QUAN ĐIỂM HỆ THỐNG VỀ SỰ SỐNG...GIỚI THIỆU...PII

 

Newton và Descartes

QUAN ĐIỂM HỆ THỐNG VỀ SỰ SỐNG.
GIỚI THIỆU II :

Dao động qua lại giữa thuyết cơ học và thuyết toàn diện : từ thời cổ đại đến thời hiện đại.

Bây giờ chúng ta hãy theo dõi một cách tóm tắt những đong đưa của sự dao động hỗn loạn, giữa thuyết cơ học và thuyết toàn diện thông qua lịch sử sinh học. Đối với các nhà triết học Hy Lạp cổ đại, thế giới là một kosmos, một cấu trúc có trật tự và hài hòa. Từ đầu thế kỷ thứ sáu trước công nguyên, triết học và khoa học Hy Lạp đã nhận thức trật tự của vũ trụ là một tổ chức của sự sống (một sinh vật ) chứ không phải là một hệ thống cơ học (một cỗ máy). Đối với họ, điều này có nghĩa là tất cả các thành phần trong vũ trụ có một mục đích - vốn bẩm sinh - góp phần vào chức năng hài hòa của toàn thể, và các đối tượng đó di chuyển một cách tự nhiên đến những vị trí thích hợp của chúng trong vũ trụ. Sự giải thích như vậy về các hiện tượng tự nhiên nhắm vào mục tiêu hoặc mục đích của chúng, được gọi là 'thuyết cứu cánh' hay 'mục đích luận', bắt nguồn từ chữ telos trong tiếng Hy Lạp có nghĩa là "mục đích". Nó hầu như được thấm nhuần trong mọi triết học và khoa học Hy Lạp.

 

Quan điểm vũ trụ như một sinh vật cũng được người Hy Lạp ngụ ý rằng, các đặc tính chung của vũ trụ được phản ánh trong từng thành phần của nó. Sự tương đồng này giữa thế giới vĩ mô và thế giới vi mô, và đặc biệt là giữa Trái đất và cơ thể con người, được nói rõ một cách hùng hồn nhất bởi Plato trong tác phẩm Timaeus của ông ấy vào thế kỷ thứ tư trước Công nguyên, nhưng nó cũng có thể được tìm thấy trong các bài giảng của trường phái Pythagore và các trường phái khác trước đó. Theo thời gian, ý tưởng này được trở thành kiến thức chung, và điều này tiếp tục trong suốt thời Trung cổ và thời kỳ Phục hưng.

Trong triết học Hy Lạp sơ khai, nguồn gốc và cũng là cái cuối cùng thúc đẩy mọi sự sống được cảm nhận là phần linh hồn, và phép ẩn dụ chính yếu của nó là hơi thở của sự sống.

Thật vậy, nghĩa gốc của cả chữ 'psyche' trong tiếng Hy Lạp lẫn chữ 'anima' trong tiếng Latinh là “hơi thở”. Sự sống liên kết chặt chẽ với lực chuyển động của hơi thở, chết là khi hơi thở của sự sống rời khỏi cơ thể, đó là ý tưởng của sự hiểu biết. Đối với các triết gia Hy Lạp thời sơ khai, linh hồn vừa là nguồn gốc của sự chuyển động hơi thở vừa là sự sống, cái đó được nhận thức và được tin chắc. Vì sự tương tự cơ bản giữa thế giới vi mô và thế giới vĩ mô, linh hồn của một cá nhân được cho là một phần của sự sinh động vốn làm cho toàn bộ vũ trụ chuyển động, và do đó, sự hiểu biết của một cá nhân được xem là một phần trong quy trình hiểu biết của vũ trụ. Plato gọi nó là anima mundi, “thế giới Linh hồn."

Thành phần cấu tạo của vật chất cũng được quan tâm, Empedocles (thế kỷ thứ năm trước công nguyên) tuyên bố rằng thế giới vật chất được tạo thành từ các tổ hợp khác nhau của bốn yếu tố - đất, nước, không khí và lửa. Khi để mặc chúng, các yếu tố đó sẽ đọng lại thành các hình cầu đồng tâm với đất là trung tâm, được lần lượt bao quanh bởi các hình cầu bằng nước, không khí và lửa (hoặc ánh sáng). Xa hơn bên ngoài là các hình cầu của các hành tinh, và xa hơn thế nữa là hình cầu của các vì sao.

Nửa thế kỷ sau, một lý thuyết khác về vật chất thay thế thuyết của Empedocles, được đề xuất bởi Democritus, người đã dạy rằng tất cả các đối tượng vật chất được cấu tạo bởi các nguyên tử với nhiều hình dạng và kích thước, và mọi đặc tính có thể quan sát được, bắt nguồn từ các kết hợp cụ thể của các nguyên tử bên trong các đối tượng. Lý thuyết của ông trái ngược với thuyết cứu cánh truyền thống về vật chất, vì vậy nó đã bị đẩy vào hậu trường, nơi nó vẫn tồn tại trong suốt Thời Trung Cổ và thời Phục hưng. Nó chỉ xuất hiện trở lại vào thế kỷ XVII, với sự phát triển của vật lý Newton.

Trong những thế kỷ tiếp theo, lịch sử khoa học cho thấy nhà triết học Hy Lạp quan trọng nhất là Aristotle (thế kỷ IV trước Công nguyên). Ông là nhà triết học đầu tiên viết các luận án chuyên ngành, có hệ thống, về các ngành học chủ yếu nhất của thời đại ông. Aristotle đã tổng hợp và thiết lập toàn bộ kiến ​​thức khoa học của thời cổ đại trong một lược đồ mà vẫn là nền tảng của khoa học phương Tây trong 2.000 năm.

Các luận thuyết của Aristotle là nền tảng của tư tưởng triết học và khoa học trong Thời Trung Cổ và thời Phục hưng. Các triết gia Cơ đốc giáo thời trung cổ, không giống như các đối tác người Ả Rập, họ không sử dụng các đề tài của Aristotle làm cơ sở cho các nghiên cứu độc lập, nhưng thay vào đó, họ đánh giá chúng từ quan điểm của thần học Cơ đốc. Thật vậy, đa phần họ là những nhà thần học, và họ có thông lệ kết hợp triết học - bao gồm cả triết học, hay khoa học tự nhiên - với thần học, trở thành loại luận thuyết được gọi là triết học kinh viện (là phương pháp giảng học, nhấn mạnh về lý luận biện chứng để mở rộng kiến thức bằng cách suy luận và giải quyết xung đột tư tưởng. Nó cũng được biết đến với sự phân tích khái niệm nghiêm ngặt và việc rút ra các kết luận khác biệt một cách cẩn thận, THS) .

Nhân vật hàng đầu trong phong trào này đưa triết lý của Aristotle vào giáo lý Cơ đốc là Thomas Aquinas (1225–1274), một trong những bậc trí tuệ xuất chúng của thời Trung cổ. Aquinas dạy rằng không thể có xung đột giữa đức tin và lý trí, bởi vì hai cuốn sách mà họ dựa trên đó - Kinh thánh và "sách thiên nhiên" - đều được sáng tạo bởi Thượng Đế. Ông đã tạo nên một khối lượng rất lớn các tác phẩm triết học tỉ mỉ, chi tiết và có hệ thống, trong đó ông tích hợp các tác phẩm có tính bách khoa của Aristotle và thần học Cơ Đốc giáo thời trung cổ, thành một tổng thể liền mạch.

Mặt tối của sự kết hợp khoa học và thần học này là, bất kỳ ý tưởng nào gây mâu thuẫn giữa khoa học và thần học do các nhà khoa học tương lai nêu ra, đều nhất thiết phải bị coi là dị giáo. Vì điều này, Thomas Aquinas đã ẩn chứa trong các bài viết của ông về khả năng xảy ra xung đột giữa khoa học và tôn giáo - điều mà đã đạt đến cực điểm đầy kịch tính với phiên tòa xét xử Galileo, và tiếp tục cho đến ngày nay.

Giữa thời Trung cổ và kỷ nguyên hiện đại là thời kỳ Phục hưng, một thời kỳ kéo dài từ đầu thế kỉ XV đến cuối thế kỉ XVI. Đó là một thời kỳ của những khám phá mãnh liệt - khám phá những ý tưởng trí tuệ cổ xưa và những vùng địa lý mới của trái đất. Bầu không khí tri thức của thời kỳ Phục hưng được định hình một cách rõ ràng bởi trào lưu triết học và văn học của chủ nghĩa nhân văn, khiến nó quan tâm chủ yếu vào những khả năng của mỗi cá nhân trong nhân loại. Đây là một sự thay đổi cơ bản từ giáo điều thời trung cổ vốn hiểu biết bản chất con người theo quan điểm tôn giáo. Thời kỳ phục hưng đưa ra một cái nhìn thế tục hơn, với tập trung cao độ vào trí tuệ của con người.

Tinh thần mới của chủ nghĩa nhân văn tự thể hiện qua dấu nhấn mạnh mẽ vào những đề tài cổ điển. Trong thời Trung cổ, phần lớn triết học và khoa học Hy Lạp đã bị lãng quên ở Tây Âu, trong khi các đề tài cổ điển đã được dịch và kiểm tra bởi các học giả Ả Rập. Việc tái khám phá và dịch sang tiếng Latinh từ tiếng Hy Lạp và tiếng Ả Rập đã mở rộng đáng kể lĩnh vực trí tuệ của các nhà nhân văn châu Âu. Các học giả và nghệ sĩ đã được tiếp xúc với sự đa dạng tuyệt vời của các ý tưởng triết học Hy Lạp và La Mã, qua đó khuyến khích tư tưởng phê phán độc đáo, và chuẩn bị cơ sở cho sự xuất hiện dần dần một khuôn khổ nhận thức hợp lý, có tính khoa học.

Theo Capra (2007), tư tưởng khoa học hiện đại không xuất hiện cùng với Galileo, như thường được phát biểu bởi các nhà nghiên cứu lịch sử của khoa học, mà xuất hiện cùng với Leonardo da Vinci (1452–1519). Một trăm năm trước Galileo và Francis Bacon, Leonardo đã một mình phát triển cách tiếp cận thực nghiệm mới, liên quan đến việc quan sát có hệ thống về tự nhiên, lý luận và toán học - nói cách khác, là các đặc điểm chính của phương pháp khoa học. Nhưng khoa học của Leonardo da Vinci hoàn toàn khác với khoa học cơ học xuất hiện 200 năm sau. Nó là một loại khoa học mang hình thái phi nhân tạo đối với sự sống, mang tính chất lượng, và bàn về các quy trình biến đổi.

Cách tiếp cận kiến ​​thức khoa học của Leonardo là trực quan; đó là cách tiếp cận của họa sĩ. Ông nhiều lần khẳng định rằng hội họa liên quan đến việc nghiên cứu các hình thái của thiên nhiên, và ông nhấn mạnh mối liên hệ mật thiết giữa việc trình bày các hình thái đó trong nghệ thuật với sự hiểu biết thông thái về bản chất bên trong và các nguyên tắc cơ bản của chúng. Vì vậy Leonardo đã tạo ra một sự tổng hợp độc đáo giữa nghệ thuật và khoa học, không có nghệ sĩ nào trước và sau Leonardo sánh kịp được với ông.

Nhiều khía cạnh trong khoa học của Leonardo vẫn là của Aristotle, nhưng điều gì khiến nó nghe có vẻ hiện đại đối với chúng ta ngày nay, đó là các hình thái của Leonardo là các hình thái sống, liên tục được định hình và biến đổi bằng các quy trình cơ bản. Trong suốt cuộc đời của mình, ông đã nghiên cứu, vẽ tranh, vẽ những tảng đá và địa tầng của Trái đất được định hình bởi sự xói mòn; sự phát triển của thực vật, được định hình bởi sự trao đổi chất của chúng; và những bộ xương của cơ thể động vật trong tư thế đi.

Leonardo không theo đuổi khoa học và kỹ thuật để thống trị thiên nhiên, như Francis Bacon ủng hộ một thế kỷ sau đó, nhưng ông luôn cố gắng học hỏi từ khoa học càng nhiều càng tốt. Ông ấy kinh ngạc trước vẻ đẹp được nhìn thấy trong sự phức tạp của các hình dáng, mô hình và quy trình của thiên nhiên; và biết rằng sự khéo léo của thiên nhiên vượt trội hơn nhiều so với những thiết kế của con người. Theo đó, ông thường sử dụng các quy trình và cấu trúc của thiên nhiên làm mô hình cho các bản vẻ của mình. Thái độ xem thiên nhiên như một người mẫu và là người cố vấn, hiện nay được xem là tiên tiến trở lại, 500 năm sau Leonardo, trong các hoạt động thiết kế sinh thái (xem Phần 18.4).

Công trình khoa học của Leonardo hầu như không được biết đến trong suốt cuộc đời của ông, và các bản thảo vẫn bị che giấu trong hơn hai thế kỷ sau khi ông qua đời vào năm 1519. Do đó, những khám phá và ý tưởng tiên phong của ông không có ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của khoa học. Cuối cùng, mọi thứ đều được các nhà khoa học khác phát hiện lại, thường là hàng trăm năm sau.

Một thế kỷ sau nền khoa học về phẩm chất và hình thái sống của Leonardo, sự dao động đong đưa theo hướng khác - hướng tới số lượng và một quan niệm cơ học về thiên nhiên. Thế giới quan thời trung cổ ở thế kỷ XVI và XVII , dựa trên triết học và thần học Cơ đốc giáo của Aristote, đã thay đổi hoàn toàn. Khái niệm về một vũ trụ có tính phối hợp, sinh động và tâm linh bị thay thế bằng thế giới như một cỗ máy, và cỗ máy thế giới trở thành phép ẩn dụ thống trị trong kỷ nguyên hiện đại cho đến cuối thế kỷ 20, khi nó bắt đầu được thay thế bằng phép ẩn dụ về một mạng lưới.

Sự trỗi dậy của thế giới quan cơ học là do những thay đổi mang tính cách mạng trong vật lý và thiên văn học, đỉnh cao là thành tựu của Copernicus, Kepler, Galileo, Bacon, Descartes và Newton. Vì vai trò quan trọng của khoa học trong việc mang lại những thay đổi sâu rộng này, các nhà sử học gọi thế kỷ XVI và XVII là thời đại của Cách mạng Khoa học.

Galileo Galilei (1564–1642) mặc nhiên công nhận rằng, để có hiệu quả trong việc mô tả thiên nhiên một cách chính xác, các nhà khoa học nên tự hạn chế việc nghiên cứu các thuộc tính của các nhóm vật chất - hình dạng, số lượng và bộ phận chuyển động - những thứ có thể được đo lường và định lượng. Các thuộc tính khác, như màu sắc, âm thanh, mùi vị, chỉ là những dự đoán chủ quan của đầu óc, những thứ cần được loại trừ khỏi lĩnh vực khoa học.

Chiến lược của Galileo hướng sự chú ý của nhà khoa học đến các thuộc tính có thể định lượng được của vật chất đã tỏ ra cực kỳ thành công trong vật lý, nhưng nó cũng đem lại một sự mất mát to lớn. Suốt trong những thế kỷ sau Galileo, bên trong khuôn khổ thế giới quan cơ học của khoa học Descartes-Newton, sự tập trung vào số lượng được mở rộng từ việc nghiên cứu vật chất đến tìm hiểu tất cả các hiện tượng tự nhiên và xã hội. Bằng cách loại trừ màu sắc, âm thanh, mùi vị, xúc giác và khứu giác - chưa kể đến nhiều phẩm chất phức tạp hơn, chẳng hạn như sắc đẹp, sức khỏe hoặc sự nhạy cảm về đạo đức - sự nhấn mạnh vào việc xác định số lượng đã ngăn cản các nhà khoa học trong nhiều thế kỷ hiểu được nhiều tính chất thiết yếu của cuộc sống.

Trong khi Galileo nghĩ ra những thí nghiệm tài tình ở Ý, thì ở Anh, Francis Bacon (1561–1626) đặt ra một phương pháp thực nghiệm khoa học một cách rõ ràng, như Leonardo da Vinci đã làm ở một thế kỷ trước. Bacon xây dựng một lý thuyết rõ ràng về phương pháp quy nạp - thực hiện các thí nghiệm và rút ra những kết luận từ chúng, được kiểm tra bằng nhiều thí nghiệm hơn nửa - và ông trở thành người cực kỳ có ảnh hưởng bởi sự tán thành mãnh liệt phương pháp mới này.

Sự chuyển đổi từ thế giới quan có tính phối hợp trong tự nhiên sang thế giới quan cơ học được khởi xướng bởi một trong những nhân vật xuất chúng của thế kỷ XVII, Rene Descartes (1596–1650). Descartes, hoặc Cartesius (tên của ông được Latinh hóa ), thường được coi là người sáng lập triết học hiện đại, và ông cũng là một nhà toán học lỗi lạc đồng thời là một nhà khoa học có ảnh hưởng lớn. Quan điểm của Descartes về thiên nhiên dựa trên sự phân chia cơ bản giữa hai lĩnh vực độc lập và tách rời nhau - tâm trí và vật chất. Vũ trụ vật chất, bao gồm các sinh vật sống, là một cỗ máy đối với ông ấy, về nguyên tắc cỗ máy đó có thể hiểu được hoàn toàn bằng cách phân tích nó dưới dạng các bộ phận nhỏ nhất của nó.

Khuôn khổ khái niệm do Galileo và Descartes tạo ra - thế giới như là một cỗ máy hoàn hảo được điều chỉnh bởi các định luật toán học chính xác - được hoàn thành một cách hân hoan bởi Isaac Newton (1642–1727), người có xu hướng tổng hợp vĩ đại, cơ học Newton, là thành tựu đỉnh cao của khoa học thế kỷ XVII. Trong sinh học, thành công lớn nhất của Descartes là mô hình cơ học với ứng dụng của nó trong hiện tượng tuần hoàn máu được phát hiện bởi William Harvey, người cùng thời với Descartes. Các nhà sinh lý học thời đó cũng cố gắng mô tả các chức năng khác của cơ thể theo mặt cơ học, chẳng hạn như sự tiêu hóa, nhưng những nỗ lực này bị thất bại vì bản chất hóa học của quá trình tiêu hóa chưa được hiểu rõ.

Với sự phát triển của hóa học trong thế kỷ thứ mười tám, các mô hình cơ học đơn giản ở các cơ thể sống phần lớn bị bỏ rơi, nhưng bản chất của ý tưởng Descartes vẫn sống sót. Động vật vẫn được xem như là những máy móc, mặc dù chúng phức tạp hơn nhiều so với những chiếc đồng hồ cơ học, vì chúng liên quan đến các quá trình hóa học phức tạp. Theo đó, Cơ chế Descartes được thể hiện với giáo điều rằng, các quy luật sinh học cuối cùng có thể bị đánh giá thấp như các quy luật của vật lý và hóa học.

( Còn tiếp )


Trích từ cuốn sách "Quan sát những hệ thống của cuộc sống" hay "Quan điểm hệ thống về sự sống" của hai tác giả Fritjof Capra và Pier Luigi Luisi, 2014.
Thông tin về tác phẩm : www.cambridge.org/9781107011366

THS sưu tầm và lược dịch….01/10/2020.


 

Bài đăng phổ biến từ blog này

Trung Quốc đang đụng đầu với khủng hoảng ?

Nỗi sợ ngân hàng gây thêm đau đầu cho nền kinh tế Trung Quốc.

Xung đột vũ trang ở Biển Đông.