QUAN ĐIỂM HỆ THỐNG VỀ CUỘC SỐNG...P IV.

 

Hình Internet

QUAN ĐIỂM HỆ THỐNG VỀ CUỘC SỐNG.
GIỚI THIỆU IV.

Sinh thái học sâu sắc.

Sự hiểu biết mới có tính khoa học về sự sống ở tất cả các cấp độ của hệ thống sống - sinh vật, hệ thống xã hội và hệ sinh thái - dựa trên nhận thức về thực tại, vốn có ý nghĩa sâu sắc không chỉ cho khoa học và triết học, mà còn cho cả chính trị, kinh doanh, chăm sóc sức khỏe, giáo dục, và nhiều lĩnh vực khác trong cuộc sống hàng ngày. Do đó, rất thích hợp để kết thúc phần giới thiệu của chúng tôi bằng một cuộc thảo luận ngắn gọn, về bối cảnh xã hội và văn hóa của quan niệm mới về cuộc sống.

 

Như chúng tôi đã đề cập, Zeitgeist ("tinh thần của thời đại") của đầu thế kỷ XXI đang được định hình bởi một sự chuyển đổi các mô hình một cách sâu sắc, được đặc trưng bởi sự thay đổi các phép ẩn dụ từ thế giới như một cỗ máy sang thế giới như một mạng lưới kết nối. Mô hình mới có thể được gọi là 'thế giới quan toàn diện', coi thế giới như một tổng thể tích hợp chứ không phải là một thế giới được thu gom từ các bộ phận rời rạc. Nó cũng có thể được gọi là một quan điểm sinh thái, mà thuật ngữ "sinh thái" được sử dụng với ý nghĩa rộng hơn và sâu hơn nhiều, so với ý nghĩa thông thường. Từ nhận thức sinh thái một cách sâu sắc, sẽ nhận ra sự phụ thuộc lẫn nhau một cách cơ bản của tất cả các hiện tượng, và thực tế cho thấy rằng, những cá nhân và các xã hội, tất cả chúng ta đều bị nhúng vào (và cuối cùng phụ thuộc vào) quá trình tuần hoàn của Thiên nhiên.

Ý nghĩa thuật ngữ “sinh thái” mà chúng ta sử dụng được liên kết với một trường phái triết học cụ thể, được thành lập vào đầu những năm 1970 bởi nhà triết học Na Uy, Arne Naess (1912–2009) với sự phân biệt giữa sinh thái “nông” và sinh thái “sâu” (xem Devall và Sessions, 1985). Kể từ đó, sự phân biệt này được chấp nhận rộng rãi như một thuật ngữ rất hữu ích, vì nó đề cập đến một sự phân chia quan trọng trong tư tưởng về môi trường hiện nay.

'Sinh thái nông' là 'nhân học', hay lấy con người làm trung tâm. Nó xem con người ở trên hoặc ở bên ngoài thiên nhiên, và là nguồn gốc của mọi giá trị, và gán cho giá trị của thiên nhiên chỉ là 'công cụ' hay "công dụng". 'Hệ sinh thái sâu' không tách con người - hay bất cứ thứ gì khác - ra khỏi môi trường tự nhiên. Nó coi thế giới không phải là một tập hợp các vật thể biệt lập, mà là một mạng lưới kết nối các hiện tượng, về cơ bản, liên kết với nhau và phụ thuộc lẫn nhau. 'Sinh thái sâu' thừa nhận giá trị nội tại của mọi sinh vật và coi con người chỉ là một thành phần đặc biệt trong mạng lưới của cuộc sống.

Cuối cùng, nhận thức sinh thái sâu là nhận thức tâm linh. Khi khái niệm về tinh thần con người được hiểu như là kiểu ý thức, mà ở đó mỗi cá nhân cảm nhận được một cảm giác gắn kết với vũ trụ như một tổng thể, nó trở nên rõ ràng rằng, nhận thức sinh thái là vấn đề tâm linh trong bản chất sâu xa nhất của nó. Vì thế, khi tầm nhìn mới về thực tại xuất hiện, dựa trên nhận thức sinh thái sâu, nó phù hợp với cái gọi là "triết lý bất diệt” của các truyền thống tâm linh, như chúng ta thảo luận trong Chương 13.

Arne Naess mô tả 'hệ sinh thái sâu' theo một cách khác. Ông viết, “bản chất của sinh thái học sâu sắc là đặt ra những vấn đề thâm sâu hơn ” (trích dẫn bởi Devall và Sessions, 1985, tr. 74). Đây cũng là bản chất của một chuyển đổi mô hình. Chúng ta cần chuẩn bị để đặt câu hỏi về mọi khía cạnh riêng rẻ của mô hình cũ. Cuối cùng, chúng ta sẽ không cần phải từ bỏ mọi khái niệm và ý tưởng cũ của chúng ta, nhưng quan trọng hơn chúng ta phải biết rằng, chúng ta cần sẵn sàng đặt câu hỏi về mọi thứ. Vì vậy, 'sinh thái học sâu' đặt ra những câu hỏi sâu sắc về chính nền tảng của thế giới quan và lối sống duy vật, cận đại, có tính khoa học, công nghiệp, định hướng tăng trưởng của chúng ta. Nó đặt câu hỏi cho toàn bộ mô hình này từ một quan điểm sinh thái: từ quan điểm về mối quan hệ của chúng ta với người khác, với thế hệ tương lai và với chuỗi phức tạp của cuộc sống mà chúng ta đang dự phần.

Trong bản tóm tắt ngắn gọn của chúng tôi về sự xuất hiện 'quan điểm hệ thống về cuộc sống' trong Lời nói đầu, chúng tôi đã nhấn mạnh những thay đổi trong nhận thức và cách suy nghĩ. Tuy nhiên, sự chuyển đổi mô hình rộng lớn hơn cũng liên quan đến những thay đổi của các giá trị tương ứng. Và ở đây, thật thú vị khi lưu ý một kết nối nổi bật giữa những thay đổi của tư duy và các giá trị. Cả hai đều có thể được coi là sự chuyển đổi từ 'tự quyết đoán' sang 'hòa nhập'. Hai khuynh hướng này - tự quyết đoán và tính hòa nhập - đều là những khía cạnh thiết yếu của tất cả các hệ thống sống, như chúng ta thảo luận trong Chương 4. Bản chất của chúng đều không tốt hay xấu. Điều gì được gọi là tốt, hay lành mạnh, đó là một sự cân bằng động; điều gì được gọi là xấu, hoặc không lành mạnh, đó là sự mất cân bằng - quá chú trọng vào một xu hướng và bỏ bê xu hướng khác. Khi chúng ta nhìn vào nền văn hóa công nghiệp hiện đại của mình, chúng ta thấy rằng chúng ta đã quá đề cao tính tự quyết đoán và bỏ qua các khuynh hướng hòa hợp với môi trường. Rõ ràng điều này ở cả trong suy nghĩ lẫn giá trị của chúng ta. Sẽ rất hữu ích khi đặt những khuynh hướng đối lập nhau nằm cạnh nhau. (xem hình)

Khi nhìn vào bảng này, chúng ta chú ý rằng các giá trị 'tự quyết đoán' - cạnh tranh, mở rộng, thống trị - thường liên quan đến nam giới. Thật vậy, trong các xã hội phụ hệ, họ không chỉ được ưu ái mà còn được ban thưởng về kinh tế và quyền lực chính trị. Đây là một lý do tại sao việc chuyển đổi sang một hệ thống giá trị cân bằng hơn là rất khó khăn đối với hầu hết mọi người, và đặc biệt là đối với hầu hết nam giới.

Quyền lực, theo nghĩa thống trị người khác, là sự tự quyết đoán quá mức. Cấu trúc xã hội mà quyền lực được sử dụng hiệu quả nhất là hệ thống phân cấp thứ bậc. Thật vậy, cấu trúc chính trị, quân đội và công ty của chúng ta, được sắp xếp theo thứ bậc, với nam giới thường chiếm giữ cấp trên và phụ nữ ở cấp dưới. Hầu hết những người đàn ông này và cũng có một số phụ nữ, đã xem vị thế của họ trong hệ thống phân cấp như là một phần xác định 'danh tính' của họ, và do đó, sự chuyển đổi đến một hệ thống giá trị khác sẽ tạo ra nỗi sợ hãi liên quan đến sự sống còn trong họ.

Tuy nhiên, có một loại quyền lực khác, thích hợp hơn với mô hình mới - quyền lực do sự trao quyền của người khác. Cấu trúc lý tưởng để áp dụng loại quyền lực này không phải là hệ thống phân cấp thứ bậc, mà là mạng lưới kết nối, một phép ẩn dụ trọng tâm của mô hình sinh thái. Trong mạng xã hội, mọi người được trao quyền khi họ kết nối được với mạng lưới. Quyền lực như sự trao quyền có nghĩa là tạo điều kiện thuận lợi cho sự kết nối này. Các trung tâm mạng với những kết nối phong phú nhất, trở thành những trung tâm quyền lực. Họ kết nối nhiều người với mạng lưới và do đó được tìm thấy như là cơ quan có thẩm quyền trong các lĩnh vực khác nhau. Quyền hạn của họ cho phép những trung tâm này trao quyền cho mọi người bằng cách tự kết nối với nhiều mạng lưới hơn.

Câu hỏi về giá trị rất quan trọng đối với 'hệ sinh thái sâu'. Trong thực tế, giá trị là đặc điểm xác định hệ sinh thái sâu. Trong khi mô hình cơ học dựa trên các giá trị nhân học (lấy con người làm trung tâm), 'hệ sinh thái sâu' được đặt nền tảng trong các giá trị lấy sinh thái làm trọng tâm (lấy Trái đất làm trung tâm). Đó là một thế giới quan thừa nhận giá trị vốn có của cuộc sống không lấy con người làm trung tâm, thừa nhận rằng mọi sinh linh đều là các thành viên của cộng đồng sinh thái, gắn kết với nhau trong một mạng lưới, phụ thuộc lẫn nhau. Khi 'nhận thức sinh thái sâu' này trở thành một phần trong nhận thức hàng ngày của chúng ta, một hệ thống đạo đức mới, hoàn hảo, xuất hiện.

Ngày nay cần có một nền đạo đức sinh thái sâu sắc như vậy, đặc biệt là trong khoa học, vì hầu hết những gì mà các nhà khoa học làm, không phải là để tăng cường sự sống và bảo tồn sự sống mà là hủy diệt sự sống. Với các nhà vật lý thiết kế hệ thống vũ khí hủy diệt hàng loạt, các nhà hóa học làm ô nhiễm môi trường toàn cầu, các nhà sinh học tung ra các loại vi sinh vật mới, chưa từng được biết mà không hề biết hậu quả, các nhà tâm lý học và các nhà khoa học khác hành hạ động vật với nhân danh tiến bộ khoa học - với tất cả các hoạt động này đang diễn ra, việc đưa các tiêu chuẩn “đạo đức sinh thái” vào khoa học có vẻ là việc làm cấp bách nhất.

Trong bối cảnh sinh thái học sâu sắc, tầm nhìn dựa trên trải nghiệm tâm linh cho thấy rằng, các giá trị vốn có sẳn trong mọi sự sống, thiên nhiên và 'cái tôi' là một. Mở rộng 'cái tôi' này ra mọi hướng để đồng nhất với thiên nhiên là nền tảng thích hợp của đạo đức sinh thái, như Arne Naess đã công nhận rõ ràng:

"Quan tâm đến dòng chảy sự sống, thì dĩ nhiên 'cái tôi' được mở rộng và sâu sắc đến mức cảm nhận được và hiểu ra được sự tự nguyện bảo vệ Thiên nhiên là bảo vệ cho chính mình. . . Cũng như chúng ta không cần đạo đức để khiến cho chúng ta thở. . . [vậy] nếu 'cái tôi' của bạn theo nghĩa rộng bao hàm một sinh linh khác, bạn không cần phải hô hào đạo đức để thể hiện sự chăm sóc cho sinh linh đó. . . Bạn chăm sóc cho bản thân bạn mà không cảm thấy bất kỳ áp lực đạo đức nào để tự nguyện chăm sóc cho sinh linh đó." (trích theo Fox, 1990, trang 217)

Theo triết gia sinh thái Warwick Fox (1990), điều này ngụ ý, mối liên hệ giữa một nhận thức sinh thái về thế giới và hành vi tương ứng, không phải là một kết nối logic mà là một kết nối tâm lý. Logic không dẫn chúng ta ra khỏi thực tế rằng, chúng ta là một phần không thể thiếu trong chuỗi phức tạp của cuộc sống với những chuẩn mực nhất định, trong đó bao hàm cách thức mà chúng ta nên sống. Tuy nhiên, nếu chúng ta có trải nghiệm dựa trên 'sinh thái sâu' và nhận ra rằng, chúng ta là một phần trong chuỗi phức tạp của cuộc sống, thì sau đó chúng ta chắc chắn sẽ (trái ngược với nên,) có ý thích quan tâm đến mọi sự sống. Thật vậy, chúng ta chắc chắn là không thể kềm hảm việc hưởng ứng phương cách này.

Bằng cách gọi tầm nhìn mới về thực tại đang xuất hiện là “sinh thái” theo nghĩa sinh thái sâu sắc, chúng tôi nhấn mạnh rằng sự sống là trọng tâm của “sinh thái”. Đây là một vấn đề quan trọng đối với khoa học, bởi vì mô hình vật lý cơ học đã là mô hình và nguồn gốc của phép ẩn dụ cho tất cả các ngành khoa học khác. “Mọi triết lý sống giống như một cái cây,” Descartes viết (trích dẫn bởi Vrooman, 1970, p. 189). “Rễ cây là siêu hình học, thân cây là vật lý học, và tất cả các nhánh là những ngành khoa học khác.”

Quan điểm hệ thống về cuộc sống đã vượt qua phép ẩn dụ này của Descartes. Vật lý, cùng với hóa học, là cái cần thiết để hiểu hành vi của các phân tử trong tế bào sống, nhưng nó không đủ để mô tả các mô hình và quy trình tự tổ chức của chúng. Do đó, ở cấp độ của các hệ thống sống, vật lý đã đánh mất vai trò là ngành khoa học cung cấp sự mô tả thực tại cơ bản nhất. Ngày nay, điều này vẫn chưa được công nhận bởi hầu hết mọi người. Các nhà khoa học cũng như những người không phải là nhà khoa học, thường giữ niềm tin phổ biến rằng “nếu bạn thực sự muốn biết lời giải thích cuối cùng, bạn phải hỏi một nhà vật lý”, đó rõ ràng là một ngụy biện của Descartes. Sự chuyển đổi mô hình trong khoa học, ở cấp độ sâu nhất của nó, liên quan đến sự chuyển đổi tri giác từ vật lý sang khoa học đời sống.


Trích từ cuốn sách "Quan điểm hệ thống về cuộc sống" (The systems view of life ) của Fritjof Capra và Pier Luigi Luisi.

Bản quyền của Fritjof Capra and Pier Luigi Luisi, 2014.

Thông tin về tác phẩm : www.cambridge.org/9781107011366

_ Fritjof capra là giám đốc sáng lập Trung tâm xóa mù chữ ở Berkeley, California, và là giáo sư giảng dạy tại đại học Schumacher College (Vương quốc Anh). Ông là một nhà vật lý học, nhà lý thuyết hệ thống, và đã tham gia vào một cuộc kiểm tra về những tác động có tính hệ thống của khoa học đương đại đối với triết học và xã hội trong 35 năm qua .

_ Pier luigi luisi là Giáo sư Hóa sinh tại Đại học Rome 3. Ông bắt đầu sự nghiệp tại Viện Công nghệ Liên bang Thụy Sĩ ở Zurich, Thụy Sĩ (ETHZ), nơi mà ông trở thành giáo sư hóa học chính thức và khởi xướng 'Tuần lễ Cortona' liên ngành. Nghiên cứu chính của ông tập trung vào các khía cạnh thực nghiệm, lý thuyết và triết học về nguồn gốc của sự sống và sự tự tổ chức của các hệ thống tổng hợp nhân tạo và thiên nhiên.

THS sưu tầm và lược dịch…..05/10/2020.


Bài đăng phổ biến từ blog này

Trung Quốc đang đụng đầu với khủng hoảng ?

Nỗi sợ ngân hàng gây thêm đau đầu cho nền kinh tế Trung Quốc.

Xung đột vũ trang ở Biển Đông.