Trung quốc, Tập Cận Bình và Thiên An môn

Trung Quốc, tính hợp pháp của Tập Cận Bình ở vào tình trạng nguy ngập.



Carl Gershman. 15 tháng 6 /2016. Theo World Affair

Trần H Sa lược dịch

Năm ngoái, một bài viết của David Shambaugh xuất hiện trong The Wall Street Journal với những gì mà ông gọi là "Sự kiệt quệ sắp đến của Trung Quốc". Shambaugh, người đã từng trình bày các bài viết thành một cuốn sách mang tên "Tương lai của Trung Quốc" , đưa ra năm lý do để cho rằng chế độ Trung Quốc yếu kém mang tính hệ thống và cuối cùng là dẫn đến cái chết :
    1) các công dân giàu có nhất Trung Quốc đang đậu tiền của họ ở nước ngoài và đang nghĩ đến việc ra đi;
    2) có sự ức chế ngày càng tăng mà Shambaugh coi là một dấu hiệu của sự yếu đuối, không phải là sức mạnh;
    3) chế độ bị phá sản về ý thức hệ ;
    4) Nó không thể đối phó với vấn đề tham nhũng quá cở mà bắt nguồn từ hệ thống độc tài; và
    5) quá trình cải cách đã gặp phải bế tắc, có nghĩa rằng nếu chế độ không thể thích nghi và hiện đại hóa, nó sẽ phá sản.
Đây là một quan điểm đặc biệt có sự đồng thuận ngày càng tăng trong một số quan sát viên Trung Quốc. Minxin Pei đã viết rằng "chiến lược sống còn thời hậu Thiên An Môn của Đảng Cộng sản đã cạn kiệt, và chiến lược mới của nó có khả năng đẩy nhanh sự sụp đổ của đảng". Và Andrew Nathan, người trong quá khứ đã từng viết về "tính co giản của độc tài" Trung Quốc , bây giờ viết rằng chế độ Trung Quốc "cư xử như thể nó đang phải đối mặt với một mối đe dọa liên quan đến sự tồn tại của nó."

Bằng chứng cho sự bất an của chế độ có thể được tìm thấy trong sự tập trung quyền lực của Tập vào trong tay của chính mình, và sự sùng bái cá nhân ngày càng tăng mà ông ta đã thúc đẩy. The Economist viết rằng Tập bây giờ không phải là giám đốc điều hành đất nước hoặc là CEO (Chief Executive Officer ), mà là COE (Chairman Of Everything ), "Chủ tịch của Tất cả mọi thứ." Ông ta là người đứng đầu nhà nước, lãnh đạo Đảng Cộng sản, chỉ huy trưởng lực lượng vũ trang, người đứng đầu dịch vụ an ninh, người đứng đầu ủy ban phụ trách cái gọi là " cải cách toàn diện ", và cũng là người phụ trách nền kinh tế.

Ông đã hủy bỏ việc thực hành "lãnh đạo tập thể ", mà đã được thông qua vào năm 1982 để ngăn chặn sự trở lại tình trạng khủng bố chuyên chế của chế độ độc tài không được kiểm soát dưới thời Mao, chế độ mà đã gây nên nỗi kinh hoàng Cách mạng Văn hóa, khi mà hàng chục triệu người đã bị tra tấn và bị làm nhục, cùng với hai triệu người đã bị giết. Đó là một thời kỳ điên rồ về ý thức hệ mà đã được gọi là một "lò thiêu tinh thần", nhưng Tập đã thúc đẩy một sự sùng bái Mao và gọi bất kỳ lời chỉ trích nào đối với Mao là "chủ nghĩa phủ nhận chân lý khách quan của lịch sử", mà qua đó ông lo ngại có thể làm suy yếu tính hợp pháp của đảng.

Tập Cận Bình đã giám sát các cuộc đàn áp khắc nghiệt nhất vào giới bất đồng chính kiến ​​kể từ vụ thảm sát Thiên An Môn, bắt giữ luật sư, học giả, công nhân và các nhà hoạt động xã hội dân sự, và thắt chặt kiểm soát đối với các phương tiện truyền thông và việc truy cập Internet. Nhưng với mọi sự đàn áp, ông đã không thể làm im tiếng những lời chỉ trích. Trong tháng ba, vừa lúc quốc hội bù nhìn của Trung Quốc tụ hội tại Bắc Kinh, ông là mục tiêu của một bức thư ngỏ mà đã xuất hiện trên một trang web của nhà nước, chỉ trích sự tập trung quyền lực và sự sùng bái cá nhân của Tập và kêu gọi ông từ chức. Một cuộc tấn công khác xuất hiện trên trang web của cánh tay thực thi riêng của đảng. Nó kêu gọi được tranh luận nhiều hơn và phát biểu tự do hơn, và cảnh báo Tập rằng, điều để lo sợ không phải là người dân nói về những điều sai, mà là "người dân không nói gì cả." Nathan đã viết rằng sự khiển trách này là một cảnh báo nghiêm trọng hơn so với các bức thư ngỏ.

Tập biết ông ta dễ bị tổn thương. Ông nói ngay sau khi nắm chính quyền vào năm 2013, nếu đảng "không thể xử lý vấn đề an toàn thực phẩm đúng cách, và vẫn tiếp tục xử lý sai bọn họ, rồi mọi người sẽ hỏi liệu chúng ta có xứng đáng để nắm giữ quyền cai trị Trung Quốc hay không." Tuy nhiên, Tập đang chịu trách nhiệm trước một sự suy thoái trong tăng trưởng kinh tế, nợ phình to mà bây giờ là 280 % trên tổng sản phẩm nội địa (nó là 135 %, chỉ bảy năm trước đây), một sự sụp đổ thảm hại của thị trường chứng khoán, và bây giờ là một vụ bê bối y tế công cộng tàn ác gây chú ý, như The Economist báo cáo, bán hàng hàng chục triệu đô la cho các trung tâm y tế của chính phủ "các loại vắc xin được lưu trữ không đúng cách, hết hạn xử dụng, theo giá chợ đen " . Rõ ràng, theo tiêu chuẩn riêng của Tập, Đảng Cộng sản Trung Quốc không xứng đáng để cai trị.

Chúng ta không nên làm ra vẻ có khả năng dự đoán tương lai, nhưng có một chút nghi ngờ rằng Đảng Cộng sản Trung Quốc đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng chính trị ngày càng tăng. Trong một cuộc phỏng vấn trên tờ The New York Times hồi đầu tuần này, Shambaugh nói rằng đảng "phải học cách chia xẻ quyền lực để duy trì quyền lực của mình. Quyền lãnh đạo chính trị là một công thức cứng nhắc trước sự trì trệ kinh tế tương đối, căng thẳng xã hội ngày càng cấp tính, suy giảm chính trị của chế độ và hệ thống tiến triển nhanh hơn". Nhưng không có dấu hiệu cho thấy đảng sẽ chia xẻ quyền lực, vì vậy 27 năm sau cuộc nổi dậy Thiên An Môn, chúng ta cần phải bắt đầu suy nghĩ về khả năng của một thách thức mới đối với chế độ độc tài đảng trị ở Trung Quốc và thậm chí có thể là một cơ hội mới cho sự mở cửa chính trị.

Một trong những sự trùng hợp đáng chú ý trong lịch sử chính trị hiện đại mà vụ thảm sát tại Thiên An Môn xảy ra vào ngày 04 Tháng 6 năm 1989 - đó là, Ba Lan tổ chức các cuộc bầu cử lập pháp mà đã dẫn tới sự sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản ở châu Âu. Luôn luôn có một mối quan hệ trong tâm trí của tôi giữa hai sự kiện lịch sử này - một thành công và dẫn đến mở cửa dân chủ, và cái kia thì dường như thất bại và cho phép chế độ độc tài ở Trung Quốc bảo vệ và củng cố quyền lực của mình.

Nhưng có lẽ cuộc nổi dậy Thiên An Môn không phải là thất bại như một số người nghĩ về nó. Tôi nhớ một điều gì đó đã nói với tôi vào năm 1987, bởi triết gia Ba Lan vĩ đại, Leszek Kołakowski. Trong suy gẫm về sự nghiền nát phong trào Công đoàn Đoàn kết ở Ba Lan năm 1981, và các cuộc nổi dậy thất bại khác ở Trung Âu, giống như cuộc nổi dậy Thiên An Môn, bị đàn áp bằng vũ lực - cuộc nổi dậy ở Đông Đức vào năm 1953, cuộc Cách mạng Hungary vào năm 1956, và cuộc xâm lược của Liên Xô vào Tiệp Khắc năm 1968 - Kolakowski nói rằng trong khi các phong trào tự do này bị đàn áp, họ cuối cùng không phải bị đánh bại, bởi họ đã thành công trong việc làm nổi lên sân khấu mà từ đó các cuộc nổi dậy trong tương lai sẽ diễn ra. Bài học được rút ra, khi các phong trào trưởng thành, sức mạnh của chế độ độc tài bị xói mòn, và cuối cùng là đạt được dân chủ .

Tôi nghĩ rằng điều tương tự có thể xảy ra ở Trung Quốc, và ở đây chúng ta có thể nhận một bài học khác từ kinh nghiệm của Ba Lan. Năm 1976, trong bối cảnh các cuộc biểu tình của công nhân Ba Lan dưới điều kiện kinh tế và giá cả tăng cao, một nhóm trí thức Ba Lan đã thành lập Uỷ Ban Bảo Vệ Công Nhân Ba Lan, với các mẫu tự đầu là KOR. Liên minh này đúng là của công nhân và trí thức Ba Lan - với sự hỗ trợ, tất nhiên của Giáo Hội Công Giáo và Đức Giáo hoàng John Paul II - qua đó đã dẫn đến sự xuất hiện của phong trào Đoàn kết vào năm 1980.

Tôi không biết có thể có một quá trình tương tự ở Trung Quốc hay không, nhưng đây là một cái gì đó đáng được xem xét và có thể là kế hoạch trong thời gian tới. Trong nhiều thập kỷ qua, Trung Quốc đã phát triển một tầng lớp trung lưu tương đối nhỏ nhưng đang lớn mạnh, mà đó là chủ đề của một bài giảng được trình bày bởi Andrew Nathan tại Quỹ Quốc gia vì Dân chủ hồi năm ngoái, trong lễ tưởng niệm nhà chính trị xã hội học Seymour Martin Lipset. Bài giảng, "Vấn đề nan giải của giai cấp trung lưu Trung Quốc", vừa được công bố trong Tạp chí Dân chủ. Tầng lớp trung lưu Trung Quốc là một vấn nạn, theo Nathan, vì nó không đóng vai trò dân chủ hóa mà Lipset tin rằng tầng lớp trung lưu có thể cáng đáng trong bối cảnh tiêu chuẩn đời sống gia tăng.

Ở Trung Quốc, Nathan cho biết, tầng lớp trung lưu đang lo lắng và không an toàn vì nó tương đối nhỏ và phụ thuộc nhà nước, và nó đang bị mắc kẹt giữa một đảng cai trị nắm hết mọi quyền lực ở bên trên, "và một đám đông khổng lồ công nhân và nông dân bên dưới, những người được coi là thiếu văn minh , sôi sục với sự bất mãn, và sở hữu những lợi ích mà tầng lớp trung lưu xem là bất lợi cho riêng mình". Cách duy nhất lớp trung lưu này có thể trở thành một lực lượng quyết định cho dân chủ hóa, Nathan nói, là bằng cách vượt qua khỏi "sự cô lập xã hội và văn hóa của nó đối với các tầng lớp khác."

Để làm điều này, trí thức và các nhà hoạt động Trung Quốc, những người có tiếng nói chính trị đối với tầng lớp trung lưu, phải bắt đầu tự tổ chức và ra tay hành động nhằm giải quyết các nhu cầu của công nhân và nông dân Trung Quốc. Cuộc khủng hoảng kinh tế đang trầm trọng ở Trung Quốc, và sự thất bại của chính phủ Trung Quốc trong việc áp dụng các cải cách kinh tế xã hội có ý nghĩa, tạo ra một bối cảnh mà các nhà hoạt động Trung Quốc có thể bắt đầu khám phá những liên minh với các tầng lớp dưới của xã hội.

Đó là bối cảnh của sự mâu thuẫn mà trong đó tính hợp pháp của chế độ, từng dựa trên hiệu năng kinh tế, nay đã giảm hẳn ngay cả khi chế độ siết chặt kiểm soát chính trị, từ đó tiếp tục góp phần vào tình trạng trì trệ kinh tế và khủng hoảng sâu sắc về tính hợp pháp hơn nửa. Đó là bối cảnh của sự mâu thuẫn mà trong đó chế độ vận động chống tham nhũng, nhưng lại khuyến khích tham nhũng một cách có hệ thống bằng việc cấm các cơ chế pháp lý, phương tiện truyền thông, và trách nhiệm giải trình liên quan đến bầu cử; những thứ rất cần thiết để chống tham nhũng. Và đó là bối cảnh mâu thuẫn mà trong đó các chính sách kinh tế của chế độ khuyến khích di cư đến các thành phố, trong khi từ chối cải cách hệ thống đăng ký hộ khẩu hộ gia đình, tức là từ chối những người nông thôn di cư được tiếp cận với các dịch vụ xã hội ở các thành phố, do đó tạo ra một sự phân hóa xã hội sâu sắc và sắc nét.

Khi những áp lực cho sự thay đổi lớn mạnh, các nhà hoạt động và trí thức Trung Quốc cần phải mở rộng các cơ sở xã hội của phe đối lập, và họ có thể làm điều đó bằng cách phát triển những ý tưởng và các chương trình nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng và phức tạp của xã hội Trung Quốc. Chính phủ và những thủ lĩnh mị dân khác nhau sẽ cố gắng chuyển hướng bất mãn xã hội bằng việc kết nối nó vào một chủ nghĩa dân tộc hiểm ác, chống lại các dân tộc thiểu số và các quốc gia bên ngoài . Đó là một công thức gây ra thảm họa thực sự cho Trung Quốc và thế giới.

Những người biểu tình và đã chết tại Quảng trường Thiên An Môn cần phải được vinh danh và tưởng niệm, và tôi hoan nghênh Yang Jianli và Các sáng kiến ​​cho Trung Quốc trong việc phát động chiến dịch khắc ghi vụ thảm sát Thiên An Môn vào UNESCO, khắc ghi vào ký ức thế giới như một kho lưu trữ vĩnh viễn dành cho một hồ sơ chính thức, mà ở đó lịch sử biểu hiện sự khao khát của con người đối với quyền lợi, nhân phẩm và tự do. Tôi tự hào rằng một mô hình Nữ thần Dân chủ, đã được dựng lên tại Quảng trường Thiên An Môn, là những gì mà hàng năm NED trao tặng cho những người nhận Giải thưởng Dân chủ. Giống như cuộc nổi dậy Thiên An Môn, Nữ thần Dân chủ là một biểu tượng phổ quát của khát vọng con người đối với tự do. Tôi cũng hoan nghênh chiến dịch tìm kiếm sự thật về hai người chặn xe tăng ở quãng trường Thiên An Môn, những người thách thức đứng trước đầu của những xe tăng đang tiến gần, đã cho thế giới một biểu tượng khác của lòng dũng cảm và chủ nghĩa anh hùng.

Nhưng bây giờ cũng cần thiết để xây dựng dựa trên những gì đã bắt đầu 27 năm trước, khi đám đông công dân Trung Quốc kêu gọi pháp quyền và tôn trọng các quyền và tự do căn bản của con người. Các nhà hoạt động tại Quảng trường Thiên An Môn đã thực hiện  một bước tiến lịch sử hướng tới dân chủ, và không thể quay trở lại. Di sản của họ là kêu gọi quyền lợi, và bây giờ việc kêu gọi phải được liên kết với một tầm nhìn mới để giải quyết các nhu cầu xã hội và kinh tế của người dân Trung Quốc. Những nhu cầu đó không thể được giải quyết nếu không có tự do chính trị. Thách thức hiện nay là xây dựng các liên minh mới dựa trên các liên kết bất khả phân giữa tự do và bình đẳng, giữa quyền lợi và nhu cầu. Đó là cách để tôn vinh sự kiện của những người đã hy sinh mạng sống cho dân chủ 27 năm trước ở Quảng trường Thiên An Môn.

Bài viết này được dựa trên một bài diển văn phát biểu tại Hội nghị IFC vào ngày 03 tháng 6 năm 2016 trong lể tưởng niệm lần thứ 27 vụ thảm sát Thiên An Môn.



----------------------------------------|||---------------------------------------------


Bài đăng phổ biến từ blog này

Trung Quốc đang đụng đầu với khủng hoảng ?

Nỗi sợ ngân hàng gây thêm đau đầu cho nền kinh tế Trung Quốc.

Xung đột vũ trang ở Biển Đông.