Tìm hiểu tinh thần chống bắc thuộc của người Việt trong từng giai đoạn lịch sử. PHẦN III.

Giai đoạn từ khởi nghĩa Hai Bà Trưng đến bắc thuộc lần thứ hai.

Hình ảnh chỉ có tính minh họa.
Năm canh ngọ (111 TCN ) vua Vũ-đế nhà Hán bên Tàu đem quân xâm chiếm nước Nam Việt, tiếp giáp với Âu Lạc ở phía bắc và đông bắc. Vua Triệu của Nam Việt bại trận, quan giám quận Quế Lâm  (Quãng Đông ngày nay) của Việt tên là Cư Ông dụ dân Âu Lạc đi theo nhà Hán. Nước Âu Lạc bắt đầu thời kỳ nô lệ phương bắc từ đó. 

Nhà Hán cho Thạch Đái làm Thứ sử 9 quận, ngoại trừ hai quận Châu-nhai, Đạm-nhĩ thuộc đảo Hải Nam, 7 quận còn lại thuộc đất Giao châu :

1. Nam-hải: (Quảng-đông)
2. Thương-ngô: (Quảng-tây)
3. Uất-lâm: (Quảng-tây)
4. Hợp-phố: (Quảng-đông)
5. Giao-chỉ: (Bắc Việt )
6. Cửu-chân: (Bắc Trung Việt )
7. Nhật-nam: (Trung Trung-Việt)
8. Châu-nhai: (đảo Hải-nam)
9. Đạm-nhĩ: (đảo Hải-nam)

Mỗi quận có quan thái-thú coi việc cai-trị trong quận. Ở trong quận Giao-chỉ thì có những lạc tướng hay lạc hầu vẫn được thế tập giữ quyền cai trị các bộ lạc tựa hồ như các quan lang ở mạn thượng-du đất Bắc-Việt bây giờ.

Thời Tây Hán, trụ sở của Thái Thú đặt tại Long Uyên, tức là Long Biên, thời Đông Hán đặt tại Mê Linh tức là Yên Lăng (thuộc Vĩnh Phúc và ngày nay đã sát nhập vào Hà nội). Từ năm 111 TCN đến đầu Tây lịch, sử không ghi chép gì xảy ra trên đất Giao châu. Năm thứ 9 Tây lịch, Vương Mãng, một ngoại thích nhà Hán, tự lập mình lên làm hoàng đế, thành lập nhà Tân (9 - 23). Châu mục Giao Châu là Đặng Nhượng cùng các quận đóng chặn bờ cõi để tự giữ. Mãi đến năm kỷ sửu (năm 29 Tây lịch) là năm Kiến-Võ thứ 5 đời vua Quang-vũ nhà Đông Hán, Nhượng bảo Thái thú Giao Chỉ là Tích Quang và Thái thú các quận là bọn Đỗ Mục sai sứ sang cống hiến nhà Hán. Như vậy sau 120 năm, người Giao châu nô thuộc triều cống phương bắc, tổ tiên người Việt có được tròn 20 năm không thần phục triều cống; kể từ năm 29, ách đô hộ của Tàu quay trở lại đè nặng lên dân Việt, 

Hai mươi năm là con số nhỏ nhoi trong cả ngàn năm nô lệ, nhưng đó là chỉ dấu cho thấy, hể phương bắc có biến thì người Việt luôn biết nắm lấy thời cơ để tự chủ. Đây là yếu tố mà người Việt ngày nay nên nhận thức, trước một Trung quốc to lớn từng nô lệ dân Việt, đang bước vào thời kỳ rệu rã.

Việt Nam sử lược ghi : "Năm giáp-ngọ (34) là năm Kiến-võ thứ 10, vua Quang-vũ sai Tô Định sang làm thái thú quận Giao-chỉ. Tô Định là người bạo ngược, chính trị tàn ác, người Giao-chỉ đã có lòng oán giận lắm. Năm canh-tí (40) Tô Định giết Thi Sách người ở Châu-Diên (phủ Vĩnh tường, trước thuộc về Sơn Tây, nay thuộc về tỉnh Vĩnh yên).  Vợ Thi Sách là Trưng-Trắc con gái quan lạc tướng ở huyện Mê-linh (làng Hạ-lôi, huyện Yên-lãng, tỉnh Phúc-yên) cùng với em gái là Trưng-Nhị, nổi lên đem quân về đánh Tô Định. Bọn Tô Định phải chạy trốn về nước. Lúc bấy giờ những quận Nam Hải, Cửu-chân, Nhật-nam và Hợp-phố cũng nổi lên theo về với hai bà Trưng-Thị. Chẳng bao lâu quân hai bà hạ được 65 thành trì. Hai bà bèn tự xưng làm vua, đóng đô ở Mê linh, là chỗ quê nhà.

Mùa xuân năm nhâm Dần, (năm 42 TL), tướng Tàu tên Mã Viện theo ven biển mà tiến, san núi làm đường hơn nghìn dặm, đến Lãng Bạc đánh nhau với quân Việt (ở phía tây Tây Nhai của La Thành, gọi là Lãng Bạc, có nơi ghi Lãng Bạc là Hồ Tây thuộc Hà Nội, nhưng như vậy là lầm, nhiều nhà nghiên cứu đã đoán định Lãng Bạc ở vùng huyện Tiên Sơn, tỉnh Hà Bắc ngày nay) . Bà Trưng thấy thế giặc mạnh lắm, tự nghĩ quân mình ô hợp, sợ không chống nổi, lui quân về giữ Cấm Khê ( phủ Vĩnh tường, tỉnh Vĩnh-yên). Mã Viện tiến quân lên đánh, quân hai bà vỡ tan cả. Hai bà chạy về đến xã Hát-môn, thuộc huyện Phúc-lộc (nay là huyện Phúc Thọ tỉnh Sơn-tây), thế bức quá, bèn gia mình xuống sông Hát-giang (chỗ sông Đáy tiếp vào sông Hồng-hà) mà tự tận. Bấy giờ là ngày mồng 6 tháng 2 năm quí mão (43)".

Kết thúc thời kỳ dân Việt được tự chủ 3 năm, mở ra thời kỳ bắc thuộc lần thứ hai.  

Hai bà Trưng xưng vương giành quyền tự chủ cho dân Việt ngắn ngủi về thời gian nhưng rộng rãi trên không gian, các vùng đất chịu theo dưới sự cai quản của hai bà trải dài từ phía nam rặng Ngũ lĩnh ở Trung quốc hiện nay (dãy núi ở vùng ranh giới các tỉnh Hồ Nam, Giang Tây, Quảng Đông, Quảng Tây của Trung Quốc, ngăn cách vùng Lưỡng Quảng với phần lãnh thổ phía bắc của vùng Giang Nam. ) cho đến Thừa Thiên bây giờ. Sự hưỡng ứng rộng khắp của dân Âu Lạc lẫn dân Nam Việt củ đối với hai bà Trưng, cho thấy tiếng tăm của hai bà được mọi người trọng vọng cũng như hào khí ngút cao của dân Việt trong sự nổi dậy thoát khỏi ách bắc thuộc như thế nào. 

Bàn về tinh thần chống bắc thuộc của người Việt trong giai đoạn này, tôi không thể không nêu lên câu chuyện "cột đồng Mã Viện". 

Sách Đại Việt sử ký toàn thư ghi : "Quý Mão, (năm 43 TL). Mùa xuân, tháng giêng, Trưng Nữ Vương cùng em gái là Nhị chống cự lại với quân nhà Hán, thế cô, đều thua chết. Mã Viện đuổi theo đánh quân còn sót là bọn Đô Dương. Đến huyện Cư Phong thì [bọn Đô Dương] đầu hàng, [Viện] bèn dựng cột đồng làm giới hạn cuối cùng của nhà Hán. (Cột đồng tương truyền ở trên động Cổ Lâu châu Khâm. Viện có câu thề: "Đồng trụ chiết, Giao chỉ diệt" (Cột đồng gãy thì Giao Chỉ bị tiêu diệt). Người Việt ta đi qua dưới cột ấy, thường lấy đá chất vào, thành như gò đống, vì sợ cột ấy gãy."

Xem qua thì thấy tinh thần yêu nước muốn bảo vệ non sông của người Việt rất lớn; nhưng ngẫm kỷ thì đó là một "tinh thần yêu nước tiêu cực", không phù hợp với tính cách của dân Việt. Vậy, thực hư câu chuyện cột đồng Mã Viện như thế nào ? 

Phần liệt truyện về Mã Viện chép trong Hậu Hán thư ghi : 

"Vào mùa thu năm Kiến Vũ thứ 20 ( năm 44 TL ) Mã Viện mang quân về kinh sư, quân sĩ và quan lại trải qua chướng lệ, chết bốn, năm phần mười. Ban cho Viện một cổ xe, triều kiến đứng vào hàng Cửu khanh.

"Mã Viện thích ngựa, giỏi phân biệt ngựa hay; tại Giao Chỉ lấy được trống đồng Lạc Việt, bèn cho đúc thành ngựa mẫu; lúc trở về dâng lên Thiên tử. ....Ngựa cao 3 xích 5 thốn, chu vi 4 xích 5 thốn.”  (cao : 1,16 mét....chu vi # 1,5 mét  ). Chiếu cho phép đặt tại dưới cửa Hoàn Ðức, để làm thể thức cho ngựa hay."

Hậu Hán thư, quyển 14 ghi: "Dân Giao Chỉ có linh vật là trống đồng, nghe đánh lên họ rất hăng lúc lâm trận....". Sách này còn chép rằng Mã Viện, tướng nhà Hán, sau khi dập tắt cuộc nổi dậy của Hai Bà Trưng vào khoảng 40-43, đã tận thu trống đồng của các thủ lĩnh địa phương, một phần đem tặng, phần nấu chảy để đúc ngựa và cột đồng Mã Viện."

Sau khi đánh Giao châu, trong một chiến dịch mang quân đánh đất Tuyển (tại Hồ Nam), Mã Viện và phó tướng của y là Cảnh Thư, người đã từ lâu không đồng ý với chiến lược của Mã Viện, tranh cải nhau về cách hành quân. Cách tiến quân của Viện đã dẫn đến quân sĩ bị dịch chết, Viện cũng bị bệnh, tình trạng khốn khó phải khoét sâu vào bờ sông làm nơi trú ẩn để tránh nóng nực, đúng như cảnh báo của Thư. 

Sách Hậu Hán thư ghi : "Cảnh Thư viết thư cho anh là Hiếu tự hầu Yểm rằng:

“Trước đây Thư dâng thư xin đánh vào huyện Sung, lương tuy khó vận chuyển nhưng quân có thể dùng được, quân sĩ mấy vạn muốn cùng phấn đấu. Nay theo ý kiến [Viện] quân tại núi Hồ tiến không được, bị chết, thực đáng thống hận. Buổi đầu khi đến Lâm Bang, giặc chưa kịp bố trí, nếu đánh ngay trong đêm có thể diệt sạch; Phục Ba dùng binh giống như dân buôn Tây Vức, đến nơi cho nghỉ ngơi; nay bị thất lợi, quân bị bệnh dịch, đúng như lời Thư tiên đoán.

"Yểm nhận được thư bèn tâu lên, Thiên tử sai Hổ bí Trung lang tướng Lương Tùng ̣(phò mã của vua Hán Quang Vũ Đế ) theo dịch trạm đến khiển trách Mã Viện và thay thế chỉ huy quân. Rồi Viện mất (năm 49), Tùng ôm mối bất bình , đặt điều vu hãm; Thiên tử giận tịch thu ấn Tân Tức hầu của Mã Viện.

"Chuyện trước kia, khi Mã Viện tại Giao Chỉ, thường dùng hạt ý dĩ làm thuốc để thân thể được nhẹ nhàng, tiết dục, chống lại chướng khí. Nam phương hạt ý dĩ rất lớn, Viện muốn trồng loại này, tải một xe chở về. Lúc bấy giờ người ta cho rằng đất đai phương Nam có nhiều thứ trân quí, những người quyền thế đều ham chuộng; nhưng lúc Viện còn sống được sủng ái, nên không ai dám nói gì. Ðến khi Mã Viện mất, có người dâng thư lên vua sàm tấu rằng trước đây Viện chở về đều là trân châu và sừng tê giác có hoa văn."

Qua những ghi chép trên, tôi tổng hợp lại và hoàn toàn có lý do để nghi ngờ Mã Viện đã thu gom trống đồng của Lạc Việt như chiến lợi phẩm để mang về nước cùng với trân châu và sừng tê giác có hoa văn. Như đã trích ở trên, quân đi 10 người, quân về chỉ còn năm, sáu cùng với dịch bệnh do không quen khí hậu của Lạc Việt ; như thế chúng ta có thể hình dung ngày về của đoàn quân chiến thắng này có tâm trạng nặng nề như thế nào. Liệu các tướng còn lại ở đoàn quân Mã Viện, sau cuộc chinh chiến với quân hai Bà Trưng, sẽ có ai đó bất mãn ganh ghét với Mã Viện để có thể khởi tố hành động tham tàn của Viện hay không ? Thêm nửa, ngay tại trong triều, phò mã Lương Tùng là người ghét Mã Viện, liệu Mã Viện có dám mang về Hán hết thảy trống đồng đã tận thu của các thủ lĩnh địa phương ? Phương án tốt nhất mà ai cũng có thể làm, là chỉ mang về nước một số lượng vừa phải, đủ để đút lót các quan và đúc ngựa đồng làm vui lòng nhà vua, trước khi có thể mang về tất cả trống đồng ăn cướp được.

Để cất bớt trống đồng trên đất Lạc Việt mà không sợ bị mất, sẽ không sai khi đặt giả thiết rằng, Mã Viện đã cho nấu chảy trống đồng tại biên giới và đúc thành cột đồng nửa nổi nửa chìm dưới mặt đất. Vẫn còn sợ cột đồng bị người Lạc Việt đánh mất, Viện ghi vào đó dòng chử như truyền thuyết "Đồng trụ chiết, Giao chỉ diệt". Sau khi về đến Hán và dâng tặng ngựa đồng, cho bớt trống đồng; Viện sai người quay lại biên giới đào lấy cột đồng mang về. Vì thế, ngày nay, không có sách sử nào ghi chép việc tìm thấy trụ đồng ở đâu.

Tôi cho là giả thiết vừa nêu phù hợp với những gì đã xảy ra. Người Việt không thể nào yêu nước một cách tiêu cực bằng việc dùng đất đá giử cho trụ đồng không gảy để Giao chỉ khỏi bị diệt, đến nổi đất đá đó vùi lấp mất cột đồng. Dựa vào đâu để cho rằng người Việt yêu nước một cách tiêu cực là không thể ? Xin trích đoạn văn sau đây trong Hậu Hán thư để thấy tinh thần chống bắc thuộc của người Việt đã làm cho Mã Viện, một tướng quân dày dạn của nhà Hán, trong tiệc mừng chiến thắng hai bà Trưng đã phải thốt lên : 

"Nhân giết trâu, lọc rượu khao thưởng quân sĩ; trong tiệc thung dung kể rằng:

“Em ta là Thiếu Du thường than phiền ta khẳng khái lo lập chí lớn, nên khuyên rằng: kẻ sĩ sống trên đời chỉ cần cơm áo no đủ, đi xe cửi ngựa, làm quan lại nơi địa phương, lo giữ phần mộ tổ tiên, được người làng khen hiếu thuận là đủ rồi; còn tham vọng nhiều, chỉ khổ thân mà thôi.

"Khi ta ở Lãng Bạc, Tây Lý, giặc chưa diệt xong; dưới chân nước lụt, trên đầu mây mù giăng mắc, khí độc vần vũ, nhìn lên trời thấy chim diều hâu bay rồi đột nhiên rơi phịch xuống nước; nghĩ đến lời Thiếu Du nói, lúc ấy hoàn cảnh ta làm sao có được như vậy. Nay nhờ sức lực của Sĩ Ðại phu, được Thiên tử ban thưởng ấn vàng dây thao tía trước các ngươi, nên vừa mừng và cùng vừa thẹn.”

Qua đó đủ thấy, Mã Viện đã không hề dễ dàng chiến thắng quân dân hai bà Trưng và đã than thân trách phận như thế nào. 

Trong giai đoạn từ khởi nghĩa Hai Bà Trưng đến khi bị mất nước trở lại vào tay nhà Hán, tinh thần chống bắc thuộc của người Việt như trình bày ở trên xin được tóm tắt : 
_ Nắm lấy thời cơ triều đình phương bắc có biến, người Việt mạnh dạn thoát Hán ngay lập tức.
_ Hơn 100 năm bị nô thuộc, nhưng khi hay tin hai bà Trưng khởi nghĩa, hào khí ngất trời của dân Việt đã nhanh chóng giúp hai bà kiểm soát 65 thành trì, từ phía nam dãy núi Ngũ Lĩnh ở Trung quốc hiện nay, đến đất Thừa Thiên bây giờ.(bao gồm từ Thừa Thiên trở ra bắc của Việt Nam và hai tỉnh Quãng Tây, Quãng Đông của Trung quốc hiện nay. )

Nhìn lại Việt Nam ngày nay, việc nô thuộc phương bắc được tính trên một nửa nước phía bắc kể từ năm 1945, trên toàn quốc từ 1975. So với thời gian bị nô thuộc trước khi hai bà Trưng khởi nghĩa, nó mới chỉ bằng một nửa. Nếu người Việt hiện nay an phận thủ thường, nhất là các đấng mày râu, há không biết thẹn hay sao với lời của sử thần Ngô Sĩ Liên :

"Họ Trưng giận thái thú nhà Hán bạo ngược, vung tay hô một tiếng mà quốc thống nước ta cơ hồ được khôi phục, khí khái anh hùng há chỉ lúc sống dựng nước xưng vương, mà sau khi chết còn có thể chống ngăn tai họa. Phàm gặp những việc tai ương hạn lụt, đến cầu đảo không việc gì là không linh ứng. Cả bà Trưng em cũng thế. Vì là đàn bà mà có đức hạnh kẻ sĩ, cái khí hùng dũng trong khoảng trời đất không vì thân chết mà kém đi. Bọn đại trượng phu há chẳng nên nuôi lấy cái khí phách cương trực chính đại ấy ư ?"


Trần Hoàng Sa....24/02/2019.
 
-------------------------------|||-------------------------------------


















Bài đăng phổ biến từ blog này

Trung Quốc đang đụng đầu với khủng hoảng ?

Nỗi sợ ngân hàng gây thêm đau đầu cho nền kinh tế Trung Quốc.

Xung đột vũ trang ở Biển Đông.