Tổng hợp tình hình liên quan Biển Đông trong tuần qua.


Tuần dương hạm USS Lassen của hải quân Mỹ vừa thực hiện chuyến tuần tra ở Biển Đông
Tuần dương hạm USS Lassen của hải quân Mỹ
vừa thực hiện chuyến tuần tra ở Biển Đông
  Đã hết kiên nhẫn, Mỹ tuần tra Biển Đông để trấn an đồng minh RFI. Từ nhiều tháng qua, nhiều dân biểu, nghị sĩ và những tiếng nói «diều hâu» Mỹ đã cất lên thúc giục Tổng thống Barack Obama có phản ứng mạnh mẽ trước hành động thay đổi nguyên trạng Biển Đông một cách quy mô của Bắc Kinh, nhưng Nhà Trắng vẫn tỏ ra dè dặt.


Hôm thứ Hai 26/10, trước sự ngạc nhiên đồng thời thở phào nhẹ nhõm của nhiều người, chiến hạm Mỹ đầu tiên đã tiến vào bên trong khu vực 12 hải lý xung quanh các đảo nhân tạo mà Bắc Kinh ra sức đào đắp trong gần một năm qua ở quần đảo Trường Sa.

 Chiếc USS Lassen sau đó thảnh thơi trở về căn cứ. Tàu Trung Quốc chỉ lếch thếch chạy theo sau. Và sau các động thái không thể không làm : triệu mời đại sứ, tuyên bố sẽ đáp trả…hôm nay thậm chí tờ báo cực đoan nhất của Bắc Kinh là Global Times cũng không thấy những lời lẽ hết sức hung hăng như thường lệ, tuy cũng có « lên gân » là « không sợ chiến tranh với Mỹ ». Như vậy là sau một thời gian dài chờ đợi, Hoa Kỳ rốt cuộc cũng đã hành động. Vì sao Tổng thống Mỹ đến giờ này mới chịu giơ ra nắm đấm với nền kinh tế thứ nhì thế giới ? Theo nhà báo Vincent Jauvert của tuần báo L’Obs, trước hết, đã nhiều năm qua Nhà Trắng tuyên bố lợi ích quốc gia của Hoa Kỳ là tại châu Á. Chính tại khu vực kinh tế đang tăng trưởng mạnh đồng thời căng thẳng địa chính trị gia tăng, ông Barack Obama bắt đầu tái triển khai lực lượng quân sự và tình báo.

Dù sớm hay muộn, chính sách « xoay trục » quân sự được loan báo trước này nhất thiết phải trở nên hữu hình. Chiến hạm USS Lassen đã áp sát một trong các đảo nhân tạo, để chứng tỏ người Mỹ không chấp nhận áp đặt việc đã rồi. Với động thái trên đây, ông Obama hy vọng làm giảm nhẹ những tiếng nói chỉ trích từ cánh diều hâu Mỹ, cũng như cánh hữu trong giới quân sự Nhật Bản đã đưa ra những tuyên bố gay gắt và chuẩn bị lao vào một cuộc chạy đua vũ khí. Khi tiếp đón ông Tập Cận Bình mới đây, ông Barack Obama đã tuyên bố chính quyền Mỹ sẽ làm tất cả để đảm bảo tự do hàng hải tại Biển Đông. Thậm chí ông Obama còn gặp riêng ông Tập và vài cố vấn thân cận để khuyến dụ, nhưng chừng như không kết quả. Vốn là người chủ trương đối thoại, nay Barack Obama đã mất kiên nhẫn. Một sự kiên nhẫn vốn có trong quá trình đàm phán với Cuba và Iran.

Theo báo Nhật Nikkei, sau bữa ăn tối không kết quả, ông Obama đã bực tức ra lệnh cho Hải quân Mỹ gởi chiến hạm đến Biển Đông. Ra tay hành động ngay lúc này, Tổng thống Mỹ muốn chứng tỏ lời nói của ông đi đôi với việc làm. Chứng tỏ ông khác hẳn với hình ảnh một lãnh đạo thiếu quyết đoán trước đây trong hồ sơ Syria. Ông phải trấn an tất cả các đồng minh trong khu vực, đã từ lâu hết sức lo ngại trước Bắc Kinh đang ngày càng hung hăng hơn. Không chỉ tại châu Á-Thái Bình Dương, mà còn đối với các quốc gia thành viên NATO - trước phản ứng được nhiều người cho là quá dè dặt của Washington sau vụ Matxcơva dùng vũ lực sáp nhập Crimée. Tổng thống Mỹ biết rằng quân đội Trung Quốc chưa sẵn sàng để đối đầu với Hoa Kỳ vốn vượt rất xa về phương diện quân sự. Thực tế cho thấy, khác với các tuyên bố hiếu chiến trước đây, đến giờ này Bắc Kinh chỉ mới dừng lại ở « võ mồm ».

Nhà Trắng tuy vậy vẫn muốn chừa phần nào thể diện cho Bắc Kinh, khi không chính thức long trọng tuyên bố về chuyến hải hành của USS Lassen. Một số nhà quan sát nhận định, Bắc Kinh đã được lợi lớn khi xây dựng được các đảo nhân tạo mà không gặp chống đối đáng kể, nay trưng ra bộ mặt ôn hòa hơn. Việc gởi chiến hạm đến Biển Đông vừa rồi là động thái trấn an của Mỹ, vào thời điểm chỉ còn vài tuần nữa là đến hội nghị thượng đỉnh ASEAN ở Malaysia và Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương mà ông Obama vừa xác nhận sẽ đến tham dự. Muộn, nhưng vẫn còn hơn không.

Hàng không mẫu hạm Mỹ USS Theodore Roosevelt tại căn cứ hải quân Changi ở Singapore, 24/10/2015. REUTERS/Edgar Su
Hàng không mẫu hạm Mỹ USS Theodore 
Roosevelt tại căn cứ hải quân Changi ở Singapore,
 24/10/2015. REUTERS/Edgar Su
  Lần đầu tiên hải quân Mỹ-Nhật tập trận chung ở Biển Đông RFI.   Theo báo chí Nhật, hải quân Nhật Bản và hải quân Mỹ hiện đang tập trận chung ở vùng Biển Đông. Đây là cuộc tập trận chung song phương đầu tiên giữa hai nước ở vùng biển này, diễn ra chỉ vài ngày sau khi Hoa Kỳ đưa chiến hạm vào khu vực 12 hải lý chung quanh các đảo nhân tạo mà Trung Quốc đang xây dựng ở quần đảo Trường Sa. 

Nhật báo Yomiuri Shimbun số ra hôm nay 31/10/2015, cho biết khu trục hạm Fuyuzuki của Nhật hiện đang tham gia tập trận chung trên Biển Đông với hàng không mẫu hạm Theodore Roosevelt của Mỹ. Theo tờ báo này, cuộc thao dượt giữa hải quân hai nước đã bắt đầu từ ngày thứ Tư 28/10/2015 và sẽ kéo dài thêm nhiều ngày nữa. Một nhật báo khác của Nhật, tờ Mainichi, thì cho biết là khu trục hạm Fuyuzuki và hàng không mẫu hạm Theodore Roosevelt sẽ đi đến khu vực phía bắc đảo Borneo ở Biển Đông.

 Cũng theo tờ báo này, chiến hạm của Nhật sẽ trở về nước ngày 10/11, như vậy có nghĩa là cuộc tập trận với hải quân Mỹ sẽ kéo dài ít nhất là gần hai tuần. Cả hai chiến hạm nói trên của Nhật và Mỹ gần đây cũng đã tham gia cuộc tập trận Malabar 2015, một cuộc tập trận tay ba với Ấn Độ, vừa kết thúc ngày 19/10/2015. Hàng không mẫu hạm Theodore Roosevelt đã neo đậu ở Singapore từ ngày 24/10, tức là chỉ ba ngày sau khi Hoa Kỳ thi hành chiến dịch bảo đảm tự do lưu thông trên Biển Đông, đưa một chiến hạm vào khu vực 12 hải lý chung quanh các đảo nhân tạo mà Trung Quốc đang xây dựng ở Trường Sa.

 Cho tới nay, sự tham gia của hải quân Nhật vào các hoạt động ở Biển Đông còn giới hạn. Gần đây nhất, vào tháng 8 vừa qua, hải quân Nhật Bản đã tham gia cuộc tập huấn về cứu trợ nhân đạo với Hoa Kỳ và Philippines ở ngoài khơi Vịnh Subic, nơi trước đây là một căn cứ hải quân của Mỹ. Trước đó, vào tháng 6, một chiến máy bay do thám P3-C Orion của Nhật, chở theo ba nhân viên phi hành đoàn Philippines, cũng đã bay qua khu vực Bãi Cỏ Rong ( Reed Bank) ở Biển Đông. Đây là đảo mà Trung Quốc và Philippines đang tranh chấp chủ quyền.

Đảo Pag-asa, thuộc quần đảo Trường Sa, nơi đang có tranh chấp chủ quyền giữa Philippines và Trung Quốc ở Biển Đông.
 Đảo Pag-asa, thuộc quần đảo Trường Sa, nơi đang
 có tranh chấp chủ quyền giữa
Philippines và Trung Quốc ở Biển Đông.
  Trung Quốc chỉ trích Philippines và tòa trọng tài Liên Hiệp Quốc VOA

Trung Quốc tuyên bố quan hệ với Philippines xuống ‘thấp nhất trong lịch sử’ sau khi tòa trọng tài Liên Hiệp Quốc chấp nhận vụ Manila kiện bản đồ lưỡi bò của Bắc Kinh và tàu Mỹ tuần tra các đảo nhân tạo của Trung Quốc. Bắc Kinh ngày 30/10 bác bỏ hai thách thức lớn đang đối mặt trong tranh chấp Biển Đông: hành động thực tiễn từ Hoa Kỳ đưa tàu chiến vào vùng biển Trung Quốc nhận chủ quyền và biện pháp pháp lý của Philippines khi tòa trọng tài Liên Hiệp Quốc tuyên bố có quyền phân xử vụ Manila kiện bản đồ 9 đoạn ở Biển Đông.

 Sau khi chỉ trích các cuộc tuần tra của Mỹ là ‘táo tợn’ và ‘khiêu khích’, Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm nay lên án quyết định của tòa trọng tài Liên Hiệp Quốc là ‘vô giá trị, phi hiệu lực, không có tác động bắt buộc đối với Trung Quốc’. Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố "Trong các vấn đề chủ quyền lãnh thổ, quyền và lợi ích hàng hải, Trung Quốc sẽ không công nhận bất kỳ giải pháp nào áp đặt lên Trung Quốc hoặc bất kỳ kế sách đơn phương nào mưu tìm một sự dàn xếp từ một bên thứ ba".

Cơ quan thông tấn của nhà nước Trung Quốc nói hành động của Philippines làm phương hại tới lòng tin giữa Bắc Kinh với Manila và cảnh cáo Philippines chớ sa lầy ra khỏi con đường thương lượng song phương. Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm nay lên tiếng thúc giục Manila quay lại đàm phán song phương với Bắc Kinh để giải quyết tranh chấp Biển Đông. Đáp lại, Philippines hoan nghênh quyết định của tòa trọng tài và cho biết đã sẵn sàng đệ trình các hồ sơ luận cứ của mình. Một giới chức quốc phòng cấp cao của Mỹ nhận xét phán quyết của tòa cho thấy phân xử các vấn đề tranh chấp dựa trên luật lệ và thực hành của quốc tế là khả dĩ để xử lý mâu thuẫn nếu không giải quyết được chúng.

 Việt Nam, nước cũng có các tuyên bố chủ quyền chồng chéo với Philippines và Trung Quốc ở Biển Đông, chưa lên tiếng bình luận về vụ việc. Một số nhà phân tích cho rằng chiến lược của hai đồng minh Mỹ và Philippines áp lực Trung Quốc phải xác minh các tuyên bố chủ quyền mơ hồ của họ ở Biển Đông dựa trên luật quốc tế. Học giả Richard Javad Heydaria chuyên nghiên cứu về an ninh khu vực tại đại học De La Salle ở Manila nhận định Washington và Manila đang phối hợp hiệu quả trên bàn cờ Biển Đông.

 Tuy nhiên, ít khả năng những diễn tiến này sẽ khiến Trung Quốc phải bẻ lái cho dù tòa có tuyên bố Philippines thắng kiện đi chăng nữa. Phân tích gia về an ninh William Chooong thuộc Viện Quốc tế Nghiên cứu Chiến lược cho rằng "Không có gì đảm bảo là Trung Quốc sẽ tuân thủ bất kỳ phán quyết nào của tòa bất lợi cho họ". Tòa án ở La Haye tối ngày 29/10 tuyên bố có quyền tài phán trong vụ kiện của Manila chiếu theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển và bác lập luận của Trung Quốc rằng tranh chấp Biển Đông nằm ngoài thẩm quyền phân xử của tòa. Theo Reuters,Manila Bulletin, Wall Street Journal.

  Trung Quốc lên án Mỹ ‘khiêu khích’ ở Biển Đông VOA

 Tư lệnh hải quân Trung Quốc phàn nàn với Tham mưu trưởng hải quân Hoa Kỳ rằng việc Washington trong tuần cho tàu khu trục hải quân tới gần các đảo nhân tạo Trung Quốc xây tại các khu vực có tranh chấp ở Biển Đông là hành động ‘nguy hiểm’ và ‘khiêu khích’. Phát biểu được đưa ra trong cuộc điện đàm trực tuyến được thu xếp vội vàng kéo dài một giờ đồng hồ hôm qua giữa Đô đốc Ngô Thắng Lợi của hải quân Trung Quốc với Đô đốc John Richardson, người đứng đầu các hoạt động hải quân Mỹ.

 Cuộc hội đàm được các quan chức quốc phòng Mỹ mô tả là chuyên nghiệp và hiệu quả và cho biết rằng đôi bên nhất trí duy trì đối thoại thường xuyên cũng như nghiêm túc tuân thủ các nguyên tắc để tránh đụng độ. Thế nhưng, các giới chức Trung Quốc đã dùng những ngôn từ không mấy nhẹ nhàng nói về cuộc thảo luận này. Tân Hoa xã của nhà nước Trung Quốc hôm nay thuật lời Đô đốc Ngô tuyên bố "Các hành vi nguy hiểm và khiêu khích như thế đe dọa chủ quyền - an ninh Trung Quốc, đồng thời làm tổn hại hòa bình - ổn định khu vực".

 Hôm thứ Ba, Washington đã thực hiện bước tiến lớn nhất từ trước đến nay để thách thức tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông khi cho một tàu chiến của hải quân Mỹ đi vào phạm vi 22 km của các hòn đảo nhân tạo Trung Quốc bồi đắp tại các vùng biển đang có tranh chấp căng thẳng. Trung Quốc, nước nhận chủ quyền hầu hết Biển Đông, phản ứng giận dữ, gọi việc này là ‘hành động cố tình khiêu khích’ và gửi công hàm phản đối chính thức tới Đại sứ Mỹ ở Bắc Kinh. Động thái của Mỹ cũng làm sôi sục các bài bình luận trên mạng với một số ý kiến thúc giục quân đội Trung Quốc đâm húc tàu Mỹ và một số ý kiến kêu gọi có phản ứng quân sự.

Một số người lập luận rằng giới lãnh đạo Trung Quốc cần bắt chước như Tổng thống Nga Vladimir Putin trong việc bảo vệ các lợi ích của quốc gia. Các quan chức Mỹ cho biết bất chấp những căng thẳng, chuyến thăm đã được hoạch định của Tư lệnh Thái Bình Dương, Đô đốc Harry Harris, và Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương, Đô đốc Scott Swift, tới Trung Quốc vẫn giữ nguyên lịch. Hôm qua, Hoàn cầu Thời báo, tờ báo được đảng cộng sản Trung Quốc hậu thuẫn, đăng bài trên trang nhất loan tin Đô đốc Harris dự kiến sẽ tới Bắc Kinh vào ngày thứ hai, 2/11.

Tuy nhiên, một giới chức Bộ Quốc phòng hôm qua cho hay đôi bên vẫn còn đang thống nhất thời điểm của chuyến thăm. Không chỉ có hải quân Hoa Kỳ gia tăng giao tiếp với Trung Quốc. Một tàu khu trục nhỏ của Pháp đang thực hiện chuyến thăm 4 ngày tới căn cứ chính của Trung Quốc ở Biển Đông thuộc tỉnh Quảng Đông, miền Nam Trung Quốc. Vào tuần tới, 2 chiến hạm của Úc sẽ tổ chức tập trận với hải quân Trung Quốc trên Biển Đông. Theo truyền thông Úc, sự kiện này sẽ bao gồm các cuộc diễn tập bắn đạn thật. Các giới chức quân đội Úc nói không có dấu hiệu cho thấy Trung Quốc có kế hoạch trì hoãn hoặc thay đổi lịch trình cuộc tập trận.

 Trong chuyến thăm Bắc Kinh hôm qua, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã thúc giục Trung Quốc giải quyết tranh chấp Biển Đông tại các tòa án quốc tế. Bà Merkel cũng nhấn mạnh rằng quan trọng là các tuyến vận chuyển thương mại trên biển không bị cản trở. Trung Quốc có phần chắc không chấp nhận quan điểm đó vì lâu nay Bắc Kinh vẫn khước từ các nỗ lực can thiệp của quốc tế trong tranh chấp Biển Đông. Thay vào đó, Bắc Kinh muốn tổ chức các cuộc thảo luận tay đôi với các nước trực tiếp liên quan. Hơn 5 ngàn tỷ đôla thương mại đi qua Biển Đông mỗi năm, nơi mà Việt Nam, Brunei, Philippines và Đài Loan cũng có các tuyên bố chủ quyền đối nghịch nhau.

  Biển Đông: TQ không gọi vùng biển 12 hải lý quanh đảo nhân tạo là lãnh hải VOA

 Trung Quốc không còn gọi vùng biển 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo mà họ xây ở Biển Đông là lãnh hải, theo bản tin hôm thứ 5 của nhật báo Thế giới (World Journal) ở New York. Bài báo trích phát biểu hôm thứ Tư (28-10-2015) của phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng nói rằng “chiến hạm Mỹ tự tiện đi vào vùng biển phụ cận của các đảo liên hệ là một sự khiêu khích chính trị nhắm vào Trung Quốc.” Ông Lục Khảng phát biểu như thế một ngày sau khi tàu khu trục USS Lassen của Mỹ tiến vào vùng biển 12 hải lý của đảo đá Subi trong Chiến dịch Tự do Hàng hải của Hải quân Hoa Kỳ.

 Mặc dù cho rằng hành động của Hoa Kỳ là “cố ý khiêu khích”, “xâm nhập trái phép”, người phát ngôn Trung Quốc chỉ gọi vùng biển đó là “hải vực phụ cận”, thay vì “lãnh hải” như tuyên bố hồi đầu tháng này của bà Hoa Xuân Oánh, một phát ngôn viên khác của Bộ Ngoại giao ở Bắc Kinh. Ông Lục Khảng cũng cho rằng hành động của Mỹ vi phạm các luật lệ quốc tế, như Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển, và luật pháp Trung Quốc.

 Tuy nhiên, trang mạng Phượng Hoàng ở Hồng Kông trích lời ông Lưu Nam Lai, một chuyên gia người Trung Quốc về Luật Biển Quốc tế, nói rằng dựa theo Công ước Quốc tế về Luật Biển mà Trung Quốc đã ký kết, rất khó để nói chiến hạm của Mỹ “xâm nhập lãnh hải của Trung Quốc.”

Lực lượng Tự vệ Hàng hải Nhật (JSDF) trong một buổi diễn tập quân sự
Lực lượng Tự vệ Hàng hải Nhật (JSDF)
trong một buổi diễn tập quân sự
    Căng thẳng Biển Đông: Tàu Nhật sắp cập bến Cam RanhVOA

 Lực lượng Tự vệ Hàng hải Nhật sẽ cập bến Vịnh Cam Ranh của Việt Nam trong năm tài khóa 2016, một bước quan trọng trong các nỗ lực của Tokyo hầu tăng cường những hoạt động ở Biển Đông và cùng với đồng minh đối phó trước sự bành trướng của Trung Quốc. Cảng Cam Ranh nằm gần quần đảo Trường Sa, nơi Bắc Kinh vẫn đang tiếp tục bồi đắp các bãi đá chìm thành những hòn đảo nhân tạo. Nhật dự kiến năm sau đưa tàu tới Cam Ranh cho các hoạt động tiếp tế nhiên liệu, thực phẩm và các vật phẩm tiếp liệu khác. Truyền thông Nhật ngày 30/10 loan tin trong chuyến công du Việt Nam vào tuần tới, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật, Tướng Nakatani, sẽ ký thỏa thuận về kế hoạch này với người đồng nhiệm phía Việt Nam, Đại tướng Phùng Quang Thanh, trong cuộc gặp ngày 6/11 tại Hà Nội.

 Trước hành động lấn lướt của Trung Quốc ở Biển Đông, Việt Nam dự kiến sẽ đưa tàu ngầm tới đặt ở một căn cứ tại Cam Ranh. Bộ trưởng Quốc phòng Nhật trong chuyến thăm Việt Nam sắp tới cũng sẽ ghé thăm cảng này, một thông điệp rõ ràng của sự hợp tác an ninh hải quân Việt - Nhật. Tàu của Lực lượng Tự vệ Hàng hải Nhật đã neo đậu tại các cảng ở Sài Gòn, Đà Nẵng cùng một số nơi khác, nhưng các địa điểm này xa các khu vực có tranh chấp ở Biển Đông hơn so với cảng Cam Ranh.

 Theo phân tích trên tờ Nikkei Asian Review của Nhật, việc Hà Nội cho phép tàu Nhật tiếp tế nhiên liệu và nhu yếu phẩm tại Cam Ranh sẽ giúp mở rộng rất nhiều tầm hoạt động của Lực lượng Tự vệ Hàng hải Nhật trong khu vực. Một giới chức chính phủ Nhật được dẫn lời cho biết kế hoạch đưa tàu cập bến Cam Ranh nhằm đối phó với khả năng quân sự hóa của Trung Quốc trong vùng. Giới chức này nhấn mạnh tăng cường sự hiện diện của Nhật tại Cam Ranh sẽ góp phần ngăn cản hoạt động quân sự của Trung Quốc trên Biển Đông.

 Tin này được đưa ra sau khi Mỹ hồi đầu tuần cho tàu chiến tuần tra áp sát các đảo nhân tạo Trung Quốc xây ở Biển Đông trong bối cảnh cả Hoa Kỳ và Nhật Bản đang tìm cách siết chặt hợp tác quân sự với các nước trong vùng trước sự trỗi dậy hung hăng của Trung Quốc. Tuy nhiên, Nhật vẫn cẩn trọng không muốn khiêu khích Trung Quốc. Tokyo hiện chưa có ý định dùng cảng Cam Ranh cho các hoạt động giám sát và cảnh báo. Các tàu Nhật sắp cập bến Cam Ranh chỉ giới hạn hoạt động trong các nỗ lực chống hải tặc và huấn luyện.

 Chưa rõ liệu Việt Nam, Mỹ và các nước khác sẽ khống chế được sự phát triển quân sự của Trung Quốc trên Biển Đông tới mức nào, nhưng một giới chức Bộ Quốc phòng Nhật nói với báo Nikkei Asia Review rằng cho dù các nỗ lực tuần tra của Mỹ tại vùng biển xung quanh đảo nhân tạo của Trung Quốc có tiếp diễn đi chăng nữa, "chúng ta cũng không thể làm gì ngăn Bắc Kinh xây dựng các đường băng, các cơ sở radar và các công trình khác trên những hòn đảo này". Nhiều người lo rằng Trung Quốc càng quân sự hóa Biển Đông, sẽ càng mở rộng khả năng giám sát cùng các hoạt động khác của Bắc Kinh trong khu vực. Theo Nikkei Asian Review, DPA.

  Trung Quốc: Sự cố nhỏ cũng có thể châm ngòi chiến tranh Biển ĐôngVOA

 Tư lệnh hải quân Trung Quốc nói với người đồng nhiệm Mỹ rằng một sự cố nhỏ có thể châm ngòi chiến tranh ở Biển Đông nếu Mỹ không chấm dứt “những hành động khiêu khích” ở vùng biển tranh chấp, hải quân Trung Quốc cho biết hôm thứ Sáu. Đô đốc Ngô Thắng Lợi đã đưa ra ý kiến với người đứng đầu hoạt động hải quân Mỹ, Đô đốc John Richardson trong cuộc họp qua video hôm thứ Năm, theo thông báo của hải quân Trung Quốc.

 Hai quan chức đã có buổi trao đổi sau khi tàu chiến của Mỹ tuần tra trong khu vực 12 hải lý gần một trong những đảo đang tranh chấp do Bắc Kinh bồi đắp ở quần đảo Trường Sa hôm thứ Ba. Trung Quốc đã lên án Washington về việc tuần tra nhằm thách thức chủ quyền mà Trung Quốc đã tuyên bố trên bảy hòn đảo nhân tạo tại một trong những tuyến đường biển bận rộn nhất thế giới. “Nếu Mỹ tiếp tục những hành động nguy hiểm, khiêu khích, có thể xảy ra tình huống cấp bách giữa các lực lượng tiền tuyến từ cả hai phía trên biển và trên không, hoặc thậm chí chỉ một sự cố nhỏ cũng có thể châm ngòi chiến tranh," Đô đốc Ngô Thắng Lợi nói. “[Tôi] hy vọng phía Mỹ duy trì quan hệ tốt đẹp giữa hải quân Trung Quốc và Mỹ vốn đã kinh qua những việc không dễ dàng và tránh những sự cố như thế này tái diễn," ông Ngô nói.

 Trong phát biểu trước đó, một quan chức Mỹ cho biết, các lãnh đạo hải quân Mỹ - Trung đồng ý duy trì đối thoại và tuân thủ các nguyên tắc để tránh đụng độ. Các chuyến cập cảng đã định của tàu Mỹ và Trung Quốc và kế hoạch thăm Trung Quốc của quan chức cấp cao Hải quân Hoa Kỳ vẫn được thực hiện, quan chức này cho biết. Ông nói: “Tất cả những việc đó đều không gặp rủi ro. Không có gì bị hủy bỏ."

 Đối đầu ngoài ý muốn

 Các quan chức cả hai bên đồng ý về sự cần thiết phải tuân theo các nguyên tắc dựa trên Bộ quy tắc ứng xử cho những cuộc chạm trán ngoài ý muốn trên biển (CUES). “Họ đồng ý rằng điều này rất quan trọng để cả hai phía tiếp tục sử dụng những phương thức theo thỏa thuận CUES khi hoạt động gần nhau để tránh hiểu lầm và khiêu khích”, quan chức Mỹ cho biết. Đô đốc Ngô Thắng Lợi nói, ông tin rằng hải quân Trung Quốc và Mỹ có khá nhiều cơ hội cho sự hợp tác và cả hai nên “đóng vai trò tích cực trong việc duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông."

 Một phát ngôn viên Hải quân Hoa Kỳ nhấn mạnh quan điểm của Washington rằng tự do hàng hải của Mỹ đồng nghĩa với việc “bảo vệ quyền lợi, tự do, sử dụng hợp pháp hải phận và không phận dành cho tất cả các quốc gia theo luật pháp quốc tế." Tàu chiến của Trung Quốc đã đi theo tàu USS Lassen, một tàu khu trục trang bị tên lửa dẫn đường, khi tàu này di chuyển qua quần đảo Trường Sa hôm thứ Ba. Hải quân Hoa Kỳ hoạt động trong khu vực có nhiều tàu của Trung Quốc. Nguồn: Reuters, Navy.81.cn

Chiến hạm trang bị tên lửa dẫn đường USS Lassen của Hoa Kỳ
Chiến hạm trang bị tên lửa dẫn đường
USS Lassen của Hoa Kỳ
  Châu Âu đứng về phía Mỹ trong vụ tàu chiến tuần tra biển ĐôngVOA

 Liên hiệp châu Âu (EU) hôm qua đã cho thấy quan điểm ngả về phía Mỹ trong vụ điều tàu chiến tới gần đảo nhân tạo của Trung Quốc ở Trường Sa, dẫn tới phản ứng đầy tức tối của chính quyền quốc gia đông dân nhất thế giới. Động thái này có thể ảnh hưởng tới cuộc thảo luận giữa Brussel với Bắc Kinh tại cuộc họp của các ngoại trưởng Á – Âu (ASEM) vào tuần tới. “Phía Mỹ chỉ thực thi quyền tự do hàng hải”, một quan chức cấp cao của EU nói tại một buổi họp báo, trùng với quan điểm bấy lâu nay của Washington. Một phát ngôn viên của hải quân Mỹ trước đó nói rằng việc tuần tra của tàu khu trục USS Lassen ở biển Đông là một phần của hoạt động nhằm thực thi quyền tự do hàng hải với mục đích “bảo vệ các quyền tự do và việc sử dụng đúng luật không phận và vùng biển của các nước theo luật quốc tế”.

 Liên hiệp châu Âu quan ngại về kế hoạch xây đảo nhân tạo mới của Bắc Kinh ở vùng biển tranh chấp, quan chức EU nói. Tuyên bố đó có thể được các quốc gia châu Á phản đối việc Trung Quốc giành chủ quyền gần như toàn bộ biển Đông hoan nghênh. Trật tự hàng hải “Trong khi không thể hiện quan điểm về các tuyên bố chủ quyền, EU cam kết duy trì trật tự hàng hải dựa trên các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, nhất là theo Công ước Liên Hiệp Quốc về luật biển (UNCLOS)”, một phát ngôn viên của Liên hiệp châu Âu nói trong thông cáo. EU đang tìm cách củng cố quan hệ với Bắc Kinh nhằm thu hút đầu tư Trung Quốc vào nền kinh tế có tốc độ phát triển chậm chạp của khối. Liên hiệp này cũng đang thương thảo thỏa thuận kinh tế và thương mại song phương với quốc gia đông dân nhất thế giới.

 Bất chấp Washington, các chính phủ của một số nước EU cũng đã quyết định gia nhập Ngân hàng Đầu tư Cơ sở Hạ tầng châu Á do Trung Quốc lãnh đạo. Các ngoại trưởng EU và châu Á sẽ nhóm họp ở Luxembourg vào tuần tới để dự hội nghị thường niên ASEM vơi sự tham gia của tất cả 28 nước EU và 21 quốc gia châu Á, trong đó có Trung Quốc, Việt Nam và Philippines.

 Theo Reuters.

Bài đăng phổ biến từ blog này

Trung Quốc đang đụng đầu với khủng hoảng ?

Nỗi sợ ngân hàng gây thêm đau đầu cho nền kinh tế Trung Quốc.

Xung đột vũ trang ở Biển Đông.