ĐẠO CỦA VẬT LÝ.

Khám phá những điểm tương đồng giữa Vật lý học hiện đại và Huyền học của phương Đông.

Frifjof Capra năm 81 tuổi

Frifjof Capra…..Shambhala Boulder … 1975.

Werner Heisenberg đã viết :

"Nhìn tổng quát, có lẽ hoàn toàn đúng khi nói rằng, trong lịch sử tư duy của nhân loại, những phát triển có hiệu quả nhất thường diễn ra ở những điểm mà hai luồng tư tưởng khác biệt gặp nhau. Những dòng tư tưởng này của nhân loại có thể bắt nguồn từ những phần khá khác nhau về văn hóa, trong những thời điểm khác nhau, hoặc những môi trường văn hóa khác nhau, hoặc những truyền thống tôn giáo khác nhau: do đó nếu chúng thực sự gặp nhau, đấy là, nếu ít nhất chúng có liên quan với nhau để có thể xảy ra một tương tác thực sự, thì người ta có thể hy vọng những phát triển mới và thú vị có thể xảy ra theo sau đó."


LỜI NÓI ĐẦU.

Cách đây 5 năm, tôi đã có một trải nghiệm tuyệt vời mà nó đã đặt tôi ở trên con đường, dẫn đến việc viết cuốn sách này. Tôi đang ngồi bên đại dương vào một buổi chiều cuối hè, nhìn những con sóng lăn tăn vỗ bờ và cảm nhận nhịp thở của mình, đột nhiên tôi nhận thức được toàn bộ mọi thứ chung quanh tôi như đang tham gia vào một vũ điệu vũ trụ khổng lồ. Là một nhà vật lý, tôi biết rằng cát, đá, nước và không khí chung quanh tôi, được tạo ra từ các phân tử và nguyên tử dao động, và chúng bao gồm các hạt tương tác với nhau qua việc tạo ra và phá hủy các hạt khác. Tôi cũng biết rằng bầu khí quyển của trái đất liên tục bị bắn phá bởi những trận mưa 'tia vũ trụ', là các hạt năng lượng cao vừa trải qua nhiều vụ va chạm, khi chúng xâm nhập vào không trung. Tất cả những điều này đã quen thuộc với tôi từ khi tôi nghiên cứu về vật lý năng lượng cao, nhưng cho đến thời điểm đó tôi mới chỉ trải nghiệm nó thông qua các đồ thị, sơ đồ và những lý thuyết toán học. Khi tôi ngồi trên bãi biển đó, những kinh nghiệm trước đây của tôi trở nên sống động; Tôi 'đã nhìn thấy' các dòng năng lượng đi xuống từ không gian bên ngoài, trong đó các hạt được tạo ra và bị phá hủy theo những xung động nhịp nhàng; Tôi 'đã nhìn thấy' các nguyên tử của các nguyên tố, và các hạt nhỏ nhất ở cơ thể tôi tham gia vào vũ điệu vũ trụ năng lượng này; Tôi cảm nhận được nhịp điệu của nó, tôi ‘nghe thấy’ âm thanh của nó, và ngay lúc đó tôi biết rằng đây là Vũ điệu của thần Shiva, Chúa tể của các vũ công được người Hindu tôn thờ.

Tôi đã trải qua một khóa đào tạo khá lâu về vật lý lý thuyết và đã thực hiện nghiên cứu trong dăm bảy năm . Đồng thời, tôi trở nên rất quan tâm đến huyền học của phương Đông - tin rằng mỗi con người có thể hợp nhất với Vũ Trụ - và bắt đầu thấy những điểm tương đồng giữa huyền học của phương Đông với vật lý học hiện đại. Tôi đặc biệt bị thu hút bởi những khía cạnh khó hiểu của Thiền, điều khiến tôi nhớ đến những vấn đề bí hiểm trong lý thuyết lượng tử. Tuy nhiên, trước tiên, sự liên quan của cả hai - Thiền và lý thuyết lượng tử - là một hành sử thuần túy trí tuệ. Để vượt qua khoảng cách giữa lý trí, tư duy phân tích và Đạo Thiền vốn thông qua kinh nghiệm về sự thật huyền bí; điều đó đã, đang và vẫn là, rất khó đối với tôi, một nhà Vật lý học.

Ban đầu, con đường vượt qua của tôi đã được giúp đỡ bởi 'các nội lực tự thân', nơi cho tôi thấy cách mà trí tuệ có thể tự do lưu thông; cách mà những hiểu biết sâu sắc của tâm linh tự xuất hiện, không cần nỗ lực, xuất hiện từ năng lực của sự tỉnh thức. Tôi nhớ kinh nghiệm đầu tiên như vậy. Kế đến, như đã từng, sau nhiều năm suy nghĩ phân tích một cách chi tiết, nó đã đến quá mạnh khiến tôi không thể ngăn lại, tôi bật khóc, đồng thời, không khác gì Castaneda ( Carlos Castaneda là một tác giả người Mỹ. Bắt đầu với Giáo lý Don Juan vào năm 1968, Castaneda đã viết một loạt sách mô tả sự rèn luyện của ông về pháp sư ), tôi trút hết những cảm tưởng của mình lên một tờ giấy.

Sau đó là trải nghiệm về Vũ điệu của thần Shiva. Tiếp theo là nhiều trải nghiệm tương tự, giúp tôi dần dần nhận ra rằng một quan điểm nhất quán về thế giới đang bắt đầu xuất hiện từ vật lý hiện đại, vốn hài hòa với sự uyên thâm của phương Đông cổ đại. Tôi đã ghi chép lại nhiều điều trong nhiều năm, và viết một vài bài báo về những điểm tương đồng mà tôi tiếp tục khám phá, cho đến khi tôi tổng kết kinh nghiệm của mình trong cuốn sách hiện thời. Cuốn sách này dành cho độc giả phổ thông quan tâm đến huyền học phương Đông, những người không nhất thiết phải biết gì về vật lý. Tôi đã cố gắng trình bày các khái niệm và lý thuyết chính yếu của vật lý hiện đại mà không có bất kỳ một vấn đề nào về toán học, và trình bày bằng ngôn ngữ phi kỹ thuật, mặc dù một số đoạn văn có thể vẫn còn khó khăn đối với người đọc, vào lúc đầu. Các thuật ngữ kỹ thuật tôi phải giới thiệu đều được xác định ở nơi chúng xuất hiện lần đầu tiên, và được liệt kê trong phần chỉ mục ở cuối cuốn sách. Tôi cũng hy vọng sẽ tìm thấy trong số độc giả của mình nhiều nhà vật lý quan tâm đến các khía cạnh triết học của vật lý, những người vốn vẫn chưa tiếp xúc với các triết lý tôn giáo của phương Đông. Họ sẽ thấy rằng huyền học của phương Đông cung cấp một khuôn khổ triết học thích hợp và tốt đẹp, qua đó có thể thích nghi với các lý thuyết tiên tiến nhất của chúng ta về thế giới tự nhiên.

Liên quan đến nội dung của cuốn sách, người đọc có thể cảm thấy sự thiếu cân bằng nào đó giữa việc trình bày khoa học và tư tưởng thần bí. Trong suốt cuốn sách, sự hiểu biết về vật lý của người đọc sẽ tiến triển đều đặn, nhưng sự tiến bộ tương tự trong sự hiểu biết về huyền học của phương Đông có thể không xảy ra. Điều này dường như không thể tránh khỏi, vì trên hết, huyền học là một kinh nghiệm không thể học được từ sách vở. Sự hiểu biết sâu sắc hơn về bất kỳ truyền thống huyền bí nào chỉ có thể cảm nhận được, khi ai đó quyết định trở thành người tham gia tích cực vào nó. Tất cả những gì tôi có thể hy vọng là tạo ra cảm giác rằng, sự tham gia như vậy sẽ rất bổ ích.

Trong quá trình viết cuốn sách này, sự hiểu biết của bản thân tôi về tư tưởng phương Đông đã được sâu sắc hơn đáng kể. Với điều này, tôi mang ơn hai người đến từ phương Đông. Tôi vô cùng biết ơn Phiroz Mehta vì đã mở mang tầm mắt của tôi về nhiều khía cạnh của huyền học Ấn Độ, và sư phụ Thái Cực quyền của tôi, Liu Hsiu Ch’i , đã giới thiệu tôi với Đạo giáo sống động.

Không thể không nhắc đến tên của tất cả mọi người - nhà khoa học, nghệ sĩ, sinh viên và bạn bè - những người đã giúp tôi hình thành ý tưởng của mình trong các cuộc thảo luận thú vị. Tuy nhiên, tôi cảm thấy rằng tôi đặc biệt mang ơn Graham Alexander, Jonathan Ashmore, Stratford Caldecott, Lyn Gambles, Sonia Newby, Ray Rivers, Joel Scherk, George Sudarshan, và cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng là Ryan Thomas.

Cuối cùng, tôi tri ân bà Pauly Bauer-Ynnhof ở Vienna vì sự hỗ trợ tài chính hào phóng của bà vào thời điểm cần thiết nhất.

London, Fritjof Cap-a
Tháng 12 năm 1974.

"Bất kỳ con đường nào cũng chỉ là một con đường, và không có sự sỉ nhục nào, đối với bản thân hay người khác, là khi bỏ rơi nó, nếu con đường đó là những gì mà trái tim bạn mách bảo. . . Hãy quan sát mọi con đường một cách kỹ lưỡng và cân nhắc. Hãy thử nó nhiều lần nếu bạn nghĩ là cần thiết. Sau đó, hãy tự hỏi bản thân, và chỉ với chính bạn, một câu hỏi. . . Con đường này có con tim hay không? Nếu có, con đường đó là tốt; nếu không, nó không có ích gì."……Carfos Castaneda, Những lời dạy của Don Juan.


Chương 6.

ĐẠO PHẬT.

Trong nhiều thế kỷ, Phật giáo đã và đang là truyền thống tâm linh thống trị ở hầu hết các vùng của Châu Á, bao gồm các nước Đông Dương, cũng như Sri Lanka, Nepal, Tây Tạng, Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản. Cũng như Ấn Độ giáo ở Ấn Độ, Phật giáo đã có ảnh hưởng mạnh mẽ đến đời sống tri thức, văn hóa và nghệ thuật của các quốc gia này. Tuy nhiên, không giống như Ấn Độ giáo, Phật giáo bắt đầu gây ảnh hưởng mạnh mẽ như Ấn Độ giáo đã từng, chỉ với một người sáng lập duy nhất, đức Thích Ca Mâu Ni (Siddhartha Gautama, đức Cồ Đàm Tất Đạt Đa), được gọi là Đức Phật có ý nghĩa lịch sử. Ông Tất Đạt Đa sống ở Ấn Độ vào giữa thế kỷ thứ sáu trước Công nguyên, trong thời kỳ phi thường, qua đó chứng kiến ​​sự ra đời của rất nhiều thiên tài về triết học và tâm linh : Khổng Tử và Lão Tử ở Trung Quốc, Zarathustra ở Ba Tư, Pythagoras và Heraclitus ở Hy Lạp.
Nếu tính chất độc đáo của Ấn Độ giáo là thần thoại và nghi lễ, thì hương vị của Phật giáo rõ ràng là tâm lý. Đức Phật không quan tâm đến việc làm thỏa mãn sự tò mò của con người về nguồn gốc của thế giới, về bản chất của những vấn đề liên quan đến thần thánh hay những vấn đề tương tự. Đức Phật chỉ quan tâm đến trạng thái của con người, với những hành trạng đau khổ và thất vọng của nhân loại.

Do đó, học thuyết của nhà Phật không phải là một học thuyết của lý thuyết suông, mà là một trong những liệu pháp tâm lý. Đức Phật đã chỉ ra nguồn gốc của sự thất vọng ở con người và cách để vượt qua chúng; với mục đích này, Phật giáo tiếp thu các khái niệm truyền thống của Ấn Độ về ảo tưởng che giấu sự tồn tại tuyệt đối, nghiệp chướng, niết bàn, v.v., và mang đến cho con người một am hiểu về tâm lý học mới mẻ, năng động và thích đáng. Sau khi Đức Phật nhập diệt, Phật giáo phát triển thành hai trường phái chính, Tiểu thừa và Đại thừa. Tiểu thừa, hay Cỗ xe nhỏ, là trường phái chính thống bám sát lời dạy của Đức Phật, trong khi Đại thừa, hay Cỗ xe lớn, thể hiện một thái độ linh hoạt hơn, tin rằng tinh thần của giáo lý thì quan trọng hơn khuôn khổ có tính công thức ban đầu của nó.

Trường phái Tiểu thừa tự thành lập ở Tích Lan, Miến Điện và Thái Lan, trong khi Đại thừa truyền bá đến Nepal, Tây Tạng, Trung Quốc và Nhật Bản; và cuối cùng trở thành trường phái quan trọng hơn trong hai trường phái này. Tại Ấn Độ, sau nhiều thế kỷ, Phật giáo đã được tiếp thu, bởi tính linh hoạt và đồng hóa của Ấn Độ giáo, và cuối cùng Ấn Độ giáo đã nhìn nhận Đức Phật như là một hóa thân của thần Vishnu nhiều mặt. (theo Ấn Độ giáo, Vishnu nằm trên biển sữa hoá thành con rùa đỡ trục vũ trụ quấn con rắn Ananta làm dây, để nâng các thần sáng tạo ra thế giới. Brahma - thần Đại Phạm Thiên, thần của sự sáng tạo - ngồi trên đoá hoa sen mọc từ rốn Vishnu).

Khi Phật giáo Đại thừa lan rộng khắp châu Á, nó đã tiếp xúc với các dân tộc thuộc nhiều nền văn hóa và các trạng thái tinh thần khác nhau, ở đó người dân đã giải thích giáo lý của Đức Phật theo quan điểm của riêng họ, giải thích rất chi tiết nhiều điểm tinh tế của nó, và thêm vào những ý tưởng có nguồn gốc của riêng họ. Bằng cách này, họ đã giữ cho Phật giáo tồn tại qua nhiều thế kỷ, và phát triển những triết lý rất tinh vi với những hiểu biết sâu sắc về tâm lý. Tuy nhiên, mặc dù những triết lý này thích hợp với trình độ của giới có trí thức cao, Phật giáo Đại thừa chưa bao giờ đánh mất mình trong suy tưởng trừu tượng. Như huyền học phương Đông luôn như vậy, trí tuệ chỉ được xem như một phương tiện để dọn đường cho sự trải nghiệm thần bí trực tiếp, mà các Phật tử gọi là 'sự tỉnh thức'.

Bản chất của trải nghiệm này là vượt ra khỏi thế giới của sự phân biệt trí tuệ và đối nghịch trí tuệ, để đến với thế giới của bất khả tư nghì (acintya), cái không thể tưởng tượng được, nơi mà thực tại xuất hiện dưới dạng ‘sự thật của mọi vật’ vốn không bị phân chia và không bị phân biệt. Đây là trải nghiệm mà đức Thích Ca Mâu Ni đã có trong một đêm, sau sáu năm khổ hạnh trong rừng. Ngồi trong thiền định thâm sâu dưới cội cây bồ đề nổi tiếng, Cây của sự Khai Sáng, Ngài đột nhiên lĩnh hội được sự giải thích cuối cùng và dứt khoát, về tất cả những tìm kiếm và nghi ngờ của mình, trong trạng thái 'tỉnh thức hoàn toàn, không ai vượt qua được', khiến Ngài trở thành Phật, có nghĩa là, ' Đã Tỉnh Thức '. Đối với thế giới phương Đông, hình tượng của Đức Phật trong trạng thái thiền định, có ý nghĩa như hình ảnh của Chúa Kitô bị đóng đinh đối với phương Tây, và hình tượng đó đã truyền cảm hứng cho vô số nghệ sĩ trên khắp châu Á, những người đã tạo ra những tác phẩm điêu khắc tuyệt đẹp về các vị Phật đang ngồi thiền.

Theo truyền thống Phật giáo, Đức Phật đã đến vườn Lộc Uyển ở vùng Bà la nại (Benares) ngay sau khi ngài tỉnh thức, để thuyết giảng giáo lý của mình cho các vị ẩn sĩ từng theo ngài trước đó. Đức Phật đã diễn đạt nó dưới hình thức Tứ Diệu Đế (bốn sự thật cao quý ) lừng danh, một bài trình bày cô đọng về giáo lý cốt yếu, qua đó không khác gì lời tuyên bố của một vị thầy thuốc, người đầu tiên xác định nguyên nhân gây ra bệnh tật của con người, sau đó khẳng định rằng bệnh tật có thể được chữa khỏi, và cuối cùng. kê đơn các biện pháp khắc phục.

Sự thật cao quý thứ nhất, khổ đế, nêu rõ đặc tính nổi bật trong trạng thái của con người, đó là sự đau khổ hoặc thất vọng. Sự thất vọng này đến từ việc chúng ta gặp khó khăn khi đối mặt với thực tế cơ bản của cuộc sống, rằng mọi thứ chung quanh chúng ta đều vô thường và phù du. “Vạn vật sinh và diệt”, Đức Phật nói, và quan niệm rằng dòng chảy của cuộc sống và sự thay đổi là những đặc điểm cơ bản của tự nhiên, được coi là gốc rễ của Phật giáo.

Theo quan điểm của Phật giáo, đau khổ xuất hiện bất cứ khi nào chúng ta chống lại dòng chảy của cuộc sống, và cố gắng bám vào những hình thức cố định, mà tất cả vốn đều là ảo tưởng che giấu sự tồn tại tuyệt đối; cho dù chúng là sự vật, sự kiện, con người hay ý tưởng. Học thuyết vô thường này cũng bao gồm khái niệm rằng không hề có bản ngã, không có cái tôi, đó là chủ đề dai dẳng của những trải nghiệm khác nhau của chúng ta. Phật giáo cho rằng ý tưởng về một cái tôi cá nhân riêng biệt là một ảo tưởng, chỉ là một dạng khác của ảo tưởng che giấu sự tồn tại tuyệt đối, một khái niệm trí tuệ vốn không có trong thực tại. Việc bám vào khái niệm này dẫn đến sự thất vọng, giống như việc bám chặt vào bất kỳ phạm trù tư tưởng cố định nào khác.

Tập đế là Sự thật cao quý thứ hai, đề cập đến nguyên nhân của mọi đau khổ, sự ham muốn (trishna), là sự bám víu, hay nắm bắt. Đó là sự nắm bắt vô ích của cuộc sống, dựa trên một quan điểm sai lầm mà trong triết học Phật giáo gọi là sự thiếu hiểu biết, hay vô minh. Từ vô minh này, chúng ta phân chia thế giới nhận thức thành những thứ riêng lẻ và riêng biệt, do đó cố gắng giam hãm các dạng thực tại có bản chất linh hoạt nằm yên trong các phạm trù cố định, do tâm trí tạo ra. Chừng nào quan điểm này còn phổ biến, chúng ta nhất định phải trải qua thất vọng này đến thất vọng khác. Cố gắng bám víu vào những thứ mà chúng ta thấy là chắc chắn và bền bỉ, nhưng thực tế vốn là những thứ nhất thời và luôn thay đổi, chúng ta bị mắc kẹt trong một vòng luẩn quẩn, nơi mà mọi hành động đều tạo ra hành động khác, và câu trả lời cho mỗi câu hỏi lại đặt ra những câu hỏi mới. Vòng luẩn quẩn này trong Phật giáo được gọi là vòng luân hồi, vòng sinh tử, và nó được dẫn dắt bởi nghiệp lực, một chuỗi nhân quả không bao giờ kết thúc.

Diệt đế, sự thật cao quý thứ ba, nói rằng đau khổ và thất vọng có thể được chấm dứt. Có thể vượt qua vòng luẩn quẩn của luân hồi, giải thoát bản thân khỏi sự trói buộc của nghiệp, và đạt đến trạng thái giải thoát hoàn toàn, được gọi là niết bàn. Trong trạng thái này, những quan niệm sai lầm về một cái tôi riêng biệt đã vĩnh viễn biến mất và tính duy nhất của mọi sự sống đã trở thành một cảm giác thường xuyên. Niết bàn tương đương với sự giải thoát khỏi mọi phiền muộn, và đạt được giác ngộ ( moksha ) trong triết học Ấn Độ giáo và, là một trạng thái ý thức vượt ra ngoài mọi khái niệm trí tuệ của Đạo Vật lý, nó khó đến nổi không thể mô tả sâu hơn. Đạt đến niết bàn là đạt được sự tỉnh thức, hay Phật quả.

Đạo đế, sự thật cao quý thứ tư, là đơn thuốc của Đức Phật để chấm dứt mọi đau khổ, đó là Bát Chánh Đạo nói về sự phát triển của bản thân dẫn đến trạng thái Phật Quả. Hai phần đầu tiên của con đường này - như đã đề cập, (chánh kiến và chánh tư duy) - liên quan đến việc nhìn thấy đúng và biết đúng, đó là với sự thấu hiểu rõ ràng về trạng thái của con người, tức là điểm khởi đầu cần thiết. Bốn phần tiếp theo đề cập đến các hành động đúng. Chúng cung cấp các nguyên tắc cho phương thức sống của người phật tử, vốn là con đường Trung đạo giữa các thái cực đối lập. (bát chánh đạo gồm : chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định. )

Bát Chánh Đạo
Hai phần cuối liên quan đến nhận thức đúng và thiền định đúng; và mô tả sự trải nghiệm huyền bí trực tiếp về thực tại, là mục tiêu cuối cùng. Đức Phật không phát triển học thuyết của mình thành một hệ thống triết học nhất quán, mà chỉ coi nó như một phương tiện để đạt được giác ngộ. Những trình bày của ngài về thế giới chỉ giới hạn trong việc nhấn mạnh tính vô thường của mọi vật. Ngài nhấn mạnh về sự tự do, thoát khỏi quyền lực tâm linh, bao gồm cả quyền lực tâm linh của chính mình, nói rằng, ngài chỉ có thể chỉ ra con đường dẫn đến Phật quả, và rằng mỗi cá nhân phải bước đi trên con đường này đến cùng, bằng nỗ lực của chính mình. Những lời cuối cùng của Đức Phật trên giường bệnh là đặc trưng cho thế giới quan và thái độ của ngài như một người thầy. Ngài nói trước khi qua đời : “Sự suy tàn là cố hữu trong mọi sự vật hữu vi; Hãy nỗ lực với sự tinh tấn.” Trong vài thế kỷ đầu tiên sau khi Đức Phật nhập diệt, một số Đại hội đồng đã được tổ chức bởi các nhà sư hàng đầu của Phật giáo, tại đó toàn bộ giáo pháp được đọc to và những khác biệt trong cách giải thích đã được giải quyết.

Tại Đại hội đồng lần thứ tư, diễn ra trên đảo Tích Lan (Sri Lanka) vào thế kỷ thứ nhất sau Công Nguyên, học thuyết vốn được ghi nhớ, được truyền miệng trong hơn năm trăm năm, lần đầu tiên được ghi lại bằng văn bản. Bản ghi chép này, được viết bằng tiếng Pali, được gọi là Kinh điển Pali và là cơ sở của trường phái Tiểu thừa chính thống. Mặt khác, trường phái Đại thừa dựa trên một số cái gọi là 'tế độ', với kinh điển có kích thước khổng lồ, được viết bằng tiếng Phạn sau một hoặc hai trăm năm, và trình bày lời dạy của Đức Phật một cách tinh tế và công phu hơn nhiều so với Kinh điển Pali. Trường phái Đại thừa tự gọi mình là cổ xe lớn của Phật giáo, vì nó cung cấp cho các tín đồ của mình rất nhiều phương pháp, hay còn gọi là 'phương tiện khéo léo' để đạt được Phật quả. Những lĩnh vực từ học thuyết này nhấn mạnh đến niềm tin tôn giáo theo lời dạy của Đức Phật, cho đến những triết lý phức tạp liên quan đến những khái niệm rất gần với tư tưởng khoa học hiện đại.

Người đầu tiên sáng tạo ra học thuyết Đại thừa, và là một trong những nhà tư tưởng sâu sắc nhất trong số các vị tổ sư Phật giáo, là tổ sư Ashvaghosha ( Mã Minh ), sống ở thế kỷ thứ nhất sau Công nguyên. Ngài đã nêu ra những tư tưởng căn bản của Phật giáo Đại thừa - đặc biệt là những tư tưởng liên quan đến khái niệm 'Chân Như' của Phật giáo - trong một cuốn sách nhỏ có tên "Sự thức tỉnh niềm tin". Văn bản sáng suốt và vô cùng đẹp đẽ này, nhắc nhở người ta về "Bài hát của Đấng Chí tôn" ( Bhagavad Gita) theo nhiều cách, đã tạo thành luận thuyết đại diện đầu tiên cho giáo lý Đại thừa, và đã trở thành tác phẩm chính thức cho mọi trường phái Phật giáo Đại thừa. Tổ sư Ashvaghosha có lẽ đã có ảnh hưởng mạnh mẽ đến Nagarjuna (ngài Long Thọ), nhà triết học Đại thừa trí tuệ nhất, người đã sử dụng một phép biện chứng hết sức tinh vi để chỉ ra những hạn chế của mọi khái niệm về thực tại. Với những lập luận xuất sắc, ông đã phá bỏ những định đề siêu hình của thời đại mình, và do đó chứng minh rằng thực tế, rốt cuộc, không thể nắm bắt được bằng các khái niệm và ý tưởng. Do đó, ông đặt cho nó cái tên sunyata, là "khoảng không", hay "trống rỗng", một thuật ngữ tương đương với ' Như Lai' ( tathata) , hay "Chân Như" của Ashvaghosha; khi sự vô ích của mọi tư duy dựa trên các khái niệm được thừa nhận, thì thực tại được trải nghiệm như là một chân như thuần túy. Lời trình bày của Nagarjuna cho rằng, bản chất cốt yếu của thực tại là tính không, do đó nó khác xa với tuyên bố 'hư vô' vốn thường được sử dụng. Nó chỉ đơn thuần có nghĩa là tất cả các khái niệm về thực tại được hình thành bởi tâm trí con người, cuối cùng đều trống không. Thực tại, hay Tính không, tự nó không phải là một trạng thái của hư vô đơn thuần, mà là nguồn gốc của mọi sự sống và là bản chất của mọi hình thức. Các quan điểm của Phật giáo Đại thừa được trình bày cho đến nay phản ánh khía cạnh trí tuệ, suy tưởng của nó. Tuy nhiên, đây chỉ là một mặt của Phật giáo. Bổ sung cho nó là ý thức tôn giáo của Phật tử bao gồm niềm tin, tình thương và lòng từ bi. Trí tuệ giác ngộ thực sự (bồ đề) được xem trong Đại thừa là bao gồm hai yếu tố mà D. T. Suzuki đã gọi là 'hai trụ cột hỗ trợ cho tòa nhà vĩ đại của Phật giáo'. Chúng là Prajna, là trí tuệ siêu việt, Đạo của / hay trí thông minh trực giác; và Karuna, là từ bi.

Theo đó, bản chất cốt yếu của vạn vật được Phật giáo Đại thừa mô tả không chỉ bằng những thuật ngữ siêu hình trừu tượng Chân Như và Hư không, mà còn bằng thuật ngữ Pháp thân, ‘Thân thể của cái đang là’, mô tả thực tại giống như nó xuất hiện trong tâm thức tôn giáo của người Phật tử. Pháp thân tương tự như thần Brahman trong Ấn Độ giáo. Nó bao trùm mọi thứ vật chất trong vũ trụ, và cũng được phản ánh trong tâm trí con người như là bồ đề, trí tuệ giác ngộ. Do đó, Pháp thân trong Phật giáo mang tính tinh thần và vật chất cùng một lúc.

Sự nhấn mạnh về tình thương và lòng từ bi là những phần thiết yếu của trí tuệ, được thể hiện mạnh mẽ nhất trong lý tưởng Bồ tát, một trong những phát triển đặc trưng của Phật giáo Đại thừa. Bồ tát là một con người đã tiến hóa cao trên con đường trở thành Phật, là hành giả không tìm kiếm sự giác ngộ cho riêng mình, mà nguyện giúp đỡ cho tất cả chúng sinh đạt được Phật quả trước khi nhập niết bàn. Nguồn gốc của ý tưởng này nằm ở quyết định của Đức Phật được thể hiện trong truyền thống Phật giáo, như một quyết định có ý thức và hoàn toàn không dễ dàng, một quyết định không chỉ đơn giản là để nhập niết bàn, mà là trở lại thế gian để chỉ ra con đường cứu rỗi cho đồng loại của mình. Lý tưởng Bồ tát cũng phù hợp với học thuyết vô ngã của Phật giáo, bởi vì nếu không có cái tôi cá nhân riêng biệt, thì ý tưởng về một cá nhân nhập niết bàn một mình, hiển nhiên không có nhiều ý nghĩa.

Cuối cùng, yếu tố đức tin, được nhấn mạnh trong cái gọi là trường phái Tịnh độ của Phật giáo Đại thừa. Căn bản của trường phái này là học thuyết Phật giáo, qua đó cho rằng bản chất ban đầu của mọi người là một vị Phật, và nó cho rằng để nhập niết bàn, hay còn gọi là ‘Tịnh độ’, tất cả những gì người ta phải làm là có niềm tin vào Phật tính nguyên thủy của con người.

Theo nhiều tác giả, tư tưởng Phật giáo đã đạt đến đỉnh cao, trong cái gọi là trường phái Avatamsaka (Hoa Nghiêm ) dựa trên bộ kinh cùng tên. Kinh này được coi là cốt lõi của Phật giáo Đại thừa và được Suzuki ca tụng bằng những lời lẽ nhiệt tình nhất:

"Về kinh tạng, nó thực sự là sự viên mãn của tư tưởng Phật giáo, quan điểm Phật giáo và kinh nghiệm Phật giáo. Theo suy nghĩ của tôi, không có nền văn học tôn giáo nào trên thế giới có thể tiếp cận sự vĩ đại về quan niệm, chiều sâu của tri kiến, và quy mô bố cục khổng lồ như bộ kinh này đã đạt được. Đó là nguồn gốc vĩnh cửu của sự sống mà từ đó không có trí tuệ của tôn giáo nào sẽ phải vẫn còn khao khát về tri thức tâm linh, hoặc chỉ hài lòng một phần."

Khi Phật giáo Đại thừa truyền bá khắp châu Á, chính kinh này đã khơi dậy sự háo hức trong tâm trí của người Trung Quốc và người Nhật Bản hơn bất cứ điều gì khác. Mặt khác, sự tương phản giữa người Trung Quốc và người Nhật Bản và người Ấn Độ, lớn đến mức họ được cho là đại diện cho hai cực của tri thức con người.

Trong khi những thứ trước là thực tế, thực dụng và có đầu óc xã hội, thì những thứ sau lại giàu trí tưởng tượng, siêu hình và siêu việt. Khi các triết gia Trung Quốc và Nhật Bản bắt đầu dịch và giải thích kinh Avatamsaka (Hoa Nghiêm ), một trong những kinh điển vĩ đại nhất do thiên tài tôn giáo người Ấn Độ sản xuất; thì hai cực của tri thức con người đã kết hợp lại để tạo thành một thể thống nhất mới, năng động và kết quả là triết lý ha-yên (chủ trương vô ngữ, vô danh, vô hình, vô thanh là "Đạo chi toàn" ) ở Trung Quốc và Kegon (Hoa Nghiêm tông). Theo Suzuki, triết học ở Nhật Bản tạo nên 'đỉnh cao của tư tưởng Phật giáo vốn đã phát triển ở Viễn Đông trong hai nghìn năm qua'.

Chủ đề trọng tâm của Avatamsaka (Hoa Nghiêm ) là sự thống nhất và tương quan của mọi sự vật và sự kiện; một quan niệm không chỉ là bản chất của thế giới quan phương Đông mà còn là một trong những yếu tố căn bản của thế giới quan xuất hiện từ vật lý hiện đại. Do đó, sẽ thấy rằng Kinh Avatamsaka (Hoa Nghiêm ), văn bản tôn giáo cổ đại này, đưa ra những điểm tương đồng nổi bật nhất với các mô hình và lý thuyết của vật lý hiện đại.


Fritjof Capra (sinh ngày 1 tháng 2 năm 1939) là một nhà vật lý người Mỹ gốc Áo, nhà lý thuyết hệ thống và là nhà sinh thái học sâu sắc. Năm 1995, ông trở thành giám đốc sáng lập Trung tâm xóa mù chữ ở Berkeley, California . Ông ấy là giảng viên của Schumacher College.

Capra là tác giả của một số cuốn sách, bao gồm Đạo của vật lý (1975), Bước ngoặt (1982), Trí tuệ không phổ biến (1988), Web of Life (1996), The Hidden Connections (2002) và The Systems View of Life (2014).

_ THS sưu tầm và lược dịch…..

VU LAN 2564.

Bài đăng phổ biến từ blog này

Trung Quốc đang đụng đầu với khủng hoảng ?

Nỗi sợ ngân hàng gây thêm đau đầu cho nền kinh tế Trung Quốc.

Xung đột vũ trang ở Biển Đông.