Bị ám bởi một bóng ma, Trung Quốc chiến đấu với một cuộc bao vây trong thời hiện đại.

Ký ức cay đắng về cuộc nổi loạn Nghĩa hòa đoàn khiến các khoản bồi thường vì virus không thể bắt đầu.

Có phải những ký ức của Trung Quốc về cuộc nổi loạn Nghĩa hòa đoàn 120 năm trước, đã khiến Bắc Kinh không công khai, minh bạch và hợp tác? (Nikkei Montage / Getty Images và Tân Hoa Xã / Kyodo)

KATSUJI NAKAZAWA, NGÀY 14 THÁNG 5 NĂM 2020 Theo Nikkei Asia Review

Trần H Sa lược dịch.

TOKYO - Vào thời hoàng kim của triều đại nhà Thanh, vị hoàng đế được cho là đã ổn định Trung Quốc sau nhiều năm chiến tranh, cuối cùng đã gặp một kẻ thù dường như khó chữa, bệnh sốt rét.

Bị mắc phải căn bệnh do muỗi truyền sang, Hoàng đế Khang Hy (1661-1722) đã theo đuổi mọi cách để có một phương thuốc hiệu quả nhưng không có kết quả. Tình trạng của ông ta chỉ ngày mỗi xấu đi.

Tình cờ, một tu sĩ dòng Tên người Pháp tên Jean de Fontaney, người mang sứ mệnh Kitô giáo đến Trung Quốc, có một số thuốc ký ninh, một loại thuốc hiệu nghiệm đối với bệnh sốt rét, và tặng nó cho vị hoàng đế đang mắc bệnh.

Hoàng đế hạ lệnh cho bốn đại thần dùng thử thuốc trước để bảo đảm nó vô hại trước khi ông dùng. Thuốc tỏ ra có hiệu quả, và ông ta đã được chữa khỏi hoàn toàn.

Hoàng đế mừng rở, sau đó đã cho Fontaney và các cộng sự của ông được phép xây dựng một ngôi nhà thờ bên trong khu cung điện hoàng gia. Nhà thờ Chúa Cứu Thế, Bắc Kinh, được hoàn thành vào năm 1703.

Câu chuyện này, mượn từ "Theo dấu lịch sữ Bắc Kinh" (Beijing Rekishi Sanpo), một cuốn sách của học giả Nhật Bản Kenichi Takenaka, kể về một giai thoại lý thú trong hợp tác quốc tế, cứu chửa cho một nhà cai trị Trung Quốc khỏi cái chết chắc chắn phải xảy ra.

Thiên An Môn của Bắc Kinh từng là chiếc cổng của cung điện hoàng gia. (Ảnh của Akira Kodaka)

Thật không may, nó không áp dụng cho ngày hôm nay. Thực tế chính trị quốc tế liên quan đến Trung Quốc là vô cùng khắc nghiệt. Sự trỗi dậy nhanh chóng của Trung Quốc và chính sách đối ngoại hung hăng của Chủ tịch Tập Cận Bình là một phần đáng để đổ lỗi.

Thủ tướng Đức Angela Merkel đã kêu gọi Trung Quốc tiết lộ thông tin về giai đoạn ban đầu của trận dịch coronavirus mới. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã nói rằng sẽ là "ngây thơ" khi tin vào các báo cáo chính thức do Trung Quốc cung cấp.

Các nhà lập pháp ở Mỹ đang tìm kiếm sự bồi thường từ Trung Quốc vì những đau khổ mà virus đã gây ra.

Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Macron được cho là đã đồng ý trong một cuộc hội thảo qua điện thoại về sự cần thiết phải cải tổ Tổ chức Y tế Thế giới, tổ chức đang đối mặt với những chỉ trích liên tục là thân Trung Quốc.

Điệp khúc chỉ trích đã nhắc nhở người dân Trung Quốc về một sự kiện lịch sử diễn ra cách đây 120 năm.

"Nó giống như một Liên minh Bát quốc thời hiện đại", một người Trung Quốc nói. "Họ đang đổ lỗi cho Trung Quốc về mọi thứ. Lý do thực sự cho sự bao vây này là gì?"

"Phải có một âm mưu to lớn đằng sau động thái đòi Trung Quốc bồi thường", một người khác nói.

Liên minh Bát quốc ban đầu là một liên minh quân sự của các cường quốc nước ngoài, vào năm 1900 đã thúc đẩy triều đại nhà Thanh phải giải phóng giáo khu dành cho các công sứ nước ngoài ở Bắc Kinh, nơi mà người nước ngoài và các Kitô hữu Trung Quốc đã tìm đến ẩn náu trước các phiến quân chống Kitô giáo, chống ngoại bang trong một cuộc ẩu đã ầm ỉ được gọi là cuộc "nổi loạn Nghĩa hòa đoàn" . "Các thành viên của Nghĩa hòa đoàn" là những phiến quân được triều đại nhà Thanh hậu thuẫn, những người luyện tập võ nghệ và nghĩ rằng vũ khí nước ngoài không thể sát hại được họ.

Một trong những chiến trường là Nhà thờ Chúa Cứu thế. Người phương Tây và các Kitô hữu địa phương ẩn náu trong điện thờ, chờ đợi lực lượng cứu hộ, khi các thành viên Nghĩa hòa đoàn giận dữ cố gắng đột nhập.

Cuối cùng, các thành viên của Nghĩa hòa đoàn không phải là những kẻ bất khả xâm phạm, và tám quốc gia - Anh, Mỹ, Đức, Pháp, Ý, Nga, Nhật Bản và Áo-Hung - đã đánh bại cuộc nổi loạn.

Theo Nghị định thư Nghĩa hòa đoàn, ký năm 1901, chính phủ nhà Thanh đồng ý bồi thường thiệt hại cho tám quốc gia nước ngoài cộng với Bỉ, Hà Lan và Tây Ban Nha, những nước cũng đã tham gia cùng bát quốc.

Số tiền thiệt hại là 450 triệu lượng bạc ròng, gấp nhiều lần so với ngân sách hàng năm của triều đình nhà Thanh thời đó. Triều đình nhà Thanh cuối cùng đã đồng ý trả số tiền khổng lồ này trong khoảng thời gian 39 năm.

Nghĩa vụ bồi thường được truyền lại cho Trung Hoa Dân Quốc mới thành lập, sau khi triều đại nhà Thanh sụp đổ vào năm 1912. Bao gồm các khoản thanh toán lãi, tổng số tiền thiệt hại tăng gần gấp đôi, gieo hạt giống phẫn nộ sâu sắc mà đã được ghi nhớ ngay cả bởi các thế hệ sau.

Thủ tướng Úc Scott Morrison và Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern đã chọc giận Trung Quốc. © Reuters

Ngày nay, giữa đại dịch coronavirus, tên của tám quốc gia cho thấy một sự trùng hợp đáng sợ. Những nước một thời từng nhận tiền bồi thường bằng bạc ròng, nay đang chịu thiệt hại về người và kinh tế nhiều nhất từ ​​dịch COVID-19. Các quốc gia châu Âu như Ý, Tây Ban Nha, Pháp, Đức và Anh lần lượt bị phong tỏa. Mỹ, Nhật Bản và gần đây là Nga đang vật lộn để ngăn chặn dịch.

Úc và New Zealand, những nước không thuộc Liên minh Bát quốc, đã tham gia vào cuộc bao vây mới chỉ trích Trung Quốc, các nhà bình luận bảo thủ ở Bắc Kinh phát biểu.

Thủ tướng Úc Scott Morrison đã kêu gọi một cuộc điều tra độc lập ngay tại Trung Quốc bởi các chuyên gia y tế công cộng để xem những gì đã xảy ra ở đó. Theo truyền thông Úc, ông ấy đã truyền đạt sự cần thiết của một cuộc điều tra như vậy đến các nhà lãnh đạo nước ngoài như Trump, Merkel và Macron.

New Zealand đã bày tỏ sự ủng hộ đối với sự tham gia của Đài Loan với tư cách là quan sát viên tại cuộc họp thường niên của WHO, sẽ bắt đầu vào thứ Hai. Đài Loan đã thành công sớm trong việc ngăn chặn virus.

Được báo động bởi các lời kêu gọi của Úc và New Zealand, Trung Quốc đã phát động một cuộc phản công toàn diện.

Theo một nhóm các nhà sản xuất ngũ cốc của Úc, Trung Quốc đang xem xét mức thuế nhập khẩu lên tới 80% đối với lúa mạch Úc. Trung Quốc cũng đã đệ đơn phản đối mạnh mẽ với New Zealand.

Trong số những bạn bẻ quốc tế của Trung Quốc có nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un, người đã ca ngợi Chủ tịch Tập Cận Bình vì "chiến thắng trong cuộc chiến chống lại dịch bệnh chưa từng có". © KCNA / Reuters

Tập đã và đang bận rộn gọi điện cho các nhà lãnh đạo nước ngoài khác, trong nỗ lực phá vỡ liên minh quốc tế chống lại Trung Quốc. Nhưng nhiều người nhận các cuộc gọi này là lãnh đạo các quốc gia nhỏ có ảnh hưởng toàn cầu hạn chế.

Một nhà lãnh đạo trên trường quốc tế đã gây bất ngờ cho Tập trong cuộc nói chuyện. Nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un chúc mừng Tập vì "chiến thắng trong cuộc chiến chống lại dịch bệnh chưa từng có, và sự kiểm soát tình hình một cách toàn diện trên mặt chiến lược và chiến thuật ", theo Thông tấn xã Trung ương Triều Tiên. Câu chuyện xuất hiện ngay sau khi Kim xuất hiện trước công chúng lần đầu tiên sau một khoảng thời gian dài tạm vắng bóng, kết thúc nhiều tuần suy đoán về sức khỏe của y.

Trong khi đó, Trung Quốc có vẻ tự tin chiến thắng với ít nhất một thành viên của Liên minh Bát quốc, đó là Ý.

Ý là nước duy nhất trong nhóm G7 đã tham gia Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường do Trung Quốc lãnh đạo. Dự án xây dựng cơ sở hạ tầng đặc trưng của Tập được thiết kế để tạo ra một khu kinh tế khổng lồ từ Trung Quốc đến châu Âu.

Các nhà lãnh đạo quan điểm của Trung Quốc tự tin rằng Ý không nằm trong Liên minh Bát quốc "mới". Họ cảm thấy nhẹ nhõm vì Trung Quốc đã lèo lái thành công một cái nêm trong phe Thế giới Tự do, phe thường chỉ trích Trung Quốc.

Một đối tác đáng tin cậy khác của Bắc Kinh là Nga, nước sẵn sàng tham gia trong mọi cơ hội để chống Mỹ. Trong cuộc hội thảo qua điện thoại gần đây, Tổng thống Nga Vladimir Putin hứa với Tập sẽ hợp tác trong khuôn khổ BRICS - Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi - bao gồm cả các biện pháp chống coronavirus.

Nhưng chính Nga đang chứng kiến ​​sự gia tăng mạnh về con số các ca nhiễm mới, và Brazil, Ấn Độ đang trong tình trạng khẩn cấp.

Một người phụ nữ đi ngang qua một tấm bảng hiệu cho thấy một cái bắt tay giữa Trung Quốc và Ý ở Milan. © Reuters

Đối với những người Trung Quốc nghiên cứu lịch sử, tình hình hiện tại của Trung Quốc và những gì xảy ra vào buổi bình minh của Thế kỷ 20 có sự tương đồng rõ ràng.

Nghị định thư Nghĩa hòa đoàn là một hiệp ước bất bình đẳng, công nhận quyền của các cường quốc nước ngoài đối với sự đồn trú quân đội của họ ở Trung Quốc. Nhiều người tin rằng điều đó đã đẩy nhanh sự sụp đổ của triều đại nhà Thanh.

Những ký ức cay đắng hơn.

Nhưng Trung Quốc ngày nay là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và là một cường quốc toàn cầu bị những nước khác sợ hãi. Nó không thể tiếp tục bị ám ảnh bởi bóng ma Liên minh Bát quốc, qua đó khiến nó đả kích các quốc gia khác bằng những lời lẻ chỉ trích giận dữ, và các biện pháp trả đũa vì được cho là đã khinh thường Trung quốc.

Trung Quốc cần phải tưởng tượng về động thái rõ nét tiếp theo của mình. Nó có thể trở thành một đất nước cởi mở, minh bạch và hợp tác hay không ? Thế giới đang theo dõi chặt chẽ.

_ Katsuji Nakazawa là nhà văn và là biên tập viên cao cấp của Nikkei có trụ sở tại Tokyo. Ông đã có bảy năm ở Trung Quốc với tư cách là phóng viên và sau đó là trưởng văn phòng Trung Quốc. Năm 2014, ông được nhận giải thưởng Nhà báo Quốc tế Vaughn-Ueda về báo cáo quốc tế.


Bài đăng phổ biến từ blog này

Trung Quốc đang đụng đầu với khủng hoảng ?

Nỗi sợ ngân hàng gây thêm đau đầu cho nền kinh tế Trung Quốc.

Xung đột vũ trang ở Biển Đông.