Mỹ tập trung cuộc tập trận hải quân lớn nhất thế giới.

Các cuộc tập trận diễn ra khi Mỹ và Trung Quốc đang đối chọi nhau ở khắp châu Á.

Ảnh The Economist

Quốc tế…Ngày 16 tháng 8 năm 2020…Theo The Economist

Trần H Sa lược dịch.

Ưu thế thật sự của cuộc tập trận “Vành đai Thái Bình Dương” hai năm một lần, hay RIMPAC, là bữa tiệc cocktail. Cuộc tập trận hải quân lớn nhất thế giới do Mỹ tổ chức tại Hawaii, mang đến cho các thủy thủ cơ hội không chỉ trau dồi kỹ năng của họ với các lực lượng hải quân thân hữu trên khắp thế giới — bao gồm cơ hội đánh chìm một tàu chiến củ của Mỹ như là mục tiêu huấn luyện — mà còn để củng cố các liên minh theo một phong cách yến tiệc và say xỉn, trên boong những chiếc tàu khu trục của nhau, có lẽ tiếp theo là những buổi trà dư tữu hậu ở những góc khuất của Honolulu. Cuộc tập trận năm nay, kéo dài từ ngày 17 đến ngày 31 tháng 8, sẽ là một công việc phức tạp hơn. Với sự gia tăng số lượng Covid ở Hawaii, các sự kiện xã hội trên bờ bị hủy bỏ và có ít quốc gia hơn được lên lịch tham dự.

Mặc dù quy mô các cuộc tập trận có thể giảm xuống, nhưng các nguyên tắc vẫn cao hơn bao giờ hết. Với mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc rõ ràng đang rơi tự do, những căng thẳng quân sự giữa hai đối thủ đang gia tăng trên cái gọi là chuỗi đảo thứ nhất tại tây Thái Bình Dương, trải dài từ Malaysia ở phía Nam đến Nhật Bản ở phía Bắc. Chẳng hạn, ở Biển Đông, Trung Quốc đã gây rối với Philippines, Việt Nam và Malaysia trong những tháng gần đây, bằng cách quấy rối tàu đánh cá, rình rập tàu thăm dò dầu khí của nước khác và gửi tàu khảo sát của chính họ vào vùng biển tranh chấp.

Mỹ cũng nhập cuộc nhiệt tình hơn. Vào tháng 7, họ đã chính thức bác bỏ tuyên bố của Trung Quốc đối với các nguồn tài nguyên ngoài khơi ở Biển Đông, cho là "hoàn toàn trái pháp luật", điều động một cặp tàu sân bay đến khu vực này lần đầu tiên sau gần sáu năm, và tổ chức các cuộc tập trận chung với Australia và Nhật Bản. Câu trả lời của Trung Quốc là tiến hành các cuộc tập trận bắn đạn thật, tấn công các mục tiêu hải quân với những gì mà truyền thông nhà nước Trung quốc tuyên bố là hơn 3.000 quả đạn. Tình hình vẫn còn nóng sốt. Tuần trước, người đứng đầu hải quân Philippines phàn nàn rằng hải quân Trung Quốc đang cố kích động các tàu của lực lượng ông ta “bắn phát súng đầu tiên”, và vào ngày 14 tháng 8, một tàu sân bay Mỹ đã quay trở lại.

Nhiệt độ cũng đang tăng lên xung quanh Đài Loan, hòn đảo dân chủ mà Trung Quốc tuyên bố là lãnh thổ của mình. Vào tháng 7, đặc phái viên của Đài Loan tại Mỹ đã được phép vào Bộ Ngoại giao để họp chính thức - một điều hầu như chưa từng có kể từ khi Mỹ cắt đứt quan hệ ngoại giao chính thức với hòn đảo này vào năm 1979. Một cựu Quan chức Lầu Năm Góc, Drew Thompson, lưu ý đó là một “đãi ngộ lớn”, "và là một thay đổi trong chính sách lâu đời của Hoa Kỳ". Sau đó, vào ngày 10 tháng 8, Bộ trưởng Y tế Mỹ, Alex Azar, đã đến thăm Đài Loan và gặp Tổng thống Thái Anh Văn, trở thành quan chức cấp cao nhất của Mỹ tiến hành chuyến thăm chính thức trong nhiều thập kỷ.

Biển Đông

Gần như ngay lập tức, máy bay chiến đấu của Trung Quốc đã vượt qua cái gọi là đường trung tuyến của eo biển hẹp chia cắt Đài Loan với đại lục. Đó chỉ là lần thứ ba được cho họ cố tình làm như vậy trong hai thập kỷ qua. Vào ngày 13 tháng 8, Quân đội Giải phóng Nhân dân đã gia tăng áp lực bằng cách thông báo các cuộc tập trận quân sự ngoài khơi ở các vị trí cực bắc và cực nam của Đài Loan, để đáp trả cái mà Mỹ gọi là "các tín hiệu sai lầm nghiêm trọng đối với lực lượng 'Đài Loan độc lập' ". Khi các cuộc tập trận diễn ra, chính phủ Đài Loan cho biết họ có kế hoạch gia tăng chi tiêu quốc phòng thêm 1,4 tỷ USD, tăng hơn 10% so với mức hiện tại. Việc mua 66 máy bay F-16 mới, với giá 8 tỷ USD, là thương vụ bán máy bay chiến đấu lớn nhất của Mỹ cho Đài Loan kể từ năm 1992, đã được hoàn tất vào ngày 14 tháng 8. Đài Loan cũng hy vọng mua máy bay không người lái, tên lửa chống hạm và thủy lôi của Mỹ để ngăn chặn một cuộc xâm lược.

 .

Nếu điều đó là chưa đủ, rắc rối cũng đang tụ tập tại một khoảng cách ngắn về phía đông bắc của Đài Loan, trên quần đảo Senkaku do Nhật Bản kiểm soát nhưng Trung Quốc cũng tuyên bố chủ quyền (Trung Quốc gọi là quần đảo Điếu Ngư). Nhật Bản cáo buộc rằng các tàu Trung Quốc ngày càng gia tăng việc xâm nhập vào lãnh hải của quần đảo. Các quan chức Nhật Bản hiện lo ngại số lượng tàu đánh cá của Trung Quốc đang gia tăng ở đó, nhiều trong số chúng được cho là tàu bán quân sự đội lốt tàu dân sự, sau khi lệnh cấm do Trung Quốc tự áp đặt, hết hiệu lực vào ngày 16/8. Các hòn đảo được che chở bởi hiệp ước phòng thủ chung giữa Mỹ và Nhật Bản. Vào ngày 29 tháng 7, Trung tướng Kevin Schneider, chỉ huy lực lượng Mỹ tại Nhật Bản, nói rằng Mỹ "100%, hoàn toàn kiên định cam kết giúp đỡ chính phủ Nhật Bản đối với tình hình ở Senkakus", hứa sẽ giúp giám sát khu vực.

Với quá nhiều nguyên nhân gây ra tranh chấp, và với lợi thế quân sự của Mỹ đối với Trung Quốc đã bị xói mòn trong thập kỷ qua, có thể hiểu là Mỹ rất quan tâm đến việc vun đắp tình cảm với những người bạn cũ và mới, theo cùng một cách như nhau. Đó là một phần của mốc điểm tụ tập như RIMPAC. James Stavridis, một cựu đô đốc Mỹ, lưu ý rằng cuộc tập trận đóng vai trò như một “tín hiệu hữu hình của các quân đội quan trọng nhất ở lưu vực Thái Bình Dương rộng lớn, sẵn sàng chia sẻ huấn luyện, chiến thuật và công nghệ”. Nó cũng làm nổi bật lợi thế lâu dài của Mỹ trong cuộc cạnh tranh với Trung Quốc: với ý tưởng rằng, Trung Quốc có thể thuyết phục rất nhiều quốc gia đa dạng và thân hữu tập hợp lại cho các trò chơi chiến tranh có ý nghĩa, là điều không thể thực hiện được.

Mặc dù đại dịch có nghĩa là chỉ có khoảng 10 quốc gia và 20 tàu tham gia trong năm nay, nhưng RIMPAC đã tăng trưởng đều đặn về quy mô trong thập kỷ qua. Những nước tham dự năm 2018 không chỉ bao gồm các đồng minh có hiệp ước vững chắc với Mỹ, như Úc, Nhật Bản và Hàn Quốc, mà còn có những kẻ thù cũ, như Việt Nam, những người bạn phôi thai, như Ấn Độ, và các cường quốc bên ngoài đang can dự sâu hơn vào châu Á, như Pháp và Anh. (Trung Quốc, nước đã được mời tham dự RIMPAC trong các lần lặp lại vào năm 2014 và 2016, như một cử chỉ thiện chí, đã bị loại khỏi các cuộc tập trận năm 2018 vì nhận thấy sự hung hăng của họ ở Biển Đông.)

Điều đó phản ánh mối quan ngại ngày càng gia tăng và lan rộng đối với hành vi ngày càng quyết đoán của Trung Quốc, chẳng hạn như các cuộc xâm nhập ở biên giới Ấn Độ - Trung Quốc trong năm nay, và việc nước này gây áp lực lên kinh tế để đạt được mục đích với Australia. Veerle Nouwens của Viện Nghiên cứa Hoàng gia, một tổ chức tư vấn ở London, nói “Bắc Kinh biết rõ rằng họ hiện đang phải đối mặt với vô số thách thức, cả trong nội bộ với nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi đại dịch, cũng như ở bên ngoài với các nước - đặc biệt là ở phương Tây - bày tỏ sự không chắc chắn đối với phương hướng của Bắc Kinh”. Nhưng ngay cả khi các nước đánh giá lại mối quan hệ của họ với Trung Quốc, bầu không khí vẫn nặng nề với cảm giác nghi ngờ về khả năng duy trì và tính đáng tin cậy của Mỹ trong khu vực, đặc biệt khi cán cân quân sự tiếp tục nghiêng về phía có lợi cho Trung Quốc.

Hãy xem xét trường hợp của Úc, vào ngày 1 tháng 7, Úc đã công bố một bản cập nhật bi quan về chiến lược quốc phòng của mình. “Viễn cảnh xung đột quân sự cường độ cao ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương ít xa vời hơn so với trước đây,” nó cảnh báo; Úc không còn có thể trông mong vào việc có được cảnh báo về một cuộc tấn công ở trong vòng mười năm. Báo cáo thừa nhận rằng chỉ có Mỹ mới có thể đưa ra biện pháp bảo vệ chống lại vũ khí hạt nhân. Nhưng đối với các trường hợp bất ngờ khác, Úc sẽ phải phòng ngừa cho những đặt cược của mình, bằng cách làm sâu sắc thêm mối quan hệ với các đối tác mới, như Nhật Bản, Ấn Độ và Indonesia, “có trách nhiệm lớn hơn đối với an ninh của chính mình”; và nâng cao “khả năng tự lực để tạo ra các hiệu ứng răn đe”. Ngay cả những người bạn trung thành nhất của nước Mỹ cũng không chắc rằng họ sẽ ở bên cạnh khi mọi thứ trở nên khó khăn.


Bài đăng phổ biến từ blog này

Trung Quốc đang đụng đầu với khủng hoảng ?

Nỗi sợ ngân hàng gây thêm đau đầu cho nền kinh tế Trung Quốc.

Xung đột vũ trang ở Biển Đông.