Tìm hiểu tinh thần chống bắc thuộc của người Việt trong từng giai đoạn lịch sử. PHẦN II.

Giai đoạn từ lập quốc đến bắc thuộc lần thứ nhất.

Hình ảnh chỉ có tính minh họa.

Trong phần I tôi đã trích : "Năm 1932, Hội nghị Khảo cổ học quốc tế về tiền sử Viễn Ðông xác nhận: “Văn hóa Hòa Bình là trung tâm phát minh nông nghiệp và sản xuất nông nghiệp cùng chăn nuôi gia súc đầu tiên trên thế giới. Trung tâm nông nghiệp Hòa Bình có trước vùng Lưỡng Hà 3000 năm.” (1)

Văn minh Lưỡng hà được các học giả quốc tế đánh giá là nền văn minh đứng trước văn minh Ai cập, văn minh Ấn độ và văn minh Hoàng hà (tức là nền văn minh Trung hoa). Các niên đại của tứ đại văn minh này được ghi nhận :
_ Văn minh Lưỡng hà : có khoảng từ năm 3500 Trước Công nguyên (TCN)
_ Văn minh Ai cập : có khoảng từ năm 3000 TCN.
_ Văn minh Ấn độ :  có khoảng từ năm 2500 TCN.
_ Văn minh Hoàng hà (tức là nền văn minh Trung hoa) : có khoảng từ năm 1500 TCN.

Như thế, nền văn minh Hoà bình, tức là nền văn minh người Việt có khoảng từ năm 6500 TCN. Vấn đề khảo cổ của các nhà khoa học có sự thiếu sót là tất yếu, vì họ bị ràng buộc vào các sự kiện chính trị, chiến tranh đương đại; tôi xin miễn lạm bàn để khỏi bị lạc đề.  Hiện nay, nguồn cổ sử của Việt Nam đều dựa vào những sự kiện được ghi lại ở sử Trung hoa có liên quan đến người Việt. Trong sử cổ Trung Hoa, lần đầu tiên từ "Việt" được nhắc đến trong bộ sách Lã thị Xuân Thu do Lã Bất Vi  hoàn thành vào năm thứ 8 đời Tần vương Chính (239 TCN). Từ năm 6500 TCN cho đến năm 239 TCN những gì của người Việt hầu như không được lưu lại. Đó là hậu quả của một chính sách tàn độc của giới lãnh đạo Trung hoa. 

Năm 1406, khi phát binh đánh Đại Ngu (Nước Việt ) , Minh Thành Tổ ( vua nước Trung hoa ) đã ban sắc viết :

"Khi binh lính vào nước Nam, trừ các kinh Nho gia, kinh Phật, đạo Lão không thiêu hủy. Ngoài ra, tất cả sách vở, văn tự cho đến các loại văn tự ghi chép ca lý dân gian, hay sách dạy trẻ con học… đều đốt hết. Phàm những văn bia do Trung Quốc dựng từ xưa thì đều phải giữ cẩn thận, còn các bia do An Nam dựng thì phá hủy tất cả, một chữ không để sót.
Năm 1407, Minh Thành Tổ ra chiếu lệnh thứ hai nhằm hủy diệt văn hóa triệt để hơn. Nhiều lần trẫm đã bảo các ngươi, phàm An Nam có văn tự gì, kể cả các câu hát dân gian,… các bia dù dựng lên một mảnh, hễ nom thấy là phá hủy hết. … Sách vở do quân lính bắt được phải ra lệnh đốt luôn, chớ được lưu lại. Sự hủy diệt đó khiến Ngô Sĩ Liên, nhà sử học chứng kiến những sự kiện này than rằng: Giáo mác đầy đường đâu cũng thấy quân Minh cuồng bạo. Sách vở cả nước thành một đống tro tàn. Năm 1418, nhà Minh sai Hạ Thanh và Hạ Thì sang thu các loại sách ghi chép về sự tích xưa của người Việt đưa về Trung Quốc." (2)

Đó là lý do mà nền văn minh của người Việt trải qua hơn 6250 năm không lưu lại được gì trên văn bản. Tuy nhiên, các vị học giả tiền bối như Lê văn Hưu, Ngô sĩ Liên, v...v... đã thu lượm từ các dữ kiện trong sách sử Tàu để hình thành nên bộ chính sử của nước Việt đầu tiên, với tên gọi Đại Việt sử ký toàn thư. Trên nền tảng của bộ sách này và quyển Việt Nam sử lược do Trần Trọng Kim biên soạn trong thời cận đại, tôi lần lượt theo dấu chân lịch sử để tìm hiểu tinh thần chống bắc thuộc của người Việt trong từng giai đoạn lịch sử, song song với một số được ghi chép trong sử ký Tư Mã Thiên của Trung hoa.

Ngày nay, các sử gia thống nhất nước Việt bị bắc thuộc lần đầu tiên là vào năm 111 TCN, dưới triều nhà Hán bên Tàu. Vì vậy, phần này tôi xin bàn về hai vấn đề khá lấn cấn thuộc sử Việt, để xác định nước Việt có bị bắc thuộc vào hai giai đoạn ngay sau thời Hùng Vương hay không, đó là thời kỳ An Dương vương và  thời kỳ Triệu Đà vua nước Nam Việt. 

_ Vấn đề thứ nhất, Thục Phán người nước Ba Thục đánh bại Hùng vương, lập nên nhà Thục (257 - 207 TCN ) đặt tên nước là Âu Lạc, đóng đô ở Phong Khê (nay thuộc huyện Đông Anh, tỉnh Phúc An), xưng là An dương Vương. Hai năm sau là năm bính ngọ (255 trước Tây Lịch), An Dương Vương xây Loa Thành (thành Cổ Loa ). Gốc tích nhà Thục được ghi trong Việt nam sử lược : "Nhà Thục chép trong sử nước ta không phải là nước Thục bên Tàu, vì rằng cứ theo sử nước Tàu thì đời bấy giờ đất Ba Thục (Tứ Xuyên) đã thuộc về nhà Tần cai trị rồi, thì còn có vua nào nữa. Vả, sử lại chép rằng khi Thục Vương Phán lấy được nước Văn Lang thì đổi quốc hiệu là Âu Lạc, tức là nước Âu Lạc gồm cả nước Thục và nước Văn Lang. Song xét trong lịch sử không thấy đâu nói đất Ba Thục thuộc về Âu Lạc. Huống chi lấy địa lý mà xét thì từ đất Ba Thục (Tứ Xuyên) sang đến Văn Lang (Bắc Việt), cách bao nhiêu đường đất và có bao nhiêu núi sông ngăn trở, làm thế nào mà quân nhà Thục sang lấy nước Văn Lang dễ dàng như vậy ? Sử cũ lại có chỗ chép rằng An Dương Vương, họ là Thục tên là Phán. Như vậy chắc hẳn Thục tức là một họ nào độc lập ở gần nước Văn Lang, chứ không phải là Thục bên Tàu. Sách "Khâm Định Việt Sử" cũng bàn như thế.". Hiện nay, có nhiều giả thuyết về nguồn gốc của Thục Phán, trong đó có thuyết coi họ Thục là thủ lĩnh của người Âu Việt (hay Tây Âu) ở phía bắc nước Văn Lang mà trung tâm là vùng Cao Bằng. 

Như vậy, việc An dương vương lên ngôi chỉ là việc thay đổi triều đại chứ nước Việt không bị thôn tính bởi ngoại xâm.

Việt Nam sử lược ghi : "Khi An Dương Vương làm vua nước Âu Lạc ở bên này, thì ở bên Tàu vua Thủy Hoàng nhà Tần, đã nhất thống thiên hạ. Đến năm đinh hợi (214 trước Tây lịch). Thủy Hoàng sai tướng là Đồ Thư đem quân đi đánh lấy đất Bách Việt (vào quãng tỉnh Hồ Nam, Quảng Đông và Quảng Tây bây giờ). An Dương Vương cũng xin thần phục nhà Tần. Nhà Tần mới chia đất Bách Việt và đất Âu Lạc ra làm ba quận, gọi là: Nam Hải (Quảng Đông), Quế Lâm (Quảng Tây) và Tượng Quận (Bách Việt)" . 

Sách Đại Việt sử ký toàn thư gọi Tượng quận là đất An nam, nhưng có ghi chú "Trước đây nhiều sách sử của ta và của Trung Quốc đều chú giải Tượng Quận là quận Nhật Nam, hay bao gồm cả ba quận Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam thời Hán, tức đất An Nam. Thuyết đó là dựa vào một câu cước chú của Hán Thư (q.28 hạ, tr. 11a) về quận Nhật Nam thời Hán: "Quận Nhật Nam - quận Tượng thời Tần ngày trước". Nhưng từ cuối thế kỷ XIX, thuyết đó đã bị phê phán. Chính Hán thư phần Bản Kỷ (q.7 tr.9a) chép rõ rằng: "Năm thứ 5 hiệu Nguyên Phương (76 TCN), bãi bỏ quận Tượng, chia đất vào hai quận Uất Lâm và Tường Kha". Quận Uất Lâm là vùng Quảng Tây, quận Tường Kha ở phía tây quận Uất Lâm và gồm một phần Quý Châu. Vậy Tượng Quận là miền tây Quảng Tây và nam Quý Châu. 

Điều này cho thấy Âu lạc chưa chính thức mất vào tay nhà Tần. Việt Nam sử lược cũng cho thấy "người bản xứ ở đất Bách Việt  không chịu để người Tàu cai trị, trốn vào rừng ở. Được ít lâu quân của Đồ Thư, vốn là người ở phương bắc, không chịu được thủy thổ, phải bệnh rất nhiều. Bấy giờ người Bách Việt thừa thế nổi lên giết được Đồ Thư" . Sách Hoài Nam tử, do Lưu An biên soạn, tả cảnh bại trận của quân Tần còn thê thảm hơn: “Trong 3 năm không cởi giáp dãn nỏ […] Người Việt đều vào trong rừng, ở với cầm thú, không ai chịu để cho quân Tần bắt. Họ cùng nhau đặt người kiệt tuấn lên làm tướng để ban đêm ra đánh quân Tần, đại phá quân Tần và giết được Đồ Thư, thây phơi huyết chảy hàng mấy chục vạn người” (3). Phần I, tôi đã trình bày dân Bách Việt có nguồn gốc xuất phát từ nền văn minh Hòa bình, hay nói khác đi xuất phát từ Âu Lạc. Toàn thể Bách Biệt ngày nay chỉ còn nước Việt Nam là không bị phương bắc thâu tóm. Vậy, có thể nói tinh thần chiến đấu của người Bách Việt, người Việt nêu trên chính là của người Âu Lạc.

Rỏ ràng, có thể An dương vương đã hàng Tần, nhưng dân Việt không đếm xỉa đến vua, tinh thần chống bắc thuộc của người Việt dưới thời An Dương Vương vẫn dũng mãnh đại phá quân Tần, đánh đuổi bọn xâm lược phương bắc, tiêu diệt đội quân được gọi là "thống nhất sơn hà, gồm thâu thiên hạ". 

Tinh thần này nên được người Việt hiện nay nhận biết và phát huy trước một nhà nước Việt Nam đang thần phục phương bắc một cách lộ liễu.

_ Thứ hai là vấn đề Triệu Đà. Khi nhà Tần bị tiêu diệt, nhà Hán lên ngôi ở Trung hoa, Triệu Đà người huyện Chân Định, trước làm quan úy, sau đó được làm lệnh ở huyện Long Xuyên, thuộc quận Nam Hải (Quảng Đông), lập tức đánh chiếm lấy cả Quế Lâm, Tượng Quận, tự lập làm Nam Việt Vũ Vương. Lúc đó, nước Âu lạc vẫn còn độc lập với Nam Việt của Triệu Đà như được sử ký Tư mã Thiên ghi :

"Sau khi Hán Cao Đế bình định được thiên hạ, thấy Trung Quốc mới khổ nhục, cực nhọc, nên tha Đà không trị tội. Năm thứ 11 (năm 196 trước Công nguyên), Hán sai Lục Giả sang, nhân tiện phong cho Đà làm Nam Việt Vương, chặt phù để làm tin, cho phép phái sứ giả đi lại với Trung Quốc, bảo phải hòa hợp với Bách Việt, không được gây việc lo ngại ở biên giới phía Nam. Nam Việt giáp giới với quận Trường Sa. Thời Cao Hậu, quan đương sự xin cấm không cho người Nam Việt vào mua đồ sắt. Đà nói:
- Cao Đế lập ta làm vương, cho sứ giả cùng hàng hóa được đi lại. Nay Cao Hậu nghe lời bọn bầy tôi gièm pha, cách biệt man di, cấm đứt khí vật,. Đó chắc là mưu kế của Trường Sa Vương. Ông ta muốn tìm cách dựa vào Trung Quốc, tiêu diệt Nam Việt để làm vua cả đất của ta. Đà bèn tự tôn là “Nam Việt Vũ Đế”; đem quân đánh các ấp ở biên giới quận Trường Sa, đánh bại mấy huyện rồi đi. Cao Hậu sai tướng quân Lâm Hi Hầu tên là Táo đến đánh. Gặp lúc trời nắng khí ẩm, quân lính bị bệnh dịch rất nhiều, nên quân Hán không qua được núi Dương Sơn. Được hơn một năm, Cao Hậu mất, liền bãi binh. Đà nhân đó, dùng uy lực uy hiếp nơi biên giới, đem đồ đạc của cải đút lót các nước Mân Việt, Tây Âu Lạc để bắt họ lệ thuộc theo mình."

"Năm đầu thời Hiếu Văn Đế (179 TCN ), Vua Hán bèn triệu Giả phong làm thái trung đại phu để đi sứ, nhân đấy trách Đà đã tự lập làm “đế” mà không hề phái sứ giả sang báo tin. Lục Giả đến nơi, Nam Việt Vương sợ hãi, làm giấy tạ tội rằng: “Thần tên là Đà, là một kẻ già ở man di. Ngày trước Cao Hậu gạt bỏ Nam Việt, thần trộm ngờ Trường Sa Vương đã gièm pha thần. Lại nghe đồn Cao Hậu giết hết họ hàng Đà, đào mồ mả, đốt hài cốt cha ông Đà. Vì thế nên liều mạng xâm phạm biên cảnh quận Trường Sa. Vả lại phương Nam đất thấp, ẩm, dân man di ở vào giữa. Ở phía Đông đất Mân Việt chỉ vẻn vẹn nghìn người, cũng xưng hiệu là “vương”; ở phía Tây, nước Âu Lạc là nước trần truồng, cũng xưng là “vương”. Lão thần trộm dùng bậy danh hiệu “đế” chỉ để tự vui, chứ đâu dám để nói đến tai bệ hạ? ”. 

Xem lại sử Việt thì thời kỳ An Dương vương chấm dứt vào năm 207 TCN, 28 năm sau, tức năm 179 TCN, Triệu Đà vẫn xác định nước Âu lạc có vua riêng qua câu nói "Ở phía Đông đất Mân Việt chỉ vẻn vẹn nghìn người, cũng xưng hiệu là “vương”; ở phía Tây, nước Âu Lạc là nước trần truồng, cũng xưng là vương”. Vậy thì chúng ta nên đặt lại nghi vấn câu chuyện Triệu Đà thôn tính Âu lạc qua truyền thuyết nỏ thần cùng câu chuyện Trọng Thủy Mỵ Châu. Phải chăng Triệu Đà "đem đồ đạc của cải đút lót các nước Mân Việt, Tây Âu Lạc để bắt họ lệ thuộc theo mình " như Tư Mã Thiên ghi chép nhưng đã không mua chuộc được người Âu lạc !? 

Có thể sau năm 179 TCN, Triệu Đà đã đút lót được các quan lại Âu Lạc, hoặc mua chuộc bằng quan hệ thông gia như câu chuyện Trọng Thủy Mỵ Châu, nhưng người dân Âu Lạc vẫn tồn tại độc lập; cho đến khi nhà Triệu của Nam Việt bị nhà Hán tiêu diệt, như sử ký Tư Mã Thiên ghi trong Nam Việt Úy Đà liệt truyện : "Năm thứ sáu niên hiệu Nguyễn Đỉnh (năm 111 trước Công nguyên).....Thương Ngô Vương là Triệu Quang là người cùng họ với Việt Vương, nghe quân nhà Hán đến, cùng quan huyện lệnh Kê Dương của Việt tên là Định tự quyết định đi theo nhà Hán; quan giám quận Quế Lâm của Việt tên là Cư Ông dụ dân Âu Lạc đi theo nhà Hán." 

Tôi có thể đặt ra giả thiết khá logic là, các quan lại Âu Lạc đã thần phục Nam Việt nhưng người dân Âu Lạc thì không. Nếu dân Âu Lạc đã thần phục Nam Việt thì khi nhà Hán chiếm Nam Việt, không thể có câu chuyện "dụ dân Âu Lạc đi theo nhà Hán" như Tư Mã Thiên chép lại ở trên. 

Tóm lại, qua kỷ nhà Thục và kỷ nhà Triệu trong sử Việt, cùng các ghi chép của Tư Mã Thiên, chúng ta có thể nhận thấy "dù nhà Tần khuất phục được An Dương vương nhưng không khuất phục được người Việt; tiếp đó, dù nhà Triệu của Nam Việt mua chuộc được quan lại Âu Lạc nhưng người Âu Lạc vẫn không nô thuộc Nam Việt". Chính điều này đã làm cho các sử gia Việt Nam đời trước thừa nhận, nước Việt chính thức bị bắc thuộc vào năm 111 TCN, dưới thời nhà Hán ở Trung Hoa. Việc đem nhà Triệu ở Nam Việt vào dòng sử Việt Nam bị ảnh hưởng từ truyền thuyết Lạc long quân có gốc gác từ hồ Động Đình, một truyền thuyết thiếu thuyết phục như tôi đã trình bày ở phần I.

Với những dữ liệu vừa nêu, rỏ ràng dòng máu bất khuất của dân tộc Việt do vốn có một nền văn minh cổ nhất thế giới và "không hề chịu ảnh hưởng của bên ngoài", đã giúp cho người Việt tồn tại, trước sự thôn tính dai dẵng từ phương bắc; ngay cả khi quan lại nước Việt đã thần phục phương bắc.

Ngày nay, quan lại nước Việt đã thần phục phương bắc quá rỏ ràng, nhưng tôi tin với quá khứ dân Việt từng đạp lên thái độ nhu nhược của quan lại, đứng dậy thoát khỏi sự nô thuộc từ phương bắc; người dân Việt Nam hiện nay sẽ tái hiện lại quá khứ, sẽ đạp lên đầu quan lại, đứng dậy thoát kiếp nô thuộc phương bắc, đang diễn ra từng ngày trong mọi ngỏ ngách của đất nước.

Trần Hoàng Sa.....22/02/2019.
Phần I : https://www.facebook.com/Tiengsonghuong/posts/2312254412389783

Nguồn trích dẫn :

(1) https://www.bbc.com/vietnamese/entertainment/story/2005/02/printable/050219_havanthuy.shtml
(2) https://vi.wikipedia.org/wiki/Th%E1%BB%9Di_k%E1%BB%B3_B%E1%BA%AFc_thu%E1%BB%99c_l%E1%BA%A7n_th%E1%BB%A9_t%C6%B0#cite_ref-1
(3) Dẫn theo chú thích 28, chương Ngoại kỷ – quyển I, của học giả Đào Duy Anh trong Đại Việt sử ký toàn thư do Cao Huy Giu dịch, nxb KHXH, Hà Nội 1972, T. I, tr. 315


----------------------------------------|||-----------------------------

Bài đăng phổ biến từ blog này

Trung Quốc đang đụng đầu với khủng hoảng ?

Nỗi sợ ngân hàng gây thêm đau đầu cho nền kinh tế Trung Quốc.

Xung đột vũ trang ở Biển Đông.