Biển Đông, âm mưu đen tối và lý lẻ minh bạch

  • Thêm hậu thuẫn cho vụ kiện Biển Đông
  • Biển Đông : Dân biểu Mỹ tố cáo Trung Quốc thiếu thành thật
  • Chưa xác định được ‘tàu lạ’ bắn chết ngư dân Việt ở Trường Sa
  • Biển Đông : Trung Quốc hung hăng, Mỹ " luật hóa " sáng kiến can thiệp

Biểu tình chống Trung Quốc tại thành phố Makati,
phía đông Manila, Philippines, ngày 12/11/2015
Thêm hậu thuẫn cho vụ kiện Biển Đông  04.12.2015 Philippines tiếp tục nhận thêm sự ủng hộ từ cộng đồng quốc tế trong vụ kiện bản đồ đường lưỡi bò của Trung Quốc chiếm trọn Biển Đông.

Italy là nước mới nhất vừa lên tiếng hậu thuẫn con đường theo đuổi pháp lý của Manila trong cuộc tranh chấp ngày càng căng thẳng.

Truyền thông Philippines loan tin tại cuộc họp ở Rome hôm 3/12, Thủ tướng Matteo Renzi và Tổng thống Sergio Mattarella của Italy đã lên tiếng mạnh mẽ ủng hộ Tổng thống Begnino Aquino về việc Philippines đưa tranh chấp Biển Đông ra nhờ tòa trọng tài Liên Hiệp Quốc phân xử.

Trước Italy, một số nước khác cũng đã lên tiếng bày tỏ ủng hộ hành động của Manila trong đó có Hoa Kỳ và Việt Nam.

Theo giới phân tích, bất kỳ phán quyết chung cuộc nào của tòa chống lại Trung Quốc cũng không có giá trị cưỡng hành, chế tài, hay trừng phạt vì chưa có một cơ chế thực thi các phán quyết như vậy.

Tuy nhiên, theo một nhà nghiên cứu Biển Đông từ Việt Nam, thì dù sao đi nữa một phán quyết ủng hộ Philippines trong vụ này sẽ là một bất lợi rất lớn cho Bắc Kinh:

Nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc: "Nếu Philippines thắng, lý luận của Trung Quốc sẽ bị bẻ gãy trước cộng đồng quốc tế. Việc này cũng có ý nghĩa tích cực với Việt Nam. Dựa vào phán quyết của tòa, Việt Nam sẽ củng cố hệ thống lý luận và dữ kiện của mình trong một phiên xử tương lai nếu khởi kiện Trung Quốc. Cho dù Trung Quốc không đồng ý, đó cũng là một thắng lợi về mặt chính trị để chứng tỏ cho thế giới thấy rằng Trung Quốc không bao giờ tuân thủ luật pháp quốc tế dù miệng vẫn nói như thế".

Luật sư Vũ Đức Khanh, một chuyên gia tại Canada nghiên cứu vấn đề Biển Đông và luật quốc tế, chia sẻ quan điểm cho rằng Việt Nam được lợi rất nhiều trong vụ kiện của Philippines:
"Trong vụ kiện này, Việt Nam có lợi rất nhiều vì là cơ sở cho các cuộc đàm phán, nếu có. Phán quyết của tòa sẽ là thắng lợi lớn cho công pháp quốc tế và các nước liên quan. Những quyết định về pháp lý sẽ là cơ sở cho những quyết định về đàm phán".

Năm 2013, Manila đệ đơn kiện điều mà họ gọi là tuyên bố chủ quyền thái quá và vô căn cứ của Bắc Kinh ở Biển Đông.

Tháng 10 vừa qua, tòa trọng tài ở La Haye ra phán quyết khẳng định có quyền phân xử vụ này cho dù Trung Quốc nhất mực không chịu tham gia vào tiến trình vụ kiện.

Tuần rồi, Philiipines vừa trình bày các lập luận của họ trước tòa.

Tháng trước, trưởng ngành an ninh Indonesia loan báo nước ông cũng có thể đưa bản đồ 9 đoạn của Bắc Kinh ở Biển Đông ra tòa.

Một hành động tương tự được trông đợi từ lâu ở Việt Nam, nhưng tới nay, Hà Nội chưa tỏ dấu hiệu cho thấy có ý định này, khơi dậy nhiều sự chỉ trích về chính sách không đủ cứng rắn đối với quốc gia cộng sản anh em mà chính phủ Hà Nội đang bị lệ thuộc rất nhiều.

VOA

Michael Fuchs, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách
Chiến lược và Hồ sơ Đa phương, trong buổi điều trần
 trước Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ, 2/11/2015
Biển Đông : Dân biểu Mỹ tố cáo Trung Quốc thiếu thành thật  . Nhân một cuộc điều trần tại Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ ngày 02/11/2015, nhiều dân biểu Mỹ đã lên án Trung Quốc thiếu thành thật trong vấn đề các đảo nhân tạo mà Bắc Kinh bồi đắp tại Biển Đông : Giới lãnh đạo Trung Quốc liên tục cam kết không quân sự hóa các thực thể này, trong lúc vẫn xây dựng các cơ sở có thể dùng vào mục tiêu quân sự.

Trong buổi điều trần tại Tiểu ban Châu Á-Thái Bình Dương thuộc Ủy ban Đối ngoại Hạ viện về « Lợi ích chiến lược của Mỹ và APEC cùng với khối Thượng đỉnh Đông Á » (U.S. Strategic Interests and the APEC and East Asia Summit), dân biểu Steve Chabot (Đảng Cộng hòa) đã tố cáo : « Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tiếp tục nói rằng Trung Quốc không có ý định theo đuổi việc quân sự hóa tại Biển Đông, nhưng nhiều chuyên gia cho rằng Trung Quốc đã tiến hành điều đó, và các hòn đảo nhân tạo có cả công dụng dân sự lẫn quân sự ».

Chủ tịch Tiểu ban Châu Á-Thái Bình Dương của Hạ viện Mỹ, Matthew Salmon, cũng bày tỏ cùng một mối quan ngại : « Tôi nghĩ rằng họ (tức là Trung Quốc) đang miệng lưỡi lắt léo, nói rằng họ không có ý đồ xấu trong việc bồi đắp các hòn đảo này, nhưng hành động của họ thì cho thấy thực tế khác hơn nhiều ».

Trung Quốc đòi chủ quyền trên hầu như toàn bộ Biển Đông, và đã rầm rộ bồi đắp và xây dựng công trình trên 7 bãi đá và rạn sạn hô do họ kiểm soát tại vùng Trường Sa, làm dấy lên các mối lo ngại trong vùng cũng như tại Mỹ.

Nhân chuyến thăm Hoa Kỳ tháng 9 vừa qua, Chủ tịch Trung Quốc đã cam kết sẽ không quân sự hóa các đảo nhân tạo, một lời hứa đã được chính ông lập lại sau đó tại nhiều thủ đô khác. Tuy nhiên, theo ghị nhận của các quan sát viên, tại chỗ, tiến trình quân sự hóa các đảo nhân tạo vẫn tiếp diễn.

Nhân buổi điều trần ngày 2/11, ông Michael Fuchs, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách Chiến lược và Hồ sơ Đa phương đã bảo đảm với giới lập pháp Mỹ rằng Chính quyền Obama sẽ cố gắng ngăn chặn việc quân sự hóa các quần đảo đang tranh chấp ở Biển Đông.

Theo ông : « Đa số các nước trong khu vực đều quan ngại về các hành động đang xẩy ra ở Biển Đông. Chúng tôi đang tìm kiếm đảm bảo sao cho có một sự đồng thuận trong khu vực nhằm ngăn không cho quân sự hóa hơn nữa các tiền đồn ».

Hoa Kỳ đã kêu gọi Trung Quốc dừng việc xây dựng đảo nhân tạo, và gần đây đã thể hiện quyết tâm bằng cách gửi chiến hạm USS Lassen tiến vào bên trong vùng 12 hải lý quanh đảo nhân tạo Trung Quốc. Oanh tạc cơ B-52 cũng đi tuần tra gần khu vực này.

Dân biểu Gery Connelly thuộc đảng Dân chủ đã hoan nghênh các động thái trên đây, cho rằng Mỹ cần phải « nhắc nhở tất cả các bên trong khu vực là họ không thể tùy tiện hành động mà không sợ trừng phạt. Họ không được đe dọa láng giềng của mình. Và Mỹ sẵn sàng chống lại điều đó nếu cần thiết ».

Dân biểu Matthew Salmon cũng chia sẻ lập trường trên, cho rằng Mỹ nên gửi một thông điệp mạnh mẽ tới Trung Quốc.
 RFI

Sau khi post bài "biển đông hồi hai hạ màn"; một vị thân hửu đã hỏi tôi "hạ màn rồi sao ? TQ co vòi ?" Tôi trả lời "TQ đang nghiên cứu chiến lược mới cho tình hình mới 'nhứt hổ địch quần hồ' ở biển Đông. Không ngờ trong cùng ngày đó, một vụ giết người đã xảy ra trong khu vực tranh chấp Trường sa; nạn nhân là một ngư dân ở Quảng ngãi tên Trương đình Bảy, 41 tuổi. Ai gây nên cái chết của anh Bảy, vẫn chưa có câu trả lời. Tôi nghiêng về phía chiến thuật ly gián phá thế nhứt hổ địch quần hồ của TQ , như một vài người đã nói rỏ trong bài báo dưới đây

Chiếc tàu chở thi thể nạn nhân bị bắn chết ở biển Đông
cập cảng Sa Kỳ ở Quảng Ngãi. (ảnh chụp từ trang petrotimes)
Chưa xác định được ‘tàu lạ’ bắn chết ngư dân Việt ở Trường Sa  . 01.12.2015 Chiếc tàu chở nạn nhân xấu số bị bắn chết ở biển Đông hôm nay đã cập cảng Sa Kỳ ở tỉnh Quảng Ngãi, năm ngày sau khi gặp nạn ở vùng biển tranh chấp. Ngư dân Trương Đình Bảy, 45 tuổi, hôm 26/11 “bị một nhóm người nước ngoài” bất ngờ nổ súng bắn chết khi đang cùng với hơn 10 thuyền viên khác đánh bắt ở khu vực quần đảo Trường Sa.

Ông Lý Thọ, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Huyện Bình Sơn, cho VOA Việt Ngữ biết rằng các thuyền viên gặp nạn đã về tới đất liền sớm hôm nay, 1/12.

Quan chức địa phương tỉnh Quảng Ngãi cho biết thêm:

“Anh chủ tàu mới về đây. Vào đến bờ 4 giờ sáng nay. Nói chung cũng ổn định ban đầu rồi. Anh đang phối hợp cùng với cơ quan của nhà nước. Họ đang lấy lời khai. Đưa thi thể lên bờ rồi. Các cơ quan pháp luật, cơ quan công an họ đang làm thủ tục pháp lý, khám nghiệm tử thi để điều tra xem nguyên nhân ra sao. Chưa biết rõ đâu. Chừng nào có kết quả rồi thì họ sẽ công bố nguyên nhân vì sao.”

Báo chí trong nước trích lời thuyền trưởng tàu, ông Bùi Văn Cu, cho biết rằng khi sự việc xảy ra, 12 thuyền viên đã dùng ghe nhỏ để đi lặn bắt hải sản, và trên tàu chỉ còn ông và ông Bảy.

Ông cho biết thêm rằng nhóm tấn công “gồm 4 người, đi trên tàu dân sự, nổ súng nhằm khống chế cướp tài sản”.

Trả lời VOA Việt Ngữ, ông Phan Huy Hoàng, Chủ tịch Hội nghề cá Quảng Ngãi cho biết rằng các ngư dân bị nạn “nói mấy tàu đó của Philippines”.

Trong khi đó, một nhân viên của xã Bình Châu, không muốn nêu tên vì cuộc điều tra vẫn đang tiếp diễn, cho biết chưa thể khẳng định thủ phạm là người Philippines. Bà nói thêm: “Chỉ biết là người nước ngoài thôi. Cơ quan chức năng họ đang điều tra nữa nên hiện tại chưa có thông tin chính xác. Vẫn chưa xác định được nguyên nhân ra sao. Bắn thì bắn rồi đấy nhưng chưa biết là nước nào. Cái đấy chưa rõ.”

Hôm nay, tại buổi họp báo thường kỳ, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình, cho biết rằng chính quyền Hà Nội đã “chỉ đạo các cơ quan đại diện Việt Nam tại những nước ven biển Đông khẩn trương làm rõ các vấn đề liên quan đến vụ việc nghiêm trọng này."

Người phát ngôn này nói thêm: “Trong bất kỳ trường hợp nào, chúng tôi lên án và phản đối mạnh mẽ hành vi đối xử vô nhân đạo, sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực đối với các ngư dân Việt Nam”.

Trong bối cảnh Trung Quốc gia tăng các hoạt động khẳng định chủ quyền ở biển Đông, và từng điều tàu đâm va các tàu của Việt Nam, ngay sau khi có tin tàu cá của ngư dân Quảng Ngãi gặp nạn, nhiều người sử dụng mạng đã đồn đoán về khả năng dính líu của quốc gia láng giềng.

Một số tờ báo ở trong nước cũng đã cho đăng tải các bình luận về giả thuyết này.

Một độc giả tên Hoàng Văn Thắng ở Long An viết trên tờ Thanh Niên:

“Liệu có phải là một âm mưu của người Trung Quốc giả dạng người Philippines giết người Việt rồi đổ cho Philippines nhằm gây chia rẽ mối quan hệ Việt Nam - Philippines, chắc là 99% như vậy rồi.”

Một người khác tên là Lê Thị Thu Hà ở Tiền Giang viết: “Lực lượng bảo vệ ngư dân của ta đâu mà cứ để lặp đi lặp lại mãi cái điệp khúc "tàu lạ" này vậy!”

Tin về vụ ngư dân Quảng Ngãi bị giết chết trên biển được đưa ra giữa lúc Việt Nam thông báo đã hạ thủy tàu cảnh sát biển được coi là “hiện đại nhất Việt Nam”.

VOA

 Biển Đông : Trung Quốc hung hăng, Mỹ " luật hóa " sáng kiến can thiệp

Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường phát biểu
tại Thượng đỉnh ASEAN-Trung Quốc lần thứ 27,
 Kuala Lumpur, Malaysia, 21/11/2015 REUTERS/Olivia Harris
  Trước và sau hai hội nghị thượng đỉnh APEC và ASEAN tại Manila và Kuala Lumpur hạ tuần tháng 11 vừa qua, dù biết rằng vấn đề Biển Đông sẽ nổi cộm trong các cuộc thảo luận, Bắc Kinh vẫn có những động thái và lời lẽ cứng rắn nhắm khẳng định và buộc các nước khác công nhận chủ quyền của Trung Quốc trên gần như toàn bộ Biển Đông, mà gây quan ngại nhiều nhất là các hoạt động bồi đắp đảo nhân tạo ở vùng Trường Sa, và xây dựng trên đó các cơ sở có thể được dùng vào mục tiêu quân sự.

Trong tình hình đó, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã tranh thủ chuyến công du Philippines và Malaysia để tái khẳng định lập trường phản đối của Washington. Sau khi từ Đông Nam Á trở về, ngày 25/11/2015, ông Obama đã ký ban hành Luật Quốc phòng cho năm 2016, trong đó có nguyên một điều khoản mang tên Sáng kiến Biển Đông - South China Sea Initiative.

Điều luật này giao cho hai Bộ trường Quốc phòng và Ngoại giao Mỹ quyền xúc tiến các hoạt động nhằm "tăng cường an ninh hàng hải và năng lực giám sát trên biển của các nước ven Biển Đông ", cụ thể là năm nước Đông Nam Á : Việt Nam, Philippines, Malaysia, Indonesia và Thái Lan.

Đây là lần đầu tiên mà một bộ luật tại Mỹ vạch ra một cách chi tiết một khuôn khổ pháp lý cho một phần chính sách của Hoa Kỳ tại Biển Đông. Trả lời phỏng vấn của Ban Việt ngữ RFI, Giáo sư Ngô Vĩnh Long thuộc trường Đại học Maine (Hoa Kỳ) đã lồng điều có thế gọi là " luật về Biển Đông " này vào trong tình hình căng thẳng hiện nay.

RFI : Hội nghị ASEAN tại Kuala Lumpur có bộc lộ yếu tố nào mới trên vấn đề Biển Đông hay không ?

Ngô Vĩnh Long : Hội nghị ASEAN vừa qua tại Kuala Lumpur có bộc lộ hai yếu tố mới liên quan với nhau trên vấn đề Biển Đông.

Yếu tố thứ nhất là các nước có quyền lợi trực tiếp nhiều nhất ở Biển Đông - trong đó có Việt Nam, Philippines và Malaysia – đã tỏ rõ hơn là họ không còn nhiều hy vọng trong việc ASEAN có thể cùng nhau đàm phán với Trung Quốc để “ sớm hoàn tất Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông (COC) ” hay thiết lập một cơ chế an ninh chung trên Biển Đông.

Yếu tố thứ hai là vì nhận định mà tôi mới vừa đề cập, các nước này một mặt nâng cấp quan hệ với nhau ngõ hầu có thể bảo vệ nhau và cùng nhau ngăn chặn sự bành trướng không ngừng của Trung Quốc. Mặt khác là xích gần lại với Hoa Kỳ hơn.

Một ví dụ là trước khi dự hội nghị ngày 22/11, Tổng thống Barack Obama đã ký một hiệp ước đối tác chiến lược với ASEAN. Trong cuộc họp với các lãnh tụ các nước Đông Nam Á ngày 21/11, ông Obama cũng đã cảnh báo rằng vì ổn định và an ninh trong khu vực các nước đang có tranh chấp ở Biển Đông nên ngưng việc bồi đắp và xây dựng cơ sở quân sự trên đó.

RFI :Phải chăng Trung Quốc vẫn có thái độ hung hăng cả trước lẫn sau hội nghị ASEAN ?

Ngô Vĩnh Long : Theo báo chí Trung Quốc thì trước hội nghị cả 3 hạm đội lớn của Hải quân Trung Quốc gồm Hạm đội Bắc Hải, Đông Hải và Nam Hải đã tiến hành cuộc tập trận săn ngầm và đổ bộ quy mô lớn ở Biển Đông từ ngày 17-19/11/2015.

Riêng đối với Việt Nam thì theo một bài của báo Thanh Niên ngày 26/11 : " Tàu chiến Trung Quốc gia tăng vây ép tàu dân sự Việt Nam " từ tháng 10 năm nay.

RFI :Còn Tổng thống Obama có đủ cứng rắn không ? Có trấn an được các nước đang bị Trung Quốc chèn ép hay không ?

Ngô Vĩnh Long : Lập trường của Tổng thống Obama một phần là do sự thể hiện quan tâm của các nước trong khu vực ASEAN. Mỹ không có thể làm gì vượt qua sự yêu cầu của các nước trong khu vực này, trong đó đặc biệt là Việt Nam, Philippines, và Malaysia.

Mỹ đã hứa cung cấp vũ khí cho Philippines, Việt Nam và các nước khác để bảo vệ an ninh trên Biển Đông và đã thúc đẩy các đồng minh của Mỹ cùng trợ giúp. Nhật cũng đã hứa cung cấp tàu chiến và vũ khí cho Philippines và Việt Nam. Hàn Quốc đã bán máy bay cho Philippines máy bay tác chiến FA-50, v.v.

Mỹ đã đơn phương tuần tra xung quanh một vài khu vực ở Trường Sa, nhưng đến nay chưa có nước Đông Nam Á nào chịu tuần tra chung với Mỹ mặc dầu đã có những kêu gọi từ một số chính trị gia Mỹ như Thượng nghị sĩ John McCain, Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện Hoa Kỳ. Tôi nghĩ một trong những lý do cho việc do dự này không phải vì Mỹ chưa trấn an được các nước đang bị Trung Quốc chèn ép mà vì một số nước thấy lợi ích với Trung Quốc trên các bình diện khác quan trọng hơn.

Thượng nghị sĩ Mỹ và nhiều nhà phân tích chiến lược ở Mỹ đang thúc đẩy Obama nên có lập trường cứng rắn hơn.

RFI :Sự kiện Luật Quốc phòng Mỹ 2016 có điều khoản về " South China Sea Initiative' "có ý nghĩa quan trọng như thế nào ?

Ngô Vĩnh Long : Điều khoản gọi là “ Sáng kiến về Biển Đông ” trong Luật Quốc phòng Mỹ 2016 nói rằng Bộ trưởng Quốc phòng được chỉ định trợ giúp về quân sự và huấn luyện cho các nước Việt Nam, Philippines, Malaysia, Indonesia, Brunei, Singapore, Thái Lan và Đài Loan với " mục đích tăng cường an ninh biển và sự hiểu biết về các lãnh vực trên biển của các nước dọc Biển Đông ".

Do đó, hai vấn đề quan trọng ở đây : 1) Mỹ muốn kéo các nước trên hợp tác với nhau và với Mỹ ở Biển Đông. 2) Để hợp thức hoá việc tăng viện trợ quân sự cho các nước trong khu vực.

Lầu Năm Góc đã tuyên bố viện trợ 119 triệu Mỹ kim năm 2015 và 140 triệu năm 2016 cho các nước Đông Nam Á - trong đó có Việt Nam, Indonesia, Malaysia, và Philippines.
RFI

Bài đăng phổ biến từ blog này

Trung Quốc đang đụng đầu với khủng hoảng ?

Nỗi sợ ngân hàng gây thêm đau đầu cho nền kinh tế Trung Quốc.

Xung đột vũ trang ở Biển Đông.