Cuộc đua hàng hải đến bước quyết định của thế kỷ 21

Hải quân Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) tổ chức lễ đón chào khi một tàu hải quân Nga cập cảng tại Trạm Giang ở phía nam tỉnh Quảng Đông của Trung Quốc vào ngày 12 tháng 9 năm 2016. Ảnh: Tân Hoa Xã / Twitter


Adeel Abbas Mangi, ngày 11 tháng 4 năm 2019,  Theo Asia Times

Trần H Sa lược dịch

Lịch sử tập trung vào hai điều - hành động và ý tưởng. Nếu chúng ta tính đến các ý tưởng, thì tên của Alfred Thayer Mahan là đáng nói. Mahan , một chiến lược gia hải quân ở thế kỷ 19 và là tác giả của cuốn sách "Ảnh hưởng của sức mạnh biển đối với lịch sử", lập luận rằng sự thịnh vượng và sức mạnh của một quốc gia phụ thuộc vào sự kiểm soát của quốc gia đó đối với các tuyến đường biển của thế giới. Bất cứ ai cai trị những con sóng thì kẻ đó thống trị thế giới.

Đặt những điều trên vào hành động, người ta có thể kết luận rằng đó là mệnh lệnh buộc Hoa Kỳ phải trở thành một cường quốc hải quân để thành công. Và, để đạt được mục tiêu này, nó đòi hỏi hai điều -  mua lại các căn cứ hải quân và các cảng tiếp nhiên liệu ở nước ngoài. Do đó, một trong những yếu tố quan trọng để đạt được vị thế siêu cường của mình là sự hiện diện hàng hải trên toàn thế giới và duy trì nó một cách thành công.

Như Alice Slater, giám đốc Quỹ Hòa bình Thời đại hạt nhân, đã lưu ý, Hoa Kỳ hiện đang nắm giữ 800 căn cứ quân sự chính thức tại 80 quốc gia. Về sức mạnh biển, nó có chín căn cứ hải quân ở nước ngoài, sự hiện diện lớn nhất ở các khu vực khác nhau, và đội tàu sân bay lớn nhất thế giới, với 11 chiếc đang hoạt động , 282 tàu chiến có thể triển khai và hơn 3.700 máy bay đang hoạt động.

Theo David Vine, tác giả của Base Nation : Các căn cứ quân sự của Hoa Kỳ ở nước ngoài gây hại cho Mỹ và thế giới như thế nào, "chỉ có 11 quốc gia khác có căn cứ quân sự ở nước ngoài, nhìn chung có khoảng 70 căn cứ. Nga ước tính có khoảng  26 đến 40 căn cứ tại 9 quốc gia , chủ yếu là các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ, cũng như ở Syria và Việt Nam; Anh, Pháp và Thổ Nhĩ Kỳ có 4 đến 10 căn cứ ; và ước tính một đến ba căn cứ nước ngoài được chiếm đóng bởi Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức, Ý và Hà Lan."

Chiến lược quốc phòng mới (NDS) của chính quyền Trump đã hạ cấp chủ nghĩa khủng bố xuống hàng đe dọa thứ nhì đối với an ninh quốc gia Mỹ, và tuyên bố mối đe dọa chính đối với Mỹ là sự trỗi dậy sắp xảy ra của Trung Quốc và sự hồi sinh của Nga. NDS sẽ tập trung xây dựng sức mạnh sát thương nhiều hơn, tăng cường quan hệ đối tác chiến lược và thu hút các đối tác mới, hiện đại hóa vũ khí và thiết bị, bao gồm các hệ thống phòng thủ không gian, không gian mạng và tên lửa. Chiến lược này nên được coi là sự trở lại của các cuộc đấu tranh Siêu Cường trong thế kỷ 21.

Cuộc đấu tranh quyền lực ở thế kỷ 21 này có thể được nhìn thấy trong ba kịch bản sau đây. Năm 2013 đánh dấu một bước ngoặt đáng kể về lãnh vực hoạt động hải quân vì mức độ leo thang to lớn giữa các cường quốc có thể gây ra một sự bùng nổ to lớn trong các tranh chấp toàn cầu. Năm đó, ba cuộc khủng hoảng nghiêm trọng cùng diễn ra sát nhau, đó là cuộc nội chiến ở Syria, tái sinh tranh chấp Biển Đông và cuộc khủng hoảng Ukraine.

Sau khi sự cố vũ khí hóa học bí mật bùng phát ở Syria, Mỹ tuyên bố sẽ gửi một tàu chiến thứ sáu, USS San Antonio , trang bị tên lửa hành trình và khoảng 2.200 thủy quân lục chiến, với nhiệm vụ tấn công hạn chế, chính xác, chống lại chính phủ Syria, sự kiện mà đã bị phân tán thông qua các chính sách ngăn chặn liên tiếp của Nga và Iran. Theo Rand Corporation, vào tháng 9 năm 2015, sự can thiệp trực tiếp của Nga vào cuộc khủng hoảng Syria là một chiến lược hậu Chiến tranh Lạnh lớn lao và đặc biệt, để giảm thiểu mối đe dọa khủng bố quốc tế và bảo vệ các căn cứ hải quân và không quân của Nga ở Latakia và Tartus.

Đó là điều tối quan trọng đối với Moscow để thể hiện sức mạnh triển khai ở phía đông Địa Trung Hải và Trung Đông nhằm thách thức Washington và các đồng minh trong khu vực. Việc Nga triển khai cả hệ thống tên lửa phòng thủ (S-300) và hệ thống tên lửa tấn công (SS-26) ở chiến trường Syria là một biện pháp phòng ngừa để bảo vệ sự hiện diện của hải quân Nga trên biển Địa Trung Hải. Động cơ của Moscow là giành lại sự chú ý của các đối tác chiến lược chính yếu ở Trung Đông, và theo đuổi việc bán vũ khí cho các chính phủ Ả Rập.

Trong kịch bản thứ hai, khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã phát triển các mô hình bất an, không ổn định do cuộc chiến thương mại giữa Washington và Bắc Kinh dưới cái cớ tranh chấp đảo ở Biển Đông. Biển đó có tầm quan trọng to lớn đối với Trung Quốc và phần còn lại của thế giới vì khoảng 3,37 nghìn tỷ đô la thương mại đi qua nó hàng năm.

Sau khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khởi xướng chương trình hiện đại hóa Quân đội Giải phóng Nhân dân, qua đó tập trung vào lực lượng hải quân và tên lửa, nó đã thay đổi sự cân bằng quyền lực ở khu vực Thái Bình Dương, vì Bắc Kinh đã đưa vào kho vũ khí hải quân của họ tàu sân bay đầu tiên, chiếc Liêu Ninh, và tên lửa đạn đạo DF-21D và DF-26. Theo tờ New York Times , trọng tâm của chiến lược này là một kho tên lửa đạn đạo tốc độ cao, được thiết kế để tấn công các tàu đang di chuyển. Các phiên bản mới nhất, DF-21D và, kể từ năm 2016, DF-26, thường được biết đến với tên gọi "sát thủ tàu sân bay", vì chúng có thể đe dọa các tàu mạnh nhất trong hạm đội Mỹ từ xa, trước khi chúng đến gần Trung Quốc.

Eo biển Malacca là một lối đi quan trọng đối với thương mại Trung Quốc nhưng vì hiểm họa có thể xảy ra đụng độ giữa Washington và Bắc Kinh, Trung Quốc đã chuyển trọng tâm sang toàn cầu hóa, bao gồm Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường quan trọng nhất, và Hành lang Kinh tế Trung Quốc-Pakistan, thúc đẩy hệ thống ngân hàng thuộc Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng châu Á để giảm sự phụ thuộc vào Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Ngân hàng Thế giới, và trở thành một phần của sáng kiến ​​BRICS (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi). Trung Quốc cũng đang mở rộng sự hiện diện của hải quân và sự quyết đoán của quân đội trong một khu vực rộng lớn từ Djibouti trên vùng Sừng châu Phi đến Thái Bình Dương.

Đại sứ quán Mỹ tại Oman  tuyên bố  rằng Washington đã xác nhận một thỏa thuận nhằm sử dụng các cơ sở hàng không và hải quân của quốc gia Trung Đông này tại các cảng chiến lược Duqm và Salalah. Theo Andrew Korybyko, một nhà phân tích chính trị người Mỹ gốc Moscow , " liên minh Ấn-Mỹ và mạng lưới các căn cứ của mỗi quốc gia đang dần sinh sôi nảy nở khắp Đại dương Á - Phi, rõ ràng đủ kết luận rằng điều này đang được  thúc đẩy bởi mong muốn chung của họ  là 'ngăn chặn' Trung Quốc, điều mà trong bối cảnh Ô-man, liên quan đến khả năng dự phòng cắt đứt tuyến thông tin liên lạc trên biển (SLOC) của S-CPEC + (*), nằm giữa Gwadar và Châu Phi trong trường hợp xảy ra xung đột hoặc căng thẳng kéo dài giữa một hoặc cả hai với Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.

Kịch bản thứ ba là sự trở lại của ý nghĩa địa chiến lược ở Biển Đen, cụ thể là Crimea, nơi có tầm quan trọng sống còn đối với Moscow như dòng nước ấm chảy qua eo biển Thổ Nhĩ Kỳ đến phía đông Địa Trung Hải. Chính sách mở rộng của NATO như được nêu trong Tuyên bố Hội nghị Thượng đỉnh năm 2008 về việc đưa các quốc gia Đông Âu vào thành viên NATO, đã tạo ra một yếu tố sợ hãi và bất an trong giới ra quyết định ở Moscow. Nga coi nỗ lực này là một mối đe dọa sắp xảy ra đối với quốc phòng và sự ổn định của mình.

Theo lịch sử, Hiệp ước hữu nghị Nga-Ukraine năm 1997, đã chia Hạm đội Biển Đen theo tỷ lệ Nga 81% và Ukraine 19%, đổi lại Nga sẽ xóa nợ cho Ukraine và cung cấp năng lượng với giá ưu đãi, và Ukraine cho Nga thuê căn cứ hải quân Sevastopol trong 20 năm, một điều khoản vào năm 2010 kéo dài việc cho thuê đến năm 2042. Vào tháng 3 năm 2014, việc sáp nhập Crimea của Nga đã mở đường cho việc triển khai các hệ thống S-300 và S-400, các đơn vị phòng thủ bờ biển Bastion-P và các hệ thống tên lửa chống mặt nước và hệ thống tên lửa phòng không.
Ngoại trưởng Mỹ  Mike Pompeo hôm thứ Năm tuần trước kêu gọi các đồng minh NATO hợp tác trước tình trạng đe dọa mới nổi của Nga và Trung Quốc. Cuộc họp đầu tiên tập trung vào cách Nga có thể bị răn đe, kể cả ở Biển Đen, nơi ba tàu hải quân của Ukraine bị Nga chiếm giữ năm ngoái.

Theo ông Vladimir Toucas , thành viên thỉnh giảng với Chương trình châu Âu tại Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế ở Washington, DC, đối với Nga, Crimea là điểm gốc, Thổ Nhĩ Kỳ là trụ cột, và Eo biển Thổ Nhĩ Kỳ là thông số chiến lược của quân đội ; mục tiêu cuối cùng là tiếp cận và hiện diện quân sự ở Đông Địa Trung Hải, như là một đối trọng với sự bành trướng của Mỹ và NATO về phía đông và sự hiện diện của họ ở Aegean và Trung Địa Trung Hải.
Kết luận, việc khai triển và duy trì hiện trạng của Siêu cường thông qua việc quân sự hóa ngày càng tăng ở các nút thắt trên các tuyến đường biển, sẽ dẫn đến sự leo thang hơn nữa giữa Mỹ, Trung Quốc, Nga và các quốc gia bạn hàng của họ từ Địa Trung Hải đến khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong những thập kỷ tới.

GHI CHÚ :
(*) Tuyến đường thương mại S-CPEC + của Đại Dương Á-Phi nằm giữa đại lộ Gwadar do Trung Quốc xây dựng ở phía tây nam Pakistan và các thị trường châu Phi mà Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa phụ thuộc để đảm bảo sự phát triển trong tương lai.

-------------------------------|||-----------------------------

Bài đăng phổ biến từ blog này

Trung Quốc đang đụng đầu với khủng hoảng ?

Nỗi sợ ngân hàng gây thêm đau đầu cho nền kinh tế Trung Quốc.

Xung đột vũ trang ở Biển Đông.