Ngày phán xét cuối cùng : Tòa án Trọng tài ra phán quyết về biển Đông

Các tính năng ở Trường sa bị Trung quốc cưỡng chiếm : Đá Châu Viên, Đá Chữ Thập, Cụm đá Ga Ven, Đá Gạc Ma, Đá Tư Nghĩa, Đá Vành Khăn, Đá Xu Bi.
CSIS.Ngày 12 tháng bảy năm 2016. Theo Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế

Trần H Sa lược dịch

Hôm nay, Hội đồng trọng tài tại Tòa án Trọng tài Thường trực ở The Hague đưa ra một phán quyết được chờ đợi từ lâu về vụ kiện của Manila chống lại tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh ở Biển Đông. Tòa án gồm năm thẩm phán được thành lập theo quy định giải quyết tranh chấp bắt buộc của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS), và mặc dù Trung Quốc từ chối tham gia tố tụng, phán quyết của nó là tối hậu và mang tính ràng buộc pháp lý.
Để có một cái nhìn sâu hơn về phán quyết của tòa án và các lãnh vực tranh chấp về mặt pháp lý ở Biển Đông, hảy tham quan bản đồ tương tác mới của Sáng kiến Minh bạch hàng hải châu Á.

Hỏi 1: Tòa án đã phán quyết điều gì ?

Trả lời 1: Các thẩm phán đã đưa ra một quyết định nhất trí ủng hộ Philippines với đa số áp đảo, về những tuyên bố chủ quyền mà nó đã thực hiện để chống lại Trung Quốc. Họ vô hiệu hóa các tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh về quyền lịch sử mập mờ thông qua đường chín gạch ngang, tìm thấy rằng bất kỳ tuyên bố chủ quyền nào ở Biển Đông đều phải được thực hiện dựa trên các quyền hàng hải khởi từ các tính năng đất đai. Tòa án phán quyết rằng bất cứ quyền lịch sử nào đó mà trước đây Trung Quốc có thể đã tuyên bố thì bây giờ nó ở trong những gì được gọi là vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) hoặc thềm lục địa của nước khác và đã bị vô hiệu hóa bởi sự phê chuẩn UNCLOS. Về vấn đề quyền hàng hải cụ thể trên các tính năng tranh chấp, tòa án thấy rằng bãi cạn Scarborough là một 'đá', chỉ có quyền lãnh hải 12 hải lý. Các thẩm phán không thể phán quyết chủ quyền của bãi cạn đó, nhưng đã phán quyết rằng Trung Quốc vi phạm các quyền đánh cá truyền thống của người dân Philippines bằng cách không cho phép họ đánh cá ở bãi cạn này. Đáng chú ý là tòa án cho biết cũng đã xét thấy điều tương tự đối với ngư dân Trung Quốc nếu họ bị ngăn cản tiếp cận vào bãi cạn bởi Philippines.

Ở quần đảo Trường Sa, tòa đã gây ngạc nhiên cho nhiều nhà quan sát bằng việc quyết định về tình trạng pháp lý của tất cả các tính năng được đệ trình bởi Philippines. Tòa án phán xét rằng không đảo nào trong quần đảo Trường Sa, bao gồm các tính năng tự nhiên lớn nhất - đảo Itu Aba (Thái bình ) , đảo Thị Tứ, Đảo Trường Sa, Song tử Đông và Song tử Tây - là những hòn đảo hợp pháp, bởi vì chúng không thể duy trì một cộng đồng con người ổn định hoặc đời sống kinh tế độc lập. Như vậy, chúng chỉ được hưởng lãnh hải, không có EEZ hay thềm lục địa. Trong số bảy hòn đảo ở Trường Sa bị chiếm đóng bởi Trung Quốc, tòa án đồng ý với Philippines rằng Đá Gạc ma, Đá Châu Viên và Đá Chữ Thập là đá, trong khi Đá Tư nghĩa và Đá Vành khăn chìm dưới nước vào lúc thủy triều dâng, và do đó nói chung không có quyền lợi hàng hải. Tòa không đồng ý với Philippines về vấn đề đá Ga Ven, xét rằng nó là một tảng đá, không phải là một vùng nửa chìm nửa nổi, cũng như với Kennan Reef (mà Trung Quốc không chiếm nhưng đã được giới thiệu vào vụ kiện). Ngoài ra, tòa án phán quyết rằng Bãi Cỏ Mây và Bãi Cỏ Rong đang ở dưới mặt biển và thuộc thềm lục địa của Philippines.

Tóm lại, những quyết định này có hiệu quả làm mất hiệu lực bất kỳ yêu sách chủ quyền nào của Trung Quốc ở trong đường chín gạch ngang, qua đó không thể có nhiều hơn chính bản thân các hòn đảo tranh chấp và lãnh hải mà chúng tạo ra (ngoại trừ chung quanh quần đảo Hoàng Sa xa hơn về phía bắc). Ngoài ra, các thẩm phán phán quyết rằng Trung Quốc đã vi phạm những trách nhiệm của mình theo UNCLOS, bằng cách kích hoạt phá hủy môi trường rộng rãi thông qua việc xây dựng các đảo nhân tạo; vi phạm quyền chủ quyền của Philippines bằng cách can thiệp vào việc thăm dò dầu khí ở Reed Bank; và xây dựng bất hợp pháp một cơ sở trên đá Vành khăn, nằm ​​trên thềm lục địa của Philippines. Vấn đề duy nhất mà tòa án xét rằng nó thiếu thẩm quyền, là những gì liên quan đến việc phong tỏa và sách nhiễu khác của Trung Quốc đối với quân đội của Philippine trên con tàu vô chủ BRP Sierra Madre tại Bãi Cỏ Mây. Vấn đề đó nằm trong vùng ngoại lệ đối với trọng tài, liên quan đến các vấn đề quân sự, mà Trung Quốc đã tuyên bố theo Điều 298 của UNCLOS.

H 2: Điều gì xảy ra tiếp theo?

TL 2: Trung Quốc cho thấy rõ ràng rằng nó sẽ không chấp nhận bất cứ quyết định nào của tòa án, và không có một cơ chế thực thi nào cho phán quyết. Tuy nhiên, Trung Quốc sẽ phải chịu mất mát danh dự đáng kể từ phán quyết, và điều này có thể giúp Bắc Kinh nhận thức được sai lầm từ trung hạn đến dài hạn, hầu mang các tuyên bố chủ quyền của mình trở thành phù hợp với luật pháp quốc tế và đối xử công bằng với Manila và các bên tranh chấp chủ quyền khác. Nhận ra điều này, Philippines và các đối tác như Nhật Bản và Hoa Kỳ sẽ không chỉ phát hành thông báo của họ kêu gọi cả hai bên phải tuân theo phán quyết, mà họ còn sẽ thúc giục nhiều quốc gia khác có khả năng làm điều tương tự.

Trong lịch sử, các cường quốc thường chống đối phán quyết của toà án quốc tế, cuối cùng chỉ tìm thấy một cách thức khôn ngoan khả dĩ chấp nhận được là thỏa hiệp với chúng. Liệu có hay không việc Bắc Kinh sẽ đi theo mô hình đó vẫn là một câu hỏi mở, và vì vậy đây sẽ là một trường hợp thử nghiệm quan trọng để xác định liệu một sự đồng thuận quốc tế mạnh mẽ có thể được duy trì hay không, trước việc Trung Quốc từ chối luật pháp quốc tế và liệu cuối cùng Bắc Kinh sẽ thoả hiệp với mong đợi của các nước láng giềng của nó hay không.

Bắc Kinh thừa nhận rằng sự đoàn kết quốc tế sẽ là yếu tố quyết định thực sự, liệu vụ án có tác động lâu dài hay không, và đã từng hoạt động để tập hợp các nước ũng hộ một phản biện rằng Trung Quốc là nạn nhân. Mặc dù chính phủ Trung Quốc tuyên bố ngược lại, nỗ lực này đã thành công một cách hạn chế. Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á của CSIS ghi nhận rằng, ngay trước phán quyết này, chỉ có tám quốc gia đứng về phía Trung Quốc, cho là thủ tục tố tụng của tòa án là bất hợp pháp, trong khi đó 40 nước đã lên tiếng hỗ trợ kết quả như là có tính ràng buộc về mặt pháp lý.

Bây giờ nói thẳng ra rằng phán quyết có sẽ đạt được sự đồng thuận nhiểu hơn nửa không ? Và bao nhiêu nước sẽ tiếp tục làm như vậy trong các cuộc gặp song phương, các diễn đàn quốc tế, và các cuộc bỏ phiếu của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc trong thời gian sắp tới, qua đó có thể làm cho Trung Quốc nhận thức được cái giá phải trả mà nó phải tự gánh chịu ? Mọi con mắt đều nhìn vào việc liệu các nước láng giềng gần nhất của Philippines trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á, những nước có mức độ khác nhau trong quan hệ với Trung Quốc, sẽ có thể phát triển một tuyên bố chung về phán quyết của tòa án hay không. Cuối cùng, sự thành công trong nỗ lực pháp lý của Manila không phụ thuộc vào kết quả tức thì của phán quyết này, mà phụ thuộc vào việc liệu Philippines và các nước cùng chí hướng, trong đó có Hoa Kỳ có thể duy trì áp lực danh dự đủ hay không, để cuối cùng thuyết phục Bắc Kinh tìm kiếm một lối thoát nhằm bảo vệ sĩ diện.

H 3: Trung Quốc có thể phản ứng trong ngắn hạn như thế nào ?

TL 3: Phản ứng của Trung Quốc sẽ phụ thuộc vào việc Bắc Kinh quyết định nó vẫn còn có bao nhiêu phạm vi để khéo léo theo sau phán quyết, cũng như phản ứng của Philippines, Hoa Kỳ, và những nước khác. Trung Quốc có thể không thực hiện bất kỳ động thái nào ngay tức thì ngoài việc công khai bác bỏ phán quyết của tòa án. Là nước chủ nhà của Hội nghị thượng đỉnh G-20 vào đầu tháng Chín, cùng với một đề nghị từ tổng thống mới của Philippines, Rodrigo Duterte, về việc đàm phán giảm căng thẳng và chia xẻ tài nguyên, Bắc Kinh có thể đáp ứng với sự kềm chế trong thời gian này. Nếu vậy, đây sẽ là một cơ hội quan trọng để đối thoại.

Nhưng trong chiều hướng sâu rộng hiện nay của phán quyết đối với một số trong những lý lẽ cốt lõi, mà đã cũng cố cách tiếp cận của Trung Quốc trong ứng xử với biển Đông, Bắc Kinh có thể cảm thấy bắt buộc phải chứng minh rằng, nó không hề nao núng khi đối mặt với những gì, mà một số trong các lãnh đạo cao cấp Trung quốc chắc chắn sẽ thấy như là một chiến dịch có dự tính của Mỹ và đồng minh, làm suy yếu các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc. Việc cải tạo đất liên tục và sự leo thang hoạt động của Trung Quốc trong hai năm qua cũng cho thấy rằng Bắc Kinh cuối cùng sẽ phản ứng với phán quyết của ngày hôm nay bằng cách leo thang những tranh chấp. Làm như vậy sẽ phục vụ như là sự trả đũa chống lại việc Manila từ chối bỏ qua vụ kiện, đồng thời có thể ngăn cản những nước khác như Việt Nam và Indonesia theo sau bước chân của Philippines, và sẽ gửi một thông điệp rằng Trung Quốc sẽ không bị ràng buộc bởi phán quyết. Những bước này có nhiều khả năng xảy ra một vài tháng sau, kể từ bây giờ, sau hội nghị G20, nhưng cũng có thể đến sớm hơn.

Một hành động trả đũa có thể là xây dựng đảo tại bãi cạn Scarborough. Bắc Kinh đã quyết tâm thực hiện cải tạo đất tại Scarborough hồi tháng Ba nhưng bị ngăn cản bởi tín hiệu mạnh mẽ từ Washington, bao gồm các hoạt động mở rộng của tàu sân bay USS John C. Stennis ở khu vực, các cuộc tuần tra gần bãi cạn bởi máy bay A-10 Warthogs mà đã dược triển khai tới căn cứ không quân Clark, và những cảnh báo trực tiếp từ Tổng thống Barack Obama và Bộ trưởng Quốc phòng Ashton Carter. Vị trí của bãi cạn Scarborough - chỉ cách Manila 185 hải lý và nằm gần lối vào eo biển Luzon tách Philippines và Đài Loan - làm cho việc thành lập một căn cứ quân sự của Trung Quốc ở đó có tính chiến lược không thể chấp nhận được cho cả Washington và Manila. Cải tạo đất cũng sẽ kèm theo những mất mát ngoại giao và kinh tế rất lớn, và sẽ khó khăn - mặc dù không phải không thể - để ngăn chặn nếu Trung Quốc cương quyết thực hiện mưu toan.

Thậm chí với leo thang nhiều hơn, mặc dù có lẽ ít có khả năng, phản ứng của Trung Quốc có thể là sự áp đặt một cuộc phong tỏa đối với toán thủy quân lục chiến Philippines đang đồn trú trên chiếc tàu vô chủ BRP Sierra Madre tại Bãi Cỏ Mây. Tàu Trung Quốc đã ngăn chặn tiếp tế cho những người lính ấy trong vài tháng, hồi đầu năm 2014, buộc Philippines phải thả dù tiếp tế bằng đường hàng không. Cuối cùng một tàu dân sự Philippines chở các nhà báo quốc tế và trong nước đến nơi phong tỏa và các tàu Trung Quốc rút lui. Một cuộc phong tỏa mới có thể dẫn đến bạo lực, từ đó lôi kéo quân đội Mỹ vào một đáp trả trực tiếp, theo yêu cầu của hiệp ước phòng thủ chung với Philippines.

Sự trả đủa khác có thể bao gồm việc tiến đến lịch trình hành động mà Bắc Kinh đã quyết định thực hiện. Trung Quốc có thể triển khai sự luân phiên đầu tiên của máy bay chiến đấu đến các cơ sở của mình trên đá Chử Thập, Subi, và đá Vành khăn. Các đường băng ở cả ba nơi đó đã được xây dựng để thích nghi với máy bay chiến đấu, và, ít nhất là ở Đá Chữ Thập, các nhà chứa máy bay đã được xây dựng để chứa chúng. Bắc Kinh cũng có thể quyết định tuyên bố 'đường cơ sở quần đảo' chung quanh quần đảo Trường Sa - một điều gì đó mà nó đã tự ý thực hiện một cách rõ ràng kể từ khi thiết lập đường cơ sở chung quanh đất liền và quần đảo Hoàng Sa vào năm 1996. Làm như vậy sẽ là một mối đe dọa nghiêm trọng đối với tự do hàng hải, vì rốt cuộc sẽ là một tuyên bố rằng các vùng biển bên trong nhóm Trường Sa là vùng nội thuỷ của Trung Quốc, đóng cửa tất cả các giao thông trên mặt biển và hàng không của bất kỳ quốc gia nào khác. Nó cũng sẽ là một sự vi phạm trực tiếp phán quyết của tòa án ngày hôm nay.

Việc triển khai các tài sản trên bầu trời và vẽ đường cơ sở thẳng chung quanh quần đảo Trường Sa cũng sẽ có thể là tiền thân cho một sự leo thang nghiêm trọng khác : tuyên bố một Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên Biển Đông. Như đã xảy ra khi Trung Quốc tuyên bố một ADIZ trên Biển Hoa Đông vào năm 2013, quân đội của Hoa Kỳ và Nhật Bản, cùng với hầu hết các quốc gia yêu sách chủ quyền khác và những nước khác như Australia, sẽ nhanh chóng vi phạm vùng nhận dạng. Nhưng hầu hết, nếu không phải tất cả, không lưu dân sự sẽ thực hiện theo yêu cầu của Trung Quốc. Điều này sẽ không chỉ nâng cao rủi ro cho các sự cố không đối không giữa các quân đội, mà còn sẽ đại diện cho một nỗ lực để thiết lập 'de facto' ( trên thực tế nhưng không có tính pháp lý ), nếu không là 'de jure' ( được xác định có tính pháp lý ), kiểm soát các hoạt động dân sự trên toàn Biển Đông.

Đây chỉ là một số trong những hoạt động leo thang có thể có, mà Trung Quốc có thể thực hiện để đáp trả với phán quyết của ngày hôm nay. Nhưng tất cả chúng đều chỉ ra rằng trong khi quyết định của tòa án có thể có ích trong việc quản lý các tranh chấp ở Biển Đông về lâu về dài, kết quả trong ngắn hạn có thể sẽ là căng thẳng tăng cao.

Đồng tác giả :


_ Gregory B. Poling : Giám đốc chương trình Sáng kiến ​​Minh bạch hàng hải châu Á, và là thành viên Chương trình Đông Nam Á tại CSIS.





_ Michael J. Green : Phó Chủ tịch khu vực Châu Á và Chủ tịch Nhật Bản tại CSIS.




_ Bonnie S. Glaser : Cố vấn cao cấp đặc trách châu Á và Giám đốc Dự án sức mạnh Trung Quốc tại CSIS.





_ Murray Hiebert : Cố vấn cao cấp và Phó Giám đốc Chương trình Đông Nam Á tại CSIS.





_ Christopher K. Johnson : Cố vấn cao cấp và quyền chủ tịch nghiên cứu Trung Quốc tại CSIS.





_ Amy Searight : Cố vấn cao cấp và Giám đốc Chương trình Đông Nam Á tại CSIS.







-----------------------------------|||----------------------------------------



Bài đăng phổ biến từ blog này

Trung Quốc đang đụng đầu với khủng hoảng ?

Nỗi sợ ngân hàng gây thêm đau đầu cho nền kinh tế Trung Quốc.

Xung đột vũ trang ở Biển Đông.