Quan điểm hệ thống về cuộc sống...KHOA HỌC và TÂM LINH...P II

Ảnh Internet

2.2 Bản chất của tôn giáo.

Với tóm tắt kết luận của chúng tôi ở phần trước, rõ ràng cả khái niệm về tâm linh lẫn bản chất của trải nghiệm tâm linh hoàn toàn phù hợp với quan điểm hệ thống về cuộc sống. Tuy nhiên, điều này không nhất thiết đúng đối với tôn giáo, và ở đây, điều quan trọng là phân biệt giữa hai lãnh vực đó. Tâm linh là con đường dựa trên một trải nghiệm nhất định về thực tại, độc lập với bối cảnh văn hóa và lịch sử. Tôn giáo là nỗ lực có tổ chức để hiểu biết sự trải nghiệm tâm linh, giải thích nó bằng các từ ngữ và khái niệm, và sử dụng cách giải thích này như là nguồn gốc hướng dẫn đạo đức cho cộng đồng tôn giáo.

Có ba khía cạnh cơ bản của tôn giáo: thần học, đạo đức và nghi lễ (xem Capra và Steindl-Rast, 1991). Trong các tôn giáo hữu thần, thần học là sự giải thích bằng trí tuệ về trải nghiệm tâm linh, về cảm giác gắn kết, phụ thuộc với Thượng đế, như là đấng tối cao nắm thẩm quyền phán xét tối hậu. Đạo đức, hay luân thường đạo lý, là các quy tắc ứng xử bắt nguồn từ cảm giác gắn kết, phụ thuộc đó; và nghi lễ là việc tán dương, ca ngợi sự gắn kết, phụ thuộc bởi các cộng đồng tôn giáo. Cả ba khía cạnh này - thần học, đạo đức và nghi lễ - phụ thuộc vào bối cảnh lịch sử và lịch sử văn hóa của các cộng đồng tôn giáo.

2,3 Thần học

Thần học ban đầu được hiểu là việc giải thích sự trải nghiệm huyền bí của riêng các nhà thần học bằng lý trí. Thật vậy, theo học giả dòng tu Biển Đức, Thomas Matus (trích trong Capra và Steindl-Rast, 1991), trong một nghìn năm đầu tiên của Cơ đốc giáo, hầu như tất cả các nhà thần học hàng đầu - “Các Giáo phụ của Giáo hội” - cũng là những nhà huyền bí. Tuy nhiên, trong những thế kỷ tiếp theo, trong thời kỳ Scholastic, tức là giai đoạn của triết học kinh viện (phân tích các khái niệm một cách nghiêm ngặt, thường có dạng tranh luận rõ ràng ), thần học đã dần dần trở nên bị phân mảnh và tách rời khỏi trải nghiệm tâm linh, vốn là cốt lõi ban đầu của nó.

Với sự nhấn mạnh mới vào kiến ​​thức thần học thuần túy lý trí, nên đã khiến nó trở nên xơ cứng về ngôn ngữ. Trong khi đó, các bậc Giáo phụ đã nhiều lần khẳng định bản chất không thể nói ra được của trải nghiệm tôn giáo, và thể hiện cách giải thích của họ dưới dạng biểu tượng và ẩn dụ, các nhà thần học kinh viện (Scholastic) đã xây dựng các giáo lý Cơ đốc bằng ngôn ngữ giáo điều, và yêu cầu tín đồ chấp nhận những công thức này như là sự thật theo nghĩa đen của ngôn ngữ. Nói cách khác, Thần học Cơ đốc giáo (theo như giới có ảnh hưởng về lãnh vực tôn giáo đã đề cập) ngày càng trở nên cứng nhắc hơn và theo trào lưu chính thống (đề cập đến niềm tin nghiêm ngặt, trung thành tuyệt đối với những nguyên tắc cơ bản, THS), không có tâm linh đích thực.

Nhận thức về những mối quan hệ tinh tế giữa tôn giáo và tâm linh này, rất quan trọng khi chúng ta so sánh cả hai - tâm linh và tôn giáo - với khoa học. Trong khi các nhà khoa học cố gắng giải thích hiện tượng tự nhiên, thì mục đích của việc tu tập tâm linh không phải là cung cấp một mô tả về thế giới. Thay vào đó, mục đích của tu tập tâm linh là tạo điều kiện cho những trải nghiệm mà qua đó sẽ thay đổi bản thân và cách sống của con người. Tuy nhiên, trong cách giải thích trải nghiệm của họ, các nhà huyền bí và các vị thầy tâm linh thường đi đến việc đưa ra các tuyên bố về bản chất của thực tại, các mối quan hệ nhân quả, bản chất của ý thức con người, và những thứ tương tự. Điều này cho phép chúng ta so sánh các mô tả của họ về thực tại với các mô tả tương ứng của các nhà khoa học.

Trong những truyền thống tâm linh này - ví dụ, trong các trường phái khác nhau của Phật giáo - trải nghiệm huyền bí luôn là quan trọng nhất; những mô tả và giải thích của họ được xem là thứ yếu và không dứt khoát, không đủ để mô tả đầy đủ trải nghiệm tâm linh. Theo một cách nào đó, những mô tả này không giống như các 'mô hình có giới hạn và gần đúng' trong khoa học, những thứ vốn luôn được sửa đổi và cải tiến thêm nữa.

Ngược lại, trong lịch sử Cơ đốc giáo, những trình bày của thần học về bản chất của thế giới, hoặc về bản chất con người, thường được coi là những sự thật theo nghĩa đen của ngôn ngữ, và mọi nỗ lực để đặt nghi vấn hoặc sửa đổi chúng đều bị coi là dị giáo. Lập trường cứng nhắc này của Giáo hội đã dẫn đến những xung đột nổi tiếng giữa khoa học và 'Cơ đốc giáo theo trào lưu chính thống', và vẫn tiếp tục cho đến ngày nay. Trong những xung đột này, các quan điểm đối kháng thường được thực hiện bởi những người theo trào lưu chính thống của cả hai bên, người của giáo hội và khoa học gia, những người không lưu ý đến bản chất hạn chế và gần đúng của mọi lý thuyết khoa học, và ở phía bên kia, không lưu ý đến bản chất ẩn dụ và biểu tượng của ngôn ngữ trong các kinh sách tôn giáo. Trong những năm gần đây, các cuộc tranh luận của trào lưu chính thống ở cả hai phía như vậy, đã trở nên đặc biệt khó giải quyết xung quanh khái niệm về một đấng Thượng đế sáng tạo.

Trong các tôn giáo hữu thần, cảm giác huyền bí là cốt lõi của trải nghiệm tâm linh, được liên kết với thần thánh. Trong truyền thống Kitô giáo, cuộc gặp gỡ với điều huyền bí là cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa, và các nhà thần bí Kitô giáo nhiều lần nhấn mạnh rằng trải nghiệm về Thiên Chúa vượt lên trên mọi ngôn từ và khái niệm. Do đó, Dionysius the Areopagite, một nhà huyền bí học đồng thời là nhà thần học và triết gia Kitô giáo có ảnh hưởng lớn vào đầu thế kỷ thứ sáu, viết: "Vào cuối tất cả những gì chúng ta biết, chúng ta sẽ biết Đức Chúa Trời là điều chưa biết;" và Thánh John của thành Damascus viết vào đầu thế kỷ thứ tám: “Chúa ở trên tất cả sự hiểu biết và ở trên mọi hình thức hoàn hảo” (cả hai trích dẫn trong Capra và Steindl-Rast,1991, tr. 47).

Tuy nhiên, hầu hết các nhà thần học Cơ đốc muốn nói đến trải nghiệm của họ về Chúa, và để làm như vậy, các Giáo phụ đã sử dụng ngôn ngữ thơ, biểu tượng và các phép ẩn dụ. Sai lầm chính yếu của các nhà thần học theo trào lưu chính thống trong những thế kỷ tiếp theo, là đã chấp nhận cách giải thích những ẩn dụ tôn giáo này theo nghĩa đen của ngôn ngữ. Khi điều này được thực hiện, bất kỳ cuộc đối thoại nào giữa tôn giáo và khoa học trở nên bực bội và không có hiệu quả.

2.4 Đạo đức, lễ nghi và sự thiêng liêng.

Tôn giáo không chỉ liên quan đến việc giải thích trải nghiệm tâm linh bằng lý trí, mà còn là sự kết hợp chặt chẽ với đạo đức và lễ nghi. Đạo đức hoặc luân thường đạo lý có nghĩa là các quy tắc ứng xử bắt nguồn từ cảm giác gắn kết, phụ thuộc, nằm ở cốt lõi của trải nghiệm tâm linh, và nghi lễ là việc tán dương sự gắn kết, phụ thuộc đó.

Cả luân thường đạo lý lẫn nghi lễ đều phát triển trong bối cảnh của một cộng đồng tâm linh hoặc tôn giáo. Theo David Steindl-Rast, hành vi đạo đức luôn liên quan đến cộng đồng cụ thể mà chúng ta thuộc về. Khi chúng ta thuộc về một cộng đồng, chúng ta cư xử phù hợp với những gì đã được nhắc đến trong cộng đồng đó.

Trong thế giới ngày nay, có hai cộng đồng thích đáng mà tất cả chúng ta đều thuộc về. Tất cả chúng ta đều là những thành viên của nhân loại, và tất cả chúng ta đều gắn kết, phụ thuộc vào sinh quyển toàn cầu. Chúng ta là những thành viên của oikos - gia đình Trái đất - oikos có gốc tiếng Hy Lạp là chữ "sinh thái", và như vậy chúng ta nên cư xử với thiên nhiên như cách cư xử với các thành viên khác trong gia đình - cây cối, động vật và các vi sinh vật tạo thành mạng lưới quan hệ rộng lớn mà chúng ta gọi là chuỗi phức tạp của cuộc sống.

Đặc tính nổi bật của 'gia đình Trái đất' là khả năng duy trì sự sống vốn có của nó. Là những thành viên của cộng đồng sinh vật toàn cầu, chúng ta phải hành xử theo cách không can thiệp vào khả năng vốn có này. Đây là ý nghĩa thiết yếu của sự bền vững sinh thái. Là thành viên của cộng đồng nhân loại, hành vi của chúng ta phải phản ảnh sự tôn trọng nhân phẩm và các quyền cơ bản của con người. Vì cuộc sống con người bao gồm các khía cạnh sinh học, nhận thức, xã hội và sinh thái, quyền con người cần được tôn trọng trong cả bốn phương diện này. Hậu quả chính trị của việc tôn trọng hai giá trị cốt lõi này - phẩm giá con người và tính bền vững sinh thái - sẽ được thảo luận chi tiết hơn trong phần cuối cùng của cuốn sách này (Chương 16–17).

Mục đích ban đầu của các cộng đồng tôn giáo là tạo ra những cơ hội cho các thành viên của họ hồi tưởng lại những trải nghiệm huyền bí của những người sáng lập tôn giáo. Vì mục đích này, các nhà lãnh đạo tôn giáo đã thiết kế các nghi lễ đặc biệt trong bối cảnh lịch sử và văn hóa của họ. Những nghi lễ này có thể liên quan đến những địa điểm đặc biệt, áo thụng dài khoác ngoài, âm nhạc, dược liệu gây cảm giác và nhiều thứ khác dành cho các nghi lễ khác nhau. Trong nhiều tôn giáo, những phương tiện đặc biệt này tạo điều kiện cho trải nghiệm huyền bí trở thành liên kết chặt chẽ với chính tôn giáo đó và được coi là linh thiêng.

Tuy nhiên, các địa điểm linh thiêng, những đồ vật hoặc những hình dáng nghệ thuật không chỉ là công cụ hoặc kỹ thuật tạo điều kiện cho sự trải nghiệm gắn kết. Chúng luôn là những phần không thể thiếu trong các nghi lễ, và những nghi lễ đó là cánh cửa dẫn đến trải nghiệm thần bí.

( Còn tiếp )


Trích từ cuốn sách "Quan sát những hệ thống của cuộc sống" của hai tác giả Fritjof Capra và Pier Luigi Luisi, 2014.
Thông tin về tác phẩm : www.cambridge.org/9781107011366

THS sưu tầm và lược dịch….09/10/2020.


Bài đăng phổ biến từ blog này

Trung Quốc đang đụng đầu với khủng hoảng ?

Nỗi sợ ngân hàng gây thêm đau đầu cho nền kinh tế Trung Quốc.

Xung đột vũ trang ở Biển Đông.