Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản: Những Chiến lược lớn.



Cả ba nước đang cạnh tranh quyền lực ở Thái Bình Dương.




George Friedman - Ngày 28 tháng 8 năm 2019 Theo Geopolitical Futures


Trần Hoàng Sa lược dịch.


Hoa Kỳ nổi lên từ Thế chiến II với sự kiểm soát hoàn toàn Thái Bình Dương. Nhật Bản nổi lên từ cuộc chiến tranh chiếm đóng và bị cai trị thực sự bởi Hoa Kỳ. Trung Quốc, một vài năm sau khi kết thúc chiến tranh, nổi lên như một nhà nước cộng sản, đất nước thống nhất sau một thế kỷ xung đột nội bộ, với thương mại toàn cầu bị hạn chế và nghèo đói cực độ. Trung Quốc và Nhật Bản xác định các chính sách đối ngoại của họ trong phạm vi hành động của Hoa Kỳ, đôi khi người Trung Quốc phối hợp với Liên Xô, nhưng từ những năm 1970 họ quay sang làm việc với Hoa Kỳ chống lại Liên Xô. Mỗi nước theo cách riêng của mình đã nhận lấy sự quan hệ của họ từ Hoa Kỳ.


Các chiến lược cốt lõi.
Chiến lược cốt lõi của Mỹ, được thực hiện trong một thế kỷ, có hai mặt. Thứ nhất, để thống trị Bắc Mỹ, Hoa Kỳ phải kiểm soát, ở mức tối thiểu, Tây Bắc Đại Tây Dương và Đông Thái Bình Dương để ngăn chặn các cuộc xâm lược hoặc các cuộc phong tỏa. Thứ hai, để duy trì vị trí đứng đầu, Mỹ phải bảo đảm rằng không có sức mạnh bá quyền nào có thể nổi lên từ lục địa Á-Âu. Do đó, vào năm 1917, sau sự sụp đổ của Nga hoàng, Hoa Kỳ đã phái một lực lượng viễn chinh khổng lồ đến Pháp để ngăn chặn các lực lượng Đức chuyển sang từ phía đông. Trong Thế chiến II, khi cán cân quyền lực của châu Âu thất bại vì sự sụp đổ của Pháp, Hoa Kỳ lại gởi lực lượng sang Pháp để kềm chế Đức. Trong Chiến tranh Lạnh, Hoa Kỳ đã tập trung lực lượng để ngăn chặn Liên Xô chiếm đóng Tây Âu. Mối đe dọa của một thế lực bá quyền là khả năng xây dựng một lực lượng hải quân để thách thức Hoa Kỳ. Vấn đề kiểm soát các vùng biển bắt đầu với việc duy trì sự cân bằng quyền lực ở châu Âu.
Trong một cuộc chiến tranh xảy ra đồng thời khác, Hoa Kỳ buộc phải bảo vệ vị thế của mình ở Thái Bình Dương bằng cách kềm chế và đẩy lùi người Nhật. Mối đe dọa từ Nhật Bản cũng là bá quyền. Nếu kiểm soát Trung Quốc và Đông Nam Á, Nhật Bản sẽ tiếp cận được với nhân lực, nguyên liệu thô và cuối cùng là công nghệ của chính Trung Quốc và Đông Nam Á, gây ra mối đe dọa cho Tây Thái Bình Dương và do đó là toàn bộ Thái Bình Dương. Hoa Kỳ không thể đánh bại Nhật Bản mà không kiểm soát được toàn bộ Thái Bình Dương, điều này cho chúng ta thấy thực tại Thái Bình Dương được Mỹ nắm giữ cho đến ngày nay.


Nhật Bản cũng có một chiến lược áp đặt lên nó. Đây là cường quốc công nghiệp duy nhất trên thế giới hoàn toàn thiếu khoáng sản công nghiệp. Tính đặc thù này khiến Nhật Bản cần phải tiếp cận được với các nguyên liệu thô này, từ Lưu vực Thái Bình Dương và từ Vịnh Ba Tư. Bất kỳ sự gián đoạn nào của sự tiếp cận này đều đe dọa khả năng hoạt động như một cường quốc công nghiệp của Nhật Bản.



Cuộc chiến ở Thái Bình Dương bắt đầu bằng cuộc tấn công của Nhật Bản vào Trung Quốc nhằm tìm kiếm nhân lực. Tiếp theo đó là một động thái tiến vào Đông Dương để bảo đảm các nguyên liệu thô. Khi Hoa Kỳ chống lại bằng sự can thiệp vào việc tiếp cận dầu lửa của Nhật Bản ở Đông Ấn Hà Lan, và cấm Nhật tiếp cận với kim loại phế liệu và dầu của Hoa Kỳ, Nhật Bản đã phải đối mặt với sự lựa chọn giữa chiến tranh và đầu hàng. Nó chọn chiến tranh.



Những lựa chọn sau chiến tranh.



Chiến lược cốt lõi của Nhật Bản diễn ra một cách khác biệt sau Thế chiến II. Vấn đề tiếp cận nguyên liệu thô vẫn là câu hỏi cơ bản, nhưng vị trí địa lý của Nhật Bản tỏ ra quan trọng đối với quốc phòng của Hoa Kỳ ở Thái Bình Dương. Ngoài sự gần gũi với Hàn Quốc, địa lý của Nhật Bản khóa chặn được sự tiếp cận mở của Liên Xô vào Thái Bình Dương từ Vladivostok. Ngăn chặn Liên xô tiếp cận Thái Bình Dương là mối quan tâm cơ bản của chiến lược Hoa Kỳ, và do đó, sự hồi sinh của Nhật Bản như là một cường quốc công nghiệp thịnh vượng, trở nên quan trọng đối với sức mạnh của Mỹ.



Logic quen thuộc của điều này là Hoa Kỳ bảo đảm các đường cung cấp nguyên liệu thô của Nhật Bản. Do lợi ích của Mỹ ở Thái Bình Dương và theo thời gian cũng ở cả Ấn Độ Dương, lợi ích chiến lược của Mỹ và Nhật đã hợp nhất, và Nhật Bản không bị buộc phải lặp lại những rủi ro của Thế chiến II. Hải quân Hoa Kỳ bảo đảm quyền tiếp cận của Nhật Bản ở các eo biển Malacca và Hormuz.

Lợi ích chiến lược chính của Trung Quốc là duy trì toàn vẹn lãnh thổ của nó. Từ những năm 1840 đến 1948, Trung Quốc là quốc gia ở trong tình trạng chiến tranh khu vực liên miên. Các cuộc chiến tranh có nhiều nguyên nhân; đứng đầu trong số đó là khu vực ven biển có mối quan hệ kinh tế sâu sắc với châu Âu và Hoa Kỳ, sâu sắc hơn so với quan hệ của nó với Bắc Kinh. Vùng ven biển tương đối thịnh vượng trong khi các khu vực nội địa thì không. Chính vì lý do này mà Mao, đã không thành công trong một cuộc nổi dậy ở Thượng Hải và tiến hành vạn lý trường chinh vào vùng nội địa, sự kiện này đã nuôi dưỡng một đội quân nông dân, sau đó chiếm lấy toàn bộ Trung Quốc. Mao đóng cửa Trung Quốc khỏi thế giới, chìm trong nghèo đói nhưng lại thuận tiện cho sự thống nhất.
Đặng Tiểu Bình hiểu rằng nghèo đói là mối đe dọa đối với sự sống còn của Trung Quốc. Ông ta đã đánh bạc khi lặp lại mô hình cũ - giao thương với thế giới - mà không lặp lại vấn đề cũ về bất bình đẳng khu vực và xung đột khu vực. Nhưng sự bất bình đẳng đó đã xuất hiện, và cuộc đấu tranh chiến lược của Trung Quốc là ngăn chặn xung đột khu vực. Do đó, chế độ độc tài của Chủ tịch Tập Cận Bình, liên tục thanh trừng các mối đe dọa tiềm tàng, và thắt chặt kiểm soát yếu tố bảo đảm cuối cùng cho sự thống nhất quốc gia, Quân đội Giải phóng Nhân dân.


Nguy hiểm và khó lường.



Trung Quốc chủ yếu là một cường quốc trên đất liền nhưng phải đối mặt với một mối đe dọa tiềm tàng từ Hoa Kỳ. Trung Quốc phụ thuộc rất nhiều vào thương mại hàng hải. Với vị trí địa lý của biển Đông và biển Hoa Đông, phong tỏa Trung Quốc là một chiến lược tiềm năng của Mỹ. Vì Trung Quốc coi Hoa Kỳ là nguy hiểm và khó lường, Trung Quốc phải coi việc phong tỏa là hành động có thể có của Mỹ, và cần hành động để chặn trước.





Hoa Kỳ không thể chấp nhận khả năng Trung Quốc sắp xếp được nhân lực, nguyên liệu thô và công nghệ để bảo vệ quyền tiếp cận các tuyến đường biển toàn cầu, vì bảo đảm rằng việc tiếp cận đó sẽ yêu cầu Hoa Kỳ rút lui khỏi Tây Thái Bình Dương. Nhật Bản không thể chấp nhận một quá trình phát triển như vậy bởi vì nó sẽ khiến Nhật Bản phụ thuộc vào Trung Quốc để tiếp cận vào các tài nguyên thiết yếu của họ, và do đó phải trả giá chính trị cao. Người Trung Quốc không thể chịu đựng được việc Hoa Kỳ đang ở trong một vị thế phong tỏa Trung Quốc và tàn phá nền kinh tế của họ, có khả năng làm suy yếu sự thống nhất của Trung Quốc.



Cả Nhật Bản lẫn Trung Quốc đều không thể chắc chắn về ý định của Hoa Kỳ, vì Hoa Kỳ có nhiều cơ hội thay đổi kế hoạch của họ. 

Chiến lược chính để tránh bá quyền là lý tưởng, nhưng tuyến đường nối qua các đảo thuộc Tây Thái Bình Dương đến Úc không phải là một mối đe dọa hiện hữu đối với Hoa Kỳ. Hoa Kỳ làm điều này vì nó gây ra mối đe dọa hiện hữu cho Nhật Bản. Hoa Kỳ duy trì sự hiện diện của hải quân gần khu vực duyên hải Trung Quốc là mối đe dọa hiện hữu đối với Trung Quốc.


Do đó, lợi ích của Trung Quốc là tối đa hóa rủi ro gây ra cho lực lượng hải quân Hoa Kỳ trong khu vực. Điều này không đòi hỏi chiến tranh, vì Mỹ không phải đối mặt với một mối đe dọa hiện hữu. Thay vào đó, mục tiêu của Hoa kỳ là tạo ra sự cân bằng quyền lực, mà qua đó Trung Quốc có quyền lựa chọn khởi xướng xung đột với một mức độ tự tin trong việc gây thiệt hại nặng nề cho hạm đội Mỹ, và chấp nhận thiệt hại cho Trung Quốc. Nếu Trung Quốc có thể chứng minh khả năng này, nhu cầu cấp thiết là phải hành động ngay lúc lựa chọn, Hoa Kỳ có thể chọn từ chối chiến đấu và rút lui. Rõ ràng, điều này sẽ bao gồm một chiến lược dựa trên tên lửa và không phải là một trận chiến trên mặt biển. Và điều đó sẽ khiến Mỹ tìm cách đe dọa sự sống còn từ tên lửa trên đất liền. Đây sẽ là cuộc thi đấu ở dạng đơn giản nhất. Nó sẽ không chỉ cung cấp cho Trung Quốc quyền tiếp cận vào các tuyến đường biển toàn cầu mà còn cung cấp cho nó khả năng tấn công.



Đối với Nhật Bản, bất kỳ quyết định rút lui nào của Hoa Kỳ cũng sẽ là một thách thức mang tính tồn tại, vì các tuyến đường biển quan trọng mà Nhật Bản phụ thuộc sẽ bị Trung Quốc nắm giữ. Không một quốc gia nào có thể đem sự sống còn của quốc gia mình dựa trên sự sẵn lòng của một quốc gia khác để bảo đảm lợi ích của mình. Người Nhật không nghĩ Mỹ sẽ rút lui nhưng họ không thể chắc chắn. Do đó, chiến lược của Nhật Bản là phải tạo ra một mối đe dọa đối với Trung Quốc, đủ gây tổn hại hầu qua đó Trung Quốc sẽ không dám thách thức lợi ích của Nhật Bản. Không giống như Mỹ, có thể bị buộc phải thay đổi tư thế vì môi trường đe dọa, Nhật Bản không có lựa chọn nào khác, và do đó, ngay với một phản ứng hạn chế của Trung quốc cũng là một mối đe dọa rất cao đối với Nhật Bản.



Do Nhật Bản là nền kinh tế lớn thứ ba trên thế giới, với nền tảng công nghệ cực kỳ có năng lực và trật tự xã hội ổn định, khả năng Nhật Bản tạo ra mối đe dọa như vậy trong một thời gian tương đối ngắn, gây ra một nguy hiểm cho Trung Quốc. Trung Quốc không có sức mạnh ra tay trước vào thời điểm này vì sự bảo đảm của Hoa Kỳ đối với Nhật Bản. Đối với Nhật Bản, mục tiêu ở đây sẽ giống như mục tiêu mà Charles de Gaulle đã tạo cho Pháp. Ông ấy đã phát triển khả năng hạt nhân của Pháp không phải để tiêu diệt kẻ thù, nhưng theo lời ông, là để "nhổ bật một cánh tay".



Trò chơi tay ba.



Tất nhiên có những người chơi khác tham gia vào trò chơi tay ba này, đặc biệt là Úc và Ấn Độ. Nhưng cuối cùng, trong khi có giá trị trong môi trường hiện tại để hỗ trợ chính trị và hoạt động, Úc vẫn nằm dưới chiếc ô an ninh của Hoa Kỳ. Ấn Độ, dường như đang có một cuộc chiến xuyên Hy Mã Lạp Sơn với Trung Quốc, coi hoạt động của họ là những cử chỉ chính trị.



Điều quan trọng phải hiểu trong tình huống này là rằng, trong khi Mỹ rút ngay lập tức ra khỏi vùng lân cận của Trung Quốc sẽ không phải là mối đe dọa hiện hữu đối với Hoa Kỳ, thì sự phát triển của các sự kiện sau đó có thể trở thành một đe dọa hiện hữu đối với Mỹ. Hoa Kỳ đã chiến đấu với Nhật Bản vì họ hiểu rằng việc nhượng Tây Thái Bình Dương cho Nhật Bản sẽ chỉ hoãn lại cuộc xung đột. Điều tương tự cũng sẽ đúng với việc Mỹ rút khỏi khu vực ngoại vi Trung Quốc. Kiểm soát Đông Thái Bình Dương là điều cần thiết đối với Hoa Kỳ, và Washington đã học được rằng điều này đòi hỏi một sức mạnh áp đảo ở vị trí phía tây để ngăn chặn hành động thù địch của Trung Quốc (hoặc Nga trước nó) ở điểm có lợi thế lớn nhất đối với Hoa Kỳ. Do đó, trong khi cả Trung Quốc lẫn Nhật Bản đều không thể chắc chắn những gì Hoa Kỳ có thể làm, thì tính toán lạnh lùng là đây : Nếu Hoa Kỳ không đứng trên tuyến này, nó có thể sẽ phải đứng trên một tuyến khác, ít lợi thế hơn.



Trung Quốc sẽ tiếp tục đầu tư vào vũ khí khắc chế tuyến biển trong khi hoạt động để duy trì sự ổn định ở nhà. Nhật Bản sẽ phát triển ít nhất các vũ khí tiên tiến đời mới nhất trong khi tận hưởng việc tiếp cận biển do Mỹ cung cấp. Và Mỹ sẽ tiếp tục chắc chắn rằng họ có đủ một loạt phản ứng đối với Trung Quốc, trong khi không bị buộc vào một vị trí quá đáng mà ở đó chấp nhận rủi ro là lựa chọn duy nhất.


 Tiến sĩ George Friedman là một nhà dự báo địa chính trị được quốc tế công nhận, một chiến lược gia về các vấn đề quốc tế và là người sáng lập đồng thời là chủ tịch của Geopolitical Futures.

Bài đăng phổ biến từ blog này

Trung Quốc đang đụng đầu với khủng hoảng ?

Nỗi sợ ngân hàng gây thêm đau đầu cho nền kinh tế Trung Quốc.

Xung đột vũ trang ở Biển Đông.