Quan điểm hệ thống về cuộc sống...KHOA HỌC và TÂM LINH.

Bản khắc Flammarion của nghệ sĩ vô danh, được ghi chép thành tài liệu lần đầu tiên vào năm 1888. Nguồn: Camille Flammarion, L’Atmosphere: met ´ eorologie phổ biến ´ (Paris: 1888), trang 163 (http: //commons.wikimedia.org/wiki/File:Flammarion.jpg).

QUAN ĐIỂM HỆ THỐNG VỀ CUỘC SỐNG.

KHOA HỌC VÀ TÂM LINH.

  1. Khoa học và tâm linh: mối quan hệ biện chứng.

Trong suốt lịch sử tiến hóa lâu dài của mình, nhân loại đã phát triển nhiều con đường và nhiều phương pháp khác nhau, để thu thập và thể hiện kiến ​​thức về tự thân và thế giới, bao gồm cả triết học, khoa học, tôn giáo, nghệ thuật và văn học. Trong số này, khoa học và tâm linh đã và đang là hai động lực chính của nền văn minh.

Sức mạnh của khoa học (và các ứng dụng của nó trong công nghệ) kiểm soát và chịu trách nhiệm về mặt vật chất và các quy trình công nghệ. Đặc biệt, kể từ cuộc cách mạng công nghệ thông tin vào thế kỷ trước, chúng ta đã và đang chứng kiến ​​sự mở rộng đáng kinh ngạc về khả năng của chúng ta ở lãnh vực thông tin liên lạc toàn cầu, và các tiện nghi phục vụ cho vận tải và du lịch của chúng ta (ngay cả ở không gian bên ngoài trái đất), trong khi ở y học, chúng ta thích khám phá các thiết bị và kỹ thuật phẫu thuật không thể tưởng tượng được, những thứ đã có nhiều tác động hữu ích cho sức khỏe của chúng ta. Mặt khác, tâm linh (và việc giáo điều hóa nó trong tôn giáo), kiểm soát và chịu trách nhiệm về sự phát triển nội tâm của các cá nhân, cũng như đối với những ràng buộc về mặt đạo đức trước việc tiêu thụ quá nhiều tài nguyên của hành tinh.

Kể từ khi bước sang thế kỷ mới, đã trở nên rất rõ ràng rằng, mặc dù sức mạnh của khoa học và công nghệ mang lại cho chúng ta những lợi ích chưa từng có so với trước đây, nhưng cách thức đạt được những lợi ích này, và cách chúng được phân phối bên trong các quốc gia và giữa các quốc gia, hiện đang đe dọa đến hạnh phúc con người trong tương lai, thực vậy, chúng rất đe dọa đến sự tồn tại của nhân loại. Chúng ta chỉ cần đề cập đến mối đe dọa đang tồn tại và sẽ tiếp tục tồn tại là vũ khí hạt nhân và sự nguy hiểm của bức xạ hạt nhân; nhiều cuộc chiến tranh dường như diễn ra liên miên quanh thế giới; các cuộc khủng hoảng nghiêm trọng từ sự sụp đổ khí hậu toàn cầu, sự cạn kiệt tài nguyên, nạn tuyệt chủng của các loài sinh vật; và sự phân bổ của cải không đồng đều, đi cùng với gia tăng nghèo đói ở rất nhiều quốc gia - tất cả đều góp phần vào một cuộc khủng hoảng liên quan đến sự tồn tại của nhân loại.

Chúng tôi đã lập luận rằng, những khía cạnh đe dọa này có thể bắt nguồn từ một số đặc tính di truyền cơ bản của loài người - và đặc biệt là ở giới tính nam - chẳng hạn như tính hiếu chiến và lòng ham muốn quyền lực, những thứ được biểu hiện trong chủ nghĩa tư bản hiện nay với đặc tính săn lùng và nuốt chững đối tượng của nó. Tuy nhiên, chúng ta cũng thấy rằng con người cũng có những đặc điểm tương phản, tích cực, những thứ mà chúng ta có thể kết hợp rộng rãi với tâm linh - một xu hướng khiến con người trở thành tốt đẹp hơn, bao gồm sự nâng cao nhân phẩm của con người, trước sự thiêng liêng và bí ẩn của vũ trụ; cũng như tình yêu thương và sự tôn trọng đồng loại. Tôn giáo, và nói chung, tín ngưỡng là biểu hiện của sức mạnh quan trọng thứ hai của nhân loại. Cũng như tiến bộ kỹ thuật là mặt thực dụng của khoa học, thế nên, tôn giáo có thể được coi là mặt thực dụng của tâm linh.

Từ cái nhìn mở đầu khái quát, ngắn gọn này, rõ ràng là số phận và hạnh phúc của nền văn minh hiện đại sẽ được định hình đáng kể bởi sự cân bằng (hoặc thiếu cân bằng) giữa hai sự phát triển đối lập nhau, đó là tiến bộ của công nghệ và sự sáng suốt của tâm linh. Rõ ràng, một nền khoa học “không có tâm hồn” sẽ dẫn đến thảm họa. Ngược lại, chúng ta không thể quản lý cái thế giới hiện đại phức tạp của mình với cách tiếp cận thuần túy về mặt tâm linh. Trong chương này, chúng tôi sẽ phân tích cơ sở và tác động của mối quan hệ biện chứng này giữa khoa học và tâm linh.

  1. Tâm linh và tôn giáo.

Quan điểm khoa học và tôn giáo như là một sự tách thành hai mặt đối lập nhau vốn đã có lịch sử lâu dài, đặc biệt là trong truyền thống Kitô giáo, và gần đây đã được hồi sinh trong một số cuốn sách do các nhà khoa học viết (ví dụ: Dawkins, 2006; Gould, 1999; Hawking và Mlodinow, 2010), như chúng ta sẽ thảo luận ngắn gọn trong phần bên dưới. Mặt khác, có nhiều nhà khoa học nhìn thấy không có sự đối lập nội tại nào giữa khoa học và tôn giáo, hay khoa học và tâm linh. Cốt lõi của tình huống khó hiểu này, theo chúng tôi, nằm ở chỗ nhiều tác giả không phân biệt được một cách rõ ràng giữa tâm linh và tôn giáo. Để giải quyết sự nhầm lẫn, chúng ta sẽ cẩn thận xem xét ý nghĩa của cả hai thuật ngữ này, cũng như mối quan hệ giữa tôn giáo và tâm linh. Chúng tôi cũng muốn nhắc nhở độc giả rằng, chúng tôi đã thảo luận về ý nghĩa và bản chất của khoa học ở một số chi tiết trong phần mở đầu, ở phần đầu của cuốn sách này.

Đặc biệt, chúng tôi sẽ kiểm tra xem liệu thế giới quan về tâm linh và tôn giáo có tương thích với 'quan điểm hệ thống về cuộc sống' mà chúng ta đang thảo luận hay không.

2.1 Tinh thần và tâm linh.

Tâm linh là một trải nghiệm của con người rộng hơn và căn bản hơn nhiều so với tôn giáo. Nó có hai phạm vi : một hướng vào trong, hoặc "hướng thượng", như nó vốn có; và một "hướng ngoại", bao trùm thế giới và đồng loại của chúng ta. Một trong hai sự biểu hiện của tâm linh - hướng thượng hoặc hướng ngoại - có thể đi kèm với tôn giáo hoặc không. Vì vậy, khi chúng ta nói rằng các nhà khoa học như Einstein hay Bohr là những người có sức sống tinh thần, tức chúng ta muốn nói rằng họ có một mong muốn mãnh liệt được tiếp cận gần hơn, hoặc thậm chí mong muốn có thể xác định được những bí ẩn của vũ trụ bằng sức sống đó.

Mặt khác, khi chúng ta nhìn vào những người như Gandhi hoặc Martin Luther King như là những người có tâm hồn, tức chúng ta muốn nói rằng họ đã thể hiện cuộc sống của họ với những lý tưởng cao thượng cho một nhân loại tốt đẹp hơn. Trong những trường hợp này, có một sự kết hợp giữa các yếu tố bên trong và bên ngoài của tâm hồn, và chúng ta có thể nói về "tâm hồn thi ca", một dạng của tâm linh mà không cần liên kết với một tôn giáo cụ thể.

Tâm linh theo nghĩa rộng này không nhất thiết mâu thuẫn với khoa học. Thật vậy, như chúng ta thấy trong phần dưới đây, nó hoàn toàn phù hợp với 'quan điểm hệ thống về cuộc sống'. Tuy nhiên, nó có thể đối lập với một số hình thức công nghệ nhất định, chẳng hạn như các loại công nghệ sinh vật biến đổi gen (GMO), sinh sản vô tính, ô nhiễm, phá rừng hoặc đơn giản là chủ nghĩa tiêu dùng quá mức. Đây là nơi mà chủ đề trở thành vấn đề chính trị, và các hình thức tâm linh như vậy, hoặc thậm chí là tôn giáo, không có nghĩa là không tương thích với sự tuyên truyền tích cực cho một học thuyết chính trị, vì các "nhà hoạt động chính trị mà tự thân là các nhà tôn giáo" như Gandhi, Martin Luther King, Desmond Tutu (giám mục Giáo hội Anh giáo, là người đã đấu tranh để chấm dứt chế độ apartheid ở Nam Phi – chế độ phân biệt người da đen và da trắng…THS), hoặc các nhà thần học giải phóng châu Mỹ Latinh, đã chứng minh rất ấn tượng.

Để hiểu sâu hơn về tâm linh, sẽ hữu ích khi xem lại ý nghĩa ban đầu của từ “tinh thần” (Spirit). Spiritus trong tiếng Latinh có nghĩa là “hơi thở”, nó cũng liên quan với từ Anima trong tiếng Latinh, từ Psyche trong tiếng Hy Lạp và Atman trong tiếng Phạn. Ý nghĩa chung của các thuật ngữ cốt lõi này chỉ ra rằng, ý nghĩa ban đầu của chữ tinh thần ở trong nhiều truyền thống triết học và tôn giáo cổ đại, ở phương Tây cũng như phương Đông, là hơi thở của cuộc sống.

Vì sự hô hấp thực sự là khía cạnh trọng tâm trong quá trình trao đổi chất của mọi sinh vật, ngoại trừ các dạng sống đơn giản nhất, hơi thở của cuộc sống dường như là một phép ẩn dụ hoàn hảo cho mạng lưới của các quá trình trao đổi chất, vốn là đặc tính xác định của mọi hệ thống sống. Tinh thần - hơi thở của cuộc sống - là thứ chung của chúng ta với tất cả sinh linh. Nó nuôi dưỡng chúng ta và duy trì sự sống của chúng ta.

Tâm linh, hay đời sống tinh thần, thường được hiểu là con đường tồn tại, xuất phát từ một trải nghiệm sâu sắc nhất định về thực tại, được gọi là "huyền bí", "tôn giáo" hoặc trải nghiệm "tâm linh". Có rất nhiều sự mô tả về trải nghiệm này trong các tài liệu của các tôn giáo trên thế giới, có xu hướng đồng ý rằng đó là một trải nghiệm trực tiếp về thực tại , không vận dụng trí óc, với một số đặc điểm cơ bản, độc lập với các bối cảnh văn hóa và lịch sử. Một trong những cách miêu tả đương đại, đẹp nhất có thể được tìm thấy trong một tiểu luận ngắn có tiêu đề “Tâm linh là tri giác phổ biến”, của tác giả David Steindl-Rast (1990), một tu sĩ dòng Biện Đức ( Benedictine ) và cũng là một nhà tâm lý học.

Phù hợp với ý nghĩa ban đầu của tinh thần là hơi thở của sự sống, sư huynh David mô tả trải nghiệm tâm linh như một trải nghiệm không bình thường về thực tại, vào những khoảnh khắc nhận thức được thăng hoa. Những khoảnh khắc thiêng liêng của chúng ta là những khoảnh khắc mà chúng ta cảm nhận được một sự sống sinh động mãnh liệt. Cảm giác sinh động trong “trải nghiệm đỉnh cao” như nhà tâm lý học Abraham Maslow (1964) gọi nó, không chỉ liên quan đến cơ thể mà còn liên quan đến tâm trí. Nhà Phật đề cập đến tinh thần tỉnh táo này là "chánh niệm", và họ nhấn mạnh một cách thú vị rằng, chánh niệm bén rể sâu vào cơ thể. Vì vậy, tâm linh luôn được nhân cách hóa. Theo lời của sư huynh David, khi chúng ta trải nghiệm tinh thần của mình, là lúc "tâm trí và thể xác có được sự sung mãn."

Rõ ràng rằng quan niệm tâm linh này rất phù hợp với quan niệm về tâm thức được nhân cách hóa, hiện đang được phát triển trong khoa học nhận thức. Trải nghiệm tâm linh là trải nghiệm về sự sinh động của tâm trí và thể xác, như một thể thống nhất. Hơn thế nữa, trải nghiệm về sự thống nhất này không chỉ vượt qua sự tách biệt tâm trí và cơ thể, mà còn vượt qua cả sự tách biệt bản thân và thế giới. Sự tỉnh thức chính yếu trong những khoảnh khắc thiêng liêng này, là một cảm giác hòa nhập với tất cả, một cảm giác gắn kết với toàn thể vũ trụ.

Cảm giác hòa nhập với thế giới tự nhiên này hoàn toàn được tạo ra bởi một khái niệm toàn thân, hoàn toàn mới mẻ về cuộc sống. Khi chúng ta hiểu được gốc rễ của sự sống bằng cách đi sâu vào vật lý cơ bản và hóa học; ở đó chúng ta nhìn thấy sự hình thành phức tạp đã bắt đầu từ rất lâu trước khi hình thành các tế bào sống đầu tiên, và nhìn thấy được cách thức mà sự sống phát triển trong hàng tỷ năm, qua việc lặp đi lặp lại các mẫu cơ bản và quy trình tương tự nhau; chúng ta sẽ nhận ra rằng chúng ta được kết nối chặt chẽ như thế nào với toàn bộ kết cấu của cuộc sống.

Trải nghiệm tâm linh - trải nghiệm về thực tại một cách trực tiếp, không vận dụng trí óc trong những khoảnh khắc mà ở đó sự tỉnh thức thăng hoa - được biết đến như là một trải nghiệm huyền bí, vì nó là cuộc gặp gỡ với điều huyền bí. Những vị thầy tâm linh trong suốt nhiều thời đại đã khẳng định rằng, sự trải nghiệm của một ý thức sâu sắc về sự liên hệ, gắn kết với vũ trụ như một tổng thể, là đặc điểm chính yếu của trải nghiệm huyền bí, là không thể tả được - không có khả năng thể hiện nó một cách thỏa đáng bằng từ ngữ hoặc khái niệm - và họ thường mô tả nó đi kèm với cảm giác kinh ngạc và sự ngạc nhiên cùng với một cảm giác vô cùng khiêm tốn.

Các nhà khoa học, trong các quan sát có hệ thống về các hiện tượng tự nhiên, họ không coi sự trải nghiệm về thực tại của họ như là không thể tả được. Ngược lại, họ cố gắng biểu hiện nó bằng ngôn ngữ kỹ thuật, bao gồm toán học, càng chính xác càng tốt. Tuy nhiên, mối liên hệ cơ bản của tất cả các hiện tượng cũng là một chủ đề nổi trội trong khoa học hiện đại, và nhiều trong số các nhà khoa học vĩ đại của chúng ta, đã bày tỏ cảm giác sợ hãi và ngạc nhiên khi đối mặt với điều bí ẩn vượt ra ngoài giới hạn lý thuyết của họ. Albert Einstein, là một trong số đó, đã nhiều lần bày tỏ những cảm xúc này, như trong đoạn văn nổi tiếng sau đây (Einstein, 1949, trang 5) :

"Điều hợp lý nhất mà chúng ta có thể trải nghiệm là điều huyền bí. Đó là cảm xúc cơ bản, vốn là nơi bắt nguồn của nghệ thuật chân chính và khoa học chân chính. . . là nơi bắt nguồn của những bí ẩn về sự vĩnh cửu của cuộc sống cùng với sự gợi ý xa xôi về cấu trúc kỳ diệu của thực tại, cảm xúc đó đi cùng với nỗ lực chân thật để hiểu được phần nào - có thể là rất nhỏ - về nguyên nhân xuất hiện của thế giới tự nhiên."

Cảm giác kinh ngạc và ngạc nhiên nằm ở cốt lõi của trải nghiệm tâm linh hoặc huyền bí, có thể đã phát triển rất sớm trong quá trình tiến hóa của nhân loại. Trên thực tế, nó có thể là nguồn cội của tâm linh. Chúng tôi đã suy đoán rằng cảm giác kinh ngạc và ngạc nhiên, có thể đã phát sinh ngay khi tổ tiên loài người của chúng ta bắt đầu đứng lên và đi bằng hai chân, cho phép họ tự do ngước lên và ngắm nhìn Mặt trời, Mặt trăng và bầu trời đêm đầy sao.

Thật vậy, trải nghiệm của một cảm giác sùng kính và khiêm cung mạnh mẽ khi nhìn vào bầu trời đầy sao, là một chủ đề phổ biến và cổ xưa trong văn học và nghệ thuật. Nó được thể hiện hoàn hảo trong bản khắc Flammarion nổi tiếng hồi thế kỷ 19, (xem hình đính kèm), mô tả một người hành hương mặc một chiếc áo choàng dài và mang theo một cây quyền trượng, lê bước dưới cạnh của bầu trời đầy sao và nhìn vào một thế giới bí ẩn phía bên ngoài, trong văn học Cơ đốc được gọi là "Thiên Cung" ("Empyrean"). Chú thích của bản khắc có nội dung: “Một nhà truyền giáo thời Trung cổ nói rằng ông ta đã tìm thấy nơi mà Đất và Trời gặp nhau ”.

Sự tìm kiếm kiến ​​thức và tầm nhìn rộng hơn một cách huyền bí của nhà truyền giáo, đối với những thế giới bí mật ở bên ngoài thực tại, thông thường là một sự mô tả thích hợp về thế giới quan thời trung cổ. Sự tồn tại và chuyển động của các thiên thể trong vũ trụ được gán cho các sức mạnh bí ẩn, mà con người có thể không tưởng tượng nổi và cũng không thể hiểu nổi. Chiêm tinh là một công cụ quan trọng trong hầu hết các nền văn minh để tiên đoán số phận con người, từ các vị trí và chuyển động của các thiên thể ở trên trời. Trên thực tế, từ thời cổ đại đến thời Phục hưng, chiêm tinh học và thiên văn học đã được biết đến ở phương Tây với cùng một tên, khoa chiêm tinh (astrologia). Do đó, hai môn học cùng tồn tại như một trong nhiều thế kỷ, dần dần trở thành những hướng hoạt động khác biệt trong Cách mạng Khoa học.

Với sự phát triển của thiên văn học, đầu tiên ở dạng Ptolemaic với thuyết địa tâm và sau đó là dạng Copernic với thuyết nhật tâm, tầm nhìn huyền bí của nhà truyền giáo thời trung cổ đã bị biến đổi thành các mô hình khoa học hợp lý, mô tả chuyển động của Mặt trời, Mặt trăng và các ngôi sao. Tuy nhiên, động lực chính yếu cho sự chuyển động của các thiên thể là Thượng Đế, cũng là đấng thiêng liêng, đấng tạo ra sự sống trên Trái đất và vô số loài trong nó, bao gồm cả "con người đầu tiên" và đứng đầu mọi thứ , theo ngôn ngữ lúc bấy giờ. Vì vậy, cảm giác huyền bí vẫn tồn tại trong khái niệm về một trật tự thần thánh bí ẩn, mà lời giải thích cuối cùng được che khuất trong tâm ý của Thượng Đế.

Vào thế kỷ 19, những bí ẩn mà nhà truyền giáo nhận thấy trong hình ảnh của chúng ta, bị biến đổi bởi Charles Darwin, người đã chứng minh rằng sự đa dạng tuyệt vời của cuộc sống trên Trái đất không phải là kết quả của một thiết kế thần thánh, mà do sự tác động lẫn nhau của các lực lượng tự nhiên. Và trong thời đại của chúng ta, các nhà khoa học đã bắt đầu thăm dò ngay cả bản chất của linh hồn; cái mà theo truyền thống Cơ đốc giáo, luôn được cho là thuộc về thần thánh, và do đó bí ẩn thâm sâu, mang tính tự nhiên.

Phải chăng điều này có nghĩa là quan điểm tâm linh phải bị thu nh̉ỏ khi nghiên cứu khoa học tiếp tục phát triển ? Chúng tôi không nghĩ vậy. Như chúng tôi đã đề cập trong liên quan đến sự tìm kiếm 'Nguồn gốc của sự sống trên Trái đất', luôn có một lĩnh vực bí ẩn xoay quanh các nghiên cứu lý thuyết hàng đầu của khoa học. Ngay cả khi ranh giới của 'thế giới đã được biết' ở người hành hương huyền thoại của chúng ta đang bị đẩy ra bên ngoài càng ngày càng xa, "Thiên Cung" vẫn ở đó, luôn được cảm nhận khi chúng ta đạt đến giới hạn của tri ​​thức khoa học. Như nhà khoa học và cũng là nhà triết học vĩ đại Blaise Pascal đã nói một cách cô đọng vào thế kỷ XVII, “Tri thức giống như một hình cầu; khối lượng của nó càng lớn thì sự tiếp xúc của nó với cái chưa biết càng lớn ”.

_ Ảnh : Bản khắc Flammarion của nghệ sĩ vô danh, được ghi chép thành tài liệu lần đầu tiên vào năm 1888. Nguồn: Camille Flammarion, L’Atmosphere: met ´ eorologie phổ biến ´ (Paris: 1888), trang 163 (http: //commons.wikimedia.org/wiki/File:Flammarion.jpg).


Trích từ cuốn sách "Quan điểm hệ thống về cuộc sống" (The systems view of life ) của hai tác giả Fritjof Capra và Pier Luigi Luisi, 2014.
Thông tin về tác phẩm : www.cambridge.org/9781107011366

THS sưu tầm và lược dịch….07/10/2020


Bài đăng phổ biến từ blog này

Trung Quốc đang đụng đầu với khủng hoảng ?

Nỗi sợ ngân hàng gây thêm đau đầu cho nền kinh tế Trung Quốc.

Xung đột vũ trang ở Biển Đông.