Đe dọa thương mại bằng chiến binh sói của Trung Quốc đã bị phản tác dụng.

Các quốc gia châu Á và phương Tây bị trừng phạt đang hình thành liên minh thống nhất và tẩy chay, thay đổi chuỗi cung ứng.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Australia Scott Morrison đã có mâu thuẫn từ mùa xuân, khi Australia kêu gọi một cuộc điều tra độc lập về nguồn gốc của loại coronavirus mới. (Nguồn ảnh AP và Reuters) 
.

HIROYUKI AKITA, Ngày 9 tháng 12 năm 2020. Theo Nikkei Asia.

Trần H Sa lược dịch.

TOKYO - Tin rằng khi thương mại gia tăng, các quốc gia trở nên ít tranh chấp hơn đã được đồng thuận cách đây khoảng 20 năm khi cộng đồng toàn cầu tranh luận về việc có nên cho phép Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới hay không.

Nhưng giả thuyết đó, được các chuyên gia quan hệ quốc tế có tư tưởng tự do duy trì từ lâu, đang bị thách thức khi Chủ tịch Tập Cận Bình và chính phủ của ông khai thác sự phụ thuộc thương mại của các nước khác vào Trung Quốc, và khi họ ngày càng sử dụng sự phụ thuộc này như một xu hướng ngoại giao.

Càng ngày Bắc Kinh càng có nhiều yêu cầu các quốc gia khác tuân theo lập trường của họ, áp đặt các biện pháp trừng phạt thương mại đối với những quốc gia không tuân theo đường lối của họ. Điển hình cho cách tiếp cận của Trung Quốc là chiến dịch gây áp lực chống lại Australia.

Vào tháng 4, Úc đã kêu gọi một cuộc điều tra độc lập về nguồn gốc coronavirus mới. Sau đó, Trung Quốc hạn chế nhập khẩu thịt bò từ Úc, với lý do lo ngại về bán phá giá và kiểm dịch. Nó cũng áp đặt một mức thuế bổ sung hơn 80% đối với lúa mạch nhập khẩu từ Úc.

Đầu tháng trước, Trung Quốc đã đình chỉ nhập khẩu đồng, rượu vang, than đá, gỗ và ba mặt hàng khác của Úc, theo tường trình của báo chí ở cả hai nước. Các biện pháp trừng phạt đã giáng một đòn mạnh vào Australia, quốc gia vốn đã gửi hơn 30% hàng hóa xuất khẩu sang Trung Quốc.

Các thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới đã tung xúc xắc khoảng 20 năm trước khi họ đồng ý cho phép Trung Quốc cộng sản tham gia vào tổ chức. © Reuters

Sau sự bùng phát của coronavirus, Trung Quốc trở nên hung hăng hơn bằng lời nói và việc làm, đối xử với các đối thủ của mình theo cách được gọi là "ngoại giao chiến binh sói".

Do đó, không có gì ngạc nhiên khi Bắc Kinh cũng đang áp dụng chính sách thương mại chiến binh sói chống lại một số khá nhiếu các quốc gia khác. Vào năm 2019, Trung Quốc áp dụng các biện pháp hạn chế đối với nhập khẩu từ Canada, quốc gia đã bắt giữ một giám đốc điều hành hàng đầu của Huawei Technologies, nhà sản xuất thiết bị viễn thông nổi tiếng của Trung quốc.

Trung Quốc đã đình chỉ xuất khẩu đất hiếm sang Nhật Bản và thúc đẩy tẩy chay các sản phẩm do Hàn Quốc sản xuất vì xích mích ngoại giao. Philippines và Na Uy cũng đã phải nhận sự báo thù của Trung Quốc.

Trung Quốc không phải là quốc gia lớn đầu tiên sử dụng các biện pháp thương mại để gây sức ép ngoại giao. Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu đã thường xuyên áp đặt các hạn chế đối với các chế độ độc tài, với lý do nhân quyền và các mối quan tâm khác.

Tuy nhiên, việc Trung Quốc áp dụng các biện pháp hạn chế thương mại mang tính trừng phạt, bổ sung thêm một yếu tố nguy hiểm cho thương hiệu "xử dụng bạo lực" mang tầm quốc tế này.

Các quan chức thương mại và các chuyên gia khác ở các nước lớn chỉ ra hai rủi ro.

Thứ nhất, các biện pháp trừng phạt của Trung Quốc, vi phạm các quy định của WTO, vốn đã được áp dụng rộng rãi. Trong vòng 10 đến 20 năm qua, đã có hơn 100 trường hợp Trung Quốc gây áp lực với các nước bằng cách đe dọa hoặc thực hiện các hạn chế đối với thương mại và đầu tư, hoặc bằng cách kích động các chiến dịch tẩy chay hàng hóa nhập khẩu, theo một báo cáo vào tháng 9 của Viện Chính sách Chiến lược Úc ( ASPI ) .

ASPI đã thống kê được 29 trường hợp chống lại châu Âu, 20 trường hợp chống lại Úc và New Zealand, 19 trường hợp chống lại Mỹ và Canada, và 16 trường hợp chống lại các nước Đông Á.

Thứ hai, các biện pháp trừng phạt tùy tiện của Trung Quốc có tác động toàn cầu không thể so sánh được so với các biện pháp trừng phạt của các nước lớn khác, vì Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất của hơn 130 quốc gia và khu vực.

Tuy nhiên, Trung Quốc sẽ tự gây thương tích nếu tiếp tục áp dụng các biện pháp trừng phạt thương mại đối với các đối tác mà Trung Quốc cho rằng họ đã coi thường nó về mặt ngoại giao.

Michael Shoebridge, giám đốc chiến lược quốc phòng của ASPI và chương trình an ninh quốc gia nói "Trung Quốc lầm tưởng nếu họ đánh giá rằng các lệnh trừng phạt thương mại sẽ buộc Australia phải thay đổi chính sách và do đó cho các nước châu Á và châu Âu thấy rằng họ cũng cần phải sợ và tuân theo Trung Quốc. Tính toán như vậy là sai. Thay vào đó, việc ép buộc chỉ củng cố quyết tâm và sự gắn kết của Australia, và nhiều quốc gia sẽ nhận thức rõ hơn về nguy cơ ngày càng tăng bởi sự phụ thuộc kinh tế vào Trung Quốc. Họ sẽ đẩy nhanh nỗ lực đa dạng hóa các điểm xuất khẩu và chuỗi cung ứng, do đó họ sẽ có thể tăng cường khả năng phục hồi của cá nhân và tập thể trước các biện pháp cưỡng chế của Trung Quốc ”.

Các quốc gia đang thực hiện loại hành động mà Shoebridge đề cập. Nhật Bản, Mỹ và châu Âu đang tìm cách xem xét các chuỗi cung ứng vốn đã bị nghiêng về phía Trung Quốc. Các biện pháp trừng phạt mạnh tay cũng đang gây ra phản ứng dữ dội từ các quốc gia khác - và khiến họ xích lại gần nhau.

Liên minh Liên nghị viện về Trung Quốc, bao gồm các nhà lập pháp từ 19 trong số các cơ quan lập pháp dân chủ trên thế giới, trong tháng này đã phát động chiến dịch mua rượu vang của Úc để thể hiện tình đoàn kết của họ với Úc.

Và đằng sau những cánh cửa đóng kín, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương, một liên minh quân sự giữa các nước châu Âu và các quốc gia Bắc Mỹ, cùng với Five Eyes, một liên minh tình báo bao gồm Mỹ, Anh, Australia, Canada và New Zealand, đang nghiên cứu các biện pháp để chống lại Trung Quốc, theo các nguồn tin ngoại giao. Các quan chức cao cấp của NATO đang đưa ra những tuyên bố có liên quan đến chính sách thương mại của Trung Quốc, các nguồn tin cho biết.

Một người mua hàng đọc nhãn một chai rượu vang Úc trong siêu thị ở Hàng Châu, thuộc tỉnh Chiết Giang phía đông Trung Quốc, vào ngày 27 tháng 11 năm 2020. © AP

Hiện tại, các thành viên NATO và Five Eyes sẽ chia sẻ liên tục và chặt chẽ các thông tin liên quan đến xu hướng sử dụng các biện pháp thương mại của Trung Quốc để đáp trả sự trừng phạt. Các thành viên cũng sẽ xem xét một lựa chọn để ngay lập tức đặt vấn đề với nhau khi bất kỳ ai trong số họ đứng trước mối đe dọa từ Trung Quốc và cùng kêu gọi Bắc Kinh rút lại những đe dọa.

Trong tương lai, các thành viên có khả năng sẽ thảo luận về việc Nhật Bản và Ấn Độ có thể được đưa vào liên minh như thế nào.

Bên cạnh mối thù với Mỹ, Trung Quốc cũng đang can dự với Ấn Độ trong cuộc xung đột biên giới, Nhật Bản trong tranh chấp lãnh thổ và các quốc gia Đông Nam Á liên quan đến tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông.

Điều gì đang thúc đẩy Trung Quốc gây ra nhiều cuộc chiến như vậy?

Nhiều người theo dõi Trung Quốc đổ lỗi cho chính trị nội bộ chứ không phải ngoại giao. Theo các chuyên gia Trung Quốc, khi ông Tập coi Trung Quốc là đối thủ của Mỹ, các quan chức hàng đầu của Đảng Cộng sản, chính phủ và quân đội Trung Quốc cạnh tranh nhau để thể hiện lòng trung thành với nhà lãnh đạo Tập, bằng cách thực hiện các thái độ tầm quốc tế ngày càng quyết đoán.

Tại một cuộc họp trong nội bộ đảng vào tháng 4, ông Tập đưa ra mệnh lệnh nhằm tạo ra một cấu trúc mà sẽ khiến Trung Quốc có thể phản công mạnh mẽ khi bị nước ngoài trừng phạt, theo ấn bản ngày 1 tháng 11 của Qiushi, một tập san lý thuyết chính trị được đảng này xuất bản định kỳ. Cấu trúc này nhằm khai thác sự phụ thuộc của các nước khác vào chuỗi cung ứng đang được xây dựng ở Trung Quốc.

Nếu ông Tập thực sự thi hành lệnh này, điều đó có thể chỉ thúc đẩy hơn nữa việc thực thi các biện pháp trừng phạt thương mại kiểu chiến binh sói, sẽ rất khó để các trợ lý lùi bước. Điều này để lộ ra sự khiếm khuyết và yếu kém ở hệ thống chuyên chế của Tập.


Bài đăng phổ biến từ blog này

Trung Quốc đang đụng đầu với khủng hoảng ?

Nỗi sợ ngân hàng gây thêm đau đầu cho nền kinh tế Trung Quốc.

Xung đột vũ trang ở Biển Đông.