Chiến tranh thương mại của Donald Trump đã làm giảm ảnh hưởng của Mỹ đối với thương mại châu Á.

Việc châu Á rào chắn chống lại những rủi ro thương mại, xuất phát từ mặt trái của cách tiếp cận chiến tranh thương mại của chính quyền Trump, có thể gây ra những hậu quả chính trị và chiến lược dài hạn, không lường trước được đối với Hoa Kỳ.

Ảnh: Reuters

James Przystup….Ngày 19 tháng 11 năm 2020…Theo National Interest.

Trần H Sa lược dịch.

Nếu Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương là ưu tiên chính sách đối ngoại hàng đầu của Hoa Kỳ, thì việc cấu trúc một trật tự thương mại dựa trên các quy tắc rõ ràng là một phần còn thiếu trong chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương Tự do và Cởi mở của chính quyền Trump đối với khu vực. Như Đại sứ Singapore, Bilahari Kausikan đã nhận xét “ Ở Đông Á, thương mại là chiến lược .”

Mảnh ghép còn thiếu trong chiến lược của Mỹ là câu chuyện về sự rút lui của Washington và sự tiến lên của Tokyo như là nhà quán quân của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương, TPP 11. Đó cũng là câu chuyện hiện nay của RCEP, Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực. Gần hai năm sau khi TPP 11 có hiệu lực, Bắc Kinh, với việc ký kết RCEP, một hiệp định thương mại tự do (FTA) gồm mười lăm quốc gia, có thể khẳng định vị trí lãnh đạo kinh tế như một nhà vô địch của toàn cầu hóa và hợp tác đa phương.

Câu chuyện mảnh ghép bị mất tích bắt đầu ở Úc. Tổng thống Barack Obama, trong bài diễn văn của ông vào ngày 17 tháng 11 năm 2011 trước Quốc Hội Úc, đưa ra các yếu tố căn bản về kinh tế cho sự tái cân bằng đến châu Á - nhìn về tương lai kinh tế của Mỹ, châu Á được đánh giá  là “khu vực phát triển nhanh nhất trên thế giới … giải quyết việc làm và cơ hội cho người dân Mỹ”. Chính quyền Obama đã coi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) là trụ cột kinh tế trong cam kết chiến lược của Hoa Kỳ với khu vực. Ngoại trưởng Hillary Clinton ban đầu coi TPP là “tiêu chuẩn vàng trong các hiệp định thương mại nhằm mở cửa thương mại tự do, minh bạch, công bằng - một môi trường có pháp quyền và là một sân chơi bình đẳng”.

Bất chấp sự ủng hộ mạnh mẽ từ Phòng Thương mại Hoa Kỳ và cộng đồng doanh nghiệp Hoa Kỳ, TPP đã trở thành nạn nhân của chính trị trong nước, bị từ chối vào năm 2016 bởi ứng cử viên tổng thống đảng Dân chủ Hillary Clinton và bị ứng viên đảng Cộng hòa Donald Trump công kích. Vào ngày 23 tháng 1 năm 2017, Tổng thống Trump đã rút Hoa Kỳ khỏi TPP. Chính sách thương mại sau đó của ông tập trung vào các thỏa thuận thương mại song phương - ở châu Á, một FTA với Hàn Quốc, một thỏa thuận Tiếp cận thị trường với Nhật Bản và một thỏa thuận thương mại Giai đoạn Một với Trung Quốc.

Tuy nhiên, bằng việc rút khỏi TPP, tổng thống Trump đã làm tổn thương cho tầm nhìn Mỹ về một trật tự dựa trên luật pháp. Quyết định của Trump đưa Hoa Kỳ ra khỏi các quy tắc thiết lập chuẩn mực của TPP, ở vào thời điểm mà sự năng động kinh tế của khu vực, bất chấp chiến tranh thương mại Mỹ-Trung và những gián đoạn do coronavirus gây ra, vẫn tiếp tục tiến tới hội nhập.

Trong khoảng trống được tạo ra bởi quyết định của Tổng thống Trump, chính phủ Abe đã tập hợp lại các quốc gia còn lại trong TPP và thông qua ngoại giao tận tâm đã mang nó trở lại thành công vào ngày 30/12/2018, với tên gọi Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương. Thỏa thuận thành lập một khu thương mại tự do gồm 11 quốc gia — Nhật Bản, Malaysia, Singapore, Việt Nam, Brunei, Australia, New Zealand, Chile, Peru, Mexico và Canada — một thị trường với dân số khoảng 500 triệu người, GDP hàng năm ước tính 10 nghìn tỷ USD.

Đồng thời, trước những bất ổn nảy sinh từ cách tiếp cận chiến tranh thương mại của chính quyền Trump đối với thương mại, các đối tác liên minh ở Ấn Độ -Thái Bình Dương đã chuyển sang xem xét các cấu trúc thương mại khác. Vào ngày 15 tháng 11 năm nay, tại Hội nghị Cấp cao ASEAN ở Hà Nội, các quốc gia thành viên của ASEAN cùng với Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand đã đạt được thỏa thuận về Hiệp định thương mại tự do Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP). Các nước RCEP chiếm 30% tổng sản phẩm quốc nội của thế giới và chiếm 30% dân số thế giới. Sau tám năm đàm phán khó khăn, cuối cùng, đối với Nhật Bản cũng như các thành viên khác của TPP 11, việc mở rộng khả năng tiếp cận thị trường Trung Quốc là điều không thể cưỡng lại được.

Bình luận về RCEP, Alexander Capri, giáo sư tại Trường Kinh doanh thuộc Đại học Quốc gia Singapore, cho biết thỏa thuận này “củng cố tham vọng địa chính trị khu vực rộng lớn hơn của Trung Quốc, xung quanh Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường”. Gareth Leather, Chuyên gia kinh tế châu Á về Kinh tế tư bản tại Asian Economics, đã viết rằng RCEP cho phép Bắc Kinh trở thành "nhà vô địch của toàn cầu hóa và hợp tác đa phương." Thủ tướng Trung Quốc, Lý Khắc Cường, đánh giá thỏa thuận là một “thỏa thuận mang tính bước ngoặt của hợp tác khu vực Đông Á” và là một “chiến thắng của chủ nghĩa đa phương và thương mại tự do.”

Trong khi đó, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc tiếp tục thảo luận hướng tới một hiệp định thương mại tự do ba bên. Và Hiệp định FTA Nhật Bản - EU có hiệu lực từ ngày 1/2/2019.

Ngày nay, việc châu Á rào chắn chống lại những rủi ro thương mại, xuất phát từ mặt trái của cách tiếp cận chiến tranh thương mại của chính quyền Trump, có thể gây ra những hậu quả chính trị và chiến lược dài hạn, không lường trước được đối với Hoa Kỳ.

Quản lý các mối quan hệ kinh tế quan trọng của Mỹ với khu vực sẽ là một thách thức to lớn đối với chính quyền nhậm chức vào ngày 20 tháng 1 năm 2021. Bất kể việc rút khỏi TPP, sự tham gia kinh tế của Hoa Kỳ ở Ấn Độ - Thái Bình Dương là rất quan trọng. Trong năm 2017, Hoa Kỳ có giá trị là “ nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất ” trong khu vực với thương mại hai chiều ở khu vực đạt tổng trị giá 1,8 nghìn tỷ đô la. Đây là số tiền đóng góp đáng kể trong một khu vực đang tiến nhanh để cấu trúc một trật tự thương mại dựa trên quy tắc — mà không có sự tham gia của Hoa Kỳ.

Như Wendy Cutler đã viết , RCEP nên được coi là một "Lời kêu gọi thức tỉnh cho Hoa Kỳ về Thương mại." Trong mối quan hệ Mỹ-Trung ngày càng cạnh tranh, đã đến lúc Hoa Kỳ phải thức tỉnh. Nhìn vào nhưng đứng ngoài những liên quan thương mại, ở ngoài các thể chế đề ra các quy tắc không phục vụ lợi ích kinh tế và lợi ích chiến lược của Mỹ ở Ấn Độ - Thái Bình Dương. Nó không phải là một vị trí lãnh đạo dành cho Hoa Kỳ.

_ James J. Przystup là thành viên cao cấp tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc gia tại Đại học Quốc phòng Quốc gia. Các quan điểm được tác giả trình bày trong bài viết này là của riêng ông ấy và không đại diện cho quan điểm hoặc chính sách của Đại học Quốc phòng Quốc gia, Bộ Quốc phòng, hoặc chính phủ Hoa Kỳ.


Bài đăng phổ biến từ blog này

Trung Quốc đang đụng đầu với khủng hoảng ?

Nỗi sợ ngân hàng gây thêm đau đầu cho nền kinh tế Trung Quốc.

Xung đột vũ trang ở Biển Đông.