Việt Nam có thể là đồng minh mới của Mỹ chống lại Trung Quốc hay không ?

Mỹ phải tăng cường ngăn chặn Bắc Kinh.

Tác giả Anders Corr, Ngày 7 tháng 11 năm 2019 Theo National Interest

Trần H Sa lược dịch.

Kể từ tháng 7, tàu khảo sát Haiyang Dizhi 8 của Trung Quốc và một tàu hộ tống tuần duyên của nó đã hiện diện rất lâu tại vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam (EEZ) ở Biển Đông. Khu vực tranh chấp, chung quanh ba đảo nhỏ do Việt Nam chiếm đóng tại Vanguard Bank, gần với Việt Nam hơn so với bất kỳ quốc gia nào khác, và được Việt Nam tuyên bố ở trong vùng đặc quyền kinh tế của mình. Trung Quốc tuyên bố khu vực này là lãnh thổ lịch sử dựa trên cái gọi là đường chín đoạn, thứ mà đã bị phán quyết rằng nó không có căn cứ pháp lý bởi Tòa án Trọng tài Thường trực tại Hague năm 2016. Việt Nam - đặc biệt bị đe dọa bởi sự xâm phạm mới nhất này và dẫn đến bế tắc - đã tự bảo vệ mình trong nhiều trường hợp và đã bị chết rất nhiều người khi chống lại Trung Quốc trong các trận chiến Quần đảo Hoàng Sa (1974), Chiến tranh Trung-Việt (1979) và Rạn san hô Nam Johnson (1988). Trong mỗi trường hợp, Trung Quốc khởi xướng xâm lược, và Việt Nam bị thiệt hại sinh mạng của người dân, người lính và bị mất lãnh thổ. Việt Nam có thể cải thiện an ninh rất nhiều nếu liên minh với Hoa Kỳ, quốc gia duy nhất trên thế giới vẫn có khả năng đơn phương đánh bại Trung Quốc. Hoa Kỳ cũng sẽ được hưởng lợi từ liên minh bằng cách tăng cường ngăn chặn khu vực đối với Trung Quốc.

Nhưng mặc dù có rất nhiều lý do cho một liên minh và cải thiện tình hữu nghị trong thập niên qua, cả hai quốc gia đều là đối tượng trước những ngụy biện, qua đó gây lúng túng cho tư duy chiến lược về lợi ích quan trọng chồng chéo của họ: Biển Đông. Việt Nam có "ba không", điều này cô đặc chính sách không liên minh và không có căn cứ nước ngoài trên lãnh thổ của nó. Chiến lược của Hoa Kỳ ở Biển Đông tập trung hẹp vào tự do hàng hải (FoN). Ngoài ra, họ cũng nên tìm cách làm suy giảm sức mạnh kinh tế và quân sự tương đối của Trung Quốc, bao gồm cả việc khắc chế sự tiếp cận các nguồn mới phát hiện như dầu, khí đốt và đánh bắt cá của Trung Quốc, những thứ nhằm củng cố nền kinh tế của nó và từ đó trao sức mạnh cho quân đội Trung Quốc chống lại Hoa Kỳ. Các tài nguyên này ở bên trong các đặc khu kinh tế không phải của Trung Quốc, theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS), tài sản độc chiếm thông qua đường chín đoạn bị vô hiệu về mặt pháp lý, chắc chắn không phải của Trung Quốc, mà là của các quốc gia có biên giới ven biển gần đó, bao gồm bờ biển dài của Việt Nam.

Trung Quốc nhạy cảm với bất kỳ gợi ý nào về chiến lược ngăn chặn, nhưng khi sức mạnh, ảnh hưởng và sự xâm lược lãnh thổ của nước này tăng lên, việc ngăn chặn ngày càng trở nên rõ ràng như là một chiến lược phản công cần thiết của các nước. Ngăn chặn không phải là một việc lùi lại Chiến tranh Lạnh, mà là một nguyên tắc chiến lược phòng thủ bất biến và kéo dài ít nhất là từ thời Hy Lạp cổ đại. Việc ngăn chặn Trung Quốc nên được Hoa Kỳ giúp đở thông qua hỗ trợ vật chất và công khai cho các yêu sách lãnh thổ của các nước láng giềng của Trung Quốc, bao gồm cả Việt Nam. Nó cũng sẽ được gúp đở thông qua việc Việt Nam vứt bỏ chính sách ba không của quốc gia này, liên minh rõ ràng với Hoa Kỳ chống lại Trung Quốc, và chào đón các căn cứ quân sự của Hoa Kỳ như là những lực lượng giăng bẩy, như ở Hàn Quốc, để ngăn chặn nước láng giềng hung hăng ở phía bắc. Trong khi các căn cứ quân sự của Hoa Kỳ trở lại Việt Nam, theo lời mời của nó, phải thừa nhận là nó sẽ ra gây tranh cãi trước lịch sử xung đột giữa hai quốc gia, bây giờ là lúc để quên đi những gì đã xảy ra trong quá khứ. Chúng ta có một kẻ thù chung mới nổi là Trung Quốc, và chúng ta nên làm cho tình bạn mới có được sự rõ ràng như pha lê để tối đa hóa sự răn đe.

Các hành động cứng rắn như vậy có xảy ra hay không sẽ phụ thuộc phần lớn vào việc liệu Trung Quốc có tiếp tục mở rộng lãnh thổ gây tranh cãi hay không, và nếu vậy, liệu nó có thể tiếp tục tăng cường ảnh hưởng chính trị quan trọng của nó ở trên cả Hoa Kỳ lẫn Việt Nam, để thực sự chống lại quan hệ Hoa kỳ - Việt Nam chặt chẽ hơn hay không. Cụ thể, Trung Quốc sẽ phải huy động các lợi ích kinh doanh ở cả Hoa Kỳ lẫn Việt Nam, loại chính sách thích xoa dịu của Trung Quốc, trước nguy cơ xung đột quân sự. Những lợi ích kinh doanh đó đang rộn ràng cố gắng đẩy chiến lược của Hoa Kỳ và Việt Nam ra khỏi sự ngăn chặn và hướng tới sự tham gia tiếp tục, nghĩa là ưu tiên cho vấn đề kinh doanh và thương mại trước vấn đề an ninh quốc gia, và do đó cho phép các mối quan hệ quyền lực tương đối tiếp tục phát triển theo hướng có lợi cho Trung Quốc.

Vị thế của Việt Nam.

Nếu Trung Quốc thành công trong việc tuyên bố Biển Đông là lãnh hải của nó thông qua đường chín đoạn, như nó đã nói rõ trong công hàm năm 2009 gởi cho tất cả các quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc, thì Việt Nam cùng với các nước yêu sách khác sẽ mất quyền đánh bắt cá và hydrocarbon rất có giá trị trong phạm vi EEZ của họ. Việt Nam sẽ trở thành quốc gia có đất liền bao quanh hợp pháp khi Trung Quốc tiếp tục các chiến thuật gia tăng để tìm cách kiểm soát sự tiếp cận hàng hải của Việt Nam .

Các yếu tố của một chiến lược mới dành cho Việt Nam nên bao gồm:

1) Liên minh với các quốc gia có thể ngăn chặn Trung Quốc mà họ có khả năng hạt nhân ở mức cao hơn, ví dụ như Hoa Kỳ, Pháp và Anh;
2) Liên minh với các quốc gia có thể khai triển đủ lực lượng quân sự thông thường để răn đe Trung Quốc, ví dụ, Hoa Kỳ;
3) Chuyển sự tăng trưởng kinh tế mới có của Việt Nam sang chi tiêu quân sự để ngăn chặn Trung Quốc với tính chất cục bộ, ví dụ như thông qua việc mua tàu ngầm, tên lửa chống tăng và tên lửa phòng không; và
4) Dân chủ hóa và cải thiện nhân quyền sẽ khuyến khích sự liên minh kinh tế và quân sự chặt chẽ hơn với các quốc gia vốn rất ít chịu ảnh hưởng bởi Trung Quốc.

Ấn Độ, Nga và Úc, các quốc gia mà Việt Nam đã kêu gọi hỗ trợ, sẽ là đối tác chiến lược hữu ích nhưng không đủ làm đối tác liên minh cốt lõi vì họ thiếu sức mạnh cần thiết để đơn phương đánh bại Trung Quốc. Trong khi Nga có ghế trong Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, và cả Nga lẫn Ấn Độ đều là các cường quốc hạt nhân có khả năng quan trọng để khai triển sức mạnh quân sự thông thường vào Trung Quốc, họ lại không đủ sức mạnh về mặt kinh tế hay quân sự để đơn phương đối đầu với Trung Quốc. Cả hai đều là thành viên của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải, mà trên thực tế do Trung Quốc lãnh đạo, sự kiện chứng minh cho việc các nước này hoạt động dưới sức mạnh ảnh hưởng của Trung Quốc. Do đó, họ không phải là đồng minh cốt lõi đáng tin cậy cho Việt Nam.

Úc là một đồng minh tiềm năng đáng tin cậy, nhưng nó không có răn đe hạt nhân hay răn đe thông thường cần thiết để đối đầu với Trung Quốc, đặc biệt nó không mạnh về mặt ngoại giao, quân đội thông thường của nó còn không đầy đủ so với Trung Quốc, và nó chịu ảnh hưởng chính trị của Trung Quốc nhiều hơn là Hoa Kỳ, Pháp hoặc Vương quốc Anh. Khoảng 40,8% hàng xuất khẩu của Úc là sang Trung Quốc (bao gồm cả Hồng Kông), giải thích tầm ảnh hưởng to lớn của Trung Quốc đối với các doanh nghiệp Úc vốn có ảnh hưởng đến chính trị Úc. Ngược lại, Hoa Kỳ, Pháp và Anh có ít hàng xuất khẩu sang Trung Quốc dưới dạng phần trăm GDP của họ, do đó họ ít chịu ảnh hưởng chính trị hơn từ Trung Quốc. Họ cũng có lợi ích từ chiếc ghế thường trực trong Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.

Các tổ chức quốc tế cung cấp cho Việt Nam một mức độ bảo vệ ngấp nghé con số không. Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã giúp đỡ rất ít cho Việt Nam, khi các nước thành viên dần dần chịu ảnh hưởng lớn hơn của Bắc Kinh, và phủ quyết mọi chỉ trích đúng đắn về Trung Quốc, họ ít chuẩn bị và thực hiện các kế hoạch cho các hậu quả quân sự và kinh tế cần thiết để ngăn chặn chủ nghĩa bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông. Ví dụ, sau khi Trung Quốc phớt lờ phán quyết của UNCLOS chống lại nó trong vụ kiện do Philippines đưa ra tại Hague; Philippines, một thành viên ASEAN, là quốc gia mới nhất chịu ảnh hưởng của Trung Quốc. Bây giờ, Việt Nam là quốc gia mạnh mẽ nhất trong các nước ASEAN có nỗ lực duy trì sự độc lập với Trung Quốc, điều này không có ý nói đến nhiều ảnh hưởng rộng lớn của Trung Quốc trong phạm vi thượng tầng ở cơ cấu quyền lực của Việt Nam, mậu dịch khổng lồ của Việt Nam với Trung quốc, một số trung chuyển bất hợp pháp của nó để trốn thuế quan của Hoa Kỳ. Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, với quyền phủ quyết của Trung Quốc, hoàn toàn không đủ khả năng để bảo đảm toàn vẹn lãnh thổ cho Việt Nam. Tất cả những điều này đủ nói, một liên minh hoặc thậm chí quan hệ Hoa Kỳ-Việt Nam sâu sắc hơn sẽ tiến xa tới việc củng cố cột sống cho người Việt trong nước chống lại Trung Quốc, và mang lại cho nước này một sự răn đe được cải thiện thông qua một người bạn mạnh mẽ nếu xảy ra xung đột quân sự.

Chỉ Hoa Kỳ mới có tất cả các điều kiện cần thiết cho một đồng minh cốt lõi đáng tin cậy và đủ chống lại Trung Quốc: một chính sách đối ngoại độc lập với ảnh hưởng của Trung Quốc (so với các thành viên ASEAN và Nga), sức mạnh kinh tế cần thiết để trừng phạt Trung Quốc, sức mạnh ngoại giao cần thiết để phủ quyết các nghị quyết của Trung Quốc ở Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, các khả năng quân sự cần thiết để khai triển sức mạnh quân sự thông thường đối đầu với Trung Quốc, và một răn đe hạt nhân cần thiết để bảo vệ cho chính liên minh thoát khỏi khả năng trả đũa hạt nhân của Trung Quốc. Không có Hoa Kỳ để đối trọng với Trung Quốc, an ninh của Việt Nam không thể được bảo đảm. Sự tham gia của Hoa Kỳ là điều kiện thiết yếu của bất kỳ liên minh nào chống lại Trung Quốc một cách hiệu quả, bởi bất kỳ quốc gia nào trên thế giới đều cần có sự cân bằng quân sự tồn tại. Nhưng Hoa Kỳ chỉ ban đặc quyền cho những đồng minh có giá trị tương tự về dân chủ và nhân quyền. Vì vậy, để có được không chỉ là liên minh với Hoa Kỳ, mà cả với việc Hoa Kỳ sẵn sàng hy sinh cho Việt Nam thông qua rủi ro gia tăng trước một cường quốc hạt nhân, điều này sẽ yêu cầu Việt Nam phải thực hiện tối thiểu những cải tiến dần dần nhưng ổn định về dân chủ và nhân quyền.

Vị thế của Hoa Kỳ.

Một liên minh Hoa Kỳ-Việt Nam sẽ không chỉ vì lợi ích của người Việt Nam mà còn vì lợi ích của Hoa Kỳ. Khi sức mạnh kinh tế và quân sự của Trung Quốc vượt xa Mỹ qua một số biện pháp, bao gồm GDP tuyệt đối qua sức mua tương đương, tăng trưởng GDP, tăng trưởng chi tiêu quân sự, phạm vi tên lửa chống tàu, độ tuổi của người lính, số lượng tàu hải quân mới, tình báo nhân tạo và siêu máy tính, Hoa Kỳ và phần còn lại của thế giới nên cân nhắc kỹ lưỡng cách làm thế nào để kềm chế sức mạnh và ảnh hưởng của Trung Quốc, trước khi nó vượt qua các cấu trúc quyền lực đang tồn tại khác, chủ yếu như là chủ nghĩa dân tộc, Liên Hợp Quốc và G-7. Ảnh hưởng chính trị toàn cầu của Trung Quốc được hỗ trợ bởi sự giàu có về kinh tế, vốn đang phát triển và một phần được phân phối cho giới ăn trên ngồi trốc của nước ngoài, bao gồm cả giới ăn trên ngồi trốc của Hoa Kỳ, để ủng hộ chính trị cho họ.

Một liên minh mới với Việt Nam sẽ đảo ngược dòng chiến thắng ngoại giao mới của Bắc Kinh, và sẽ giúp Việt Nam khắc chế Trung Quốc trong EEZ của mình để khai thác có lợi dầu, khí và ngư nghiệp. Nó sẽ phục vụ như là một ví dụ cho các quốc gia khác trong khu vực về cách bảo vệ vùng đặc quyền kinh tế của họ và chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc. Nếu được nhân rộng từ Việt Nam sang Indonesia và Ấn Độ, những nơi cũng có chính sách không liên kết, Trung Quốc sẽ ngày càng bị ngăn chặn ở sân sau của chính họ.

_ Anders Corr, Tiến sĩ, là Giám đốc tại Corr Analytics, Nhà xuất bản Tạp chí Rủi ro Chính trị (Journal of Political Risk), và làm việc như một thành viên dân sự ở tình báo quân đội trong năm năm, bao gồm USPACOM và SOCPAC về các vấn đề châu Á. Ông là biên tập viên của Great Powers, Grand Strategies: The New Game in the Sea China (USNI Press, 2018).

Bài đăng phổ biến từ blog này

Trung Quốc đang đụng đầu với khủng hoảng ?

Nỗi sợ ngân hàng gây thêm đau đầu cho nền kinh tế Trung Quốc.

Xung đột vũ trang ở Biển Đông.