Ngoại giao Chiến binh Sói và Ngoại giao Cướp Biển của Trung quốc.

Ngoại giao Chiến binh Sói.

Chiến binh Sói là bộ phim của Trung quốc được trình chiếu vào năm 2015, phim nói về một người lính Trung quốc đi vào vùng chiến sự ở châu Phi, cứu được hàng trăm sinh mạng khỏi những người được cho là xấu của phương Tây. Một slogan gắn với phim Chiến binh Sói là "Bất kỳ ai xúc phạm Trung Quốc cũng sẽ đều bị giết chết, bất kể mục tiêu ở xa tới đâu."

Để khẳng định tính ưu việt trong cách tiếp cận của Trung Quốc đối với COVID-19, và sự háo hức trong việc chỉ ra những thiếu sót từ các phản ứng của các nước phương Tây. Tuyên truyền của Trung Quốc đã xử dụng một đường lối ngoại giao hiếu chiến nhằm khơi dậy chủ nghĩa dân tộc, một yếu tố đã giúp đảng cọng sản Trung quốc ( ĐCSTQ) ổn định chính trị trong nước và cũng là yếu tố gây ngòi nổ chiến tranh trong chính sách đối ngoại của Trung quốc.

Đường lối ngoại giao hiếu chiến đó được gọi là "ngoại giao chiến binh sói".

Để hiểu rõ "ngoại giao chiến binh sói" của Trung quốc là gì, hãy xem trích dẫn một số ví dụ từ bài viết của Ryan Hass, trên trang web của viện Brookings - một think tank hàng đầu của Mỹ - như sau :

"Chính phủ Pháp gần đây đã triệu tập đại sứ Trung Quốc vì những nhận xét của họ cho thấy rằng, Pháp đã để mặc cho các công dân lớn tuổi của mình phải bị chết. Đại sứ Trung Quốc tại Thụy Điển đã đe dọa các cơ quan truyền thông đưa tin bất lợi về Trung Quốc. Đại sứ quán Trung Quốc tại Caracas đã hướng dẫn các quan chức Venezuela hãy đeo khẩu trang và im miệng, trong đối phó với việc nói về "virus Trung Quốc". Đại sứ quán Trung Quốc tại Brazil đã tiến hành tấn công chống lại một bộ trưởng giáo dục nổi tiếng. Các công dân Ấn Độ đã bày tỏ sự phẫn nộ vì bị Đại sứ quán Trung Quốc trách mắng việc người Ấn khen ngợi phản ứng của Đài Loan. Tiếng nói nổi bật của Trung Quốc là đã đe dọa Úc bằng sự trả đũa kinh tế, vì Úc thách thức câu chuyện kể về COVID-19 theo kiểu ưa thích của Trung Quốc. Nhiều nhà lãnh đạo châu Phi đã bày tỏ tức giận vì các báo cáo phân biệt chủng tộc đối với công dân của họ ở miền nam Trung Quốc. Và danh sách được tiếp tục.

"Ngoại giao chiến binh sói của Trung Quốc, cũng đã tạo ra sóng gió trong mối quan hệ Mỹ-Trung. Một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã thúc đẩy các lý thuyết âm mưu không rõ ràng trên Twitter rằng, COVID-19 có thể có nguồn gốc từ Hoa Kỳ và được đưa đến Vũ Hán. Và bộ phận tuyên truyền của Trung Quốc đã phát động một cuộc tấn công phối hợp vào Bộ trưởng Ngoại giao Mike Pompeo, một loại tuyên truyền mà người ta có thể cho rằng không được thấy kể từ thời Mao. Pompeo đã bị gắn nhãn là "kẻ nói dối" , "kẻ thù của nhân loại" và là một "virus chính trị siêu lây lan". (1) ( hết trích )

Trung quốc đúng như câu nói "chưa bắt được chuột mà đã lo ỉa bếp". Thế giới đã có trận cuồng phong đáp trả ngoại giao chiến binh sói xấc xược của Trung quốc.

Bài nhận định của Le Figaro với tiêu đề "Trong trận cuồng phong Covid-19, bão đang đổi chiều nhắm vào Bắc Kinh" đăng trên RFI - tiếng nói của Pháp - viết :

"Bão đang đổi chiều, và bắt đầu thổi mạnh về hướng Trung Quốc. Khắp nơi trên hành tinh, càng ngày càng có nhiều tiếng nói đòi mở điều tra quốc tế để xác định nguồn gốc đại dịch Covid-19. Các sức ép ngày càng gia tăng chống lại chế độ cộng sản Trung Quốc, do Bắc Kinh từ chối cung cấp các kết quả điều tra dịch tễ học và mở cửa cho các chuyên gia quốc tế…. Nghiên cứu về các nguồn gốc của virus được giới khoa học và giới chính trị xem như là một nhiệm vụ cấp thiết để ngăn ngừa một đại dịch mới.

"Cộng đồng quốc tế giờ đây muốn biết rõ hơn về bệnh dịch, bùng lên từ Vũ Hán, khiến 3,5 triệu người lây nhiễm và ít nhất 230.000 người chết, theo các số liệu chính thức, buộc một nửa nhân loại sống trong phong tỏa, khiến kinh tế toàn cầu suy sụp.

"Tấn công Bắc Kinh dữ dội nhất là nước Mỹ: nguyên thủ Hoa Kỳ tin tưởng Covid-19 đến từ phòng thí nghiệm P4 tại Vũ Hán. Vào năm bầu cử tổng thống, « vấn đề Trung Quốc » đã trở thành một chủ đề lớn của đời sống chính trị Mỹ. Donald Trump đòi Bắc Kinh phải trả giá, trước hết với đe dọa tăng thuế trừng phạt.

"Chính quyền Úc, vốn khá kín tiếng trên đấu trường ngoại giao quốc tế, cũng hứa hẹn sẽ gây áp lực với Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO), nhằm mở một cuộc điều tra về nguồn gốc virus. Bắc Kinh dọa trả đũa, với việc tẩy chay hàng hóa và đại học Úc.

"Liên Hiệp Châu Âu cũng bắt đầu cao giọng với Trung Quốc, cho dù với sự dè dặt, vì Liên Âu hiện có nhiều hợp đồng kinh tế với Trung Quốc, đặc biệt trong lĩnh vực trang thiết bị y tế. Trước đó, Bruxelles đã phải chỉnh sửa một tuyên bố lên án việc Bắc Kinh bóp méo thông tin, với những lời lẽ nhẹ nhàng hơn. Tuy nhiên, giờ đây Liên Âu tỏ ra kiên quyết hơn.

"Bruxelles đang chuẩn bị một dự thảo nghị quyết cho một hội nghị toàn thể của WHO. Trong một cuộc trả lời báo Pháp, lãnh đạo ngoại giao Liên Âu, ông Joseph Borrell, nhấn mạnh đến « tầm quan trọng của việc làm sáng tỏ các bối cảnh cụ thể khiến đại dịch bùng phát », đòi hỏi một cuộc điều tra « độc lập » về những gì đã diễn ra. Cho dù coi Bắc Kinh là « một đối tác chiến lược », Liên Âu cần tìm ra được một « thế cân bằng về lợi ích ».

"Tổ Chức Y Tế Thế Giới, mà từ đầu đến nay bị chỉ trích mạnh về thái độ thiên vị Trung Quốc, cũng bắt đầu thay đổi, với việc đề nghị Bắc Kinh cho tham gia điều tra nguồn gốc virus. Le Figaro đặc biệt chú ý đến « áp lực từ phía nhiều cơ quan tình báo » phương Tây. Một tài liệu điều tra của các cơ quan tình báo thuộc liên minh Five Eyes (gồm Mỹ, Anh, Úc, Canada và New Zealand) cáo buộc Bắc Kinh « phá hủy bằng chứng » về nguồn gốc virus, với nhận định thái độ của Trung Quốc là « một sự lăng nhục đối với đòi hỏi minh bạch quốc tế ». (2) ( hết trích )

Tuy nhiên, trận cuồng phong của thế giới đáp trả Bắc kinh chỉ mới là phản ứng tức thì trước ngoại giao chiến binh sói; sự đáp trả chưa tiến hành rốt ráo bởi nguyên nhân chính là hầu hết nguồn gốc dược liệu cho việc sản xuất thuốc men trị bệnh của cả Mỹ lẫn phương Tây đều nằm ở Trung quốc, cùng với lý do khác là bởi dịch chưa được đẩy lùi đủ, để các chính quyền Mỹ và phương Tây tìm nguồn dược liệu thay thế.

Nắm bắt yếu điểm này, ngoại giao chiến binh sói của Trung quốc không chùn bước, nhưng Bắc kinh biết rõ ngày giờ phương Tây và Mỹ thoát khỏi sự lệ thuộc nguồn dược liệu của Trung quốc, sẽ phải đến. Vào thời điểm đó, chắc chắn Trung quốc mất đi công cụ nắm thóp và tất nhiên ngoại giao chiến binh sói sẽ phải thoái trào. Điều này cũng có nghĩa là mũi giáo dân tộc chủ nghĩa mà ĐCSTQ xây dựng để bảo vệ chế độ sẽ tiêu tùng, dẫn đến sự sụp đổ vương triều độc đoán của Tập Cận Bình. Nhưng, Tập vốn có một mặt trận khác để nuôi dưỡng ngọn lửa dân tộc chủ nghĩa, đó là …

Ngoại giao Cướp Biển.

Bộ mặt cướp biển của Trung quốc đã lộ rõ từ lâu ở biển Đông của Việt Nam, nhưng nó nằm trong bối cảnh hoàn toàn khác với thực trạng thời Covid-19 hiện nay.

1/ Trước năm 2020, mặc dù chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đã nổ ra trên bình diện quan thuế, nhưng "thỏa thuận giai đoạn 1" đã được ký kết giữa hai nước Mỹ - Trung, cho thấy một tương lai quan hệ Trung quốc với Mỹ và châu Âu sẽ vẫn như củ, có nghĩa là không có mâu thuẩn khả dĩ gây ra xung đột như tiềm năng của ngoại giao chiến binh sói.
2/ Dân tộc chủ nghĩa của Trung quốc được xây dựng trên niềm tin của người dân trong nước, vào một chế độ giúp họ bình yên làm ăn với một hy vọng ngày càng giàu hơn.

Đại dịch Covid-19 đã xóa sạch hai nền tảng đó, đẩy Bắc kinh vào một nguy cơ phá sản tinh thần dân tộc chủ nghĩa, chiếc nôi tạo sự ổn định chính trị cho Trung quốc. Điều này cũng có nghĩa Bắc kinh sẽ đứng trước những làn sóng phản đối mạnh mẽ từ lớp "công nhân gốc gác nông thôn không có chút quyền lợi của một thị dân", và làn sóng phản đối của lớp thị dân trung lưu kinh doanh, trước sự đối xử bất bình đẳng của Bắc kinh, do luôn coi trọng các công ty xí nghiệp của nhà nước. Sự bất mãn của hai tầng lớp này đủ đe dọa sự sống còn của ĐCSTQ.

ĐCSTQ cố vực dậy tinh thần dân tộc chủ nghĩa nhằm tiếp tục nắm quyền cai trị, thông qua lãnh vực có tiềm năng so bì với phương Tây và Mỹ, đó là việc phô trương sức mạnh quân sự riêng ở biển Đông, bằng cách chiếm trọn biển Đông. Nhưng, Tập có đủ mưu mô và kiên nhẫn để đổ thừa cho người khác gây chiến tranh, còn Bắc kinh luôn là phía bảo vệ hòa bình. Để thực hiện mưu mô xảo quyệt đó, Tập chưa đánh trống giong cờ đi chiếm biển Đông, mà chỉ chiếm biển Đông qua "ngoại giao cướp biển".

Hành động tự tuyên bố thành lập hai quận Tây Sa và Nam Sa (Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam ) trực thuộc thành phố Tam Sa, có trụ sở trên đảo Phú Lâm nằm trong cụm quần đảo Hoàng Sa là một thí dụ. Bên cạnh đó, Trung quốc cũng dùng biện pháp ngoại giao cướp biển, gởi công hàm lên Liên Hiệp quốc phủ nhận chủ quyền của Việt Nam và xác nhận chủ quyền của Bắc kinh chồng lấn lên chủ quyền không chỉ của Việt Nam mà còn chồng lấn lên cả chủ quyền của Philippines và Malaysia trên biển Đông.

Trước đây, Bắc kinh xua quân đi chiếm các tính năng ở biển Đông với cứu cánh là thỏa mãn tinh thần dân tộc chủ nghĩa đại Hán, việc này không mang tính cấp bách. Ngày nay, việc cướp biển nhằm mục đích xây dựng lại tinh thần dân tộc chủ nghĩa đang bị xói mòn và có nguy cơ rệu rã, một khi phương Tây và Mỹ rốt ráo thổi cuồng phong, bật gốc loại ngoại giao chiến binh sói hiếu chiến của Trung quốc. Việc chiếm biển Đông của Trung quốc vào lúc này mang tính cấp bách hơn nhiều so với trước đây.

Người Việt nên quan sát việc bị chiếm mất lãnh thổ lãnh hải ở biển Đông theo chiều hướng mới, rất cấp bách của Trung quốc; không nên nhìn vào quá khứ Trung quốc qua hơn 40 năm vẫn chưa chiếm trọn biển Đông, để rồi nhấn nhá ngồi yên chờ thời….

Đối đầu với Trung quốc bằng hải quân trên biển Đông thì rõ ràng Việt Nam không thể nào thắng. Hãy quan sát xu thế của các cường quốc đối với biển Đông để VN dựa vào đó mà bảo vệ lãnh thổ lãnh hải của mình. Bộ tứ QUADs với Mỹ, Nhật, Ấn, Úc đã hình thành ở Ấn độ - Thái bình dương, VN quá nhỏ để được xin tham gia, nhưng không có gì ngăn cấm VN trở thành một bên có trách nhiệm với QUADs, qua việc cung cấp cơ sở hậu cần, y tế trên đất liền, cũng như các trạm cố định trong mạng lưới thông tin liên lạc trên biển Đông.

Nhật là quốc gia có tinh thần bài Trung tương tự người Việt, nhưng việc cải tổ hiến pháp chủ hòa của Nhật vẫn đang trong thời kỳ tiến hành, Nhật chưa đóng được vai trò trụ cột trong khi Trung quốc cấp bách thôn tính biển Đông như hiện nay. Úc có tiềm năng quân sự chưa đủ giành một chiến thắng tuyệt đối trước hải quân Trung quốc. Ấn Độ với những xung đột tiềm tàng ở biên giới với Trung quốc sẽ rất khó có thái độ quyết đoán ở biển Đông, nhằm tránh gây chiến tranh với Trung quốc ngay trên đất nước Ấn. Mỹ với việc co cụm trên lãnh vực kinh tế, nhưng "chiến lược Ấn Độ - Thái bình dương tự do và rộng mở" của Mỹ cho thấy, mặc dù dưới hai đời tổng thống có quan điểm về kinh tế trái ngược nhau, nhưng trên mặt quốc phòng ở Thái bình dương vẫn là sự tiếp nối nhau, không có gì mâu thuẩn.

Hoa kỳ mặc dù đã có những đường lối sai lầm đối với Trung quốc, sai lầm với Đài Loan và sai lầm với VNCH. Nhưng hãy bình tâm xem xét, hiện nay thế lực nào đủ sức đối đầu với Trung quốc ở biển Đông ? Ưu tiên của người Việt trước mắt là bảo vệ tính toàn vẹn của Tổ quốc. Sự thay đổi chiến lược quốc phòng của Mỹ không thể diễn ra trong một sớm một chiều, mà nó phải được thai nghén qua nhiều năm, thậm chí hàng chục năm. Quá khứ cuộc chiến tranh Việt Nam hay gần đây là Iraq và Afghanistan cho thấy rõ điều đó, không chỉ người VN có quá khứ cay đắng với Mỹ. Hãy tôn trọng quá khứ như một người thầy dạy bảo cho những kinh nghiệm quý báu, đừng biến quá khứ trở thành đối tượng cho những tâm lý yêu ghét nông cạn.

Tôi xin mượn lời từ một bài đăng trên trang web Project Syndicate - của Anh quốc - để kết thúc bài viết này : "Thế kỷ của người Mỹ đã được đánh dấu bằng nhiều cuộc chiến tranh dại dột, sự cứng nhắc về ý thức hệ và sự ủng hộ phi lý đối với một số chế độ độc tài rất khó chịu. Tuy nhiên, sự tôn trọng triệt để của toàn cầu đối với sự lãnh đạo của Hoa Kỳ là, khắp nơi dựa trên sự tôn trọng đối với một hình thái chính phủ, tuy còn thiếu sót trong việc thực thi, nhưng hình thái chính phủ đó đã nói lên khát vọng tự do của nhân loại, kể cả trong các phần của thế giới nói tiếng Trung Quốc." (3)

Trần Hoàng Sa……12/05/2020.

Chú thích.

(1) https://www.brookings.edu/blog/order-from-chaos/2020/05/04/clouded-thinking-in-washington-and-beijing-on-covid-19-crisis/?utm_campaign=Brookings%20Brief&utm_source=hs_email&utm_medium=email&utm_content=87470595
(2) http://www.rfi.fr/vi/%C4%91i%E1%BB%83m-b%C3%A1o/20200505-cu%E1%BB%93ng-phong-covid-19-b%C3%A3o-%C4%91%E1%BB%95i-chi%E1%BB%81u-nh%E1%BA%AFm-v%C3%A0o-b%E1%BA%AFc-kinh
(3) https://www.project-syndicate.org/commentary/money-and-intimidation-not-enough-for-china-global-leadership-by-ian-buruma

Bài đăng phổ biến từ blog này

Trung Quốc đang đụng đầu với khủng hoảng ?

Nỗi sợ ngân hàng gây thêm đau đầu cho nền kinh tế Trung Quốc.

Xung đột vũ trang ở Biển Đông.