Biển Đông, hồi ba, màn một

  • Nhật Bản và Mỹ đồng ý tập trận chung tại Biển Đông
  • Biển Đông : Manila phản bác quy chế đảo của nhiều thực thể địa lý
  • Vụ kiện Trung Quốc về Biển Đông : Anh muốn làm « quan sát viên trung lập ».
  • Trung Quốc phản đối Mỹ và Nhật tập trận ở biển Đông
  • Philipppines yêu cầu Tòa án Trọng tài công nhận quyền khai thác ở Biển Đông
  • Đài Loan tìm kiếm một vai trò trong vụ tranh chấp Biển Đông
  • Tàu chiến Trung Quốc ‘chĩa súng’ vào tàu Việt Nam


Nhật Bản và Mỹ đồng ý tập trận chung tại Biển Đông

Một máy bay huấn luyện của hải quân
Nhật bay từ Tokyo đến Manila
. (Reuters) Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản và Tư lệnh lực lượng Mỹ vùng Thái Bình Dương vừa đồng ý tiếp tục các cuộc tập trận hỗn hợp song phương, và nhất là phát huy các cuộc tập trận ở Biển Đông với các nước Đông Nam Á, giúp các nước này tăng cường năng lực trên biển.

Theo hãng tin Nhật Bản Kyodo, thỏa thuận giữa Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Gen Nakatani và Đô Đốc Mỹ Harry Harris vào hôm 24/11/2015, nhằm chứng minh quan hệ chặt chẽ giữa hai đồng minh sau khi Tokyo thông qua luật mới về an ninh và quốc phòng, nhằm đối phó với Trung Quốc đang ngày càng quyết đoán trên biển.

Một quan chức Nhật Bản tiết lộ rằng Bộ trưởng Quốc phòng Nhật đã tuyên bố ủng hộ chiến dịch tuần tra vào tháng trước của chiến hạm Mỹ USS Lassen, bên trong vùng 12 hải lý chung quanh một hòn đảo nhân tạo của Trung Quốc tại Trường Sa. Đối với ông Nakatani, Mỹ đã đi đầu ttrong các nỗ lực của quốc tế nhằm đảm bảo hòa bình và quyền tự do đi lại trên biển.

Cũng theo nguồn tin trên, hai ông Nakatani và Harris đã đồng ý đẩy mạnh các tập trận song phương Mỹ-Nhật và ba bên cùng với Úc. Ngoài ra, Mỹ và Nhật cũng nhất trí đẩy mạnh cuộc tập trận chung với các nước Đông Nam Á.

Trung Quốc đang áp đặt chủ quyền trên gần như toàn bộ Biển Đông, bất chấp đòi hỏi của Việt Nam, Philippines, Brunei, Malaysia và Đài Loan. Gần đây, tốc độ và quy mô các công trình bồi đắp đảo nhận tạo mà Bắc Kinh tiến hành tại vùng Trường Sa đã khiến cho các láng giềng Đông Nam Á nhỏ bé hơn Trung Quốc lo ngại.

Mặc dù không trực tiếp tham gia vào tranh chấp, Nhật Bản và Hoa Kỳ đã kêu gọi duy trì quyền tự do hàng hải và chỉ trích bất kỳ nỗ lực đơn phương nhằm thay đổi hiện trạng Biển Đông, điều mà Trung Quốc đã và đang làm với việc xây dựng đảo nhân tạo tại vùng Trường Sa.

RFI

Tàu tuần duyên của Trung Quốc chặn một tàu
 tiếp liệu của Philippines trên Biển Đông
ngày 29/03/ 2014. REUTERS/Erik De Castro/Files
Biển Đông : Manila phản bác quy chế đảo của nhiều thực thể địa lý  Trong ngày điều trần thứ hai hôm qua, 25/11/2015, trước Tòa án Trọng tài Thường trực tại La Haye, đại diện Philippines đã lần lượt bác bỏ quy chế hải đảo mà Trung Quốc áp dụng cho các thực thể địa lý mà họ chiếm đóng và bồi đắp tại Biển Đông.

Trả lời đài truyền hình Mỹ CNN, phó phát ngôn của Tổng thống Philippines, bà Abigail Valte cho biết là phái đoàn Philippines đã tập trung phản bác các lập luận Trung Quốc dùng để biện minh cho yêu sách chủ quyền của họ tại Biển Đông.

Giáo sư luật quốc tế Philippe Sands thuộc trường đại học University College London xác định rằng các thực thể như Vành Khăn (Mischief Reef), Xu Bi (Subi Reef), Ken Nan (Mckennan Reef), Ga Ven (Gaven Reef), và cả Cỏ Mây (Second Thomas Shoal), hiện do Philippines kiểm soát, đều là bãi cạn lúc chìm lúc nổi (low-tide elevation), căn cứ theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển UNCLOS. Do vậy, các thực thể này không được hưởng lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế hay thềm lục địa.

Luật gia quốc tế Lawrence Martin cũng lập luận rằng trong bản tiếng Hoa, tiếng Tây Ban Nha và tiếng Anh của UNCLOS, điều 121 nói rõ là các thực thể thuộc diện đá không thể được hưởng các quyền về lãnh hải, cho dù Trung Quốc đã xây dựng công trình trên các thực thể đó.

Luật gia Martin cũng nhấn mạnh rằng để được công nhận là đảo, một thực thể địa lý phải có khả năng tự thân duy trì đời sống của con người trên đó.

Các hành động cản trở sinh hoạt bình thường của ngư dân trên biển trong khu vực tranh chấp và hủy hoại môi trường tự nhiên do Trung Quốc tiến hành cũng bị phái đoàn Philippines đả kích.

Theo lời bà Valte, Giáo sư Sands đã nêu bật các hành vi can thiệp của Trung Quốc, ngăn không cho Philippines thực hiện các quyền chủ quyền của mình đối với tài nguyên trong vùng đặc quyền kinh tế ở Biển Đông và được Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển cho phép.

Giáo sư Sands dẫn ra ví dụ về các vụ công ty tư nhân bị Trung Quốc ngăn cản không cho thăm dò dầu khí, cũng như các vụ ngư dân Philippines ở vùng bãi cạn Scarborough bị lực lượng tuần duyên Trung Quốc sách nhiễu.

Phía Philippines cũng cho rằng các hoạt động nạo vét của Trung Quốc tại Biển Đông đang gây tổn hại cho môi trường. Một đoạn video minh họa đã được trình chiếu trước tòa, cho thấy rõ là đáy biển bị hủy hoại ra sao khi bị một tàu cuốc nạo vét để hút cát chuyển đến một nơi khác. Đây là loại công cụ được Trung Quốc sử dụng trong hoạt động xây dựng gần đây tại Trường Sa.

Bên cạnh các yếu tố nêu trên, phái đoàn Philippines vẫn tập trung vạch trần tính chất vô căn cứ của các yêu sách chủ quyền « lịch sử » mà Trung Quốc viện ra. Một bản đồ từ năm 1784 đã được trình bày để chứng minh rằng bãi cạn Scarborough đang bị Trung Quốc chiếm đóng luôn luôn thuộc chủ quyền Philippines.

RFI

Một tàu treo cờ Philippines ở Biển Đông,
khu vực Trường Sa, ngày 29/03/2015. Reuters 
Vụ kiện Trung Quốc về Biển Đông : Anh muốn làm « quan sát viên trung lập ». Theo báo The Guardian, số ra ngày hôm qua, 25/11/2015, Bộ Ngoại giao Anh Quốc, vào ngày 23/11 đã chính thức đề nghị được tham gia vụ Philipines kiện các đòi hỏi lãnh thổ của Trung Quốc ở Biển Đông, với tư cách « quan sát biên trung lập ».Đề nghị này làm cho Philippines lo ngại và gây nghi ngờ là Luân Đôn chịu sức ép của Bắc Kinh.

Theo giải thích của Luân Đôn, mặc dù Anh không có lợi ích lãnh thổ gì ở vùng biển này, nhưng việc đề nghị được tham gia phiên tòa là một hành động thông thường trong các vụ kiện tụng liên quan đến hàng hải quốc tế.

Thế nhưng, thời điểm mà Anh Quốc đưa ra đề nghị này ngay lập tức đã làm dấy lên những nghi ngờ là có thể Bắc Kinh đã kêu gọi Luân Đôn tham gia nhiều hơn vào hồ sơ tranh chấp chủ quyền và lãnh thổ ở Biển Đông giữa Bắc Kinh và một số nước Đông Nam Á.

Trong hồ sơ tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông, đầu năm 2013, Philippines đã kiện Trung Quốc trước Tòa án Trọng tài Thường trực La Haye. Bắc Kinh từ chối tham gia vụ kiện vì cho rằng Tòa không có thẩm quyền xét xử. Trong thời gian qua, Tòa đã nhiều lần tổ chức các cuộc điều trần để Manila trình bầy quan điểm và lập luận của mình.

Vào lúc Anh chính thức xin quy chế « quan sát viên trung lập », thì Hoa Kỳ lại từ chối quy chế này vì không có dính líu đến các tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông. Không rõ là Bộ Ngoại giao Anh có tham dự, theo dõi toàn bộ quá trình xét xử hay không. Cho đến nay, Luân Đôn không đứng về bên nào trong các tranh chấp ở Biển Đông.

Theo bình luận của báo The Guardian, động thái của Bộ Ngoại giao Anh Quốc làm cho Philipines ngạc nhiên và làm xuất hiện giả thuyết là Luân Đôn phối hợp hành động với Bắc Kinh trong hồ sơ Biển Đông, sau chuyến thăm Anh Quốc vào tháng trước của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Việc Anh Quốc nồng nhiệt và trọng thị đón tiếp nguyên thủ Trung Quốc đã mở ra một thời kỳ mới trong quan hệ ngoại giao và thắt chặt quan hệ kinh tế song phương.

RFI

Trung Quốc phản đối Mỹ và Nhật tập trận ở biển Đông   26.11.2015

 Chính quyền Bắc Kinh hôm 26/11 đã phản đối một kế hoạch tiếp tục tập trận chung giữa Tokyo và Washington tại biển Đông.

“Chúng tôi kêu gọi các nước liên quan tiếp tục góp phần duy trì hòa bình và ổn định ở biển Nam Trung Hoa (biển Đông) thay vì "giương oai diễu võ", gây căng thẳng và thúc đẩy quân sự hóa vùng biển này”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi nói tại một cuộc họp báo thường kỳ.

Ông Hồng đã trả lời như vậy sau khi được hỏi về thỏa thuận đạt được hôm 24/11 tại Hawaii giữa Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản, Tướng Nakatani và đô đốc Harry Harris, tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ về việc tiếp tục tiến hành các cuộc diễn tập ở vùng biển tranh chấp.

Thỏa thuận trên được ký vài tuần sau khi Hoa Kỳ triển khai một tàu chiến trang bị tên lửa dẫn đường tới gần các đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng ở biển Đông, khiến Bắc Kinh tức giận.

Trong cuộc gặp với ông Nakatani, ông Harris tuyên bố sẽ tiếp tục hoạt động này. Trong khi đó, hôm 26/11, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc nói việc làm đó của Washington “đe dọa nghiêm trọng tới chủ quyền và an ninh của Trung Quốc”.

Hồi tháng 10, Nhật Bản đã tiến hành cuộc diễn tập chung với tàu sân bay USS Theodore Roosevelt của Mỹ ở phía nam Biển Đông.

Hôm 24/11, Phó đô đốc Yasuhiro Shigeoka, chỉ huy Hạm đội Phòng vệ Nhật Bản, nói rằng Nhật Bản sẵn sàng triển khai tàu chiến tới biển Đông để giám sát các hoạt động lấn biển của Trung Quốc.

Bốn ngày trước đó, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe nói với Tổng thống Mỹ Barack Obama rằng Tokyo sẽ xem xét triển khai lực lượng tự vệ đến Biển Đông trong khi xem xét ảnh hưởng của tình hình tại đó đối với an ninh của Nhật Bản.

Ông Abe được trích lời nói trong cuộc gặp với Tổng thống Obama bên lề diễn đàn hội nghị thượng đỉnh Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương tại Manila: "Tôi phản đối tất cả những nỗ lực đơn phương để thay đổi hiện trạng và gây leo thang căng thẳng”.

Theo Kyodo, Nikkei.
 VOA

Những người biểu tình tụ tập ở Lãnh sự quán Trung Quốc
 tại khu tài chính Makati phía đông thành phố Manila,
Philippines thứ Sáu ngày 24/7/2015, để phản đối
việc xây dựng đảo nhân tạo của Trung Quốc
nằm trong nhóm đảo tranh chấp ngoài Biển Đông
Philipppines yêu cầu Tòa án Trọng tài công nhận quyền khai thác ở Biển Đông . 26.11.2015 Philippines hôm thứ Ba đã yêu cầu những thẩm phán của thế giới công nhận quyền của nước này được khai thác những vùng biển ở Biển Đông, một hành động pháp lý mà có thể củng cố tuyên bố chủ quyền của Philippines trước Trung Quốc.

Các luật sư đã ra trước Tòa án Trọng tài Thường trực ở La Haye yêu cầu họ công nhận quyền của Philippines trong những khu vực thuộc phạm vi 200 hải lý đường bờ biển của nước này, theo những điều khoản Công ước Quốc tế về Luật Biển của Liên Hiệp Quốc.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Philippines Charles Jose hôm thứ Ba ở Manila cho biết bây giờ tòa án sẽ thảo luận phần then chốt trong vụ kiện của Philippines nhắm vào Trung Quốc.

“Chúng tôi tin tưởng rằng Philippines sẽ có được phán quyết thuận lợi về một số vấn đề, nhưng sẽ là không thực tế nếu trông chờ một phán quyết thuận lợi đối với tất cả mọi vấn đề,” ông Jose nói thêm.

Philippines sẽ đệ trình 15 khiếu nại trong quá trình tố tụng. Trung Quốc nói rằng thách thức pháp lý này có thể làm trì hoãn một sự dàn xếp được thương thuyết giữa hai nước.

Nhật Bản, Việt Nam, Thái Lan và Malaysia cũng sẽ theo dõi phần tranh tụng, sẽ diễn ra đến ngày 30 tháng 11 ở nơi riêng tư. Một phán quyết cuối cùng dự kiến sẽ được đưa ra vào giữa năm 2016.

Trung Quốc, tuyên bố quyền kinh tế và lãnh hải gần như toàn bộ vùng Biển Đông, từ chối tham gia quá trình tố tụng và bác bỏ thẩm quyền của Toà án trong vụ kiện này.

(Reuters) VOA

Tàu và trực thăng của lực lượng Tuần duyên
Đài Loan trong cuộc diễn tập ngày 6/6/2015
Đài Loan tìm kiếm một vai trò trong vụ tranh chấp Biển Đông . 26.11.2015 Đài Loan là một trong những nước có yêu sách chủ quyền ở Biển Đông, nhưng chính phủ ở Đài Bắc lâu nay vẫn bị gạt qua bên lề của vụ tranh chấp sôi nổi này vì bị Trung Quốc che phủ. Giờ đây, trong lúc Philippines thách thức những yêu sách của Bắc Kinh tại tòa án quốc tế ở La Haye, Đài Bắc đang tìm cách khẳng định những yêu sách của mình một cách rõ ràng hơn. Từ Bắc Kinh, thông tín viên Bill Ide của đài chúng tôi gởi về bài tường thuật.

Khi còn là một viên sĩ quan trẻ trong lực lượng hải quân của Trung hoa Dân quốc, ông Miêu Vĩnh Khánh đã tham gia một cuộc tuần tra ở quần đảo Trường Sa (Trung Quốc gọi là Nam Sa) và ghé vào đảo Ba Bình (Trung Quốc gọi là Thái Bình).

Vị cựu đô đốc từng giữ chức tư lệnh hải quân Đài Loan thuật lại như sau :

"Hai năm sau khi tôi ra trường vào năm Dân quốc thứ 55 (1966), tôi làm phó hạm trưởng chiến hạm Thái Hòa. Nhiệm vụ của chúng tôi là tu bổ bia chủ quyền trên những hòn đảo mà chúng tôi được cho biết đã bị Philippines phá hoại".

Ông Miêu cho biết không có vụ đụng độ nào xảy ra trong chuyến công tác đó. Nhưng ông nói rằng việc khẳng định những yêu sách chủ quyền của Đài Loan hiện nay vẫn quan trọng y như trước.

"Nước nào cũng phải kiên quyết 100% trong việc khẳng định yêu sách chủ quyền của mình và chúng tôi có rất nhiều bằng chứng lịch sử".

Đảo Ba Bình, phần nổi bật nhất của những yêu sách chủ quyền của Đài Loan ở Biển Đông, giờ đây có một sân bay cùng với các cơ sở quân sự và khí tượng, nhưng những công trình này không phải được xây trên đất đai được bồi đắp, như Trung Quốc đã làm hồi gần đây ở Biển Đông.

Trong lúc Philippines và Trung Quốc tiếp tục tranh cãi về các yêu sách chủ quyền, Tổng thống Đài Loan Mã Anh Cửu có thể đến đảo ba Bình trong tháng 12 để tái khẳng định yêu sách của Đài Loan.

Ông William Stanton, cựu giới chức ngoại giao Mỹ đang giảng dạy tại Đại học Thanh Hoa ở Bắc Kinh, cho biết những hành động của Đài Loan sẽ được theo dõi rất kỹ vì họ có những yêu sách giống như Bắc Kinh. Nhưng ông nói thêm rằng so với Trung Quốc, Đài Loan sẵn sàng hơn trong việc tuân hành một phán quyết của tòa án quốc tế.

"Vì Đài Loan muốn tuân thủ luật pháp quốc tế một cách nghiêm chỉnh hơn, họ thường tuân hành các quyết định của Liên Hiệp Quốc mặc dù họ không phải là thành viên Liên Hiệp Quốc. Nó sẽ đặt Đài Loan vào một vị thế rất khó khăn".

Những yêu sách chủ quyền của Đài Loan cũng là một vấn đề đang được bàn tới trong những cuộc vận động cho cuộc bầu cử tổng thống vào tháng Giêng ở đảo quốc này.

Bà Thái Anh Văn, ứng cử viên của phe đối lập, là người đang dẫn đầu trong cuộc chạy đua. Bà đã đề nghị tiến hành các cuộc đối thoại với những nước có yêu sách chủ quyền, kể cả Trung Quốc. Nhưng hiện nay, mối quan hệ giữa Đài Loan với Trung Quốc và kinh tế của Đài Loan là những vấn đề chính, và vấn đề Biển Đông có phần chắc sẽ tiếp tục là một mối quan tâm thứ yếu đối với cử tri Đài Loan.

VOA

Tàu cá Việt Nam (trái) bị tàu Trung Quốc đâm chìm
 ở gần đảo Lý Sơn ngày 29/5/2014.
Tàu chiến Trung Quốc ‘chĩa súng’ vào tàu Việt Nam 26.11.2015 Trung Quốc “điều khoảng 10 người mặc quân phục, dàn đội hình chiến đấu và chĩa AK từ boong tàu 995 sang tàu Hải Đăng 05”, báo chí trong nước dẫn lời các nhân chứng cho biết như vậy.

Lời kể của thuyền trưởng Trần Văn Nga được đăng tải trên truyền thông trong nước hôm 26/11, 13 ngày sau khi vụ việc xảy ra.

Ngoài ra, ông Nguyễn Duy Hiết, giám đốc công ty bảo đảm an toàn hàng hải biển Đông và hải đảo cũng được dẫn lời xác nhận tàu Hải Đăng 05 của công ty này đã bị “hai tàu cảnh sát biển mang số hiệu 2305, 35115 và tàu chiến số hiệu 995 của Trung Quốc vây ép tại Trường Sa ngày 13/11”, khi tàu này đang trên đường từ đảo Sơn Ca về đảo Song Tử Tây hiện do Việt Nam kiểm soát.

Theo lời kể của ông Nga, không chỉ vây ép mà tàu chiến của Trung Quốc cũng “bắn pháo hiệu liên tục qua tàu Hải Đăng 05 với hàm ý đe dọa, xua đuổi”. Báo chí Việt Nam đã cho đăng hình ảnh cũng như một đoạn video về sự cố trên.

Trong khi đó, ông Hiết cho biết đây không phải là lần đầu tiên tàu của công ty bị tàu của Trung Quốc vây ép như vậy.

Hồi tháng 10 năm nay, theo ông, một tàu khác của công ty cũng đã lâm vào tình huống tương tự khi đi tiếp tế cho công nhân tại các trạm hải đăng ở Trường Sa.

Các tàu của Việt Nam thời gian qua thông báo nhiều vụ bị tàu của Trung Quốc “vây ép, rượt đuổi” ở biển Đông, trong bối cảnh Bắc Kinh thực hiện nhiều hành động khẳng định chủ quyền hầu như toàn bộ vùng biển tranh chấp.

Mới đây, trả lời chất vấn của các đại biểu quốc hội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nói rằng cùng với phát triển kinh tế - xã hội, Việt Nam “phải tăng cường quốc phòng, an ninh” để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ.

Theo Thanh Niên, Tuổi Trẻ. VOA

Bài đăng phổ biến từ blog này

Trung Quốc đang đụng đầu với khủng hoảng ?

Nỗi sợ ngân hàng gây thêm đau đầu cho nền kinh tế Trung Quốc.

Xung đột vũ trang ở Biển Đông.