Vì sao phải ngăn chặn Trung Quốc

Trung Quốc, giống như Liên Xô trước đó, là đối thủ cạnh tranh ngang hàng của Hoa Kỳ, nhưng nó không phải là bất khả chiến bại.

Hình ảnh: Minh họa của Catherine Putz
Francis P. Sempa, Ngày 29 tháng 6 năm 2019, Theo The Diplomat

Trần H Sa lược dịch

Kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, các nhà hoạch định chính sách Mỹ đã bị giằng xé giữa việc hội nhập và ngăn chặn Trung Quốc. Chính quyền George HW Bush ủng hộ mục tiêu vô lý và không thể đạt được là, ngăn chặn sự xuất hiện của một đối thủ mới có tiềm lực ngang hàng, cứ như thể bằng cách nào đó Hoa Kỳ có thể ngăn chặn được sự trỗi dậy của Trung Quốc. Các chính quyền Hoa Kỳ liên tiếp đã có lúc bị phân tâm khỏi sự tập trung vào Trung Quốc, bởi Saddam Hussein ở Vịnh Ba Tư, người Serb ở Balkan và al-Qaeda và Cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu sau ngày 9/11, nhưng cuối thế kỷ 21 thì địa chính trị luôn luôn bị chi phối bởi sự cạnh tranh Mỹ - Trung.


Các nhà "hiện thực" trong chính sách đối ngoại hiểu điều này tốt hơn hầu hết các nhà quan sát, bởi vì họ nhìn chính trị quốc tế mà không thông qua các lăng kính tư tưởng, tiến bộ hoặc tình cảm. Trung Quốc là một cường quốc và sẽ hành động như những cường quốc đã luôn hành động : Họ sẽ tìm cách mở rộng quyền lực và ảnh hưởng của mình. Hoa Kỳ đã không thể làm được gì - sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc - để thay đổi điều đó. Đối với một số người Mỹ, đặc biệt là những người nhìn thế giới qua lăng kính Wilson (1), điều đó thật khó để thừa nhận. Cái mà Charles Krauthammer gọi là khoảnh khắc đơn cực của người Mỹ chỉ là - một khoảnh khắc, và lại còn là một khoảnh khắc ngắn gọn.

Robert Kaplan và Niall Ferguson, trong số những người khác, đã nhiều lần chỉ ra rằng người Mỹ hiện đại coi thường khái niệm "đế chế", ngay cả khi các đế chế dưới hình thức này hay hình thức khác đã có mặt khắp nơi, xuyên suốt trong lịch sử. Người Mỹ ở thế kỷ 18 và 19 không như thế. Thật vậy, những thế kỷ đó đã chứng kiến ​​sự khởi đầu và sự phát triển của Đế quốc Mỹ, điều mà Thomas Jefferson gọi là một "đế chế của tự do", và John O'Sullivan gọi là "định mệnh hiển nhiên".

Hoa Kỳ mở rộng trên lục địa trung Bắc Mỹ bằng chiến tranh, chinh phục và di cư. Một khi điều đó đã được thực hiện, thì các chính khách và các nhà tư tưởng địa chính trị như Theodore Roosevelt, Brooks Adams và Alfred Thayer Mahan đã hình dung ra một "đế chế hải ngoại", cái mà Hoa Kỳ thành lập sau Chiến tranh Mỹ -Tây Ban Nha năm 1898. Đây là khoảng thời gian mà các cường quốc châu Âu tranh giành các thuộc địa ở châu Phi và mở rộng lợi ích và ảnh hưởng chính trị của họ ở châu Á.

Chiến tranh thế giới thứ nhất dẫn đến sự sụp đổ của bốn đế chế (Đức, Nga, Ottoman và Áo-Hung) và tại Hoa Kỳ, là sự trỗi dậy của chính sách đối ngoại Wilson. Tổng thống Woodrow Wilson ngây thơ hình dung một thế giới không có các đế chế; nơi mà mọi dân tộc có quốc gia của riêng mình và nơi mà sự chinh phục và mở rộng lãnh thổ sẽ bị xóa sổ khỏi Trái đất. Tầm nhìn đó lẽ ra đã bị xua tan bởi sự phục hồi của Đế quốc Nga dưới thời những người Bolshevik và Đế quốc Đức dưới thời Đức quốc xã, và sự phát triển của Đế quốc Nhật Bản vào những năm 1930. Thay vào đó, trong Thế chiến II, tầm nhìn của Wilson lại đã được nâng cao bởi Tổng thống Franklin Roosevelt, người đã tận hưởng sự kết thúc không thể tránh khỏi của Đế quốc Anh, nhưng lại là người đồng lõa với sự bành trướng của Đế quốc Liên Xô.

Sau chiến tranh, Mao Trạch Đông đã chiến đấu thành công để kiểm soát Đế quốc Trung Hoa, chống lại những người Quốc gia. "Thế kỷ sỉ nhục", khi mà Trung Quốc phó mặc cho các cường quốc thực dân phương Tây định đoạt số phận của họ, đã kết thúc. Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (PRC) dưới sự cai trị của cộng sản, tái lập Đế quốc Trung Hoa, mặc dù những người tiến bộ ngây thơ ở phương Tây đã mô tả, những người cộng sản là những nhà cải cách nông nghiệp dân chủ.

Chiến tranh Lạnh về bản chất là một cuộc đụng độ khác của các đế chế, mặc dù hầu hết người Mỹ không nhìn thấy như vậy. Chắc chắn, có một sự hợp thành ý thức hệ cho cuộc xung đột, nhưng cuối cùng, địa chính trị đã lấn át ý thức hệ. Hoa Kỳ đã tạo liên minh hiệu quả với các cường quốc cộng sản khác, đặc biệt là Trung Quốc, để kiềm chế và đánh bại Đế quốc Liên Xô. Những người theo chủ nghĩa hiện thực hiểu rằng, Francis Fukuyama đã sai khi tuyên bố " lịch sử kết thúc" đến sau sự kết thúc chiến tranh lạnh.

Sau Chiến tranh Lạnh, Trung Quốc tiếp tục cải cách kinh tế dưới thời Đặng Tiểu Bình, nhưng họ không bao giờ cải cách chính trị. Không có Gorbachev ở Trung Quốc. Khi nền kinh tế Trung Quốc phát triển, quân đội và tham vọng chính trị của họ cũng phát triển như vậy. Ngày nay, các nhà quan sát không còn bị mù bởi thế giới quan của Wilson, khi họ thấy không có gì đáng ngạc nhiên trong sức mạnh hải quân đang phát triển của Trung Quốc, các hành động của họ ở Biển Đông và Biển Hoa Đông, và Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường. Đây là điều mà các đế chế luôn luôn làm. Trung Quốc dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình không che giấu tham vọng của họ.

Theo thuật ngữ địa chính trị cổ điển, Trung Quốc là một cường quốc đất liền trên lục địa Á-Âu ôm lấy biển cả. Hoa Kỳ nên xem Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường là mệnh lệnh thứ nhất của sự phát triển địa chính trị. Người ta không cần phải chấp nhận toàn bộ lập luận của Graham Allison để đánh giá cao rằng, "Bẫy Thucydides" có một cơ sở vững chắc trong lịch sử và bản chất con người. Thách thức của Trung Quốc đối với sự ưu việt của Hoa Kỳ không thể được bỏ qua.

Do đó, chính sách hợp lý duy nhất của Hoa Kỳ, là một chính sách "ngăn chặn và cảnh giác mạnh mẽ", theo từ ngữ của George F. Kennan viết trong những năm đầu của Chiến tranh Lạnh. Kennan là người thực tế tột bực, không bị ảnh hưởng bởi ý thức hệ hay tình cảm. Ông khuyên bảo kiên nhẫn, thận trọng và đưa ra quan điểm lâu dài, nên hiểu rằng không có các giải pháp lâu dài cho các vấn đề quốc tế.

Ngăn chặn không có nghĩa là chiến tranh, mặc dù chiến tranh là một khả năng trong bất kỳ cuộc cạnh tranh siêu cường nào, và cần được chuẩn bị đầy đủ. Quyền lực biển của Mỹ, các đồng minh châu Á của nó (đặc biệt là Nhật Bản và hy vọng là Ấn Độ), và địa lý của vùng duyên hải Đông Á khiến cho việc ngăn chặn trở nên khả thi. Những gì cần thiết từ Hoa Kỳ là, một chính sách rõ ràng sẽ không bị lãnh đạo Trung Quốc hiểu lầm. Ngăn chặn là thụ động và phản ứng, không hiếu chiến, nhưng nó đòi hỏi ý chí và sự kiên định của Mỹ.

Trung Quốc, giống như Liên Xô trước đây, là đối thủ cạnh tranh ngang hàng của Hoa Kỳ nhưng nó không phải là bất khả chiến bại. Giống như Liên Xô trong suốt Chiến tranh Lạnh, nó có những vấn đề trong nước và các lỗ hổng kinh tế có thể bị khai thác một cách kiên nhẫn và thận trọng. Khi George Kennan viết về việc ngăn chặn vào năm 1947, ông nói rằng người Mỹ không cần tìm ra lý do gì để kêu ca phàn nàn, mà nên "trải nghiệm một sự biết ơn nhất định đối với Thượng đế, qua đó cung cấp cho người dân Mỹ hiểu rằng - với thách thức không thể hòa hoản này - cái đã tạo ra toàn bộ nền an ninh của họ, là khi một quốc gia phụ thuộc vào chính sức lôi cuốn của họ, và chấp nhận trách nhiệm lãnh đạo về mặt đạo đức và chính trị, mà lịch sử thường để họ mang lấy một cách hiển nhiên".

Francis P. Sempa là một luật sư, phụ tá giáo sư của khoa chính trị học tại Đại học Wilkes, và là một biên tập viên đóng góp cho Ngoại giao Hoa Kỳ.

Chú thích :
(1) Wilson là vị tổng thống thứ 28 của Hoa Kỳ. Ông là người đẩy mạnh sự can dự của Mỹ trong các vấn đề thế giới hơn hẳn các tổng thống tiền nhiệm. Tầm nhìn mang tính lý tưởng hóa của ông góp phần vào sự thành lập Hội Quốc Liên.

-------------------------|||----------------------

Bài đăng phổ biến từ blog này

Trung Quốc đang đụng đầu với khủng hoảng ?

Nỗi sợ ngân hàng gây thêm đau đầu cho nền kinh tế Trung Quốc.

Xung đột vũ trang ở Biển Đông.