia chớp. Lối suy nghĩ rằng tội lỗi đến từ một lực lượng bên ngoài, không phải là trách nhiệm cá nhân là phần căn bản quan trọng của nghi thức Oharae[21] (giải trừ tội lỗi và nhơ uế) của Thần Đạo. Theo đó thì vai trò của tôn giáo gồm có (1) giữ gìn sự thanh tịnh, sự tái sinh vào thế giới này thông qua cầu nguyện, tham gia vào hành vi của thần sáng tạo, (2) bao hàm việc bồi đền tội lỗi hay nhơ uế.

12. Cái ác: Aku 悪

Cách hiểu về cái ác trong ý nghĩa luật pháp và đạo đức của người Nhật được cho rằng hình thành dưới ảnh hưởng của Phật Giáo và Nho Giáo Trung Quốc vào giữa thế kỷ thứ 5 đến giữa thế kỷ 6 và được quy chế hoá thành pháp lệnh vào thế kỷ 7. Cách hiểu của người Nhật về “thiện” yoshi 善し và “ác” ashi 悪し trước khi nhận chịu ảnh hưởng đại lục mang tính tồn tại luận hơn là về đạo đức.

Thiện và ác nguyên lai được nối kết với tình cảm tôn giáo. Theo đó “thiện” và “ác” không phải là hai cực đoan của lĩnh vực đạo đức phân biệt rõ ràng mà là phản ánh trạng thái tinh thần “sạch sẽ, thanh khiết” (kiyoshi [kirei, kiyoraka] 清し [きれい、きよらか]) với “nhiễm uế”, “bất tịnh” (kitanashi [warui, tadashikunai] 穢し [悪い、正しくない]). Ác thần được xem như một thứ tồn tại uy linh cường đại mà ta phải kính ngưỡng, sợ hãi và kiêng nể. Cái ác tuy đáng sợ nhưng khái niệm “ác” cùng với ý niệm sợ hãi thậm chí còn dùng để khen tặng những người Minamoto no Yoshihira vốn không biết sợ là Aku Genta 悪源太 (Genta ác).

13. Đại Hoà Hồn: Yamato Damashii 大和魂

Khái niệm này được dùng như là một từ biểu thị tinh thần đặc biệt riêng có của người Nhật cho đến khi kết thúc Chiến tranh thế giới lần hai. Phạm vi ý nghĩa của từ này đi từ sự hiến thân, thành ý, dũng khí, tinh thần bất khuất mang tính đạo đức và thể xác đến ý nghĩa mà người Đức gọi là “tinh thần quốc dân” (kokumin seishin 国民精神) (Volksgeist).

Sự biến thiên ý nghĩa của “Đại hoà hồn” được tìm thấy trong nhiều tác phẩm văn học. Thời Heian, “Đại Hoà hồn” được dùng để phân biệt dạng thức hành động và tư tưởng Nhật Bản bản lai với Trung Quốc. Sang đến hậu kỳ thời Edo, các học giả quốc học tái phát kiến khái niệm này và sử dụng với một ý nghĩa khác. Motoori Norinaga[22] đã giải thích “Đại hoà hồn” có cùng ý nghĩa với “tâm tình phụ nữ” (onnagokoro 女心)[23] vốn là tinh thần cốt tủy của văn học Vương Triều thời Heian và đối lập nó với thái độ của những học giả Nho Giáo sùng bái Trung Hoa. Tuy nhiên những người khác như Hirata Atsutane[24] thì dùng “đại hoà hồn” đồng nghĩa với “tôn hoàng nhượng di”(sonnnou joui 尊皇攘夷),[25] phản ánh tinh thời thời đại.

Đến thời cận đại, “Đại Hoà hồn” đã được những người theo chủ nghĩa siêu quốc gia và quân nhân duy trì một cách nhiệt thành và xem nó như là một yếu tố tư tưởng cho giáo dục đại chúng. Bắt đầu từ thập niên 1930 cho đến khi kết thúc chiến tranh thế giới thứ hai, thời đại chủ nghĩa quân phiệt, “đại hoà hồn” được xem như là lòng trung thành tuyệt đối với quốc gia và Thiên hoàng.

14. Hoà hồn Dương tài: Wakon Yousai 和魂洋才

Là sự tiếp thu tri thức và học vấn Phương tây áp dụng vào văn hoá truyền thống Nhật Bản. Khái niệm này là biến thể của “Hoà hồn Hán tài” 和魂漢才 đã có từ trước. “Hoà hồn Hán tài” được tạo ra thế kỷ 9 nhằm hướng sự chú ý vào tinh thần độc đáo sáng tạo và truyền thống văn hoá Nhật Bản từ xưa. Cũng giống như vậy, khái niệm “Hoà hồn Dương tài” đã được mở rộng vào thời Minh Trị khi du nhập tri thức và kỹ thuật Tây Phương vào Nhật Bản với quy mô lớn. Nó được thể hiện qua cách nói của Sakuma Shozan 佐久間象山[26] “tinh thần Đông Phương và kỹ thuật Tây Phương” (Touyou no seishin to seiyou no gijutsu 東洋の精神と西洋の技術). Từ “Hoà hồn Dương tài” biểu thị quá trình dung hợp kỹ thuật Phương Tây với văn hoá truyền thống trong lịch sử văn minh Nhật Bản thời cận đại.

Hoàng Long dịch từ nguyên tác Nhật ngữ
Dịch xong tại Nagoya, ngày 15/3/2013

_________________________

[1]“Gián chủ quan tính” 間主観性 là cách người Nhật dịch khái niệm “Intersubjektivitat” của Edmund Husserl. Tiếng Việt dịch là “tính liên chủ thể”. Từ điển Quảng Từ Uyển 広辞苑 định nghĩa “gián chủ quan tính” là “cái chủ quan được thành lập do tác dụng cộng đồng không phải của riêng tự ngã mà bao hàm cả tha ngã. Ngay cả trong thế giới tự nhiên hay thế giới văn hoá thì cũng là vật mang tính công hữu của nhiều cái chủ quan chứ không phải là vật tư hữu chủ quan của một cái cá biệt. Trạng thái này được gọi là hiện tượng gián chủ quan và nhờ vào đó mà thế giới khách quan thống nhất được thành lập. Sau này Gabriel Marcel làm phong phú khái niệm này theo tính hiện sinh cho rằng chủ thể được thành lập chỉ dựa trên cộng đồng chủ thể tính. Còn được dịch là Tương hỗ chủ quan tính hay cộng đồng chủ quan tính”. (自我のみならず他我をも含めた共同的な作用によって成り立つ主観のあり方。自然的世界も文化的世界も一個の主観の私有物ではなく、多くの主観の共有物である。この事態を間主観的現状といい、そこにおいて統一的な客観的世界が成立する。のちにマルセルはこの概念を実存論的に深め、主体は共同主体性に根づいてのみ成立しうるとした。相互主観性。共同主観的)

[2]Thiện hành: zenkou 善行 : sự thực hiện những hành vi tốt đẹp.

[3]Giri 義理 : trách nhiệm, nghĩa vụ, đạo lý phải tuân theo, trong khi ninnjou 人情 tình cảm tự nhiên của con người. Hai từ này thường xuyên được sử dụng trong tiếng Nhật như “cái lý” và “cái tình” trong tiếng Việt.

[4]Tuyên mệnh: 宣命 Senmyou : những lời tuyên cáo mệnh lệnh của Thiên Hoàng hay nói chung về thể văn tuyên cáo.

[5]Chúc từ: 祝詞 Norito : những lời chúc phúc xướng lên trong các nghi lễ.

[6]Diên hỷ thức Engishiki 延喜式 : sách nói về nghi thức và luật lệnh tối cổ Nhật Bản, gồm 50 quyển, được Fujiwara Tokihira 藤原時平 (871-909) tuyển chọn biên soạn vào năm Diên hỷ thứ 5 (tức năm 905)

[7]Tác phẩm này đã được chúng tôi dịch ra Việt ngữ với nhan đề “Miyamoto Musashi, con đường kiếm thuật”, Nxb Văn hoá thông tin, 2007.

[8]Có thể tạm dịch là “Ẩn mình dưới lá”, gồm 11 quyển viết về chủ yếu bàn về con đường sống-chết của các võ sĩ Nhật ghi lại từ các cuộc đàm đạo với võ sĩ Yamamoto Tsunetomo (1659-1719).

[9]Yamaga Sokou 山鹿素行 (1622-1685), nhà binh pháp và học giả Nho Giáo trước thời Edo.

[10]Nguyên văn “武士道に内在する行動力、動機付けの純粋さ、忠義、政治的知的指導力が、明治維新への推進力として、武士階級が貢献できたこと、および、その結果、日本の近代化で強い影響力を持ち得たことの理由である”. Dịch sát nghĩa: “Những cống hiến của giai cấp võ sĩ về lực hành động nội tại trong võ sĩ đạo, sự trong sáng của động cơ, sự trung nghĩa cùng với lực lãnh đạo mang tính tri thức và chính trị với tư cách là lực thúc đẩy quá trình duy tân thời Minh Trị và kết quả của những điều đó là lý do dẫn đến sức ảnh hưởng mạnh mẽ trong quá trình cận đại hoá Nhật Bản”.

[11]Tác phẩm này đã được dịch giả Lê Ngọc Thảo dịch và xuất bản với nhan đề “Võ sĩ đạo, linh hồn của Nhật Bản”, Nxb Thời đại, 2011.

[12]Nguyên văn “朝に道を聞かば、夕に死すとも可あり” vốn là câu dịch “Triêu văn Đạo, tịch tử khả hĩ.” 朝 聞 道 , 夕 死 可 矣 trong Luận ngữ.

[13]Nguyên văn “道の道とすべきは常の道にあらず”. Đây là cách người Nhật dịch câu “đạo khả đạo phi thường đạo” 道可道非常道 của Lão Tử.

[14]安楽死. Đối với người bệnh vô phương cứu chữa, theo nguyện vọng bệnh nhân ban cho họ một cái chết nhẹ nhàng êm ái, ít phải chịu đau đớn. Vấn đề an tử và trợ tử đang là một vấn đề được tranh cãi gay gắt về mặt đạo đức và tôn giáo.

[15]Ito Jinsai 伊藤仁斎 (1627-1705), học giả Nho Giáo trước thời Edo, chủ trương trở về với sách kinh điển của Khổng Tử, Mạnh Tử, phê phán trường phái Chu tử học. Ông mở trường “Cổ nghĩa đường” 古義堂 dạy học ở Horikawa, Kyoto; học trò có đến ba ngàn người. Các tác phẩm chính “Luận ngữ cổ nghĩa” 論語古義, “Mạnh Tử cổ nghĩa” 孟子古義, “Ngữ Mạnh Tử nghĩa” 語孟子義, “Đồng tử vấn” 童子問…

[16]Chữ “thành” 誠 trong tiếng Nhật được đọc là “makoto” まこと gồm có hai âm “ma” ま trùng âm với chữ chân 真 và “Koto” こと trùng âm với với từ “ngôn” 言 như “ngôn ngữ” là kotoba 言葉, từ “sự” 事 là sự việc, công việc “shigoto” 仕事.

[17]Vì đoạn này quan trọng nên xin trích dẫn nguyên văn “思想、信仰、芸術、技能などの体系の基礎をなす原理を表す。また広い意味で、一つの思想体系や信仰全体、あるいは一つの文芸を成り立たせる理論と技術の総体を表す。後者の意味では、茶道や武士道など各種の伝統的技術や行動規範の名称の一部となっていることが多い”

[18]Nguyên văn “古学の伊藤仁斎は道は人が従うべき道、または論理の基準であると主張した”

[19]Nguyên văn: “恩は日本の社会的秩序を保つ価値観の中心を占め、この中で人間関係は互いに義理の網にからまれる”. Trong nguyên văn dùng từ nghĩa lý (義理) trái nghĩa với nhân tình (人情) là tình cảm cá nhân.

[20]Nguyên văn “恩は返しきれないほど深いものであり、したがって恩人には一生頭があがらない”, trong đó dùng thành ngữ 頭が上がらない “không ngẩng đầu lên được”. Từ điển Quảng Từ Uyển giải thích là “do mình mắc nợ đối phương nên bị thúc bách bởi quyền uy, không thể cư xử đối đẳng ngang hàng được” (相手に負い目があったり、権威に圧迫されたりして、対等に振る舞えない)

[21]Oharae おはらえ còn được gọi là “harae” 祓 theo từ điển Quảng Từ Uyển 広辞苑 định nghĩa là “thần sự tiến hành để giải trừ tai ách, ô uế hay tội chướng hoặc là lời khấn cầu nguyện thần linh khi tiến hành thần sự đó” (災厄、汚穢罪障などを除き去るために行う神事。また、その時、神に祈って誦む詞)

[22]Motoori Norinaga 本居宣長 (Bản Cư Tuyên Trường) (1730-1801), học giả thời Edo, một trong tứ đại học giả nghiên cứu về quốc học Nhật Bản. Ông đã bỏ ra ba mươi năm nghiên cứu “Cổ sự ký” 古事記 để viết nên tác phẩm “Cổ sự ký truyện” 古事記伝. Ngoài ra, trong trước tác nghiên cứu về “Nguyên Thị vật ngữ” 源氏物語玉のおぐし, ông đã đưa ra khái niệm “mono no aware” là bản chất của tác phẩm này.

[23]Onnagokoro 女心 được Quảng Từ Uyển 広辞苑 giải thích gồm 3 nghĩa: 1. Tâm tình riêng biệt chỉ riêng có ở nữ giới 女性に特有の心情 2. Tâm tư của phụ nữ suy nghĩ đến đàn ông 女性が男性を思う心 3. Cái tâm của nữ giới hấp dẫn, quyến rũ đàn ông 男性が女性に惹かれる心

[24]Hirata Atsutane 平田篤? (1776-1843), học giả quốc học thời hậu kỳ Edo, một trong tứ đại nhân về nghiên cứu quốc học ở Nhật Bản.

[25]Tôn Hoàng nhượng di 尊皇攘夷 phong trào chính trị cuối đời Mạc phủ, chủ trương tuyệt đối hoá quyền lực Thiên Hoàng và phản đối mở cửa đất nước, chống đối với phe của Mạc Phủ ký hoà ước với phương Tây mà không có sự cho phép của Thiên Hoàng.

[26]Sakuma Shozan 佐久間象山 (1811-1864) nhà tư tưởng và binh pháp gia nổi tiếng cuối thời Mạc Phủ.

-----------------

[caption id="attachment_227" align="alignleft" width="178"]Nguồn: 英語で話す日本の心 / Keys to the Japanese Heart and Soul (Bunkyō, Tokyo: Kodansha International, 1999), 48-73. Nguồn: 英語で話す日本の心 / Keys to the Japanese Heart and Soul (Bunkyō, Tokyo: Kodansha International, 1999), 48-73.[/caption]

Net

Bài đăng phổ biến từ blog này

Trung Quốc đang đụng đầu với khủng hoảng ?

Nỗi sợ ngân hàng gây thêm đau đầu cho nền kinh tế Trung Quốc.

Xung đột vũ trang ở Biển Đông.