ĐẠO CỦA VẬT LÝ...ZEN ( THIỀN NHẬT BẢN )

Khám phá những điểm tương đồng giữa Vật lý học hiện đại và Huyền học của phương Đông.

Zen

Frifjof Capra…..Shambhala Boulder … 1975.

PHẦN II… CON ĐƯỜNG HUYỀN HỌC PHƯƠNG ĐÔNG.

Chương 9… ZEN ( THIỀN NHẬT BẢN )

Khi tâm trí người Trung Quốc tiếp xúc với tư tưởng Ấn Độ dưới hình thức Phật giáo, khoảng đầu thế kỷ thứ nhất, sau công nguyên, hai diễn biến song song đã diễn ra. Một mặt, việc phiên dịch kinh điển Phật giáo đã kích thích các nhà tư tưởng Trung Quốc, và khiến họ giải thích những lời dạy của Đức Phật ở Ấn Độ dưới chiều hướng triết lý của riêng họ. Do đó, như đã đề cập, đã nảy sinh một cuộc trao đổi ý tưởng vô cùng hiệu quả, mà lên đến đỉnh điểm là trong trường phái Phật giáo Hoa Nghiêm (tiếng Phạn: Avatamsaka) ở Trung Quốc và trong trường phái Kegon ở Nhật Bản.

Mặt khác, khía cạnh thực dụng ở tâm lý người Trung Quốc khiến họ phản ứng lại ảnh hưởng của Phật giáo Ấn Độ, bằng cách tập trung vào các khía cạnh thực tế của nhà Phật và phát triển chúng thành một phương pháp tu luyện tâm linh đặc biệt, được đặt tên là Clan, một từ thường được dịch là Thiền. Triết lý thiền này cuối cùng đã được Nhật Bản áp dụng vào khoảng năm 1200 sau Công nguyên, và đã được tu luyện ở đó, dưới tên là Zen, là một lối sống truyền thống cho đến ngày nay. Do đó, Zen là sự pha trộn độc đáo giữa triết lý và phong cách riêng của ba nền văn hóa khác nhau. Đó là một lối sống đặc trưng của Nhật Bản, nhưng nó phản ánh sự huyền bí của Ấn Độ, thích tính cách tự nhiên và tự phát của Đạo gia và chủ nghĩa thực dụng triệt để của Nho giáo.

Mặc dù có tính cách khá đặc biệt, về căn bản, Zen hoàn toàn là Phật giáo, bởi vì mục tiêu của nó không có gì khác so với chính Đức Phật: đạt được giác ngộ, một trải nghiệm được Zen gọi là satori. Trải nghiệm giác ngộ là bản chất của tất cả các trường phái triết học phương Đông, nhưng Zen đặc biệt ở chỗ, nó tập trung hoàn toàn vào trải nghiệm này và không quan tâm đến bất kỳ sự diễn giải nào thêm nửa. Theo Suzuki, 'Zen là phép luyện tâm dành cho sự giác ngộ.' Theo quan điểm của Zen, Đức Phật dạy rằng sự tỉnh thức mà Đức Phật đã đạt được, thì mọi người đều có tiềm năng đạt được sự tỉnh thức này (Phật tánh); đó chính là bản chất của Phật giáo. Phần còn lại của giáo lý, như được giải thích trong các bộ kinh đồ sộ, được xem như phần bổ sung.

Do đó, trải nghiệm của Zen là sự trải nghiệm về satori (giác ngộ), và cuối cùng, trải nghiệm này vượt qua mọi phạm trù tư tưởng, Zen không quan tâm đến bất kỳ sự trừu tượng hóa hay khái niệm hóa nào. Nó không có học thuyết hoặc triết học đặc biệt nào, không có tín điều hay giáo điều chính thức, và nó khẳng định rằng sự tự do này vượt khỏi mọi niềm tin được xác định trước, làm cho nó thực sự thiêng liêng. Hơn bất kỳ trường phái huyền bí phương Đông nào khác, Zen tin rằng lời nói có thể không bao giờ bày tỏ được sự thật cuối cùng. Nó thừa kế niềm tin này từ Đạo giáo, vốn đã cho thấy một thái độ không khoan nhượng tương tự. Trang Tử nói: “Nếu một người hỏi về Đạo và người khác trả lời anh ta, thì cả hai đều không biết Đạo."

Tuy nhiên, trải nghiệm của Zen có thể được truyền từ thầy sang trò, và trên thực tế, nó đã được truyền qua nhiều thế kỷ bằng những phương pháp đặc biệt thích hợp với Zen. Trong một bản tóm tắt kinh điển gồm bốn dòng, Zen được mô tả là sự truyền tải đặc biệt không theo kinh điển, không dựa trên lời nói và văn tự, trỏ trực tiếp đến tâm trí con người, nhìn vào bản chất của hành giả và đạt được Phật quả.

Kỹ thuật ‘trỏ trực tiếp’ này tạo nên hương vị đặc biệt của Zen. Đó là nét đặc trưng của tâm thức người Nhật mang tính trực quan hơn lý trí, và thích đưa ra các sự kiện như là sự thật mà không cần bình luận nhiều. Các thiền sư Nhật bản không dông dài, coi thường mọi lý thuyết và suy đoán. Do đó, họ đã phát triển các phương pháp chỉ thẳng vào sự thật, với những hành động hoặc lời nói đột ngột và tự phát, phơi bày những nghịch lý của tư duy khái niệm và, giống như những công án mà tôi đã đề cập, có nghĩa là dừng quá trình suy nghĩ để khiến thiền sinh sẵn sàng cho sự trải nghiệm huyền bí. Kỹ thuật này được minh họa rõ ràng bởi những ví dụ về các cuộc trò chuyện ngắn giữa sư phụ và đệ tử. Trong những cuộc trò chuyện này, mà đã tạo nên phần lớn nền văn học Zen, các bậc thầy nói càng ít càng tốt, và sử dụng ngôn từ của họ để chuyển sự chú ý của các môn đồ từ những suy nghĩ trừu tượng đến thực tại cụ thể. Một nhà sư, xin chỉ dẫn, nói với Bồ Đề Đạt Ma (Bodhidharma) : "Tâm tôi bất an, Xin hãy an tâm". Bồ Đề Đạt Ma đáp " Hãy mang tâm của ông lại đây, tôi sẽ an tâm cho ", nhà sư nói "Nhưng khi tìm kiếm tâm, Tôi không thể tìm thấy nó." Bồ Đề Đạt Ma ngắt lời, “Đấy! Ta đã an tâm cho ngươi!”. Một nhà sư nói với Joshu: "Tôi vừa mới vào tu viện. Xin hãy chỉ dạy cho tôi. ”. Joshu hỏi: “Ngươi đã ăn cháo chưa ?". Nhà sư trả lời: “Tôi đã ăn rồi.” Joshu nói: "Vậy thì tốt hơn là ngươi nên rửa bát của mình.”

Những cuộc đối thoại này đưa ra một khía cạnh khác vốn là đặc điểm của Zen. Giác ngộ trong Zen không có nghĩa là rút lui khỏi thế giới mà ngược lại, có nghĩa là tham gia tích cực trong các công việc hàng ngày. Quan điểm này rất thu hút tâm lý người Trung Quốc, vốn gắn liền với tầm quan trọng của một cuộc sống thực dụng, vị lợi và ý tưởng về sự bền vững của gia đình, không thể chấp nhận tính cách xuất thế như ở tu viện của Phật giáo Ấn Độ. Các bậc thầy Trung Quốc luôn nhấn mạnh rằng Thiền, hay Zen, là kinh nghiệm hàng ngày của chúng ta, 'tâm hàng ngày' như Mã Tổ (Ma-tsu) tuyên bố.

Họ nhấn mạnh vào sự thức tỉnh giữa những công việc hàng ngày và nói rõ rằng, họ đã thấy cuộc sống hàng ngày không chỉ là con đường dẫn đến giác ngộ, mà còn chính là sự giác ngộ. Trong Zen, satori có nghĩa là trải nghiệm tức thì về Phật tính của vạn vật. Đầu tiên và quan trọng nhất trong số những thứ này là những vật thể, công việc và những con người liên quan đến cuộc sống hàng ngày, vì vậy mặc dù nó nhấn mạnh đến tính thực tiễn của cuộc sống, nhưng Zen vẫn mang tính huyền bí sâu sắc. Sống hoàn toàn trong hiện tại và tập trung hoàn toàn vào các công việc hàng ngày, một người đạt được trải nghiệm satori (giác ngộ) là đạt được điều kỳ diệu và bí ẩn của cuộc sống trong từng hành động:

"Điều này kỳ diệu làm sao, bí ẩn làm sao!
"Tôi gánh củi, tôi múc nước."

Vì vậy, sự hoàn hảo của Zen là sống với cuộc sống hàng ngày một cách tự nhiên và không gò bó. Khi Po-chang được yêu cầu định nghĩa về Zen, ông nói: “Khi đói ăn, khi mệt ngủ.” Mặc dù điều này nghe đơn giản và hiển nhiên - giống như rất nhiều trong Zen - nó thực sự là một nhiệm vụ khá khó khăn. Để lấy lại sự tự nhiên trong bản chất ban đầu của chúng ta, đòi hỏi sự rèn luyện lâu dài và tạo nên một thành tựu tinh thần thâm cao. Theo một câu nói nổi tiếng của Zen:

"Trước khi bạn học Zen, núi là núi và sông là sông; trong khi bạn học Zen, núi không còn là núi, sông không là còn sông nữa; nhưng một khi bạn đã giác ngộ, núi lại một lần nữa là núi và sông lại là sông."

Sự nhấn mạnh của Zen về tính tự nhiên và tính tự phát chắc chắn cho thấy nguồn gốc Đạo giáo của nó, nhưng nền tảng cho điều nhấn mạnh này hoàn toàn ở Phật giáo. Đó là niềm tin vào sự hoàn hảo ở bản chất ban đầu của chúng ta, với nhận thức rằng quá trình giác ngộ chỉ đơn thuần là trở thành những gì chúng ta đã có ngay từ đầu. Khi thiền sư Po-chang được hỏi về việc tìm kiếm Phật tính, ông trả lời, "Nhiều lắm thì giống như cưỡi con bò để tìm kiếm con bò. "

Ngày nay có hai trường phái chính của Zen ở Nhật Bản, khác nhau về phương pháp giảng dạy. Rinzai hoặc trường phái ‘đốn ngộ’ sử dụng phương pháp công án, như đã thảo luận trong chương trước, và tạo ra sự nổi bật với các cuộc hỏi đáp chính thức, có định kỳ với thiền sư, người Nhật gọi là tham thiền (sanzen), trong đó thiền sinh được yêu cầu trình bày quan điểm của anh ta về công án mà anh ta đang cố gắng giải quyết. Việc giải quyết một công án bao gồm một thời gian dài với sự tập trung căng thẳng, dẫn đến cái nhìn sâu sắc đột ngột về satori (giác ngộ). Một bậc thầy giàu kinh nghiệm biết khi nào thiền sinh tiến sát gần sự giác ngộ đột ngột, và có thể với những hành động bất ngờ, khiến thiền sinh bị sốc để họ đi vào trải nghiệm satori, chẳng hạn như đánh bằng gậy hoặc la hét lớn.

Trường phái Soto hay trường phái 'tiệm tu' tránh các phương pháp gây sốc của Rinzai và hướng tới sự trưởng thành dần dần của Thiền sinh, 'giống như làn gió xuân mơn trớn bông hoa giúp nó khai nở’. Soto ủng hộ việc ‘ngồi tĩnh lặng’ và làm những công việc bình thường của một người, như là hai hình thức thiền định. Cả hai trường phái Soto và Rinzai chú trọng nhiều nhất đến tọa thiền, hay thiền lúc ngồi, tức là thực hành trong các thiền viện nhiều giờ trong mỗi ngày. Tư thế đúng và thở đúng liên quan đến hình thức thiền này là điều đầu tiên mà mọi thiền sinh phải học. Trong Rinzai Zen, tọa thiền được sử dụng để chuẩn bị tâm thức trực quan cho việc giải đáp công án, và trường phái Soto coi đó là phương tiện quan trọng để giúp thiền sinh trưởng thành và phát triển theo hướng satori (ngộ). Hơn thế nữa, nó được coi là nhận thức thực tế về Phật tính của một người; cơ thể và tâm trí được hợp nhất thành một thể thống nhất hài hòa, không cần cải thiện thêm. Như một bài thơ Thiền nói :

"Ngồi yên lặng, không làm gì,
"Mùa xuân đến, cỏ cây tự mọc."

Vì Zen khẳng định rằng sự giác ngộ tự thể hiện trong các công việc hàng ngày, nó đã có một ảnh hưởng to lớn trên mọi khía cạnh của đời sống truyền thống Nhật Bản. Chúng không chỉ bao gồm nghệ thuật hội họa, thư pháp, thiết kế sân vườn, v.v., và các nghề thủ công khác nhau; mà còn có các hoạt động nghi lễ như uống trà hoặc cắm hoa và kể cả võ thuật như bắn cung, kiếm thuật và judo. Mỗi hoạt động này ở Nhật Bản được biết đến như là một cách sinh hoạt, tức là đạo hay 'cách' hướng tới sự giác ngộ. Tất cả chúng đều khám phá nhiều đặc điểm của trải nghiệm Zen, và có thể được sử dụng để rèn luyện tâm trí và đưa nó tiếp xúc với thực tế bên ngoài.

Tôi đã đề cập đến các hoạt động chậm rãi, mang tính nghi lễ của nghi thức pha trà (cha-no-yu) trong trà đạo Nhật Bản, chuyển động tự phát của bàn tay cần thiết cho thư pháp, hội họa, và tâm hồn của võ sĩ đạo (bushido), 'con đường của chiến binh'. Tất cả những nghệ thuật này biểu hiện nét đặc trưng tính tự phát, đơn giản và toàn diện trong tâm thức của đời sống Zen. Mặc dù tất cả chúng đều đòi hỏi sự hoàn hảo của kỹ thuật, nhưng sự thành thạo thực sự chỉ đạt được, khi kỹ thuật bị vượt qua, và nghệ thuật trở thành một "nghệ thuật phi nghệ thuật", phát triển từ tiềm thức.

Chúng ta may mắn có được một mô tả tuyệt vời về một ‘nghệ thuật phi nghệ thuật’ như vậy ở cuốn sách nhỏ nói về Zen của Eugen Herrigel, với nghệ thuật Bắn cung. Herrigel đã dành hơn năm năm với một vị thầy nổi tiếng người Nhật Bản để tìm hiểu nghệ thuật 'huyền bí' này, và ông ấy đã cung cấp cho chúng ta trong cuốn sách một ứng xử cá nhân về cách ông ấy trải nghiệm Zen thông qua bắn cung. Eugen Herrigel mô tả, cách bắn cung được trình bày với ông như một nghi lễ tôn giáo, qua đó 'nhảy' với các động tác tự phát, không nỗ lực và không có mục đích. Ông ấy đã mất nhiều năm luyện tập vất vả, điều này đã biến đổi toàn bộ con người ông ta, ông học cách kéo cung bằng ‘tâm hồn’, với một sức mạnh không cần nổ lực, và buông dây cung mà "không có chủ ý", bắn mũi tên "rời khỏi người bắn cung như một trái cây chín rụng khỏi cây'. Khi ông ấy đạt đến đỉnh cao của sự hoàn hảo, cung, tên, mục tiêu và cung thủ đều hòa vào một thứ khác và ông ta không bắn, nhưng ‘thứ đó’ đã làm điều ấy cho ông ta. Mô tả của Herrigel về bắn cung là một trong những mô tả thuần túy nhất về Zen, bởi vì nó không nói về Zen chút nào.


Trích từ ĐẠO CỦA VẬT LÝ.
Tác giả Frifjof Capra…..
Shambhala Boulder … 1975.

THS sưu tầm và lược dịch….21/09/2020.


Bài đăng phổ biến từ blog này

Trung Quốc đang đụng đầu với khủng hoảng ?

Nỗi sợ ngân hàng gây thêm đau đầu cho nền kinh tế Trung Quốc.

Xung đột vũ trang ở Biển Đông.