Chiến lược toàn cầu 2021: Chiến lược của đồng minh dành cho Trung Quốc. PHẦN I

Làm việc cùng nhau, các đồng minh chung chí hướng và các đối tác có thể thúc đẩy lại lợi ích và giá trị một thời của họ, cùng hệ thống dựa trên quy tắc rộng lớn hơn, đồng thời chống lại thách thức của thế kỷ XXI do Đảng Cộng sản Trung Quốc đặt ra.

Ảnh của trang Hội đồng Đại Tây dương.

Chiến lược này được thực hiện với sự cộng tác của các chuyên gia từ mười nền dân chủ hàng đầu.

LỜI TỰA.

Sau Thế chiến thứ hai, Hoa Kỳ cùng các đồng minh và đối tác đã thiết lập một hệ thống quốc tế dựa trên luật lệ. Mặc dù chưa từng hoàn hảo, nó đã góp phần vào hàng thập kỷ không có chiến tranh giữa các cường quốc, tăng trưởng kinh tế phi thường và giảm nghèo đói trên thế giới. Nhưng hệ thống này ngày nay phải đối mặt với những thử thách khác nhau, từ đại dịch toàn cầu và biến đổi khí hậu, đến gián đoạn kinh tế và sự hồi sinh tình trạng cạnh tranh giữa các cường quốc.

Như Henry Kissinger đã chỉ ra, trật tự thế giới phụ thuộc vào sự cân bằng quyền lực và các nguyên tắc hợp pháp. Sự trỗi dậy của quyền lực Trung Quốc đang làm căng thẳng cho cả hai khía cạnh của hệ thống dựa trên luật lệ hiện có. Trung Quốc được hưởng lợi từ hệ thống này và không tìm cách lật đổ nó như Hitler đã làm với trật tự quốc tế ở những năm 1930, nhưng Trung Quốc muốn sử dụng sức mạnh của mình để thay đổi các quy tắc phục vụ cho riêng nó để nâng cao chiến thắng của mình. Bắc Kinh đang hướng sự gia tăng kinh tế, ngoại giao và quân sự của mình nhằm nắm lấy các mục tiêu địa chính trị theo chủ nghĩa xét lại. Trong khi chúng ta từng hy vọng rằng Trung Quốc sẽ trở thành một phía mà chúng ta coi là “bên liên quan có trách nhiệm” trong hệ thống dựa trên luật lệ, thì Chủ tịch Tập Cận Bình đã dẫn dắt đất nước của ông ta theo hướng đối đầu nhiều hơn.

Một số nhà phân tích đang miêu tả một cuộc Chiến tranh Lạnh mới, nhưng ẩn dụ lịch sử này đã hiểu sai bản chất của thách thức mới. Liên Xô là một mối đe dọa trực tiếp về quân sự và ý thức hệ, và hầu như không có sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế hoặc xã hội trong mối quan hệ của chúng ta. Với Trung Quốc ngày nay, chúng ta có nửa nghìn tỷ đô la thương mại và hàng triệu mối giao lưu xã hội. Hơn nữa, với hệ thống “thị trường-chủ nghĩa Lênin”, Trung Quốc đã học cách khai thác sự sáng tạo của thị trường dưới sự kiểm soát của đảng Cộng sản độc tài. Họ đã công bố ý định sử dụng hệ thống này để thống trị mười công nghệ quan trọng vào năm 2025. Chúng ta và các đồng minh của chúng ta không bị đe dọa bởi sự xuất khẩu chủ nghĩa cộng sản của Trung Quốc - rất ít người xuống đường ủng hộ tư tưởng Tập Cận Bình - mà chúng ta bị đe dọa bởi một hệ thống phụ thuộc lẫn nhau. Trung Quốc đã trở thành đối tác thương mại hàng đầu của nhiều quốc gia hơn Mỹ. Tách một phần sự phụ thuộc ở các vấn đề an ninh như Huawei (được thảo luận bên dưới) là điều cần thiết, nhưng tách toàn bộ tổng thể kinh tế của chúng ta khỏi sự phụ thuộc lẫn nhau sẽ cực kỳ tốn kém; và thậm chí là không thể trong trường hợp phụ thuộc lẫn nhau về các vấn đề sinh thái như biến đổi khí hậu hoặc đại dịch trong tương lai. Bất kể hậu quả ra sao, chúng ta đã bị nhốt trong một “sự cạnh tranh hợp tác” trong đó chúng ta phải làm hai việc trái ngược nhau cùng một lúc.

Giải quyết thách thức với Trung Quốc sẽ đòi hỏi nỗ lực tập thể của Hoa Kỳ cùng các đồng minh và đối tác, trong đó chúng ta tận dụng hiệu quả các nguồn lực sức mạnh cứng và sức mạnh mềm để tự vệ và củng cố hệ thống dựa trên luật lệ. Một số người bi quan nhìn vào quy mô dân số, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc và tin rằng nhiệm vụ này là bất khả thi. Nhưng ngược lại, nếu chúng ta nghĩ về các tiêu chuẩn trong các liên minh của chúng ta, tổng hợp sự giàu có của các nền dân chủ phương Tây - Mỹ, Châu Âu, Nhật Bản - sẽ vượt xa Trung Quốc trong thế kỷ này. Một chiến lược rõ ràng với các mục tiêu được xác định rõ ràng mà không ước tính quá thấp hoặc quá mức về Trung Quốc là điều cần thiết cho thời điểm hiện tại. Trong hai năm qua, Hội đồng Đại Tây Dương đã triệu tập các cuộc họp cấp cao bao gồm các chiến lược gia và chuyên gia để đưa ra chỉ tiêu chính xác đó.

Trong tài liệu này, Chiến lược Toàn cầu 2021: Chiến lược của Đồng minh dành cho Trung Quốc , Matthew Kroenig và Jeffrey Cimmino, cùng với các chuyên gia cộng tác viên từ mười nền dân chủ hàng đầu thế giới, đề xuất một chiến lược hợp lý và có thể hành động để giải quyết thách thức Trung Quốc. Chiến lược nêu rõ các mục tiêu dài hạn ngắn hạn rõ ràng, và một số yếu tố chiến lược quan trọng để giúp đạt được các mục tiêu đó.

Trước tiên, tài liệu kêu gọi tăng cường các đồng minh có chung chí hướng và các đối tác, cũng như hệ thống dựa trên quy tắc cho một kỷ nguyên mới với sự cạnh tranh giữa các cường quốc. Ví dụ, điều này sẽ đòi hỏi ưu tiên đổi mới, sửa chữa cơ sở hạ tầng và thiết lập các thể chế mới để tăng cường hợp tác dân chủ. Một chiến lược thành công phải bắt đầu ở xứ sở của mỗi bên tham gia.

Thứ hai, các đồng minh chung chí hướng và các đối tác nên bảo vệ chống lại hành vi của Trung Quốc đe dọa phá hoại các nguyên tắc cốt lõi của hệ thống dựa trên luật lệ. Thực thi yếu tố này sẽ có nghĩa là cấm Trung Quốc tham gia vào các lĩnh vực kinh tế sống còn đối với an ninh quốc gia, chống lại các hoạt động gây ảnh hưởng của Trung Quốc, răn đe và, nếu cần, phòng vệ chống lại sự xâm lược quân sự của Trung Quốc ở Ấn Độ-Thái Bình Dương.

Thứ ba, các tác giả nhận ra rằng Trung Quốc cũng đưa ra một cơ hội, và các tác giả khuyến nghị rằng các đồng minh có chung chí hướng và các đối tác hội nhập với Trung Quốc từ một thế mạnh để hợp tác trên các lợi ích chung và cuối cùng, đưa Trung Quốc vào hệ thống dựa trên luật lệ được hồi sinh và thích ứng. Do đó, cần nỗ lực hợp tác với Trung Quốc trên các vấn đề có lợi ích chung, bao gồm sức khỏe cộng đồng, kinh tế toàn cầu, không phổ biến vũ khí hạt nhân và môi trường toàn cầu.

Họ lập luận rằng mục tiêu mong muốn của chiến lược không phải là cạnh tranh vĩnh viễn hay lật đổ Đảng Cộng sản Trung Quốc, mà là thuyết phục các nhà lãnh đạo Trung Quốc rằng lợi ích của họ được phục vụ tốt hơn bằng cách hợp tác với nhau ở bên trong, chứ không phải là thách thức hệ thống quốc tế dựa trên luật lệ. Họ tạo sự chú ý đến cả cạnh tranh và khả năng hợp tác trong mối quan hệ.

Tài liệu trình bày một khuôn khổ chiến lược hợp lý, một kế hoạch toàn diện và thiết thực để cho Hoa Kỳ và các đồng minh dân chủ của Mỹ tuân theo khi họ giải quyết thách thức Trung Quốc. Tôi ũng hộ các chuyên gia và các quan chức của Hoa Kỳ và của các quốc gia đồng minh nghiên cứu báo cáo chu đáo này. Thực hiện theo chiến lược này có thể giúp các nền dân chủ hàng đầu đối phó với thách thức Trung Quốc và thúc đẩy một hệ thống dựa trên quy tắc được phục hồi trong nhiều năm tới.


Joseph S. Nye,
Cựu Giáo sư Đại học Xuất sắc. Nguyên Khoa trưởng khoa Quản trị Công John F. Kennedy, Đại học Harvard.

Nguồn : https://www.atlanticcouncil.org/global-strategy-2021-an-allied-strategy-for-china/


Chiến lược toàn cầu 2021: Chiến lược của đồng minh dành cho Trung Quốc.

TÓM TẮT

Trong bảy mươi lăm năm qua, các đồng minh và đối tác chung chí hướng đã xây dựng một hệ thống quốc tế dựa trên các quy tắc nhằm tạo ra hòa bình, thịnh vượng và tự do với mức độ chưa từng có. Tuy nhiên, hệ thống này đang ngày càng căng thẳng, đặc biệt là từ sự tái xuất hiện cuộc cạnh tranh cường quốc với Trung Quốc. Sự quyết đoán ngày càng tăng của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đặt ra thách thức đáng kể đối với lợi ích và giá trị của các đồng minh và đối tác chung chí hướng và hệ thống dựa trên luật lệ.

THỬ THÁCH CỦA TRUNG QUỐC RÕ RỆT TRONG CÁC LÃNH VỰC KINH TẾ, NGOẠI GIAO, QUẢN TRỊ, AN NINH VÀ Y TẾ.

• Về kinh tế: Trung Quốc dính líu vào các hoạt động kinh tế không công bằng, vi phạm các tiêu chuẩn quốc tế, bao gồm: đánh cắp tài sản trí tuệ, trợ cấp cho các công ty quốc doanh để theo đuổi các mục tiêu địa chính trị, và hạn chế tiếp cận thị trường đối với các công ty nước ngoài. Nó cũng đang đầu tư các nguồn lực khổng lồ của nhà nước trong nỗ lực thống trị các công nghệ quan trọng của thế kỉ hai mươi mốt.
• Ngoại giao: Thông qua các kế hoạch đầy tham vọng, chẳng hạn như Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường, Trung Quốc đang mở rộng ảnh hưởng ngoại giao của mình ở mọi khu vực và có hành động gây hấn với các quốc gia chống lại hoặc chỉ trích Bắc Kinh. Tuy nhiên, chính sách ngoại giao cưỡng bức của nó đang bắt đầu gây ra phản ứng dữ dội.
• Quản trị: Mô hình kinh tế và chính trị theo kiểu 'chủ nghĩa tư bản nhà nước độc tài' của Trung Quốc là giải pháp thay thế đầu tiên đáng gờm đối với mô hình dân chủ thị trường mở vốn đã thành công kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc. Các nhà độc tài hiện tại và sắp tới có thể coi Trung Quốc như một hình mẫu để kết hợp sự kiểm soát độc tài với thành công về kinh tế. Ở nước ngoài, Trung Quốc đang sử dụng các công cụ “quyền lực sắc bén” để phá vỡ các hoạt động dân chủ và đang xuất khẩu các công nghệ giám sát hỗ trợ cho các chính phủ độc tài.
• An ninh: Trung Quốc tiếp tục mở rộng và hiện đại hóa quân sự kéo dài hàng thập kỷ, đồng thời đưa ra các yêu sách lãnh thổ sâu rộng và gia tăng các hoạt động tình báo và quân sự trên toàn cầu. Khả năng lớn mạnh của nó ngày càng đe dọa đến công cuộc phòng thủ tập thể của Hoa Kỳ với các đồng minh lâu đời ở Ấn Độ - Thái Bình Dương và xa hơn thế nữa.
• Sức khỏe: Trong một nỗ lực không thành công trong việc bảo vệ hình ảnh của mình, ĐCSTQ đã dập tắt thông tin về loại coronavirus mới, bịt miệng những người cố gắng lên tiếng về nó và sử dụng ảnh hưởng của mình trong Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) để cản trở những nỗ lực của toàn cầu để hiểu biết và hành động nhanh chóng nhằm giảm thiểu sự lây lan của vi rút.

ĐCSTQ đặt ra một thách thức rõ ràng đối với hệ thống quốc tế dựa trên luật lệ, nhưng có những lĩnh vực mà Trung Quốc và các quốc gia hàng đầu khác chia sẻ lợi ích và có thể phát triển một mối quan hệ hợp tác hơn, bao gồm cả về kinh tế toàn cầu, kiểm soát vũ khí, không phổ biến vũ khí giết người hàng loạt, môi trường và viện trợ phát triển.

Tài liệu Chiến lược của Hội đồng Đại Tây Dương này đề xuất một chiến lược toàn diện để cho các đồng minh và đối tác có chung chí hướng nên giải quyết những thách thức và cơ hội được bày ra bởi Trung Quốc như thế nào.

Qua các đồng minh và đối tác chung chí hướng, các tác giả muốn nói đến một số danh mục các quốc gia hàng đầu. Sự tham gia tích cực của các nền dân chủ hùng mạnh có tầm quan trọng lớn lao, bao gồm các quốc gia thuộc D-10 (Hoa Kỳ, Nhật Bản, Đức, Vương quốc Anh, Pháp, Ý, Canada, Hàn Quốc và Úc, cộng với Liên minh Châu Âu), và các đồng minh NATO khác. Các đối tác chính thức và không chính thức khác (như Ấn Độ, Thụy Điển, Phần Lan, Brazil, Indonesia, Philippines, Việt Nam, Singapore, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất và các đối tác khác) cũng sẽ hữu ích trong việc thực hiện các yếu tố khác nhau của chiến lược này.

CHIẾN LƯỢC NÀY PHÁC THẢO BAO QUÁT CÁC MỤC TIÊU DÀI HẠN, NGẮN HẠN SAU ĐÂY.

• Dài hạn: Các đồng minh và đối tác chung chí hướng muốn có một mối quan hệ ổn định với Trung Quốc, tránh đối đầu lâu dài và cho phép hợp tác trên các vấn đề cùng chung lợi ích và cùng quan tâm. Họ muốn Trung Quốc trở thành một thành viên có trách nhiệm của một hệ thống dựa trên quy tắc đã được sửa đổi và điều chỉnh, nhằm tôn trọng quyền riêng tư và lợi ích hợp pháp của Trung Quốc. Vấn đề là một mối quan hệ như vậy sẽ khó đạt được dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình và thế hệ lãnh đạo ĐCSTQ hiện tại, những người đã đưa Trung Quốc vào con đường đối đầu hơn.
• Ngắn hạn: Do đó, trong khi chờ đợi, các đồng minh và đối tác chung chí hướng phải ngăn chặn Trung Quốc tiếp tục đe dọa lợi ích của họ trong các lĩnh vực kinh tế, ngoại giao, quản trị, an ninh và y tế công cộng. Chiến lược này nhằm ngăn chặn, răn đe, chống lại và áp đặt cái giá phải trả cho các hành động vi phạm các quy tắc và chuẩn mực quốc tế phổ biến của Trung Quốc. Chiến lược tìm cách định hình hành vi của Trung Quốc theo hướng tích cực bằng cách chứng minh với Bắc Kinh rằng việc thách thức các đồng minh và đối tác có chung chí hướng là quá khó và tốn kém. Đồng thời, các đồng minh và đối tác có chung chí hướng nên duy trì các đường dây liên lạc cởi mở, tìm các lĩnh vực hợp tác lẫn nhau và làm việc để thuyết phục giới lãnh đạo Trung Quốc rằng lợi ích của Bắc Kinh sẽ được phục vụ tốt hơn bằng cách sinh hoạt bên trong hệ thống, chứ không phải là thách thức hệ thống dựa trên quy tắc được phục hồi và thích ứng.

Chiến lược này được xây dựng dựa trên cách tiếp cận theo hai hướng :

1) Tìm kiếm sự hợp tác sâu rộng hơn với các đồng minh, đối tác và các quốc gia có chung chí hướng để phát triển một chiến lược phối hợp nhằm chống lại và tham gia với Trung Quốc; và
2) Tham gia với Trung Quốc trên các vấn đề mà nếu có thể hợp tác, và hướng tới việc xây dựng một hệ thống dựa trên quy tắc được phục hồi và thích ứng.

CHIẾN LƯỢC ĐƯỢC TẠO NÊN QUA BA YẾU TỐ CHỦ YẾU.

1) Tăng cường sức mạnh: Các đồng minh và đối tác chung chí hướng nên củng cố bản thân và hệ thống dựa trên luật lệ cho một kỷ nguyên mới với sự cạnh tranh giữa các cường quốc. Họ nên
• Tạo điều kiện phục hồi sau cuộc khủng hoảng sức khỏe hiện tại và suy thoái kinh tế do đại dịch gây ra;
• Ưu tiên cho đổi mới và công nghệ mới nổi bằng cách tăng cường chi tiêu cho nghiên cứu và phát triển, đầu tư vào giáo dục STEM (khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học) và bảo đảm chuỗi cung ứng;
• Đầu tư sửa chữa và làm mới cơ sở hạ tầng, bảo đảm nó kết hợp với công nghệ tiên tiến, bao gồm khả năng của mạng internet không dây thế hệ thứ năm (5G);
• Khẳng định lại ảnh hưởng trong các thể chế đa phương hiện có, bằng cách thúc đẩy các ứng cử viên vào các vị trí lãnh đạo mà họ ủng hộ việc duy trì quản trị toàn cầu cởi mở và minh bạch;
• Tạo ra các thể chế mới để tạo điều kiện hợp tác giữa các đồng minh và đối tác chung chí hướng ở Châu Âu, Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và trên toàn cầu; và
• Phát triển các khả năng quân sự và các khái niệm hoạt động mới để đạt được một thế trận chiến đấu đáng tin cậy trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

2) Phòng thủ: Các đồng minh và đối tác có chung chí hướng nên bảo vệ chống lại hành vi gây mất ổn định của Trung Quốc và áp đặt cái giá phải trả cho những vi phạm đang diễn ra liên tục của Bắc Kinh nhắm vào các nguyên tắc cốt lõi của hệ thống dựa trên luật lệ. Họ nên :
• Cấm Trung Quốc tham gia vào các lĩnh vực kinh tế sống còn đối với an ninh quốc gia;
• Cùng áp đặt các biện pháp trả đủa, bao gồm thuế quan, đối với các ngành công nghiệp bị ảnh hưởng tiêu cực bởi các hoạt động không công bằng của Trung Quốc;
• Cùng chống lại sự cưỡng bức kinh tế của Trung Quốc bằng cách giảm sự phụ thuộc kinh tế vào Trung Quốc và cung cấp các cơ hội trả đủa kinh tế cho các đồng minh và các đối tác dễ bị tổn thương;
• Chống lại các hoạt động gây ảnh hưởng của Trung Quốc và bảo vệ nền dân chủ và quản trị tốt;
• Phối hợp các hình phạt đối với Trung Quốc khi nước này sử dụng các công cụ cưỡng chế, chẳng hạn như bắt giữ tùy tiện công dân nước ngoài, để gây áp lực với nước sở tại của họ;
• Nêu bật tham nhũng và vi phạm nhân quyền của ĐCSTQ và khuyến khích cải cách nhân quyền ở Trung Quốc; và
• Duy trì sự cân bằng quyền lực có triển vọng vượt lên Trung Quốc ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương để răn đe và nếu cần, bảo vệ chống lại sự xâm lược của Trung Quốc.

3) Tương tác: Các đồng minh và đối tác có chung chí hướng nên tham gia vào Trung Quốc để hợp tác vì lợi ích chung từ một vị thế mạnh. Họ nên :
• Duy trì các đường dây liên lạc cởi mở với Trung Quốc, ngay cả khi cạnh tranh gia tăng;
• Tìm cách hợp tác với Trung Quốc trên các vấn đề cùng quan tâm, bao gồm sức khỏe cộng đồng, nền kinh tế toàn cầu, không phổ biến vũ khí hạt nhân và môi trường, mà không ảnh hưởng đến các giá trị cốt lõi; và
• Tham gia với Trung Quốc, về lâu dài, đưa Trung Quốc vào một hệ thống dựa trên quy tắc được phục hồi và thích nghi.

Ba phần của chiến lược này được kết nối với nhau. Các đồng minh và đối tác có chung chí hướng sẽ cần củng cố bản thân — cả trong nước và các mối quan hệ của họ — để chuẩn bị cho một thời kỳ cạnh tranh mới giữa các cường quốc. Do đó, điều này sẽ đặt họ vào vị trí tốt hơn để chống lại hành vi đe dọa của Trung Quốc. Bằng cách thể hiện quyết tâm của tập thể và sự sẵn sàng áp đặt cái giá phải trả lên Bắc Kinh, các đồng minh và đối tác có chung chí hướng sẽ có thể tham gia một cách xây dựng với Trung Quốc, đồng thời giúp thuyết phục Bắc Kinh rằng cách tiếp cận hiện tại của họ là vô ích và rằng lợi ích của họ sẽ được phục vụ tốt hơn bằng cách hợp tác hoặc thỏa thuận với hệ thống dựa trên quy tắc, thay vì thách thức nó.

Trong thế kỷ XX, các đồng minh và đối tác có chung chí hướng đã hợp tác với nhau nhiều lần để đánh bại những kẻ chuyên quyền thách thức theo chủ nghĩa xét lại. Làm việc cùng nhau, họ có thể một lần nữa nâng cao lợi ích và giá trị của mình, cũng như hệ thống dựa trên luật lệ rộng lớn hơn, và chống lại thách thức của thế kỷ XXI do Đảng Cộng sản Trung Quốc đặt ra.

Trong một số trường hợp trước đây, các cựu đối thủ đã trở thành đồng minh thân thiết. Nếu thành công, chiến lược này cuối cùng sẽ giúp mang lại một tương lai hợp tác, trong đó Trung Quốc không phải là đối thủ, mà là một thành viên không thể thiếu của một hệ thống quốc tế mạnh mẽ và bền vững dựa trên luật lệ.


_ Các tác giả : Matthew Kroenig và Jeffrey Cimmino, cùng với các chuyên gia cộng tác viên từ mười nền dân chủ hàng đầu thế giới.

Nguồn : https://www.atlanticcouncil.org/wp-content/uploads/2020/12/Global-Strategy-2021-An-Allied-Strategy-for-China.pdf

Trần Hoàng Sa lược dịch.


Bài đăng phổ biến từ blog này

Trung Quốc đang đụng đầu với khủng hoảng ?

Nỗi sợ ngân hàng gây thêm đau đầu cho nền kinh tế Trung Quốc.

Xung đột vũ trang ở Biển Đông.