ASEAN sang trang giửa biển Đông đầy sóng gió.

  • ASEAN ký thỏa thuận lịch sử
  • Nhật Bản sẽ không gửi lực lượng tới Biển Đông
  • Tuyên bố chủ quyền của TQ ở Biển Đông được xếp cao trong nghị trình ASEAN
  • ASEAN đồng thanh quan ngại về tranh chấp Biển Đông
  • TQ tuyên bố ‘tự chế’ khi đối mặt với tàu chiến Mỹ ở Biển Đông
  • Tổng thống Mỹ kêu gọi ngưng quân sự hóa biển Đông
  • Hải Quân Mỹ có thể trở lại tuần tra ở Biển Đông tháng 12
  • Trung Quốc tuyên bố ‘không ngưng xây dựng’ ở biển Đông
  • Liên Hiệp Quốc kêu gọi kiềm chế ở biển Đông
  • ASEAN thành lập cộng đồng có hơn 600 triệu dân
Thủ tướng Thái Lan, Thủ tướng Việt Nam và
Thủ tướng Malaysia ký vào thỏa thuận
lịch sử ở Kuala Lumpur hôm 22/11
ASEAN ký thỏa thuận lịch sử 22.11.2015

Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ký một thỏa thuận mang tính bước ngoặt hôm nay.

Thỏa thuận có tên gọi Tuyên bố Kuala Lumpur tạo ra một cộng đồng kinh tế ASEAN, cho phép dòng chảy thương mại và nguồn vốn tự do hơn tại một khu vực với dân số là 625 triệu người với tổng sản lượng kinh tế trị giá 2,6 nghìn tỷ đôla.

Lãnh đạo của khối gồm 10 quốc gia thành viên, trong đó có Việt Nam, đã ký vào thỏa thuận này.

Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama cũng tham dự hội nghị thượng đỉnh ASEAN ở Malaysia, và hôm nay ông cho biết rằng tất cả 10 vị lãnh đạo của ASEAN đã nhận lời mời tới thăm Washington vào năm tới.

Ông nói rằng ông tới tham gia hội nghị thượng đỉnh để củng cố mối quan hệ với khối mà ông nói là nên đóng vai trò lãnh đạo trong khu vực.

“Tôi làm sâu sắc hơn sự hợp tác giữa Hoa Kỳ với ASEAN vì một khối ASEAN đoàn kết, hòa nhập và hiệu quả tại trung tâm châu Á là một nguồn lực tạo ổn định, thịnh vượng và hòa bình”, ông Obama phát biểu tại Kuala Lumpur hôm 21/11.

Trong một tuyên bố chung, Nhà Trắng và các lãnh đạo ASEAN nói rằng họ đã “nâng tầm” mối quan hệ lên Quan hệ Đối tác Chiến lược Mỹ và ASEAN với một mục tiêu chung là kiến tạo một khu vực châu Á – Thái Bình Dương hòa bình và thịnh vượng.
Ông Obama cũng khuyến khích các nước ASEAN thiết lập một bộ quy tắc ứng xử ở biển Đông, khu vực nơi xảy ra nhiều tranh chấp lãnh hải trong những tháng vừa qua giữa Trung Quốc và các nước khác trong khu vực.
  VOA


 Nhật Bản sẽ không gửi lực lượng tới Biển Đông 21.11.2015
Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản hộ
tống tàu Kurama trong vùng biển ngoài khơi
Vịnh Sagami, phía nam Tokyo, Nhật Bản, ngày 18/10/2015

  Nhật Bản hôm thứ Sáu cho biết họ không có kế hoạch điều Lực lượng Tự vệ của mình tới tham gia những hoạt động tự do hàng hải của Mỹ ở Biển Đông, mặc dù Tokyo ủng hộ những nhiệm vụ này nhằm kiềm chế những tuyên bố chủ quyền lãnh thổ quyết đoán của Bắc Kinh trong vùng biển tranh chấp.

Hãng tin Kyodo dẫn lời Chánh Văn phòng Nội các Nhật bản Yoshihide Suga trong cuộc họp báo nói rằng Lực lượng Tự vệ hiện không tiến hành liên tục những hoạt động giám sát ở Biển Đông. “Lực lượng Tự vệ không có kế hoạch tham gia những hoạt động tự do hàng hải của Mỹ,” ông nói.

Ông Suga đưa ra phát biểu một ngày sau khi Thủ tướng Shinzo Abe nói với Tổng thống Mỹ Barack Obama trong một cuộc họp tại Manila rằng Nhật Bản sẽ xem xét điều Lực lượng Tự vệ tới Biển Đông, trong khi nghiên cứu tác động của tình hình ở đó tới an ninh của riêng mình.

Ông Suga cho biết Nhật Bản đã thực hiện những biện pháp đóng góp một cách chủ động vào hòa bình trong khu vực như hỗ trợ xây dựng năng lực của Philippines, Việt Nam và những nước khác có tuyên bố chủ quyền chồng lấn với Bắc Kinh ở Biển Đông.

Sự hỗ trợ dành cho những nước láng giềng nhỏ hơn của Trung Quốc bao gồm cung cấp tàu tuần tra.

Phát ngôn viên Suga cho biết Nhật Bản cũng đã tiến hành tập trận chung với hải quân Mỹ.

"Chúng tôi muốn tiếp tục nghiên cứu (những gì mà Nhật Bản có thể làm ở Biển Đông) trong khi chúng tôi cẩn thận đánh giá tác động mà tình hình ở Biển Đông gây ra đối với an ninh của đất nước chúng tôi," ông nói.

Theo Kyodo News, Japan Today
  VOA

(Tổng thống Barack Obama chụp ảnh với
 các các nhà lãnh đạo trong cuộc họp thường niên
của Hiệp hội các Quốc gia Đông nam Á ngày 19/11/2015)
  Tuyên bố chủ quyền của TQ ở Biển Đông được xếp cao trong nghị trình ASEAN

Các giới chức Tòa Bạch Ốc nói những quan ngại về khẳng định chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông sẽ được xếp cao trong nghị trình của Tổng thống Barack Obama khi ông gặp các nhà lãnh đạo trong vùng trong cuộc họp thường niên của Hiệp hội các Quốc gia Đông nam Á, tức ASEAN, và hội nghị Đông Á kèm theo.

Hôm thứ Sáu, Tổng thống Obama đến thủ đô Kuala Lumpur của Malaysia, nơi hội nghị thượng đỉnh sẽ diễn ra trong hai ngày thứ Bảy và Chủ nhật.

Tòa Bạch Ốc đã nhiều lần nói rằng việc thiết lập một “trật tự dựa trên luật lệ” là điều cấp thiết để duy trì an ninh và thịnh vượng kinh tế trong khu vực, là hai nền tảng của chính sách tái quân bình của Hoa Kỳ cho vùng châu Á Thái Bình Dương.

Các giới chức Tòa Bạch Ốc lập luận rằng ảnh hưởng của các hành động của Trung Quốc đang gây phương hại cho nỗ lực đó.

Cố vấn chính sách về châu Á, ông Dan Kritenbrink nói tuy Hoa Kỳ không theo một lập trường về các vụ tranh chấp lãnh hải, “Chúng tôi có quyền lợi quốc gia trong việc bảo đảm tự do hàng hải, thương mại hợp pháp không bị ngăn trở, giải quyết êm thắm các tranh chấp, kể cả việc sử dụng đến quyền tài phán quốc tế theo Công ước về Luật biển của LHQ”.

Ông Kritenbrink phát biểu trong cuộc họp thượng đỉnh APEC ở Manila, nơi ông Obama đã đề cập đến vấn đề này trong các cuộc hội đàm với nhiều nhà lãnh đạo khác dự hội nghị.

Trong thời gian ở Manila, ông Obama đã kêu gọi Trung Quốc hạ giảm căng thẳng trong khu vực bằng cách “cam kết ngưng việc lấy đất lấp biển, xây dựng các đảo mới và quân sự hóa vùng có tranh chấp ở Biển Đông”.

Bắc Kinh đã tiến hành các dự án nạo vét ở 7 bãi đá có tranh chấp từ gần 2 năm nay và xây lên những hòn đảo nhân tạo nhỏ. Hai trong số các đảo mới lập này có các phi đạo và hải cảng có thể xử lý máy bay và tàu biển quân sự.

Các nước láng giềng tỏ ý nghi ngờ về các ý đồ của Bắc Kinh.

Trung Quốc từng tuyên bố có “chủ quyền không tranh cãi được” về gần như toàn bộ vùng biển này và người ngoài cuộc không cần phải có ý kiến về những vụ tranh chấp.

Ông Kritenbrink nói: “Khi chúng tôi nhìn thấy những trường hợp mà các cường quốc cư xử theo những đường lối trái với luật lệ và nguyên tắc quốc tế, chúng tôi trông đợi bạn bè và các đối tác và đồng minh trong khu vực đứng về phía chúng tôi để phản đối thái độ đó”.

Phụ tá Cố vấn An ninh Quốc gia Ben Rhodes nói cuộc họp ASEAN gồm các quốc gia vây quanh vùng có tranh chấp và đem lại diễn đàn thích hợp cho những cuộc đàm phán như thế.

Ông Rhodes nói: “Chúng tôi tin rằng Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á phải là một diễn đàn để giải quyết những vấn đề an ninh cũng như kinh tế”.
  VOA

(Ngoại trưởng Malaysia Anifah Aman phát biểu
trước báo giới tại hội nghị thượng đỉnh
ASEAN ở Kuala Lumpur, Malaysia, ngày 18/11/2015.)
  ASEAN đồng thanh quan ngại về tranh chấp Biển Đông

20.11.2015 Ngoại trưởng các nước Đông Nam Á đồng thanh lên tiếng bày tỏ quan ngại sâu sắc về diễn tiến tình hình Biển Đông, nơi các công trình xây đảo nhân tạo của Trung Quốc đang thổi bùng căng thẳng với các nước có tranh chấp bao gồm Việt Nam.

Lãnh đạo 10 nước ASEAN cùng nguyên thủ 9 nước khác trên thế giới kể cả Hoa Kỳ đang họp tại Malaysia thảo luận về hợp tác kinh tế - thương mại và vấn đề Biển Đông là một điểm nhấn gây chú ý trong nghị trình làm việc.

AP thuật lời Ngoại trưởng nước chủ nhà Malaysia hôm nay cho hay Ngoại trưởng các nước cùng nhắc lại lời kêu gọi thành lập một bộ quy tắc ứng xử Biển Đông hữu hiệu để quản lý cách hành xử trong khu vực tranh chấp.

Ông Anifah Aman cho biết thêm rằng ASEAN cũng tái khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định, và tự do hàng hải trên Biển Đông.

Phát biểu với AP hôm nay, Tổng thư ký ASEAN, Lê Lương Minh, nói ‘Bộ quy tắc ứng xử Biển Đông chưa từng được thực thi đầy đủ và hiệu quả và đó là lý do vì sao chúng ta cần một thỏa thuận mới mang tính ràng buộc pháp lý.’

Vẫn theo lời ông Minh, thỏa thuận đó không chỉ ngăn ngừa mà còn có thể giúp xử lý các sự cố như những gì đang diễn ra hiện nay. Dù không nêu đích danh Trung Quốc, nhưng ông Minh ngụ ý nhắc tới các hoạt động xây dựng của Bắc Kinh ở Biển Đông.

Cuối tuần này, Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ có các cuộc thảo luận với lãnh đạo 10 nước ASEAN trước khi tham dự Thượng đỉnh Đông Á bao gồm Trung Quốc.

Các giới chức an ninh Hoa Kỳ cho hay Biển Đông là một trọng tâm trong nghị trình công du Châu Á lần này của ông Obama. Nhà lãnh đạo Mỹ cũng dự kiến sẽ nêu vấn đề Biển Đông tại thượng đỉnh Đông Á lần này.

Chủ tịch Trung Quốc có thể né tránh vấn đề Biển Đông tại thượng đỉnh APEC ở Manila trong tuần, nhưng Thủ tướng Trung Quốc dự kiến sẽ gặp khó khăn hơn tại thượng đỉnh ở Kuala Lumpur vào cuối tuần, theo phân tích của tờ IBB Times.

Theo AP, IBTimes.

VOA

Tàu chiến Mỹ USS Lassen 
  TQ tuyên bố ‘tự chế’ khi đối mặt với tàu chiến Mỹ ở Biển Đông 20.11.2015

Chỉ huy hàng đầu của hải quân Trung Quốc tuyên bố lực lượng nước này đã ‘hết sức tự chế’ khi đối mặt trước ‘các hành động khiêu khích của Mỹ ở Biển Đông’, đồng thời cảnh báo rằng Bắc Kinh sẵn sàng ứng phó với các hành động tái diễn xâm phạm chủ quyền Trung Quốc tại đây.

Trang web Bộ quốc phòng Trung Quốc tối thứ Năm dẫn phát biểu của Đô đốc Ngô Thắng Lợi cho biết hải quân của Bắc Kinh theo sát mọi động thái khiêu khích của Hoa Kỳ và đã nhiều lần ra cảnh báo trong khi duy trì tự chế tối đa nhằm bảo đảm tình hình chung của mối bang giao Mỹ - Trung.

Tư lệnh hải quân Trung Quốc nói: "Nếu Hoa Kỳ lặp lại các hành động khiêu khích bất chấp phản đối của Bắc Kinh, chúng tôi có khả năng bảo vệ chủ quyền và an ninh quốc gia".

Phát biểu của ông Ngô được đưa ra trong cuộc họp với Tư lệnh hạm đội Thái Bình Dương của Hoa Kỳ, Đô đốc Scott Swift, tại Bắc Kinh hôm 19/11.

Trong một nỗ lực được xem là cảnh cáo hành động của Mỹ, Bộ Quốc phòng Trung Quốc hôm nay loan báo hải quân của họ vừa thực hiện các cuộc diễn tập chống tàu ngầm ở Biển Đông với sự tham gia của các tàu ngầm, tàu chiến, và trực thăng.

Các cuộc diễn tập kiểu này của Trung Quốc cũng thường diễn ra, tuy nhiên, Bắc Kinh không cho biết rõ thời gian và địa điểm cụ thể của sự kiện vừa nói.

Theo Reuters, SCMP.
VOA

Tổng thống Mỹ Barack Obama chụp ảnh với
các nhà lãnh đạo ASEAN ở Kuala Lumpur,
Singapore, hôm 21/11
 
  Tổng thống Mỹ kêu gọi ngưng quân sự hóa biển Đông 22.11.2015

Hoa Kỳ đã củng cố các quan hệ với Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Tổng thống Barack Obama nói tổ chức này nên đóng một vai trò lãnh đạo tại vùng này trong những năm tới.

Ngày thứ Bảy, tại Kuala Lumpur, Tổng thống Obama nói: “Tôi đã tiến hành hợp tác sâu rộng hơn với ASEAN vì một tổ chức ASEAN hợp nhất và hữu hiệu tại trung tâm châu Á là một lực lượng của ổn định, thịnh vượng và hòa bình.”

Trong một thông cáo chung, các nhà lãnh đạo Tòa Bạch Ốc và ASEAN nói họ đã “nâng cao” các mối quan hệ Đối tác Chiến lược ASEAN-Hoa Kỳ với một mục đích chung là thành lập một vùng châu Á-Thái Bình Dương hòa bình và thịnh vượng.

Tổng thống Obama nói ASEAN đóng một vai trò then chốt trong việc tiến đến một “trật tự căn cứ trên luật pháp” tại châu Á-Thái Bình Dương và đối tác mới giữa Hoa Kỳ và ASEAN sẽ hướng dẫn các mối liên hệ giữa các bên trong “những thập niên tới.”

Ông khuyến khích kế hoạch của ASEAN thiết lập một bộ qui tắc ứng xử quốc tế tại Biển Đông, chủ thể của những tranh chấp trên biển trong những tháng qua liên hệ đến Trung Quốc và các nước khác trong vùng.

Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á đã thảo luận về một bộ qui tắc ứng xử với Trung Quốc cách đây hơn một thập niên, nhưng chưa bao giờ có tính cách ràng buộc đối với các bên liên hệ. Kế hoạch mới được loan báo của ASEAN sẽ xây dựng luật quốc tế và những chuẩn mực cho việc giải quyết hòa bình những tranh chấp trong đó có vấn đề tự do hàng hải và tự do hàng không tại biển Đông.

Tòa Bạch Ốc đã nhiều lần nói là thiết lập một “trật tự căn cứ trên luật pháp” đối với Biển Đông, nơi có một số lượng lớn hàng hóa qua lại tại vùng này, là thiết yếu đối với an ninh vùng và thịnh vượng kinh tế, cả hai đều là cốt lõi trong chính sách của Hoa Kỳ về châu Á - Thái Bình Dương.

Việc tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc tại Biển Đông đã gây nên căng thẳng với các nước quanh vùng biển này.

Bắc Kinh đã thực hiện nhiều dự án nạo vét tại 7 bãi đá đang tranh chấp trong gần hai năm nay, xây dựng những đảo nhân tạo nhỏ. Hai trong những đảo mới thành lập có đường bay và bến cảng để các máy bay quân sự và chiến hạm có thể sử dụng được.

Các nước láng giềng nghi ngờ về ý định của Bắc Kinh. Tổng thống Obama nói: “Vì sự ổn định trong vùng, các bên đòi chủ quyền phải ngưng việc lấy đất lấn biển, xây dựng mới, và quân sự hóa các khu vực tranh chấp".

Trước đó, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi bày tỏ hy vọng về “việc sớm chấp thuận một bộ qui tắc ứng xử căn cứ trên đồng thuận” và kêu gọi các bên liên hệ trong cuộc tranh chấp Biển Đông tôn trọng những hướng dẫn được thi hành.

Về Đối tác Chiến lược châu Á-Hoa Kỳ mới, Tòa Bạch Ốc phát họa 5 lãnh vực cam kết ưu tiên. Những lãnh vực này bao gồm tăng cường hợp tác kinh tế, mở rộng hợp tác trên biển, cùng nhau làm việc về những vấn đề xuyên quốc gia như khủng bố, an ninh mạng và biến đổi khí hậu cũng như bồi dưỡng các nhà lãnh đạo đang nổi lên và tạo cơ hội cho phụ nữ.
  VOA

  Hải Quân Mỹ có thể trở lại tuần tra ở Biển Đông tháng 12

Theo hãng tin Reuters, hôm qua 20/11/2015, một sĩ quan hải quân Mỹ cho biết, hải quân Hoa Kỳ sẽ thực hiện một chuyến tuần tra nữa trong khu vực 12 hải lý xung quanh các đảo nhân tạo được Trung Quốc bồi đắp tại Biển Đông.

Quan chức hải quân Mỹ trên cho biết chuyến tuần tra sắp tới trong quần đảo Trường Sa dự kiến sẽ diễn ra trong tháng 12.

Tháng trước, khu trục hạm mang tên lửa USS Lassen đã tuần tra áp sát các đảo nhân tạo do Trung Quốc bồi đắp trong quần đảo Trường Sa ở Biển Đông.

Động thái của Hoa Kỳ nhằm khẳng định quyền tự do lưu thông hàng hải trong vùng biển quốc tế và phủ nhận chủ quyền đối với các đảo mà Trung Quốc chiếm giữ và bồi đắp đã khiến Bắc Kinh nổi giận, tuy ở mức độ khá kiềm chế.

Trong tháng này, một quan chức khác của hải quân Mỹ đã thông báo dự kiến sẽ có 2 hoặc nhiều chuyến tuần tra trong vùng Biển Đông. Tuần trước, Mỹ đã đưa hai máy bay ném bom chiến lược B-52 bay vào vùng gần với các đảo nhân tạo do Trung Quốc chiếm giữ.

Cũng trong ngày hôm qua, tổng thống Mỹ Obama đã tuyên bố tranh chấp chủ quyền Biển Đông sẽ phải là chủ đề trọng yếu trong các cuộc họp thượng đỉnh diễn ra tại Kuala Lumpur, thủ đô Malaysia, cuối tuần này.

Trong một thông cáo đăng trên trang mạng của Bộ Quốc phòng Trung Quốc hôm 19/11/2015, Đô đốc hải quân Ngô Thắng Lợi ( Wu Shengli) tuyên bố, Trung Quốc đã « hết sức kiềm chế » trước các hành động khiêu khích của Mỹ trên Biển Đông, đồng thời ông cảnh báo lực lượng hải quân sẵn sàng đáp trả những hành động vi phạm chủ quyền lãnh thổ Trung Quốc.

Trong khi đó bên lề hội nghị APEC, trong cuộc gặp tổng thống Mỹ Obama tại Manila hôm thứ Năm (19/11), Thủ tướng Shinzo Abe cho biết Tokyo đang xem xét khả năng đưa lực lượng Phòng vệ Nhật tuần tra trong vùng Biển Đông để bảo đảm an ninh hàng hải quốc tế.
  RFI

Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân
 cũng cho rằng Washington đang “khiêu khích chính trị”
  Trung Quốc tuyên bố ‘không ngưng xây dựng’ ở biển Đông

Trung Quốc hôm nay tuyên bố sẽ tiếp tục xây dựng các cơ sở quân sự và dân sự trên các đảo nhân tạo mà quốc gia này xây dựng trên biển Đông, một ngày sau khi Tổng thống Obama kêu gọi ngưng quân sự hóa trên vùng biển tranh chấp. Bắc Kinh cũng cho rằng Washington đang “khiêu khích chính trị”.

“Xây dựng và duy trì các cơ sở quân sự cần thiết, đây là điều cần thiết đối với quốc phòng của Trung Quốc và đối với việc bảo vệ các hòn đảo và bãi đá”, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân phát biểu như vậy trong một cuộc họp báo ở Kuala Lumpur hôm nay.

Ông Lưu nói thêm rằng Trung Quốc có kế hoạch “mở rộng và nâng cấp” các cơ sở dân sự trên các hòn đảo “nhằm phục vụ tốt hơn các tàu thương mại, ngư dân, cũng như giúp đỡ các tàu gặp nạn và cung cấp thêm các dịch vụ công ích”.

Nhà ngoại giao này cũng bác bỏ ý kiến cho rằng Trung Quốc đang quân sự hóa biển Đông, và cho biết rằng Bắc Kinh chủ yếu xây dựng các cơ sở dân sự.

Phát biểu của ông Lưu tại hội nghị thượng đỉnh thường niên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á ở Kuala Lumpur là một trong những tuyên bố mạnh mẽ nhất về quan điểm của Trung Quốc liên quan tới biển Đông.

Ông Lưu cũng nói rằng Washington đang thử thách Bắc Kinh khi nhất mực tiến hành các cuộc tuần tra để bảo đảm “tự do hàng hải” ở tuyến đường biển chiến lược.

Ngoài việc triển khai một tàu khu trục trang bị tên lửa dẫn đường tới gần các hòn đảo nhân tạo của Trung Quốc, Washington đầu tháng này phái các máy bay ném bom B-52 bay tới gần một số đảo.

Về các hoạt động đó, ông Lưu nói rằng “đã vượt ra ngoài khuôn khổ của tự do hàng hải”.

“Đó là một sự khiêu khích chính trị và mục đích là để thử thách sự đáp trả của Trung Quốc”, ông Lưu nói.

Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama hôm qua đã kêu gọi các nước chấm dứt xây đảo nhân tạo và quân sự hóa các tuyên bố chủ quyền.

Người đứng đầu Nhà Trắng cũng tuyên bố sẽ tiếp tục khẳng định quyền tự do hàng hải ở vùng biển tranh chấp.

Theo Reuters, AP
  VOA
Người đứng đầu cơ quan lớn nhất thế giới nói
trong cuộc họp với lãnh đạo các quốc gia
Đông Nam Á (ASEAN) ở Malaysia
  Liên Hiệp Quốc kêu gọi kiềm chế ở biển Đông 22.11.2015

Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon hôm nay đã thúc giục các bên kiềm chế sau khi Trung Quốc tuyên bố sẽ tiếp tục xây dựng các cơ sở quân sự cũng như dân sự trên biển Đông.

“Về các tuyên bố chủ quyền trái ngược nhau trên biển Đông, tôi đã nhất quán nói rằng tất cả các bên cần phải kiềm chế và xử lý tranh chấp một cách hòa bình thông qua đối thoại và theo luật quốc tế”, người đứng đầu cơ quan lớn nhất thế giới nói trong cuộc họp với lãnh đạo các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ở Malaysia.

Trung Quốc nhận chủ quyền gần như toàn bộ vùng biển Đông, và đã biến một số bãi đá trở thành các hòn đảo nhân tạo cũng như xây dựng sân bay và các cơ sở khác trên đó.

Bắc Kinh đã khiến Washington và các nước trong khu vực quan ngại rằng Trung Quốc đang tìm cách quân sự hóa biển Đông.

Trong khi đó, Trung Quốc đã cáo buộc Hoa Kỳ thử thách nước này bằng cách triển khai tàu chiến tới gần các đảo nhân tạo của Bắc Kinh.

Trung Quốc hôm nay tuyên bố sẽ tiếp tục xây dựng các cơ sở quân sự và dân sự trên các đảo nhân tạo mà quốc gia này xây dựng trên biển Đông, một ngày sau khi Tổng thống Obama kêu gọi ngưng quân sự hóa trên vùng biển tranh chấp. Bắc Kinh cũng cho rằng Washington đang “khiêu khích chính trị”.

“Xây dựng và truy trì các cơ sở quân sự cần thiết, đây là điều cần thiết đối với quốc phòng của Trung Quốc và đối với việc bảo vệ các hòn đảo và bãi đá”, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân phát biểu như vậy trong một cuộc họp báo ở Kuala Lumpur hôm nay.

Ông Lưu nói thêm rằng Trung Quốc có kế hoạch “mở rộng và nâng cấp” các cơ sở dân sự trên các hòn đảo “nhằm phục vụ tốt hơn các tàu thương mại, ngư dân, cũng như giúp đỡ các tàu gặp nạn và cung cấp thêm các dịch vụ công ích”.

Hội nghị thượng đỉnh ASEAN thường tập trung vào vấn đề kinh tế khu vực, nhưng năm nay, đã bao trùm bởi vấn đề biển Đông và cuộc chiến chống Nhà nước Hồi giáo.

Theo Reuters, AFP
VOA

Các lãnh đạo ASEAN trong lễ ký kết thành lập
Cộng đồng ASEAN tại Kuala Lumpur,
Malaysia, ngày 22/11/2015
 
  ASEAN thành lập cộng đồng có hơn 600 triệu dân 23.11.2015

Các nhà lãnh đạo của khối ASEAN gồm 10 nước thành viên hôm Chủ nhật đã ký một tuyên bố để thành lập một cộng đồng kinh tế, chính trị, an ninh và văn hóa xã hội. Từ Kuala Lumpur, nơi văn kiện lịch sử này được ký kết, thông tín viên Steve Herman của đài VOA gởi về bài tường thuật.

Phát biểu tại buổi lễ ký kết Tuyên bố Kuala Lumpur, Thủ tướng Malaysia Najib Razak tán dương việc thành lập cộng đồng ASEAN là “một thành tựu có tính chất dấu mốc”, một mục tiêu đã trở thành hiện thực sau khi được đề nghị lần đầu tiên cách nay hơn 10 năm.

"Đường lối ASEAN của chúng ta đã hướng dẫn chúng ta và sẽ tiếp tục là kim chỉ nam của chúng ta, trong lúc chúng ta ra sức hiện thực hóa một cộng đồng ASEAN đoàn kết về chính trị, hợp nhất về kinh tế, có trách nhiệm về xã hội và hoạt động dựa trên luật lệ, thực sự hướng tới con người, lấy con người làm trung tâm".

Nhiều rào cản thuế quan đã được dỡ bỏ giữa các nước ASEAN, mặc dầu nhiều khu vực nhạy cảm về mặt chính trị như nông nghiệp, sản xuất xe hơi và thép vẫn tiếp tục được bảo hộ.

Nhưng các nhà phân tích cho rằng còn rất nhiều việc cần phải làm đối với Cộng đồng Kinh tế ASEAN, thành phần quan trọng nhất của Cộng đồng ASEAN, để đạt được mục tiêu chính là sự di chuyển tự do hơn của các công nhân có kỹ năng, thương mại và tư bản trong khu vực có hơn 600 triệu người, đông hơn Bắc Mỹ hay Liên hiệp Âu châu.

Việc hợp nhất các nền kinh tế ASEAN, với mục đích giúp cho khu vực này cạnh tranh với Trung Quốc và Ấn Độ, sẽ tạo ra thị trường lớn hàng thứ 7 trên thế giới.

Tại một số nước ASEAN, tham nhũng vẫn được xem là một vấn nạn lớn, gây cản trở cho tiến trình hợp nhất kinh tế.

Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama cho báo chí biết rằng đó là một vấn đề mà ông đã thảo luận với Thủ tướng Najib của Malaysia.

"Tôi đã trình bày với Thủ tướng Najib, như tôi đã từng làm như vậy với các nhà lãnh đạo Đông Nam Á, với nhiều nhà lãnh đạo ở Phi châu, ở Mỹ châu La tinh và bất kỳ nơi nào mà chúng tôi tới thăm, về tầm quan trọng của sự minh bạch, của sự làm việc với tinh thần trách nhiệm, về tầm quan trọng của việc bài trừ tham nhũng, những vấn đề gây trở ngại cho công cuộc phát triển, những vấn đề làm cho các nước không thể tiến lên".

Một tuyên bố chung về Quan hệ Đối tác Chiến lược ASEAN - Hoa Kỳ, được loan báo tại hội nghị thượng đỉnh ở Kuala Lumpur, nêu ra 5 khu vực ưu tiên hợp tác giữa đôi bên, bao gồm hợp tác kinh tế.

Cộng đồng Kinh tế ASEAN sẽ bắt đầu hoạt động một cách đầy đủ vào ngày 31/12.
VOA



Bài đăng phổ biến từ blog này

Trung Quốc đang đụng đầu với khủng hoảng ?

Nỗi sợ ngân hàng gây thêm đau đầu cho nền kinh tế Trung Quốc.

Xung đột vũ trang ở Biển Đông.