Một cuộc đại khủng hoảng?

Trước đại dịch COVID-19 vẫn đang vượt khỏi tầm kiểm soát, hậu quả kinh tế tốt nhất mà bất cứ ai cũng có thể hy vọng, là một cuộc suy thoái sâu sắc hơn sau cuộc khủng hoảng tài chính 2008. Nhưng với các phản ứng từ những chính sách gây đau đớn cho đến nay, cơ hội cho một kết quả tồi tệ hơn nhiều đang tăng lên từng ngày.

Giao dịch trên Phố Wall đã bị dừng lại ngay sau tiếng chuông mở cửa hôm thứ Hai, khi các cổ phiếu bị lỗ mạnh sau các động thái khẩn cấp của Cục Dự trữ Liên bang để cố gắng ngăn chặn suy thoái do đại dịch coronavirus. (Photo by Johannes EISELE / AFP) (Photo by JOHANNES EISELE/AFP via Getty Images)

NOURIEL ROUBINI …Ngày 24 tháng 3 năm 2020 Theo Project Syndicate

Trần H Sa lược dịch.

NEW YORK - Cú sốc đối với nền kinh tế toàn cầu từ COVID-19 vừa nhanh hơn vừa nghiêm trọng hơn so với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 (GFC), và ngay cả với cuộc Đại khủng hoảng (1) . Trong hai sự kiện trước đó, thị trường chứng khoán sụp đổ từ 50% trở lên, thị trường tín dụng đóng băng, phá sản ồ ạt theo sau, tỷ lệ thất nghiệp tăng vọt trên 10% và GDP teo lại với tỷ lệ hàng năm từ 10% trở lên. Nhưng tất cả điều này phải mất khoảng ba năm để hình thành. Trong cuộc khủng hoảng hiện nay, những hậu quả khủng khiếp tương tự trong kinh tế vĩ mô và tài chính, đã xảy ra chỉ trong ba tuần.

Đầu tháng này, chỉ mất 15 ngày để thị trường chứng khoán Mỹ lao thẳng vào vùng suy giảm (giảm 20% so với mức đỉnh) - mức giảm nhanh nhất từ ​​trước đến nay. Bây giờ, thị trường đang giảm 35% , thị trường tín dụng đột ngột dừng lại và chênh lệch giá trong trao đổi tín dụng (giống như thị trường trái phiếu đầu cơ) đã bị tổn thương lên mức như năm 2008. Ngay cả các công ty tài chính chính thống như Goldman Sachs, JP Morgan và Morgan Stanley, dự kiến GDP của Mỹ sẽ giảm với tỷ lệ hàng năm là 6% trong quý đầu tiên, và từ 24% đến 30% trong quý hai. Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Steve Mnuchin đã cảnh báo rằng tỷ lệ thất nghiệp có thể tăng vọt lên trên 20% (gấp đôi mức cao nhất trong khủng hoảng tài chính toàn cầu).

Nói cách khác, mọi thành phần của toàn bộ nhu cầu - tiêu dùng, chi tiêu vốn, xuất khẩu - đang rơi tự do chưa từng thấy. Trong khi hầu hết các bình luận viên lừa bịp phục vụ cho lợi ích cá nhân, dự đoán một sự suy giảm hình chữ V - với sản lượng giảm mạnh trong một quý rồi sau đó phục hồi nhanh chóng ở quý tiếp theo - bây giờ rõ ràng rằng cuộc khủng hoảng COVID-19 hoàn toàn khác. Sự teo lại hiện đang diễn ra dường như không phải là hình chữ V - cũng không phải hình chữ U- cũng chẵng phải hình chữ L (một sự suy giảm mạnh theo sau sự trì trệ). Thay vào đó, nó trông giống như một chữ I: một đường thẳng đứng đại diện cho thị trường tài chính và nền kinh tế thực sự lao dốc.

Ngay cả trong cuộc Đại khủng hoảng và Thế chiến II cũng không làm cho các hoạt động kinh tế đã phải đóng cửa theo nghĩa đen, như đang xảy ra ở Trung Quốc, Hoa Kỳ và Châu Âu ngày nay. Kịch bản cho một tình thế tốt nhất sẽ là một cuộc suy thoái nghiêm trọng hơn khủng hoảng tài chính toàn cầu (trên lãnh vực suy giảm tích lũy sản lượng toàn cầu ) nhưng ngắn ngủi, cho phép quay trở lại với mức tăng trưởng dương trong quý IV của năm nay. Trong trường hợp đó, thị trường sẽ bắt đầu phục hồi khi ánh sáng ở cuối đường hầm xuất hiện.

Nhưng kịch bản cho tình huống tốt nhất giả định một số điều kiện. Thứ nhất, Mỹ, châu Âu và các nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề khác phải cần thực hiện các biện pháp thử nghiệm, truy tìm và điều trị COVID-19 trên diện rộng, cách ly bắt buộc, và phong toả toàn bộ theo kiểu mà Trung Quốc đã thực hiện. Và, bởi vì có thể mất 18 tháng để một loại vắc-xin được phát triển và sản xuất quy mô, thuốc chống virus và các phương pháp điều trị khác sẽ cần phải được triển khai trên quy mô lớn.

Thứ hai, các nhà hoạch định chính sách tiền tệ - những người đã thực hiện những gì trong vòng chưa đầy một tháng mà vốn, họ phải mất ba năm để làm sau khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008 - phải tiếp tục ném bỏ những thứ vô dụng trong các biện pháp không theo quy ước ở cuộc khủng hoảng. Điều đó có nghĩa là lãi suất bằng 0 hoặc âm; tăng cường hướng dẫn thông tin về chính sách tiền tệ; nới lỏng định lượng; và nới lỏng tín dụng (mua các tài sản tư nhân) để hỗ trợ ngân hàng, phi ngân hàng, quỹ thị trường tiền tệ, và thậm chí các tập đoàn lớn (thương phiếu và các cơ sở trái phiếu doanh nghiệp). Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ đã mở rộng các tuyến trao đổi xuyên biên giới để giải quyết tình trạng thiếu nghiêm trọng thanh khoản bằng đô la trên thị trường toàn cầu, nhưng hiện tại chúng ta cần nhiều cơ sở hơn để khuyến khích các ngân hàng, cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ có khả năng thanh khoản kém nhưng đang bị thiếu tiền mặt, vay mượn.

Thứ ba, các chính phủ cần triển khai các biện pháp kích thích tài chính khổng lồ, bao gồm cả thông qua "rót thẳng" trong việc giải ngân trực tiếp cho các hộ gia đình. Trước quy mô của cú sốc kinh tế, do thâm hụt tài chính ở các nền kinh tế tiên tiến, sẽ cần phải làm sao tăng GDP từ 2-3% lên khoảng 10% trở lên. Chỉ chính phủ trung ương mới có bảng cân đối kế toán đủ lớn và đủ mạnh để ngăn chặn sự sụp đổ của khu vực tư nhân.

Nhưng những can thiệp vào ngân sách thâm hụt này phải được thể hiện bằng tiền tệ hoàn toàn. Nếu chúng được tài trợ thông qua tiêu chuẩn nợ chính phủ, lãi suất sẽ tăng mạnh và sự phục hồi sẽ bị đập tan ngay trong cái nôi của nó. Với những điều kiện ảnh hưởng đến tình huống, các can thiệp từ lâu do những người cánh tả trong trường phái Lý thuyết tiền tệ hiện đại đề xuất, bao gồm cả việc rót thẳng, đã trở thành trào lưu thông thường.

Thật không may cho kịch bản trong tình huống tốt nhất, phản ứng về sức khỏe cộng đồng ở các nền kinh tế tiên tiến đã thua xa những gì cần thiết để ngăn chặn đại dịch, và gói chính sách tài khóa hiện đang được tranh luận là không đủ lớn cũng không đủ nhanh, để tạo điều kiện cho một sự phục hồi kịp thời. Như vậy, nguy cơ một cuộc Đại khủng hoảng mới, tồi tệ hơn so với Đại khủng hoảng 1929 - một cuộc Đại khủng hoảng lớn hơn - đang gia tăng từng ngày.

Trừ phi đại dịch chấm dứt, các nền kinh tế và thị trường trên thế giới sẽ tiếp tục rơi tự do. Nhưng ngay cả khi đại dịch ít nhiều được ngăn chặn, tăng trưởng tổng thể vẫn có thể không quay trở lại vào cuối năm 2020. Rốt cuộc, sau đó, một mùa virus khác rất có thể bắt đầu với những đột biến mới; các can thiệp điều trị mà nhiều người đang tính có thể trở nên kém hiệu quả so với mong đợi. Vì vậy, các nền kinh tế sẽ teo lại một lần nữa và thị trường sẽ sụp đổ một lần nữa.

Hơn nữa, phản ứng tài chính có thể đi vào ngõ cụt nếu việc bung ra các gói tiền tệ do thâm hụt lớn, bắt đầu tạo ra lạm phát cao, đặc biệt là nếu một loạt các cú sốc do tiêu cực ở nguồn cung, liên quan đến virus làm giảm tiềm năng tăng trưởng. Và nhiều quốc gia đơn giản là không thể thực hiện được việc vay như vậy, bằng tiền tệ riêng của họ. Ai sẽ bảo lãnh cho các chính phủ, các tập đoàn, các ngân hàng và những hộ gia đình ở các thị trường mới nổi?

Trong mọi tình huống, ngay cả khi đại dịch và sự sụp đổ kinh tế được kiểm soát, nền kinh tế toàn cầu vẫn có thể phải chịu một số rủi ro ở đoạn cuối của những tình huống "thiên nga trắng" (2) . Với cuộc bầu cử tổng thống Mỹ đang đến gần, cuộc khủng hoảng COVID-19 sẽ nhường chỗ cho các cuộc xung đột mới giữa phương Tây và ít nhất là bốn cường quốc độc tài ( theo chủ nghĩa xét lại ) : Trung Quốc, Nga, Iran và Triều Tiên, tất cả đều đang sử dụng chiến tranh mạng bất đối xứng để phá hoại Mỹ từ bên trong. Các cuộc tấn công mạng không thể tránh khỏi vào quá trình bầu cử ở Hoa Kỳ, cuối cùng có thể dẫn đến một kết quả gây tranh cãi, với các cáo buộc về "gian lận", có khả năng gây ra bạo lực thẳng thừng và rối loạn dân sự hoàn toàn.

Tương tự, như tôi đã lập luận trước đây, các thị trường đang đánh giá rất thấp nguy cơ chiến tranh giữa Mỹ và Iran trong năm nay; sự xấu đi trong mối quan hệ Trung-Mỹ đang tăng tốc khi bên này đổ lỗi cho bên kia về quy mô của đại dịch COVID-19. Cuộc khủng hoảng hiện nay có khả năng đẩy nhanh quá trình balkan hóa (3) đang diễn ra và chia tách nền kinh tế toàn cầu ra từng mảng trong những năm tháng sắp tới.

Trong cuộc cá cược rủi ro này - đại dịch không được kềm chế, kho vũ khí chính sách kinh tế không đủ, và "thiên nga trắng" địa chính trị - sẽ đủ để đẩy nền kinh tế toàn cầu đi vào tình trạng suy thoái dai dẳng và khủng hoảng thị trường tài chính. Sau vụ sụp đổ năm 2008, một phản ứng mạnh mẽ (dù bị trì hoãn) đã kéo nền kinh tế toàn cầu trở về từ vực thẳm. Chúng ta có thể không may mắn như vậy ở lần này.

_ Nouriel Roubini, Giáo sư Kinh tế tại Trường Kinh doanh Stern của Đại học New York và là Chủ tịch của Roubini Macro Associates , là Chuyên gia Kinh tế Cao cấp về các vấn đề Quốc tế trong Hội đồng Cố vấn Kinh tế của Nhà Trắng dưới thời Tổng thống Clinton. Ông cũng đã làm việc cho Quỹ Tiền tệ Quốc tế, Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ và Ngân hàng Thế giới.

Chú thích :

(1) Đại khủng hoảng, hay còn gọi là "Đại suy thoái", là thời kỳ suy thoái kinh tế toàn cầu diễn ra từ năm 1929 đến hết các năm 1930 và lấn sang đầu thập niên 1940, nó bắt đầu sau sự sụp đổ của thị trường chứng khoán Phố Wall vào ngày 29 tháng 10 năm 1929 (còn được biết đến như Thứ Ba Đen ). Nó bắt đầu ở Hoa Kỳ và nhanh chóng lan rộng ra toàn Châu Âu và khắp nơi trên thế giới, phá hủy cả các nước phát triển.

(2) Thiên nga trắng là cụm từ mới xuất hiện gần đây diễn tả sự trái ngược với cụm từ 'thiên nga đen" đã được các chuyên gia kinh tế, tài chính xử dụng từ lâu. Thiên nga đen là những sự kiện xuất hiện một cách khó lường gây ra khủng hoảng khó có thể dự báo được và xuất hiện bất ngờ giống như là một cơn lốc xoáy. Thiên nga trắng là những sự kiện xuất hiện tiệm tiến, không bất ngờ nhưng cũng gây ra khủng hoảng kinh tế tài chính và có thể dự báo được.

(3) Balkan hóa được sử dụng bởi các sử gia và các nhà ngoại giao để diễn tả quá trình chia cắt một lãnh thổ, có tính toán, thành một số quốc gia độc lập với các dân tộc có xung đột lẫn nhau về lợi ích; mục đích là ngăn cản sự hình thành một lực lượng tập trung, thống nhất đe dọa người cai trị.

Bài đăng phổ biến từ blog này

Trung Quốc đang đụng đầu với khủng hoảng ?

Nỗi sợ ngân hàng gây thêm đau đầu cho nền kinh tế Trung Quốc.

Xung đột vũ trang ở Biển Đông.