DÂN CHỦ LÀ KHÁI NIỆM CỦA PHƯƠNG TÂY?

Hình Internet


Những người có thái độ hoài nghi về văn hóa khẳng định rằng, vì dân chủ là sản phẩm trong lĩnh vực trí tuệ và chính trị của phương Tây và truyền thống khai sáng của châu Âu, và vì không thể tìm được nguồn gốc của tư duy và thực hành dân chủ hiện đại ở bên ngoài phương Tây, cho nên chúng ta phải kết luận rằng dân chủ là hiện tượng văn hóa có một không hai của phương Tây, không phải là phổ quát. Nhưng như Amartya Sen từng viết: “Không thể tìm được cuộc tranh đấu vì dân chủ và tự do chính trị theo nghĩa hiện đại của từ này trước thời Khai sáng tại bất cứ nơi nào trên thế giới, cả Tây lẫn Đông. Thay vào đó, cái chúng ta phải khảo sát là các phần tử, các thành tố của cái tư tưởng phức hợp này”. Và theo khía cạnh này, Sen và nhiều nhà tư tưởng cũng như học giả khác ở châu Á đã tìm được “sự hiện diện mạnh mẽ” của rất nhiều thành tố như thế.

Xin xem xét truyền thống Nho giáo. Sen cũng như bất kỳ chuyên gia nào về Nho giáo đều không khẳng định rằng truyền thống triết học và đạo đức cao quý này về cơ bản là dân chủ. Cốt lõi của nó là đặc quyền đặc lợi và không có lời biện hộ nào cho những quy tắc căn bản của chế độ dân chủ như chủ quyền của nhân dân và cạnh tranh để giành quyền lực. Nhưng, Sen viết: “Khổng Tử không bảo người ta trung thành một cách mù quáng với nhà nước. Khi Tử Lộ hỏi: “Phục vụ nhà vua như thế nào?” Khổng Tử đáp: “Hãy nói sự thật ngay cả khi nó làm ông ta khó chịu”. Và đó cũng là, Sen nhận xét, lời khuyên của Nho giáo để chống lại chính phủ tồi dở.

Trong một bài viết để trả lời Lý Quang Diệu vào năm 1994, một nhà bất đồng chính kiến Hàn Quốc, ông Kim Dae Jung (ba năm sau được bầu làm tổng thống Hàn Quốc) ca ngợi “di sản phong phú của các triết lý và truyền thống theo hướng dân chủ của châu Á. Trong đó có trước tác của Mạnh Tử, một nhà triết học người Trung Quốc. Mạnh Tử nói rằng nhân dân có thể “nhân danh Trời” để lật đổ nhà vua, nếu ông ta không tạo được chính quyền tốt, và tôn giáo Tonghak ở Triều Tiên, tư tưởng của nó đã “truyền cảm hứng và động lực cho gần nửa triệu nông dân nổi dậy vào năm 1894 nhằm chống sự bóc lột của chính quyền phong kiến bên trong và các lực lượng đế quốc bên ngoài”.3 Trên thực tế, Kim [Dae Jung] nói rằng, khi châu Âu còn chìm trong chế độ phong kiến thì Trung Quốc và Hàn Quốc đã được hưởng chế độ khai sáng, tức là chế độ đánh giá cao tự do ngôn luận, thực hành chế độ pháp quyền, tuyển dụng quan lại trên cơ sở tài năng và đức hạnh và tạo điều kiện cho các sỹ phu và quan lại ngăn chặn hiện tượng lạm dụng quyền lực. Chắc chắn là, đây vẫn là chế độ quân chủ, Hahm Chaibong, một học giả về Khổng giáo hàng đầu ở Hàn Quốc, giải thích như thế. Nhưng nó đã tạo ra truyền thống “đối lập với chế độ chuyên chế” và “nghi ngờ quyền lực nhà nước”, đấy là tiền thân của chủ nghĩa tự do, nếu không nói là tiền thân của chế độ dân chủ.1 Mặc dù Khổng giáo không có triết lý hay kinh nghiệm lịch sử về chế độ dân chủ như nó vốn thế, sự trớ trêu đối với Hahm là chế độ dân chủ tự do ở các nước Đông Á đương đại như Nhật Bản, Hàn Quốc, và Đài Loan đã “mở ra không gian tự do ... trong đó truyền thống Nho giáo về tư duy đúng đắn và phê phán về mặt đạo đức... lần đầu tiên có thể trở thành hiện thực”.

Sen chứng minh rằng, trong nhiều truyền thống văn hóa của Ấn Độ, đã có những cơ sở vững chắc cho việc tôn trọng tính đa nguyên, lòng khoan dung, sự đa dạng và tính độc lập của tâm trí. Vì một điều là, “khó mà vượt qua được truyền thống Ấn Độ trong việc tranh luận bất tận và kỹ lưỡng.” Thế kỷ III trước Công nguyên, hoàng đế Ashoka đã bênh vực “lòng khoan dung có tính bình đẳng và phổ quát”, xuyên suốt nhiều trước tác, trong đó có kịch và chỉ dụ trong giai đoạn về sau. Hoàng đế Mông Cổ, Akbar, trị vì trong nửa cuối thế kỷ XVII, đã khuyến khích lòng khoan dung và tự do thờ phụng và thực hành tôn giáo trong khi “Toà án giáo hội đang bóp nghẹt châu Âu.”  Nhiều hoàng đế Mông Cổ khác ở Ấn Độ cũng thực hành lòng khoan dung và tôn trọng sự khác biệt vượt xa mức độ mà người ta từng biết đến ở châu Âu trong thời gian đó.

Kinh nghiệm của Ấn Độ về lòng khoan dung tôn giáo trong đế chế Hồi giáo là một trong những ví dụ về truyền thống lịch sử lâu dài của lòng khoan dung và tiến bộ trong những xã hội Hồi giáo ở Trung Đông. Nhiều và ngày càng có nhiều thêm các nhà tư tưởng Hồi giáo theo đường lối tự do khẳng định rằng vấn đề mà văn hóa Hồi giáo đang gây ra cho chế độ dân chủ không xuất phát từ Hồi giáo, như một tôn giáo hoặc xuất phát từ cội rễ văn hóa của nó, mà phần lớn là từ một loạt những biến đổi xã hội và chính trị trong khu vực, bắt đầu từ thế kỷ XIX. Xin trích dẫn một học giả được kính trọng người Morocco, Abdou Filali-Ansary: “Một số người Hồi giáo thời hiện đại... đã nâng những điều kiện và luật lệ mà tổ tiên thời trung cổ của họ từng sống thành chuẩn mực” hay nghĩa vụ về mặt văn hóa và tôn giáo. Những điều được truyền bá một cách rộng rãi trở thành kim chỉ nam theo nghĩa đen của từ này. Bây giờ, Filaii-Ansary và nhiều người Hồi giáo theo trường phái tự do khác khẳng định rằng Hồi giáo có thể và phải hòa giải với dân chủ.

Tất nhiên, sẽ là lạm dụng niềm tin khi gợi ý rằng bất kỳ cách giải thích mới nào về Hồi giáo (hoặc Nho giáo hoặc Thiên Chúa giáo) của những người theo phái tự do cũng chứng minh một cách thuyết phục rằng nó là tôn giáo dân chủ về bản chất. Nhưng, việc xét lại này là những lời tuyên bố trái ngược với quan niệm cho rằng tôn giáo và dân chủ là những hiện tượng không tương thích với nhau. Cũng như với các tôn giáo khác, “người ta có thể tìm được trong học thuyết Hồi giáo và truyền thống Hồi giáo những yếu tố tương thích và những yếu tố không tương thích với dân chủ; và điều này, đến lượt nó, có nghĩa là ảnh hưởng của các tôn giáo phụ thuộc, ở mức độ rất đáng kể, vào cách giải thích và người giải thích nó.”

Trong những năm gần đây, không chỉ các nhà tư tưởng Hồi giáo theo trường phái tự do mà nhiều học giả, nhiều chuyên gia và các nhà hoạt động xã hội dân sự trong thế giới Ả Rập đã và đang lên tiếng thách thức sự thiếu tự do và dân chủ trong toàn bộ thế giới Ả Rập. Các tác giả Ả Rập trong báo cáo thứ nhất với nhan đề Arab Human Development Report (Báo cáo về phát triển con người trong các nước Ả Rập) – một tài liệu đặc biệt do Chương trình Phát triển của Liên hiệp quốc xuất bản năm 2002, công nhận rằng quá trình dân chủ hóa đã “hầu như không đến được các nước Ả Rập. Tiếu tự do sẽ làm chậm sự phát triển con người là một trong những biểu hiện đau đớn nhất của sự tụt hậu về phát triển chính trị.” Họ tiếp tục (theo cùng hướng, được nhắc lại trong những báo cáo tiếp theo):

Có thể không có triển vọng thực sự cho việc tái định hình hệ thống quản trị, hoặc cho việc giải phóng thực sự các khả năng của con người khi không có đại diện chính trị toàn diện trong những cơ quan lập pháp hiệu quả, dựa trên những cuộc bầu cử tự do, có hiệu lực và định kỳ. Muốn cho nguyện vọng của nhân dân được thể hiện một cách đúng đắn và quyền lợi của họ được bảo vệ một cách phù hợp thì nền quản trị phải trở thành thực sự đại diện và có trách nhiệm giải trình một cách đầy đủ.

Cuối cùng, cần ghi nhận rằng những người ủng hộ nổi bật nhất cho các giới hạn văn hóa đối với dân chủ, từ bên trong những nước ngoài phương Tây, tức là những nước được coi là có những giá trị độc tài, lại chính là những nhà lãnh đạo độc đoán của những nước này và những người phát ngôn của họ. Trong khi Lý Quang Diệu và các nhà lãnh đạo Singapore khác là những nhân vật nổi bật, thì những nhà độc tài ở châu Phi như Yoweri Museveni của Uganda và Robert Mugabe của Zimbabwe, cũng như các nhà lãnh đạo ở Ả Rập, Miến Điện, và Trung Quốc, cũng đưa ra những lời biện hộ tương tự. Trong những lời phản kháng của họ có một sự trùng hợp rõ rệt về quyền lợi chính trị và luận cứ thể hiện toàn bộ lời tuyên bố mà Kim Dae Jung đưa ra khi nói về Lý [Quang Diệu]: “vị kỷ.” Làm sao mà một nhà độc tài, không được dân bầu một cách tự do, có thể tuyên bố là tiếng nói duy nhất và đúng đắn của xã hội và nền văn hóa của mình? Các nhà lãnh đạo chính phủ và các bộ trưởng “không có độc quyền trong việc giải thích nền văn hóa và các giá trị của địa phương mình”, Sen viết như thế.

“Điều quan trọng là phải lắng nghe tiếng nói của bất đồng chính kiến trong tất cả các xã hội. Aung San Suu Kyi có tính chính danh không kém – thực ra, rõ ràng là hơn – trong việc giải thích những điều mà người Miến Điện muốn hơn là những quân nhân đang cầm quyền ở Myanmar, những ứng cử viên của giới quân nhân đã bị đánh bại trong cuộc bầu cử công khai trước khi bà bị bắt giam.”


(Trích từ TINH THẦN DAN CHỦ của LARRY DIAMOND, PHẠM NGUYÊN TRƯỜNG dịch )

-----------------------------|||----------------------------------

Bài đăng phổ biến từ blog này

Trung Quốc đang đụng đầu với khủng hoảng ?

Nỗi sợ ngân hàng gây thêm đau đầu cho nền kinh tế Trung Quốc.

Xung đột vũ trang ở Biển Đông.