Suy thoái kinh tế: 'Giấc mơ Trung Quốc' tan vỡ

© Hình ảnh của Getty

JIANLI YANG VÀ LIANCHAO HAN ​​- 15/ 07/20 ..Theo The Hill

Trần H Sa lược dịch.

Năm nay, lần đầu tiên kể từ năm 1990, Trung Quốc không công bố mục tiêu tăng trưởng GDP trong Đại hội Nhân dân toàn quốc hàng năm vào tháng Năm. Trước đó, Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc đã tuyên bố vào ngày 17 tháng 4 rằng, nền kinh tế nước này ghi nhận mức giảm 6,8% trong quý đầu của năm 2020. Đây là lần đầu tiên kể từ năm 1976, Trung Quốc thừa nhận suy giảm kinh tế.

Sự tăng trưởng phi thường của Trung Quốc trong gần nửa thế kỷ đã kết thúc vì đại dịch COVID-19, có đúng không? Không, điều đó không hoàn toàn chính xác.

Thực tế là điều kiện tài chính của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã ở trong tình trạng khó khăn ngay cả trước khi đại dịch xảy ra. Coronavirus mới chỉ làm cho nó tồi tệ hơn. Sự hào nhoáng và phù phiếm mà bộ máy tuyên truyền của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đang cầm quyền miêu tả với thế giới bên ngoài là rỗng tuếch, và hình ảnh siêu cường kinh tế của Trung Quốc là một ảo ảnh. Trong thực tế, kinh tế là một trong những đường đứt gảy nghiêm trọng của Trung Quốc từ một số năm trước cho đến nay.

GDP của Trung Quốc ghi nhận tốc độ tăng trưởng ấn tượng từ năm 2003, đạt đỉnh vào năm 2007 ở mức 14,2% , nhưng kể từ đó đã trượt xuống. Nó đứng ở mức 6,6 phần trăm trong năm 2018 và 6,1 phần trăm trong năm 2019, đánh dấu tốc độ tăng trưởng chậm nhất kể từ năm 1990. Lý do cho sự chậm chạp này là các vấn đề về cơ cấu đã được tạo ra trong nhiều năm - bao gồm đầu tư quá mức, năng suất công nghiệp thấp, nợ cao, chi tiêu tiêu dùng khiêm tốn và những thay đổi nhân khẩu học.

Trong những năm 1990 và đầu những năm 2000, Trung Quốc xây dựng sự giàu có theo cách vốn phù hợp với lúc đó. Những nhà máy sản xuất các sản phẩm cạnh tranh mọc lên như nấm, và hàng dặm cầu đường kết nối các thành phố và các thị trấn được xây dựng. Những khoản đầu tư này tạo ra cơ hội việc làm và thu nhập cho người dân, đồng thời mở rộng năng lực sản xuất của nền kinh tế. Ngay cả bây giờ Trung Quốc vẫn đang cố gắng xây dựng sự giàu có, mặc dù sai cách. Nó đang theo đuổi các khoản đầu tư vốn không nâng cao năng lực sản xuất hoặc tiềm năng tăng trưởng của đất nước. Nó đang xây dựng những cây cầu và những con đường chẵng dẫn đến đâu. Năng suất đã giảm liên tục trong thập niên qua.

Ngoài việc bội chi cho cơ sở hạ tầng, Trung Quốc đang tăng cường chi tiêu tiêu dùng và chỉ tiêu công nghiệp bằng cách mở rộng tín dụng có sẵn. Đất nước này đang chồng chất các khoản nợ khổng lồ - đặc biệt là người tiêu dùng và các chính quyền địa phương. Năm 2019, tổng nợ của các công ty, hộ gia đình và chính phủ Trung Quốc đã tăng lên 40 nghìn tỷ đô la Mỹ - khoảng 300% GDP của nước này. Thật là trớ trêu khi mà một quốc gia đang đặt bẫy nợ cho các quốc gia nhỏ hơn, thì chính mình lại phải chịu khoản nợ lớn như vậy.

Trung Quốc sẽ trả nợ như thế nào? Một phương cách hiệu quả sẽ là chuyển từ tăng trưởng do đầu tư sang tăng trưởng do tiêu dùng. Nhưng điều đó có khả thi hay không khi xem xét tỷ lệ thất nghiệp và sức mua giảm của người dân Trung Quốc?

Khi nền kinh tế Trung Quốc đang xuống dốc, nhiều ngành công nghiệp và doanh nghiệp đã đóng cửa, dẫn đến sa thải hàng loạt công nhân và tăng trưởng tiền lương bị chậm lại. Vào giữa năm 2019, tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị đứng ở mức 5,3% , cao nhất trong hai năm. Và trong kịch bản hậu COVID-19, nó trở nên tồi tệ hơn, vượt lên mức cao chưa từng thấy.

Do đó, khả năng tiêu thụ của thị trường nội địa Trung Quốc đã và đang sụt giảm. Một ví dụ điển hình là doanh số bán ô tô, vốn đã quen với tốc độ tăng trưởng hàng năm bằng hai chữ số và chiếm 5% sản lượng kinh tế của Trung Quốc. Doanh số bán ô tô bắt đầu sụt giảm vào năm 2018, cùng với bất động sản, cho thấy sức mua của mọi người suy giảm. Chênh lệch thu nhập khổng lồ giữa các khu vực ven biển giàu có và những vùng nội địa của Trung quốc làm tăng thêm tai ương.

Thủ tướng Lý Khắc Cường gần đây đã thừa nhận rằng hơn 600 triệu người ở Trung Quốc có thu nhập hàng tháng chỉ khoảng 140 đô la Mỹ - thậm chí không đủ để thuê một căn phòng ở các thành phố Trung Quốc. Với kiểu lãnh đạo của nhà nước cộng sản, vốn luôn cố gắng che đậy những khiếm khuyết và thiếu sót của mình, mà đã thừa nhận như vậy, chúng ta có thể đoán chừng không sai rằng, tình hình thực tế còn nghiệt ngã hơn nhiều.

Nhân khẩu học của Trung Quốc không ủng hộ tăng trưởng kinh tế. Dân số trong độ tuổi lao động đã bị thu hẹp kể từ khoảng năm 2012 - kết quả tất yếu của chính sách một con được ban hành vào năm 1979. Ước tính cho thấy những người về hưu có thể chiếm hơn 40% dân số Trung Quốc vào năm 2050. Dân số già đó sẽ kiểm tra khả năng của ĐCSTQ trong việc chu cấp cho người dân Trung quốc .

Mục tiêu tăng trưởng GDP là một chỉ số nói lên niềm tin kinh tế của ĐCSTQ. Sự vắng mặt của nó trong năm nay là một tín hiệu rõ ràng rằng, môi trường kinh tế là điều thách thức nhất mà Trung Quốc phải đối mặt trong nhiều thập kỷ.

Chìa khóa cho tính hợp pháp của chế độ cộng sản là bảo đảm chất lượng cuộc sống, việc làm và sự ổn định. Năm nay mang ý nghĩa là một năm quan trọng đối với kế hoạch "Giấc mơ Trung quốc" của Tập Cận Bình - là năm thực hiện một xã hội phát triển tốt cho mọi thứ ở Trung Quốc. Trung Quốc đã nhắm mục tiêu xóa đói giảm nghèo tuyệt đối và nâng cao mức sống của người dân trong năm 2020.

Nhưng có vẻ như Giấc mơ đã tan vỡ - không chỉ đối với Xi, mà còn đối với cả tỷ người Trung Quốc, những người tin tưởng vào Tập và các kế hoạch đầy tham vọng của chính quyền ông ta. Cuộc khủng hoảng kinh tế mà Trung Quốc đã trải qua từ một số năm trước cho đến nay, biểu trưng cho một thất bại to lớn của ĐCSTQ. Hàng triệu người trẻ tuổi có thể bị tước đoạt các yếu tố để đạt được sự thành công và thịnh vượng mà thế hệ của cha mẹ họ đã được hưởng. Không còn nghi ngờ gì nữa, họ sẽ có lý do để đặt câu hỏi về tính hợp pháp và thẩm quyền lãnh đạo của ĐCSTQ, và điều đó đặt ra thách thức đối với sự ổn định xã hội của Trung quốc.

_ Jianli Yang là người sáng lập đồng thời là chủ tịch nhóm Sáng kiến ​​Quyền Công dân cho Trung Quốc , một người sống sót trong vụ thảm sát Thiên An Môn và là một cựu tù nhân chính trị ở Trung Quốc.

_ Lianchao Han là phó chủ tịch của Sáng kiến ​​Quyền Công dân cho Trung Quốc. Sau vụ thảm sát tại Thiên An Môn năm 1989, ông là một trong những người sáng lập Liên đoàn sinh viên và học giả Trung Quốc độc lập. Ông làm việc tại Thượng viện Hoa Kỳ trong 12 năm, với tư cách là cố vấn lập pháp và giám đốc chính sách cho ba vị thượng nghị sĩ.


Bài đăng phổ biến từ blog này

Trung Quốc đang đụng đầu với khủng hoảng ?

Nỗi sợ ngân hàng gây thêm đau đầu cho nền kinh tế Trung Quốc.

Xung đột vũ trang ở Biển Đông.