Mỹ-Trung: Một sự đồng thuận mới cho cạnh tranh chiến lược ở Washington

Đã có những căng thẳng trong quá khứ, nhưng lần này thì khác.

Hình ảnh: AP Photo / Andy Wong

Satoru Mori....Ngày 30 tháng 1 năm 2019....Theo The Diplomat

Trần H Sa lược dịch
     
Trong quá khứ, bất cứ khi nào một sự kiện hoặc một hành động đầy kịch tính tạo ra căng thẳng giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, nó sẽ được theo sau bởi một giai đoạn giảm căng thẳng và ổn định. Có phải chúng ta đang chứng kiến ​​một giai đoạn khác của chu kỳ ổn định - căng thẳng này, hay chúng ta đang ở trên đỉnh của một thể loại mới về chất lượng trong cách tiếp cận của Hoa Kỳ đối với Trung Quốc, được mô tả bằng cụm từ "cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc?" Những nỗ lực của Hoa Kỳ đẩy lùi Trung Quốc, có sẽ tăng cường đến mức mà Hoa Kỳ có thể chấp nhận và nhận lãnh những hậu quả của việc tách rời hai quốc gia ? Đây là những câu hỏi có tác động vượt ra khỏi tầm tay của chính quyền Trump và những hậu quả tiềm tàng không chỉ đối với Hoa Kỳ mà còn đối với phần còn lại của thế giới.

Chu kỳ căng thẳng - ổn định

Quan hệ Mỹ-Trung đã chứng kiến ​​những giai đoạn căng thẳng, sau đó sẽ được kéo theo bằng một lắng dịu căng thẳng. Sự cố tại Quảng trường Thiên An Môn đã tạo ra một vụ náo động lớn ở Hoa Kỳ, nhưng chính quyền của George HW Bush đã làm việc để duy trì tình trạng "Tối huệ quốc" (MFN) cho Trung Quốc. Căng thẳng bùng phát trên eo biển Đài Loan từ năm 1995 đến 1996, nhưng cuối cùng chính quyền Clinton đã ủng hộ việc Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Chính phủ của George W. Bush đã gọi Trung Quốc là "đối thủ cạnh tranh chiến lược" và căng thẳng một lần nữa tăng vọt sau sự kiện được gọi là EP-3 năm 2001 (1), nhưng cuối cùng Hoa Kỳ đã xây dựng mối quan hệ hợp tác với Trung Quốc sau vụ tấn công khủng bố 11/9 và đưa ra Đối thoại kinh tế chiến lược (SED). Tổng thống Barack Obama về cơ bản, duy trì cách tiếp cận dựa trên hợp tác với Trung Quốc, nhằm giải quyết các vấn đề biến đổi khí hậu, đại dịch và các vấn đề toàn cầu khác, ngay cả khi đối mặt với sự quyết đoán của Trung Quốc ở vấn đề hàng hải tại châu Á, và các sự cố đáng kể về trộm cắp không gian mạng và gián điệp kinh tế của Trung Quốc.

Những căng thẳng này trong quan hệ Mỹ-Trung luôn được theo sau bởi sự ổn định bởi vì có những yếu tố hoạt động như những chấn lưu giữ thăng bằng trong mối quan hệ Mỹ-Trung. Đã từng có ít nhất ba loại chấn lưu giữ thăng bằng - chiến lược, kinh tế và tư tưởng. Trong Chiến tranh Lạnh, đó là chiến lược chống Liên Xô, qua đó đã ràng buộc Hoa Kỳ với Trung Quốc, và sau Chiến tranh Lạnh, đó là lợi ích kinh doanh - các ngành sản xuất của Hoa Kỳ bắt đầu hoạt động ở Trung Quốc để tận dụng lao động địa phương giá rẻ, và ngành tài chính Hoa Kỳ đầu tư vào Trung Quốc. Khi quan hệ kinh tế Mỹ-Trung phát triển, cách tiếp cận được gọi là hội nhập vào Trung Quốc đã được chứng minh rõ ràng hơn trên hai niềm tin : sự tham gia đó sẽ thúc giục Trung Quốc tự do hóa về mặt chính trị, và rằng Trung Quốc cuối cùng sẽ chấp nhận các quy tắc và chuẩn mực được yêu chuộng bởi các nền dân chủ tự do, để trở thành một bên liên quan có trách nhiệm. Tóm lại, suốt hai thập niên theo sau chấm dứt chiến tranh lạnh, lợi ích kinh tế và hai kỳ vọng vừa nêu đã thúc đẩy các tay chơi bên trong Hoa Kỳ hoạt động, để ổn định mối quan hệ Hoa Kỳ -Trung Quốc mỗi khi căng thẳng gia tăng giữa hai nước.

Sự hình thành liên minh chống Trung Quốc

Quan hệ Mỹ-Trung bắt đầu thoát khỏi chu kỳ ổn định - căng thẳng truyền thống, để bước vào thời kỳ cạnh tranh sâu sắc hơn vì các chấn lưu giữ thăng bằng thông thường, đã kết thúc trong thập niên qua vì nhiều lý do. Thứ nhất, các chính sách cưỡng bức chuyển giao công nghệ, trộm cắp sở hữu trí tuệ và các hoạt động thương mại không công bằng khác của Trung Quốc, đã cho phép các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc tước đi nguồn lực cạnh tranh công nghiệp của Hoa Kỳ, và tích cực giành lấy lợi nhuận mà các công ty Mỹ có thể kiếm được. Các điều kiện kinh tế như tăng tiền công ở Trung Quốc và lợi nhuận giảm của các công ty Mỹ hoạt động tại Trung Quốc, tiếp tục khiến các công ty Mỹ mất hứng thú đóng vai trò là nhân tố ổn định trong mối quan hệ song phương. Thứ hai, việc thực thi quyền lực trong nước của chính quyền Trung Quốc đã làm giảm các quyền tự do chính trị ở Trung Quốc, và khiến cho những người ở Washington tỉnh ngộ, hết tin tưởng rằng việc hội nhập sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho tự do hóa chính trị. Bài phát biểu của Chủ tịch Tập Cận Bình tại Đại hội Đảng 19 vào mùa thu năm 2017 và việc xóa bỏ giới hạn trong nhiệm kỳ nắm quyền, dường như đã làm xói mòn thêm bất kỳ kỳ vọng tích cực nào đối với sự tự do hóa của Trung Quốc. Thứ ba, hành vi đối ngoại của Trung Quốc ở Biển Đông và Biển Hoa Đông, các hoạt động không gian mạng độc hại và các hoạt động ảnh hưởng ở nước ngoài, đã khiến những người mong đợi Trung Quốc trở thành một bên "liên quan có trách nhiệm", đánh mất niềm tin mà họ đã gởi gắm vào Trung Quốc.

Kết quả là, các yếu tố từng phục vụ như là chiếc phanh trong nỗ lực đối đầu với Trung Quốc của Mỹ đã tiêu tan, đặc biệt là trong nhiều năm vừa qua. Trong khi đó, việc Trung Quốc bắt kịp Mỹ bằng cách gian lận và cố gắng vượt qua Hoa Kỳ trên các lãnh vực công nghiệp và kinh tế, đã tạo ra một cảm giác cấp bách mạnh mẽ, nhằm bảo vệ lợi ích của Hoa Kỳ khỏi một kẻ thù vi phạm luật lệ, đã vươn lên nắm quyền bằng cách lừa dối các quy tắc mà dường như nó đã cam kết. Nhu cầu nhận thức bảo vệ lợi ích của Hoa Kỳ đã biến các ngành công nghiệp sản xuất của Hoa Kỳ thành một tổ chức mang tính cách "chủ nghĩa dân tộc kinh tế", và biến ngành các công nghiệp công nghệ cao của Hoa Kỳ với giả thiết bị gián điệp Trung Quốc xâm nhập thành một tổ chức mang tính cách "chủ nghĩa công nghệ dân tộc". Hơn nửa, kể từ khi các ngành sản xuất và công nghệ tiên tiến tác động đến an ninh quốc gia, nhu cầu bảo vệ các nguồn tăng trưởng kinh tế, khả năng cạnh tranh và an ninh của các cơ sở công nghiệp Hoa Kỳ, đã cộng hưởng với cơ sở quốc phòng của Hoa Kỳ, mà từ lâu đã nghi ngờ về ý định của Trung Quốc, và sẵn sàng cũng như có thể chấp nhận các thách thức của cuộc cạnh tranh chiến lược dài hạn với Trung Quốc. Những biểu hiện xâm lược kinh tế, cuộc chiến tranh kinh tế của Trung Quốc, và việc thừa nhận về sự cần thiết phải bảo vệ "cơ sở đổi mới an ninh quốc gia" cũng như cụm từ "an ninh kinh tế là an ninh quốc gia", trong Chiến lược an ninh quốc gia năm 2017, là điển hình cho sự hội tụ của các nổ lực sức mạnh ở Hoa Kỳ. Sự hội tụ này cũng được thể hiện rõ ràng trong bài phát biểu của Phó Tổng thống Mike Pence vào tháng 10 năm 2018, cơ bản là một danh sách đầy đủ các khiếu nại của Hoa Kỳ chống lại Trung Quốc.

Cú đẩy ngược của Washington

Sự chuyển hướng của người Mỹ đối với cách tiếp cận cạnh tranh cho đến nay, bao gồm các hành động thực thi của Hoa Kỳ trong các lĩnh vực khác nhau. Các cơ quan ban ngành  điều hành của Hoa Kỳ - từ Đại diện Thương mại Hoa Kỳ, và các Bộ Quốc phòng, Thương mại, Tư pháp, Ngoại giao và những bộ khác - cũng như Quốc hội Hoa Kỳ, hiện đã cho thấy một sức ép toàn diện lên Trung Quốc.

Trong lĩnh vực kinh tế, nhiều người biết rằng một loạt các biện pháp trừng phạt đã được áp đặt với Trung Quốc vì các hoạt động thương mại không công bằng dựa trên các tuyên án của Chương 301. Một sĩ quan Trung Quốc làm việc tại Bộ Nội An đã bị bắt ở Bỉ và bị dẫn độ về Hoa Kỳ vào tháng 10 năm 2018 vì ăn cắp bí mật thương mại của Hoa Kỳ, và giám đốc tài chính của Huawei đã bị bắt ở Canada vì lừa đảo các ngân hàng quốc tế, để xóa các giao dịch với Iran và vi phạm lệnh trừng phạt . Sáng kiến ​​Trung Quốc của Bộ Tư pháp Hoa Kỳ là nhằm chống lại gián điệp kinh tế Trung Quốc.

Trong lĩnh vực an ninh công nghệ, "Đạo luật ủy quyền quốc phòng John S. McCain năm 2019" (NDAA 2019) đã mở rộng phạm vi điều chỉnh đầu tư của nước ngoài có tác động đến an ninh quốc gia thông qua "Đạo luật hiện đại hóa đánh giá rủi ro đầu tư nước ngoài" (FIRRMA), và các công nghệ then chốt xuất đi nước ngoài thông qua "Đạo luật cải cách kiểm soát xuất khẩu " (ECRA). Chương 889 của NDAA 2019 cũng cấm các cơ quan ban ngành điều hành mua sắm hoặc ký hợp đồng đối với một số thiết bị hoặc dịch vụ viễn thông được yểm trợ từ các công ty Trung Quốc như Huawei và ZTE.

Trong lĩnh vực cạnh tranh địa chính trị ở Ấn Độ-Thái Bình Dương, Hoa Kỳ đang thúc đẩy "chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và rộng mở", tập trung vào đầu tư cơ sở hạ 
tầng và phát triển tài chính được hỗ trợ bởi "Đạo luật BUILD", kết nối kỹ thuật số, an ninh mạng, truy cập năng lượng và bảo mật . Hoa Kỳ cũng được các đồng minh như Úc, Nhật Bản, Pháp và Vương quốc Anh hỗ trợ và duy trì luật pháp quốc tế ở Biển Đông, thông qua hoạt động tự do hàng hải. Quốc hội Hoa Kỳ cũng đã thông qua "Đạo luật Du lịch Đài Loan", "Đạo luật tiếp cận đối ứng với Tây Tạng" và "Đạo luật Sáng kiến ​​tái bảo hiểm châu Á".

Trong lĩnh vực quốc phòng, Bộ Quốc phòng đang mạnh mẽ tiến lên phía trước với những nỗ lực đổi mới quốc phòng, để áp dụng công nghệ tiên tiến như trí tuệ nhân tạo, robot, tốc độ siêu thanh, khoa học thông tin lượng tử, cùng một số khác cho mục đích quốc phòng của quốc gia. Quân đội Hoa Kỳ đang nghĩ ra khái niệm về các hoạt động chung, như trận chiến đa miền, và khám phá các mô hình chỉ huy và kiểm soát mới, để tăng cường khả năng tiếp tục vượt trội trên lãnh vực chiến tranh quy ước.

Sự gia tăng đồng thuận của Hoa Kỳ về cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc

Các nỗ lực đẩy lùi trong toàn bộ chính phủ có đại diện cho một sự đồng thuận mới trong Chiến tranh Lạnh ở Hoa Kỳ hay không? Quốc gia Hoa Kỳ quyết tâm kiên trì và chịu đựng vững chắc trong cuộc cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc như thế nào ? Lịch sử Hoa Kỳ cho thấy một sự đồng thuận quốc gia để đối đầu với một kẻ thù, xuất hiện bất cứ khi nào có quan niệm rằng, lối sống của người Mỹ bị đe dọa không chỉ từ nước ngoài mà còn từ nội bộ trong nước rồi lan rộng ra toàn quốc - có lẽ đó là một đặc điểm chính yếu của một xã hội mở được thành lập từ sự nhập cư . Khi chủ nghĩa cộng sản được coi là mối đe dọa về ý thức hệ đối với xã hội Mỹ, chủ nghĩa McCarthy (2) đã lan tràn cùng lúc với việc Hoa Kỳ bắt đầu kiềm chế Liên Xô. Nỗi sợ hãi khủng bố vẫn tồn tại sau vụ tấn công 11/9 khi "Đạo luật Yêu nước" được ban hành để giám sát và săn lùng những kẻ khủng bố xâm nhập Hoa Kỳ, trong khi Hoa Kỳ tiến hành cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu.

Liệu loại mô hình mối đe dọa bên trong / bên ngoài có áp dụng cho Trung Quốc ngày nay hay không? Thực tế thì dường như chính phủ Trung Quốc đã tiến hành các hoạt động ảnh hưởng bên trong Hoa Kỳ, và rằng Trung Quốc đã tước đi sở hữu trí tuệ và công nghệ tiên tiến của Hoa Kỳ - nguồn tài sản quốc gia dồi dào của Hoa Kỳ - và các thông tin liên quan đến quyền riêng tư của công dân Hoa Kỳ thông qua các phương tiện bất hợp pháp và hợp pháp; đang bắt đầu gây ra một phản ứng dị ứng bên trong nội bộ Mỹ. Công chúng Hoa Kỳ có thể chỉ đơn thuần biết về một hình ảnh Trung Quốc tiêu cực và có thể không nhận thức đầy đủ về các chi tiết cụ thể của các hoạt động xâm phạm và xâm lược của Trung Quốc vào lúc này; nhưng nỗ lực của chính phủ Hoa Kỳ để loại bỏ sự hiện diện độc hại của Trung Quốc dưới các hình thức như thiết bị kỹ thuật số và các "con chip" lan sang các công ty Mỹ; có thể sẽ tác động đến quan điểm của công chúng Hoa Kỳ về Trung Quốc. Sự bất chấp của Trung Quốc đối với việc Hoa Kỳ yêu cầu ngăn chặn vi phạm các quy tắc, các hoạt động độc hại và những vi phạm nhân quyền cũng có thể làm nặng thêm nhận thức của công chúng Hoa Kỳ.

Một khuôn mẫu ý tưởng đang nổi lên, trong đó các nhà lãnh đạo chính trị Mỹ từ cả hai phía tả hữu có thể ngày càng biện minh cho chính sách Trung Quốc của Mỹ ở trong một khuôn khổ thực chất rằng, Trung Quốc đang phá hoại sự thịnh vượng và an ninh của Mỹ. Những câu chuyện đối đầu tương tự về Trung Quốc đã được sử dụng trong quá khứ, đặc biệt là trong năm bầu cử, nhưng như đã đề cập trước đó, cấu trúc ẩn sâu bên dưới về cơ bản là khác nhau . Những phát triển hiện tại biểu thị sự xuất hiện của một sự đồng thuận mới trong cạnh tranh chiến lược ở Washington.

Có thể sự đồng thuận này sẽ lan rộng đến công chúng Hoa Kỳ và vẫn còn được nhìn thấy sự đồng thuận đó trong công chúng Hoa Kỳ. Tuy nhiên, nếu nó tăng đến mức đồng thuận toàn quốc, chính phủ Hoa Kỳ sẽ có thể tham gia vào "cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc" với sự kiên trì chấp nhận các rủi ro liên quan và chấp nhận cái giá phải trả cho các rủi ro đó.

Những thay đổi trong cách thức và phương tiện của cách tiếp cận của Hoa Kỳ đối với Trung Quốc là rõ ràng. Các đường lối đã thay đổi rõ ràng, từ hội nhập dựa trên cảm tính sang cạnh tranh dựa trên áp lực. Các phương tiện và biện pháp đang được kích hoạt bởi các ngành khác nhau của chính phủ Hoa Kỳ, như chúng ta đã thấy. Có thể có sự khác biệt trên quan điểm của Washington về sự kết thúc của cuộc cạnh tranh - liệu mục tiêu là thay đổi các hành vi và các hoạt động mơ hồ của Trung Quốc và buộc nó tuân thủ, hoặc là làm suy yếu đà lấn của Trung Quốc tiến đến địa vị quyền lực đứng đầu toàn cầu. Tuy nhiên, Hoa Kỳ đang kích hoạt các cách thức và phương tiện để tiến hành cạnh tranh chiến lược trên diện rộng, và nếu Trung Quốc tiếp tục trả đũa và chống lại các biện pháp thực thi quyền lực của Hoa Kỳ, thì quan điểm ngày càng lớn hơn của cộng đồng Washington có thể là hướng tới các mục tiêu thứ nhì chứ không phải là mục tiêu thứ nhất. (  làm suy yếu đà lấn của Trung Quốc tiến đến địa vị quyền lực đứng đầu toàn cầu.....THS )

Trump có thể đạt được thỏa thuận với Tập Cận Bình về các biện pháp nhằm giảm thâm hụt thương mại của Mỹ, và ông ấy có thể quyết định hoãn kích hoạt các biện pháp thuế quan bổ sung - một giao dịch chính trị ngắn hạn chỉ tạo ra một thời gian tạm lắng. Trump có thể muốn cho những người ủng hộ của mình vào năm 2020 thấy rằng, ông đã thực hiện tốt lời hứa của mình về giảm thâm hụt thương mại, vì vậy ông ấy có thể thực hiện một thỏa thuận cho phép Trung Quốc đưa ra kết quả về những thống kê thương mại năm 2019, bằng cách yêu cầu Hoa Kỳ tiến hành đánh giá định kỳ vào năm 2020. Nếu thâm hụt thương mại đã giảm, sau đó Trump có thể tuyên bố chiến thắng, nhưng nếu không, ông ta chỉ có thể tăng thuế và nói với những người ủng hộ rằng ông ta đang cứng rắn với Trung Quốc - cách này hay cách kia ông ta cũng sẽ có thể tự biện minh cho mình vào năm 2020. Những giao dịch chính trị này trên thương mại có thể tạo ra những thời gian tạm lắng ngắn hạn để tạo ấn tượng rằng chu kỳ ổn định -  căng thẳng đã trở lại. Tuy nhiên, mối quan hệ Mỹ-Trung được thúc đẩy bởi những động lực cạnh tranh sâu sắc hơn trong các lĩnh vực khác nhau và sự nổi dậy mạnh mẽ chống lại các hoạt động xâm lược cướp bóc của Trung Quốc có thể sẽ thúc đẩy mối quan hệ hướng tới sự cạnh tranh ngày càng mạnh thêm, tạo ra một quỹ đạo tăng tốc một cách ngoằn ngoèo. Việc điều chỉnh và quản lý các ma sát cơ bản giữa hai nước ngày càng trở nên khó khăn hơn. Trung Quốc sẽ phải chứng minh và đưa ra - chứ không phải là hứa hẹn - những cải cách trong nước toàn diện và chân thực, và nghiêm chỉnh tiết chế các hành vi đối ngoại của mình để tránh cạnh tranh toàn diện với Hoa Kỳ. Nếu không, thì thế kỷ này có thể sẽ chứng kiến ​​tất cả các rủi ro và tai họa của cạnh tranh chiến lược Mỹ -Trung.

*****

Satoru Mori là giáo sư tại Đại học Hosei, Nhật Bản.


CHÚ THÍCH : 

(1) Sự kiện EP-3E năm 2001 diễn ra trên không phận đảo Hải Nam  ngày 1 tháng 4 năm 2001. Đó là vụ va chạm trên không giữa chiếc EP-3E ARIES II của Hải quân Hoa Kỳ số hiệu máy bay thám thính (BuNo 156511) và chiếc máy bay tiêm kích đánh chặn J-8II của Hải quân Quân giải phóng Nhân dân Trung Quốc gây ra một sự kiện quốc tế giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc. Phi cơ chiến đấu Trung Quốc đã bay chặn sát chiếc máy bay thám thính của hải quân Mỹ, J-8II đã bị EP-3E ARIES II dùng bụng va chạm làm cho nó nổ tung, phi công của Trung quốc bị thiệt mạng. Sau đó, phi công Mỹ phải xin phép hạ cánh khẩn cấp xuống một phi trường ở đảo Hải Nam.  24 nhân viên phi hành đoàn chỉ được thả sau 11 ngày bị bắt giữ, sau khi chính phủ Mỹ tỏ ý "lấy làm tiếc".

(2) Thuật ngữ chủ nghĩa McCarthy ra đời năm 1950 liên quan đến chủ trương của McCarthy đã sớm được áp dụng cho những hoạt động chống cộng.


-------------------------------|||------------------------------------

Bài đăng phổ biến từ blog này

Trung Quốc đang đụng đầu với khủng hoảng ?

Nỗi sợ ngân hàng gây thêm đau đầu cho nền kinh tế Trung Quốc.

Xung đột vũ trang ở Biển Đông.