QUAN SÁT HỆ THỐNG CỦA CUỘC SỐNG. P II...a

 

Hình Internet

GIỚI THIỆU I :

MÔ HÌNH (MỐI LIÊN HỆ) TRONG KHOA HỌC VÀ XÃ HỘI.

Những câu hỏi về nguồn gốc, bản chất và ý nghĩa của cuộc sống cũng lâu đời như chính loài người. Thật vậy, chúng nằm ở gốc rễ của triết học và tôn giáo. Trường phái triết học Hy Lạp sớm nhất, được gọi là trường phái Milesian, không phân biệt giữa hữu tình và vô tri, cũng không phân biệt giữa tinh thần và vật chất. Sau đó, người Hy Lạp gọi những nhà triết học ban đầu đó là “những nhà hylozoists”, hoặc là "những người nghĩ rằng vật chất có sự sống."

 

Các nhà triết học Trung Quốc cổ đại tin rằng thực tại cuối cùng - là nền tảng và thống nhất cho nhiều hiện tượng mà chúng ta quan sát - về bản chất là năng động. Họ gọi nó là Đạo - con đường, hoặc quy trình, của vũ trụ. Đối với các nhà hiền triết của Đạo giáo, tất cả mọi thứ, cho dù hữu tình hay vô tri vô giác, đều được nhúng vào dòng chảy và thay đổi liên tục của Đạo. Niềm tin rằng mọi thứ trong vũ trụ đều được thấm nhuần sự sống, cũng là nét đặc trưng của các truyền thống tâm linh ở phương Đông qua các thời đại. Ngược lại, trong các tôn giáo độc thần, nguồn gốc của sự sống được gắn liền với một đấng sáng tạo thiêng liêng.

Trong cuốn sách này, chúng ta sẽ tiếp cận với những câu hỏi lâu đời về nguồn gốc và bản chất của sự sống, từ quan điểm của khoa học hiện đại. Chúng ta sẽ thấy rằng, ngay cả trong bối cảnh hẹp hơn nhiều, với sự phân biệt giữa vật chất có sự sống và vật chất không có sự sống, thì sự phân biệt đó thường là mơ hồ và phần nào tùy tiện. Tuy nhiên, khoa học hiện đại đã chỉ ra rằng, phần lớn các vật thể có sự sống thể hiện những đặc điểm cơ bản của nó vốn khác hẳn với những đặc điểm của vật chất không có sự sống.

Để đánh giá đầy đủ cả những thành tựu lẫn những hạn chế của quan niệm khoa học mới về sự sống - chủ đề của cuốn sách này - sẽ là hữu ích khi trước tiên hãy làm rõ bản chất và những hạn chế của chính khoa học. Từ “khoa học” đương thời có nguồn gốc là 'scientia' từ tiếng La Tinh, có nghĩa là "hiểu biết", một ý nghĩa được lưu giữ trong suốt thời Trung cổ, thời kỳ Phục hưng, và kỷ nguyên của Cách mạng Khoa học. Trong những kỷ nguyên trước đó, cái mà ngày nay chúng ta gọi là "khoa học", được gọi là "triết học về tự nhiên". Ví dụ: tác phẩm Principia nổi tiếng của Isaac Newton, xuất bản năm 1687, đã trở thành nền tảng của khoa học trong những thế kỷ tiếp theo, có tiêu đề đầy đủ là “Nguyên lý Toán học của Triết học Tự nhiên ” (Philosophiae naturalis precisionia mathematica) .

Hiện nay, ý nghĩa của khoa học là một khối kiến ​​thức có tổ chức, được lĩnh hội thông qua một phương pháp cụ thể, được gọi là phương pháp đòi hỏi kỷ thuật cao, hay phương pháp có tính khoa học. Sự hiểu biết hiện đại này phát triển dần dần trong suốt thế kỷ mười tám và thế kỷ mười chín. Các đặc điểm của phương pháp có tính khoa học chỉ được công nhận đầy đủ trong thế kỷ XX, và vẫn thường xuyên bị hiểu lầm, đặc biệt bởi những người không phải là nhà khoa học.

Phương pháp có tính khoa học.

Phương pháp có tính khoa học miêu tả một phương thức cụ thể để đạt được sự hiểu biết về thiên nhiên, và các hiện tượng xã hội, những thứ đang xảy ra trong nhiều giai đoạn mà có thể tóm lược được.

Trước tiên, nó liên quan đến việc quan sát có hệ thống các hiện tượng đang được nghiên cứu, và ghi lại những quan sát này làm bằng chứng, hoặc ghi lại các dữ liệu một cách khoa học. Trong một số ngành khoa học, chẳng hạn như vật lý, hóa học và sinh học, sự quan sát có hệ thống bao gồm các thí nghiệm được kiểm soát; trong những ngành khác, chẳng hạn như thiên văn học hoặc cổ sinh vật học, điều này là không thể.

Tiếp theo, các nhà khoa học cố gắng kết nối các dữ liệu với nhau một cách chặt chẽ, giải bỏ những mâu thuẫn nội tại. Một miêu tả kết quả được gọi là một mô hình có tính khoa học, khi nào chúng ta có thể cố gắng xây dựng mô hình đó bằng ngôn ngữ toán học, vì tính chính xác và tính nhất quán vốn sẳn có trong toán học. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, đặc biệt là trong khoa học xã hội, những nỗ lực như vậy thường có vấn đề, vì chúng có xu hướng hạn chế những mô hình có tính khoa học trong một phạm vi hẹp, đến mức làm mất đi nhiều tính hữu dụng của chúng. Vì vậy, trong vài thập kỷ qua, chúng ta nhận ra rằng, có những mô hình vốn chẳng có công thức toán học nào, cũng không có những kết quả định lượng nào ( kết quả được so sánh với các mô hình chuẩn, THS), vốn là những thành phần thiết yếu của phương pháp có tính khoa học.

Cuối cùng, mô hình lý thuyết được kiểm tra bằng nhiều quan sát hơn nửa và nếu có thể, bổ sung thêm các thí nghiệm. Nếu mô hình được tìm thấy là phù hợp với mọi kết quả của các thử nghiệm này, và đặc biệt nếu nó có khả năng dự đoán kết quả của các thí nghiệm mới, rốt cuộc nó trở thành một lý thuyết khoa học được chấp nhận. Quá trình đưa ra các ý tưởng và các mô hình khoa học để lặp lại các thử nghiệm, là một công trình tập thể của cộng đồng các nhà khoa học, và việc chấp nhận mô hình như là một lý thuyết được thực hiện bằng sự đồng thuận ngầm hoặc rõ ràng trong cộng đồng đó.

Trong thực tế, các giai đoạn này không được tách biệt một cách gọn gàng và không phải lúc nào cũng xảy ra theo cùng một trật tự. Ví dụ, một nhà khoa học có thể hình thành một khái niệm mang tính tổng quát và sơ bộ, hoặc hình thành một giả thuyết, dựa trên trực giác hay dữ liệu thực nghiệm ban đầu. Khi các quan sát tiếp theo mâu thuẫn với giả thuyết, người đó có thể cố gắng sửa đổi giả thuyết mà không từ bỏ nó hoàn toàn. Nhưng nếu bằng chứng thực nghiệm tiếp tục mâu thuẫn với giả thuyết hay mô hình khoa học đó, thì nhà khoa học buộc phải loại bỏ nó để chuyển sang một giả thuyết hoặc mô hình mới, sau đó phải tuân chịu thêm nhiều thử nghiệm nửa. Ngay cả một lý thuyết đã được chấp nhận, cuối cùng, cũng có thể bị loại bỏ khi các bằng chứng chỉ rỏ sự mâu thuẫn của lý thuyết được đưa ra ánh sáng. Mọi mô hình và lý thuyết có cơ sở từ phương pháp vững chắc dựa trên bằng chứng thực nghiệm này, là bản chất của phương pháp tiếp cận khoa học.

Điều quan trọng đối với sự hiểu biết đương đại về khoa học là nhận thức rằng, tất cả các mô hình và lý thuyết mang tính khoa học đều có giới hạn và luôn có tính gần đúng (như chúng ta sẽ thảo luận đầy đủ hơn trong Chương 4). Khoa học của thế kỷ 20 đã nhiều lần chứng minh rằng, tất cả các hiện tượng tự nhiên cuối cùng đều liên kết với nhau, và rằng các thuộc tính thiết yếu của chúng, trên thực tế, bắt nguồn từ các mối quan hệ của chúng với những thứ khác. Do đó, để giải thích bất kỳ một hiện tượng nào trong số chúng một cách đầy đủ, chúng ta sẽ phải hiểu tất cả những hiện tượng khác, và điều đó rõ ràng là không thể.

Điều làm cho công trình khoa học trở nên khả thi là nhận ra rằng, mặc dù khoa học không bao giờ có thể đưa ra những giải thích đầy đủ và dứt khoát, nhưng sự hiểu biết mang tính khoa học có giới hạn và gần đúng là điều có thể. Điều này nghe có vẻ khó chịu, nhưng đối với nhiều nhà khoa học, thực tế là chúng ta có thể xây dựng các mô hình và lý thuyết gần đúng để mô tả một mạng lưới vô tận kết nối các hiện tượng, và theo thời gian, chúng ta có thể cải thiện một cách có hệ thống các mô hình hoặc những ước tính gần đúng của mình , đó là nguồn tin cậy và độ bền của một công trình khoa học. Như nhà hóa sinh vĩ đại Louis Pasteur (trích dẫn bởi Capra, 1982) đã nói:

"Khoa học tiến bộ nhờ vào các câu trả lời không dứt khoát ​​cho một loạt các câu hỏi ngày càng tinh vi hơn, qua đó, ngày càng vươn sâu hơn vào bản chất của các hiện tượng tự nhiên."

Mô hình khoa học và xã hội.

Trong nửa đầu thế kỷ XX, các nhà khoa học ở hai bộ môn triết và sử học thường tin rằng, tiến bộ trong khoa học là một quá trình suôn sẻ, trong đó các mô hình và các lý thuyết khoa học liên tục được tinh chỉnh và thay thế bằng các phiên bản mới và chính xác hơn, khi các giá trị gần đúng của chúng được cải thiện trong các bước liên tiếp. Quan điểm về sự tiến bộ liên tục này đã bị thách thức triệt để bởi nhà khoa học vật lý và triết học, Thomas Kuhn, trong cuốn sách có ảnh hưởng của ông, "Cơ cấu của các cuộc cách mạng khoa học." (1962).

Kuhn lập luận rằng, trong khi tiến bộ liên tục thực sự là đặc điểm trong giai đoạn lâu dài của "khoa học thông thường", các giai đoạn này bị gián đoạn bởi những giai đoạn "cách mạng khoa học", trong đó không chỉ là lý thuyết khoa học mà còn là toàn bộ khuôn khổ khái niệm, tất cả chúng bị dính chặt vào sự gián đoạn và trải qua những thay đổi triệt để. Để mô tả khuôn khổ cơ bản này, Kuhn đưa ra khái niệm về một “mối liên kết” khoa học, mà ông định nghĩa như là một chòm sao thành tựu - khái niệm, giá trị, kỹ thuật, v.v. - được chia sẻ bởi cộng đồng khoa học và được cộng đồng đó sử dụng để xác định các vấn đề và nêu ra các giải pháp hợp lý. Những thay đổi của các mối liên hệ, theo Kuhn, xảy ra trong những lần gián đoạn không liên tục, mang tính cách mạng, được gọi là “sự chuyển đổi mô hình”.

Tác phẫm của Kuhn đã có tác động to lớn đến triết lý khoa học, cũng như các ngành khoa học xã hội. Có lẽ khía cạnh quan trọng nhất trong định nghĩa của Kuhn về một mô hình khoa học là thực tế rằng, nó không chỉ bao gồm các khái niệm và kỹ thuật, mà còn bao gồm cả các giá trị. Theo Kuhn, các giá trị không phải là vấn đề ngoại vi đối với khoa học, cũng không phải là ứng dụng của nó đối với công nghệ, mà là sự tạo thành nền tảng và động lực của khoa học.

Trong cuộc Cách mạng Khoa học vào thế kỷ XVII, các giá trị bị tách ra khỏi sự kiện (như chúng ta thảo luận trong Chương 1), và kể từ thời điểm đó, các nhà khoa học có xu hướng tin rằng, các sự kiện khoa học độc lập với những gì chúng ta tiến hành và do đó độc lập với các giá trị của chúng ta. Kuhn đã vạch trần sự sai lầm của niềm tin đó, bằng cách chỉ ra rằng các sự kiện khoa học xuất hiện từ toàn bộ chùm nhận thức, giá trị và hành động của con người - từ một mối liên kết - từ cái mà chúng không thể bị tách rời. Mặc dù nhiều nghiên cứu chi tiết của chúng ta có thể không phụ thuộc rõ ràng vào hệ thống giá trị, nhưng mối liên hệ lớn hơn mà nghiên cứu này theo đuổi, sẽ không bao giờ không có giá trị. Vì vậy, với tư cách là nhà khoa học, chúng tôi phải chịu trách nhiệm đối với nghiên cứu của mình, không chỉ về mặt trí tuệ mà còn về mặt đạo đức.

Trong những thập kỷ qua, các khái niệm "mô hình" và "chuyển đổi mô hình" đã được sử dụng ngày càng tăng trong khoa học xã hội, khi các nhà khoa học xã hội nhận ra rằng nhiều đặc điểm trong chuyển đổi mô hình cũng có thể được quan sát trong phạm trù xã hội rộng lớn hơn. Để phân tích những những biến đổi xã hội và văn hóa đó một cách rõ ràng hơn, Capra (1996, trang 6) đã khái quát định nghĩa của Kuhn về một mô hình khoa học so với mô hình xã hội, định nghĩa nó là "một chòm sao các khái niệm, các giá trị, các nhận thức và những thực hành được chia sẻ bởi một cộng đồng, tạo nên một tầm nhìn cụ thể về thực tại, đó là cơ sở cho những phương pháp mà cộng đồng đó tự tổ chức. "

Sự xuất hiện quan niệm mới có tính khoa học về sự sống, mà chúng tôi đã tóm tắt trong Lời nói đầu, có thể được xem như là một phần của sự chuyển đổi mô hình rộng lớn hơn, từ thế giới quan cơ học sang thế giới quan 'toàn diện' ( còn được gọi là chính thể luận ) và 'sinh thái' (tầm nhìn quan tâm đến mối liên hệ và môi trường sống của các sinh vật ). Ở cốt lõi của nó, chúng tôi nhận thấy một sự thay đổi của các phép ẩn dụ mà hiện đang trở nên rõ ràng hơn, như đã thảo luận bởi Capra (2002) - một sự thay đổi từ việc coi thế giới như một cỗ máy sang hiểu biết nó như một mạng lưới kết nối.

Trong thế kỷ 20, sự thay đổi từ mô hình cơ học sang mô hình sinh thái được tiến hành dưới nhiều hình thức khác nhau và tốc độ khác nhau, trong các lĩnh vực khoa học khác nhau. Nó không phải là một sự thay đổi ổn định, nhưng có liên quan đến các cuộc cách mạng khoa học, những phản ứng dữ dội và những dao động nhịp nhàng. Một dao động hỗn loạn theo nghĩa của lý thuyết hỗn loạn (được thảo luận trong Chương 6) - các dao động gần như tự lặp lại nhưng không hoàn toàn, dường như ngẫu nhiên và chưa hình thành một mô hình phức tạp, có tổ chức cao - có lẽ sẽ là phép ẩn dụ đương đại thích hợp nhất.

Áp lực cơ bản là điều căng thẳng giữa các phần và tổng thể. Sự nhấn mạnh vào các phần được gọi là cơ học, lược giản, hoặc nguyên tử; sự nhấn mạnh vào toàn diện, tổng thể được gọi là sinh vật, hoặc sinh thái. Trong khoa học của thế kỷ XX, quan điểm toàn diện trở thành được gọi là "có tính hệ thống" và lối tư duy đó được ngụ ý là "tư duy hệ thống", như chúng ta đã đề cập.

Trong sinh học, căng thẳng giữa quan điểm cơ học và quan điểm toàn diện đã là một chủ đề lặp đi lặp lại trong suốt lịch sử của nó. Vào buổi bình minh của triết học và khoa học phương Tây, những người theo thuyết Pythagore phân biệt 'con số' hoặc 'mẫu', với chất hoặc vật chất, xem nó như một thứ gì đó giới hạn vật chất, và tạo nên hình dạng của vật thể. Lập luận là: bạn hỏi nó được làm bằng gì - đất, lửa, nước, v.v. - hay bạn hỏi hình dạng của nó là gì?

Kể từ triết học Hy Lạp sơ khai, đã có sự căng thẳng này giữa chất và hình dạng. Aristotle, nhà sinh vật học đầu tiên theo truyền thống phương Tây, đã phân biệt giữa bốn nguyên lý như là những nguồn phụ thuộc lẫn nhau của mọi hiện tượng : nguyên lý vật chất, nguyên lý hình dạng, nguyên lý hiệu quả và nguyên lý cuối cùng. Hai nguyên lý đầu đề cập đến hai quan điểm về vật chất và khuôn mẫu, noi theo Aristotle, chúng ta sẽ gọi là quan điểm về vật chất và quan điểm về hình dạng.

Nghiên cứu về vật chất bắt đầu với câu hỏi, "Nó được làm bằng gì?" Điều này dẫn đến khái niệm về các yếu tố nền tảng, các khối xây dựng; để đo lường và định lượng. Nghiên cứu về hình dạng hỏi, "Khuôn mẫu của nó là gì?" Và điều đó dẫn đến các khái niệm về trật tự, tổ chức, và các mối quan hệ. Thay vì định lượng, nó lại liên quan đến chất lượng; thay vì đo lường, nó lại liên quan đến việc lập bản đồ.

Đây là hai dòng nghiên cứu rất khác nhau, cạnh tranh với nhau trong suốt truyền thống khoa học và triết học của chúng ta. Trong hầu hết thời gian, nghiên cứu về vật chất - về số lượng và thành phần - đã chiếm ưu thế. Nhưng thỉnh thoảng nghiên cứu về hình dạng - về các khuôn mẫu và các mối quan hệ - được đặt lên hàng đầu.

( Còn tiếp )


Trích từ cuốn sách "Quan sát những hệ thống của cuộc sống" của hai tác giả Fritjof Capra và Pier Luigi Luisi, 2014.
Thông tin về tác phẩm : www.cambridge.org/9781107011366

THS sưu tầm và lược dịch….29/09/2020.


 

Bài đăng phổ biến từ blog này

Trung Quốc đang đụng đầu với khủng hoảng ?

Nỗi sợ ngân hàng gây thêm đau đầu cho nền kinh tế Trung Quốc.

Xung đột vũ trang ở Biển Đông.