Nguồn gốc các hành vi của Trung Quốc.



Có phải Washington và Bắc Kinh đang đấu nhau với một cuộc chiến tranh lạnh mới ?




Mất vẻ hào nhoáng : Trump và Xi tại Bắc Kinh, tháng 11 năm 2017 / Thomas Peter / AP
Odd Arne Westad, tiểu luận tháng 9 / tháng 10 năm 2019 Theo Foreign Affairs

Trần H Sa lược dịch.
Vào tháng 2 năm 1946, khi Chiến tranh Lạnh bắt đầu, George Kennan, người phụ trách tại Đại sứ quán Hoa Kỳ ở Moscow, đã gửi cho Bộ Ngoại giao một bức điện tín 5.000 từ, trong đó ông cố gắng giải thích hành vi của Liên Xô và phác thảo một phản ứng đối với nó. Một năm sau, văn bản "Long Telegram" (bức điện dài) nổi tiếng của ông đã được mở rộng thành một bài báo trên Foreign Affairs, "Nguồn gốc các hành vi của Liên Xô". Chử Liên xô viết theo phong cách dòng ghi tên tác giả là "X", Kennan lập luận rằng hệ tư tưởng chủ nghĩa Mác-Lênin của Liên Xô là có thật và qua đó, thế giới quan này cộng với ý thức sâu sắc về sự bất an, là điều thúc đẩy chủ nghĩa bành trướng của Liên Xô. Nhưng điều này không có nghĩa rằng sự đối đầu hoàn toàn là không thể tránh khỏi, ông chỉ ra rằng, bởi vì "Điện Kremlin không có sự hối tiếc nào về việc rút lui khi phải đối mặt với một lực lượng vượt trội". Những gì mà Hoa Kỳ phải làm là bảo đảm an ninh lâu dài của chính mình, và sau đó, ngăn chặn mối đe dọa Liên Xô. Nếu Mỹ làm như vậy, thì sức mạnh của Liên Xô cuối cùng sẽ sụp đổ. Nói cách khác, chính sách ngăn chặn đều cần thiết và đầy đủ cho cả hai.



Thông điệp của Kennan trở thành văn bản kinh điển cho những người cố gắng tìm hiểu cuộc xung đột giữa Hoa Kỳ và Liên Xô. Luôn luôn gây tranh cãi và thường được sửa đổi (nhất là bởi chính tác giả), chiến lược ngăn chặn mà Kennan đưa ra đã xác định chính sách của Hoa Kỳ cho đến khi kết thúc Chiến tranh Lạnh. Và như Kennan dự đoán, khi sự kết thúc đến, nó đến không chỉ vì sức mạnh và sự kiên định của Hoa Kỳ và các đồng minh của nó, mà thậm chí còn vì nhiều điểm yếu và mâu thuẫn trong chính hệ thống Xô Viết.



Bây giờ, hơn 70 năm sau, Hoa Kỳ và các đồng minh một lần nữa phải đối mặt với một đối thủ cộng sản, coi Hoa Kỳ là kẻ thù và đang tìm kiếm sự thống trị khu vực và ảnh hưởng toàn cầu. Đối với nhiều người, bao gồm cả ở Washington và Bắc Kinh, sự giống nhau đã trở nên không thể cưỡng lại : có một cuộc chiến tranh lạnh giữa Mỹ và Trung Quốc, và các nhà hoạch định chính sách Mỹ cần một phiên bản cập nhật về chính sách ngăn chặn của Kennan. Tháng Tư vừa qua, Kiron Skinner, giám đốc hoạch định chính sách của Bộ Ngoại giao (công việc mà Kennan nắm giữ khi mà "Nguồn gộc các hành vi của Liên Xô" được xuất bản), rõ ràng đã kêu gọi một bài báo mới về "X", lần này là cho Trung Quốc.



Nhưng nếu có một cuộc điều tra được bắt đầu như Kennan đã làm - với nỗ lực tìm hiểu các trình điều khiển cơ bản của bên kia - thì sẽ thấy có sự khác biệt cũng trở nên rõ rệt như sự tương đồng. Chính những khác biệt này, sự tương phản giữa nguồn gốc các hành vi của Liên Xô hồi đó, và nguồn gốc các hành vi của Trung Quốc hiện nay, có thể cứu thế giới ra khỏi một cuộc Chiến tranh Lạnh khác.



TỪ GIÀU CÓ ĐẾN SỨC MẠNH.



Có hai sự thật chủ chốt về Trung Quốc ngày nay. Thứ nhất là đất nước này vừa trải qua thời kỳ tăng trưởng kinh tế theo cách mà thế giới chưa từng thấy trước đây. Thứ hai là nó bị cai trị, ngày càng độc tài, bởi một đảng cộng sản không được bầu lên, khiến người ta phải ngồi tù vì bị đảng kết án và bị hạn chế mọi hình thức đoàn thể và biểu đạt tự do. Dưới thời Tập Cận Bình, có rất nhiều dấu hiệu cho thấy Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) muốn hạ thấp ngay cả những quyền tự do có giới hạn, mà mọi người tự giành lấy trong thời kỳ cải cách của Đặng Tiểu Bình. Cũng có những dấu hiệu cho thấy đảng muốn đưa doanh nghiệp tư nhân bám gót nhà nước, bằng cách can thiệp trực tiếp hơn vào cách thức hoạt động của các doanh nghiệp tư nhân.



Đằng sau những chính sách này là một sự nhấn mạnh ngày càng tăng rằng, mô hình phát triển của Trung Quốc là vượt trội so với phương Tây. Trong một bài phát biểu năm 2017, Xi tuyên bố rằng Bắc Kinh "đang bùng nổ một con đường mới để các nước đang phát triển khác đạt được sự hiện đại hóa", và "đưa ra một lựa chọn mới cho các đất nước và quốc gia khác muốn tăng tốc phát triển trong khi bảo vệ nền độc lập của họ". Theo ĐCSTQ, phương Tây nói về dân chủ chỉ đơn giản là một cái cớ để cướp đi của các quốc gia nghèo hơn về chủ quyền và tiềm lực kinh tế của họ. Giống như Trung Quốc cần chế độ độc tài để đạt được tăng trưởng kinh tế tột bực, suy nghĩ này dẫn đến, các nước khác cũng có thể cần nó. Mặc dù những tin chắc như vậy đã làm chậm việc tìm kiếm những người theo đuôi họ ở nước ngoài, nhưng nhiều người Trung Quốc đã cố mua thủ thuật xoay trở sự thật của đảng, họ tin với Xi rằng nhờ sự lãnh đạo của đảng, "quốc gia Trung Quốc, với một tư thế hoàn toàn mới, bây giờ đứng ở vị thế cao và vững chắc ở phương Đông".



Những quan điểm như vậy là sản phẩm của cả sự cải thiện chưa từng có về mức sống ở Trung Quốc lẫn sự gia tăng chủ nghĩa dân tộc Trung Quốc. ĐCSTQ không ngừng tuyên truyền về sự vĩ đại và chính nghĩa của Trung Quốc, và người dân Trung Quốc, tự hào về những gì họ đã đạt được, nhiệt tình nắm lấy nó. Đảng cũng tuyên bố rằng thế giới bên ngoài, đặc biệt là Hoa Kỳ, sẽ phá hỏng sự tiến bộ của Trung Quốc, hoặc ít nhất là ngăn chặn sự trỗi dậy mạnh mẽ hơn nửa của nó - giống như tuyên truyền của Liên Xô đã làm.



Điều làm cho chủ nghĩa dân tộc này trở nên độc ác hơn nữa là quan điểm đặc biệt về lịch sử, được lãnh đạo Trung Quốc tán thành, coi lịch sử Trung Quốc từ giữa thế kỷ XIX đến khi Cộng sản lên nắm quyền vào năm 1949, như là một chuỗi nhục nhã vô tận dưới tay các cường quốc nước ngoài. Mặc dù có một số sự thật đối với phiên bản của sự kiện này, ĐCSTQ đưa ra tuyên bố đáng sợ rằng, chính bản thân đảng là điều duy nhất đứng giữa người Trung Quốc và sự tiếp tục phát triển để tạo thêm lợi nhuận. Vì sẽ không thể biện hộ cho việc đảng lập luận rằng, đất nước cần chế độ độc tài bởi vì người Trung Quốc kỳ quặc không thể có quyền tự chủ, nên nó phải tuyên bố rằng việc tập trung quyền lực trong tay đảng là cần thiết, để bảo vệ chống lại sự lạm dụng bởi người nước ngoài. Nhưng tập trung quyền lực cực đoan như vậy có thể có hậu quả cực đoan. Như Kennan đã quan sát chính xác về Liên Xô, "nếu như. . . có bất cứ điều gì xảy ra nhằm phá vỡ sự thống nhất và hiệu quả của Đảng, một công cụ chính trị, nước Nga Xô viết có thể được thay đổi chỉ sau một đêm, từ một quốc gia mạnh nhất thành một trong những quốc gia yếu nhất và đáng thương nhất".



Một khía cạnh đáng lo ngại khác của chủ nghĩa dân tộc ở Trung Quốc ngày nay là, trên thực tế đất nước này là một đế chế, lại cố gắng hành xử như thể nó là một quốc gia. Hơn 40 phần trăm lãnh thổ của Trung Quốc - Nội Mông, Tây Tạng, Tân Cương - ban đầu được cư trú bởi những người không coi mình là người Trung Quốc. Mặc dù chính phủ Trung Quốc trao các quyền đặc biệt cho những người là "dân tộc thiểu số" này, nhưng quê hương của họ đã bị gộp vào một khái niệm mới về một quốc gia Trung Quốc, và dần dần bị chiếm giữ bởi 98% dân số là người dân tộc Trung Hoa (hay người Hán, như Chính phủ thích gọi họ). Những người chống lại, cuối cùng ở trong các trại tù, cũng như những người tranh luận về chính quyền tự chủ thực sự trong đế chế Liên Xô.

Theo bên ngoài, chính phủ Trung Quốc duy trì tình trạng áp bức khủng bố tồi tệ nhất thế giới, được xếp bên cạnh Bắc Triều Tiên, và thường xuyên đe dọa các nước láng giềng, bao gồm cả chính phủ dân chủ ở Đài Loan, nơi mà Bắc Kinh coi là một tỉnh ly khai. Phần lớn điều này không phải là lợi thế của Trung Quốc về mặt chính trị hay ngoại giao. Nó quân sự hóa các đảo nhỏ ở biển Đông, cạnh tranh với Nhật Bản trên quần đảo Senkaku / Điếu Ngư, và những nỗ lực trừng phạt Hàn Quốc trong việc họ thủ đắc hệ thống phòng thủ tên lửa tiên tiến từ Hoa Kỳ; tất cả đã phản tác dụng: trước mục tiêu của Trung Quốc, Đông Á ngày nay thận trọng cảnh giác với Trung quốc nhiều hơn so với một thập kỷ trước. (Ví dụ, tỷ lệ người Hàn Quốc có quan điểm tán thành ​​sự trổi dậy của Trung Quốc đã giảm từ 66% năm 2002 xuống còn 34% vào năm 2017, theo Trung tâm nghiên cứu Pew.) Bất kể sự xuống dốc này trong khuynh hướng yêu chuộng Trung Quốc, người dân trong khắp khu vực hoàn toàn tin rằng Trung Quốc sẽ là cường quốc chiếm ưu thế ở khu vực trong tương lai và họ đã sẵn sàng hơn.


Giả định này chủ yếu dựa trên sự tăng trưởng kinh tế ngoạn mục của Trung Quốc. Ngày nay, sức mạnh kinh tế tương đối của Trung Quốc so với Hoa Kỳ vượt quá sức mạnh tương đối của Liên Xô gấp hai hoặc ba lần. Mặc dù sự tăng trưởng đó đã chậm lại, nhưng những người tin rằng Trung Quốc sẽ sớm đi theo con đường của Nhật Bản và sẽ rơi vào tình trạng trì trệ kinh tế, gần như chắc chắn là sai. Ngay cả khi nếu thuế quan nước ngoài đối với hàng hóa Trung Quốc vẫn ở mức cao, Trung Quốc vẫn có đủ một thị trường nội địa chưa được khai thác, để thúc đẩy nền kinh tế của đất nước trong nhiều năm tới. Và phần còn lại của châu Á - một khu vực rộng lớn và năng động về kinh tế hơn so với Tây Âu thời bắt đầu Chiến tranh Lạnh - lo ngại Trung Quốc đủ sức kiềm chế để họ không dám áp dụng thuế quan.



Theo thuật ngữ quân sự và chiến lược, sự cạnh tranh giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc là khó đánh giá nhất. Hoa Kỳ ngày nay có lợi thế quân sự to lớn so với Trung Quốc : số lượng đầu đạn hạt nhân nhiều hơn gấp 20 lần, một lực lượng không quân vượt trội và ngân sách quốc phòng ít nhất cao gấp ba lần so với Trung Quốc. Mỹ cũng có các đồng minh (Nhật Bản và Hàn Quốc) và các đồng minh sắp tới (Ấn Độ và Việt Nam) trong khu vực lân cận của Trung Quốc, những quốc gia này vốn tự hào về khả năng quân sự đáng kể của chính họ. Trung Quốc không có những đồng minh tương đương ở Tây bán cầu.



Tuy nhiên, trong thập kỷ qua, cán cân quyền lực ở Đông Á đã thay đổi rõ rệt theo hướng có lợi cho Trung Quốc. Ngày nay, đất nước này có đủ tên lửa đạn đạo đặt căn cứ trên đất liền, máy bay và tàu chiến đáng tin cậy để khẳng định rằng, họ đã đạt được ưu thế quân sự ở sân sau ngay lập tức. Lực lượng tên lửa Trung Quốc cũng đưa ra một thách thức như vậy đối với các căn cứ không quân và hàng không mẫu hạm của Mỹ ở Thái Bình Dương, qua đó Washington không còn có thể tuyên bố quyền lực tối cao trong khu vực được nửa. Vấn đề sẽ chỉ trở nên tồi tệ hơn, vì khả năng hải quân của Trung Quốc sẽ phát triển ồ ạt trong vài năm tới, cùng các công nghệ quân sự của nó - đặc biệt là laser, máy bay không người lái, hoạt động không gian mạng và khả năng của nó ngoài vũ trụ - đang nhanh chóng bắt kịp Hoa Kỳ. Mặc dù Hoa Kỳ hiện đang có ưu thế quân sự so với Trung Quốc lớn hơn nhiều, so với ưu thế quân sự của Mỹ với Liên Xô, Bắc Kinh có tiềm năng bắt kịp nhanh chóng và toàn diện hơn nhiều so với Moscow từng có thể. Nhìn chung, Trung Quốc giống với Hoa Kỳ hơn là Liên Xô, khi mà Kennan viết ra những suy nghĩ của mình.



MẶC DÙ BỀ NGOÀI THAY ĐỔI, CÁC NGUYÊN TẮC CƠ BẢN VẪN KHÔNG ĐỔI.



Sự tương đồng giữa Trung Quốc ngày nay và Liên Xô cũ có vẻ như gây được ấn tượng, tất nhiên, với sự cai trị của cộng sản. Trong gần 40 năm, bị che mờ bởi tiến bộ kinh tế do thị trường dẫn đầu của Trung Quốc, phương Tây đã quen với việc hạ thấp thực tế rằng, đất nước này đang được điều hành bởi một chế độ độc tài cộng sản. Bất chấp những lời nhắc nhở thỉnh thoảng về sự tàn nhẫn của các nhà lãnh đạo Trung Quốc, như vụ thảm sát Thiên An Môn năm 1989, phương Tây có sự đồng thuận cho rằng Trung Quốc đang tự do hóa và sẽ trở nên đa nguyên hơn. Ngày nay, những dự đoán như vậy có vẻ ngu ngốc : ĐCSTQ đang củng cố quyền cai trị của mình và dự định sẽ duy trì quyền lực mãi mãi. "Dự án vĩ đại mới trong xây dựng đảng. . . vừa mới bắt đầu phát triển mạnh mẽ", Xi tuyên bố vào năm 2017. Ông nói thêm, "chúng ta phải nỗ lực hơn nữa để duy trì quyền lực và sự lãnh đạo tập trung, thống nhất của Ủy ban Trung ương. . . . Đảng vẫn luôn là trụ cột của quốc gia".

Một điểm tương đồng khác là, giống như Liên Xô tìm kiếm ưu thế ở châu Âu, Trung Quốc đang tìm kiếm điều đó ở Đông Á, một khu vực quan trọng đối với Hoa Kỳ ngày nay cũng như Châu Âu khi bắt đầu Chiến tranh Lạnh. Các phương thức mà Trung Quốc đang sử dụng cũng tương tự - là bóp nặn chính trị và quân sự , các chiến thuật chia để trị - và khả năng của nó trên thực tế thì lớn hơn. Trừ khi Hoa Kỳ hành động để đối phó với nó, Trung Quốc có khả năng trở thành chủ nhân của Đông Á không thể tranh cãi, từ Nhật Bản đến Indonesia, vào cuối những năm 2020.




Cuộc diễn hành của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) vào tháng 4 năm 2019. / Reuters / China Stringer Network / File Photo
Giống như các nhà lãnh đạo Liên Xô, Trung Quốc coi Hoa Kỳ là kẻ thù. Họ cẩn thận và lịch sự ở nơi công cộng, và thường tuyên bố tuân thủ các quy tắc quốc tế, nhưng bên trong thông tin liên lạc nội bộ của đảng, đường lối luôn luôn là, Hoa Kỳ đang lên kế hoạch làm suy yếu sự trỗi dậy của Trung Quốc thông qua hành động xâm lược từ bên ngoài và lật đổ từ bên trong. Theo một thông cáo báo chí năm 2013, "chỉ cần chúng ta kiên trì đường lối đảng lãnh đạo và chủ nghĩa xã hội với những nét đặc trưng Trung Quốc, quan điểm của các lực lượng chống Trung Quốc ở phương Tây là gây áp lực cải cách khẩn cấp, sẽ không thay đổi; và họ sẽ tiếp tục nhấn mạnh công cuộc thử thách Tây phương hóa, chia tách và 'Cách mạng màu' tại Trung Quốc". Chủ nghĩa chống Mỹ như vậy mang một sự tương đồng đáng kinh ngạc với thể loại được Stalin quảng bá vào cuối những năm 1940, bao gồm cả những lời kêu gọi cởi mở đối với chủ nghĩa dân tộc. Năm 1949, Cục Thông tin của quốc tế cọng sản do Liên Xô đứng đầu tuyên bố rằng "phương Tây có mục đích chính là thành lập sự thống trị thế giới bằng vũ lực do Anh-Mỹ đứng đầu, nô dịch hóa các quốc gia và nhân dân nước ngoài, phá hủy nền dân chủ và gây ra một cuộc chiến tranh mới". Lãnh đạo ĐCSTQ nói với những người theo nó rằng, người Mỹ ghét chúng tôi vì chúng tôi là người Trung Quốc. Họ ra ngoài để thống trị thế giới, và chỉ có Đảng Cộng sản mới thay thế được đường lối của họ.



BÂY GIỜ VÀ VỀ SAU.



Nhưng Trung Quốc không phải là Liên Xô. Lý do là, hệ tư tưởng Xô Viết vốn đã trái ngược với bất kỳ sự chung sống lâu dài nào với Hoa Kỳ. Từ Lê-nin trở đi, các nhà lãnh đạo Liên Xô đã nhìn thế giới bằng thuật ngữ "tổng bằng không" : dân chủ tư sản và chủ nghĩa tư bản phải thua, chủ nghĩa cộng sản phải giành chiến thắng. Có thể có các liên minh thuận lợi và thậm chí là có thể có thời kỳ lắng dịu, nhưng cuối cùng, hình thức cộng sản của họ sẽ phải chiến thắng ở khắp mọi nơi để Liên Xô được an toàn. ĐCSTQ không chia sẻ niềm tin như vậy. Nó là chủ nghĩa dân tộc chứ không phải là quốc tế trong triển vọng. Đảng này coi Washington là một trở ngại cho các mục tiêu của Trung quốc, đó là giữ gìn sự cai trị của chính mình và giành quyền thống trị khu vực, nhưng họ không tin rằng Hoa Kỳ hoặc hệ thống chính phủ của Mỹ cần phải bị đánh bại để đạt được các mục tiêu này.



Hơn nữa, xã hội Trung Quốc giống với xã hội Mỹ hơn so với xã hội Liên Xô từng có. Ở Liên Xô, công dân thường chấp nhận và tuân thủ các chính sách kinh tế xã hội chủ nghĩa. Ngược lại, người Trung Quốc dường như quan tâm trước hết là việc đi trước trong xã hội cạnh tranh, định hướng thị trường của họ. Đối với đại đa số người Trung quốc, chủ nghĩa cộng sản chỉ đơn giản là một cái tên cho đảng cầm quyền chứ không phải là một lý tưởng để tìm kiếm. Thật vậy, một số người đồng cảm với những nỗ lực tập trung quyền lực của Xi, họ tin rằng Trung Quốc cần sự lãnh đạo mạnh mẽ sau khi chủ nghĩa cá nhân của những năm 1990 và những năm đầu của thế kỷ này đã đi quá xa. Nhưng không ai, kể cả chính Xi, muốn mang lại những ngày xưa tồi tệ trước khi cải cách và mở cửa bắt đầu. Với mọi ngụy biện trong chủ nghĩa Mao của mình, Xi, cả về tư tưởng lẫn thực tiễn, đều loại bỏ Mao Trạch Đông hơn cả những người có đầu óc cải cách như Mikhail Gorbachev loại bỏ Lenin.



Hơn nữa, người Trung Quốc đã tận hưởng một vài thập kỷ hòa bình đáng chú ý. Năm 1947, người Nga mới nổi lên từ hơn 30 năm chiến tranh và cách mạng liên tục. Theo cách nói của Kennan, "họ đã mệt mỏi về thể chất và tinh thần". Người Trung Quốc có trải nghiệm ngược lại : khoảng hai phần ba dân số không biết gì ngoài hòa bình và tiến bộ. Sự can thiệp quân sự vào nước ngoài lần cuối của Trung quốc, tại Việt Nam, đã kết thúc 30 năm trước, và cuộc xung đột nghiêm trọng cuối cùng của nó, Chiến tranh Triều Tiên, đã kết thúc gần 70 năm trước. Một mặt, vài thập kỷ thành công vừa qua đã chứng minh giá trị của hòa bình, khiến mọi người cảnh giác với việc mạo hiểm chiến tranh. Mặt khác, việc thiếu những ký ức ngắn hạn về chiến tranh đã dẫn đến rất nhiều cuộc nói chuyện lỏng lẻo về chiến tranh giữa những người chưa từng trải qua nó. Ngày nay, nghe xem người Trung Quốc, đặc biệt là giới trẻ, ngày càng phổ biến việc tán thành ý tưởng rằng đất nước của họ có thể phải chiến đấu để tránh bị Hoa Kỳ bao vây. Xi và nhóm của ông không phải là những người thích mạo hiểm. Nhưng trong một cuộc khủng hoảng, người Trung Quốc có nhiều khả năng giống với người Đức vào năm 1914, hơn là người Nga sau Thế chiến II - dễ bị kích động, thay vì kiệt sức.



Cán cân quyền lực toàn cầu cũng đã thay đổi kể từ thời của Kennan. Ngày nay, thế giới đang trở nên không còn lưỡng cực mà đa cực hơn. Quá trình này là dần dần, nhưng có rất ít nghi ngờ rằng xu hướng đấy là có thật. Không giống như trong Chiến tranh Lạnh, xung đột lớn hơn giữa hai cường quốc lớn nhất hiện nay sẽ không dẫn đến tình trạng lưỡng cực; thay vào đó, nó sẽ giúp người khác dễ dàng bắt kịp hơn, vì không có sự cưỡng bách về ý thức hệ, và lợi thế kinh tế được tính đến rất nhiều. Hoa Kỳ và Trung Quốc càng đánh nhau, thì càng có nhiều cơ hội cho các cường quốc khác chuyển động tiến lên. Kết quả có thể là một thế giới của bá quyền khu vực, và sớm hơn chứ không phải là muộn hơn.



Tình hình trong nước của Hoa Kỳ cũng trông rất khác so với cách mà nó đã làm vào đầu Chiến tranh Lạnh. Vào thời đó, có sự chia rẽ giữa các cử tri và xung đột giữa các bộ phận của chính phủ, nhưng không có gì so sánh được với sự phân cực và sự bế tắc vốn đặc trưng cho chính trị Mỹ ngày nay. Bây giờ, Hoa Kỳ dường như đã lạc lối ở trong nước và ngoài nước. Dưới thời chính quyền Trump, vị thế tổng thể của đất nước trên thế giới chưa bao giờ thấp hơn, và thậm chí các đồng minh thân cận cũng không còn xem Washington là một đối tác đáng tin cậy. Kể từ trước thời tổng thống Donald Trump, giới tinh hoa trong chính sách đối ngoại của Mỹ đã than thở về sự suy giảm của bất kỳ sự đồng thuận nào trong các vấn đề đối ngoại, nhưng họ đã chứng tỏ không có khả năng khôi phục nó. Bây giờ, phần còn lại của thế giới đặt câu hỏi về tiềm năng lãnh đạo của Hoa Kỳ trên các vấn đề lớn và nhỏ, những vấn đề mà sự chỉ đạo của Mỹ đã được coi là không thể thiếu trong quá khứ.



Nền kinh tế Mỹ cũng đan xen với nền kinh tế Trung Quốc theo những cách mà không thể tưởng tượng được với nền kinh tế Liên Xô. Như Kennan biết rõ, nói về kinh tế, Liên Xô không cần phải bị ngăn chặn; họ tự kiềm chế bằng cách từ chối tham gia với nền kinh tế thế giới. Trung Quốc rất khác biệt, vì khoảng một phần ba tăng trưởng GDP của nó có thể bắt nguồn từ xuất khẩu, và Hoa Kỳ là đối tác thương mại lớn nhất của họ. Cố gắng cắt đứt nền kinh tế của Hoa Kỳ ra khỏi Trung Quốc thông qua các biện pháp chính trị, như hạn chế đi lại, cấm trao đổi công nghệ và các rào cản thương mại, sẽ không hiệu quả; trừ khi một tình trạng chiến tranh xảy ra trên thực tế khiến không thể tương tác kinh tế với nhau. Trong ngắn hạn, thuế quan có thể tạo ra một sân chơi bình đẳng hơn, nhưng về lâu dài, chúng có thể sẽ tạo lợi thế cho Trung Quốc bằng cách khiến họ tự chủ hơn, không nói gì về thiệt hại mà họ sẽ gây ra cho uy tín của Mỹ. Và do đó, sự cạnh tranh với Trung Quốc sẽ phải được quản lý trong bối cảnh phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế.



Cuối cùng, các nhà lãnh đạo Trung Quốc có một số thẻ quốc tế để chơi mà Liên Xô không bao giờ nắm giữ được. So với khái niệm chính trị dựa trên giai cấp mà Moscow bán lẻ trong Chiến tranh Lạnh, Trung Quốc kêu gọi sự thống nhất toàn cầu về các vấn đề như biến đổi khí hậu, thương mại và bất bình đẳng, họ có thể tạo ra sức kéo lớn hơn ở nước ngoài. Điều đó thật mỉa mai, trước ô nhiễm, chủ nghĩa bảo hộ và chênh lệch kinh tế của Trung Quốc. Nhưng vì Hoa Kỳ đã không đi đầu trong bất kỳ vấn đề nào trong số này, chính phủ cộng sản Trung Quốc có thể thuyết phục người nước ngoài rằng, các chính phủ độc tài xử lý các vấn đề đó tốt hơn các nền dân chủ.



NÂNG CẤP KHẢ NĂNG NHẬN THỨC CỦA NGƯỜI MỸ.



Nguồn gốc các hành vi của Trung Quốc, cùng với vai trò toàn cầu hiện tại của Hoa Kỳ, chỉ ra một thể loại đối đầu khác so với cuộc đối đầu mà Kennan đã thấy vào năm 1946 và 1947. Nguy cơ chiến tranh ngay lập tức thấp hơn, và tỷ lệ hợp tác hạn chế cao hơn. Nhưng mối nguy hiểm mà chủ nghĩa dân tộc thúc đẩy các vòng xung đột đang ngày càng mở rộng có lẽ lớn hơn, và quyết tâm của Trung Quốc nhằm đánh cắp vị trí của Hoa Kỳ ở châu Á, còn ngoan cường hơn bất cứ điều gì mà Stalin đã từng cố gắng thực hiện ở châu Âu. Nếu Hoa Kỳ muốn cạnh tranh, họ phải chuẩn bị một chiến dịch tạo ảnh hưởng lâu dài mà qua đó, sẽ kiểm tra khả năng của chính họ về ưu tiên chiến lược và lập kế hoạch dài hạn. Điều đó đặc biệt đúng trước những thay đổi kinh tế và công nghệ đang chuyển động nhanh, sẽ khiến cho một chính sách ngăn chặn truyền thống là không thể - thông tin di chuyển dễ dàng hơn nhiều so với trước đây, đặc biệt là đến một quốc gia như Trung Quốc, nơi không có ý định tự cắt đứt khỏi thế giới.



Mặc dù mô hình xung đột giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc sẽ trông rất khác so với Chiến tranh Lạnh, điều đó không có nghĩa là lời khuyên của Kennan thì không liên quan. Lý do là, giống như ông đã hình dung Hoa Kỳ tiếp tục can dự vào châu Âu, Hoa Kỳ ngày nay cần phải giữ gìn và xây dựng mối quan hệ sâu sắc với các nước châu Á đang lo sợ về sự xâm lược của Trung Quốc. Để chống lại mối đe dọa của Liên Xô, Washington đã triển khai Kế hoạch Marshall (một phần là đứa con tinh thần của Kennan) vào năm 1948 và tạo ra NATO (trong đó, Kennan ít nhất có một phần hoài nghi) vào năm sau. Ngày nay, tương tự, các liên minh của Mỹ ở châu Á không chỉ có khía cạnh an ninh mà còn có cả khía cạnh kinh tế. Thật vậy, các khía cạnh kinh tế ngày nay có lẽ thậm chí còn quan trọng hơn so với 70 năm trước, vì Trung Quốc chủ yếu là một cường quốc kinh tế. Do đó, việc Hoa kỳ từ chối Quan hệ đối tác xuyên Thái Bình Dương, giống như người Mỹ vừa phát minh ra NATO, đột nhiên quyết định rút khỏi nó. Quyết định của chính quyền Trump có thể có ý nghĩa chính trị trong nước, nhưng về chính sách đối ngoại, đó là một thảm họa, vì nó cho phép Trung Quốc tuyên bố rằng Hoa Kỳ là một đối tác không đáng tin cậy ở châu Á.



Kennan cũng nhận ra rằng Hoa Kỳ sẽ cạnh tranh với Liên Xô trong nhiều thập kỷ tới, và do đó, tài năng của các chính trị gia Hoa Kỳ phải dựa vào các cuộc đàm phán và thỏa hiệp nhiều như các hoạt động tình báo và sẳn sàng chiến đấu về quân sự. Các nhà hoạch định chính sách đồng nghiệp của Kennan chỉ học bài học này dần dần, nhưng có rất ít nghi ngờ rằng quá trình phát triển sự hiểu biết lẫn nhau đã góp phần vào sự kết thúc Chiến tranh Lạnh một cách hòa bình. Các quan chức Hoa Kỳ và Liên Xô đã có đủ liên hệ để giải quyết tình huống tồi tệ nhất và ngăn chặn chiến tranh đủ lâu, để Liên Xô thay đổi cách tiếp cận với Hoa Kỳ và các vấn đề quốc tế nói chung.



Trung Quốc thậm chí còn có nhiều khả năng thay đổi thái độ so với Liên Xô. Cuộc đấu tranh hiện tại không phải là cuộc đụng độ giữa các nền văn minh - hay thậm chí tệ hơn là cuộc đụng độ chủng tộc, như Skinner đã đề xuất hồi tháng Tư, khi bà ấy chỉ ra rằng Trung Quốc là một "đối thủ cạnh tranh mà không phải là người da trắng". Thay vào đó, nó là một cuộc xung đột chính trị giữa các cường quốc. Một nhóm thiểu số đáng kể ở Trung Quốc phẫn nộ trò chơi quyền lực của các nhà lãnh đạo hiện tại của họ. Họ muốn một Trung Quốc tự do và công bằng hơn, hòa bình với các nước láng giềng và với Hoa Kỳ. Trung Quốc càng trở nên cô lập, càng ít tiếng nói của những người như vậy, vì quan điểm của họ chìm trong một đại dương của sự giận dữ dân tộc chủ nghĩa. Như Kennan nhấn mạnh trong trường hợp của Liên Xô, những "yêu cầu về chính sách của Nga nên được đưa ra theo cách để bỏ ngỏ cho một sự tuân thủ mà không quá gây bất lợi cho uy tín của Nga".





George F. Kennan làm chứng trước Ủy ban Đối ngoại Thượng viện năm 1990.
Hoa Kỳ cũng cần giúp tạo ra một môi trường lành tính hơn ở bên ngoài châu Á. Vào thời điểm Trung Quốc đang tiếp tục trỗi dậy, sẽ không có ý nghĩa gì khi bỏ quên Nga với tư cách Nga là một kẻ nhặt rác bất mản ở ngoại vi của hệ thống quốc tế. Washington nên cố gắng đưa Moscow vào mối quan hệ hợp tác hơn với phương Tây bằng cách mở ra nhiều cơ hội hợp tác và giúp giải quyết cuộc xung đột ở miền đông Ukraine. Nếu Washington từ chối làm điều đó, thì cơn ác mộng chiến lược từng ám ảnh các quan chức Mỹ trong Chiến tranh Lạnh vốn chưa bao giờ được thực hiện đầy đủ, có thể thực sự trở thành sự thật : một liên minh Trung-Nga thực sự. Ngày nay, sự kết hợp giữa tài nguyên của Nga và dân số của Trung Quốc có thể tạo ra thách thức lớn hơn cho phương Tây, so với những gì mà họ đã cố gắng 70 năm trước. Như Kennan đã lưu ý vào năm 1954, mối nguy hiểm thực sự duy nhất đối với người Mỹ sẽ xảy ra thông qua "sự liên kết phần chiếm ưu thế về tài nguyên vật chất ở châu Âu với một thế lực chính trị thù địch với [Hoa Kỳ] ở châu Á" .

Tuy nhiên, một trong những hiểu biết lớn nhất của Kennan không liên quan gì đến các vấn đề đối ngoại; nó phải được thực hiện với chính trị Mỹ. Ông đã cảnh báo trong bài viết của mình về "X", rằng "các thể hiện về sự thiếu quyết đoán, mất đoàn kết và sự tan rã nội bộ" bên trong Hoa Kỳ, là mối nguy hiểm lớn nhất mà đất nước phải đối mặt. Kennan cũng cảnh báo chống lại sự tự mãn về sự tài trợ cho các mục đích chung. Giống như 70 năm trước, để cạnh tranh ngày nay, Hoa Kỳ cần phải chi nhiều tiền hơn, điều này có nghĩa là sự đóng góp cao hơn từ các tập đoàn và người Mỹ giàu có, nhằm cung cấp đào tạo kỹ năng chất lượng hàng đầu, cơ sở hạ tầng đẳng cấp thế giới, nghiên cứu và phát triển vị thế hàng đầu. Cạnh tranh với Trung Quốc không thể được thực hiện với giá rẻ. Cuối cùng, Kennan lập luận, sức mạnh của Mỹ phụ thuộc vào khả năng của Hoa Kỳ trong việc "tạo ra giữa mọi người trên thế giới nói chung, có ấn tượng về một quốc gia biết họ muốn gì, quốc gia đó đang đối phó thành công với các vấn đề của đời sống nội bộ và với trách nhiệm của một cường quốc thế giới, và quốc gia đó có một sức sống tinh thần có khả năng giữ vững những chiều hướng tư tưởng quan trọng của thời đại".


Mặc dù người ta có thể diễn đạt nó theo cách khác, nhưng thách thức ngày nay hoàn toàn giống nhau. Liệu cuộc cạnh tranh với Trung Quốc có tập trung, sử dụng một trong những cụm từ ưa thích của Kennan, "khả năng nhận thức của người Mỹ", đến mức mà Hoa Kỳ từ bỏ bất hòa trong nước để ủng hộ một sự đồng thuận hay không? Nếu một số yếu tố thống nhất không can thiệp, sự suy giảm khả năng hành động có ý nghĩa của Hoa Kỳ sẽ sớm hơn so với hầu hết mọi người tưởng tượng; có nghĩa không chỉ là một thế giới đa cực mà là một thế giới sóng gió - trong đó sợ hãi, thù hận và tham vọng khiến khả năng sáng tạo của nhân loại biến thành con tin cho bản năng cơ bản nhất.

Bài đăng phổ biến từ blog này

Trung Quốc đang đụng đầu với khủng hoảng ?

Nỗi sợ ngân hàng gây thêm đau đầu cho nền kinh tế Trung Quốc.

Xung đột vũ trang ở Biển Đông.