NHÌN LẠI TÊN VIỆT TRONG LỊCH SỬ NƯỚC TA TRƯỚC BẮC THUỘC LẦN THỨ NHẤT.

 

Trống đồng Đông Sơn.

Quê tôi vừa trải qua trận lụt lớn, lần đầu tiên trong đời tôi chứng kiến một cái lụt nước ngâm lâu ngày như thế. Nhà dẫu chưa bị nước lụt tràn vào nhưng cũng mấp mé bậc tam cấp, điện đóm thì mất biệt; suốt ngày ngồi thu lu theo dõi nước lên nước xuống, hết ngày này sang ngày khác. Hình ảnh đó làm tôi nghĩ đến câu chuyện Mỵ nương với trận đấu giữa Sơn tinh và Thủy tinh trong truyền thuyết lịch sử Việt Nam thời Hùng vương. Lan man, tôi nhớ đến một email của một NT đặt vấn đề về tính hư thật của kỷ Hồng Bàng trong lịch sử Việt ? rồi lại nghĩ đến nghi vấn cái tên Việt của chúng ta thực hư như thế nào ?

Dọn dẹp nhà cửa sân vườn sau lụt xong, tôi quyết tâm bắt tay tìm hiểu để tự giải đáp hai nghi vấn nêu trên. Tôi là một "học thật" (mày mò học hỏi qua thông tin trên mạng ) chứ không phải là "học giả". Do đó, tôi chỉ dựa vào ba tài liệu chính thức là : Việt Nam sử lược của Trần Trọng Kim, Đại Việt sử ký toàn thư của Ngô Sĩ Liên và Sử Ký Tư Mã Thiên của Trung Hoa để đối chiếu nhằm giải đáp thắc mắc. Lý do giới hạn nguồn tham khảo vì tôi vừa không thích tra cứu nhiều nguồn thông tin khó kiểm chứng dể dẫn đến nhiễu loạn, vừa không có điều kiện để tìm tòi nhiều nguồn thông tin.

1 ) Sử ta có bị xen sử Tàu ?

Tôi mạnh dạn đặt vấn đề nhìn lại tên VIỆT trong lịch sử nước ta trước thời bắc thuộc lần thứ nhất, và dùng Sử Ký Tư Mã Thiên của Trung Hoa để đối chiếu bởi, như học giả Trần Trọng Kim đã viết trong lời Tựa của Việt Nam sử lược : "Sử của mình đã không hay, mà người mình lại không mấy người biết sử. Là vì cái cách học tập của mình làm cho người mình không có thể biết được sử nước mình. Bất kỳ lớn nhỏ, hễ ai cắp quyển sách đi học thì chỉ học sử Tàu, chứ không học sử nước nhà"…."Thời đại Bắc Thuộc dai dẳng đến hơn một nghìn năm, mà trong thời đại ấy dân tình thế tục ở nước mình thế nào, thì bấy giờ ta không rõ lắm, nhưng có một điều ta nên biết là từ đó trở đi, người mình nhiễm cái văn minh của Tàu một cách rất sâu xa, dẫu về sau có giải thoát được cái vòng phụ thuộc nước Tàu chăng nữa, người mình vẫn phải chịu cái ảnh hưởng của Tàu. Cái ảnh hưởng ấy lâu ngày đã trở thành ra cái quốc túy của mình, dẫu ngày nay có muốn trừ bỏ đi, cũng chưa dễ một mai mà tẩy gội cho sạch được".

Vì thế, khi đọc Đại Việt sử ký toàn thư, tôi không khỏi băn khoăn về một vài tư liệu ở sử Việt mà lại na ná như chuyện của Tàu, cho nên đối chiếu với sử Tàu là việc cần thiết, bởi biết đâu các vị tiền nhân của chúng ta lại không khỏi mang sử Tàu xen vào sử Việt, do hậu quả của một ngàn năm bắc thuộc như Cụ Trần Trọng Kim cảnh báo.

Biết rằng bộ sử Việt đầu tiên của nước ta là Đại Việt sử ký do Lê Văn Hưu biên soạn dưới đời vua Trần Thánh Tông vào tháng 1 năm 1272. Nhưng dưới thời thuộc Minh, nhiều cuốn sách có giá trị của nước ta đã bị nhà Minh tịch thu mang về Trung Quốc, trong đó có Đại Việt sử ký nên tác phẩm này về sau bị thất truyền. Tuy nhiên, nội dung của Đại Việt sử ký cùng các lời bình luận của Lê Văn Hưu về các sự kiện lịch sử đã được nhà sử học Phan Phu Tiên ghi lại, và dùng làm tư liệu biên soạn bộ chính sử đầu tiên của nhà Lê dưới triều vua Lê Nhân Tông vào năm 1455. Sau đó, nhà sử học Ngô Sĩ Liên dựa trên các tác phẩm của Lê Văn Hưu và Phan Phu Tiên để biên soạn bộ Đại Việt sử ký toàn thư bao gồm 15 quyển được hoàn thành năm 1479. Lý do tôi chọn Đại Việt sử ký toàn thư làm nền tảng tham khảo cho thời kỳ trước bắc thuộc lần thứ nhất vì sau khi bộ sách này ra đời cho đến nay, nước ta không còn bị trải qua kiếp nạn nào tương tự như thời thuộc Minh ( 1407 - 1427 ). Bên cạnh đó, tôi chọn thêm Việt Nam sử lược của Trần Trọng Kim vì tác phẩm này giản lược từ các sách sử có trước, được trình bày theo lối cận đại, rất dể tiếp thu các dữ liệu lịch sữ.

Trong các sách sử của Tàu, Sử Ký Tư Mã Thiên là cuốn sách được rất nhiều học giả từ Á sang Âu ca tụng và trích dẫn như một nguồn tài liệu đáng tin cậy, và đặc biệt, nó đã được dịch sang tiếng Việt trong khi tôi không biết chữ Tàu.

Mở đầu sách Đại Việt sử ký toàn thư, học giả Ngô Sĩ Liên chép : "Thời Hoàng Đế dựng muôn nước, lấy địa giới Giao Chỉ về phía Tây Nam, xa ngoài đất Bách Việt. Vua Nghiêu sai Hy thị đến ở Nam Giao để định đất Giao Chỉ ở phương Nam. Vua Vũ chia chín châu thì Bách Việt thuộc phần đất châu Dương, Giao Chỉ thuộc về đấy.Từ đời Thành Vương nhà Chu [1063-1026 TCN] mới gọi là Việt Thường thị, tên Việt bắt đầu có từ đấy". Kế tiếp, sách viết về "Kỷ Hồng Bàng Thị" với việc nêu ra lai lịch từ thời Kinh Dương vương đến Lạc Long quân và sau đó là thời Hùng vương.

Trong thời Hùng vương, bên dưới đời vua Hùng thứ sáu với câu chuyện về sau gọi là "Thánh Gióng", sách lập lại dữ kiện "Thời Thành Vương nhà Chu [1063-1026 TCN], nước Việt ta lần đầu sang thăm nhà Chu (không rõ vào đời Hùng Vương thứ mấy), xưng là Việt Thường thị, hiến chim trĩ trắng. Chu Công nói: 'Chính lệnh không ban đến thì người quân tử không coi người ta là bề tôi của mình', rồi sai làm xe chỉ nam đưa sứ giả về nước".

Chúng ta đã có vấn đề rồi đó. Sử Việt chép rỏ niên đại thời nhà Chu bên Tàu lúc sứ giả sang thăm, nhưng lại không biết sứ của Văn Lang đi vào đời Hùng vương thứ mấy !? Thời Hoàng Đế là thời nào mà có trước cả vua Nghiêu ? Vua Nghiêu là ai ? Vua Vũ là vua xứ nào ? Sử Việt mặc định các danh xưng này vốn có sẳn từ trước mà không giải thích lai lịch nó ra làm sao. Tuy nhiên, là người Việt, ít nhất ai cũng hơn một lần nghe qua danh xưng "vua Nghiêu vua Thuấn", và biết rằng Nghiêu là ông vua ở bên Tàu. Rõ ràng, đây là một minh chứng cho việc tiền nhân của chúng ta đã lấy tư liệu từ sách Tàu xen vào lịch sử Việt. Vậy thì chúng ta buộc phải lướt qua sử Tàu để tìm hiểu.

2 ) Những trùng lặp giữa sử Việt và sử Tàu :

_ Sách Sử Ký Tư Mã Thiên viết : "Năm thứ 26 ( 221 trước công nguyên), Tần lần đầu tiên thôn tính được thiên hạ, ra lệnh cho thừa tướng và ngự sử như sau…. Các ngươi hãy bàn
nên đặt hiệu đế như thế nào…..Thừa tướng là Vương Quán, ngự sử đại phu Phùng Kiếp, đình úy Lý Tư đều tâu: … Bọn thần sau khi bàn bạc kỹ lưỡng với các bậc sĩ thấy rằng: ngày xưa có Thiên Hoàng, Địa Hoàng, Thái Hoàng, nhưng Thái Hoàng là cao quý nhất. Bọn thần liều chết xin dâng tôn hiệu của nhà vua là Thái Hoàng….Nhà vua nói: Ta bỏ chữ “thái”, lấy chữ “ hoàng”, thêm chữ “đế” của những vị đế thời thượng cổ, hiệu gọi là Hoàng Đế"….

Như vậy, danh xưng đầy đủ của vị Hoàng đế đầu tiên trong lịch sử Trung Hoa là Tần Thủy Hoàng Đế, người đời sau gọi ngắn gọn là Tần Thủy Hoàng. Chữ Hoàng trong Tam Hoàng, chữ Đế trong Ngũ Đế. Thì ra Hoàng Đế mà sử Việt nhắc đến đầu tiên chính là Tam Hoàng Ngũ Đế trong sử Tàu, đây là thời kỳ khởi thủy của Tàu vốn được xem như mông muội vì chỉ có truyền thuyết, ngoài những câu chuyện hoang đường chẳng có gì chứng minh cho sự có thật của Tam Hoàng Ngũ Đế. Vua Nghiêu như đã nói, ai cũng biết đó là ông vua bên Tàu. Thế còn vua Vũ mà sử Việt nói đến là ai ? Sử Việt làm ngơ không nói rỏ lai lịch, chúng ta lại buộc phải lướt qua sử Tàu, xem có ông vua Vũ nào hay không ?


Nước Việt cổ của Việt vương Câu Tiển

_ Sách Sử Ký Tư Mã Thiên viết : "Tổ tiên của Việt Vương Câu Tiễn là dòng dõi vua Vũ, con thứ hai của vua Thiếu Khang đời nhà Hạ, được phong ở đất Cối Kê (phía nam sông Trường giang, thuộc tỉnh Chiết giang của Trung quốc ngày nay) để lo việc phụng thờ vua Vũ, xăm mình, cắt tóc, phát cỏ mà lập ấp. Truyền được hai mươi đời đến Doãn Thường… Doãn Thường chết, con là Câu Tiễn được lập làm Việt Vương. …Sau khi Câu Tiễn đã bình định được nước Ngô, bèn đem quân về hướng bắc, vượt sông Hoài (ở phía bắc sông Dương tử ngày nay ở Trung quốc ) cùng các nước chư hầu là Tề, Tấn họp ở Từ Châu, nộp cống cho nhà Chu… Bấy giờ quân của Việt làm bá chủ ở phía đông sông Trường Giang, sông Hoài. Chư hầu đến đều mừng gọi Câu Tiễn là bá vương. (Lãnh thổ nước Việt của Câu Tiễn lúc bấy giờ bao gồm các tỉnh Chiết giang, Giang Tô, An Huy và Sơn Đông của Trung quốc ngày nay)….Thái Sử Công (Cha của Tư Mã Thiên, là Tư Mã Đàm, làm chức Thái Sử) nói, “Công lao của vua Vũ thực là to lớn! Dẫn nước cho chín con sông, làm chín châu có thể ở được, đến nay tất cả mọi người đều sống yên ổn".

Nước Việt của Việt vương Câu Tiển thời xưng bá (lãnh thổ màu chàm xanh)

Chúng ta thấy rỏ có một sự tương đồng trong sử Việt và sử Tàu về ông vua Vũ. Một sự tương đồng hết sức quan trọng khác nữa là tục xăm mình, cắt tóc của người Việt ở Cối Kê bên Tàu giống y như tục xăm mình, cắt tóc của người Việt ở Giao Chỉ. Trong khi đó Cối Kê của Việt vương Câu Tiễn ứng với vùng Chiết giang của Tàu ngày nay, Giao Chỉ như sử Việt chép là vùng bắc Việt Nam ngày nay; hai xứ sở cách nhau ba tỉnh Quãng Tây, Quãng Đông, và Phúc Kiến hiện nay của Tàu….Nhưng cả hai đều dùng danh xưng là Việt (!)

Không riêng người Giao Chỉ và người ở Cối Kê có cùng tên Việt mà cả cư dân ở Phúc Kiến của Trung quốc hiện nay cũng được gọi là Việt (Mân Việt), cư dân ở Quãng Đông, Quãng Tây cũng được gọi là Việt ( Dương Việt ). Giao Chỉ được cho ở trong Bách Việt; như Tư Mã Thiên đề cập sau đây :

_ "Sau khi Hán Cao Đế bình định được thiên hạ, năm thứ 11 (năm 196 trước Công nguyên), Hán sai Lục Giả sang, nhân tiện phong cho Đà làm Nam Việt Vương, chặt phù để làm tin, cho phép phái sứ giả đi lại với Trung Quốc, bảo phải hòa hợp với Bách Việt, không được gây việc lo ngại ở biên giới phía Nam."

Từ Bắc Việt Nam lên đến Quãng Tây, Quãng Đông, Phúc Kiến, Chiết giang, Giang Tô, An Huy và Sơn Đông của Trung quốc ngày nay, đều từng là nơi mà cư dân ở đó đều được gọi là người Việt. Vậy người Việt chúng ta là một phần trong cái nhóm Việt đó, hay chúng ta là một dân tộc độc lập riêng biệt ? Để xác định tính độc lập của dân tộc chúng ta, trước hết cần thẩm định lại cái tên Việt của Giao Chỉ, nó do nhà Chu hoặc nhà Tần bên Tàu áp đặt cho như họ đã đặt tên Mân Việt, Dương Việt, Bách Việt; hay do người mình tự xưng.

3) Tên Việt có từ bao giờ ?

Sự trùng lặp giữa sử Việt và sử Tàu như đã nêu ở trên do hậu quả của ngàn năm bắc thuộc, buộc chúng ta phải xác định lại nhà Chu hoặc nhà Tần bên Tàu có cai trị chúng ta hay không. Nếu có thì tên Việt nằm trong Bách Việt là do người Tàu đặt cho chúng ta, và hệ quả của nó định nghĩa rằng người Giao Chỉ là hậu duệ của người Việt hiện đang sống trên đất Tàu (!)

a ) Tên Việt có phải do Tàu đặt cho chúng ta ?

Khi sứ giả vua Hùng đem tặng Chu Thành vương chim trỉ trắng, Chu Công nói: "Chính lệnh không ban đến thì người quân tử không coi người ta là bề tôi của mình, rồi sai làm xe chỉ nam đưa sứ giả về nước". Điều này cho thấy nhà Chu không cai trị đất Giao Chỉ.

Đến đời nhà Tần, có một sự ngộ nhận về lãnh thổ của nhà Tần mà chúng ta cần tìm hiểu rõ, xem Tần đã từng cai trị Giao Chỉ hay không ?

_ Sách Sử Ký Tư Mã Thiên viết : "Đất đai (của Tần) chạy dài phía đông đến biển và đất Triều Tiên, phía tây đến Lâm Thao, Khương Trung (Cam Túc, Tứ Xuyên ngày nay ), phía nam đến miền cửa nhà quay mặt về hướng bắc (?), phía bắc lấy sông Hoàng Hà làm biên giới và men theo Âm Sơn đến tận Liêu Đông".

Lãnh thổ nhà Tần vào năm Tần Thủy Hoàng chết , 210 TCN

Lãnh thổ nhà Tần cai trị được Tư Mã Thiên xác định rỏ ba hướng Tây, Bắc và Đông; riêng hướng Nam thì lại mù mờ. Người dịch sách ghi chú rằng " miền cửa nhà quay mặt về hướng bắc tức là Nhật Nam (miền Quảng Nam), ý nói miền phía Nam mặt trời cố nhiên phải mở cửa về phía bắc mới có mặt trời". Đây là một lý giải hoàn toàn sai trái, hướng bắc là hướng thiếu ánh sáng mặt trời, cách giải thích "miền cửa nhà quay mặt về hướng bắc" vì phải mở cửa về phía bắc mới có mặt trời là hoàn toàn sai với thực tế.

Tần Thủy Hoàng lên ngôi năm 247 trước công nguyên; 26 năm sau, năm 221 trước công nguyên Tần Thủy Hoàng lần đầu tiên thôn tính được thiên hạ ở Trung nguyên, 7 năm sau đó, năm 214 trước công nguyên, Tần Thủy Hoàng Nam tiến ( cướp lấy đất Dương Việt, đặt ra các quận Quế Lâm, Nam Hải và Tượng Quận ). Bốn năm sau, vào tháng bảy âm lịch năm 210 trước công nguyên, Tần Thuỷ Hoàng chết trên đường tuần du ở Bình Đài, thuộc đất Sa Khâu. Chỉ ba năm sau khi Tần Thuỷ Hoàng chết thì nhà Tần đoạn diệt (năm 207 trước công nguyên ).

_ Tư Mã Thiên viết "Thủy Hoàng đưa những người thường trốn tránh, những người ở rể và những người đi buôn đánh lấy đất Lục Lương (Dương Việt), lập thành Quế Lâm, Tượng Quận, Nam Hải, cho những người bị đi đày đến đấy canh giữ"….

Nhà Tần phát động Nam tiến với đoàn quân ô hợp như vậy để cai trị người dân Quãng Đông, Quãng Tây. Với thời gian chưa tròn 4 năm thì Tần rối loạn, chắc chắn biên giới phía nam của nhà Tần chưa thể ổn định được. "Phía nam đến miền cửa nhà quay mặt về hướng bắc" mà không có địa danh cụ thể, đó chính là tình huống chưa xác định được biên giới. Gỉai thích tình huống này hợp lý nhất khi chúng ta cho rằng "miền cửa nhà quay mặt về hướng bắc" là "miền phản kháng" cuộc Nam tiến của nhà Tần bởi dân Quế Lâm, Tượng quận hay là dân Quãng Tây ngày nay, miền phản kháng này tùy thuộc vào chiến trường nên không xác định rỏ ràng được. Nói cách khác, biên giới của nhà Tần ở phía Nam chưa lấn hết Quãng Tây ngày nay ( có thể là dừng lại ở phía bắc khu tự trị người Choang tại Trung quốc hiện nay ). Gỉa thiết này hợp lý vì ngay khi nhà Tần suy yếu thì Triệu Đà đã nhanh tay thâu tóm các quận Quế Lâm, Nam Hải và Tượng Quận (Quãng Đông, Quãng Tây ngày nay ) lập ra nước Nam Việt.

Trước khi kết luận ý nghĩa câu "phía nam đến miền cửa nhà quay mặt về hướng bắc" hàm ý gì, chúng ta cần tìm xem Tư Mã Thiên nói gì về nước Văn Lang hay Âu Lạc của chúng ta trong giai đoạn đó.

_ Sử Ký Tư Mã Thiên trong mục Nam Việt Úy Đà Liệt Truyện viết : "Âu Lạc đánh nhau làm rung động nước Nam Việt" ( tôi cho rằng đây là những trận thư hùng giữa Hùng vương và An dương vương, xin trình bày sau ) ….."Năm thứ sáu niên hiệu Nguyên Đỉnh (năm 111 trước Công nguyên, nhà Hán thôn tính Nam Việt), Thương Ngô Vương (của Nam Việt) là Triệu Quang là người cùng họ với Việt Vương, nghe quân nhà Hán đến, cùng quan huyện lệnh Kê Dương của Việt tên là Định tự quyết định đi theo nhà Hán; quan giám quận Quế Lâm (Quãng Tây ngày nay ) của Việt tên là Cư Ông dụ dân Âu Lạc đi theo nhà Hán".

Âu Lạc đánh nhau làm rung động nước Nam Việt có nghĩa là hai nước Âu Lạc và Nam Việt cùng tồn tại đồng thời, đến khi nhà Hán thôn tính Nam Việt thì quan Nam Việt "dụ dân Âu Lạc đi theo nhà Hán". Điều này cho thấy Âu Lạc vẫn tự chủ cho đến khi bị thuộc Hán cùng lúc với Nam Việt. Rỏ ràng nước Âu Lạc chưa từng bị Tần đặt ách cai trị.

Cả nhà Chu là triều đại mà sử ta chép tên Việt có từ đó, lẫn nhà Tần sau này đều không cai trị người Giao Chỉ. Như vậy, cái tên Việt của chúng ta không do người Tàu áp đặt trước thời kỳ bắc thuộc lần thứ nhất.

b) Tên Việt là do người mình tự nhận ? 

Từ câu chuyện sứ giả Hùng Vương cho đến nay đã hơn ba ngàn năm, chúng ta phải thừa nhận rằng âm tiết "VIỆT" không có ý nghĩa gì trong tiếng nước ta, ngoại trừ nó là một từ Hán-Việt. Với một âm tiết vô nghĩa, không lẽ sứ giả Văn Lang lại tự xưng cho nguồn gốc của mình ? Thái độ nhà Chu sai đóng xe cho sứ giả hồi hương chứng tỏ rằng oai nghi của vị sứ giả đã gây ấn tượng rất tốt với quan quân nhà Chu. Một con người như vậy chẳng lẻ lại nói xàm ?

Lần theo dấu vết ghi chép lịch sử, chúng ta không tìm thấy gì hơn để giải đáp những băn khoăn này. Thiết nghĩ, chúng ta hãy xoay sang hướng khảo cổ học để tìm câu trả lời, vì "TRỐNG ĐỒNG" là một vật chứng lịch sử mà không ai có thể thêm bớt được.

Một đề tài về TRỐNG ĐỒNG khá rõ ràng cho thấy : (https://scholarspace.manoa.hawaii.edu/bitstream/10125/2545/1/The%20Present%20Echoes%20of%20the%20Ancient%20Bronze%20Drum_%20Nationalism%20a.pdf)

_ "Việc phân loại trống đồng nổi tiếng nhất được thực hiện bởi nhà khảo cổ học người Áo, F. Heger trong cuốn Alte metalltrommeln aus Südost Asien của ông vào năm 1902. Ông đã sưu tầm 22 chiếc trống đồng và các bản ghi chép hoặc hình ảnh của 143 chiếc trống đồng khác, được ông chia thành bốn loại (I, II, III, IV) và ba loại tạm thời (I-II, II-IV, I-IV) dựa trên hình thức, phân bố, trang trí và thành phần cấu tạo hóa học của những chiếc trống. Ông tin rằng loại I, được tìm thấy chủ yếu ở miền Bắc Việt Nam và được các học giả Việt Nam gọi là trống đồng Đông Sơn, là trống đồng sớm nhất…Nhà Việt Nam học Vu Tang tuyên bố vào năm 1974 rằng ông đã xác định niên đại của một chiếc trống đồng là từ thế kỷ thứ 13 cho đến thế kỷ thứ 10 trước Công nguyên ….Các học giả Việt Nam khác cho rằng chiếc trống đồng Đông Sơn sớm nhất có thể có niên đại xen giữa thế kỷ thứ 7 trước Công nguyên; hoặc thế kỷ 8 trước Công nguyên (niên đại của cả hai xu hướng đều rơi vào thời Hùng Vương ).

_ "Việc trang trí trống đồng là một lĩnh vực tranh cãi quan trọng khác giữa các học giả người Việt và người Trung Quốc. Trang trí rất quan trọng vì nó được cho là phản ảnh xã hội và đời sống tinh thần của những người phát minh và sử dụng trống đồng, do đó, có thể giúp xác định các mối liên kết với chủ nhân làm ra trống đồng trên mặt dân tộc và địa lý. Các họa tiết phổ biến nhất trên những chiếc trống đầu tiên bao gồm nhiều loài chim và những động vật khác, cũng như thuyền, các thực thể ánh sáng và các đường hình học.

_ "Một con chim bay với cái mỏ dài và đôi chân dài xuất hiện rất thường xuyên trên những chiếc trống đồng đầu tiên, và các học giả đã rất chú ý vào việc cố gắng xác định đó là loại chim gì. Nhà sử học Việt Nam Đào Duy Anh cho rằng đó là "chim LẠC" mang tính huyền thoại, biểu tượng của người Việt cổ. Tuy nhiên, Đào Tử Khải lại cho rằng con chim trên trống đồng không phải là chim Lạc ​​vì chim Lạc ​​là "chim ác là" hoặc một số loài khác, mà chúng có ngoại hình khá khác so với hình chim trên trống đồng. Theo Dao Tu Khai, thay vào đó, chim trên trống đồng là một con chim DIỆC. Các học giả khác vẫn cho rằng chim LẠC ​​và chim DIỆC thì giống nhau. Hơn nữa, người ta lập luận rằng chim DIỆC sống ở khắp mọi miền của Việt Nam, và người Việt cổ coi chúng là biểu tượng của những người nông dân lao động siêng năng cần cù, vì nó được cho là cần cù chăm chỉ. Như một học giả Việt Nam đã nói, "Chúng tôi tin rằng từ khi có trống đồng, một sản phẩm của Việt Nam do người Việt làm ra, nó phải phản ánh thực tế với điều gì đó về phong cảnh Việt Nam. Chim bay trên trống đồng là thứ mà người Việt đã rất quen thuộc, và nó phải có một cái tên tiếng Việt. Chúng tôi tin rằng cách giải thích của chúng tôi về loài chim có mỏ dài và chân dài trên trống đồng là một con chim DIỆC, phù hợp với thực tiễn lịch sử và văn hóa Việt Nam.”….."Hầu hết các học giả Trung Quốc cũng tin rằng con chim trên trống đồng là một con chim DIỆC".(hết trích )

Bề mặt trống đồng Đông Sơn.



Câu chuyện sứ giả của Hùng Vương đi thăm nhà Chu và qua đó tự xưng là người Việt Thường thị, chỉ được tìm thấy trong sách Tàu. Thời điểm đó nước Việt của Câu Tiễn bên Tàu đã có tại Cối Kê (Chiết giang, Trung quốc ngày nay). Liệu sứ giả đó là người của Hùng vương hay của Việt vương Câu Tiễn ? Tặng phẩm "chim trỉ trắng" là một loài chim đẹp, được xem là đặc sản của bắc Việt Nam, hơn nữa sách Hậu Hán thư của Tàu chép "Việt Thường dĩ tam tượng trùng dịch nhi hiến bạch trĩ" (người Việt Thường dùng ba con voi đến tặng chim trĩ trắng ).Voi cũng không phải là sản phẩm của vùng Chiết giang; cho nên chúng ta có thể xác định người mang tặng phẩm đã đến từ bắc Việt Nam, tức là từ nước Văn Lang của vua Hùng, hoặc có thể đến từ vùng Quãng Tây vì ở đó cũng có sản phẩm địa phương là chim trỉ trắng và voi.


Nếu sử Ta đã xen sử Tàu vào đến nổi nhận lầm sứ giả ở Quãng Tây là sứ giả của vua Hùng, thì cái tên Việt Thường thị trong sách Tàu không phải là tên của người Văn Lang.

Nếu sứ giả đi voi đem tặng chim trĩ trắng cho nhà Chu là người của Hùng vương, thì chúng ta có thể cho rằng vị sứ giả này tự xưng mình là người xứ DIỆC, tên loài chim mà người nước ta đã trân trọng khắc nó trên trống đồng ở vành ngoài cùng, biểu tượng cho sự bay cao bay xa của người Văn Lang. Vị sứ giả của vua Hùng không thể nói một âm tiết vô nghĩa đối với người Văn Lang là âm Việt. Nhà Chu ở phương bắc vốn chỉ biết xứ Việt ở Cối kê, họ ghi chép sai âm DIỆC thành chữ VIỆT là điều rất dể xảy ra.

Như đề tài trống đồng cho thấy, chim Lạc và chim Diệc là hai loại chim giống nhau. Lạc Việt nên thay vào đó gọi là LẠC DIỆC thì đúng hơn.

Chim Diệc ở Việt Nam.

Cuộc khởi nghĩa đầu tiên của dân ta dưới thời hai bà Trưng khí phách hết sức hào hùng, được hưởng ứng bởi 65 thành trì, trong đó dân Dương Việt ở Quãng Đông, Quãng Tây cũng đi theo hai bà; nếu cái tên Việt là cái gì đó thân thương, là niềm kiêu hãnh, lòng tự hào của cư dân Văn Lang thì tại sao hai bà Trưng không dựng lại cái tên Việt ?

Sau một ngàn năm bắc thuộc, mặc dù Ngô Quyền là người đầu tiên xây dựng nền tự chủ của nước nhà vào năm kỹ-hợi (939 sau công nguyên), nhưng không may sau đó rơi vào nội loạn 12 sứ quân. Năm mậu-thìn (968) Đinh Tiên Hoàng lên ngôi, đóng đô ở Hoa Lư, đặt quốc hiệu là Đại Cồ Việt. Lần đầu tiên cái tên Việt được xử dụng chính thức. Đại theo nghĩa chữ Hán là to lớn, Cồ không có nghĩa trong tiếng Hán, Cồ phải hiểu theo nghĩa tiếng nước ta, cũng là to lớn. Vì sao cái tên Việt đi liền với hai tỉnh từ "to lớn" ? Không có gì sai khi cho rằng việc xử dụng hai chữ Đại Cồ là để thể hiện niềm tự hào và sự hãnh tiến của Đinh Tiên Hoàng. Hãnh tiến không, chưa đủ; nhà Đinh còn ngầm ý đe dọa phương bắc, bởi câu chuyện quân Nam Hán đại bại dưới tay Ngô Quyền cách lúc bấy giờ không xa. Các vị sĩ phu nước ta thời ấy thừa biết rằng, ở phương bắc, Việt Vương Câu Tiễn từng làm cho nhà Chu của Trung nguyên khiếp sợ, về sau Nam Việt vương Triệu Đà cũng dấy binh thoát khỏi sự kềm kẹp của nhà Tần. Âm tiết DIỆC trong Lạc Diệc của chúng ta được Đinh Tiên Hoàng biến thể thành Việt, là một sự hăm dọa mang tính điển tích. Xử dụng điển tích trong văn hóa Tàu, mà ông cha ta đã học theo sau một ngàn năm bắc thuộc, là một nét không thể thiếu và không có gì lạ.

Tâm lý mặc cảm do bị người Tàu gọi chúng ta là dân man di cũng vô tình làm cho sĩ phu nước ta mang chuyện Tàu vào sử Việt, ngầm ý rằng dân tộc chúng ta cũng bình đẳng về nguồn gốc với người Tàu, chúng ta không nên vội vàng phê bình tiền nhân chúng ta sai ở điểm này. Xin nhắc người đọc sử ta hãy cẩn thận, trong Đại Việt sử ký toàn thư, từ phần mở đầu với "Thời Hoàng Đế dựng muôn nước", xuyên qua kỷ Hồng bàng thị với câu chuyện hoang đường của Kinh dương vương thuộc đời Ngũ Đế bên Tàu vốn là thời kỳ mông muội, cho đến hết đời nhà Ngô vào năm 968 sau công nguyên; học giả Ngô Sĩ Liên đã phân giai đoạn này là "Đại Việt Sử Ký Ngoại Kỷ Toàn Thư", kể từ thời Đinh Tiên Hoàng về sau được gọi là "Đại Việt Sử Ký Bản Kỷ Toàn Thư". Qua đó, chúng ta thấy rằng tiền nhân đã thừa nhận có xử dụng tư liệu bên ngoài nước ta trong thời "ngoại kỷ". Vấn đề là tiền nhân giúp chúng ta được ngước cao đầu với phương bắc. Tuy nhiên, phương pháp kích thích lòng tự hào này đã đến lúc cần phải xem lại, lợi bất cập hại.

Sách Địa Lý Biển Đông Với Hoàng Sa và Trường Sa của Cựu Hải quân Trung Tá VNCH Vũ Hữu San ghi :

"Charles F. Keyes viết trong sách "The Golden Peninsula" rằng : Việt Nam là nơi phát khởi nền văn minh Hoà Bình trải rộng khắp Đông Nam Á. Keyes đã xác định hai điểm sau:

  • Quá trình văn hóa thời tiền sử của toàn vùng Đông Nam Á thường được chia ra làm những giai đoạn mà chỉ-danh từng giai đoạn lấy từ địa danh các vị trí khảo cổ tiêu biểu nhất như Hòa Bình, Bắc Sơn, Đông Sơn; tất cả đều nằm trong Bắc phần Việt-Nam (trang 182).
  • Thời đại Đồ Đồng xuất hiện vào khoảng 3.000 đến 2.500 năm Trước Tây Lịch ở Đông Nam Á, nghĩa là khởi sự sớm hơn Trung Hoa và Ấn Độ. Biểu tượng chính của nền văn minh này là những Trống Đồng tìm thấy ở nhiều nơi xa xăm như Sulawesi thuộc Nam Dương quần đảo. Những trống đồng như vậy đều được đúc tại vùng đất Đông Sơn nhỏ hẹp của Việt Nam, từ đó trống được phân phối đi khắp Đông Nam Á theo đường hải-thương".(hết trích )

Trên lãnh vực di truyền học, nhà khoa học người Mỹ gốc Hán Lý Huỳnh (Li Jin) của Trường Ðại học Tổng hợp Texas tại thành phố Houston qua công trình khảo sát nhân tố microsatellites lặp lại liên tục trong chuỗi xoắn DNA của 43 nhóm người Hán phân bố khắp châu Á đã đưa ra kết luận: " Khoảng 100.000 năm trước, Homo Sapiens (con người khôn ngoan) từ châu Phi thiên di tới Trung Ðông. Từ Trung Ðông một nhóm rẽ sang phía Ðông đi qua Pakistan, Ấn Ðộ rồi men theo bờ biển Nam Á. Nhóm người này đến Ðông Nam Á vào khoảng 60 đến 70.000 năm trước. Họ nghỉ ngơi ở đây khoảng 10.000 năm rồi một bộ phận đi tiếp lên phía Bắc tới Trung Hoa. Từ đây một bộ phận lên cao hơn nữa tới Siberia, băng qua eo biển Bering tới Alasca vào châu Mỹ, thành người thổ dân châu Mỹ".

Trên lãnh vực nhân chũng học, trong cuốn sách “Địa đàng ở phương Ðông” (Eden in the East) bác sĩ Stephen Oppenheimer từ những bằng chứng thuyết phục, cho rằng 8000 năm trước, do hồng thủy, cư dân sống ở Ðông Nam Á di cư lên phía trên tạo nên đồ đá mới ở Trung Quốc.(https://www.bbc.com/vietnamese/entertainment/story/2005/02/printable/050219_havanthuy)

Tôi hy vọng các ngành địa lý, khảo cổ học, di truyền học, nhân chủng học sẽ có thêm những bằng chứng chứng minh cho các kết luận mà tôi vừa trích dẫn ở trên; từ đó cội nguồn nước ta được xác định rỏ hơn, và tất nhiên cái tên Việt của nước ta cũng sẽ được thấu hiểu một cách thấu đáo hơn.

Cuối cùng, tôi xin tóm tắt. Trước khi bị Hán thuộc, nước ta chưa từng bị phương bắc cai trị. Do đó, không thể nào dòng giống của chúng ta là người Việt từ phương bắc tràn xuống và chúng ta không liên quan gì đến chữ Bách Việt của Tàu. Tên Việt trong sử ta ghi chép trước thời kỳ bắc thuộc lần thứ nhất, chỉ là sự nhầm lẫn của nhà Chu chép âm DIỆC của sứ giả Hùng Vương thành chử Việt. Đinh Tiên Hoàng dùng chữ Việt sau hai chữ Đại Cồ trong quốc hiệu Đại Cồ Việt chỉ như là một điển tích dùng để răn đe người Tàu.

Nước ta là một nước có chủ quyền đầy đủ cách đây cả ngàn năm, nhưng chỉ vì tệ triều cống mà ngày nay phương bắc vẫn cứ cho rằng đất nước chúng ta vốn là của họ. Nếu cái tên Việt của chúng ta không được làm sáng tỏ và sửa sai, phương bắc sẽ om sòm cho rằng dân tộc chúng ta vốn là người của họ chạy trốn xuống phương Nam. Một điều hết sức nhục nhã cho dân tộc chúng ta.

Việc xem xét tên mới cho cội nguồn nước ta nên dựa vào trống đồng Đông Sơn là chính xác nhất…Mong các vị học giả có tâm với đất nước hãy nghiên cứu từ nền tảng LẠC DIỆC trên trống đồng.

Trần Hoàng Sa sưu tầm, ghi chép…..25/10/2020.


 

Bài đăng phổ biến từ blog này

Trung Quốc đang đụng đầu với khủng hoảng ?

Nỗi sợ ngân hàng gây thêm đau đầu cho nền kinh tế Trung Quốc.

Xung đột vũ trang ở Biển Đông.