Nắm bắt lợi thế ở Châu Á - Thái Bình Dương.

Các tàu của Hải quân Hoa Kỳ thuộc nhóm tàu sân bay tấn công USS Ronald Reagan, tham gia vào đội hình cùng các tàu của Lực lượng Phòng vệ Hàng hải Nhật Bản (JMSDF) và Hải quân Hoàng gia Canada, trong khi các máy bay của Hải quân Hoa Kỳ, Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ, Không quân Hoa Kỳ, JMSDF, và Lực lượng Phòng vệ Trên không Nhật Bản bay theo đội hình trong cuộc tập trận huấn luyện Keen Sword 21. (Ảnh của Hải quân Trung úy Hoa Kỳ Samuel Hardgrove)

Eric Sayers, RADM (Ret) Mark Montgomery….Ngày 15 tháng 12 năm 2020 …Theo Foundation for Defense of Democracies ( FDD, Nền tảng bảo vệ các nền dân chủ )

Trần H Sa lược dịch.

Cán cân quân sự ngày nay ở Tây Thái Bình Dương là sản phẩm từ nỗ lực 25 năm thành công của Trung Quốc, nhằm xây dựng khả năng quân sự đặc biệt nhằm ngăn chặn nguy cơ gặp rủi ro từ các lực lượng trên không và hàng hải của Mỹ. Kể từ cuộc khủng hoảng eo biển Đài Loan vào giữa những năm 1990, Trung Quốc đã sốt sắng hoạt động để khai thác các điểm yếu trong lực lượng Hoa Kỳ và làm giảm thiểu sức mạnh của Hoa Kỳ. Địa lý, chiến lược và hệ thống quân sự của Trung Quốc đặt các lực lượng quân sự của Mỹ - và các lợi ích của Mỹ mà quân đội Mỹ bảo vệ - trước nguy cơ đáng kể. Có lý do để tin rằng Bắc Kinh có thể phát động thành công một cuộc tấn công chớp nhoáng nhằm chiếm lấy mục tiêu hoặc chiếm lấy một lợi thế chiến lược. Điều này, tuần tự, sẽ buộc Washington hoặc chấp nhận kết quả từ một việc đã rồi vốn không mong muốn, hoặc tham gia vào một cuộc xung đột quân sự có nguy cơ cao để đánh bật lực lượng quân đội giải phóng nhân dân Trung quốc, (PLA).

Để tránh viễn cảnh này và bảo vệ các lợi ích kinh tế và an ninh quốc gia quan trọng, Hoa Kỳ - cùng với các đồng minh và đối tác trong khu vực - phải thực hiện một loạt các thay đổi về tư thế quân sự, các phát triển học thuyết và những đầu tư năng lực.

Khi bắt đầu Chiến tranh Lạnh vào cuối những năm 1940 và đầu những năm 1950, Washington đã thiết lập các liên minh an ninh mới và xây dựng một hệ thống các căn cứ quân sự trên toàn cầu. Phản ánh một sự đồng thuận chiến lược về nhu cầu phòng thủ tiền phương, những căn cứ này được thiết kế để bảo vệ lợi ích của Mỹ bằng cách đóng quân đáng kể trên biển, trên không và trên bộ ở cả châu Âu và châu Á. Bắt đầu từ những năm 1970, vì những lý do chính trị và ngoại giao khác nhau, Washington đã từ từ chuyển thế trận quân sự của Mỹ ra khỏi các căn cứ ở miền Nam Việt Nam và Thái Lan (1975), Đài Loan (1979), Philippines (1991), và từ những năm 1990 củng cố ở Đông Bắc Á (Nhật Bản và Hàn Quốc), nơi có phần lớn lực lượng của Mỹ. Trong hai thập kỷ đầu Trung Quốc nỗ lực hiện đại hóa (1994 đến 2012), thế lực của Mỹ ở châu Á phần lớn vẫn lờ đờ trì trệ.

Bắt đầu từ năm 2012, chính quyền Obama theo đuổi một nỗ lực khiêm tốn nhằm hiện đại hóa và tái bố trí lực lượng của Mỹ ở châu Á. Mục tiêu là phát triển một thế trận mới "tản mác về mặt địa lý, co giản về mặt hoạt động và bền vững về mặt chính trị". Điều này có nghĩa là củng cố các năng lực ở Đông Bắc Á và thiết lập các khả năng mới ở Đông Nam Á.

Những thay đổi này bao gồm việc chuyển đổi một tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân có khả năng hơn, đóng ở tuyến đầu tại Nhật Bản và hiện đại hóa sự cất cánh của máy bay trên tàu sân bay. Hoa Kỳ cũng bố trí thêm hai tàu khu trục và một phi đội máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm ở Nhật Bản, một tàu ngầm bổ sung và dàn tên lửa của Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối ( Terminal High Altitude Area Defense - THAAD) ở Guam và Hàn Quốc, cùng tàu chiến đấu duyên hải luân phiên ở Singapore. Washington tiếp tục ký một thỏa thuận hợp tác quốc phòng mới với Philippines và thiết lập sự hiện diện lâu dài của Lực lượng Không quân và Thủy quân lục chiến Mỹ ở Australia.

Những nỗ lực này đã tạo ra những cơ hội để xây dựng một thế trận bền vững tại các địa điểm mới và phù hợp cho chiến trường. Một số nỗ lực đã đóng góp trực tiếp vào những hoạt động, đặc biệt là các sáng kiến ​​của Không quân Hoa Kỳ ở Bắc Úc. Những sáng kiến khác, chẳng hạn như sáng kiến ​​huấn luyện của Thủy quân lục chiến ở Úc và các tàu chiến đấu duyên hải luân phiên ở Singapore, tập trung nhiều hơn vào việc huấn luyện, trấn an các đồng minh và đối tác nhưng ít tăng thêm sức mạnh chiến đấu hoặc chống lại các lực lượng Trung Quốc.

Nói tóm lại, trong khi quân đội Mỹ bắt đầu cải thiện cơ sở hạ tầng vật chất và khả năng quân sự của mình cho chiến trường, thì tốc độ thay đổi có phần chậm chạp, kết hợp với sự tăng trưởng và hiện đại hóa lực lượng của Trung Quốc, đã góp phần liên tục gây nguy hiểm cho sự thay đổi cán cân quyền lực quân sự.

Để tiến triển, Hoa Kỳ phải thiết lập đủ lực lượng và khả năng cho chiến trường để ngăn chặn hành vi xâm lược, và cho phép có đủ lực lượng tăng cường đến kịp thời nếu việc ngăn chặn thất bại. Có một số bước mà Hoa Kỳ nên thực hiện không thể chậm trể.

Lầu Năm Góc nên bắt đầu bằng cách đưa Trung Quốc trở thành ưu tiên rõ ràng trong Chiến lược Quốc phòng (NDS) tiếp theo. NDS năm 2018 xác định rằng “các cuộc cạnh tranh chiến lược dài hạn với Trung Quốc và Nga là ưu tiên chính của Bộ.” Trong khi cả hai nước đó đều đe dọa lợi ích của Hoa Kỳ, nhưng thách thức kinh tế và quân sự dài hạn mà Trung Quốc đặt ra thì vượt hẳn Nga. NDS tiếp theo phải nêu rõ điều này. Các nhà hoạch định hành động, các nhà hậu cần và các nhà phát triển hệ thống vũ khí đều sẽ có cách xử lý thích hợp với NDS.

Lầu Năm Góc cũng phải thúc đẩy lợi thế tác chiến dưới mặt biển của mình. Một trong những lĩnh vực còn lại ở lợi thế bất đối xứng của Mỹ trước Trung Quốc, là lực lượng tàu ngầm tấn công của Mỹ. Hải quân Hoa Kỳ tự hào có những tàu ngầm tấn công có khả năng tấn công mạnh nhất trên thế giới, nhưng hạm đội này quá nhỏ và ngày càng nhỏ đi. Hạm đội được dự kiến ​​sẽ giảm từ 51 chiếc hiện nay xuống còn 42 chiếc vào năm 2027, khiến Hải quân chỉ còn 24 tàu ngầm, ít hơn so với kế hoạch hành động yêu cầu. Để khắc phục tình trạng thâm hụt ngày càng tăng này, Lầu Năm Góc cần bảo đảm rằng càng có nhiều tàu ngầm tấn công lớp Los Angeles được gia hạn thời gian sử dụng, thì kế hoạch hành động càng khả thi. Hải quân cũng phải nâng dần và duy trì tỷ lệ đóng mới tàu ngầm tấn công lên ba chiếc mỗi năm. Ngoài ra, Hải quân cũng cần tiếp tục bố trí lại các tàu ngầm đến Thái Bình Dương, bao gồm bằng cách bố trí các tàu ngầm lớp Virginia mới ở San Diego và Hawaii, và bố trí chiếc tàu ngầm thứ năm và cuối cùng là chiếc thứ sáu ở Guam. Để tiến triển, Quốc hội phải ưu tiên đầu tư vào cơ sở hạ tầng tác chiến dưới mặt biển của Mỹ, gồm : tàu ngầm tấn công, hệ thống giám sát đại dương và các phương tiện không người lái dưới biển.

Để đối phó với mối đe dọa ngày càng tăng từ PLA, Bộ Quốc phòng cũng phải chuyển sang một thế trận không quân phân tán hơn và sát thương hơn. Những nỗ lực của Trung Quốc nhằm đe dọa các sân bay, cơ sở hậu cần của Mỹ và đồng minh, với số lượng lớn tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo hiện đại, khiến ưu thế trên không của Mỹ gặp rủi ro. Để giải quyết mối đe dọa này, Hoa Kỳ phải có khả năng nhanh chóng điều chỉnh sức mạnh không quân tại mặt trận và phát triển các khái niệm hoạt động, từ đó tạo ra sức mạnh chiến đấu tối đa từ một kiến ​​trúc ngày càng kiên cường. Washington nên ưu tiên đầu tư sân bay mới :

1) Trên lãnh thổ tiền phương của Hoa Kỳ, bao gồm Guam, Palau và Yap ( phần cực tây của liên bang Micronesia, một đảo quốc nằm ở Thái Bình Dương, phía đông bắc của Papua New Guinea ), Tinian và Saipan (nằm trên quần đảo Mariana phía tây bắcThái Bình Dương ) ;

2) Trên các căn cứ hiện có ở Nhật Bản; và

3) Trên các địa điểm mà Hoa Kỳ có thể có quyền tiếp cận, bao gồm ở Úc, Singapore và Philippines.

Tại Nhật Bản, quân đội Mỹ nên xem xét điều động lại các máy bay chiến đấu tấn công hiện đang ở Căn cứ Không quân Kadena ở Okinawa sang các căn cứ ở miền bắc Nhật Bản. Làm như vậy sẽ phân phối sức mạnh tấn công và di chuyển một số máy bay chiến đấu tấn công ra xa khỏi tầm bắn của phần lớn các tên lửa tầm ngắn và tầm trung của Trung Quốc.

Ngoài ra, lực lượng chung cần cải thiện năng lực thế hệ thứ năm của mình ở Thái Bình Dương, đặt các máy bay F-35 của Không quân Mỹ ở Misawa ( thuộc tỉnh Aomori, Nhật Bản ) và bố trí các đơn vị mặt đất gồm máy bay E-2D của Hải quân Mỹ ở Guam và Nhật Bản. Ngoài ra, phi đội F-22 của Vệ binh Quốc gia Mỹ hiện đang ở Hawaii nên được chuyển giao cho Lực lượng Không quân hoạt động và chuyển đến Alaska, Guam, hoặc miền bắc Nhật Bản, để tăng cường khả năng sẵn sàng. Cuối cùng, Hoa Kỳ nên đầu tư vào các hệ thống phòng thủ tên lửa hành trình (Lục quân không còn có thể phòng thủ hiệu quả trước toàn bộ chuỗi tên lửa hành trình) và nên linh động chuyển đổi các trạm mà "hệ thống căn cứ không quân có thể triển khai" trong toàn bộ chiến trường. Điều này bao gồm lắp đặt hệ thống phòng không và tên lửa tích hợp để tận dụng các hệ thống cảm biến tiên tiến hiện tại.

Quân đội Mỹ cũng cần khôi phục lại cự ly gần của hệ thống tấn công của mình, tăng cường khả năng tiếp cận chiến trường, cải thiện khả năng và tính sẵn sàng của các loại đạn dược được bố trí trước ở đó. Trọng tâm hàng đầu nên là chiến lược răn đe bằng cách khắc chế trong lĩnh vực hàng hải, thông qua việc triển khai các mạng lưới tên lửa chống hạm và tấn công đất liền chồng lấn lên nhau. Điều này đòi hỏi sự chú trọng vào việc triển khai lâu dài các hệ thống có thể hoạt động bên trong chiến trường, bắt đầu với các máy bay ném bom tầm xa (hoạt động từ Guam, Úc và có thể là Alaska trong tương lai).

Thứ hai, Hoa Kỳ nên tìm cách luân chuyển số lượng lớn các hệ thống tấn công cơ động trên mặt đất, mà có thể khiến các mục tiêu trên biển và trên đất liền của Trung Quốc gặp rủi ro bằng vũ khí thông thường trên khắp chuỗi đảo thứ nhất. Các hệ thống này có thể được duy trì cho chiến trường ở Guam và sau đó được luân chuyển thường xuyên ở khắp các địa điểm tại Nhật Bản, Philippines, Australia và các nơi khác, nếu các quốc gia chủ nhà có thể được thuyết phục rằng một sáng kiến ​​như vậy hỗ trợ cho lợi ích chung.

Cuối cùng, nỗ lực này sẽ yêu cầu các hệ thống tấn công hàng hải có khả năng sống sót, cả bên trong chuỗi đảo đầu tiên (chẳng hạn như hệ thống tự động lặn và nổi với lượng súng đạn trên tàu ngầm ) và bên ngoài chuỗi đảo đầu tiên (tàu sân bay tấn công tầm xa có bệ tự động ). Các hệ thống này nên được ghép nối với một hệ thống giám sát và nhắm mục tiêu dựa trên không gian linh hoạt, có khả năng sống sót. Sự kết hợp giữa nền tảng cảm biến và vũ khí này sẽ chứng minh các tư thế hoạt động và hậu cần đáng tin cậy của Hoa Kỳ đối với các đồng minh và đối thủ.

Để đạt được tất cả những điều này, Bộ Quốc phòng nên thông qua một ngân sách diễn tập 5 năm cho châu Á-Thái Bình Dương, tương tự như Sáng kiến ​​Răn đe châu Âu, cho phép Bộ Tư lệnh Ấn Độ-Thái Bình Dương của Hoa Kỳ hướng nhiều nguồn lực hơn thông qua các ngân sách kiểm soát dịch vụ để giải quyết những thiếu sót. Một Sáng kiến ​​Răn đe Thái Bình Dương thu hút 1% tổng ngân sách quốc phòng hàng năm có thể sẽ đủ cho thách thức chính yếu này. Trong khi sự ủng hộ của Quốc hội là cần thiết, sáng kiến ​​này cũng đòi hỏi sự hỗ trợ đầy đủ của Ngũ Gíac Đài.

Những bước đi này nhằm cải thiện thế trận quân sự với vị trí tiền phương của Mỹ ở Thái Bình Dương, sẽ không dễ dàng hoặc rẻ tiền. Tuy nhiên, chúng cần thiết để bảo vệ các lợi ích kinh tế và an ninh quốc gia của Mỹ, và sẽ ít tốn kém hơn nhiều so với một cuộc xung đột quân sự với Trung Quốc. Các bước như vậy cũng được phục vụ như là một biện pháp răn đe, bằng cách tạo ra sự không chắc chắn cho các nhà hoạch định Trung Quốc trong khi cung cấp cho các nhà hoạch định Hoa Kỳ những công cụ cần thiết để giành ưu thế trong một cuộc xung đột nếu việc ngăn chặn bị thất bại.


_ RADM (Ret) Mark Montgomery : Giám đốc cao cấp Trung tâm Đổi mới Công nghệ và Mạng ( Center on Cyber and Technology Innovation - CCTI). Ông phục vụ 32 năm trong Hải quân Hoa Kỳ với tư cách là sĩ quan tác chiến mặt nước được đào tạo về hạt nhân, nghỉ hưu với tư cách Chuẩn đô đốc vào năm 2017.

Eric Sayers : thành viên thuộc Viện Doanh nghiệp Hoa Kỳ, cựu trợ lý đặc biệt ở Bộ tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ.


_

Bài đăng phổ biến từ blog này

Trung Quốc đang đụng đầu với khủng hoảng ?

Nỗi sợ ngân hàng gây thêm đau đầu cho nền kinh tế Trung Quốc.

Xung đột vũ trang ở Biển Đông.