ĐẠO CỦA VẬT LÝ....BIẾT VÀ THẤY. (a)

Khám phá những điểm tương đồng giữa Vật lý học hiện đại và Huyền học của phương Đông.

Vũ trụ và huyền học phương Đông.

Frifjof Capra…..Shambhala Boulder … 1975.

PHẦN I…CON ĐƯỜNG CỦA VẬT LÝ.

CHƯƠNG 2 ….BIẾT VÀ THẤY. (a).

"Từ cái không thực dẫn tôi đến cái thực!
Từ bóng tối dẫn tôi đến ánh sáng! Từ cái chết dẫn tôi đến sự bất tử!"

Brihad-aranyaka Upanishad

Trước khi nghiên cứu sự tương đồng giữa vật lý hiện đại và huyền học phương Đông, chúng ta phải giải quyết một vấn đề khó khăn, đó là làm thế nào mà chúng ta có thể thực hiện được bất kỳ sự so sánh nào giữa một bên là khoa học chính xác, được phát biểu bằng ngôn ngữ tinh vi của toán học hiện đại, và bên kia là các ngành tâm linh, chủ yếu dựa trên thiền định, và được nhấn mạnh với thực tế rằng, những hiểu biết của họ không thể truyền đạt được bằng lời nói.

 

Những gì chúng ta muốn so sánh là những những kiến ​​thức về thế giới được phát biểu bởi các nhà khoa học và các nhà huyền học phương Đông. Để thiết lập khuôn khổ thích hợp cho sự so sánh này, trước tiên chúng ta phải tự hỏi xem loại 'kiến thức' gì mà chúng ta đang nói đến; loại kiến thức của nhà sư Phật giáo ở Angkor Wat hoặc Kyoto có tương tự với 'kiến thức' của nhà vật lý từ Oxford hoặc Berkeley hay không ? Thứ hai, chúng ta sẽ so sánh loại kiến thức gì ? Chúng ta sẽ chọn gì từ một bên là các dữ liệu thực nghiệm, phương trình và lý thuyết; và bên kia là những thần thoại cổ đại, hay các luận thuyết triết học từ các kinh sách tôn giáo ?

Chương này nhằm làm rõ hai điểm này: bản chất của loại kiến ​​thức liên quan và ngôn ngữ mà kiến ​​thức đó thể hiện.

Trong suốt lịch sử, người ta đã công nhận rằng trí tuệ của con người có khả năng cung cấp hai loại kiến ​​thức, hoặc hai kiểu ý thức, thường được gọi là lý trí và trực giác; và có truyền thống liên kết lý trí với khoa học, trực giác với tôn giáo. Ở phương Tây thường dựa trên lý trí, nên trực giác là loại kiến thức của tôn giáo thường bị đánh giá thấp, trong khi quan điểm truyền thống của phương Đông nói chung là ngược lại. Những phát biểu sau đây về kiến ​​thức của hai nhà đại tư tưởng ở phương Tây và phương Đông, tiêu biểu cho hai quan điểm. Socrates ở Hy Lạp đưa ra tuyên bố nổi tiếng ‘Tôi biết rằng tôi không biết gì cả ”, và Lão Tử ở Trung Quốc nói,“ Không biết gì là cái biết tốt nhất”. Ở phương Đông, các giá trị của hai loại kiến ​​thức thường được quy vào danh xưng của chúng một cách rõ ràng. Ví dụ, Upanishad ( Áo nghĩa thư của Ấn Độ giáo) nói về hai loại kiến ​​thức cao hơn và thấp hơn, và liên kết cái kiến thức thấp hơn với các ngành khoa học khác nhau, liên kết kiến thức cao hơn với nhận thức về tôn giáo. Phật giáo nói về hai loại kiến thức đó là : kiến ​​thức ‘tương đối’ và kiến thức ‘tuyệt đối’, hoặc là 'sự thật từng phần 'và 'sự thật toàn phần ' (sự thật từng phần được nắm bắt thông qua suy luận, sự thật toàn phần được nắm bắt thông qua thể nhập với thực tại hay sự thể nghiệm của thiền định; ví dụ : một bản đồ địa hình có các vòng cao độ biểu thị độ cao chênh lệch trên thực địa là 5 mét, bản đồ diễn tả một con đường trên thực địa dài 2 km với một nửa bằng phẳng, một nửa gồm các đoạn dốc liên tiếp nhau với các con dốc có độ cao dưới 3 mét. Như thế, bản đồ không thể vẻ các vòng cao độ tương ứng với thực địa, và người xem bản đồ cho rằng con đường dài 2 km đó, là hoàn toàn bằng phẳng, đó là sự thật từng phần. Nhưng khi người đọc bản đồ đi vào thực địa, anh ta nhận ra con đường chỉ bằng phẳng một nửa, phần còn lại là những con dốc liên tiếp nhau cao không quá 3 mét; đây là sự thật toàn phần, ghi chú thêm của THS). Mặt khác, triết học Trung Quốc luôn nhấn mạnh bản chất phụ thuộc lẫn nhau của trực giác và lý trí, tượng trưng cho chúng bằng cặp hình tượng âm và dương, đó vốn là nền tảng của tư tưởng Trung Quốc.

Theo đó, hai truyền thống triết học phụ thuộc lẫn nhau - Đạo giáo và Nho giáo - đã phát triển ở Trung Quốc cổ đại nhằm giải quyết vấn đề của hai loại kiến ​​thức. Kiến thức dựa trên lý trí được đúc kết từ kinh nghiệm, mà chúng ta có với các đối tượng và các sự kiện trong môi trường hàng ngày của chúng ta. Nó thuộc về lĩnh vực của trí tuệ phân biệt, phân chia, so sánh, đo lường và phân loại. Bằng cách này, một thế giới của trí tuệ phân biệt được tạo ra; thế giới của các mặt đối lập mà chỉ có thể tồn tại trong mối quan hệ của các mặt khác nhau, đó là lý do tại sao mà nhà Phật gọi loại kiến thức này là kiến ​​thức ‘tương đối’.

Tính trừu tượng là một tính năng quan trọng của loại kiến thức này, bởi vì để so sánh và phân loại vô số hình dạng, cấu trúc và hiện tượng chung quanh chúng ta, chúng ta không thể xem xét hết mọi đặc điểm của chúng, mà phải chọn một vài cái quan trọng. Theo đó, chúng ta xây dựng một bản đồ về thực tại bằng lý trí, trong đó mọi vật đều bị cắt bỏ bớt, chỉ còn lại những đặc điểm tổng quát của chúng. Vì thế, kiến thức dựa trên lý trí là một hệ thống gồm các khái niệm trừu tượng và biểu tượng, được mô tả bằng cấu trúc xếp hàng, theo dãy, vốn là đặc trưng cho lối suy nghĩ và cách nói của chúng ta. Cấu trúc xếp hàng này, rõ ràng được tạo ra trong hầu hết các ngôn ngữ, với việc sử dụng bảng chữ cái, dùng để phục vụ cho kinh nghiệm trong giao tiếp và trong những suy nghĩ với những dòng chữ xếp dài.

Mặt khác, thế giới tự nhiên thì vô hạn. Với sự đa dạng và phức tạp, một thế giới đa chiều vốn không có đường thẳng nào, hoặc hình dạng nào hoàn toàn bình thường, nơi mà mọi thứ không xảy ra theo thứ tự, mà tất cả xảy ra cùng lúc; một thế giới mà ở đó vật lý hiện đại cho chúng ta biết - ngay cả không gian trống rỗng cũng bị uốn cong. Rõ ràng là hệ thống tư duy trừu tượng của chúng ta không bao giờ có thể mô tả, hoặc hiểu được thực tại này một cách hoàn toàn. Khi nghĩ về thế giới, chúng ta đang đối mặt với cùng một loại vấn đề như người vẽ bản đồ, đang cố gắng che đậy mặt cong của Trái đất bằng một chuỗi bản đồ vẽ trên mặt phẳng. Chúng ta chỉ có thể mong đợi một sự miêu tả thực tại gần đúng từ phương cách như vậy, và do đó, mọi kiến thức dựa trên lý trí nhất thiết phải có hạn chế.

Tất nhiên, lĩnh vực kiến thức dựa trên lý trí là lĩnh vực của khoa học với đo lường và định lượng, phân loại và phân tích. Những hạn chế của bất kỳ kiến ​​thức nào thu được bởi những phương pháp này, đã trở thành ngày càng rõ ràng trong khoa học hiện đại, và đặc biệt là trong vật lý hiện đại vốn đã dạy chúng ta, theo lời của Werner Heisenberg, "rằng mọi từ ngữ hoặc khái niệm, rõ ràng như nó có vẻ là, phạm vi ứng dụng của nó luôn bị giới hạn”. ( Werner Heisenberg là một nhà vật lý nổi danh của thế kỷ 20. Ông là một trong những người sáng lập ra thuyết cơ học lượng tử và đoạt giải Nobel vật lý năm 1932; THS ). Đối với hầu hết chúng ta, rất khó để thường xuyên nhận thức được những hạn chế và tính tương đối của kiến thức dựa trên các khái niệm. Bởi vì sự hình dung của chúng ta về thực tại được nắm bắt dễ dàng hơn nhiều so với chính bản thân thực tại, chúng ta có xu hướng nhầm lẫn giữa hai điều này - hình dung về thực tại và bản thân thực tại - và thường dùng các khái niệm và biểu tượng của chúng ta thay cho thực tại. Nó là một trong những mục đích chính của huyền học phương Đông, là loại bỏ sự nhầm lẫn này ra khỏi chúng ta. Thiền tông của nhà Phật nói rằng, ngón tay là cần thiết để chỉ vào mặt trăng, nhưng chúng ta không nên làm phiền chính mình với ngón tay, một khi mặt trăng đã được nhận ra. Nhà hiền triết của Đạo gia, Trang Tử viết:

"Chiếc vợt cá được dùng để bắt cá; nhưng khi đã được cá, người đi câu hãy quên vợt; chiếc bẫy được dùng để bắt thỏ rừng; nhưng khi có thỏ rừng, người đi săn hãy quên bẫy. Từ ngữ được sử dụng để truyền đạt ý tưởng; nhưng khi ý tưởng đã được nắm bắt, người nghe/nói hãy quên lời." * Ở phương Tây, nhà nghiên cứu ngữ nghĩa học, Alfred Korzybski đã đưa ra quan điểm chính xác với khẩu hiệu mạnh mẽ của mình, "Bản đồ không phải là lãnh thổ."

Điều mà các nhà huyền học phương Đông quan tâm là trải nghiệm trực tiếp về thực tại, qua đó, không chỉ vượt qua tư duy trí tuệ mà còn vượt qua cả nhận thức cảm tính. Như Upanishad trong Ấn Độ giáo đã nói, "vạn vật không âm thanh, không cảm ứng, không hình dạng, không thể nhìn thấy, tương tự như vậy, không vị, không đổi, không mùi, không có bắt đầu, không có kết thúc, cao hơn sự vĩ đại, không bị xáo trộn - Bằng sự sáng suốt này, Đó là, con người được giải thoát khỏi miệng của tử thần."

Kiến thức đến từ một kinh nghiệm như vậy được nhà Phật gọi là 'kiến thức tuyệt đối' vì nó không dựa vào sự phân biệt, trừu tượng và phân loại của trí tuệ, điều mà như chúng ta đã thấy, luôn luôn tương đối và chỉ gần đúng. Chính vì vậy chúng ta được nhà Phật chỉ bảo, hãy trải nghiệm trực tiếp với không phân biệt, không phân chia, không xác định về ‘sự thật chân chính của sự vật ' ( 'như thị' trong kinh chữ nôm của nhà Phật). Lĩnh hội hoàn toàn cái 'như thị' này không chỉ là nắm bắt được cốt lõi của huyền học phương Đông, mà còn nắm bắt được đặc điểm trọng tâm của mọi trải nghiệm huyền bí.

Các nhà huyền học phương Đông liên tục nhấn mạnh ở thực tế rằng, thực tại tối hậu không bao giờ có thể là đối tượng của lý luận hoặc đối tượng của kiến ​​thức có thể chứng minh. Nó không bao giờ có thể được mô tả một cách đầy đủ bằng lời, bởi vì nó nằm bên ngoài các lĩnh vực của giác quan và trí tuệ, vốn là nơi mà từ ngữ và khái niệm của chúng ta được bắt nguồn. Upanishad nói về nó:

"Mắt không thể nhìn tới đó, Lời nói cũng không thể giải bày, Tâm trí cũng không thể hình dung.
"Chúng ta không thể biết, chúng ta không thể hiểu.
"Ai đó làm sao dạy."

Lão Tử, người gọi thực tại này là Đạo, đã nêu một thực tế tương tự trong dòng mở đầu của Đạo Đức Kinh: "Đạo mà có thể được diễn đạt thì không phải là Đạo vĩnh cửu.” Sự thật hiển nhiên từ bất kỳ thông tin nào cho thấy, nhân loại đã không trở nên khôn ngoan hơn trong hơn hai nghìn năm qua, mặc dù kiến thức dựa trên lý trí ngày càng tăng một cách phi thường, đó là bằng chứng phong phú cho điều không thể hiển thị được kiến thức tuyệt đối, trong giao tiếp bằng lời nói. Như Trang Tử đã nói, "Nếu có thể nói về nó, mọi người đã nói với người thân của họ rồi."

Do đó, kiến thức tuyệt đối là một kinh nghiệm về thực tại hoàn toàn phi suy luận, một thứ kinh nghiệm nảy sinh từ một trạng thái ý thức không bình thường, có thể được gọi là trạng thái 'thiền định' hoặc huyền bí. Một trạng thái như vậy tồn tại không chỉ được thực chứng bởi nhiều nhà huyền học ở phương Đông và phương Tây, mà còn được chỉ ra bởi các nghiên cứu tâm lý.

Theo lời của William James:

"Ý thức bình thường nương theo thực tại của chúng ta, loại ý thức dựa trên lý trí như chúng ta vẫn gọi, chỉ là một dạng đặc biệt của ý thức, trong khi cái toàn thể của nó bị chia tách bởi những bức màn mỏng manh, mỗi nơi đang tiềm ẩn những dạng ý thức hoàn toàn khác nhau."

Mặc dù các nhà vật lý chủ yếu quan tâm bằng kiến ​​thức dựa trên lý trí và các nhà huyền học thì quan tâm bằng kiến ​​thức trực giác, cả hai loại kiến ​​thức đều xảy ra trong cả hai lĩnh vực - vật lý học và huyền học. Điều này trở nên rõ ràng khi chúng ta kiểm tra kiến ​​thức được lĩnh hội như thế nào, và nó được kiến giải như thế nào, cả trong vật lý lẫn huyền học phương Đông.

Trong vật lý, kiến ​​thức được thu nhận thông qua quá trình nghiên cứu khoa học, mà có thể thấy tiến trình đó trong ba giai đoạn. Giai đoạn đầu tiên bao gồm việc thu thập các bằng chứng thực nghiệm về các hiện tượng cần giải thích. Ở giai đoạn thứ hai, đưa các dữ kiện thực nghiệm tương quan với các biểu tượng toán học và lược đồ toán học để tính toán, qua đó kết nối các biểu tượng này với nhau một cách chính xác và nhất quán.

Một sơ đồ như vậy được người ta gọi là mô hình toán học hoặc, nếu nó toàn diện hơn, gọi là một lý thuyết. Lý thuyết này sau đó được sử dụng để dự đoán kết quả của các thí nghiệm tiếp theo, vốn được thực hiện để kiểm tra tất cả các tác động của nó.

Ở giai đoạn này, các nhà vật lý có thể hài lòng khi họ tìm ra được một sơ đồ toán học và biết cách sử dụng nó như thế nào để dự đoán các thí nghiệm. Nhưng cuối cùng, họ sẽ muốn nói về kết quả của họ với những người không phải là nhà vật lý, và do đó sẽ phải diễn đạt chúng bằng ngôn ngữ đơn giản. Điều này có nghĩa là họ sẽ phải xây dựng một mô hình bằng ngôn ngữ thông thường để diễn giải sơ đồ toán học của họ. Đối với bản thân các nhà vật lý, việc hình thành một mô hình bằng lời nói như vậy, chính là việc cấu thành giai đoạn thứ ba của sự nghiên cứu, nó sẽ là một tiêu chuẩn thể hiện sự hiểu biết mà họ đã đạt được.

Tất nhiên, trong thực tế, ba giai đoạn này không bị tách biệt rõ ràng và không phải lúc nào cũng xảy ra theo cùng một thứ tự. Ví dụ, một nhà vật lý có thể được dẫn đến một mô hình cụ thể bởi một số niềm tin triết học mà anh ta (hoặc cô ta) thủ đắc, qua đó anh ta có thể tiếp tục tin tưởng, ngay cả khi xuất hiện bằng chứng thực nghiệm trái ngược. Sau đó anh/ cô ấy sẽ - và điều này xảy ra trên thực tế rất thường xuyên - cố gắng sửa đổi mô hình của anh/ cô ấy để nó có thể giải quyết vấn đề trong các thử nghiệm mới. Nhưng nếu bằng chứng thực nghiệm tiếp tục mâu thuẫn với mô hình, thì cuối cùng anh/ cô ta sẽ buộc phải loại bỏ nó.

Mọi lý thuyết vững chắc dựa trên thực nghiệm được gọi là phương pháp khoa học, và chúng ta sẽ thấy rằng có một phương pháp giống y như vậy trong triết học phương Đông. Mặt khác, về cơ bản, triết học Hy Lạp thì khác ở khía cạnh này. Mặc dù các nhà triết học Hy Lạp đã có những ý tưởng vô cùng tài tình về tự nhiên, vốn thường rất gần với các mô hình khoa học hiện đại, có sự khác biệt rất lớn giữa hai mô hình - khoa học và triết học Hy Lạp - đó là thái độ quan sát và thử nghiệm của khoa học hiện đại, gần như quá xa lạ với tri kiến của người Hy Lạp. Người Hy Lạp lĩnh hội các mô hình của họ bằng suy diễn từ một số tiên đề hoặc nguyên tắc căn bản, và không quy nạp từ những gì đã được quan sát. Mặt khác, tất nhiên, nghệ thuật suy luận và logic của người Hy Lạp đóng một vai trò quan trọng trong giai đoạn thứ hai của nghiên cứu khoa học, đó là việc thành lập công thức của một mô hình toán học nhất quán, và do đó là một phần thiết yếu của khoa học.

Kiến thức dựa trên lý trí và các hoạt động dựa trên lý trí chắc chắn tạo nên thành phần chính của nghiên cứu khoa học, nhưng không phải tất cả đều như vậy. Trên thực tế, phần nghiên cứu dựa trên lý trí sẽ trở nên vô ích nếu nó không được bổ sung bởi trực giác, qua đó mang lại cho các nhà khoa học những hiểu biết mới và giúp họ sáng tạo. Những hiểu biết sâu sắc này có xu hướng đến một cách đột nhiên và đặc biệt, không phải khi ngồi ở bàn giải các phương trình, mà là khi thư giãn, lúc đang tắm, khi đi dạo trong rừng, trên bãi biển, v.v. Trong những khoảng thời gian thư giãn này - sau khi tập trung cho các hoạt động trí tuệ - nhận thức trực quan dường như tiếp tục công việc và có thể đột nhiên tạo ra những hiểu biết sáng tỏ sâu sắc, mang lại nhiều niềm vui và sự thích thú cho nghiên cứu khoa học.

Tuy nhiên, những hiểu biết trực quan không được dùng cho vật lý, trừ khi chúng có thể được xây dựng trong một khuôn khổ toán học nhất quán, được bổ sung bởi cách diễn giải bằng ngôn ngữ đơn giản.

Tính trừu tượng là một tính năng quan trọng của khuôn khổ này. Như đã đề cập trước đây, nó bao gồm một hệ thống các khái niệm và các biểu tượng, tạo thành một bản đồ về thực tại. Bản đồ này chỉ thể hiện một số đặc điểm của thực tại; chúng ta không biết chính xác đây là những gì, vì chúng ta bắt đầu biên soạn bản đồ của bản thân mình một cách dần dần và không có những phân tích then chốt ở thời thơ ấu của chúng ta. Lời nói trong ngôn ngữ của chúng ta do đó không được xác định một cách rõ ràng. Chúng có một số ý nghĩa, nhiều trong số đó chỉ lướt qua tâm trí chúng ta một cách mơ hồ, và phần lớn vẫn nằm trong tiềm thức của chúng ta khi chúng ta nghe thấy lời nói đó.

Sự thiếu chính xác và mơ hồ của ngôn ngữ là điều cần thiết đối với các nhà thơ, họ sinh hoạt chủ yếu với các lớp vỉa tiềm thức và liên kết với tiềm thức. Mặt khác, khoa học hướng tới các định nghĩa rõ ràng và các kết nối không mập mờ, và do đó nó trừu tượng hóa ngôn ngữ nhiều hơn nữa, bằng cách giới hạn ý nghĩa của các từ và bằng cách tiêu chuẩn hóa cấu trúc của nó, phù hợp với các quy tắc logic. Sự trừu tượng cuối cùng xảy ra trong toán học, nơi mà các từ ngữ được thay thế bằng các ký hiệu và nơi mà các phép toán kết nối các ký hiệu được xác định một cách chặt chẽ. Bằng cách này, các nhà khoa học có thể cô đọng thông tin thành một phương trình, tức là thành một dòng ký hiệu duy nhất, mà họ sẽ cần đến dăm bảy trang giấy để viết theo cách thông thường. Có quan điểm cho rằng toán học chẵng là gì ngoài một thứ cực kỳ trừu tượng, và ngôn ngữ bị nén lại để không bị thách thức. Trên thực tế, nhiều nhà toán học tin rằng toán học không chỉ là một ngôn ngữ để mô tả thiên nhiên, mà còn là cái vốn có của chính thiên nhiên. Người khởi xướng niềm tin này là Pythagoras, người đã đưa ra tuyên bố nổi tiếng "Tất cả mọi thứ đều là những con số", và đã phát triển một loại huyền bí mang tính toán học. Do đó, triết học Pythagoras đã đưa suy luận logic vào lĩnh vực tôn giáo, một sự phát triển mà theo Bertrand Russell, là yếu tố quyết định đối với triết học tôn giáo của phương Tây :

"Sự kết hợp giữa toán học và thần học, vốn bắt đầu với Pythagoras, mang đặc điểm tôn giáo triết học ở Hy Lạp ở thời Trung cổ, cho đến Kant vào thời hiện đại . . . Trong Plato, St Augustine, Thomas Aquinas, Descartes, Spinoza và Leibniz có sự kết hợp chặt chẽ giữa tôn giáo và lý luận, khát vọng đạo đức với sự ngưỡng mộ hợp lý về những gì gọi là vượt thời gian, vốn xuất phát từ Pythagoras, và làm nổi bật môn thần học được trí thức hóa của châu Âu từ sự huyền bí đơn giản hơn nhiều của châu Á." Tất nhiên, ‘sự huyền bí đơn giản hơn nhiều của châu Á’ không áp dụng quan điểm toán học của Pythagoras. Theo quan điểm phương Đông, toán học, với cấu trúc phân biệt cao và được xác định rõ ràng, phải được xem như một phần trong bản đồ khái niệm của chúng ta, chứ không phải là một đặc điểm của bản thân thực tại. Thực tại, theo kinh nghiệm của huyền bí, là hoàn toàn vô định và phi phân biệt.

Phương pháp trừu tượng hóa của khoa học rất hiệu quả và mạnh mẽ, nhưng chúng ta phải trả giá cho nó. Khi chúng ta xác định hệ thống khái niệm của chúng ta chính xác hơn, khi chúng ta sắp xếp nó hợp lý hơn và làm cho các kết nối ngày càng nghiêm ngặt hơn, nó ngày càng trở nên tách rời khỏi thế giới thực. Sử dụng lại phép loại suy của Korzybski về
bản đồ và lãnh thổ, chúng ta có thể nói rằng ngôn ngữ thông thường là một bản đồ, mà do tính không chính xác nội tại của nó, bản đồ có độ linh động nhất định để nó có thể uốn theo độ cong của lãnh thổ, ở một mức độ nào đó. Khi chúng ta làm cho nó nghiêm ngặt hơn, tính linh hoạt này dần dần biến mất, và với ngôn ngữ toán học, chúng ta đã đạt đến điểm mà ở đó, các liên kết với thực tại trở nên mỏng manh, đến mức mối liên hệ giữa các biểu tượng với giác quan thực nghiệm của chúng ta không còn rõ ràng. Đây là lý do tại sao chúng ta phải bổ sung các mô hình và lý thuyết toán học của mình với các diễn giải bằng lời nói, sử dụng trở lại các khái niệm có thể hiểu được bằng trực giác, nhưng hơi mơ hồ và không chính xác.

Điều quan trọng là nhận ra sự khác biệt giữa các mô hình toán học và các đối tác bằng lời nói của chúng. Mô hình toán học thì quan tâm đến cấu trúc nội tại một cách nghiêm ngặt và nhất quán, nhưng các biểu tượng của chúng lại không liên quan trực tiếp đến trải nghiệm của chúng ta. Mặt khác, các mô hình bằng lời nói sử dụng các khái niệm mà có thể hiểu một cách trực quan, thì lại luôn không chính xác và mơ hồ. Về mặt này, chúng không khác với các mô hình triết học về thực tại, và do đó cả hai cũng có thể so sánh với nhau về những nét tương đồng.

Nếu có yếu tố trực quan trong khoa học, thì cũng có yếu tố lý tính trong huyền học phương Đông. Tuy nhiên, mức độ lý luận và sự hợp lý được nhấn mạnh rất khác nhau giữa các trường phái. Ví dụ như Vedanta (Phệ đàn đa ) của Ấn giáo, hoặc Madhyamika ( Trung quán tông ) của Phật giáo, là những trường phái đề cao lý luận, trong khi Đạo giáo luôn luôn có một sự ngờ vực sâu sắc đối với lý trí và logic. Zen ( Thiền của Nhật bản), phát triển từ Phật giáo nhưng chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của Đạo giáo, tự hào là ‘không lời nói, không kiến giải, không hướng dẫn, không tri kiến'. Nó tập trung gần như hoàn toàn vào trải nghiệm của sự giác ngộ, và chỉ quan tâm một chút đến việc giải thích trải nghiệm này. Một câu nổi tiếng của Zen nói rằng "Ngay khi bạn nói một điều là bạn bỏ lỡ mục đích."

Mặc dù các trường phái huyền học phương Đông khác ít cực đoan hơn, nhưng kinh nghiệm huyền bí trực tiếp là cốt lõi của tất cả chúng. Ngay cả khi những nhà huyền bí đó tham gia vào cuộc tranh luận phức tạp nhất, cũng không bao giờ thấy trí tuệ là nguồn kiến ​​thức của họ, mà họ chỉ sử dụng nó để phân tích và giải thích kinh nghiệm huyền bí cá nhân của họ. Tất cả kiến ​​thức đều dựa trên kinh nghiệm này, do đó mang lại cho truyền thống phương Đông một đặc tính dựa trên kinh nghiệm mạnh mẽ, vốn luôn được những người đề xướng nó nhấn mạnh.

Chẳng hạn, D. T. Suzuki viết về Phật giáo:

"Kinh nghiệm cá nhân là. . . nền tảng của triết học Phật giáo. Theo nghĩa này, Phật giáo là chủ nghĩa thực nghiệm hay chủ nghĩa kinh nghiệm dựa trên lý trí, bất kể phép biện chứng nào được phát triển sau này để thăm dò ý nghĩa của kinh nghiệm giác ngộ."

( Chương 2 Còn tiếp ).

_ Fritjof Capra (sinh ngày 1 tháng 2 năm 1939) là một nhà vật lý người Mỹ gốc Áo, nhà lý thuyết hệ thống và là nhà sinh thái học sâu sắc. Năm 1995, ông trở thành giám đốc sáng lập Trung tâm xóa mù chữ ở Berkeley, California . Ông ấy là giảng viên của Schumacher College.

THS sưu tầm và lược dịch. 05/09/2020.


 

Bài đăng phổ biến từ blog này

Trung Quốc đang đụng đầu với khủng hoảng ?

Nỗi sợ ngân hàng gây thêm đau đầu cho nền kinh tế Trung Quốc.

Xung đột vũ trang ở Biển Đông.