Bầu trời biển Đông chuyển mình

  • Nga có lập trường mơ hồ về Biển Đông
  • Máy bay do thám Mỹ giới hạn Trung Quốc tuần tra Biển Đông
  • Máy bay Sukhoi của Nga tăng cường hiện diện quân sự của Trung Quốc ở Biển Đông
  • Việt Nam hoan nghênh Mỹ can dự ở biển Đông?
  • Đài Loan khánh thành hải đăng trên hòn đảo lớn nhất Trường Sa
Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch nước Việt Nam
Trương Tấn Sang tại Phủ Chủ tịch tại Hà Nội
(Ảnh tư liệu ngày 12/11/2013)
Nga có lập trường mơ hồ về Biển Đông

. 09.12.2015 Không như Hoa Kỳ, điện Kremlin không bày tỏ quan điểm dứt khoát và rõ rệt về vụ tranh chấp Biển Đông, bất chấp chính sách xoay trục sang hướng Đông của Moscow, theo quan điểm của ông Ian Storey, một nhà nghiên cứu các vấn đề Đông Nam Á ở Singapore.

Trong một bài viết tải lên trang mạng của tạp chí Eurasia, nhà nghiên cứu này cho rằng có hai lý do về hướng tiếp cận không thu hút nhiều sự chú ý của điện Kremlin, đó là Nga không phải là một bên có quyền lợi gắn liền với Biển Đông, và lý do thứ nhì là bởi vì Moscow không muốn làm mích lòng hai đối tác chủ yếu của mình tại Đông Á và Đông Nam Á, là Trung Quốc và Việt Nam, hai nước đều tuyên bố chủ quyền tại Biển Đông.

Lập trường chính thức của Nga về cuộc tranh chấp Biển Đông cũng tương tự như lập trường của nhiều quốc gia khác. Đó là Moscow không nghiêng về bên nào, mà cổ vũ cho việc giải quyết vụ tranh chấp một cách hoà bình, và kêu gọi các bên tuân thủ Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển – UNCLOS. Moscow cũng hậu thuẫn việc thi hành Tuyên bố về cách Ứng xử trên Biển đã đạt được giữa ASEAN và Trung Quốc vào năm 2002.

Giáo sư Ian Storey lưu ý rằng cũng như Trung Quốc không công khai ủng hộ Nga về vấn đề Ukraine, khi bỏ phiếu trắng tại Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc vào tháng Ba năm 2014, Moscow cũng không công khai ủng hộ Bắc Kinh về vấn đề Biển Đông vì lo ngại sẽ làm tổn thương quan hệ Việt-Nga, mặc dù Ngoại Trưởng Nga Sergei Lavrov từng đồng ý với quan điểm của Trung Quốc rằng vấn đề này nên được giải quyết giữa các bên tranh chấp với nhau, không có sự can thiệp từ bên ngoài - ám chỉ Hoa Kỳ.

Không như Washington, Moscow không đặt nghi vấn về tính chính đáng của đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc trên hầu hết Biển Đông theo cái gọi là 'đường 9 đoạn' bao trùm 80% diện tích Biển Đông.

Mặc dù vậy, tình trạng căng thẳng leo thang ở Biển Đông cũng gây quan ngại cho Nga. Tại một thời điểm mà Nga đang tìm cách củng cố các quan hệ kinh tế với Châu Á, sự ổn định và hoà bình trong khu vực nơi qua lại của các thương thuyền đã trở nên quan trọng hơn đối với nước Nga.

Tính cách mập mờ của lập trường của Moscow về vấn đề Biển Đông còn thể hiện qua sự có mặt của các công ty Nga tham gia các dự án dò tìm và phát triển năng lượng ngoài khơi Việt Nam.

Theo ông Ian Storey, sự hiện diện này cho thấy là Moscow tin rằng Hà Nội có các quyền chủ quyền chính đáng trong vùng thềm lục địa 200 hải lý, và những đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc chồng lấn trong vùng biển này không phù hợp với Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển.

Tập đoàn năng lượng Gazprom khổng lồ của Nga với cổ đông chính là chính quyền Nga, đã ký hợp đồng với PetroVietnam vào năm 2006 để dò tìm dầu khí ngoài khơi bờ biển Việt Nam. Dự án này đã đi vào sản xuất vào năm 2013, và theo dự kiến khi đã đạt hết công suất dự án liên doanh này sẽ có lợi cho cả hai nước.

Trong khi đó các hành động giành đất lấn biển của Trung Quốc đã có tác động ngược đối với Bắc Kinh, theo tạp chí Foreign Policy.

Theo một bài viết đăng hôm 8/12, vì các hành động gây hấn của Bắc Kinh, Nhật Bản đã từ bỏ chính sách chủ hoà đã theo đuổi hàng nhiều thập kỷ nay. Và cũng vì Bắc Kinh, Việt Nam nay đang tìm mua vũ khí của nước cựu thù Hoa Kỳ. Philippines lại mời Mỹ trở lại đóng quân ở nước này sau khi yêu cầu Mỹ rời Philippines cách đây 25 năm, và ngay cả Singapore cũng xích lại gần Hoa Kỳ hơn, như cho phép máy bay trinh sát của Hải quân Mỹ sử dụng các căn cứ của Singapore.

Nguồn: Eurasia Review, Foreign Polic   VOA

Máy bay P8 Poseidon được Mỹ gửi tới Singapore
nhằm cảnh cáo Bắc Kinh không có đặc quyền vô hạn
trong các vùng biển quốc tế.
Máy bay do thám Mỹ giới hạn Trung Quốc tuần tra Biển Đông  Việc Mỹ gửi một máy bay do thám tới Singapore là nỗ lực có tính toán hầu cảnh cáo Trung Quốc rằng Bắc Kinh không có đặc quyền vô hạn về những hoạt động trong các vùng biển quốc tế, theo nhận xét của cựu sĩ quan CIA Mỹ, Larry Johnson.

Đầu tuần này, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter và người đồng nhiệm phía Singapore Ng Eng Hen nhất trí với nhau rằng Mỹ sẽ đưa máy bay do thám Poseidon P-8 tới Singapore trong tháng này.

Phát biểu với tờ Sputnik hôm 9/12, ông Johnson nói: "Đây là một nguy cơ có tính toán hầu nhắc nhở Trung Quốc rằng họ không có quyền vô hạn để làm những gì họ muốn tại những nơi mà Hoa Kỳ và đồng minh xem là các vùng biển quốc tế".

Ông Johnson nhấn mạnh hành động này tuy không nhằm gia tăng căng thẳng với Trung Quốc nhưng có thể làm ảnh hưởng đến mối quan hệ vốn đang xấu đi giữa Washington với Bắc Kinh liên quan vấn đề Biển Đông.

Và nếu Trung Quốc có xem việc Hoa Kỳ đưa máy bay do thám tới đặt ở một nước kế cận là đe dọa Bắc Kinh thì cũng không phải là một điều đáng ngạc nhiên đối với Mỹ, viên chức CIA này nhận định.

Hồi tháng Mười, Mỹ cho tàu khu trục hải quân USS Lassen tuần tra sát các đảo nhân tạo Trung Quốc xây ở Trường Sa mà Việt Nam cũng có tuyên bố chủ quyền.

Động thái của Mỹ không công nhận tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh tại đây bị Bộ Ngoại giao Trung Quốc lên án là bất hợp pháp và vi phạm chủ quyền của Trung Quốc.

Hoa Kỳ và các nước bao gồm Việt Nam kêu gọi Trung Quốc ngừng các hoạt động xây cất hay thay đổi nguyên trạng ở Biển Đông, nhưng Bắc Kinh phớt lờ.

Tới nay, quân đội Mỹ đã tiến hành các phi vụ giám sát từ các sân bay ở Nhật và Philippines trong lúc vẫn tiếp tục các cuộc tuần tra quân sự trong vùng biển tranh chấp. Theo PNA, Sputnik. VOA

Tiêm kích Nga Su 35s tại triển lãm quốc tế Matxcơva (MAKS)
, năm 2009
Máy bay Sukhoi của Nga tăng cường hiện diện quân sự của Trung Quốc ở Biển Đông   Sau các cuộc thương thuyết kéo dài nhiều năm, Nga cuối cùng đã chấp nhận bán cho Trung Quốc chiến đấu cơ tối tân Su-35 và như vậy sẽ giúp cho Bắc Kinh tăng cường sự hiện diện quân sự tại Biển Đông.

Tuy phía Trung Quốc chưa chính thức xác nhận, nhưng theo thông tấn xã Itar-Tass của Nga, Matxcơva đã hoàn tất việc thương thuyết về hợp đồng bán 24 chiếc Su-35 cho Bắc Kinh trong vòng 3 năm kể từ năm 2016. Hợp đồng trị giá 2 tỷ đôla này cũng bao gồm việc chuyển giao công nghệ mà Trung Quốc đang rất cần để phát triển thế hệ vũ khí mới.

Theo các chuyên gia, chính những yếu tố địa chính trị đã thúc đẩy hai nước ký kết hợp đồng, vì Nga và Trung Quốc hiện có những lợi ích chiến lược tương đồng. Matxcơva thì vẫn nghi ngờ Liên minh Bắc Đại Tây Dương (NATO) tiếp tục mở rộng sang phía đông, còn Bắc Kinh thì đang lo ngại trước chính sách « xoay trục » sang Châu Á của Hoa Kỳ.

Chính mối căng thẳng ngày càng tăng giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ trên vấn đề Biển Đông đã khiến Bắc Kinh đẩy nhanh cuộc thương thuyết, bắt đầu từ năm 2008, về hợp đồng mua phi cơ Su-35. Trung Quốc đang rất cần loại máy bay tối tân này, bởi vì hai chiến đấu cơ tàng hình « made in China » J-20 và J-31, tức là những loại máy bay có thể thay thế Su-35, thì phải mất vài năm nữa mới có thể sẵn sàng tác chiến.

Mua chiến đấu cơ Su-35 của Nga sẽ có lợi cho Bắc Kinh ở ba điểm. Thứ nhất, với loại phi cơ này, tầm hoạt động của không quân Trung Quốc trên Biển Đông sẽ được mở rộng rất nhiều. Su-35 có thể cất cánh từ các phi đạo ngắn, cho nên có thể được triển khai trên các đảo nhân tạo mà Bắc Kinh đang xây dựng.

Thứ hai, Su-35 hoàn toàn có đủ khả năng đối đầu với chiến đấu cơ tàng hình F-35 của Mỹ, dự trù được triển ở Biển Đông. Đặc biệt hệ thống radar trên Su-35 có thể phát hiện các chiến đấu cơ phản lực trong phạm vi 400 km và phát hiện các máy bay tàng hình như F-35 trong phạm vi 90 km. Chưa kể là Su-35 có thể mang theo tới 14 vũ khí, bao gồm cả các tên lửa tầm xa.

Thứ ba, với hợp đồng mua Su-35, Trung Quốc sẽ tiếp nhận được những công nghệ cao cấp về radar và động cơ của loại máy bay này, để sử dụng cho việc chế tạo các chiến đấu cơ nội địa mới, cũng như cải tiến loạt phi cơ J-, nhất là hai chiến đấu cơ J-11 và J-16, hai loại phi cơ được chế tạo dựa theo chiếc Su-27, mà Trung Quốc đã mua của Nga từ năm 1996.

Như vậy có thể nói là Su-35 có thể sẽ giúp không quân Trung Quốc chiếm ưu thế ở vùng Châu Á-Thái Bình Dương nói chung.

Hợp đồng bán chiến đấu cơ Su-35 cũng rất có lợi cho Nga vì Matxcơva hiện đang rất cần tiền cho các khoản chi tiêu ngày càng tăng trong nước cũng như ngoài nước. Một phần chính là nhu cầu tài chính đã thúc đẩy Nga tăng cường hợp tác quân sự với Trung Quốc.  RFI

Máy bay ném bom B52 của Hoa Kỳ.
Tháng trước, Mỹ đã cho máy bay ném bom B52
bay gần một số hòn đảo nhận tạo mà Trung Quốc
xây dựng ở biển Đông
 Việt Nam hoan nghênh Mỹ can dự ở biển Đông? . 10.12.2015 Chính quyền Hà Nội tuyên bố rằng mọi hoạt động đóng góp tích cực cho hòa bình, ổn định ở biển Đông “đều được hoan nghênh”, trong khi Trung Quốc phản đối Hoa Kỳ tuyên bố sẽ triển khai máy bay trinh sát P-8 tới Singapore.

Trả lời câu hỏi của phóng viên hôm nay, 10/12, về thỏa thuận giữa Hoa Kỳ và Singapore, bà Phạm Thu Hằng, phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam, nói rằng "duy trì hoà bình, ổn định Biển Đông là lợi ích và trách nhiệm chung của các nước trong và ngoài khu vực”.

“Và mọi hoạt động đóng góp tích cực cho hoà bình, ổn định ở khu vực đều được hoan nghênh", bà Hằng nói thêm.

Giới quan sát cho rằng tuyên bố của phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam có thể được coi là sự ủng hộ ngầm đối với các hành động của Mỹ, quốc gia không có tuyên bố chủ quyền ở biển Đông.

Hoa Kỳ và Singapore hôm 7/12, đã ký một thỏa thuận về việc lần đầu tiên triển khai máy bay trinh sát P8 Poseidon ở Singapore từ ngày 7 tới 14/12. Một quan chức quốc phòng Mỹ được dẫn lời nói rằng các đợt triển khai máy bay trinh sát tiếp theo ở Singapore có thể sẽ tiếp tục sau đó, trong bối cảnh căng thẳng gia tăng ở biển Đông.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 8/12 lên tiếng chỉ trích động thái này là nhằm “quân sự hóa khu vực” và “không phù hợp với các lợi ích chung và lâu dài của các nước trong khu vực”.

Hoa Kỳ thực hiện các chuyến bay do thám với máy bay P8 từ Nhật Bản và Philippines cũng như Malaysia.

Tháng trước, một máy bay ném bom B52 của Mỹ đã bay gần một số hòn đảo nhận tạo mà Trung Quốc xây dựng ở biển Đông, và cuối tháng Mười, một chiến hạm trang bị tên lửa dẫn đường của Mỹ cũng đã tiến vào khu vực trong phạm vi 12 hải lý thuộc các đảo đó.

Hồi tháng Năm, quân đội Trung Quốc cũng đã 8 lần cảnh cáo một chiếc máy bay trinh sát P8 bay gần các hòn đảo nhân tạo đó.

Theo MOFA, Reuters, Channel News Asia      VOA


Ông Mã Anh Cửu công bố sáng kiến hòa bình
 về biển Đông hồi tháng Năm vừa qua
 Đài Loan khánh thành hải đăng trên hòn đảo lớn nhất Trường Sa  . 13.12.2015 Đài Bắc hôm nay, 12/12, khánh thành một ngọn hải đăng và cầu cảng mới được tôn tạo lại trên đảo Thái Bình mà Việt Nam gọi là Ba Bình ở biển Đông. Đích thân Bộ trưởng Nội vụ Đài Loan Trần Uy Nhân đã tới dự lễ khánh thành trên hòn đảo có diện tích lớn nhất ở Trường Sa.

Ông Trần cùng các quan chức của Đài Loan trước đó đã đáp máy bay ra hòn đảo hiện do Đài Bắc kiểm soát này.

Các quan chức cũng đã công bố một tấm biển do đích thân Tổng thống Mã Anh Cửu ký lên, trên đó khắc dòng chữ tuyên bố rằng hòn đảo nằm ở biển Nam Trung Hoa và vùng nước lân cận là “một phần lãnh thổ không thể tách rời của Đài Loan”.

Trong một thông cáo, Bộ Nội vụ Đài Loan cho biết sẽ “biến Thái Bình thành một hòn đảo hòa bình, trung tâm bảo tồn sinh thái và thải ít khí CO2 nhằm thực thi “Sáng kiến Hòa bình Nam Trung Hoa” của Tổng thống Mã Anh Cửu”.

Sáng kiến công bố hôm 26/5 dựa trên nguyên tắc “bỏ qua một bên các vấn đề chủ quyền” và “cùng nhau phát triển các tài nguyên”.

Bộ này cũng cho rằng sự kiện mang tính lịch sử vì hôm nay đánh dấu 69 năm ngày Nhật Bản trao trả đảo Thái Bình cho Đài Loan.

Việt Nam chưa lên tiếng về hành động mới nhất của Đài Bắc, nhưng hồi tháng Mười vừa qua đã phản đối việc Trung Quốc xây dựng hải đăng ở Hoàng Sa, coi đó là “sự xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền Việt Nam”.

Trước đó, Trung Quốc tuyên bố hoàn thành hai ngọn hải đăng trên đảo Duy Mộng và đá Hải Sâm thuộc quần đảo Hoàng Sa.

Theo Taipei Times, Focus Taiwan News Channel    VOA

Mời đọc bài Năm tình thế chiến tranh với Trung Quốc có thể được bắt đầu ... hoặc ngăn ngừa. bằng Anh ngữ. Xin hẹn lược dịch trong vài ngày tới.

Bài đăng phổ biến từ blog này

Trung Quốc đang đụng đầu với khủng hoảng ?

Nỗi sợ ngân hàng gây thêm đau đầu cho nền kinh tế Trung Quốc.

Xung đột vũ trang ở Biển Đông.