Chuyển đến nội dung chính

Tại sao Trung Quốc mua nợ Mỹ bằng trái phiếu kho bạc.


SHOBHIT SETH, Cập nhật ngày 7 tháng 8 năm 2019 . Theo Investopedia
Trần Hoàng Sa lược dịch.
Trung Quốc đã đều đặn tích lũy chứng khoán Kho bạc Hoa Kỳ trong vài thập kỷ qua. Tính đến tháng 5 năm 2019, quốc gia châu Á này sở hữu 1,11 nghìn tỷ đô la, tương đương khoảng 5%, trong số 22 nghìn tỷ đô la nợ quốc gia của Hoa Kỳ, nhiều hơn bất kỳ quốc gia nước ngoài nào khác.
Khi cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế leo thang, các nhà lãnh đạo của cả hai bên tìm kiếm thêm kho vũ khí tài chính. Một số nhà phân tích và nhà đầu tư lo ngại Trung Quốc có thể từ bỏ kho tàng trái phiếu này để trả đũa và việc vũ khí hóa sự nắm giữ này sẽ khiến lãi suất cao hơn, có khả năng gây tổn hại cho tăng trưởng kinh tế.
Câu hỏi đặt ra là, Trung Quốc có phải – là trung tâm sản xuất lớn nhất thế giới và là một nền kinh tế dựa vào xuất khẩu với dân số đang phát triển – đang cố gắng “mua chuộc” thị trường Mỹ thông qua tích lũy nợ, hay đó là một trường hợp chẳng đặng đừng ? Bài viết này thảo luận về việc kinh doanh đằng sau việc Trung Quốc liên tục mua nợ của Mỹ .
Kinh tế trung quốc.
Trung Quốc chủ yếu là một trung tâm sản xuất và là nền kinh tế định hướng xuất khẩu. Dữ liệu thương mại từ Cục Thống kê dân số Hoa Kỳ cho thấy Trung Quốc đã quản lý một thặng dư thương mại to lớn với Mỹ từ năm 1985. Điều này có nghĩa là Trung Quốc bán hàng hóa và dịch vụ cho Mỹ nhiều hơn Mỹ bán cho Trung Quốc. Các nhà xuất khẩu Trung Quốc nhận được đô la Mỹ (USD) từ hàng hóa của họ được bán sang Mỹ, nhưng họ cần Nhân dân tệ ( RMB hoặc Yuan) để trả cho công nhân của họ và dự trữ tiền tại địa phương. Họ bán số đô la họ nhận được thông qua xuất khẩu để lấy Nhân dân tệ, điều này làm tăng nguồn cung USD và làm tăng nhu cầu về Nhân dân tệ.
Ngân hàng trung ương Trung Quốc (Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc – PBOC) đã tiến hành các biện pháp can thiệp tích cực để ngăn chặn sự mất cân bằng giữa đồng đô la Mỹ và nhân dân tệ tại thị trường địa phương. Nó mua số đô la Mỹ dư thừa có sẵn từ các nhà xuất khẩu, và cung cấp cho họ đồng nhân dân tệ cần thiết. PBOC có thể in nhân dân tệ khi cần thiết. Thực tế, sự can thiệp này của PBOC tạo ra sự khan hiếm đô la Mỹ, khiến tỷ giá USD cao hơn. Do đó, Trung Quốc phải tích lũy USD dưới dạng dự trữ ngoại hối.
Dòng tiền tự điều chỉnh
Mậu dịch quốc tế giữa hai nước đặt ra hai loại tiền tệ của hai quốc gia đó có cơ chế tự điều chỉnh. Giả sử Úc đang bị thâm hụt tài khoản vãng lai, tức là Úc đang nhập khẩu nhiều hơn xuất khẩu (kịch bản 1). Các quốc gia khác gửi hàng hóa đến Úc được trả bằng đô la Úc (AUD), do đó, nguồn cung AUD rất lớn trên thị trường quốc tế, khiến AUD bị mất giá so với các loại tiền tệ khác. [ theo nguyên tắc thị trường, cung tăng khi cầu không tăng hoặc giảm thì giá giảm, THS ].
Tuy nhiên, sự sụt giảm của AUD sẽ làm cho hàng xuất khẩu của Úc rẻ hơn và nhập khẩu đắt hơn. Dần dần, Úc sẽ bắt đầu xuất khẩu nhiều hơn và nhập khẩu ít hơn, do đồng tiền có giá trị thấp hơn. Điều này cuối cùng sẽ đảo ngược kịch bản ban đầu (kịch bản 1 ở trên). Đây là cơ chế tự điều chỉnh, thường xuyên xảy ra trong thị trường ngoại hối và thương mại quốc tế, với rất ít hoặc không có sự can thiệp từ bất kỳ cơ quan nào.
Trung Quốc cần một Nhân dân tệ yếu.
Chiến lược của Trung Quốc là duy trì tăng trưởng xuất khẩu, giúp nó tạo ra việc làm và cho phép nó, thông qua sự tăng trưởng liên tục như vậy, giữ cho dân số to lớn của nó tham gia vào nền kinh tế có hiệu quả. Vì chiến lược này phụ thuộc vào xuất khẩu (chủ yếu sang Mỹ), Trung Quốc yêu cầu Nhân dân tệ tiếp tục có xu hướng thấp hơn USD, và do đó đưa ra mức giá rẻ hơn.
Nếu PBOC ngừng can thiệp – bằng cách thức được mô tả trên đây – thì Nhân dân tệ sẽ tự điều chỉnh và bị đánh giá cao về giá trị, do đó làm cho hàng xuất khẩu của Trung Quốc trở nên đắt đỏ hơn. Nó sẽ dẫn đến một cuộc khủng hoảng thất nghiệp trầm trọng do kinh doanh xuất khẩu bị mất đi.
Trung Quốc muốn giữ hàng hóa của mình cạnh tranh trên thị trường quốc tế, và điều đó không thể xảy ra nếu Nhân dân tệ tăng giá. Do đó, nó giữ cho Nhân dân tệ thấp hơn so với USD bằng việc sử dụng cơ chế như đã được mô tả. Tuy nhiên, điều này dẫn đến dự trữ ngoại hối của Trung Quốc là một đống USD khổng lồ.
Chiến lược của PBOC và lạm phát của Trung Quốc.
Mặc dù các nước thâm dụng lao động, định hướng xuất khẩu khác như Ấn Độ cũng đã thực hiện các biện pháp tương tự, nhưng họ chỉ làm như vậy ở một mức độ hạn chế. Một trong những thách thức nghiêm trọng do cách tiếp cận đã được vạch ra là nó dẫn đến lạm phát cao.
Trung Quốc có sự kiểm soát chặt chẽ, chi phối của nhà nước đối với nền kinh tế, và có thể quản lý lạm phát thông qua các biện pháp khác như tiền trợ cấp và kiểm soát giá cả . Các quốc gia khác không có mức độ kiểm soát cao như vậy và phải nhượng bộ trước áp lực thị trường của nền kinh tế tự do hoặc một phần tự do. Ngoài ra, Trung Quốc, là một quốc gia mạnh, có thể chịu được bất kỳ áp lực chính trị nào từ các quốc gia nhập khẩu khác, điều này thường không khả thi trong trường hợp các quốc gia khác. Ví dụ, Nhật Bản đã phải nhượng bộ trước yêu cầu của Mỹ trong những năm 1980, khi nước này cố gắng kềm chế tỷ giá JPY so với USD.
Sử dụng dự trữ USD của Trung Quốc.
Trung Quốc có số đô la dự trữ khoảng 3.103 nghìn tỷ USD, tính đến tháng 7 năm 2019 . Giống như Mỹ, nó cũng xuất khẩu sang các khu vực khác như châu Âu. Đồng Euro tạo thành đợt dự trữ ngoại hối lớn thứ hai của Trung Quốc. Trung Quốc cần đầu tư những kho dự trữ khổng lồ như vậy để kiếm được ít nhất là “lãi suất phi rủi ro”. Với hàng nghìn tỷ đô la Mỹ, Trung Quốc đã tìm thấy chứng khoán Trái phiếu kho bạc của Hoa Kỳ là điểm đến, qua đó cung cấp đầu tư an toàn nhất cho dự trữ ngoại hối của Trung Quốc.
Nhiều điểm đến đầu tư khác có sẵn. Với kho dự trữ Euro, Trung Quốc có thể xem xét đầu tư vào nợ châu Âu. Một cách hợp lý, ngay các kho dự trữ đô la Mỹ cũng có thể được đầu tư để có được lợi nhuận tương đối tốt hơn từ nợ của Euro.
Tuy nhiên, Trung Quốc thừa nhận rằng sự ổn định và an toàn của việc đầu tư được ưu tiên hơn mọi thứ khác. Mặc dù Eurozone đã tồn tại được khoảng 18 năm nhưng nó vẫn không ổn định. Thậm chí không chắc chắn liệu Eurozone (và đồng Euro) có sẽ tiếp tục tồn tại trong trung hạn đến dài hạn hay không. Do đó, việc hoán đổi tài sản (nợ của Mỹ sang nợ của Euro) không được khuyến nghị, đặc biệt trong trường hợp mà ở đó các tài sản khác được coi là rủi ro hơn.
Các loại tài sản khác như bất động sản, chứng khoán và Trái phiếu Kho bạc của các quốc gia khác có rủi ro cao hơn nhiều so với nợ của Mỹ. Tiền dự trữ ngoại hối không phải là tiền mặt được dự phòng dùng để đánh bạc vào các chứng khoán rủi ro do muốn có lợi nhuận cao hơn.
Một lựa chọn khác cho Trung Quốc là sử dụng đô la ở nơi khác. Ví dụ, đô la có thể được sử dụng để trả cho các nguồn cung cấp dầu ở các nước Trung Đông. Tuy nhiên, những quốc gia đó cũng sẽ cần đầu tư số đô la mà họ đã nhận được. Thực tế, nhờ đồng đô la là đồng tiền thương mại quốc tế, bất kỳ nguồn cung đô la nào cuối cùng cũng nằm trong dự trữ ngoại hối của một quốc gia nào đó, hoặc trong khoản đầu tư an toàn nhất – chứng khoán trái phiếu Kho bạc Hoa Kỳ.
Thêm một lý do nữa để Trung Quốc liên tục mua trái phiếu kho bạc của Mỹ là quy mô khổng lồ của thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc. Khoản thâm hụt hàng tháng vào khoảng 25 – 35 tỷ đô la và với số tiền to lớn rắc rối đó, trái phiếu kho bạc có lẽ là lựa chọn tốt nhất cho Trung Quốc. Mua trái phiếu kho bạc của Mỹ giúp tăng cường việc cung ứng tiền và đáp ứng tín dụng thích đáng của Trung Quốc. Bán hoặc hoán đổi trái phiếu kho bạc như vậy sẽ đảo ngược những lợi thế này.
Tác động của việc Trung Quốc mua nợ Mỹ.
Nợ của Mỹ mang đến thiên đường an toàn nhất cho dự trữ ngoại hối của Trung Quốc, điều đó có nghĩa là Trung Quốc cung cấp các khoản vay cho Mỹ để Mỹ có thể tiếp tục mua hàng hóa do Trung Quốc sản xuất.
Do đó, miễn là Trung Quốc tiếp tục có một nền kinh tế định hướng xuất khẩu với thặng dư thương mại khổng lồ với Mỹ, họ sẽ tiếp tục chất đống đô la Mỹ và nợ của Mỹ. Các khoản cho Mỹ vay của Trung Quốc, thông qua việc mua nợ của Hoa Kỳ, cho phép Hoa Kỳ mua các sản phẩm của Trung Quốc. Đó là một tình huống “cùng thắng” cho cả hai quốc gia, với cả hai cùng có lợi. Trung Quốc có được một thị trường khổng lồ cho các sản phẩm của mình và Mỹ được hưởng lợi từ giá cả kinh tế của hàng hóa Trung Quốc. Ngoài sự kình địch chính trị nổi tiếng của họ, cả hai quốc gia (sẵn sàng hoặc không sẵn lòng) đều bị khóa trong tình trạng phụ thuộc lẫn nhau mà cả hai đều có lợi, và có khả năng sẽ tiếp tục.
USD là tiền tệ dự trữ.
Một cách hiệu quả, Trung Quốc đang mua “đồng tiền dự trữ” của thời nay. Cho đến thế kỷ thứ 19, vàng là tiêu chuẩn toàn cầu cho việc dự trữ. Nó đã được thay thế bằng bảng Anh. Ngày nay, đúng là trái phiếu kho bạc của Hoa Kỳ được coi là an toàn nhất.
Ngoài lịch sử lâu dài về việc sử dụng vàng của nhiều quốc gia, lịch sử còn cung cấp những trường hợp mà nhiều quốc gia có trữ lượng bảng Anh ( GBP ) khổng lồ trong thời kỳ hậu Thế chiến II. Các quốc gia này không có ý định chi tiêu dự trữ GBP của họ hoặc đầu tư vào Vương quốc Anh, nhưng vẫn giữ lại đồng bảng Anh chỉ hoàn toàn như là đồng tiền dự trữ an toàn. Tuy nhiên, khi những dự trữ đó bị bán hết, Vương quốc Anh phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng tiền tệ. Nền kinh tế của nó xấu đi do nguồn cung tiền tệ ( GBP ) dư thừa, dẫn đến lãi suất cao [ lãi suất cao do ngân hàng trung ương cần thu bớt lượng tiền đang lưu hành bị dư thừa, THS]. Điều tương tự có sẽ xảy ra với Mỹ nếu Trung Quốc quyết định cắt giảm các khoản nợ của Mỹ mà nó đang nắm giữ hay không ?
Ồ, đáng chú ý là hệ thống kinh tế thịnh hành sau đệ nhị thế chiến yêu cầu Vương quốc Anh duy trì tỷ giá hối đoái cố định . Do những hạn chế đó và không có hệ thống tỷ giá hối đoái linh hoạt, việc các quốc gia khác bán hết dự trữ GBP đã gây ra hậu quả kinh tế nghiêm trọng cho Vương quốc Anh. Tuy nhiên, vì đồng đô la Mỹ có tỷ giá hối đoái thay đổi, bất kỳ quốc gia nào bán số lượng lớn nợ của Mỹ hoặc số dự trữ đô la của họ, điều này sẽ kích hoạt sự điều chỉnh cán cân thương mại ở cấp quốc tế. Dự trữ đô la Mỹ bị cắt giảm từ Trung Quốc sẽ kết thúc với việc số đô la đó chạy vào dự trữ đô la của một quốc gia khác hoặc sẽ quay trở lại Hoa Kỳ.
Những hậu quả đối với Trung Quốc về việc cắt giảm như vậy sẽ tồi tệ hơn. Nguồn cung đô la Mỹ dư thừa sẽ dẫn đến việc giảm tỷ giá USD, khiến định giá nhân dân tệ cao hơn. Nó sẽ làm tăng giá thành của các sản phẩm Trung Quốc, khiến chúng mất lợi thế cạnh tranh về giá. Trung Quốc có thể không sẵn sàng làm điều đó, vì nó có ý nghĩa kinh tế nhỏ.
Nếu Trung Quốc (hoặc bất kỳ quốc gia nào khác có thặng dư thương mại với Mỹ) ngừng mua trái phiếu Kho bạc Hoa Kỳ, hoặc thậm chí bắt đầu từ bỏ dự trữ ngoại hối của Hoa Kỳ, thì thặng dư thương mại của họ sẽ trở thành thâm hụt thương mại – điều mà không một nền kinh tế định hướng xuất khẩu nào muốn, một kết quả tồi tệ hơn.
Những lo lắng đang diễn ra về việc Trung Quốc gia tăng nắm giữ trái phiếu Kho bạc Hoa Kỳ hoặc nỗi sợ Bắc Kinh bán phá giá chúng là điều không thể nghỉ đến. Ngay cả khi điều đó xảy ra, đô la và chứng khoán nợ sẽ không biến mất. Chúng sẽ nhảy qua nơi khác.
Quan điểm rủi ro đối với Hoa Kỳ.
Mặc dù hoạt động đang diễn ra này đã khiến Trung Quốc trở thành chủ nợ của Mỹ, nhưng tình hình đối với Mỹ có thể không tệ đến thế. Xem xét những hậu quả mà Trung Quốc sẽ phải chịu khi bán hết dự trữ của Mỹ, Trung Quốc (hoặc bất kỳ quốc gia nào khác) có thể sẽ kiềm chế những hành động đó. Ngay cả khi Trung Quốc tiến hành bán dự trữ này, Mỹ, là một nền kinh tế tự do, có thể in bất kỳ số tiền nào khi cần thiết. Nó cũng có thể thực hiện các biện pháp khác như Nới lỏng định lượng (QE). Mặc dù in đô la sẽ làm giảm giá trị của đồng tiền của nó, do đó làm tăng lạm phát, nhưng nó thực sự sẽ có lợi cho nợ của Mỹ. Giá trị trả nợ thực tế sẽ giảm tỷ lệ thuận với lạm phát – đó là điều tốt cho con nợ (Mỹ), nhưng xấu cho chủ nợ (Trung Quốc).
Mặc dù thâm hụt ngân sách của Hoa Kỳ đã tăng lên, nhưng nguy cơ Mỹ vỡ nợ thực tế vẫn là con số không (trừ khi có quyết định chính trị để làm như vậy). Thực tế, Mỹ có thể không cần Trung Quốc liên tục mua nợ ; thay vào đó Trung Quốc cần Mỹ nhiều hơn, để bảo đảm tiếp tục thịnh vượng kinh tế .
Quan điểm rủi ro cho Trung Quốc.
Mặt khác, Trung Quốc cần quan tâm đến việc cho vay tiền đối với một quốc gia vốn cũng có thẩm quyền vô hạn để in nó với số lượng bất kỳ. Lạm phát cao ở Mỹ sẽ có tác động bất lợi cho Trung Quốc, vì giá trị trả nợ thực sự cho Trung Quốc sẽ giảm trong trường hợp lạm phát cao ở Mỹ. Sẵn sàng hay không sẵn lòng, Trung Quốc sẽ phải tiếp tục mua nợ của Mỹ để bảo đảm khả năng cạnh tranh về giá cho xuất khẩu của nó ở cấp quốc tế.
Điểm mấu chốt
Thực tế địa chính trị và phụ thuộc kinh tế thường dẫn đến những tình huống thú vị trên trường toàn cầu. Trung Quốc mua nợ Mỹ liên tục là một trong những kịch bản thú vị như vậy. Nó tiếp tục làm dấy lên mối lo ngại về việc Hoa Kỳ trở thành một quốc gia “nợ ròng” , dễ bị ảnh hưởng bởi yêu cầu của một quốc gia chủ nợ. Tuy nhiên, thực tế không ảm đạm như nó có vẻ, với kiểu sắp xếp kinh tế này, nó thực sự là một lợi ích cho cả hai quốc gia.
Shobhit nhận bằng thạc sĩ Quản lý tài chính – chuyên ngành nghiên cứu sản phẩm tài chính & định lượng – từ Hà Lan và bằng Cử nhân Công nghệ – Kỹ thuật Điện tử & Truyền thông – từ Ấn Độ. Hơn 17 năm kinh nghiệm làm quản lý sản xuất – sản phẩm tài chính, Dữ liệu tài chính và Quản lý rủi ro – tại các công ty dịch vụ tài chính hàng đầu trên khắp Vương quốc Anh, Châu Âu, Hoa Kỳ và Ấn Độ.
-------------------------------|||---------------------------

Bài đăng phổ biến từ blog này

Trung Quốc đang đụng đầu với khủng hoảng ?

Nỗi sợ ngân hàng gây thêm đau đầu cho nền kinh tế Trung Quốc.

Xung đột vũ trang ở Biển Đông.