Huawei, tiến thoái lưỡng nan

Con tin, gián điệp và cuộc chiến thương mại toàn cầu - cách mà công ty viễn thông Trung Quốc đang cố gắng chinh phục thế giới.



Isabel Hilton / ngày 12 tháng 7 năm 2019 / Theo Propect Magazine

Trần H Sa lược dịch

Trong khuôn viên Huawei vừa hoàn thành ở Đông Quan, gần Thâm Quyến ở miền nam Trung Quốc, 17.000 nhân viên và ba con "thiên nga đen" (*) sống ở 12 "ngôi làng" được xây dựng theo phong cách châu Âu và đặt trong một cảnh quan có hồ nước và cây xanh. Những con thiên nga đen ở đó để nhắc nhở những người làm việc tại nhà cung cấp điện thoại thông minh lớn thứ hai thế giới, và là nhà cung cấp thiết bị mạng lớn nhất rằng, không có gì là chắc chắn, và rằng điều quan trọng là phải chuẩn bị cho những điều bất ngờ.

Suy nghĩ đó đã được chứng minh là đúng vào ngày 01 tháng 12 năm ngoái, cách xa hàng ngàn dặm và nhiều múi giờ so với bầu không khí ẩm ướt Đông Quan, Mạnh Vãn Châu (Meng Wanzhou), giám đốc điều hành và là con gái của người sáng lập công ty Huawei, Ren Zhengfei, đã bị bắt giữ tại Vancouver trên đường từ Trung Quốc sang Mexico. Cô ấy hiện đang phải đối mặt với các thủ tục dẫn độ sang Hoa Kỳ, về tội gian lận ngân hàng, lừa đảo trên mạng, và âm mưu phạm cả hai tội để trốn tránh các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran.

Cuộc tranh cãi xung quanh trường hợp này nhấn mạnh việc công ty đơn lẻ này, đã trở thành thử thách gắt gao cho cuộc thi đua siêu cường giữa Hoa Kỳ và Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa như thế nào, một trong những điều đó đã kéo các đồng minh của Mỹ vào căng thẳng. Nó đặt ra câu hỏi về uy thế kinh tế, quốc phòng và an ninh trong một thế giới mà Trung Quốc ngày càng khao khát chiếm thế thượng phong.

Ở các thủ đô phương Tây, Huawei xoáy vào nổi lo lắng sâu sắc về động cơ, chiến lược và tham vọng của Đảng Cộng sản Trung Quốc, nhà nước Trung Quốc và các công ty do nó kiểm soát. Bắc Kinh khẳng định rằng sự nghi ngờ họ đã xây dựng Huawei để chiếm đoạt các công ty độc quyền công nghệ của phương Tây - và các dịch vụ viễn thông của nó khiến khách hàng gặp rủi ro gián điệp hoặc phá hoại trong tương lai - là không có cơ sở. Những người ủng hộ Huawei, bao gồm cả ở cấp cao nhất của chính phủ Trung Quốc, cho rằng những cáo buộc như vậy để lộ ra nỗi sợ hãi của một cường quốc đang suy giảm, trước năng lượng đổi mới của một cường quốc đang lên. Trong khi đó, bản thân Huawei, khẳng định rằng nó đơn giản là một công ty tư nhân thuộc sở hữu của nhân viên, không liên quan đến chính phủ hay Đảng. Một danh sách dài các nhân viên tình báo và các báo cáo điều tra đã tìm thấy tuyên bố đó ít đáng tin cậy.

Việc triển khai công nghệ 5G sắp tới - tốc độ và băng thông hứa hẹn sẽ là nền tảng của biến đổi "trí tuệ nhân tạo" và internet - những thứ đã khiến căng thẳng kéo dài giữa Trung Quốc và Mỹ đi đến khủng hoảng. Cơ sở ở Washington được báo động, mặc dù bản thân Trump thì theo tính cách đặc trưng của ông ta, trước sau bất nhất.

Ở các thủ đô phương Tây khác, các nhà lãnh đạo vật lộn với những xung đột lợi ích sâu sắc - giữa mối quan hệ lâu dài với Mỹ và sức hút của các cơ hội mới với Trung Quốc, và giữa hai mệnh lệnh kinh tế và an ninh quốc gia. Tại Anh, vụ rò rỉ quyết định của Hội đồng Bảo an Quốc gia hồi tháng 4, cho phép Huawei cung cấp một số công nghệ 5G "không phải lõi" cho các công ty điện thoại của Anh, chống lại lời khuyên mạnh mẽ của Washington, khiến bộ trưởng quốc phòng phải trả giá. Tình trạng cuối cùng của mối quan hệ tương lai Anh - Trung Quốc vẫn còn trong tình trạng lấp lửng.

ANH HÙNG NHÂN DÂN

Khối lượng tin tức về Huawei có thể là mới gần đây, nhưng những lo lắng về nó thì phải quay trở lại câu chuyện gốc vào những năm 1980, khi Trung Quốc bắt đầu cởi bỏ sự nghèo đói và lạc hậu của thời Mao. Đó là một thập kỷ lạc quan và tự do hóa chính trị, kết thúc với cú sốc Thiên An Môn : tăng trưởng nhanh chóng và toàn cầu hóa sẽ là câu chuyện của Trung Quốc trong ba thập niên tiếp theo.

Trước đó, Trung Quốc không có thương hiệu toàn cầu hoặc các nhà sản xuất viễn thông bản địa. Một cựu sĩ quan cấp trung trong Quân đội Giải phóng Nhân dân (PLA), với sự hỗ trợ của chiến lược quốc gia cao cấp Trung Quốc, sẽ thay đổi điều đó.

Ren Zhengfei, cựu giám đốc của Học viện Kỹ thuật Thông tin của Bộ Tổng Tham mưu PLA, đã rời quân đội năm 1984, và ban đầu tìm được việc làm với một công ty điện tử nhà nước . Ba năm sau, cùng với 14 đồng nghiệp, tất cả đều là quân đội và một số có nền tảng tình báo, được trang bị khoản vay 8,5 triệu đô la từ ngân hàng nhà nước Trung Quốc, Ren đã thành lập một công ty mới để nhập khẩu thiết bị viễn thông cho thị trường nội địa. Ông cũng thành lập một đơn vị được giao nhiệm vụ đảo ngược kỹ thuật (mày mò tìm hiểu quá trình sản xuất thiết bị từ một thiết bị đã hình thành ), để Huawei có thể bắt đầu tự sản xuất các sản phẩm.

Các thành phần cơ bản của kỹ thuật đảo ngược, chắc chắn được tính là vi phạm bản quyền cấp thấp. Nhưng vào đầu những năm 1990, Huawei tường trình sử dụng 500 nhân viên nghiên cứu và phát triển, chỉ có 200 nhân viên sản xuất, một tỷ lệ cho thấy công ty trẻ này có tham vọng lớn, cũng như những túi tiền kín khó có thể tính được trong các hoạt động thương mại lúc đó. Huawei thịnh vượng thông qua các kết nối hoàn hảo.

Như tin đã đưa, Ren chỉ đạo học viện tiến hành nghiên cứu viễn thông cho PLA suốt thời gian y ở trong quân đội, và các liên kết quân sự của ông ta đã chứng minh là vô giá: quân đội là một khách hàng tiềm năng to lớn và là đối tác có lợi ích chiến lược trong việc nuôi dưỡng các anh hùng nhân dân về các công nghệ quan trọng. Ngày nay, hầu hết người tiêu dùng biết Huawei qua các thiết bị cầm tay, nhưng công ty được xây dựng trên công nghệ kết nối mạng cơ bản của thế giới kỹ thuật số - các bộ chuyển mạch, các bộ định tuyến, những máy chủ xử lý dữ liệu và nắm giữ thế giới trực tuyến. Vào năm 1993, công ty đã phát hành thiết bị chuyển mạch đầu tiên của mình - một thiết bị cho phép dữ liệu được định tuyến quanh một mạng kết nối - và được trao hợp đồng xây dựng mạng viễn thông mới của PLA. Năm 1996, khi chính phủ Trung Quốc quyết định đầu tư vào các anh hùng nhân dân nhằm có thể giải phóng đất nước khỏi sự phụ thuộc vào các công ty phương Tây, Huawei, với các liên kết quân sự của nó, đã được chọn trên một số đối thủ.

Với sự liên kết đó của chiến lược quốc gia và công ty, đã tạo ra rất nhiều lợi ích: các viện nghiên cứu quân sự và nhà nước đã giúp tài trợ và cung cấp cán bộ nhân viên; ngân hàng nhà nước cung cấp các dòng tín dụng hầu như không giới hạn; và nhà nước bao cấp nghiên cứu của nó. Có sự hỗ trợ từ thành phố Thâm Quyến đang phát triển nhanh chóng, ưu tiên cho các dự án của công ty, các hợp đồng nhà nước to lớn, và sự ban phước dễ thấy của các nhân vật cao cấp của Đảng, những người đến thăm thường xuyên. Là anh hùng nhân dân giống như có được thuốc bổ tim giọt liên tục.

Trong ba năm sau đó, doanh thu của Huawei tăng gấp bốn lần và lợi nhuận ròng tăng gấp 10 lần. Khi công ty trưng bày tại hội chợ thương mại Geneva năm 1999, điều ngạc nhiên không chỉ là thiết bị được trưng bày mang nhãn "sản xuất tại Trung Quốc", mà đáng ngạc nhiên là giá của nó lại còn rẻ nửa. Được hỗ trợ bởi nhiều lợi ích từ nhà nước, Huawei có thể xây dựng thị phần quốc tế của mình bằng cách vượt qua các đối thủ, điều này giúp đẩy một số công ty đối thủ của phương Tây, bao gồm công ty Marconi của Anh, đi đến phá sản.

Ở giai đoạn này, Huawei đã thuê 12.000 người và trở thành nhà sản xuất thiết bị chuyển mạch mạng lớn nhất của Trung Quốc, tạo ra vận may đầu tiên. Nó tự hào có doanh thu 1,5 tỷ đô la và có văn phòng bán hàng ở 45 quốc gia, bao gồm một ở Libya được đặt bên trong đại sứ quán Trung Quốc. Nhưng đối với các đối tác nước ngoài trong tương lai, có hai câu hỏi dai dẳng: ai là người thực sự sở hữu Huawei? Và ai tài trợ, hỗ trợ cho nó? Với sự nhạy cảm về an ninh của viễn thông, các câu trả lời ảnh hưởng đến việc các đối tác nước ngoài sẽ sẵn sàng hợp tác chặt chẽ với Huawei như thế nào.

Bằng chứng về sự ủng hộ mạnh mẽ của nhà nước không khó tìm thấy: các hợp đồng cung cấp và bảo trì viễn thông quân sự của Huawei đã tạo ra mối quan hệ chặt chẽ với Đảng. Thật vậy, miễn là công ty chủ yếu hoạt động ở Trung Quốc, các đối tác nước ngoài như Texas Instruments và 3com có ​​thể xem những kết nối đó là một lợi thế trong việc giúp họ tham gia vào thị trường xa lạ này. Nhưng khi Huawei bắt đầu mở rộng ra các thị trường toàn cầu vào cuối những năm 1990, sự năng động đó đã thay đổi.

Sự xem xét kỹ lưỡng trở nên mãnh liệt hơn và sự nghi ngờ về quyền sở hữu tăng lên. Công ty luôn tuyên bố là được sở hữu bởi các nhân viên của mình, nhưng trong nhiều lần nhắc đi nhắc lại mới nhất về cơ cấu của công ty, công ty điều hành của Huawei được liệt kê là 100% thuộc sở hữu của một công ty cổ phần; trong đó 99% thuộc sở hữu của Liên minh Huawei Investment & Holdings - được công ty cho biết là một công đoàn thương mại - và 1% thuộc sở hữu của Ren Zhenfei.

Nhưng không có công đoàn độc lập nào ở Trung Quốc, và các thành viên công đoàn không có quyền đối với tài sản của công đoàn. Cổ phiếu nhân viên của Huawei, được công ty chào mời như một bằng chứng về quyền sở hữu, là một chương trình phân phối lợi nhuận không qua kiểm soát có ý nghĩa. "Bất kể là của ai, trong một ý nghĩa thực tế, sở hữu và kiểm soát Huawei, rõ ràng các nhân viên thì không", các học giả Christopher Balding và Donald Clarke của Hoa Kỳ đã kết luận sau khi đào sâu vào vấn đề này.

Đến cuối những năm 2000, một báo cáo từ Ủy ban Châu Âu đã kết luận rằng, các khoản tín dụng của Ngân hàng Phát triển Trung Quốc đã nhồi nhét cho Huawei, bao gồm một cơ sở trị giá 30 tỷ đô la, hỗ trợ công ty thực hiện chính sách của chính phủ và củng cố vị thế thương mại bằng cách mở rộng hỗ trợ tài chính cho nó đáp ứng với khách hàng mua thiết bị Huawei. Đối với những công ty như Ericsson và Nokia, cảm thấy áp lực mạnh mẽ của Huawei về giá cả trên thị trường quốc tế, điều này có vẻ không công bằng. Sau đó, có một mối quan tâm sâu sắc hơn: nếu Huawei phụ thuộc vào nhà nước đảng Trung Quốc, liệu họ có thể trở thành nhà cung cấp cơ sở hạ tầng quan trọng đáng tin cậy cho phương tây hay không ?

TAI MẮT

Đầu những năm 2000, các dịch vụ tình báo của Anh đã trở nên cảnh giác. Năm 2003, chính phủ Blair giao nhiệm vụ cho BT với việc hiện đại hóa cơ sở hạ tầng viễn thông của đất nước. Giá thầu của Huawei cho hợp đồng cung cấp thiết bị chuyển mạch thấp hơn đáng kể so với Marconi, và BT đã báo hiệu cho các quan chức chính phủ rằng họ dự định chấp nhận nó. Đáng ngạc nhiên, các quan chức đã không thông báo báo động của MI5 (tình báo của Anh) cho các bộ trưởng mãi đến năm 2006, một năm sau khi các hợp đồng được ký kết. Tại thời điểm đó, dường như quá muộn và có khả năng quá đắt để tháo dỡ thỏa thuận.

Vào năm 2013, Ủy ban Tình báo và An ninh Quốc gia Hạ viện Anh đã công bố một đánh giá nghiêm khắc về các quyết định xung quanh hợp đồng của Huawei, và kết luận rằng tính keo kiệt bủn xỉn đã tạo ra "một sự bất đồng giữa chính sách đầu tư hướng nội của Anh và chính sách an ninh quốc gia của họ". Tuy nhiên, khi đã trở thành một khuôn mẩu với Huawei, con bò sổng mất đã lâu trước khi tính chuyện làm chuồng.

Cho đến nay, công ty Trung Quốc đã cung cấp cho BT, O2, TalkTalk và EE các thiết bị di động cầm tay, bộ định tuyến và các thiết bị khác, và thiết bị của nó được nhúng vào cơ sở hạ tầng viễn thông di động và cố định của Vương quốc Anh. Huawei cũng tuyển dụng 650 người ở Anh với kế hoạch lớn để mở rộng. Tất cả điều này đã xảy ra, theo quan điểm của ủy ban Hạ viện Anh, là "đã không quan tâm đầy đủ đến các tác động an ninh quốc gia". Với việc Anh gánh chịu mối quan hệ, các dịch vụ bảo mật của họ đã tìm cách để quản lý rủi ro.

Giải pháp kỳ lạ mà họ đã quyết định là Trung tâm đánh giá an ninh mạng Huawei (HCSEC), được biết đến nhiều hơn với tên gọi Cell. Đây là một cơ sở giám sát được thành lập vào tháng 11 năm 2010 tại trụ sở của Huawei Technologies UK ở Banbury, nơi mà nhân viên của Trung tâm an ninh mạng quốc gia của Vương quốc Anh (và trước đó là GCHQ), làm việc với công ty để theo dõi tính bảo mật và tính toàn vẹn của mã Huawei, theo thứ tự đánh giá và giảm thiểu rủi ro về sự tham gia của Huawei vào cơ sở hạ tầng quan trọng của Vương quốc Anh.

Cơ cấu này có tính hợp tác cao - ví dụ, phó chủ tịch Hội đồng giám sát HCSEC, là một giám đốc điều hành cao cấp của Huawei. HCSEC báo cáo cho chính phủ Anh hàng năm và công ty đưa ra nhiều thực tế rằng GCHQ đã không tìm thấy bằng chứng về cửa sau có thể bị khai thác để phá hoại hoặc gián điệp. Nó giống như một trò chơi mà trong đó một bên đồng ý tự rình mò, và bên kia ủng hộ giúp đỡ đối tượng rình mò.

Báo cáo năm 2018 của hội đồng quản trị đã bất ngờ gây thiệt hại. Nó phàn nàn có "những thiếu sót trong các quy trình kỹ thuật của Huawei", qua đó phơi bày những rủi ro mới trong mạng viễn thông của Anh, và những thách thức lâu dài trong việc giảm thiểu và quản lý. Các lỗi này vẫn tồn tại mặc dù đã nhiều lần yêu cầu công ty giải quyết chúng - lãnh đạo ăn nói quanh co nhưng kết luận gây tai hại rằng "Ban giám sát chỉ có thể bảo đảm hạn chế rằng, mọi rủi ro đối với an ninh quốc gia của Anh từ sự tham gia của Huawei vào các mạng quan trọng của Vương quốc Anh đã được giảm nhẹ".

Tuy nhiên, trở lại năm 2013, hàng xóm của Downing Street, David Cameron và George Osborne không có xu hướng lo lắng về các rủi ro an ninh quốc gia liên quan đến Trung Quốc. Ostern nói riêng đã nhiệt tình theo đuổi một khoản đầu tư vô giới hạn của Trung Quốc và Ren Zhengfei đã nhận được sự chào đón nồng nhiệt ở phủ thủ tướng. Huawei đã công bố khoản đầu tư nghiên cứu trị giá 1,2 tỷ bảng tại Anh và thông cáo báo chí của công ty đã trích dẫn Ren nói : "11 năm qua chúng tôi đã tìm thấy chính phủ [Anh] minh bạch, hiệu quả và thiết thực. Vương quốc Anh là một thị trường mở, nơi chào đón đầu tư ở nước ngoài".

Ren ít được chào đón ở nơi khác. Úc từ lâu đã loại Huawei ra khỏi cơ sở hạ tầng internet của mình và vào năm 2012, một báo cáo của tình báo Mỹ đã kết luận rằng, cả Huawei và ZTE, công ty viễn thông lớn thứ hai của Trung Quốc, đã đại diện cho các mối đe dọa an ninh nghiêm trọng đối với "nhiều hệ thống cơ sở hạ tầng quan trọng (phụ thuộc) vào việc truyền thông tin qua hệ thống viễn thông". Những cái này bao gồm lưới điện; hệ thống tài chính ngân hàng; hệ thống khí đốt, hệ thống dầu và nước tự nhiên; các kênh đường sắt và vận chuyển. Nếu điều này ngày càng tăng vào cơ sở hạ tầng kỹ thuật số khiến cho việc tham gia vào mạng 3G và 4G của Huawei gặp vấn đề từ góc độ bảo mật, thì lời hứa của 5G - một công nghệ mà bạn có thể điều hành cả nước từ nó - việc tăng rủi ro sẽ theo cấp số nhân: không chỉ nhiều dịch vụ chính phụ thuộc vào nó, mà còn cả lĩnh vực tấn công cũng sẽ bị mở rộng mạnh mẽ.

Các phát triển như xe tự lái sẽ phụ thuộc vào 5G, trong tương lai, nơi mà trí tuệ nhân tạo và các ứng dụng dữ liệu lớn được 5G hỗ trợ cũng sẽ hiện ra lù lù. Việc sở hữu công nghệ nền tảng sẽ không chỉ thiết lập các tiêu chuẩn thống trị, mà còn có khả năng cho phép Huawei truy cập vào số lượng dữ liệu to lớn sẽ truyền đi trên các mạng đó. Đạt được vị thế thống lĩnh khi khởi đầu bình minh công nghệ mới, có thể mang lại cho người chơi như Huawei một lợi thế 50 năm, cùng với khả năng phá vỡ cơ sở hạ tầng quan trọng của bất kỳ đối thủ nào.

Những lo ngại về an ninh của Hoa Kỳ có thể đã được quản lý trong khuôn khổ tin cậy và cùng hợp tác giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc. Nhưng chủ nghĩa dân tộc đang phát triển ở cả hai phía đã ăn mòn sự tin tưởng như vậy. Hoa Kỳ muộn màng nhận ra rằng họ đã bỏ bê sự phát triển 5G và thực sự đã mất dần lãnh thổ cho 5G. Một khi Washington thức dậy với mối nguy hiểm, nó loay hoay đáp trả y như sự thất vọng sôi sục kéo dài với các điều khoản thương mại với Trung Quốc, và sự báo động của Lầu Năm Góc về việc ông Tập Cận Bình chuyển sang chủ nghĩa dân tộc độc tài, sắp nổ ra.

KẺ THÙ CỦA NHÂN DÂN

Vụ bắt giữ Mạnh Vãn Châu ở Vancouver vào tháng 12 năm ngoái đã mang đến một vấn đề kịch tính. Những cáo buộc mà cô phải đối mặt, nếu bị dẫn độ về Mỹ, là Huawei đã thực tế kiểm soát một công ty có tên Skycom, được thiết lập để giao dịch với Iran, trái với lệnh trừng phạt của Mỹ. Công ty khẳng định rằng vụ việc có động cơ chính trị.

Ở một số khía cạnh, họ đúng. Các tội danh trừng phạt việc mua bán không chính thức có thể được coi là một động thái của Al Capone: truy tố một tên cướp trốn thuế vì nó dễ hơn là bảo đảm một kết án về việc nó dùng mánh khóe để kiếm tiền phi pháp. Các động thái khác đã được dự tính: năm 2010, dưới thời chính quyền Obama, các nhân viên phản gián Hoa Kỳ và các công tố viên liên bang đã khám phá các trường hợp gián điệp, qua đó có thể chống lại các giám đốc điều hành Huawei tại các cơ sở ở Mỹ. Nhưng việc truy tố các tội danh gián điệp hình sự có nguy cơ bị lộ các nguồn cung cấp thông tin cũng như các phương pháp bí mật, và kết quả thì không bao giờ chắc chắn. Đúng là dễ dàng hơn nhiều để đi theo họ với tội danh mua bán không chính thức.

Phản ứng của chính phủ Trung Quốc là nhanh chóng - và như một sự bảo vệ lợi ích của một công ty tư nhân, không bình thường. Chín ngày sau khi Mạnh bị bắt giữ, hai công dân Canada, Michael Michaelrig, một cựu nhà ngoại giao rất được kính trọng và Michal Spavor, một doanh nhân đã bị giam giữ tại Trung Quốc. Tòa án Canada cho phép Mạnh sống ở một trong những lâu đài được trang bị đầy đủ của cô ở Vancouver và đi mua sắm tùy thích. Ngược lại, chính quyền Trung Quốc đã bỏ tù những người Canada trong điều kiện khắc nghiệt, không cho họ tiếp cận luật sư và sau đó chính thức bắt giữ họ với tội danh an ninh mơ hồ, có thể lãnh án nặng. Đáng tiếc hơn nữa là hai người Canada khác: Robert Lloyd Schellenberg, một người 36 tuổi kháng cáo bản án 15 năm về tội ma túy vào tháng 1 năm 2019, bị kết án tử hình; và Fan Wei, người đã bị kết án tử hình về tội ma túy vào tháng Tư.

Trong khi đó, Trump, ám chỉ rằng Huawei - và Mạnh - có thể bị nhét vào một thỏa thuận thương mại lớn hơn, một gợi ý đã gây mất tinh thần ở Canada vì phá hoại quy trình pháp lý mà Canada đã bảo vệ với cái giá phải trả đáng kể; và trong số những người Cộng hòa diều hâu ở Quốc hội, những người nhìn thấy các mối đe dọa an ninh là tối quan trọng.

Trong khi Huawei tiếp tục khẳng định họ sẽ không bao giờ chịu khuất phục trước yêu cầu giám sát từ các cơ quan tình báo của Bắc Kinh - mặc dù có hai đạo luật bắt buộc bất kỳ cá nhân hay tổ chức nào của Trung Quốc phải làm như vậy theo yêu cầu - phản ứng của phương tây đối với Huawei minh họa cho việc các nền dân chủ bị tiến thoái lưỡng nan trong giao dịch với Trung Quốc. Làm thế nào để đối phó với những gì mà Ủy ban châu Âu mô tả là một đối tác kinh tế, đồng thời là đối thủ cạnh tranh chiến lược, và là một người chơi với những quy tắc rất khác nhau ? Úc, từ lâu, một nước cứng rắn với Huawei, đã loại công ty này ra khỏi 5G của họ, cũng như Hoa Kỳ. Mỹ tiếp tục gây sức ép với các chính phủ khác, bao gồm Đức và Anh, để làm theo.

Một chiến lược thứ hai của Mỹ là phức tạp hơn và đã được áp dụng không nhất quán: lập danh sách đen đối với Huawei trong việc nó mua công nghệ mà nó cần từ các công ty Mỹ. Điều đó có nghĩa là Huawei không còn có thể mua chip tinh vi của Mỹ và Google không còn có thể cung cấp cho công ty Trung Quốc các bản cập nhật cho hệ điều hành Android. Việc bán hàng điện thoại cầm tay - đại diện cho khoảng 50% công việc kinh doanh của Huawei - chìm xuống thình lình khi các nhà bán lẻ và người tiêu dùng dự tính khả năng điện thoại Huawei có thể từ từ chết vì thiếu cập nhật phần mềm.

Từ chối Huawei tiếp cận với công nghệ tiên tiến mà họ cần mua từ các công ty Mỹ là vũ khí của ngày tận thế: nó có thể gây tổn hại nghiêm trọng cho Huawei, nhưng chuỗi cung ứng công nghệ toàn cầu đan xen lẫn nhau đến nỗi không có động thái từ chối nào mà không gây thiệt hại cho lợi ích của Mỹ. Hai bên liên kết nhau trong một vòng tay cay đắng: Các nhà sản xuất Mỹ dựa vào Trung Quốc để sản xuất thiết bị của họ với chi phí thấp, trong khi Huawei nhập khẩu 40% chip tiên tiến của họ từ Mỹ.

Bên cạnh đó, chính sách của Hoa Kỳ ngày nay chỉ nhất quán như tổng thống thất thường của nó. Sau một cú phone từ Xi Jinping, Trump đã dỡ bỏ lệnh cấm tương tự đối với công ty công nghệ lớn thứ hai của Trung Quốc , ZTE, đã bị Bộ Thương mại áp đặt một hình phạt cho việc mua bán không chính thức vào năm 2018. Sau khi gặp Xi tại hội nghị thượng đỉnh G20 ở Osaka, Trump đề nghị ông sẽ dỡ bỏ lệnh cấm Huawei mua linh kiện của Mỹ, mâu thuẫn gần như ngay lập tức với các quan chức của chính ông ta. Quan điểm rõ ràng là rất khó hiểu.

Trong khi đó, Huawei, sử dụng một giọng điệu thách thức kiên cường: một hình ảnh mới đã xuất hiện trong trụ sở ở Thâm Quyến của nó - một bức ảnh củ được phóng to của một chiếc máy bay Liên Xô trong Thế chiến thứ hai đã bị bắn cháy, nhưng vẫn cố bay. Công ty tuyên bố có hệ điều hành riêng, sẵn sàng ra mắt, cùng với kho dự trữ chip tiên tiến nhập khẩu của Intel, cần thiết cho mạng 5G, qua đó cho thấy nó sẽ đi đến tự sản xuất.

Chính thức các cuộc giao tranh qua ZTE và Huawei đã củng cố và biện minh cho quyết tâm của Trung Quốc là tự cung cấp các công nghệ tiên tiến. Trên thực tế, khả năng đạt được mục tiêu của nó vẫn còn xa vời. Huawei đã nộp bằng sáng chế hệ điều hành Hongmeng của riêng mình, nhưng việc xây dựng và duy trì một hệ điều hành hoạt động có thể cạnh tranh với thị trường bên ngoài thị trường nội địa được bảo vệ của Trung Quốc là một thách thức. Một hệ thống chưa được thử nghiệm khó có thể tìm thấy nhiều sự ưu ái ngoài khách hàng yêu nước Trung Quốc.

Đối với các chip nhập khẩu, kho dự trữ của Huawei sẽ cạn kiệt nếu không thể bổ sung. Đây sẽ là một mùa hè dài đối với nhân viên của Huawei: tất cả kỳ nghỉ phép của 10.000 kỹ sư đã bị hủy bỏ và họ được lệnh làm việc suốt ngày đêm để sản xuất các sản phẩm thay thế cho phần mềm và mạch điện của nước ngoài.

5G VÀ Five Eyes Anglosphere

Nếu mục đích của Mỹ là ngăn chặn Trung Quốc thống trị cơ sở hạ tầng 5G, thì có thể đã thất bại. Huawei tuyên bố có 46 hợp đồng thương mại 5G tại 30 quốc gia và đã có 100.000 trạm vận chuyển gốc 5G. Công ty lập luận rằng nếu không có thiết bị của mình, khách hàng sẽ bị thiệt thòi nghiêm trọng. Các lựa chọn thay thế có thể tồn tại nhưng sự lựa chọn vẫn còn - như ở Anh năm 2003 - kẹt giữa an ninh và chi phí. Đó là một vấn đề nan giải mà phương tây vẫn phải cung cấp một chút dấu hiệu của việc biết cách điều hướng.

Vào tháng 5, chính phủ Anh đã ban hành một tuyên bố trung lập đối với Huawei và 5G, khi các cuộc tranh luận nổ ra giữa các nhân viên tình báo và các chuyên gia kỹ thuật về việc liệu có cho phép Huawei cài đặt thiết bị ngoại vi siêu cứng 5G hay không, trong khi, bằng cách nào đó, loại trừ nó ra khỏi hệ thống cốt lõi, sẽ giải quyết được vấn đề an ninh.

Tại Washington, Lầu năm góc khẳng định rằng nó không thể hoạt động trong một hệ thống kỹ thuật số không an toàn và có thể kiểm soát được. Do đó, nếu Vương quốc Anh chọn Huawei, họ sẽ có nguy cơ bị loại khỏi các liên minh đã được thành lập, bao gồm cả mạng lưới chia sẻ thông tin tình báo có tên là Five Eyes Anglosphere, một trong những nền tảng của an ninh Anh kể từ Thế chiến thứ hai.

Các quyết định kỹ thuật và thương mại rõ ràng có ý nghĩa rất lớn đối với các liên minh trong tương lai của Vương quốc Anh. Họ không quyết định được là nên xem nhẹ, hoặc ở giữa những phiền nhiễu chính trị khác, chẳng hạn như cuộc bầu cử lãnh đạo Tory mà trong đó những tình huống khó xử quan trọng này đã hoàn toàn bị bỏ qua. Tuy nhiên, khi các công ty của Anh công bố hợp đồng với thiết bị Huawei 5G, quyết định cuối cùng của chính phủ không có kết quả.

Đối với Vương quốc Anh, tình thế tiến thoái lưỡng nan của Huawei đưa ra một dự báo về những khó khăn, trong việc điều hướng cuộc đụng độ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới bên ngoài EU. Bất chấp sự phức tạp của sự phụ thuộc lẫn nhau trong công nghiệp, hai gã khổng lồ bị nhốt vào một cuộc đối đầu sâu sắc có nguy cơ buộc người khác phải thỏa hiệp giữa sự thịnh vượng và an ninh. Chúng ta thiếu chuẩn bị và thiếu trang bị để đối phó với sự lựa chọn khủng khiếp đó.

(*) "thiên nga đen", ám chỉ nói về những biến cố tưởng chừng không thể xảy ra nhưng lại có thể xảy ra.

------------------------|||--------------------------

Bài đăng phổ biến từ blog này

Trung Quốc đang đụng đầu với khủng hoảng ?

Nỗi sợ ngân hàng gây thêm đau đầu cho nền kinh tế Trung Quốc.

Xung đột vũ trang ở Biển Đông.